Thánh lễ chịu chức


Thứ hai vừa qua tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế tại Bangkok diễn ra lễ chịu chức của hai tân linh mục của dòng. Thánh lễ rất long trọng, được chủ tế bởi ĐTGM George, chủ tịch HĐGM Thái Lan, và cũng là một thành viên của DCCT. Ngoài ra có đến hơn 60 linh mục đồng tế. Số tu sĩ và giáo dân đến tham dự cũng rất đông. Trong nhà thờ không đủ chỗ ngồi, giáo dân tràn ra bên ngoài hành lang và trước hiên nhà thờ.


Thánh lễ thụ phong linh mục đối với người Thái cũng long trọng không khác gì đối với người Việt. Gia đình họ hàng của hai tân linh mục đến tham dự rất đông. Đặc biệt khi thánh lễ bắt đầu có một nghi thức mà mình chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào khác. Đó là việc những người chịu chức đi một vòng để chào ba mẹ, anh chị em, và người thân lần cuối.


Lúc đầu mình không hiểu nghi thức này. Sau đó mình hỏi cha Sompong, cha chánh xứ thì ngài cho biết rằng: Nghi thức này là lời tạm biệt của các tân chức với gia đình. Vì sau khi chịu chức, họ hoàn toàn thuộc về giáo hội và chỉ làm việc cho giáo hội. Ở Thái Lan, lễ chịu chức nào cũng có nghi thức này ở phần đầu. Nó cũng là một hành động rất có ý nghĩa và cảm động đối với những người sắp sửa chịu chức và gia đình của họ.


Về sự thích hợp trong vấn đề phụng vụ và thần học thì mình không dám có ý kiến, tuy nhiên về mặt văn hóa đây cũng là một điều rất có ý nghĩa. Văn hóa Thái Lan rất đặt nặng vai trò của người con trai trong gia đình. Nên việc dâng một người con cho Chúa là một sự hy sinh rất lớn. Tuy nhiên đây là một hy sinh mà những gia đình sùng đạo sẵn sàng làm vì họ nhận thức được sự cao cả của ơn gọi làm linh mục. Trong thánh lễ, nghi thức chia tay nhấn mạnh và nói rõ sự mất mát mà cả người chịu chức lẫn gia đình đã chấp nhận khi để cho một thành viên của gia đình bước theo sứ mệnh mà Thiên Chúa đã trao ban. Ơn gọi xuất phát từ gia đình và cộng đoàn, vì thế tân linh mục lên đường để thi hành nhiệm vụ làm điều đó với sự tiễn đưa của gia đình trong đức tin và lòng phó thác.


Các nghi thức chịu chức thì nơi nào cũng giống nhau. Chỉ có phần này là mình thấy có khác, và cũng mang một ý nghĩa văn hóa sâu sắc, mặc dầu ý nghĩa thần học thì có thể chưa được rõ ràng cho lắm. Tuy nhiên ngày nay giáo hội đang cần mở mang tầm nhìn để xem lại sự dung hòa giữa thần học và văn hóa. Giáo hội của chúng ta là giáo hội Công giáo trước hết, chứ không phải là giáo hội La mã, cái tên gọi mà nhiều người hay sử dụng. Đã là giáo hội hoàn vũ thì những thành phần trong cái tổng thể đó cần phải được trân trọng và nhường cho tiếng nói để thể hiện những mong mỏi và bày tỏ quan điểm của mình một cách thỏa đáng. Do đó mình rất thích thấy được những nghi thức mới, từ đó có thể nhận xét giá trị của nó trong bối cảnh giáo hội ngày nay trên khắp cả thế giới.


Bangkok ngày 16.8.2007

No comments: