Dòng máu Viêt


Tối qua mình tham dự buổi cầu hồn cho một người Việt kiều Thái đã diễn ra tại giáo xứ. Bà Therese Lê Văn Ngọc qua đời ở tuổi 65 vì bệnh ung thư để lại một người chồng và hai người con cùng các cháu. Người em gái của bà từ Pháp cũng đã qua để tham dự đám tang. Bà Ngọc lấy chồng Thái hơn 40 năm nay và rời quê hương Sài Gòn sang Thái Lan để sống với chồng. Hai người con lớn đều đã có gia đình, không ai nói được tiếng Việt. Nhưng là người Công giáo, bà đã nuôi dạy con cái trong giáo hội và cả gia đình khá gắn bó với giáo xứ Dòng Chúa Cứu Thế. Chồng cũng theo đạo, nhưng gia đình phía chồng thì Phật giáo. Tối qua đa số những người đến tham dự buổi cầu hồn là bạn bè và gia đình từ phía chồng, vì thế mặc dầu phòng có đông người, nhưng tiếng đọc kinh khá yếu ớt. Em người quá cố cho hay gia đình bây giờ đang ở các nước Âu Châu và Mỹ nên không có nhiều người thân ở Thái Lan, và cũng không có ai gần ở Việt Nam.

Sốg ở Bangkok một thời gian mình phát hiện ra có khá nhiều người Thái gốc Việt đang sinh sống ở đây, nhưng dường như họ đã hội nhập vào xã hội Thái hoàn toàn nên không cách nào để biết được họ là người Việt. Vì thế nên việc xây dựng một cộng đoàn Việt Nam ở Bangkok dường như chỉ liên quan đến các bạn trẻ đang lao động ở Thái Lan chứ không mấy có sự tham gia của những người Việt kiều Thái. Sự quan sát của mình cho thấy có một khoảng cách khá xa giữa những người Việt kiều Thái và những người Việt đến đây làm việc. Và mối thân thiện gắn bó vì mình có một dòng máu Việt rất khó nhận ra khi tiếp xúc với những người Việt này. Ngay cả việc cộng đoàn có hay không có nơi để làm lễ hiện nay cũng không nhận được sự quan tâm hoặc để ý từ các linh mục người Thái gốc Việt. Điều này làm mình tự hỏi: Các vị linh mục này nhìn người Việt ở Thái Lan dưới gốc độ như thế nào và thấy mình như thế nào trong mối tương quan với các bạn trẻ Việt? Nhưng mình chỉ là người mới đến nên mình chưa dám đặt nhiều vấn đề về những suy nghĩ và cách hành xử của những người ở đây. Mình nghĩ rằng mình cần thêm thời gian để quan sát và tìm hiểu trước khi có những kết luận cụ thể.

Tuy nhiên, trong cộng đoàn Việt Nam hiện nay cũng có một số nhỏ người Việt kiều Thái rất ủng hộ và gắn bó với các bạn trẻ Việt Nam. Nếu không có những người như Bác Trọng là người đã hy sinh thời gian, công sức, và tiền của để giúp cho cộng đoàn, thì chắc chắn sẽ khó tìm được một nơi để làm lễ. Và nếu không có cha S. là một linh mục người Thái gốc Việt thì có lẽ cũng chẳng có cộng đoàn Việt Nam.

Tuần trước, mình chia sẻ với một cha gốc Việt trong giáo xứ rằng mình sẽ đi lên Udon Thani để làm việc. Ngài nói lên đó nhớ giúp cho những người Việt nhé. Mình tự suy nghĩ: Thực sự cộng đồng người Thái gốc Việt ở Udon Thani có nhu cầu giúp đỡ từ một linh mục như mình chăng? Vì ở Udon Thani đã có khá nhiều linh mục người Thái gốc Việt. Không phải họ là những người lý tưởng nhất để giúp đỡ cho cộng đồng người Việt sao? Kinh nghiệm của mình khi gặp nhiều người Việt kiều ở Bangkok thì họ xem mình chẳng khác gì một ông cha đến từ Singapore hay Nam Mỹ vậy thôi. Mình không nhận ra dấu chỉ nào cho thấy mình “đặc biệt” hơn đối với họ vì mình là người Việt.

Mình phải thừa nhận trong lúc này mình đang cảm thấy phầnn nào không vui vì sự mong đợi của mình khác với thực trạng. Mình cảm thấy cọ sự lạnh nhạt, thờ ơ xuất phát từ những người mang dòng mau Việt. Lâu nay mình cứ nghĩ rằng dòng máu Việt nó sâu đậm lắm, không cách nào có thể có khoảng cách, và giữa hai người Việt sẽ luôn có sự liên đới cho dù trong môi trường nào. Nhưng mình hiện nay không cảm nhận được điều này và thấy một chút buồn khi nhận ra rằng máu Việt nhiều khi không đậm đặc như mình từng nghĩ.

Bangkok, ngày 18.12.2007

No comments: