Bình tĩnh trong sự rối loạn



Tối hôm qua, lúc nửa đêm mình tỉnh giấc và trở người thì bổng nhiên mình bị xâm xoàng một cách khủng khiếp. Mình nhìn lên tường thấy ánh sáng phát ra từ máy điều hòa như đang nhảy múa không ngừng. Mình toát mồ hôi và cảm thấy buồn nôn. Trước đây mình cũng đã từng bị triệu chứng vertigo—rối loạn tiền định, nhưng chỉ nhẹ và chấm dứt sau một vài giây. Nhưng lần này, cơn xâm xoàng lâu hơn và nặng hơn rất nhiều. Sau khoảng 30 giây, cơn xâm xoàng dịu xuống. Mình nhắm mắt, thở nhẹ và nằm yên, không trở người. Trong tư thế đó mình cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng cứ nằm yên mãi thì cũng không được, thỉnh thoảng phải trở người một chút. Và mỗi lần trở người như thế cơn xâm xoàng lại trở lại.

Sáng ra, mình bước xuống giường từ từ để cho đầu não thích nghi với vị trí mới, tránh bị xâm xoàng, chóng mặt. Mình làm vệ sinh sáng, pha một ly cà phê đem ra ngồi trước nhà uống cho tỉnh táo. Nhưng trong người vẫn cảm thấy bần thần, khó chịu, và cảm giác buồn nôn vẫn chưa hết. Mình quyết định ra ngoài đường cái đón tuyến xe buýt 522 đi lên bệnh viện Rajavithi ở bên cạnh Tượng đài chiến thắng để gặp bác sĩ. Mặc dầu 7 giờ sáng đã bị kẹt xe trên đường cao tốc, nhưng mình cũng tới nơi trước 8 giờ.

Nghĩ đâu tới giờ đó bệnh viện sẽ chưa đông lắm, nhưng trên thực tế thì cả bệnh viện đã sôi nổi với cảnh bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện phục vụ hàng nghìn bệnh nhân. Bệnh viện Rajavithi là một trong những bệnh viện nhà nước lớn và tốt nhất Thái Lan nên có rất nhiều người đến đây để điều trị. Bệnh viện cũng có một khu vực riêng dành cho các bệnh nhân nước ngoài, và đó là nơi mình đã được hướng dẫn tới để được khám.

Để được vào gặp bác sĩ, mình phải qua một vài “trạm” thủ tục. Và sau khi gặp bác sĩ rồi thì phải đi qua một khu vực khác để xếp hàng nhận thẻ số thứ tự, chờ được kêu tên để thanh toán tiền thuốc, và xếp hàng để nhận thuốc. Từ khi đến bệnh viện cho đến khi ra khỏi bệnh viện với hai hộp thuốc trong tay (tổng chi phí khám và thuốc 275 baht), mất hơn 3 tiếng đồng hồ. Nếu đi bệnh viện tư nhân gần nhà thì chắc chắn sẽ chỉ mất 1/4 thời giờ và sẽ được phục vụ rất chu đáo, nhưng chi phí sẽ lên vài nghìn baht thay vì vài trăm baht.

Khi mình đang ở bệnh viện, mình có quan sát cung cách làm việc của các bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện. Cũng có những người ăn nói vui vẻ, nhỏ nhẹ. Nhưng cũng có những người có thái đó cau có, ít kiên nhẫn. Mặc dầu không thấy có ai quát mắng hay nói lời xúc phạm đến bệnh nhân, nhưng một số lời nói thiếu hòa nhã từ các nhân viên bệnh viện cũng phần nào làm mình cảm thấy cung cách phục vụ chưa thực sự tốt.

Thoạt đầu mình nghĩ vậy. Nhưng sau đó mình tự chất vấn và đặt mình vào vị trí của các nhân viên bệnh viện trong các khâu như tiếp nhận bệnh nhân, làm thủ tục, hướng dẫn lối đi, v.v. để xem mình sẽ ứng xứ như thế nào. Thực sự mà nói, cung cảnh ở bệnh viện nhìn thoáng không khác gì nhìn thấy trong bến xe vào dịp Tết là bao. Ở tất cả các khoa và khu vực bên trong lẫn bên ngoài bệnh viện đều chật ních người đang chờ làm thủ tục, đang xếp hàng để lấy số thứ tự, đang ngồi la liệt để chờ gặp bác sĩ. Có người phải chờ hàng giờ số của mình mới được thông báo trên loa. Mình tự hỏi bản thân, trong môi trường làm việc như thế, mình có thể lúc nào cũng ăn nói nhỏ nhẹ được không? Có thể lúc nào mình cũng tươi cười được không? Công bằng mà nói, những gì mà các nhân viên bệnh viện thể hiện, đặc biệt khi phải làm việc trong không gian náo loạn và chật chội như vậy ngày này qua ngày khác, còn tốt hơn mình có thể làm được.

Bản thân mình nhiều lúc cũng thể hiện sự nóng nảy và thiếu kiên nhẫn khi cảm thấy bị áp lực trong công việc, khi có những người tìm đến mình với những câu hỏi mà mình cho là không nên hoặc không đáng hỏi. Mình cũng có lời nói nặng nói nhẹ với một số người đã gửi tin nhắn cho mình để hỏi về các thông tin mà mình đã phổ biến rõ ràng trên Facebook. Cá nhân mình như vậy thì làm sao mình lại đòi hỏi những người đang làm việc trong một môi trường đầy áp lực như bệnh viện Rajavithi có thể làm tốt hơn? Thật ra, mình thấy họ thật đáng khen và cần đáng được thông cảm và cảm ơn. Vì họ mà mỗi ngày, có hàng chục nghìn người được chăm sóc y tế với phí bệnh viện thật mềm.

Trở về nhà từ bệnh viện, mình cảm thấy an tâm hơn. Triệu chứng xâm xoàng cũng đã hết, mặc dầu thuốc vẫn chưa uống. Có lẽ lời trấn an từ bác sĩ rằng vấn đề này không có gì cần phải quá lo ngại cũng đã làm cho tâm lý nhẹ nhàng hơn.

Bangkok, ngày 18.9.2019

No comments: