Những cuộc gặp gỡ


Sáng nay mình dọn ra khỏi khách sạn để qua ở tại Trung Tâm Công Giáo của địa phận Khorad cũng năm trong khu vực trung tâm thành phố. Trước đây mình đã liên lạc được với cha Prayoon và ngài đã mời mình đến nghĩ ở TTCG. Vì ở Khorad nhiều ngày nên đến đây nghỉ sẽ tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ.


Cha Prayoon là người Thái nhưng nói tiếng Việt rất giỏi. Sau 1975 khi bắt đầu có hiện tượng người tị nạn Việt Nam sang Thái, ngài đã vào các trại tị nạn giúp đỡ người Việt. Từ đó ngài nói luôn được tiếng Việt. Quê ngài ở tỉnh Chon Thapburi, là một tỉnh giáp Kampuchia. Ngài cho hay ở đây có người Việt đến định cư từ hơn 300 trăm năm trước, do phải lẫn trốn sự bắt đạo tại Việt Nam thời ấy.


Nói chuyện với cha Prayoon xong, mình rời TTCG, bắt xe buýt đi đến trường cao đẳng C-Tech để xem thi đấu môn Wushu. Trường ở hơi xa, phải đi hỏi nhiều người mới đến nơi đến chốn. Hôm nay Việt Nam đã đạt được rất nhiều huy chương vàng từ môn này.


Khi việc thi đấu wushu kết thúc, mình lật đật ra đường đón xe buýt đi ngước về trường đại học Rajabhat để xem vòng sơ loại của môn thể hình. Việt Nam có ba người được lọt vào vòng chung kết diễn ra chiều mai ở các hạng cân khác nhau. Nhưng rất tiếc mình sẽ không đi xem được vì giờ thi đấu hơi trùng hợp với giờ đá banh, mà đó là trận bán kết giữa Việt Nam và Myamar. Trong giờ thi đấu, mình ngồi cạnh vận động viên cử tạ Hoàng Anh Tuấn. Hai người trò chuyện với nhau một lúc và biết thêm về các thành tích của Tuấn cũng như những vấn đề xoay quanh môn cử tạ mà Tuấn là thành viên sáng giá nhất của môn cử tạ Việt Nam.


Chương trình kết thúc, mình ra khỏi hội trường để làm việc mà mình đã làm nhiều lần trong những ngày qua, đó là hỏi đường về nhà. Mình đến hỏi một anh cảnh sát đang làm việc trật tự tại điểm thi đấu:


- Anh cho tôi hỏi về tượng đài Yamồ nên đi bằng cách nào?


Anh cảnh sát nghĩ một lát rồi hỏi lại:


- Anh có gấp không? Nếu không phiền hà, anh đợi tôi một lúc sẽ có xe đưa anh về.


- Vâng tôi không phải gấp gáp gì hết.


- Vậy anh đợi đây nhé.


Anh cảnh sát hỏi mình người gì? Mình trả lời người Việt. Anh lấy làm lạ:


- Người Việt sao nói tiếng Thái rõ vậy?


- Vì tôi đang học tiếng Thái ở Bangkok anh ạ. - Mình trả lời.


Những người cảnh sát xung quanh cũng đến trò chuyện với mình trong lúc chờ mọi người rời khỏi điểm thi đấu. Một anh cảnh sát khác nói:


- Các cô gái Việt Nam đẹp nhỉ.


- Vâng, cũng đẹp. - Mình trả lời. - Nhưng trong cuộc thi fitness hôm nay, các cô trình diễn không được hay mấy.


- Đúng rồi. Nhưng nếu cuộc thi hôm nay là cuộc thi nhan sắc thì chắc các cô gái Việt Nam sẽ thắng.


Họ lại hỏi mình chỉ cho họ cách nói "Em đẹp lắm" bằng tiếng Việt như thế nào. Có lẽ ngày mai gặp các cô họ sẽ đem câu ấy ra để khen.


Một lúc sau có xe đưa nhân viên cảnh sát về sở, và mình được mời lên đi theo, rồi được thả xuống ở tượng đài Yamồ.


Thời gian qua, nhưng bài nhật ký của mình về cảnh sát Thái Lan đa số xoay quanh các vấn đề bắt bớ những công nhân Việt Nam lao động bất hợp pháp tại Bangkok. Nhưng hôm nay mình không nhắc đến điều này, chỉ biết cũng có những người cảnh sát rất vui vẻ và tận tình giúp đỡ những vị khách đến thăm quê hương đất nước của họ.


Khorad, ngày 10.12.2007

No comments: