Chúa đến với chúng ta để chúng ta đến với nhau


Hôm qua là một ngày hạnh phúc cho mình khi mình đã giải tội cho cả trăm bạn trẻ đến xưng tội để có thể rước Mình Thánh Chúa vào dịp Noel. Lễ mừng Giáng Sinh của cộng đoàn Việt Nam tại Bangkok diễn ra trể gần một tuần so với Giáo Hội Công Giáo, nhưng không vì thế mà thánh lễ hôm qua tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Minburi thiếu phần long trọng.

Sau khi bị nhà thờ Don Bosco “đuổi” cách đây vài tuần, lãnh đạo cộng đoàn đã phải bôn ba đi tìm chỗ mới để dâng lễ. Cuối cùng đã được Dòng Chúa Cứu Thể cho tổ chức lễ ở nhà thờ trong khu vực trường quốc tế Ruam Rudii (cũng thuộc về DCCT), bên cạnh “làng” Chok Chai. Gọi là “làng” nhưng nhà dân cư ở đó thuộc loại sang nhất nước Thái.

Là một địa điểm an toàn và sang trọng, nhưng đường đến nhà thờ không dễ chút nào. Ngoài ra không có phương tiện xe công cộng từ đường ngoài (đường Ramkhamheng) vào trong nên cộng đoàn phải chuẩn bị hai chiếc xe 15 chỗ để đưa từng tốp từ đầu hẻm vào nhà thờ, đoạn đường dài khoảng 7 cây số. Còn bạn nào vào được bằng taxi thì cho vào. Ở đầu hẻm 164 của đường Ramkhamheng có bốn bạn trong ban trật từ (không ai có giấy tờ hợp pháp) đứng làm hướng dẫn viên cho người đi lễ.

So với lần trước ở nhà thờ Don Bosco có đến gần 600 người đi lễ thì hôm qua chỉ có khoảng 300, coi như bị xuống một nữa. Vì là địa điểm mới, xa lạ, và khó đi, nên nhiều bạn đã không dám mạo hiểm. Nhưng con số 300 là cũng đã vượt ngoài sự mong đợi của ban tổ chức lễ khi chỉ chuẩn bị 200 phần ăn. Nhưng cuối cùng mọi người cũng chia sớt với nhau những lương thực để mọi người có gì để lót bụng sau nhiều giờ đồng hồ chỉ có uống nước cầm hơi. Có bạn đến nhà thờ từ lúc 8h30 sáng, trong khi 3h30 chiều thánh lễ mới kết thúc. Tuy nhiên, nhà thờ DCCT nhỏ hơn nhà thờ Don Bosco, nên với 300 người đi lễ thì nhà thờ cũng đã hết chỗ ngồi.

Hôm qua mình có vinh dự được chia sẻ lời Chúa với cộng đoàn. Mình đã chia sẻ như sau:

Thiên Chúa đến với chúng ta để chúng ta đến với nhau
Noel 2007, Bangkok


Mùa Noel sắp đến, Cha xứ muốn tạo nên không khí phấn khởi trong giáo xứ, nên ngài tổ chức cuộc thi đua giáo lý. Cu tí được seour Huyền cử đại diện cho lớp vở lòng. Các anh các chị lần lượt lên bóc thăm câu hỏi rồi trả lời một cách xuôn sắn. Đến phiên Cu Tí lên thì bắt thăm được câu như sau: Em hãy đọc thuộc lòng bất cứ thứ ngắm nào trong 15 thứ ngắm của Kinh Mân Côi. Cu Tí vừa đọc lời yêu cầu mà tay run như cầy sấy. Vì Mẹ nó sắp sinh em bé, nó phải giúp việc trong nhà, nên không có giờ để ôn bài trước khi lên thi. Nó nhìn qua nhìn lại trong nhà thờ, thấy có hang lừa mang cỏ đang được xây bên cạnh cung thánh. Bổng nhiên nó nhớ lại Ngắm thứ ba mùa vui. Nhưng nó chỉ nhớ được phần đầu nên chần chừ chưa dám trả lời. Từ đàng sau cung thánh, Sr. Huyền nhìn Cu Tí với ánh mắt đốc thúc. Cu Tí đành sáng tác đại ra một ý tưởng hợp với hoàn cảnh gia đình nó nhưng cũng thực hợp lý sau đây:

- Thứ ba thì ngắm, Ðức Bà sinh Ðức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được... Mẹ tròn con vuông.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em rất thân mến trong Đức Kitô, ngày lễ Noel chính thức đã trôi qua gần 1 tuần rồi, và nhìn về hang đá, ta có thể thấy cảnh mẹ tròn con vuông của ngày Chúa sinh ra. Đây là ngày mà cả thế giới đều phải ăn mừng vì Đấng Cứu Thế đến với chúng ta.

Có lẽ trong chúng ta không ai không có những kỷ niệm về ngày lễ Noel. Bản thân tôi vì lớn lên ở Hoa Kỳ nên dường như tất cả những ký ức về mùa Giáng sinh đều xoay quanh
Cảnh trạng mùa đông băng giá rét buốt, đặc biệt trong những năm tu học tại thành phố Chicago ở miền bắc Hoa Kỳ. Đây là thành phố mà người ta mệnh danh là “thành phố gió”. Nhưng ở Chicago không chỉ có gió, mà còn có tuyết – rất nhiều tuyết.

Có những buổi sáng thức dậy, kéo màn cửa sổ nhìn ra ngoài, bổng nhiên nhìn thấy một không gian trắng xóa. Trong đêm tuyết rơi xuống bao phủ khắp nơi – tuyết phủ đầy những mái nhà; bám sát những cành cây khô trụi lá; lấp kín những chiếc xe đậu hai bên đường; và tạo nên một lớp thảm trắng tinh trên đường phố.

Trong quang cảnh như thế, không ai mở lên những bài hát đạo đời bất hữu về Noel mà không khỏi cảm thấy tâm trạng nao nao trong sự trông chờ ngày Chúa đến.
Người Việt ta ở Hoa Kỳ đến mùa Giáng Sinh vẫn ưa chuộng những bài tình ca giáng sinh như bài thánh ca buồn, Hai mùa Noel, hoặc Kỷ niệm đêm giáng sinh.

Ở Bangkok này, mặc dầu không có tuyết lạnh, nhưng vừa qua, có vài ngày thời tiết dịu xuống, có những buổi sáng trời se se lạnh, có những cơn gió mùa đông ở đâu đó thổi đến,
Có lẽ lúc ấy bạn nào mở nhạc Giáng sinh nghe Elvis Phương hát: “Bài thánh ca đó còn nhớ không em; Noel năm nào chúng mình có nhau” hay nghe Mạnh Đình và Nhu Quỳnh hát: “Mùa Noel đó, chúng ta quen bên giáo đường. Mùa Noel đó, anh dắt em vào tình yêu” - Các bạn cũng đưa hồn về một kỷ niệm đẹp năm xưa dưới tháp chuông nhà thờ, hay thầm nghĩ đến một bóng dáng nào đó đang âm thầm cầu nguyện bên hang máng cỏ chăng?

Vâng, trong các ngày lễ đạo của chúng ta, không có ngày lễ nào làm cho chúng ta mang nhiều kỷ niệm và nhớ đến người thân yêu bằng ngày lễ Giáng sinh. Đây là ngày mà chúng ta trao tặng nhau những món quà dễ thương, những tấm thiệp kèm theo những lời chúc bình an, và cầu nguyện cho nhau được tràn đầy hồng ân của Chúa Giêsu hài đồng.

Lý do gì làm cho chúng ta gần gũi nhau đến thế? Phải chăng trong lúc này thời tiết thay đổi, những cơn gió bấc se lạnh tâm hồn, làm cho chúng ta muốn tìm đến nhau nhiều hơn
để sưởi ấm lòng nhau?

Có thể vậy. Nhưng thiết nghĩ còn có một lý do khác rất quan trọng khiến cho chúng ta gần gũi nhau hơn. Đó chính là sự hiện diện của Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Sự kiện Chúa Giêsu sinh ra trên trần thế là một sự kiện lịch sử vô cùng kỳ diệu và đặc biệt. Thiên Chúa đã vượt qua tất cả mọi ranh giới và cản trở để đến với chúng ta . Từ trời cao Ngài hạ xuống thế. Từ Thiên Chúa, Ngài xuống làm người. Tự sự cao sang vô tận, Ngài trở nên thấp hèn bé mọn. Để rồi, trong cuộc sống của Ngài, Ngài sống như chúng ta,
Làm việc như chúng ta, khóc, cười, ăn nói, và đi lại như chúng ta,
Và đau khổ chịu đựng như chúng ta. Tất cả những điều này Ngài làm trong sự cảm thông
với số phận con người yếu đuối tội lỗi, và với mục đích nhân hậu cao cả là để cứu chuộc chúng ta khỏi sự chết muôn đời.

Quý ông bà và anh chị em thân mến, Chúa đến với chúng ta cũng là để cho chúng ta đến với nhau. Khi chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã vượt qua tất cả những ranh giới để đồng hành với chúng ta, chúng ta không thể không thấy rằng chúng ta cũng phải bắt chước Ngài trong việc đập phá những rào cản khiến cho chúng ta bị cách ly bằng những lý do nhỏ nhoi không đáng kể.

Là những người Việt Nam sống trên đất khách quê người, có lẽ chúng ta cũng hiểu được như thế nào là vượt ranh giới. Lần đầu tiên tôi đến sống ở Thái Lan, gọi điện thoại về thăm gia đình, mẹ tôi hỏi: “Sao, con thấy người Thái như thế nào?” “Cũng hơi kỳ mẹ ạ.” Tôi trả lời. “Con thấy đi đâu gặp ai là họ cứ chắp tay lạy nhau chẳng khác gì lạy Chúa lạy Mẹ. Còn nói chuyện thì một chữ là ‘khrap’ hai chữ là ‘khrap’. Nghe không buồn cười thì thôi mẹ ạ.”

Còn có nhiều điều khác nữa làm cho tôi cảm thấy bỡ ngỡ. Nhưng rồi dần dần làm quen với phong tục tập quán ở đây, tôi thấy những điều này cũng rất dễ thương và tốt đẹp.
Chính sự cởi mở và lắng nghe đã giúp tôi thấu hiểu nhiều hơn, hầu biến những điều xa lạ thành quen thuộc, cách xa thành gần gũi.

Thiên Chúa đến với chúng ta để chúng ta đến với nhau. Vậy thì không lý do gì trong cộng đoàn chúng ta chúng ta không thể xây dựng tình tương thân tương ái một cách chặt chẻ bất kể chúng ta là Việt kiều Thái, hay Việt Nam gốc, dân Nghệ An hay dân Thánh Hóa,
Người Huyện Thạch Kim hay người huyện Thạch Hà. Nếu Thiên Chúa có thể từ trời hạ xuống thế để làm người thì cái ranh giới huyện, ranh giới tỉnh, hay ranh giới quốc gia
Là cái gì mà chúng ta không thể nào vượt qua được?

Thiên Chúa đến với chúng ta để chúng ta đến với nhau. Vậy không có lý do gì chúng ta không thể dấn thân phục vụ nhau bằng cách tham gia các sinh hoạt của cộng đoàn để xây dựng một cộng đoàn yêu thương, vững mạnh.

Cộng đoàn chúng ta đang gặp phải khó khăn trong việc tìm một nơi ổn định để sinh hoạt.
Hơn bao giờ hết, việc chúng ta quan tâm đến nhau bằng cách tham gia các sinh hoạt ca đoàn, ban trật tự, và các công việc khác để cho thánh lễ tổ chức được trang trọng, an toàn, và em xuôi là điều tối quan trọng.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần gắn bó chặt chẻ với nhau để duy trì sự đoàn kết trong thời gian chuyển biến. Và hơn bao giờ hết, việc chúng ta ý thức được hành động của mình
Trong môi trường tập thể như nhắc nhở nhau giữ gìn vệ sinh, tránh những hành động tổn thương đến sự an toàn của những người xung quanh, và gây ấn tượng không tốt về cộng đoàn chúng ta với người khác – Tất cả những điều này là điều quyết định sự tồn tại của cộng đoàn chúng ta.

Quý ông bà và các bạn thân mến, tương lai của cộng đoàn hoàn toàn phụ thuộc vào tinh thần và ý chí dấn thân phục vụ của mỗi người chúng ta. Nếu Thiên Chúa có thể hạ mình xuống, sinh ra trong một hang bò lừa, làm một con người hèn mọn để phục vụ chúng ta,
Thì lý do gì lại cản trở làm cho chúng ta co mình lại trước những nhu cầu cần thiết của cộng đoàn chúng ta?

Thiên Chúa đến với chúng ta để chúng ta đến với nhau. Vậy thì trong đời sống cá nhân của mỗi người chúng ta, không có lý do gì chúng ta không thể bỏ qua những giận hờn nhỏ nhoi, những sự hiểu lầm không đáng kể, và những ác cảm vô căn cứ khiến cho chúng ta xa cách những người trong cộng đoàn, bạn bè, đồng nghiệp, và những người thân yêu trong gia đình chúng ta.

Đêm Giánh sinh là đêm của an bình, giải hòa, và yêu thương. Việc Chúa sinh ra chỉ có ý nghĩa thực sự khi chúng ta được thúc đẩy xây dựng sự bình an, hòa giải và yêu thương đó
Trong mối tương quan giữa chúng ta với những người mà chúng ta gặp phải sự bất hòa, sự xung đột trong cuộc sống. Để từ đó, chúng ta tái thiết lập những mối quan hệ đã bị sứt mẻ, xóa bỏ những hận thù ghen ghét giữa chúng ta với người khác, và thay vào đó là sự yêu thương, thông cảm, và hòa giải là quà tặng mà Chúa Giêsu Hài đồng mang đến cho mỗi người chúng ta khi Ngài nhập thể làm người vào đêm đông băng giá hơn 2000 năm trước.

Quý ông bà và anh chị em thân mến, Thiên Chúa đã đến với chúng ta, và đang ở giữa chúng ta. Mỗi khi chúng ta mừng lễ Giáng sinh, chúng ta được nhắc nhở rằng
Trên thế gian này không có gì là không thể làm được nếu chúng ta có tình yêu thực sự.
Khi chúng ta lấy tình yêu của Chúa làm tấm áo khoác cho tâm hồn, và làm kim chỉ nam cho cách chúng ta đối xử với nhau, chúng ta đang để cho Chúa sinh ra ngay chính trong trái tim chúng ta và trong đời sống của chúng ta.

Nhưng nếu lễ Giáng Sinh chỉ là một dịp vui cho chúng ta ngắm nhìn những đồ trang trí trong các trung tâm thương mại, là ngày đặc biệt để chúng ta dẫn người yêu đi chơi, hoặc một cơ hội để chúng ta tổ chức ăn nhậu. Nếu mùa giáng sinh chỉ là những bài tình ca lãng mạn, hay chỉ là những kỷ niệm êm đẹp, thì ý nghĩa của ngày lễ đã bị chôn vùi dưới sự hoành tráng rực rỡ của những ánh đèn lấp lánh, dưới những thứ đồ vật chất, và những thú vui chống tàn.

Mùa Giáng sinh trôi qua, chúng ta dẹp đi những cây thông, những giây đèn màu, hang máng cỏ, mọi sự trở lại như cũ, sự bơ vơ trống trải trở lại trong tâm hồn vì chúng ta để cho Chúa Giêsu sinh ra trong hang lừa máng cỏ nhưng lại không để cho Ngài sinh ra trong tâm hồn chúng ta.

Hôm nay chúng ta mừng lễ Giáng Sinh, tôi xin chúc cho mỗi người chúng ta cảm nhận được sự yêu thương và bình an của Ngài bằng cách để cho Ngài sinh ra trong tâm hồn của chúng ta – Để cho tình yêu của Ngài tràn ngập quả tim của chúng ta; để cho sự bình an của Ngài bao phủ lý trí của chúng ta; và để cho sự hòa giải của Ngài hướng dẫn hành động của chúng ta. Amen.

Tình cảnh di dân: Một lễ Giáng Sinh muộn màng 30/12/ nhưng vẫn vui!










Tình cảnh di dân: Một lễ Giáng Sinh muộn màng 30/12/ nhưng vẫn vui!




Băng-Cốc---Từ ngày hôm qua 29/12, những cuộc điện thoại đã gọi nhau í- ới để thông tin có lễ Giáng Sinh cho cộng đoàn di dânViệt Nam ở Băng-Cốc rồi! Lí do là ví trước đó, nhà thờ dòng thánh Don Bosco ở đường Phết–bu-ri ở Băng-cốc từ chối không cho cộng đoàn di dân Việt mượn nhà thờ nữa!



Ngay từ sáng sớm, từ các nẻo đường, 300 bạn trẻ di dân Việt hân hoan kéo đến nhà thờ mới, nằm trong khuôn viên trường Ruamrudee, soi 164, đường Ramkhamhaeng ở Bangkok, là nhà thờ được mượn tạm thời cho cộng đoàn di dân Việt đến mừng lễ Chúa Giáng Sinh.



Tuy việc mừng lễ Chúa Giáng Sinh có muộn màng, nhưng vẫn vui và thật í nghĩa! Trong hoàn cảnh khó khăn của cộng đoàn di dân Việt- xa quê nhà, tha hương tìm việc làm để mưu sinh-tuởng chừng như không có nơi để mừng lễ Giáng Sinh-vì có tới ba nơi đã từ chối-tìm được nơi đây là một niềm vui lớn, hòa chung niềm vui với toàn thể Giáo Hội mừng Chúa Giáng Sinh!



Có thể nói việc mừng lễ Giáng Sinh năm nay tuy hơi muộn màng nhưng thật í nghĩa! Trong lần gặp mặt với cộng đoàn di dân Việt ở Bangkok vào mùa Vọng, Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn có nói: “Chúa Hài Đồng cũng là người di dân”. Chúa từ trời cao xuống trái đất; Chúa Hài Đồng cũng bị các quán trọ từ cbối! Chúa Hài Đồng phải di chuyển sang Ai Cập để tránh sự bắt bớ của vua Hê-rô-đê. Ngày nay, cộng đoàn di dân Việt sang Bangkok, phải di chuyển nhiều nơi mới tìm được chỗ để mừng lễ Giáng Sinh, sau nhiền lần đã bị những người coi giữ nhà thờ từ chối! Do đó, cộng đoàn di dân thấy Chúa Hài Đồng di dân thật gần gũi với mình, hiểu mình và đang cùng đồng hành với mình! Đây chẳng phải là í nghĩa quan trọng nhất và tuyệt vời nhất cho cộng đoàn di dân Việt hay sao (?)


Niềm vui mừng này còn được thể hiện qua việc các bạn trẻ di dân tìm đến tòa Cáo Giải để giao hòa lại với Chúa Hài Nhi, dọn hang đá tâm hồn, đón nhận Chúa Giáng Sinh trong hang đá tâm hồn mình. Một ơn Bình An lớn do Chúa Giáng Sinh di dân mang đến cho các tâm hồn di dân ở đây. Đó chẳng phải là một Hồng Phúc lớn cho cộng đoàn di dân Việt sao (?)



Chương trình được bắt đầu vào lúc12g30, cộng đoàn vào nhà thờ xưng tội. Sau khi xưng tội xong, cha giải tội ra việc đền tội. Sau đó ai xưng tội xong về lại chỗ làm việc đền tội và cha giải tội sẽ ban phép Giải Tội chung trong phần Sám Hối đầu lễ.



Dưới sụ hướng dẫn của quí sơ dòng Con Đức Mẹ Mân Côi ở Băng- Cốc, cộng đoàn suy niệm kinh Mân côi theo mầu nhiệm Giáng sinh khoảng 30 phút. Sau đó, là câu chuyện và thánh ca mừng Chúa Giáng Sinh do anh chị em ca đoàn phụ trách. Và thánh lễ đồng tế trọng thể bằng tiếng Việt mừng Chúa Giáng Sinh được cử hành liền sau đó...



Sau bài giảng có nghi thức trao tác vụ cho một số người đuợc tuyển chọn. Họ là những Thừa tác viên của cộng đoàn Đúc Mẹ La Vang, cộng đoàn Việt Nam ở Băng-Cốc, có nhiệm vụ chính là để phục vụ cộng đoàn. Các thừa tác viên này sẽ thi hành nhiệm vụ của mình trong khi than dự thánh lễ và những sinh hoạt khác của cộng đoàn. Đó là các tác vụ như: Ca đoàn, Phụng vụ, Giáo lí, Trật tự...vv. Cộng đoàn cũng được mời gọi xòe hai bàn tay ra trước mặt, tay nắm lấy ngón tay người bên cạnh, làm thành một gia đình có Chúa là cha, để cầu nguyện trong kinh Lạy Cha.



Về việc chúc bình an, cộng đoàn thể hiện việc chúc bình an thật sụ bằng cách đưa tay ra để bắt tay nhau tất cả những người đứng xung quanh mình, miệng nói: “Chúc bình an cho anh, cho chị, cho em….” Sau thánh lễ cộng đoàn liên hoan mừng Chúa Giáng Sinh trong bữa ăn agapê và trò truyện thật vui vẻ thắm đượm tinh thần gia đình của một cộng đoàn di dân!



Đó là đaị lễ mừng Chúa Giáng Sinh năm nay của cộng đoàn di dân Việt Nam ở Băng-Cốc, một lễ Giáng Sinh tuy muộn màng, nhưng vẫn Bình An, Vui Vẻ và thật Í Nghĩa! Sau lễ, mọi người ra về, lòng thật ấm áp tuy còn nhiều luyến tiếc lúc chia tay nhau!!!


LM. Nguyễn Tiến Đức

Noel Việt trên đất Thái




Có lẽ khi mới đến Thái Lan mình sẽ không ngờ rằng mình sẽ có một cái Noel đậm tình Việt Nam như dịp Noel vừa trôi qua. Từ 6h chiều ngày 24 ba bạn trẻ Việt Nam là Thắng, Đoàn, và Nhung đi taxi đến gặp mình ở giáo xứ. Vì còn sớm nên mình dẫn các bạn đi dạo bộ trong công viên Lumpini, rồi đi đến một nhà hàng Việt Nam trong khu thương mại Silom để ăn tối. Nói về thức ăn ở đây thì không thể nói là ngon vì không phải làm theo khẩu vị của Người Việt. Nhưng mọi người cũng ăn để hồi tưởng chút nào về quê hương.

An xong mình lại đưa các bạn đến trung tâm thương mại Central World nơi có cây Noel được đặt ở phía trước rất hoành tráng. Cây Noel cao phải mấy chục mét là điểm thu hút hàng ngìn người đến thay phiên nhau chụp hình. Mình cũng chụp hình với các bạn để làm kỷ niệm.

Một lúc sau Thuấn gọi điện thoại đến hẹn gặp nhóm ở nhà thờ. Thế là mình và các bạn lật đật quay lại để đón Thuấn. Vì có dự định đi lễ nửa đêm mà lúc ấy chỉ mới 10h nên mình mời mọi người vào phòng của mình để trò chuyện. Luôn tiện mình chia sẻ với các bạn những sự việc đang xảy ra liên quan đến vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa mà các bạn rất ít biết thông tin.

Đến 11h30 mọi người sang nhà thờ để tham dự lễ. Tưởng đâu giờ đó vẫn còn sớm, nhưng khi đến nhà thờ thì mình phát hiện rằng bên trong nhà thờ đã không còn một chỗ ngồi nào. Người ta đã đến từ rất sớm để dành chỗ ngồi vì biết rằng thánh lễ này giáo dân đến tham dự rất đông. Thế là cả nhóm phải tìm ghế ngồi ngoài hiên nhà thờ ở phía bên phải gần nơi đặt hang máng cỏ. Một điểm đặc biệt về hang máng cỏ ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế là được xây theo văn hóa Thái Lan. Hang máng cỏ trên thực tế là một nhà sàn kiểu Thái. Bên dưới còn có đặt một con gà mái đang ấp trứng. Chung quanh nhà sàn có những bụi chuối, cây dừa và những biểu tượng văn hóa khác của địa phương. Tuy nhiên, một điều mình thấy khá nghịch lý là mặc dầu hang máng cỏ mang đậm tính chất Thái, nhưng các nhân vật từ Chúa Giêsu cho đến người chăn cừu đều có khuôn mặt Tây. Ở Á Châu chúng ta việc hội nhập văn hóa đều còn mang tính rất nửa vời.

Chiều nay Thước mời mình, cha Đức và nhiều bạn bè đến nhà mừng Noel cũng như là sinh nhật của Thước. Mọi người ngồi bệt trên sàn nhà để dùng những món ăn mà Thước và các bạn gái đã chế biến để đãi khách. Thước ở trong một khu phố quận Din Deng mà dường như mọi nhà đều có tổ chức việc kinh doanh chính là may áo quần. Chủ người Thái, nhân viên là người Miến Điện, Lào, hoặc Việt Nam. Căn nhà nơi buổi tiệc diễn ra cũng là nơi Thước làm việc và ở với những nhân viên khác. Chủ nhà cũng ở tại đó.

Hôm nay là ngày thứ ba, một ngày làm việc bình thường của người Thái. Ở đây không có việc nghỉ Noel. Thước được chủ cho phép nghỉ để mừng sinh nhật. Nhưng mọi người khác đều vẫn làm việc như thường lệ. Để lên phòng dọn tiệc, mình phải đi qua nhiều máy may, những lớp vải, áo quần, và các nhân viên đang ngồi làm việc. Trong phòng tiệc, tiếng nói chuyện và hát hò của các bạn Việt Nam được diễn ra trên một âm thanh nền, đó là tiếng chạy của máy may ở phòng bên cạnh.

Tuy thế, nhưng tiếng hát của gần 20 người ngồi san sát trong căn phòng bé nhỏ cũng lướt được sự ồn áo của cái máy may, và một hồi sau thì không còn ai để ý đến âm thanh đó nữa. Chỉ còn lại là tiếng cười, tiếng nói, và tiếng hát của những người Việt xa quê đang chia sẻ niềm vui Giáng Sinh với nhau bằng những món ăn đơn sơ và những ly bia Leo.

Sau khi cha Đức ra về, mọi người còn lại tổ chức trình diễn hát. Mỗi người phải hát một bài, và hát xong thì có quyền chỉ người phải hát tiếp sau mình. Phải khó khăn lắm các bạn nữ mới chịu hát khi bị chỉ định. Bạn nào cũng cứ nêu lên những lý do như “Con nõ biết hát.” “Con nõ thuộc bài hát.” Hoặc “con run hát không được.” Nhưng theo luật chơi, ai không chịu hát phải uống một cốc bia. Vì thể các bạn nữ đành phải hát cho được một bài vì không ai muốn bị phạt một ly bia đầy nhốc.

Đến 8h30 tối, mình chia tay ra về, còn các bạn vẫn tiếp tục ở lại chơi với nhau. Một số bạn tiễn mình xuống nhà. Có đứa mình đã biết nhiều tháng nay, có đứa hôm nay mới gặp lần đầu tiên. Nhưng ai cũng tỏ ra thân thiện và nhiệt tình khi tiễn mình về.

Ngày Giáng Sinh chính thức sắp hết. Mình ngồi ôn kỷ niệm Noel đầu tiên trên đất Thái thấy nó đậm chất tình người Việt làm sao. Ngay cả trưa nay, đi ngang qua nhà thờ khi ra đón xe đến nhà Thước, bổng nhiên mình nghe giáo dân trong thánh lễ đang hát bài “Hang Bê Lem” của Hải Linh để kết lễ. Mình tự hỏi: “Ủa sao họ lại hát bài ‘Hang Bê Lem?” Hóa ra người Thái không biết từ bao giờ đã đặt lời Thái cho bài nổi tiếng của nhạc sĩ Hải Linh và cũng dùng cho phần kết lễ chẳng khác gì người Việt. Mình đoán có lẻ bài hát này đã du nhập vào giáo hội Thái do có quá nhiều người Công giáo gốc Việt ở nước này. Họ là những người đã giới thiệu bái hát này với người Thái và từ đó đã được sử dụng như một bài hát phổ biến trong mùa Giáng Sinh.

Nhưng Noel vẫn chưa kết thúc. Vì hoàn cảnh cộng đoàn nên đến ngày 30 tháng 12 cộng đoàn Việt Nam mới chính thức mừng lễ Noel. Vì thế, trong khi tuần trước mình đón Noel sớm với sinh viên Việt Nam tại đại học Assumption, thì tuần tới mình sẽ đón Noel trể với cộng đoàn Việt Nam tại Thái Lan.

Bangkok, ngày 25.12.2007

Noel về


Hôm qua cha Tú dòng Camilian vừa chịu chức tại Thái Lan ngày 13/12 đã dâng thánh lễ tạ ơn bằng tiếng Việt ở nhà nguyện của bệnh viện do dòng Camilian phụ trách. Thoạt đầu dự định làm lễ bằng tiếng Anh, nhưng sau đó bề trên dòng đã quyết định cho ngài làm lễ bằng tiếng Việt. Mình đoán có lẽ vì trong thánh lễ chịu chức của ngài, số người Việt đến tham dự đông tới bất ngờ, nên cha bề trên đoán rằng thành phần giáo dân Việt Nam sẽ đến tham dự thánh lễ tạ ơn cũng sẽ chiếm phần không nhỏ. Vì thế, ngài đã yêu cầu cha Tú làm lễ bằng tiếng Việt thay vì tiếng Anh.

Vì là lễ tiếng Việt nên các bạn trẻ cũng được mời hát cho thánh lễ bằng những bài thánh ca tiếng Việt. Trong nhà nguyện của bệnh viện, ngoài người Việt Nam ra thì có những người Thái là nhân viên của bệnh viện đến tham dự, trong đó có người có đạo có người không có đạo.

Thánh lễ diễn ra một cách tốt đẹp. Cuối lễ bác Trọng đại diện cho cộng đoàn Việt Nam để chúc mừng cha mới. Nhưng có lẽ vì xuất thần nên bác còn dùng không ít phút để chia sẻ tâm tư và khắc khoải của bác đối với cộng đoàn Việt Nam tại Thái Lan. Sau thánh lễ có việc chụp hình thật nhộn nhịp và nhà dòng dọn thức ăn nhẹ để đãi khách đến tham dự.

Luôn tiện có các bạn trẻ Việt Nam hiện diện, cha Đức đã mời những người có trách nhiệm ở lại họp để bàn về việc tổ chức thánh lễ cho tuần tới ở một địa điểm mới và khá xa. Còn các bạn trong nhóm ca đoàn thì kêu xe qua trường đại học Assumption để tập hát cho lễ. Sr. nhí Nhung, người phụ trách tập hát vắng mặt vì phải đi theo các Seour Mân Côi lên Nong Khai để thăm giáo dân Việt kiều Thái. Cha Đức bận họp, và sau đó là dạy giáo lý hôn nhân. Thế là mình được giao trách nhiệm tập hát. Mà nói thật mình chẳng biết cái móc gì về việc tập hát ca đoàn. Nhưng nhìn qua nhìn lại không còn ai lo việc này nên mình cũng phải làm vờ như mình biết cái gì đó để tập cho các bạn. May là mình cũng đã chọn những bài hát khá quen thuộc nên việc tập không đến nỗi khó khăn lắm. Nhưng đây chỉ nói đến việc hát cho ra tiếng và nghe được, chứ không dám nói đến việc hát đúng hát hay.

Tập đến hơn 3 giờ chiều thì kết thúc vì một sộ bạn ở xa phải về. Còn khoảng 8 người còn lại mình mời đi ăn vì từ trưa chưa bỏ gì vào trong bụng nên đói meo. Mọi người dắt nhau đến một quán bình dân rồi kêu cơm và những món ăn thuần túy Thái để dùng.

Giờ đây là 24 rồi, trong giáo xứ không khí càng nhộn nhịp hơn. Các thầy của dòng Chúa Cứu Thế đến mừng Giáng sinh khá đông. Điện thoại văn phòng thư ký vang lên liên tục bởi có nhiều người gọi đến hỏi giờ lễ. Nhà thờ cũng đã trang trí xong xuôi, sẵn sàng cho nhiều thánh lễ vọng Giáng Sinh diễn ra từ 5h30 chiều và thánh lễ cuối cùng là thánh lễ nửa đêm. Ở đây các cha các thầy Dòng Chúa Cứu Thế đông đảo, nên mình không có trách nhiệm gì chính thức trong chương trình Noel của giáo xứ. Vì thế mình dự định sẽ đi lễ nửa đêm với một số bạn trẻ Việt Nam để chia sẻ Noel đầu tiên trên đất Thái. Có lẽ sẽ không mấy nhộn nhịp và hoành tráng, nhưng sẽ vui tươi và đầm ấm trong tình người khi không phải mừng Noel một mình trên đất khách quê người.

Bangkok, ngày 24.12.2007

Giáng sinh đến sớm


Mấy hôm nay đầu óc khá căng thẳng vì thời sự và hoàn cảnh đất nước làm mình suy nghĩ nhiều về tương lai của dân tộc và đặc biệt của thế hệ trẻ. Mình ở trong phòng suốt ngày để theo dõi tin tức và tham khảo tài liệu đến nổi cô nhân viên giặt áo quần trong nhà xứ hỏi:

- Cha đi đâu mà không thấy mặt mày gì hết vậy?

- Tôi có đi đâu đâu. – Mình trả lời. - Ở trong phòng suốt đấy mà.

Nhưng chiều hôm qua mình cũng có ra ngoài, và đó là những giờ đồng hồ rất vui và có ý nghĩa. Chiều thứ 5, các bạn sinh viên Viện Nam đang du học tại trường Assumption Abac (một trường đại học Công giáo ở Thái Lan) tổ chức thánh lễ Noel. Cha Đức (cũng theo học ở đó) mời mình đến giải tội và chủ tế thánh lễ. Mình đồng ý.

3h rưởi chiều mình rời nhà để leo lên tuyến xe buýt đầu tiên đi đến nhà thờ Fatima. Rồi từ đó bắt thêm một tuyến nữa đến trường Assumption Abac. Số sinh viên Việt Nam tại trường này lên đến gần 300, nhưng số sinh viên Công giáo thì không được bao nhiêu. Nhưng chiều hôm qua cũng có khoảng 30 người tham dự, trong đó có cả người không phải Công giáo. Mặc dầu chỉ mới ngày 20, nhưng thánh lễ được cử hành là thánh lễ Giáng Sinh vì đây là thánh lễ duy nhất mà các sinh viên Việt Nam sẽ tổ chức.

Lễ xong, chị Thoa (trưởng nhóm) mời mọi người ra một nhà hàng gần trường để mừng Giáng Sinh. Những món ăn được kêu ra. Mọi người ngồi quay quần những chiếc bàn được xếp dài trò chuyện và thưởng thức món bò steak, khoai tây chiên, cơm chiên, pizza, và cá hấp. Nói chung là các món ăn Đông Tây lẫn lộn, không có hệ thống gì cả. Nhưng chủ yếu là vui nên ai cũng ăn sạch.

Khi các món ăn trên bàn không còn nữa mọi người bắt đầu cảm thấy hứng lên muốn hát với nhau những bài hát Noel. Thế là việc hát thánh ca Noel được diễn ra ngay trong nhà hàng. Cũng may là nhà hàng tối hôm đó không có nhiều khách nên việc náo nhộn của một nhóm sinh viên Việt Nam không mấy phiền hà ai.

Mình đã đến dâng lễ với nhóm sinh viên một vài lần nhưng mình thực sự chưa có dịp để làm quen với các bạn sinh viên ở đây. Ngay cả chiều qua, những giây phút đầu buổi tiệc mình cũng có cảm giác hơi xa lạ như đang bước vào một nhóm bạn mà ai cũng biết nhau hết cả rồi ngoại trừ mình. Nhưng một khi ngồi xuống bàn tiệc, những câu hỏi làm quen lúc đầu dần dần trở nên những câu chuyện trao đổi, rồi là những câu hài hước qua lại, và sau đó khoảng cách được rút hẳn.

Giữa buổi tiệc, chị Thoa thông báo nhóm sẽ làm việc từ thiện để giúp trẻ mồ côi ở Việt Nam. Mọi người có thể đóng góp tùy theo khả năng và lòng hảo tâm. Cái nón len Noel được chuyển vòng quanh để đón nhận sự đóng góp từ các bạn. Cho thì sẽ được nhận. Việc đóng góp từ thiện xong, chị Thoa đưa ra một bao chứa đầy các món quà đã được soạn sẵn cho các thành viên trong nhóm. Mọi người vui vẻ nhận những món quà khi tên mình được kêu lên. Không ai ra về tay không.

Ngày hôm sau một số các bạn vẫn còn phải thi nên buổi tiệc đã chấm dứt lúc chưa trể lắm. Nhưng thế cũng đã đủ cho mình cảm thấy trong lòng dâng lên niềm vui của ngày lễ Giáng Sinh sắp đến. Chúa đến thế gian để giúp con người gần gũi với Chúa và với nhau. Thánh lễ và buổi tiếc nho nhỏ sau đó chính là điều thực hiện ý nghĩa của ngày lễ một cách khá trọn vẹn.

Bangkok, ngày 21.12.2007

Ăn ngủ blog


Mấy ngày nay mình “ăn ngủ” blog, cả ngày mình lên các trang blog và diễn đàn để theo dõi những tin tức và diễn tiến liên quan đến sự kiện người Việt trong và ngoài nước đi biểu tình để phản đối sự bành trướng của Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đọc những chia sẻ trên diễn đàn mình cũng thấy rằng có rất nhiều người như mình, gác qua nhiều công việc để tham gia bàn luận về tương lai của đất nước, và bày tỏ sự hâm mộ tinh thần của lớp sinh viên Việt Nam mà bấy lâu này người ta cứ cho là thờ ơ lãnh đạm trước những vấn đề lớn của xã hội đất nước. Hóa ra người trẻ hôm nay vẫn như người trẻ trước đây, luôn chờ những cơ hội quan trọng để thể hiện khả năng thực sự của mình, và luôn luôn làm cho người khác bất ngờ và xúc động.

Mình cũng bàng hoàng không ít khi thấy những mâu thuẩn đang xảy ra không chỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn giữa người Việt với nhau, trong nước cũng như ngoài nước. Thật đáng tiếc khi trước một đe dọa lớn cho tương lai của đất nước người Việt ta vì quá nhiều lý do không thể đoàn kết được.

Tuy nhiên mình cũng thấy rằng lần đầu tiên có rất nhiều người Việt từ mọi thành phần đang hướng về một mục đích chung là bảo vệ sự toàn vẹn của đất nước Việt Nam, đang cố gắng vượt qua những rào cản về quan điểm đến với nhau và ủng hộ nhau vì điều to lớn hơn là bảo vệ tổ quốc trước sự xâm lấn của ngoại bang.

Hai ngày qua mình và một số cựu sinh viên đại học B. đang liên lạc với nhau qua email và đang có những kế hoạch hành động để phổ biến rộng rải thông tin về hành động bất nhân của TQ bằng một trang web tiếng Anh và những hành động cụ thể khác để nói lên lời phản đối TQ. Vấn đề chung mà các thành viên trong nhóm đồng ý là trọng điểm là hành động xâm chiến của TQ chứ không phải những khác biệt giữa người Việt với nhau. Vì thế cần phải tránh những hành động và ngôn ngữ gây ra mâu thuẩn nội bộ làm cho mục đích phản đối TQ bị chia phối. Buổi họp đầu tiên để cụ thể hóa hành động sẽ diễn ra tối thứ năm tại Fremont, CA. Việc quyên tiền cho các hành động đã diễn ra từ ngày hôm kia. A. người quên thu tiền nhắc nhở những người trong email-list rằng: Bây giờ chúng ta không còn là những người trắng tay như xưa nữa. Trong chúng ta ai cũng khá thành công và ổn định trong cuộc sống, chúng ta hãy rộng tay để giúp đỡ vì đất mẹ.

Hai ngày qua, mình vừa theo dõi tin tức, thời sự, vừa thu thập tài liệu về vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa để chuyển ngữ và đưa vào trang web. Mình cố nghiên cứu những vấn đề lịch sử và địa lý và những bài bình luận có giá trị để cho trang web có những thông tin đầy đủ thay vì chỉ nội dung hô hào thiếu nền tảng.

Vừa làm việc này trong đầu mình cũng phân vân: Phải chăng mình đang làm chính trị? Mình có được làm việc này không? Nó có đi ngược với ơn gọi linh mục của mình không? Mình phân vân như thế nhưng mình vẫn tiếp tục làm vì mình thấy rằng mình mắc nợ quê hương đất nước một cái gì đó. Và đây là lúc mình phải thể hiện lòng trung hiếu của mình với quê hương mà mình rất thương yêu, mặc dầu mình đã phải rời quê hương từ lúc còn bé.

Những ngày Giáng sinh sắp đến, trong lòng mình nao nao vì cảm thấy rằng người Việt mình đang trải qua biến cố lớn. Mình cảm ơn internet vì mặc dầu ở xứ Thái Lan xa ngàn dặm, mình vẫn liên kết được với bao nhiêu tâm hồn người Việt ở Việt Nam cũng như ở khắp nơi đang cùng nhau phấn đấu cho quê hương Việt Nam.

Bangkok, ngày 20.12.2007

Dòng máu Viêt


Tối qua mình tham dự buổi cầu hồn cho một người Việt kiều Thái đã diễn ra tại giáo xứ. Bà Therese Lê Văn Ngọc qua đời ở tuổi 65 vì bệnh ung thư để lại một người chồng và hai người con cùng các cháu. Người em gái của bà từ Pháp cũng đã qua để tham dự đám tang. Bà Ngọc lấy chồng Thái hơn 40 năm nay và rời quê hương Sài Gòn sang Thái Lan để sống với chồng. Hai người con lớn đều đã có gia đình, không ai nói được tiếng Việt. Nhưng là người Công giáo, bà đã nuôi dạy con cái trong giáo hội và cả gia đình khá gắn bó với giáo xứ Dòng Chúa Cứu Thế. Chồng cũng theo đạo, nhưng gia đình phía chồng thì Phật giáo. Tối qua đa số những người đến tham dự buổi cầu hồn là bạn bè và gia đình từ phía chồng, vì thế mặc dầu phòng có đông người, nhưng tiếng đọc kinh khá yếu ớt. Em người quá cố cho hay gia đình bây giờ đang ở các nước Âu Châu và Mỹ nên không có nhiều người thân ở Thái Lan, và cũng không có ai gần ở Việt Nam.

Sốg ở Bangkok một thời gian mình phát hiện ra có khá nhiều người Thái gốc Việt đang sinh sống ở đây, nhưng dường như họ đã hội nhập vào xã hội Thái hoàn toàn nên không cách nào để biết được họ là người Việt. Vì thế nên việc xây dựng một cộng đoàn Việt Nam ở Bangkok dường như chỉ liên quan đến các bạn trẻ đang lao động ở Thái Lan chứ không mấy có sự tham gia của những người Việt kiều Thái. Sự quan sát của mình cho thấy có một khoảng cách khá xa giữa những người Việt kiều Thái và những người Việt đến đây làm việc. Và mối thân thiện gắn bó vì mình có một dòng máu Việt rất khó nhận ra khi tiếp xúc với những người Việt này. Ngay cả việc cộng đoàn có hay không có nơi để làm lễ hiện nay cũng không nhận được sự quan tâm hoặc để ý từ các linh mục người Thái gốc Việt. Điều này làm mình tự hỏi: Các vị linh mục này nhìn người Việt ở Thái Lan dưới gốc độ như thế nào và thấy mình như thế nào trong mối tương quan với các bạn trẻ Việt? Nhưng mình chỉ là người mới đến nên mình chưa dám đặt nhiều vấn đề về những suy nghĩ và cách hành xử của những người ở đây. Mình nghĩ rằng mình cần thêm thời gian để quan sát và tìm hiểu trước khi có những kết luận cụ thể.

Tuy nhiên, trong cộng đoàn Việt Nam hiện nay cũng có một số nhỏ người Việt kiều Thái rất ủng hộ và gắn bó với các bạn trẻ Việt Nam. Nếu không có những người như Bác Trọng là người đã hy sinh thời gian, công sức, và tiền của để giúp cho cộng đoàn, thì chắc chắn sẽ khó tìm được một nơi để làm lễ. Và nếu không có cha S. là một linh mục người Thái gốc Việt thì có lẽ cũng chẳng có cộng đoàn Việt Nam.

Tuần trước, mình chia sẻ với một cha gốc Việt trong giáo xứ rằng mình sẽ đi lên Udon Thani để làm việc. Ngài nói lên đó nhớ giúp cho những người Việt nhé. Mình tự suy nghĩ: Thực sự cộng đồng người Thái gốc Việt ở Udon Thani có nhu cầu giúp đỡ từ một linh mục như mình chăng? Vì ở Udon Thani đã có khá nhiều linh mục người Thái gốc Việt. Không phải họ là những người lý tưởng nhất để giúp đỡ cho cộng đồng người Việt sao? Kinh nghiệm của mình khi gặp nhiều người Việt kiều ở Bangkok thì họ xem mình chẳng khác gì một ông cha đến từ Singapore hay Nam Mỹ vậy thôi. Mình không nhận ra dấu chỉ nào cho thấy mình “đặc biệt” hơn đối với họ vì mình là người Việt.

Mình phải thừa nhận trong lúc này mình đang cảm thấy phầnn nào không vui vì sự mong đợi của mình khác với thực trạng. Mình cảm thấy cọ sự lạnh nhạt, thờ ơ xuất phát từ những người mang dòng mau Việt. Lâu nay mình cứ nghĩ rằng dòng máu Việt nó sâu đậm lắm, không cách nào có thể có khoảng cách, và giữa hai người Việt sẽ luôn có sự liên đới cho dù trong môi trường nào. Nhưng mình hiện nay không cảm nhận được điều này và thấy một chút buồn khi nhận ra rằng máu Việt nhiều khi không đậm đặc như mình từng nghĩ.

Bangkok, ngày 18.12.2007

Dọn phòng


Sáng nay mình bắt đầu thu dọn đồ đạc trong phòng bỏ vào thùng để gởi ra tỉnh. Sao nhiều đồ quá. Đồ đem qua từ Mỹ, từ Úc, và thời gian ở Bangkok. Sách vở, hình ảnh, máy móc, áo quần. Đi truyền giáo đáng ra phải nhẹ nhàng đơn giản, nhưng mình thấy mình có khá nhiều thứ. Có lẽ mình chưa mặc lấy tinh thần truyền giáo đủ vì vẫn thích có thứ này thứ kia để cho đời sống thuận tiện hơn.

Hôm qua nhận được tin anh Ott (Việt kiều Thái) đi Việt Nam ngày 18 sẽ trở lại, mình vội nhắn với một người bạn ở Sài Gòn đi mua cho mình một quần tây, một quần jeans, và một áo linh mục màu nhạt. Thằng bạn hỏi:

- Sao không mua quần jeans ở Thái Lan?

- Ở Thái Lan họ thích quần ống bó, mặc không thích. – Mình trả lời.

- Vậy áo sơ mi màu nhạt là màu gì?

- Thì mau xám hay màu xanh gì cũng được. Ở đây tớ có hai cái đều là màu đen. Thời tiết nóng mặc màu đen khó nhìn lắm.

- Được rồi chiều nay sẽ kiếm thời giờ đi mua gởi. – Nó cho hay.

Thế là mình sẽ có thêm đồ để phải gấp xếp trong chuyến dọn nhà lần này. Từ ngày mình bước vào đời sống tu trì cho đến nay, chưa có năm nào mà mình không phải dọn chỗ ở. Khi thì dọn từ tiểu bang này đến tiểu bang kia, thành phố này đến thành phố khác, rồi nước này đến nước khác. Lần này mình lại dọn từ thành phố ra tỉnh. Mỗi chuyến đi là mỗi thu xếp, với những sự quyết định nên giữ lại cái gì và bỏ đi những cái gì? Với những người thích lưu trữ đồ đạc việc dọn nhà như thế này khá khó khăn vì không đành lòng quăng đi nhiều thứ đồ cho dù đó là những thứ đồ chẳng bao giờ dùng tới. Sáng nay mình đã cũng phải chia tay với hàng loạt đồ linh tinh sau khi tự nhủ rằng: Mình thực sự không cần đến nó. Nhưng cũng có khá nhiều thứ mình cứ cho vào thùng, dùng hay không dùng sau này mới tính. Mình chưa sẵn sàng cho nó vào bao rác. Tuy nhiên kinh nghiệm dời nhà nhiều lần đã giúp mình ngày càng thực tế và can đảm hơn trong những quyết định chia tay với những đồ đạc để giúp cho vali của mình nhẹ nhàng hơn.

Bangkok, ngày 15.12.2007

Đi dự lễ truyền chức linh mục


Hôm qua mình đi cùng khoảng 100 các bạn trẻ Việt Nam đến tỉnh Sampran để tham dự lễ chịu chức linh mục của thầy Tú thuộc dòng Camilian. Thầy Tú là người Việt Nam đầu tiên được dòng đưa qua Thái Lan và Philippines để đào tạo, và giờ đây được chịu chức tại Thái Lan. Thầy cũng là vị linh mục người Việt thứ hai của hội dòng từ khi dòng bắt đầu tìm ơn gọi từ Việt Nam.

Chuyến đi đến Sampran bằng xe 50 chỗ rất vui. Trên xe mình giúp cho các bạn phấn khởi bằng cách bắt lên những bài hát sinh hoạt và kể những chuyện vui. Sau đó các bạn khác cũng thay phiên nhau cầm micro của xe để hát cho nhau nghe. Không khi trên xe thật sôi nổi nên chuyến đi hơn một tiếng rưởi đồng hồ dường như không thấy là bao.

Dòng Camilian đã vô cùng bất ngờ khi thấy quá nhiều người Việt đến tham dự thánh lễ chịu chức của thầy Tú. Nhưng đó là một niềm vui vì chưa bao giờ hội dòng có nhiều người đến nhà như lần này. Sự nổi bật nhất của thánh lễ truyền chức là việc được chủ trì bởi chính Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đến từ Sài Gòn. Ngoài ra còn có gia đình và người quen của tân linh mục từ Việt Nam bay sang qua để tham dự, trong đó có một vài người có biết về mình khi còn làm việc tại Việt Nam.

Sau thánh lễ là bữa tiệc với khá nhiều món ăn mà Dòng Camilian đã đặt để chiêu đãi khách trong ngày vui của Dòng. Thầy Biệt kể cho mình nghe: - Mới đầu, Dòng nhận được lời phúc đáp từ tất cả mọi người chỉ có 137 người. Nhưng Dòng cũng chuẩn bị khoảng 250 phần ăn. Nhưng khi bắt đầu thánh lễ mới thấy số lượng 250 cũng không đủ nên đã phải kêu nhà hàng làm thêm. Cũng rất may khi việc tăng phần ăn vào giờ chót không phải là vấn đề khó khăn đối với nhà hàng.

Bữa tiệc kết thúc, ĐHY đã dành cho cộng đoàn Việt Nam một ít thời giờ để lăng nghe những khắc khoải của cộng đoàn trong lúc nay, đặc biệt là trước hiện trạng không có nơi làm lễ khi Giáng Sinh đang về. Sau đó, ngài cũng đã cho cộng đoàn những lời khuyên chân thành của một người cha chung. Rất tiếc là thời giờ của ngài dành cho cộng đoàn không được lâu vì ngài phải ra sân bay để trở lại Việt Nam ngay chiều hôm qua.

Chuyến đi của các bạn trẻ Việt Nam không dừng trong giây phút đó mà các bạn còn được dẫn đi tham quan trại cá sấu và đền thánh tử đạo Thái Lan ở Sampran. Mình thì ở lại dòng Camilian để chơi với các thầy theo lời mời của các thầy. Mình định trở lại Bangkok lúc tối, nhưng các thầy bảo mình hãy ở lại qua đêm sáng hôm sau về cũng không muộn. Thế là mình đã ở lại và tham dự buổi tiệc “gia đình” của Dòng tối hôm qua và có nhiều giờ trò chuyện với các cha thầy trong dòng.

Mình chia tay các thầy sáng hôm nay trở lại Bangkok, trong lòng thấy vui sướng khi có thời gian gặp gỡ những người anh em tu sĩ Việt Nam trên đất Thái. Đây là những dịp tuyệt vời để xây tình tương thân tương ái giữa những người tu trì, đặc biệt là giữa những anh em Việt Nam với nhau đang học hành và hoạt động xa quê.

Bangkok, ngày 14.12.2007

Cộng đoàn VN lại bị từ chối thêm lần nữa


Cách đây vài ngày, mình nhận được tin rằng nhà thờ Don Bosco đã quyết định không cho cộng đoàn Việt Nam làm lễ Noel tại nhà thờ vì giáo xứ không muốn liên lụy với việc chứa chấp những người di dân bất hợp pháp. Đây là một nỗi buồn rất lớn vì mình cứ nghĩ rằng thời gian qua cộng đoàn đã cố gắng rất nhiều để tạo nên một hình ảnh tốt đối với người Thái, và hy vọng rằng nhà thờ Don Bosco sẽ là nơi nương tựa khá bền vững. Nhưng thực trạng không giống như mình nghĩ. Cuối xùng cộng đoàn Việt Nam phải đôn đảo đi tìm một nơi khác để làm lễ trong khi Giáng Sinh đang nằm ngay trước mắt.

Cha Nguyễn Tiến Đức là linh mục phụ trách cộng đoàn tại Thái Lan đã viết một bài báo chia sẻ về hoàn cảnh của cộng đoàn để đưa lên trang Việt Catholic. Sau đây là nội dung của bài:

Thảm kịch cho di dân Việt ở Bangkok khi Giáng Sinh đang về!


Noel đang về! Nhà nhà nô nức, người người hân hoan! Nhưng những người Công giáo Việt Nam, khoảng hơn 600 người thường xuyên tới nhà thờ ở Bangkok lại chẳng hân hoan chút nào!


Mang thân phận là những người con dân Việt tha hương, những người Việt này cũng mong mỏi được mừng lễ Giáng Sinh dù ở xa xứ! Nhưng họ đang trong tâm trạng hoang mang khi lễ Giáng Sinh gần kề! Tại sao lại như thế, một lễ Giáng Sinh được mừng trên toàn thế giới nhưng lại không cho họ được mừng ở đây???


Làm sao để mừng lễ Giáng Sinh? Một câu hỏi được đặt ra do những người con dân Việt đang xa xứ ở Bangkok. Dịp lễ trước vào tháng 11, người Việt xa xứ dự lễ ở nhà thờ thánh Don Bosco, nhà thờ được mượn tạm thời cho người Việt đến dự lễ bằng tiếng Việt và xưng tội vào dịp lễ Các Thánh. Nhưng sau đó, các vị hữu trách ở đây không cho người Việt mượn nhà thờ nũa với lí do được đưa ra: có một người Việt Nam đi lễ và không có giấy phép của chính phủ Thái cho sang Thái làm việc, rồi bị cảnh sát Thái hỏi giấy, bắt đưa về đồn nhưng sau đó mấy phút lại được thả ra. Các vị hũu trách ở đây sợ bị liên lụy đến họ nên đã từ chối cho mượn nhà thờ.


Về giấy phép làm việc đối với người Việt sang lao động ở Thái thì người có người không. Đây cũng là chuyện thường tình đối với những người sang Thái làm việc từ các quốc gia khác, và cũng là chuyện phổ biến ở xã hội Thái. Nếu có thiệt thòi một chút vì lợi ích lớn lao là được các linh hồn, sao họ lại không chọn ? Vậy lẽ nào vì thế mà từ chối việc mở cửa nhà thờ cho người Việt ở đây muốn đến với Chúa để mừng lễ Giáng Sinh??? Chúa ở trong nhà thờ đành chịu để cho người giữ cửa cho hoặc không cho Chúa được gặp con cái mình sao???


Lẽ nào vì thế mà nhu cầu tâm linh rất chính đáng của những người dân Việt xa xứ lại không được Giáo Hội địa phương đáp ứng. Không mượn được nhà thờ để mừng lễ Chúa Giáng Sinh cũng đồng nghĩa với việc người Việt tha hương không có lễ Giáng Sinh và không thể lãnh nhận bí tích Hòa Giải để dọn hang đá tâm hồn đón Chúa Hài Nhi. Không biết trách nhiệm này thuộc về ai? Chẳng lẽ đàn chiên phải chịu tội???


Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Thế Giáo Hội địa phương này truyền giáo thế nào? Thay vì đi tìm chiên lạc đàn trở về, giờ có những 600 con chiên vượt gian khó, tìm đến nhà Chúa nhưng lại bị người giữ cửa từ chối không cho vào và đành phải bơ vơ, nghểnh đầu dáo dác! Thế có phải là truyền giáo hay không, hay là phản truyền giáo???


Trong Tin mừng, Đức Giêsu đã ví mình như người chăn chiên lành, người bỏ 99 con trong đàn chiên để đi tìm cho bằng được một con chiên lạc, đưa nó về đàn (Lc 15). Giờ đây có một đàn chiên Việt tha hương (600 con), đang bơ vơ lạc lõng ở xa xứ, vì không có chủ chăn hướng dẫn; đang hoang mang, dáo dác vì không biết đến đâu để mừng lễ Giáng Sinh; đang thiết tha mong mỏi có được chuồng chiên để trú ngụ khi gặp giông tố; đang nhiệt tình tìm kiếm hang đá Belem để đến thờ lạy Chúa Hài Nhi trong đêm Giáng Sinh!!!


Trước đây, những người con dân Việt đến mượn nhà thờ Fatima để dự lễ bằng tiếng Việt và xưng tội vào mỗi lần mượn được nhà thờ, nhưng được một thời gian rồi sau đó bị từ chối không cho mượn nữa. Những người Việt này lại dong duổi gõ cửa để mượn nhà thờ khác. Sau nhiều nơi đến xin, người Việt mượn được nhà thờ Saint John được một vài lần rồi cũng lại bị từ chối cho đến lần này bị từ chối ở nhà thờ Saint Don Bosco nữa là lần thứ ba. Một lần nữa, những người con dân Việt tha hương sang Thái tìm kế mưu sinh lại rơi vào cảnh ngộ giống như dân Israel xưa đi lưu đày, phải xa đền thờ, và luôn mong mỏi được trở về để đi lên đền thánh Chúa! (Is. 49)


Các em trong ca đoàn cũng hoang mang vì đi tập hát lễ Giáng Sinh mà không biết có tổ chức được thánh lễ Giáng Sinh hay không? Liệu có nhà thờ nào ở Bangkok chịu cho cộng đoàn người Việt mượn nhà thờ để mừng lễ Chúa Giáng Sinh hay không?


Những người Việt khác ngậm ngùi cho thân phận tha hương của mình chỉ vì đi tìm miếng cơm, manh áo mà phải chịu cảnh éo le và bị hất hủi thế này!


Có lẽ Chúa Hài Đồng khi xưa Giáng Sinh cũng đồng cảnh ngộ bị hất hủi như những người con dân Việt này vì chẳng có nơi nào chịu cho Chúa Hài Nhi đến trọ? Và...Chúa đã chịu sinh ra ở cánh đồng Belem giữa đêm khuya giá lạnh!


“Con khóc mẹ mới cho bú!” Là người mẹ, có lẽ ai cũng hiểu và thực hiện điều này!


Lm. Giuse Nguyễn Tiến Đức

Bọn học sinh trên xe buýt


Tối qua sau khi đội tuyển bóng đá Việt Nam thua trận trong cuộc gặp gỡ Myamar, mình đã quyết định không cần phải ở lại đến ngày 14 để xem trận chung kết vì đội tuyển Việt Nam sẽ không có mặt trong trận thi đấu này. Mình leo lên xe buýt đang chở một nhóm học sinh lớp 12 làm tình nguyện trong Sea Games để trở lại Trung Tâm Công Giáo. Bọn học sinh nói chuyện thật thật náo động và hồn nhiên, em nào cũng mặc áo vàng có logo Sea Games dành cho học sinh tình nguyện. Mình hỏi một em nữ đang đứng bên cạnh (xe loại nhỏ hết chỗ nên phải “đu” phía sau):

- Em biết nếu đi Bangkok nên ra bến xe mới hay bến xe cũ.

- Em cũng không rõ nữa. – Em trả lời. – Ê xxx. Biết đi Bangkok ra bến xe nào không? – Em hỏi một người bạn đang ngồi gần bên.

- Hình như ra bến xe mới thì phải. – Em ấy trả lời.

- Vậy giờ này có xe đi Bangkok không? – Mình hỏi lại.

- Có chứ.

- Anh người gì mà nói tiếng Thái rõ vậy?

- Người Việt Nam. – Mình trả lời.

- Vậy sao anh biết tiếng Thái?

- Vì anh có học tiếng Thái ở trường đại học ….

Nghe tên đại học nổi tiếng ở Bangkok, cả nhóm ồ lên. Có lẻ vì đứa nào cũng đang nghĩ tới chuyện thi vào đại học vì đang ở năm cuối của trung học.

- Anh học ngành gì? – Một em nữ khác hỏi.

- Giờ anh chỉ học tiếng Thái để làm việc. Nhưng trước đây anh học môn sinh hóa.

- Anh giỏi nhỉ.

Một bạn nam khác (hình như lớn tuổi hơn) đứng bên cạnh nói:

- Trước đây em cũng định đi học như anh để làm bác sĩ nhưng….

- Không đủ khả năng nên không có trường nào nhận. – Một em nữ cắt ngang.

- Anh thấy con gái Khorad có đẹp không? – Bạn nam hỏi.

- Ồ, đẹp chứ. Đẹp hơn con gái ở Bangkok nhiều. – Mình khen làm cả bọn la lên khoái chí.

- Không, em hỏi anh “con gái” như em nè. – Bạn ấy đính chính lại làm điệu bộ duyên dáng. Cô gái đứng bên cạnh mình giải thích thêm, “là loại người ‘hai tên’ đó.”

- À, vậy thì anh không có ý kiến. – Mọi người cười ầm lên.

Gần đến nơi, mình hỏi bọn học sinh chỉ chỗ xuống để trở về TTCG. Một em nữ nói là để chỉ cho, cũng có bốn năm đứa cần xuống ở khúc đó. Khi xuống mình chưa định được hướng đi nên hơi lúng túng.

- Đây có phải là đường có cái chợ không?

- Đúng rồi. Cái chợ nằm đằng kia kìa. Hay là để tụi em dẫn anh đi cho chắc? – Một em gái đưa ra ý kiến.

- Nếu đằng kia là cái chợ. Vậy thì anh biết đường rồi. Thôi anh chào tạm biết mấy em nhé.

- Vâng. Chào anh. – Cả nhóm chào cùng một lúc.

Mình nghe giọng nhẹ nhàng dòn dã của nhóm học sinh vang lên giữa đường phố tự nhiên làm cho mình thấy vui một cách lạ thường. Nếu ngày nào cũng gặp được những người vui vẻ dễ thương như thế này thì cuộc đời tươi đẹp biết bao.

Chiếc xe tour hạng nhất đưa mình trở lại Bangkok trong vòng ba tiếng rưởi đồng hồ và về đến nhà xứ khi đã hơn 11h khuya. Người ta nói đi một ngày đàng học một sàng khôn. Những ngày qua lang thang trên đường phố Khorad để coi hết môn thể thao này đến môn thể thao kia, mình đã gặp được rất nhiều giây phút hạnh phúc khi được tiếp xúc với rất nhiều con người vui vẻ hiếu khách, từ những em học sinh, đến những bà ngồi chung trên xe buýt, những anh cảnh sát làm công tác trật tự tại sân vận động, cho đến những người bán hàng trên đường phố. Trước đây mình lấy làm tiếc Seagames không được tổ chức tại Bangkok để mình khỏi phải đi xa. Nhưng giờ nghĩ lại thấy đi Khorad, xa thành phố thủ đô thật. Nhưng ngược lại, đến đó lại thấy thật gần gũi với con người. Mình đã đến Khorad không chỉ để coi thể thao mà còn để thực tập tiếng Thái. Những ngày lang thang đi đây đó, hỏi đường, làm quen, trò chuyện, mình cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết trong khả năng tiếng Thái của mình. Giờ đây mình đã thấy an tâm hơn khi quýt định rằng đầu năm tới sẽ kết thúc việc học và bắt đầu đi làm.

Bangkok, ngày 12.12.2007

Những cuộc gặp gỡ


Sáng nay mình dọn ra khỏi khách sạn để qua ở tại Trung Tâm Công Giáo của địa phận Khorad cũng năm trong khu vực trung tâm thành phố. Trước đây mình đã liên lạc được với cha Prayoon và ngài đã mời mình đến nghĩ ở TTCG. Vì ở Khorad nhiều ngày nên đến đây nghỉ sẽ tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ.


Cha Prayoon là người Thái nhưng nói tiếng Việt rất giỏi. Sau 1975 khi bắt đầu có hiện tượng người tị nạn Việt Nam sang Thái, ngài đã vào các trại tị nạn giúp đỡ người Việt. Từ đó ngài nói luôn được tiếng Việt. Quê ngài ở tỉnh Chon Thapburi, là một tỉnh giáp Kampuchia. Ngài cho hay ở đây có người Việt đến định cư từ hơn 300 trăm năm trước, do phải lẫn trốn sự bắt đạo tại Việt Nam thời ấy.


Nói chuyện với cha Prayoon xong, mình rời TTCG, bắt xe buýt đi đến trường cao đẳng C-Tech để xem thi đấu môn Wushu. Trường ở hơi xa, phải đi hỏi nhiều người mới đến nơi đến chốn. Hôm nay Việt Nam đã đạt được rất nhiều huy chương vàng từ môn này.


Khi việc thi đấu wushu kết thúc, mình lật đật ra đường đón xe buýt đi ngước về trường đại học Rajabhat để xem vòng sơ loại của môn thể hình. Việt Nam có ba người được lọt vào vòng chung kết diễn ra chiều mai ở các hạng cân khác nhau. Nhưng rất tiếc mình sẽ không đi xem được vì giờ thi đấu hơi trùng hợp với giờ đá banh, mà đó là trận bán kết giữa Việt Nam và Myamar. Trong giờ thi đấu, mình ngồi cạnh vận động viên cử tạ Hoàng Anh Tuấn. Hai người trò chuyện với nhau một lúc và biết thêm về các thành tích của Tuấn cũng như những vấn đề xoay quanh môn cử tạ mà Tuấn là thành viên sáng giá nhất của môn cử tạ Việt Nam.


Chương trình kết thúc, mình ra khỏi hội trường để làm việc mà mình đã làm nhiều lần trong những ngày qua, đó là hỏi đường về nhà. Mình đến hỏi một anh cảnh sát đang làm việc trật tự tại điểm thi đấu:


- Anh cho tôi hỏi về tượng đài Yamồ nên đi bằng cách nào?


Anh cảnh sát nghĩ một lát rồi hỏi lại:


- Anh có gấp không? Nếu không phiền hà, anh đợi tôi một lúc sẽ có xe đưa anh về.


- Vâng tôi không phải gấp gáp gì hết.


- Vậy anh đợi đây nhé.


Anh cảnh sát hỏi mình người gì? Mình trả lời người Việt. Anh lấy làm lạ:


- Người Việt sao nói tiếng Thái rõ vậy?


- Vì tôi đang học tiếng Thái ở Bangkok anh ạ. - Mình trả lời.


Những người cảnh sát xung quanh cũng đến trò chuyện với mình trong lúc chờ mọi người rời khỏi điểm thi đấu. Một anh cảnh sát khác nói:


- Các cô gái Việt Nam đẹp nhỉ.


- Vâng, cũng đẹp. - Mình trả lời. - Nhưng trong cuộc thi fitness hôm nay, các cô trình diễn không được hay mấy.


- Đúng rồi. Nhưng nếu cuộc thi hôm nay là cuộc thi nhan sắc thì chắc các cô gái Việt Nam sẽ thắng.


Họ lại hỏi mình chỉ cho họ cách nói "Em đẹp lắm" bằng tiếng Việt như thế nào. Có lẽ ngày mai gặp các cô họ sẽ đem câu ấy ra để khen.


Một lúc sau có xe đưa nhân viên cảnh sát về sở, và mình được mời lên đi theo, rồi được thả xuống ở tượng đài Yamồ.


Thời gian qua, nhưng bài nhật ký của mình về cảnh sát Thái Lan đa số xoay quanh các vấn đề bắt bớ những công nhân Việt Nam lao động bất hợp pháp tại Bangkok. Nhưng hôm nay mình không nhắc đến điều này, chỉ biết cũng có những người cảnh sát rất vui vẻ và tận tình giúp đỡ những vị khách đến thăm quê hương đất nước của họ.


Khorad, ngày 10.12.2007

Nhiều sự kiện


Hôm qua mình có một ngày quan trọng, đó là cuộc họp với Đức Giám Mục George, là giám mục địa phận Udon Thani. Trong buổi họp, mình trình bày với ngài rằng việc học tiếng Thái của mình ở Bangkok đã kết thúc và mình muốn đến Udon Thani vào tháng giêng để bắt đầu những công việc mục vụ về giáo dục trong trường học cũng như trong tiểu chủng viện. Ngoài ra minh muốn có cơ hội để thực tập làm lễ bằng tiếng Thái cho giáo xứ hoặc những cộng đoàn tu sĩ. Mình cũng sẵn sàng giúp với các lễ tiếng Anh nếu có.

Lúc đầu ĐGM George yêu cầu mình đi thành phố Khon Ken (cách Udon Thani hơn 100km) vì ở đó có trường học sẵn sàng đón nhận mình vào dạy. Còn trường của các seour dòng Salesian ở Udon Thani, theo ngài, thì không dễ vào làm được. Nghe vậy mình cảm thấy hơi xìu xuống. Nhưng rồi mình trình bày với ĐGM rằng nếu không dạy trong trường học thì mình có thể dạy Anh Văn cho các chú trong tiểu chủng viện vì đây cũng là một nhu cầu quan trọng của Giáo phận trong lúc này. Mình cũng chia sẻ với ngài rằng trong lúc này mình muốn ở trong khu vực Udon Thani vì muốn có cơ hội để tiệp cận với các cha các thầy của địa phận một cách dễ dàng hơn vì mình là thành viên mới của địa phận. Ngoài ra, trong lúc này tiếng Thái của mình còn yếu, nên ở đây sẽ dễ tìm người để giúp đỡ mình trau dồi và học hỏi thêm.

Sau khi trao đổi một lúc, cuối cùng ĐGM cũng chấp nhận với nguyện vọng của mình là ở lại Udon Thani và có thể sẽ ở trong ngôi nhà của tiểu chủng viện. Tính ra chỉ còn một tháng nữa là mình sẽ dọn lên Udon Thani để bắt đầu làm việc. Mình không biết lúc ấy việc sắp xếp của ĐGM đã xong xuôi chưa, vì lúc này ngài cũng bận rộn và tuổi cũng đã cao. Chỉ sợ rằng ngài sẽ quên giúp mình để cho việc chuyển tiếp được tốt đẹp.

Tối hôm qua lại có chương trình kết thúc năm ơn gọi diễn ra tại tiểu chủng viện nên mình đã ở lại Udon Thani để tham dự. Các chú đã tổ chức một buổi tối thật ấn tượng. Có khách đến từ khắp nơi trong địa phần để thưởng thức chương trình cầu nguyện theo kiểu Taize, và chương trình văn nghệ tiếp theo. Nhìn cách tổ chức và cách trang trí khuôn viên tiểu chủng viện, mình thấy rõ các chú đã bỏ nhiều công sức cho sự kiện quan trọng này. Trong chương trình văn nghệ, mình thích nhất là mục hoạt cảnh giáng sinh, mà trong đó có các em hóa trang thành những con cừu thật dễ thương.

Chương trình văn nghệ được đóng góp bởi học sinh đến từ các trường trong giáo phận. Sau mỗi mục, đại diện của nhóm đến nhận quà từ ĐGM. Ngài nói, bình thường ngài đi ngủ 8h, nhưng tối qua ngài phải thức khuya hơn vì ở lại dự chương trình văn nghệ.

Phong tục Thái đòi hỏi trẻ con phải rất kính trọng người trên. Vì thế, mỗi lần em chủng sinh đến đưa quà cho ĐGM để trao lại cho các nhóm, khi gần đến nơi ngài ngồi, em phải quỳ xuống và tiến đên bằng hai đầu gối. Khi đưa quà xong, em phải từ từ thụt lui cũng bằng hai đầu gồi, không được phép quay lưng bước đi. Khi cách xa khỏi ĐGM, em mới có quền đứng dậy bước đi.

Vì tối qua có chương trình lớn nên mình đã có cơ hội gặp gỡ một số linh mục trong địa phận, trong đó có các linh mục người Thái gốc Việt. Tuy nhiên, có người thì biết nói tiếng Việt, còn có người thì không. Mình tiếp xúc với các ngài thầy mọi người thân thiện và vui vẻ, làm mình thấy an lòng khi chuyển về địa phận để làm việc trong thời gian sắp đến.

Chương trình chính diễ ra ngày hôm nay với nhiều sinh hoạt khác nhau, trong đó có các bàn "triển lảm" của các dòng tu trong địa phận. Nhưng mình phải rời Udon Thani từ lúc 7 gờ sáng, lên xe buýt trở vể Khorad để kịp coi trận thi đấu bóng đá giữa Việt Nam và Lào. Thêm một lần nữa, đội tuyển Việt Nam đá không xuất sắc, thậm chí còn bị Lào mở bàn. Nhưng cuối cùng, Việt Nam cũng đã chiến thắng với tỷ số 2-1 để đạt hạng nhất trong bảng B. Cũng may cho đội tuyển Việt Nam khi tránh được đội Thái Lan trong vòng bán kết vì Singapore huề với Malaysia trong trận đấu cùng giờ hôm nay. Đổi thủ vủa VN trong trận tới sẽ là Myamar.

Sau khi rời sân bóng, mình muốn đi xem thể thao tiếp, nhưng không biết đường đi. Mình lên chiếc xe lam số 4 để trở về trung tâm. Mình hỏi một cô gái trên xe tuyến này có đi đến chỗ thi đấu cử tạ không. Cô bảo nếu muốn đi coi môn đó phải đến trường trung cấp dạy nghề. Thế là cô kêu mình xuống xe và dẫn mình đi bộ một khúc khá dài. Khi đến nơi rồi thì nhân viên bảo vệ cho hay ngày thi đấu đã kết thúc. Ngày mai 10h sáng mới có lại. Anh bảo vệ cho hay ở khách sạn nào đó chương trình thi đấu bi-da đang diễn ra.

Cô bạn người Thái hỏi mình có muốn đi xem không, sẽ dẫn đi. Mình gật đầu đồng ý. Thể là leo lên tuyến xe lam số 6 đi đến địa điểm thi đấu. Cô cũng dẫn mình đi đến nơi đến chốn. Mình sợ làm phiền cô nên hỏi vài lần thì cô trả lời không phiền hà gì. Cô vui lòng dẫn mình. Dù sao đi nữa cô cũng là một người đang giúp với việc phiên dịch trong Sea Games.

Nhưng vừa đến nới thì mình thấy nguyện đội bi-da Việt Nam đang đứng bên trạm xe buýt chờ đón xe về. Mình hỏi một vận động viên trong đội thì được biết đội VN thi đấu xong xuôi rồi, bây giờ chỉ còn Phi Luật Tân và Singapore. Mình cảm thấy hết hứng nên băng qua đường đón chiếc xe số 6 trở về trung tâm thành phố. Mình đi đến nơi về đến chốn cũng vì leo lên xe là hỏi những hành khách khác cách đi để không khỏi lạc đường. Mình chưa một lần bị thất vọng khi nhờ vào sự giúp đỡ của những con người tốt bụng hiểu khách ở thành phố này, ngoại trừ mấy người chạy xe tuktuk hoặc xe thồ.

Thế là kết thúc một ngày dài với nhiều sinh hoạt. Mình ngồi đây ôn lại những sinh hoạt trong ngày mà thấy tâm hồn thoải mái và bình an. Đến bây giờ mình đã có những ngày thư giản thật bổ ích, cũng như được việc. Cảm giác ở một thành phố xa lạ, không ai biết mình, mình có thể tung tăng đi đây đó, hỏi đường, làm quen, thưởng thức quang cảnh... mang lại cho mình cảm giác thật phiêu lưu và lãng mạn.

Đang ngồi viết nhật ký thì một bạn trẻ Việt Nam đang làm việc ở Bangkok gọi đến nhờ mình tường thuật sự kiện bóng đá chiều này. Các bạn ước gì được đi xem, nhưng vì bận làm việc đành phải nhờ mình làm phóng viên truyền lại thông tin. Mình may mắn biết bao khi có cơ hội để thưởng thức đại hội thể thao như thế này. Đời tu cũng hạnh phúc lắm chứ.

Khorad, ngày 8.12.2007

Mục vụ HIV/AIDS


Hôm nay trung tâm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp gio thầy Damiên điều khiển tổ chức chương trình "Ngày AIDS thế giới" cho các học sinh trong tỉnh. Đây là chương trình hằng năm tụ họp học sinh đến từ 40 trường trung học. Đây cũng là các trường đã tham gia vào các chương trình giáo dục về HIV/AIDS của trung tâm tổ chức. Số học sinh đến tham dự khoảng 300 em.


Trong chương trình hôm nay có các tiết mục văn nghệ được các học sinh từ một số trường trình diễn. Ngoài ra có phần thi đua kiến thức về HIV/AIDS và nhiều sinh hoạt khác.


Sáng nay trung tâm cũng có nghi thức khai trương và làm phép nhà ICU để điều trị các bệnh nhân AIDS đang ở tình trạng nguy kịch. Trong chuyến đi họp mặt với các thầy lần này, mình rất may mắn khi được chứng kiến hoạt đồng truyền giáo của các thầy, đặc biệt là trong mục vụ HIV/AIDS. Chắc chắn sau này khi lên đây làm việc mình sẽ có dịp công tác với các thầy trong mục vụ này. Đó cũng là ước muốn và nguyện vọng của mình từ lâu.


Luôn tiện mình ghé qua thăm các seour dòng Mẹ Têrêxa đang chăm sóc 28 trẻ mồ côi bị nhiễm HIV. Nhà nuôi trẻ cũng năm trong khuôn viên nhà thờ Thiên Thần Gabriel do thầy Damien đã xây lên trước đây. Lần này đến thăm các em mình thầy các em mạnh khỏe vì em nào cũng uống thuốc điều trị. Các em tuổi từ mẫu giáo cho đến lớp 7, và em nào cũng đi học. Các thầy cho hay, trước đây khi mới mở nhà nuôi trẻ HIV, các seour có vẻ mang não trạng là các em sắp chết. Nhưng bây giờ, vì thuốc điều trị tân tiến nên các em khỏe mạnh nhiều. Các seour phải nuôi dưỡng các em với não trạng là các em se còn sống rất lâu và có thể còn có tương lai.


Giáo xứ Thiên Thần Gabriel chỉ có vài chục giáo dân. Hiện nay cha xứ là một cha trẻ dòng Chúa Cứu Thế. Ngài rất nôn nao cho cha Tr. và mình học xong để ban giao lại giáo xứ cho dòng mình để ngài có thể đi làm việc khác. Biết vậy nhưng điều gì cũng cần thời gian và sự chuẩn bị kỷ lưỡng. Vì thế nên hy vọng rằng ngài sẽ kiên nhẫn đợi một thời gian dài hơn trong khi mình và cha Tr. trải qua những chương trình cần thiết trước khi đảm nhận giáo xứ. Mà theo tình hình hiện nay thì việc đảm nhận giáo xứ có lẻ sẽ rơi vào tay cha Tr. Và mình sẽ đi làm những việc khác, như dạy học và công tác xã hội. 15 phút nữa, mình sẽ đi với thầy Ron đến nhà thờ chánh tòa ở Udon Thani gặp Đức Giáo Mục. Sau buổi họp hôm nay, có lẽ mình sẽ hiểu rõ hơn phần nào mình sẽ làm những gì trong tương lai gần đây.
Nong Bua Lamphu, ngày 7.12.2007

Chờ thư


Mấy tuần nay mình chờ thư của mẹ. Thực ra không phải thư của mẹ mà thư mẹ chuyển từ bố đỡ đầu của mình. Nhân dịp ngày sinh nhật của mình vừa qua, bố có xin lễ một năm cho mình ở một dòng các seour ở Hoa Kỳ. Bố đỡ đầu không biết địa chỉ của mình ở Thái Lan nên nhờ mẹ mình chuyển thiệp mừng sinh nhật lại cho mình.


Thư mẹ gởi hơn một tháng rồi mà vẫn chưa đến. Mình gọi điện thoại cho chị Trâm báo là mình chưa nhận được thự mẹ gởi. Chị Trâm mới email lại cho hay chắc là sẽ không nhân được thư ấy đâu. Vì khi gởi thiệp mẹ đã kèm theo 100 USD trong thiệp để làm quà sinh nhật cho mình. Chắc chắn là tiền đã bị ai đó lấy và thế là thư cũng bị hủy bỏ luôn. Hóa ra là thế. Mình nghĩ cũng hơi buồn vì bị mất tiền, nhưng buồn vì chắc chắn mẹ muốn "surprise" mình bằng một món quá sinh nhật, nhưng cuối cùng lại không được. Năm ngoái mẹ có viết thư rồi nhét vào tờ 20 USD. Tiền đó không bị mất, nên lần này mẹ liều lĩnh hơn. Nhưng số tiền 100 USD có lẽ quá nhiều, nên nhân viên bưu điện không chịu bỏ qua.


Hôm nay mình cũng nhận được email của một người bạn thời cùng học đại học tên Phương Anh. Phương Anh gởi cho mình hình đám cưới cách đây vài tháng. Phương Anh đám cưới với Phong, cũng là một người bạn học đại học. Mình nhìn hình Phương Anh gởi mà thấy một chút luyến tiếc. Đáng ra lễ đám cưới giữa Phương Anh và Phong sẽ được mình làm. Và đây sẽ là lễ đám cưới đầu tiên của bạn bè mà mình được làm. Nhưng hai bạn đám cưới ở Mỹ. Mình thì ở tận Thái Lan. Phép về tham dự lễ cưới của anh chị trong gia đình mình còn không được, nói gì đến đám cưới của bạn bè. Thế là thêm một dịp vui mình phải bỏ qua. Nghĩ đến không thể không buồn tiếc, nhưng làm kẻ tu trì thì phải chấp nhận những thiệt thòi nho nhỏ như vậy trong cuộc sống. Chỉ hy vọng rằng gia đình và bạn bè hiểu và thông cảm cho khi thiếu sự hiện diện của mình trong đời sống của họ, mặc dầu trong những dịp quan trọng nhất.


Bangkok, ngày 6.12.2007

Chuyến đi lòng vòng


Hôm nay sau khi nán ở lại Khorad xem Việt Nam chơi (thua) Thái Lan trong vòng bán kết môn bóng bàn, mình lật đật ra bến xe đi Nong Bua Lamphu để họp mặt với các thầy trong dòng như đã hẹn. Đến bến xe mình được nhân viên cho biết là không có chuyến đi thẳng đến Nong Bua Lamphu, phải mua vé đi Udon Thani, rồi sau đó bắt chuyến khác đi Nong Bua Lamphu.



Chiếc xe "tour" đi Udon Thani từ Khorad không tốt và mới như từ Bangkok đi Khorad, nhưng cũng tương đối sạch sẽ. Cung cách phục vụ cũng tệ hơn. Khi lên xe, cô nhân viên hỏi mình muốn xuống ở đâu. Mình bảo muốn đi Nong Bua Lamphu. Cô nói:


- Nếu anh đi Nong Bua Lamphu thì anh nên xuống ở Khon Ken thay vì xuống Udon Thani.



- Tại sao? - Tôi hỏi lại.


- Bởi vì từ Khon Ken đi Udon Thani hơn 100 km. Từ Khon Ken đi Nong Bua Lamphu cũng hơn 100 km. Nhưng từ Udon Thani đến Nong Bua Lamphu lại thêm 45 km nữa. - Cô giải thích.



- Vậy cố biết chỗ cho tôi xuống để đón xe không?



- Biết, tôi sẽ chỉ cho anh.


- Cô chắc chứ?



- Chắc ạ.


Sau vài giờ đống hồ ngồi trên xe tôi thấy biển hiệu bảo xe đang chạy vào Khon Ken nhưng không thấy cô nhân viên báo cho mình xuống. Thấy cô đi nhà vệ sinh (trên xe có phòng vệ sinh), mình hỏi:



- Cô sẽ cho tôi xuống lúc nào?


- Ồ, tôi quên mất. Chúng ta gần đến bến xe rồi. Anh có thể bắt xe tuktuk đến chỗ có xe đi Nong Bua Lamphu, không xa lắm. - Cô ta trả lời.


- Đi xe này mất khỏang bao nhiêu tiền? - Mình hỏi.


- Khoảng 50 baht.


- Nhiều vậy ạ. Tôi mua vé đi Udon Thani, mà lại xuống trước hơn cả trăm cây. Giờ cô lại bắt tôi trả thêm tiền để đi đến chỗ bắt xe nữa.



Không cách nào khác, mình phải làm như vậy. Nhưng vừa đến chỗ có xe đi NBL, nhân viên cho mình hay là xe hết chỗ, và không còn chuyến khác.



- Vậy tôi phải làm gì bây giờ? - Mình hỏi nhân viên trong sự lo lắng.



- Vậy anh bắt xe đi Udon Thani rồi từ đó đổi qua xe đi NBL. - Anh nhân viên khuyên.



- Trời! tôi mới vừa trên xe Udon Thani xuống. Giờ lại phải bước lên xe đi Udon Thani lại. - Mình than phiền, nhưng họ chẳng thương hại mình tí nào.



Mình tìm đến chiếc xe đi Udon Thani, nhưng chỉ là xe buýt bình thường, không phải là xe 'tour'. Vì thế xe chạy chậm hơn vì bắt khách, thả khách giữa đường và số lượng người đi rất đông. Chuyến đi 100 km mất 2 giờ đống hồ mới đến.



Phải nói một điều là do lật đật lên xe xuống xe nên mình không có giờ đi nhà vệ sinh. Khi ngồi trên chuyến xe đi Udon Thani (xe này không có nhà vệ sinh) thì đã đến mức độ chịu gần hết nỗi. Nhưng cũng phải cắn răng mà chịu đựng.


Mình hỏi một bà người Thái ngồi bên cạnh:



- Chúng ta sắp đến Udon Thani chưa?



- Đây là Udon Thani rồi. - Bà trả lời.



- Vậy cho tôi hỏi là tôi nên bắt xe đi NBL ở đâu?



- Anh phải đi đến bến xe mới.



- Vậy xe này đang đi đâu?



- Xe này đang đi đến bến xe cũ.



- Vậy thì làm sao tôi có thể đón xe được?



- Anh phải xuống ở đây rồi bắt xe đi ra bến xe mới. Để tôi chỉ cho anh.



Mình lại xuống xe buýt bắt chiếc xe tuktuk chạy thêm 8km ra bến xe mới. Trên đường đi ra mình hỏi anh tài xế xe tuktuk:



- Ở đó có xe đi NBL phải không anh?



- Có. Nhưng chuyến cuối đi NBL là 6h tối.



- Vậy bây giờ là 6 giờ kém 5 rồi! - Mình nói hoảng hồn.



- Nếu xe không kẹt như hôm nay thì may ra kịp. Nhưng hôm nay sinh nhật 80 năm của vua nên có nhiều chương trình ăn mừng làm xe kẹt nhiều.



- Vậy làm sao tôi có thể đi NBL bây giờ? - Mình hỏi.



- Có xe đi Chiang Mai.



- Có nghĩa là sao?



- Xe đi Chiang Mai đi ngang qua NBL.- Anh trả lời.



- Xe đi Chiang Mai có nhiều không?



- Chuyến tiếp có lẽ 9h.



- Cái gì? - Mình la lên. - 3 giờ đồng hồ nữa mời có chuyến đi à?



- Tôi không chắc. Khi nào tới anh hỏi thử xem sao.



Đến bến xe, mình mừng lắm khi nghe nhân viên vé cho hay 7h sẽ có một chuyến. Thế là mình mua vé liền. Và cuối cùng, lúc 8h tối, mình đã đến NBL. Chuyến đi từ Bangkok đến Khorad thoải mái và tốt đẹp bao nhiêu thì chuyến đi Khorad đến NBL phức tạp và căng thẳng bấy nhiêu. Cũng may là mình biết nói tiếng Thái để hỏi han đi lại. Thử nghĩ nếu mình không nói được tiếng Thái thì không biết chuyến đi này sẽ tệ hại đến mức độ nào? Dù sao đi nữa mình cũng đã đến nơi. Giờ đây mình đang ngồi bình an trong căn nhà mà các thầy thuê để ở. Hãy xem như là một kinh nhiệm đáng nhớ lần đầu tiên đi xe đò đến NBL vậy.


Nong Bua Lamphu, ngày 5.12.2007

Một ngày vui


Mình đến thành phố Korat từ lúc 11h sáng trên chuyến xe đò từ Bangkok chỉ tốn thời gian hơn 3 giờ đồng hồ. Chuyến đi rất thoải mái. Nhân viên bến xe lịch sự. Xe rộng rãi, sạch sẻ, đi đúng giờ. Ở Thái Lan có loại xe đò gọi là xe "tour" rất đẹp và phục vụ tốt.


Chỉ có một chuyện không vui là mình đã bị người xe thồ lừa khi bảo rằng khách sạn mình cách bến xe một cây số trong khi trên thực tế chỉ hơn 100 mét, đi bộ vài phút thì tới. Nhưng ngoài một chuyện nho nhỏ đó, mình có ấn tượng rất tốt với người dân ở đây.

Đặc biệt khi mình đến Trung tâm Sea Games để mua vé đi xem đá banh chiều nay, mình đã được đến bốn cô nhân viên phục vụ một cách tận tình trong khi mình chỉ mua một vé với giá 50 baht. Lý do mình được 4 người phục vụ là vì mình mới đến ngơ ngơ ngáo ngáo không biết sân vận động nằm hướng nào. Thế là các chị chỉ vẻ cách đi, nơi nào đón xe buýt, vào xuống nơi nào. Các chị còn cho mình số điện thoại, bảo nếu có vấn đề gì thì cứ gọi tới. Mình có cảm giác đang bị "cua" nhưng thực sự vui vẻ.

Mình đã đón chiếc xe buýt (thực ra xe loại pick-up truck) có hai giàn ghế đặt hai bên như xe lam ở Việt Nam đến sân vận động. Vừa bước lên, mình bắt chuyện với một bác ngồi bên cạnh. Bác ngạc nhiên khi thấy mình nói tiếng Thái giỏi mặc dầu không phải là người Thái. Mọi người trên tuyến xe đều nói chuyện với mình vì mình hỏi họ điều này điều kia về thành phố và cách đi lại.

Mình đến sân vận động quá sớm nên phải chờ khoảng gần 3 tiếng đồng hồ mới đến giờ đội tuyển Việt Nam và Singapore thi đấu đá banh. Bắt đầu từ 2 giờ chiếu số cổ động viên Việt Nam đến khá đông. Ai nấy đều mang những chiếc áo màu đỏ để thể hiện sự ủng hộ đội tuyển Việt Nam.

Mặc dầu số lượng cổ động viên Việt Nam rất đông, và khá náo nhiệt, nhưng cũng không đủ để giúp cho đội tuyển Việt Nam chiến đấu tốt trước đối thủ Singapore. Trên thực tế, Việt Nam đã chơi một cách tệ hại, chỉ trong hiệp đầu đã nhìn thấy tỉ số 0-3. Gần cuối hiệp khi Singapore đang dẫn 2-0, một cầu thủ Singapore bị phạt thẻ đỏ phải rời sân. Nhưng thay vì lợi dụng lợi thế để làm điểm, người Việt trên khán đài đã phải bức xúchứng kiến cảnh lưới của đội mình bị tung lần thứ ba.

Đến gần cuối hiệp 2 thì Singapore lại mất thêm cầu thủ thứ hai, nhưng Việt Nam vẫn không làm gì được đối thủ. Tới giây phút cuối cùng Việt Nam được trổng tài cho đá phạt đền biến kết quả cuối cùng thành 2-3. Tỷ số 2-3 mà chúng ta thấy thực sự không phản ảnh một cách chính xác lối chơi vụng về, thiếu tập trung, và bất cẩn của đội tuyển Việt Nam. Thế là hàng trăm cổ động viên Việt Nam đã phải rời sân bóng trong nỗi bực tức khó chịu.

Mặc dầu kết quả trận đá không như mình mong muốn, nhưng mình đã có một ngày rất vui. Trên thực tế, mình rất làm biếng đi du lịch một mình vì sợ buồn. Nhưng hôm nay mình không thấy buồn mà vui. Vui vì có cơ hội trò chuyện với nhiều người, người Thái có, người Việt có. Vui vì có cơ hội thực tập tiếng Thái, nói một cách thực tế với những người bình thường, không phải theo sách vở. Và mình đang thực hiện mục đích này một cách tốt đẹp.

Korat, ngày 3.12.2007

Đi xem Handel's Messiah


Tối nay mình và Phong đi xem chương trình ca nhạc Handel’s Messiah do Ca Đoàn Tổng Hợp Bangkok trình diễn. Đây là đêm thứ hai chương trình diễn ra. Đêm thứ sáu là buổi diễn đầu tiên ở trường đại học Chulalongkorn. Mình và Phong dự định đi đêm đó, nhưng cuối cùng không đi vì sáng thứ bảy minh còn phải thi. Tối mai sẽ có buổi trình diễn ngay tại giáo xứ nơi mình đang ở, nhưng sáng mai mình đã đi Korat rồi. Thế là tối nay phải đi cho bằng được.

Messiah là sáng tác bằng tiếng Anh nổi tiếng nhất trong các sáng tác cổ điển. Nhạc sĩ Handel đã lấy những câu Kinh Thánh từ Cửu Ước lẫn Tân Ước để dệt thành một câu chuyện của Đấng Messia, được chia thành bà phần. Ngoài những khúc dành cho ca đoàn tổng hợp còn có những khúc solo theo giọng tenor, bass, và soprano. Trong sáng tác này có lẽ khúc “Alleluia” kết phần II là phần hùng hồn và tuyệt vời nhất mà ai ai cũng đã từng nghe. Mình nhớ lần đầu tiên nghe đoạn này mình đã nổi da gà vì nhạc quá tuyệt vời. Cứ đến mùa Noel mình lại thèm nghe những sáng tác này. Nếu không được nghe thì coi như mùa lễ chưa được trọn vẹn.

Mình rất vui khi được đi xem chương trình này hôm nay như một cách chính thức đưa mình vào Mùa Vọng để suy niệm về ý nghĩa của sự kiện Thiên Chúa xuống thế làm người. Nhờ đi xem chương trình này mình đã bắt đầu cảm thấy sự biến chuyển trong tâm trạng của mình, sẵn sàng hơn để buớc vào mùa vọng, làm những việc tâm linh để chuẩn bị cho việc mừng ngày Chúa sinh ra. Thực ra nếu mình ở Mỹ trong lúc này thì có lẽ mình sẽ không cần tìm đến những chương trình như thế này để tham dự vì xung quanh mình luôn có những sinh hoạt liên quan đến ngày lễ giúp cho mình dễ dàng có tinh thần Mùa Vọng. Nhưng ở Thái Lan những điều đó khan hiếm. Nếu mình không chú tâm có lẽ cũng sẽ không thấy Mùa Vọng ở đâu, chỉ có những ánh đèn lấp lánh mà người ta treo lên trước các trung tâm thương mại để câu khách mua sắm. Dù sao đi nữa thì trên toàn nước Thái chưa tới 1% dân số là Kitô giáo. Thế thì số người thực sự có cảm nhận hoặc sự hiểu biết về ngày lễ Noel rất ít. Sẽ tốt biết bao nếu chúng ta có thể tìm cách cho Chúa Giêsu sinh ra giữa lòng người Thái để con số 1% này có ngày tăng lên một cách khả quan hơn.

Bangkok, ngày 2.12.2007

Thi xong

Thế là chương trình học chính thức của mình đã kết thúc với cuộc thi lấy chứng chỉ hôm nay. Mặc dầu đến tháng hai mới có kết quả, nhưng kết quả ấy cũng không mấy ảnh hưởng đến chương trình sắp đến của mình, đó là bắt đầu làm việc ở địa phận Udon Thani nơi mình chính thức được sai đến để truyền giáo.

Ngày thi khá dài. Hơn 3h chiều mình mới hoàn tất các phần thi. Nhưng các phần thi có lẽ không mệt nhọc bằng việc mình và anh Tr. phải chờ cả giờ đồng hồ trên đường mới có xe về tới nhà. Không hiểu hôm nay tại sao tất cả các xe taxi ở các chặng đường mình đứng đều có khách. Lâu lắm mới có một chiếc không có khách. Nhưng khi đến hỏi đi thì tài xế lại bảo là không đi được vì xa qua, không kịp cho họ giao ca. Cuối cùng mình và anh Tr. phải đi xe tuktuk vì không tìm được một chiếc taxi nào. Xe tuktuk là loại xe ba bánh nổi tiếng ở Thái Lan. Thực ra đi xe này còn mắc hơn đi taxi nữa, mặc dầu không có máy lạnh. Buổi chiều đường kẹt xe, khói xe đầy đường mình đi chịu không nỗi vì cay mắt ngứa mủi. Cuối cùng mình phát hiện ra trong túi sách mình có một khẩu trang mình từng dùng khi ra đường ở Sài Gòn. Thế là mình đeo lên, giải quyết được vấn đề khói bụi làm ngứa mũi.

Về đến nhà, mình định leo lên giường làm một giấc thì một thầy dòng Chúa Cứu Thế rủ đi ra công viên để xem chương trình nhạc Jazz được tổ chức để mừng sinh nhật vua nước Thái (80 năm ngày 5.12), thế là mình lật đật kiếm đồ ăn, thay áo quần, và lẻo đẻo ra công viên để nghe nhạc. Nhạc thì hay lắm. Có các band nhạc được mời về từ Đức, Pháp để trình diễn cho coi miễn phí. Nhưng ngồi ngoài trời trên sân cỏ, một lúc sau thấy mỏi lưng nên mình về nhà.

Tối nay mình mở nhạc Noel ra để nghe thử xem có cảm giác như thế nào khi nghe nhạc Noel trên đất Thái. Đó là những bài nhạc bất hữu mà mình đã nghe từ năm này qua năm khác. Cảm giác thấy….nhạt nhẻo. Có lẽ vì còn qúa sớm, ngày mai chỉ mới Chúa Nhật thứ nhất mùa vọng. Hay vì thời gian qua mình đã bỏ nghe nhạc Việt để tập nghe nhạc tiếng Thái, giờ nghe lại không quen tai? Hay tại vì xung quanh mình có quá ít biểu hiện của Kitô giáo làm cho những bài nhạc Noel trở nên vô nghĩa? Như thế nào đi nữa, Noel lần đầu tiên ở Thái Lan sẽ là một Noel mà mình sẽ cố gắng tạo cho bản thân những kỷ niệm đáng nhớ. Như vậy mình sẽ đở thèm những cảm giác và cảnh vật đã đi vào tâm trí mình khi mừng Noel ở xứ lạnh Hoa Kỳ. Mình sẽ cố gắng chứng tỏ rằng ở đâu đi nữa thì lễ Noel sẽ tràn đầy ý nghĩa khi mình cảm nhận được những gì mà Thiên Chúa đã làm cho con người bằng cách xuống thế làm người. Noel này mình sẽ được soạn bài giảng lễ Noel đầu tiên trong đời sống linh mục của mình. Đó là bài giảng mà mình sẽ chia sẻ với các bạn trẻ Việt Nam ở Bangkok. Mình đang lo không biết nên chia sẻ những gì cho phù hợp với các bạn trẻ, đúng tinh thần ngày lễ, và thích hợp với hoàn cảnh và thực trạng của cuộc sống của những người đang lưu lạc trên đất khách quê người….

Bangkok, ngày 1.12.2007