Hành hương Thái Lan

Nhà thờ chánh tòa Assumption thuộc TGP Bangkok

Sau sự kiện ĐGH Phanxicô tông du Thái Lan, dường như nhiều công ty du lịch trước đây chỉ xem Thái Lan là một đất nước Phật giáo, một thiên đường du lịch có thể đáp ứng mọi nhu cầu của du khách từ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí, ngay cả những thú vui trác táng, phần nào đã “phát hiện” ra Thái Lan cũng có thể là một điểm hành hương đầy ý nghĩa đối với người Công giáo.

Hôm nay mình đã tiếp đại diện của một công ty du lịch tại nhà cộng đoàn vì công ty này muốn nhờ mình tư vấn về các nhà thờ có thể đưa vào chương trình hành hương của họ. Mặc dầu chủ công ty không phải là người Công giáo, nhưng vì khách của công ty có rất nhiều người theo đạo Công giáo nên họ muốn giới thiệu với các du khách thêm một mặt khác của đất nước Thái Lan.

Cũng không phải tình cờ khi chiều nay mình lại nhận thêm một tin nhắn từ một công ty du lịch khác tại Việt Nam xin tư vấn vì họ đang chuẩn bị đưa các đoàn hành hương qua Thái Lan và muốn có thông tin về nơi để có thể tổ chức hoặc tham dự Thánh lễ. Người nhắn tin cho hay công ty cũng đang muốn triển khai lĩnh vực du lịch hành hương đến Thái Lan với một hình ảnh khác ngoài hình ảnh là xứ chùa chiền.

Trên thực tế thì thời gian qua, ngay cả trước sự kiện chuyến tông du của ĐTC thì đã có nhiều đoàn đến hành hương Thái Lan, đặc biệt là các seour Dòng Mến Thánh Giá. Lý do Thái Lan là điểm đến ý nghĩa cho quý seour là vì vị sáng lập dòng MTG, Đức Cha Lambert De La Motte, được chôn cất tại nhà thờ thánh Giuse ở cố đô Ayutthaya. Vì thế các seour thường tổ chức các chuyến đi để viếng mộ của ngài.

Nhà thờ thánh Giuse cũng là nhà thờ đầu tiên của Thái Lan và mang một tầm quan trọng lịch sử và tinh thần không nhỏ cho giáo hội Thái. Cố đô Ayutthaya chỉ cách thành phố Bangkok 100km nên rất thuận tiện cho những chuyến hành hương đến ngôi nhà thờ lịch sử này. Năm nay đánh dấu 350 năm thành lập sứ vụ truyền giáo Xiêm La nên có nhiều sự kiện được tổ chức tại nhà thờ thánh Giuse cũng như có rất nhiều đoàn giáo dân đến đây để hành hương.

Mặc dầu Thái Lan là một xứ sở Phật giáo với những ngôi chùa đồ sộ hoành tráng, nhưng trong Thánh ý của Thiên Chúa thì hạt giống Tin Mừng cũng đã được gieo rắc trên vùng đất hiền hòa này và cũng đã nảy sinh hoa trái. Trong bài phát biểu của ĐHY Phanxicô Xavier Kriengsak trong dịp Thánh lễ đại trào được chủ sự bởi ĐTC Phanxicô tại SVD Suphachalasai, ngài đã nói rằng, tất cả mọi thành phần của Giáo hội Thái Lan “tạ ơn Thiên Chúa vì tình yêu và lòng thương xót của Người. Người đã ban phúc lành ‘nền văn minh tình yêu của Chúa Ki-tô’ cho tất cả các Kitô hữu Thái Lan. Đó là một ân ban đặc biệt vượt trên tất cả sự mong đợi của chúng con, ân ban này thậm chí không hề có trong kế hoạch ban đầu của các nhà truyền giáo khi đến đất nước chúng con. Nhưng tất cả những điều ấy không nằm ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa cho Giáo hội Công giáo tại Thái Lan, nhất là sau khi các nhà truyền giáo MEP (Đoàn truyền giáo của Hội thừa sai Paris) đã đề nghị lên Tòa thánh để bổ nhiệm Cha Louis Laneau làm giám mục đầu tiên của vùng truyền giáo Xiêm La vào năm 1669.”

Hai đất nước Thái Lan và Việt Nam cho dù không nằm sát nhau nhưng lại có một sự liên đới đặc biệt giữa hai giáo hội. Ngoài việc hai dòng Mến Thánh Giá Việt Nam và Thái Lan có chung một đấng sáng lập, thì tại Thái Lan có không ít người Công giáo mang dòng máu Việt. Người Công giáo Việt Nam đã bắt đầu di dư qua Thái Lan từ hơn 300 năm trước khi bị bách hại đạo trên quê hương, và còn có thêm những đợt di cư khác nữa theo các biến cố lịch sử của đất nước. Ngày nay, người Công giáo Việt Nam vẫn tiếp tục đến Thái Lan để làm việc, học tập và du lịch.

Đến hành hương Thái Lan để tìm hiểu thêm về lịch sử của Giáo hội Thái và để tiếp tục xây dựng mối liên đới giữa hai giáo hội là điều tốt lành để làm không chỉ trong dịp năm thánh của Giáo hội Thái Lan mà bất cứ thời điểm nào trong tương lai. Đã đến lúc người Việt Nam, đặc biệt là những người Công giáo đến đất nước này với những chương trình cho chuyến đi mang tính đạo đức, lành mạnh thay vì chỉ với mục đích vui chơi và hưởng thụ.

Bangkok, ngày 5.12.2019

No comments: