Chuyện buồn trên đất khách quê người


Sau những ngày cuối tuần bận rộn với nhiều sinh hoạt, sáng nay mình tự nhủ, "Hôm nay mình sẽ ở nhà để đọc sách, làm bài thi giữa kỳ. Rồi ban chiều sẽ đi tập thể dục ở câu lạc bộ vì gần hai tuần nay chưa có giờ đi tập". Nhưng vừa nghĩ xong điều này thì ít phút sau, mình nhận được một cuộc điện thoại đến từ một bạn trẻ người Việt. Bạn ấy nói với mình trên điện thoại: - Thưa cha, tối hôm qua anh của con chết. Không biết cha có thể sắp xếp để đến cử hành nghi thức cầu nguyện được không?

- Lý do qua đời là gì vậy? - Mình hỏi.

- Thưa cha anh bị nhồi máu cơ tim.

- Bao nhiêu tuổi rồi mà bị nhồi máu cơ tim vậy?

- Thưa cha, anh năm này 33 tuổi.

- Trời, mới 33 tuổi mà đã chết vì bị nhồi mau cơ tim sao?  Anh con tên thánh gì?

- Thưa cha, tên thánh Antôn.

- Vậy giờ con đang ở đâu?

- Con ở gần đường Phuthamonthon Sai 1.

- Nhà thờ ở  đó tên gì? Có phải tên Ngai Tòa Thành Phêrô không?

- Thưa cha con cũng không rõ nữa. Nhưng ở đây có một trường học. Để con hỏi người ở đây xem.

Người bạn trẻ nhờ một người Thái nói chuyện trên điện thoại với mình. Mình hỏi ông ta: - Nhà thờ ở đây tên gì?

Ông người Thái trả lời: - Tôi không biết tên nhà thờ. Nhưng trường học là trường học Thánh Phêrô. Ở đây khuôn viên rất lớn. Tôi đến đây để tập thể dục ban sáng.

Nghe ông người Thái nói vậy, mình đã chắc chắn đây là nhà thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô nơi sẽ được tổ chức Thánh lễ mừng Chúa Kitô Phục Sinh vào tháng 4 này. Tuy nhiên, mình chưa bao giờ đến nhà thờ này và cũng không rõ nó nằm ở đâu.

Bạn trẻ Việt Nam nói đã xin phép cha xứ cho gởi xác ở đây cho đến khi hoàn tất thủ tục để đưa về Việt Nam. Tuy nhiên, cha xứ yêu cầu phải có giấy chứng nhận của cảnh sát và bác sĩ trước khi được phép đưa quan tài đến. Mình nói với bạn ấy: - Vậy thì con cứ làm những gì cần làm. Khi nào xong thì gọi cho cha, cha sẽ đến ngay.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau, một bạn tên An gọi điện thoại tới gặp mình nói: - Thưa cha tụi con đã hoàn tất xong các giấy tờ để đưa quan tài tới nhà thờ. Không biết bây giờ cha có thể đến nhà trọ để làm nghi thức liệm xác được không?

- Được. - Mình trả lời. - Vậy thì bây giờ cha sẽ kêu taxi đi tới chỗ con. Nhưng cha không biết đường tới. Nên con phải chỉ cho taxi cách đi.

Thế là mình lật đật tắm rửa, thay áo quần, lấy cuốn sách các nghi thức và áo alba bỏ vào cặp sách ra ngoài đón taxi đi đến nhà trọ của người mới qua đời. Sau hơn một giờ đồng hồ trên xe taxi, đi nhầm đường vài vòng, và nhiều cuộc điện thoại giữa ông taxi và các bạn Việt Nam, thì mình cũng đã đến được nhà trọ của các bạn.

Đường đi vào nhà trọ là một con hẻm nhỏ. Khi đang đi tới phòng trọ, một bà người Thái đang ngồi trước nhà nói một cách chia sẻ: - Đưa anh ta về bình yên với vợ con anh nhé.

Khi đến nơi, mình thấy có khoảng trên 20 bạn trẻ đang tụ họp. Giữa sân là một chiếc hòm màu trắng.Một người thân nói với mình: - Hòm nảy gỗ mỏng quá. Sợ đi dọc đường ván văng ra mất. Các bạn trẻ bàn cải qua lại với người bán hòm, nhưng cuối cùng không thỏa thuận được nên quyết định giữ cái hòm. Những người Thái hàng xóm tỏ ra bức xúc với người bán quan tài vì làm ăn không lương thiện.

Một người thân trong gia đình đưa cho mình nhũng giấy tờ của cảnh sát và bác sĩ để xem. Anh nói: - Thưa cha, nhờ cha giúp chúng con dịch những văn bản này qua tiếng Anh. Đại Sứ Quán Việt Nam nói phải dịch qua tiếng Anh từ tiếng Thái mới làm thủ tục đưa xác về Việt Nam được.

Mình nhìn những văn bản tiếng Thái. Chỉ là những bản photo. Những bản gốc thì phía sở cảnh sát và bệnh viện giữ lại. Bản photo mờ, đọc rất khó. Nét chữ viết bằng tay của bác sĩ và cảnh sát mình cũng chịu. Mình nhờ người hàng xóm giúp đọc cho mình nghe rồi vừa nghe vừa dịch qua tiếng Anh. Mình xin giấy trắng A4. Các bạn trẻ Việt không có giấy. Một ông già người Thái hỏi: - Cậu cần mấy tờ? - Mình trả lời: - Thưa ông chỉ hai ba tờ thôi.

Ông già lật đật đi tới nhà nào đó, vài phút sau trở lại với một xấp giấy trắng A4. Ông nói giấy của nhà con gái ông. Họ có dịch vụ photocopy nên có giấy A4. Mình tìm chỗ để ngồi viết nhưng không có bàn. Mình nhìn thấy nhà hàng xóm có cái tủ bán kem cây. Mình xin cho dùng để làm bàn. Bà già chủ quán nói cứ tự nhiên. Mình ngồi xuống viết trong khi một cô người Thái cố gắng đọc những nét chữ ngoành nghoèo cho mình nghe. Có chữ viết nhỏ quá ba bốn người Thái xúm lại mà vẫn đọc không ra. Mình gợi ý: - Biết sơ sơ nội dung để tôi chuyển dịch là được rồi. Không cần chính xác 100% đâu.

Cuối cùng thì mình cũng hoàn tất cái văn bản để mang đi Đại Sứ Quán Việt Nam làm thủ tục đưa xác về quê để chôn cất. Xong việc chuyển ngữ văn bản, mình tiến hành việc làm nghi thức liệm xác. Phòng trọ của người qua đời năm trên tầng hai nên mọi người phải lên bên trên để tham dự nghi thức. Sau đó đưa xác xuống bên dưới để bỏ vào quan tài. Rồi đưa ra xe để di chuyển qua nhà thờ.

Sau khi làm xong những gì có thể, mình ra ngoài quán ăn phở với các bạn trẻ Việt Nam trước khi lên taxi về nhà lúc gần 4h chiều. Giờ này nếu không có gì trở ngại thì có lẽ linh cữu của anh Antôn cũng đang được di chuyển về quê hương của anh để được chôn cất. Anh ra đi một cách đột ngột. Xung quanh anh không có anh em ruột thịt, chỉ một ít bà con và người đồng hương. Tại quê nhà, gia đình của anh đang kiệt quỵ trước hung tin về cái chết quá đột ngột của anh. Anh để lại một người vợ và ba đứa con thờ. Đứa đầu 4 tuổi. Đứa thứ hai 2 tuổi, và đứa út chỉ mới 6 tháng. Ba đứa con này giờ phải mồ côi cha. Và tuổi của chúng cũng quá nhỏ để sau này có bất cứ ký ức gì về người cha của mình, đặc biệt khi người cha ấy phải xa vợ xa con lăn lộn ở xứ người để làm ăn lo cho gia đình.

Bangkok, ngày 3.3.2014


No comments: