Một bước nhỏ


Sáng nay mình đồng tế lần đầu tiên trong một thánh lễ bằng tiếng Thái. Hôm qua đang ngồi ăn trưa cha Picharn hỏi:

- Tuần này tôi làm lễ 6h30 sáng. Cha có muốn đồng tế với tôi để thực tập tiếng Thái không? Tôi sẽ để cha đọc một phần trong lời nguyện Thánh Thể.

- Thưa cha, cha muốn con đọc phần nào? - Mình hỏi lại.

- Cha không cần phải đọc nhiều, phần ngắn là lời nguyện cầu cho Giáo hội hiệp nhất thôi.

- Nếu vậy thì được. Ngày mai con sẽ đồng tế với cha.

Trước lễ cha Picharn động viên mình:

- Cha đừng lo. Cứ đọc từ tốn nó sẽ nghe êm đềm như dòng sông Mekong.

Sáng nay mình đã làm điều đó và đã đọc xuôi chảy phần cha Picharn dành cho mình để thực tập. Mình rất mừng khi đã làm một bước nho nhỏ trong quá trình học và sử dụng tiếng Thái. Cũng đã bốn tháng trôi qua từ khi mình bắt đầu học tiếng, cũng phải có cái gì đó cụ thể cho thấy mình có tiến bộ thực sự. Mình không biết bao lâu nữa mới có thể làm toàn thánh lễ bằng tiếng Thái. Nhưng vạn sự đều bắt đầu với một bước nho nhỏ, khiêm tốn. Hôm nay là một bước như vậy.

Lễ xong, cha Picharn bảo:

- Rất tốt, cha được điểm A.

- Con cám ơn cha đã động viên và giúp đỡ. - Mình đáp.

- Tôi rất vui khi được giúp cha một phần nào trong hành trình học và sử dụng ngôn ngữ.

Cha Picharn là một linh mục người Thái gốc Việt. Nhưng do môi trường lớn lên không được sử dụng tiếng Việt nên cha không nói được tiếng Việt. Đó cũng là trường hợp của rất nhiều linh mục tu sĩ ở đây. Mình nghe nói một phần rất lớn các linh mục tu sĩ ở Thái Lan có mang trong người dòng máu Việt. Nhưng số người nói được tiếng Việt rất ít. Còn mình thì bây giờ chỉ mong làm sao cho mau nói được thông thạo tiếng Thái.

Bangkok, ngày 30.8.2007

Giới trẻ và hạnh phúc


Hôm nay mình đọc được một số bài báo vô cùng thú vị, thông báo kết quả của một cuộc nghiên cứu được thực hiện do hãng thông tấn xã Associated Press và MTV (là công ty cung cấp các chương trình văn nghệ giải trí nhắm vào giới trẻ lớn nhất thế giới). Cuộc tham khảo bao gồm hơn 100 câu hỏi đã được trả lời bởi 1.820 bạn trẻ người Mỹ tuổi từ 13-24. Đề tài của cuộc tham khảo là "hạnh phúc". Điều gì làm cho các bạn trẻ cảm thấy hạnh phúc?

Kết quả của công trình nghiên cứu cho thấy suy nghĩ của giới trẻ thật bất ngờ và khác với những gì người ta thường nghĩ về giới trẻ thời nay, đặc biệt là giới trẻ Tây phương. Vâng, ngày nay, giới trẻ không thấy hạnh phúc vì tình dục, vì tiền của, hay ma túy. Ngược lại, họ thấy hạnh phúc khi được ở bên cạnh cha mẹ, anh chị em, bạn bè, và những người thân khác. Gần 3/4 các bạn trẻ trả lời rằng mối quan hệ với ba mẹ làm cho họ hạnh phúc.

Mặc dầu các bạn trẻ đến từ gia đình khá giả cảm thấy hạnh phúc hơn những người sống trong gia đình ít điều kiện, nhưng chỉ có 1% trả lời rằng tiền bặc chính là điều làm cho họ hạnh phúc. Đối với tình dục thì sao? Công trình nghiên cứu cho thấy các bạn tuổi 13-17 trả lời rằng, tình dục trên thực tế làm cho họ ít hạnh phúc hơn. Đối với các bạn trẻ tuổi từ 18-24, tình dục chỉ làm cho họ hạnh phúc trong giây lát, nhưng nói chung không mang lại cho các bạn thêm nhiều hạnh phúc.

Ngược lại, gần 50% cho rằng tôn giáo và tâm linh rất quan trọng. Hơn 50% tin rằng có một sức lực cao cả ảnh hưởng đến những gì làm cho họ cảm thấy hạnh phúc. Ngoài ra, tham gia vào một tổ chức tôn giáo nào đó làm cho các bạn thấy hạnh phúc hơn.

Đa số các bạn trẻ còn trả lời rằng, đi học làm cho các bạn hạnh phúc, lập gia đình và có con cái sẽ làm cho họ thấy hạnh phúc, và gần 50% nêu tên bố, mẹ, hay cả hai là thần tượng của mình.

Phải nói đọc các bài báo về kết quả của công trình nghiên cứu này mình thấy khá vui. Mình không dám nghĩ rằng công trình nghiên cứu này là hoàn toàn chính xác, hoặc có nghĩa rằng trong giới trẻ không có nhiều vần đề đáng e ngại. Nếu có 50% cho rằng tôn giáo rất quan trọng, thì cũng có 50% cho rằng tôn giáo ít hoặc không quan trọng. Mà 50% là một con số quá lớn. Thiên Chúa đối với giới trẻ vẫn đi sau gia đình và bạn bè, trong khi điều răn của Chúa dạy chúng ta phải yêu mến Ngài trên hết mọi sự.

Mặc dầu vẫn còn rất nhiều mối quan ngại, nhưng kết quả nghiên cứu cũng cho chúng ta thấy giới trẻ không phải rơi vào một vực thẳm đen tối như nhiều người vẫn suy nghĩ. Ngược lại, giới trẻ ý thức được những giá trị quan trọng trong đời sống, biết trân trọng những gì mang lại hạnh phúc đích thực, và mong muốn những gì bền vững chứ không phải chóng phai chóng tàn. Điều quan trọng nhất là các bậc cha mẹ, lãnh đạo tôn giáo, các nhà chính trị, các thầy cô....có sẵn sàng hướng dẫn, khuyến khích, và hỗ trợ cho các bạn trẻ để các bạn tìm ra đâu là những gì mang lại cho mình sự hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu.

Bangkok ngày 24.8.2007

Một ngày mới


Có khi trong cuộc sống của con người bất kể đó là một người làm nghề buôn bán, một vị giáo sư, một thương gia giàu có, hoặc một vị tu sĩ, ai cũng sẽ có những khoảnh khắc bổng nhiên mình thức tỉnh và ngộ ra rằng con đường mình đang đi không phù hợp với ước mơ và mong muốn của mình. Những khoảnh khắc đó có khi chợt đến rồi chợt đi, không mang lại thay đổi nào trong đời sống của mình. Nhưng cũng có những lúc cảm giác đó quá mãnh liệt làm cho mình phải hành động một cách nhanh lẹ và nhất trí, nó thôi thúc mình phải không thể chần chờ nữa, nếu không thì sẽ hối hận sau này.

Tối qua mình bổng nhiên có cảm giác như thế, một cảm giác mình đang có những suy nghĩ thiếu đúng đắn trong cuộc sống, có những hành động không phù hợp với con người và con đường của mình. Mình thấy cần phải thay đổi, cần phải bình tâm suy nghĩ về những gì mình đã làm, đang làm và sẽ làm. Mình đã ngộ ra rằng mình chưa cố gắng hết sức để thực hiện những gì mình đã hứa với chính mình và với người khác. Mình cần giải thoát chính mình khỏi những hành động và cảm giác không mang lại bổ ích cho bản thân và sự tín cậy của người khác nơi mình.

Nhận ra điều này làm mình vui hẳn lên. Mình có cảm giác như hôm nay là một ngày mới, một sự bắt đầu mới cho đời sống của mình. Hôm nay là một cơ hội mới để thực hiện giấc mơ bằng một nỗ lực, lòng tự tin, và lòng trông cậy mới. Hôm nay mình có cảm giác Thiên Chúa đang soi sáng cho mình một cách đặc biệt, với một ánh sáng mà trước đây mình chưa nhận ra và chưa muốn hướng tâm hồn đến.

Lạy Chúa xin giữ dìn và hướng dẫn con vì qua bao nhiêu phong ba bão tố trong cuộc sống, con vẫn tin cậy vào tình yêu thương và lòng thương xót bao la của Ngài.

Bangkok ngày 23.8.2007

Đi tìm cảm giác mới


Hôm nay là ngày đầu tiên của thời gian nghỉ học kéo dài gần 3 tuần. Không phải vì ở trường của mình cho nghỉ học mà vì mình đã chủ động đổi trường học. Bắt đầu từ tháng tới mình sẽ không còn học ở trường cũ nữa mà chuyển sang học ở trường đại học Srinakharinwirot trên đường Sukkumvit. Ở đây cũng có chương trình dạy tiếng Thái cho người ngoại quốc. Mình đã tự tham khảo và tìm ra được nơi này để đăng ký học. Thực ra việc dạy tiếng Thái ở trường đại học không hẳn sẽ tốt hơn nơi mình đang học hiện nay. Nhưng lý do đổi trường là vì mình muốn đăng ký học chương trình tiếng Thái ở trường đại học như một nhịp cầu để mình có thể đăng ký vào học các môn văn hóa, lịch sử mà các sinh viên người Thái học trong truờng. Mình sẽ học theo chế độ dự thính, không cần phải thi. Mình nghĩ rằng nếu có cơ hội học chung với người Thái, mặc dầu sẽ vất vả hơn trong việc thấu hiểu ngôn ngữ, nhưng nó sẽ tạo cho mình sự thách thức mang lại nhiều hứng thú hơn. Hiện nay mình theo học ở trung tâm, thấy môi trường dạy có vẻ ảm đạm, mình ngày có cảm giác chán ra.


Mình còn nhớ những ngày học đại học ở Berkeley, môi trường học rất năng động và hào hứng. Sinh viên cạnh tranh với nhau một cách quyết liệt. Bài thi nào cũng có nguy cơ bị rớt. Mặc dầu chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng vẫn có thể làm bài sai nếu bài thi không đúng như đề tài mình ôn hoặc tâm trí bị chia phối bởi lý do gì đó. Trước giờ thi tim lúc nào cũng đập phình phịch. Thi xong ai nấy đều bàn tán về đề tài và đáp án đúng sai. Sinh viên hồi hộp chờ ngày điểm thi đuợc dán lên cửa bên ngoài văn phòng của khoa. Có người làm bài xong không cần chờ xem điểm, chủ động đi bỏ lớp nếu vẫn còn kịp để học bạ không bị ảnh hưởng. Ai cũng biết chỉ có khoảng 15% được điểm A, và phải có 15% bị rớt theo quy luật của trường.


Học khó nhưng lại rất vui vì mình nhận ra giá trị và hiệu quả của nỗ lực bản thân khi làm một việc gì đó. Đã từ lâu việc học hành, ngày cả những năm trong dòng học triết và thần, mình đã không có những giây phút hồi hộp nôn nao như những ngày học ở Berkeley. Nhiều khi mình cũng nhớ cảm giác đó lắm. Nhớ cảm giác chưa hiểu được nội dung của bài và phải nặn óc để hiểu, nhớ cái cảm giác bạn bè ngồi giải thích cho nhau vì đứa này hiểu được cái này thì lại không nắm vững cái kia, nhớ cái cảm giác thức tới ba bốn giờ sáng để làm những bài tập lý hóa trong sách giáo khoa để chuẩn bị cho những lần kiểm tra.


Bây giờ mình không còn học sinh hóa như trước đây nữa, nhưng mình vẫn thèm muốn có những môi trường năng động khi còn phải ngồi ghế nhà trường. Nhưng bây giờ mình cũng không phải là một sinh viên trẻ như trước đây nữa. Muốn làm sinh viên cũng không được vì tuổi tác, vì kinh nghiệm, vì địa vị của mình không cho phép mình như một sinh viên. Tiếc thật, vì nhìn lại quảng đời của mình, thời sinh viên vẫn là cái thời đẹp và lãng mạn nhất mà mình đã trải qua.


Bangkok, ngày 21.8.2007

Lời nhắc nhở trong giấc mơ


Trưa nay cha Picharn đưa cho mình thời khóa biểu của chương trình dạy giáo lý cho năm học 2007-2008. Mình không có vai trò gì trong việc dạy giáo lý cho các em. Tuy nhiên, cha Picharn đã nhờ mình phụ trách phần "giáo lý cho phụ huynh". Đây là chương trình "bổ túc" kiến thức cho phụ huynh có con em đang học giáo lý tại nhà thờ. Thay vì phụ huynh chờ đợi con em một giờ đồng hồ không làm gì thì sẽ tham dự học hỏi thêm về giáo lý Công giáo, tuy nhiên giờ học hỏi sẽ không kéo dài đến thế.


Trưa nay mình đi ngủ trưa thì bổng nhiên nằm mơ về ngày đầu tiên hướng dẫn chương trình. Việc xảy ra ở ngoài trời, có phụ huynh đến rất đông. Nhiều hàng ghế được sắp ra cho phụ huynh ngồi. Không khí của ngày khai giảng năm học giáo lý tưng bừng như ngày hội. Nhưng khi đến phiên mình được giao micro để giới thiệu cho các phụ huynh về chương trình học hỏi, mình nhìn xuống các dãy ghế dường như không còn một ai. Mình bối rối không biết phải nói gì, vì người ta đã đứng dậy hết cả rồi. Trong lúc đó, mình lại phát hiện ra mình ăn mặc rất kỳ quặc. Đi dạy giáo lý mà lại đóng nguyên một bộ đồ của Ông Già Noel. Ngay cả cái mủ len cũng không thiếu. Trong giấc mơ, mình lúng túng vì thấy mình kỳ lạ, cùng một lúc đang đối diện với tình huống khó xử, mình không biết phải làm như thế nào. Đó cũng là lúc mình tỉnh giấc và thở nhẹ khi bình tâm và hiểu được rằng đó chỉ là một giấc mơ.


Mình nghe các nhà tâm lý học bảo giấc mơ nào cũng có ý nghĩa và nó muốn nhắc nhở mình một điều gì đó. Những gì thấy được trong giấc mơ là những biểu tượng mà mình phải suy nghĩ để thấu hiểu nó tượng trưng cho những vấn đề gì. Từ chiều đến nay mình nặn óc suy nghĩ xem tại sao mình lại xuất hiện trước giáo dân trong bộ đồ Ông Già Noel, nhưng mình không tìm được một giải đáp nào. Mình chưa từng mặc đồ như thế bao giờ, và mình cũng không hiểu nó liên can gì đến việc dạy giáo lý cho phụ huynh.


Tuy nhiên suy nghĩ thêm về giấc mơ này, mình cũng tự hỏi: Phải chăng mình lo lắng mình không đủ khả năng hoặc tư cách để làm việc này? Phải chăng giấc mơ cho thấy mình cần biến dạng vì thấy rằng con người thật của mình còn quá nhiều khiếm khuyết? Mình đang thiếu tự tin về chính mình, thấy mình thiếu sót quá nhiều điểm. Có lẽ giấc mơ này nhắc nhở mình hãy chỉnh sửa con người mình để trở nên tốt và xứng đáng hơn với vai trò một người lãnh đạo tinh thần trong Giáo hội. Như thế khi mình xuất hiện trước người khác, mình sẽ làm điều này là chính mình chứ không phải biến thành một cái gì khác. Giấc mơ nào cũng kèm theo lời nhắc nhở tốt cho mình cân nhắc. Có lẽ đây là một lời nhắc nhở như thế.


Bangkok ngày 19.8.2007

Thánh lễ chịu chức


Thứ hai vừa qua tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế tại Bangkok diễn ra lễ chịu chức của hai tân linh mục của dòng. Thánh lễ rất long trọng, được chủ tế bởi ĐTGM George, chủ tịch HĐGM Thái Lan, và cũng là một thành viên của DCCT. Ngoài ra có đến hơn 60 linh mục đồng tế. Số tu sĩ và giáo dân đến tham dự cũng rất đông. Trong nhà thờ không đủ chỗ ngồi, giáo dân tràn ra bên ngoài hành lang và trước hiên nhà thờ.


Thánh lễ thụ phong linh mục đối với người Thái cũng long trọng không khác gì đối với người Việt. Gia đình họ hàng của hai tân linh mục đến tham dự rất đông. Đặc biệt khi thánh lễ bắt đầu có một nghi thức mà mình chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào khác. Đó là việc những người chịu chức đi một vòng để chào ba mẹ, anh chị em, và người thân lần cuối.


Lúc đầu mình không hiểu nghi thức này. Sau đó mình hỏi cha Sompong, cha chánh xứ thì ngài cho biết rằng: Nghi thức này là lời tạm biệt của các tân chức với gia đình. Vì sau khi chịu chức, họ hoàn toàn thuộc về giáo hội và chỉ làm việc cho giáo hội. Ở Thái Lan, lễ chịu chức nào cũng có nghi thức này ở phần đầu. Nó cũng là một hành động rất có ý nghĩa và cảm động đối với những người sắp sửa chịu chức và gia đình của họ.


Về sự thích hợp trong vấn đề phụng vụ và thần học thì mình không dám có ý kiến, tuy nhiên về mặt văn hóa đây cũng là một điều rất có ý nghĩa. Văn hóa Thái Lan rất đặt nặng vai trò của người con trai trong gia đình. Nên việc dâng một người con cho Chúa là một sự hy sinh rất lớn. Tuy nhiên đây là một hy sinh mà những gia đình sùng đạo sẵn sàng làm vì họ nhận thức được sự cao cả của ơn gọi làm linh mục. Trong thánh lễ, nghi thức chia tay nhấn mạnh và nói rõ sự mất mát mà cả người chịu chức lẫn gia đình đã chấp nhận khi để cho một thành viên của gia đình bước theo sứ mệnh mà Thiên Chúa đã trao ban. Ơn gọi xuất phát từ gia đình và cộng đoàn, vì thế tân linh mục lên đường để thi hành nhiệm vụ làm điều đó với sự tiễn đưa của gia đình trong đức tin và lòng phó thác.


Các nghi thức chịu chức thì nơi nào cũng giống nhau. Chỉ có phần này là mình thấy có khác, và cũng mang một ý nghĩa văn hóa sâu sắc, mặc dầu ý nghĩa thần học thì có thể chưa được rõ ràng cho lắm. Tuy nhiên ngày nay giáo hội đang cần mở mang tầm nhìn để xem lại sự dung hòa giữa thần học và văn hóa. Giáo hội của chúng ta là giáo hội Công giáo trước hết, chứ không phải là giáo hội La mã, cái tên gọi mà nhiều người hay sử dụng. Đã là giáo hội hoàn vũ thì những thành phần trong cái tổng thể đó cần phải được trân trọng và nhường cho tiếng nói để thể hiện những mong mỏi và bày tỏ quan điểm của mình một cách thỏa đáng. Do đó mình rất thích thấy được những nghi thức mới, từ đó có thể nhận xét giá trị của nó trong bối cảnh giáo hội ngày nay trên khắp cả thế giới.


Bangkok ngày 16.8.2007

Giấc mơ tiếng Thái


Tối hôm qua mình có giấc mơ đầu tiên mà trong đó có sử dụng tiếng Thái. Sáng nay khi tỉnh giấc mình cố nhớ lại nội dung của giấc mơ, nhưng không sao nhớ lại được. Mình chỉ nhớ rằng trong sự việc xảy ra thì có những cuộc đối thoại bằng tiếng Thái.


Giấc mơ không gì ấn tượng. Nếu nó ấn tượng thì có lẽ mình đã nhớ được. Nhưng mình thấy một chút thú vị là ngôn ngữ mà mình đang học đã lần đầu tiên bước vào giấc mơ của mình. Đây là một dấu hiệu tích cực. Mình nghe nói rằng một khi ngôn ngữ thấm nhuần vào trong tâm trí mình thì nó sẽ hiện diện một cách tự nhiên trong lời nói, những điều suy nghĩ trong đầu, và trong giấc mơ là lúc mình hoàn toàn không kiểm soát những gì mình đang nghĩ.


Những ngày qua mình sử dụng tiếng Thái khá nhiều, đặc biệt là những ngày cùng đi đây đó với hai người khách từ Úc đến chơi. Đưa hai anh chị đi đây đó, mình có dịp nói tiếng Thái khi liên lạc xe cộ, nơi ăn uống, nơi đi chơi... Chưa bao giờ mình dùng nhiều tiếng Thái như vậy. Đó là những dịp thực tập tiếng Thái thật quý báu giúp mình học được những cách áp dụng từ vựng một cách cụ thể trong câu đàm thoại hằng ngày. Có lẽ nhờ sự thực tập đó mà mình mới đưa tiếng Thái vào được trong giấc mơ như đã xảy ra tối hôm qua.


Bangkok, ngày 15.8.2007

Các bạn trẻ Việt Nam mạo hiểm đi lễ







Hôm nay mình lên trang web Vietcatholic thấy có một bài viết về thánh lễ mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời với những tin tức và hình ảnh về thánh lễ cũng như hoàn cảnh của các bạn trẻ Việt Nam đang mưu sinh tại Thái Lan. Bài do cha Nguyễn Tiến Đức, một linh mục dòng Đa Minh đang du học tại Thái Lan gởi. Cha cũng là người đang giúp đỡ rất nhiều cho các bạn trẻ trong thời gian qua.



***






BANGKOK -- Vào trưa Chúa nhật ngày 12/8, bầu trời Băng-Cốc dọi nắng vàng chói lọi! Nhưng thời tiết đó vẫn không ngăn được dòng người từ khắp các nẻo đường, trong cũng như ngoài thủ đô, tiến về nhà thờ thuộc dòng Don Bosco, đường Phêt-bu-ri để tham dự thánh lễ tiếng Việt mừng Mẹ Lên Trời.

Trong tâm tình của những người con thảo, khoảng 500 bạn trẻ Công giáoViệt Nam, cùng với nhiều người Việt đã sinh sống lâu năm trên đất Thái, cũng tới tham dự thánh lễ. Điểm sáng trong lần họp mặt này, các bạn trẻ đã sớm tìm đến tòa cáo giải để giao hòa lại với Chúa trước thánh lễ. Một bạn trẻ nói vui nhất hôm nay là được: “trả lại tội cho Chúa”, Đấng gánh lấy tội trần gian. Có những bạn như người con hoang đàng trong Tin Mừng rời xa nhà Cha bốn năm nay.
Đặc biệt lần này có sáu tòa giải tội cho các bạn trẻ với sáu cha ngồi tòa. Đó là cha Chalerm Kijmongkhol-người Thái gốc Việt, nguyên tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Thái Lan; Cha Nguyễn Tiến Đức-dòng Đa Minh; Hai cha thuộc dòng Ngôi Lời: cha Gioan Phan Quốc Trực và cha Anthony Lê; Hai cha khác thuộc dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam: cha Gioan Baotixita Nguyễn Minh Sang và cha Phêrô Nguyễn Quang Duy. Quý cha đều sang Thái để du học và đã tự nguyện tới giúp mục vụ, cũng như quí xơ Việt Nam, dòng Mân Côi ở Băng-cốc giúp dạy giáo lý và ca đoàn cho cộng đoàn người Việt.Hiện nay, tình hình chính trường Thái Lan có nhiều biến động. Do đó, ngày càng có nhiều khó khăn cho người Việt sang làm việc trên đất Thái. Ngươi Việt chưa được chính phủ Thái chấp thuận cấp giấy phép cho sang đi làm công. Do đó, hiện nay họ thường bị cảnh sát Thái Lan gây nhiều khó khăn khi đi lại. Nhiều bạn trẻ không dám đi lễ. Có bạn bị cảnh sát Thái băt ngay trên đường đi đến nhà thờ dự lễ. Có bạn tới nhà thờ rồi còn bị cảnh sát bắt. Hôm nay, có một viên cảnh sát Thái xông vào nhà thờ khi cộng đoàn đang cử hànthánh lễ với ý định hỏi giấy tờ những người Việt đi dự lễ. Do có sự can thiệp, nhân viên này đã không thực hiện ý định đó hôm nay, nhưng y đe dọa sẽ kiểm tra vào những lần tới.Nếu bị cảnh sát bắt, người Việt sẽ phải vào tù, hoặc mất khoảng 100 usd tiền phạt, hay bị trả về nước. trong khi tiền làm công, làm thuê của họ chẳng là bao! Vì ở quê nhà thiếu việc làm, nhiều bạn gái còn rất trẻ, trạc tuổi 18 đã phải chịu cảnh lưu lạc sang xứ người, làm những công việc thấp hèn như: đi ở đợ, giúp việc nhà, rửa chén bát, làm may gia công-tư nhân cho những người chủ Thái với đồng lương thấp. Do đó họ dễ bị người chủ Thái chèn ép và bóc lột sức lao động. Hơn nữa, người Việt Nam sang Thái làm việc bất kể giờ giấc tối-sáng, có khi làm việc thâu đêm và họ thường phải làm cả ngày Chúa nhật. Bất chấp tất cả những khó khăn trên, các bạn trẻ Công giáo vẫn tìm đủ mọi cách để đến với Chúa và mừng lễ Mẹ Về Trời ở nơi tha hương, trên xứ sở chùa vàng. Thật cảm động, từ nhiều hôm trước ngày lễ, các bạn trẻ đã liên lạc để rủ nhau cùng đi lễ với một số lượng khá đông!

Mặc dù ban tổ chức đã nỗ lực rất lớn, nhưng vẫn không thể nào hoàn toàn thông báo tới hết mọi người được. Có bạn vì không đi dự lễ thường xuyên, nên không biết nơi cử hành thánh lễ. Những bạn khác do không có giấy tờ hoặc vì bận làm việc nên những lần trước đã không tới dự lễ và lần này không biết thánh lễ tổ chức ở đâu (?) Rất nhiều bạn trẻ đã gọi điện thoại tới để hỏi thăm nơi và giờ cử hành thánh lễ. Có những bạn ở rải rác cách xa nhau; Có bạn phải di chuyển chỗ ở thường xuyên vì đi tìm việc ở các tỉnh lẻ.Sau thánh lễ hôm nay, ban tổ chức họp lại để bàn bạc và tìm cách tháo gỡ cho những khó khăn trên. Ban tổ chức đã chia các bạn trẻ thành nhiều tổ theo địa bàn cư trú của họ. Mỗi tổ chọn ra một tổ trưởng để liên lạc với ban tổ chức và về thông báo lại cho nhau. Tuy nhiên, vẫn không thể nào giải quyết hết mọi khó khăn được. Có những trở ngại lại nằm ngoài phạm vi cho phép của ban tổ chức (như việc cấp giấy phép để các bạn trẻ được dễ dàng đi lại và làm việc trên đất Thái; Việc thay đổi nhà thờ vì phải đi mượn chỗ làm lễ... vv.) Bên cạnh những khó khăn về an ninh, trật tự và điều hành, một vấn đề lớn khác đang nảy sinh nơi các bạn trẻ: vấn đề tình yêu và hôn nhân. Do phải sinh sống, làm việc xa quê hương và gia đình, nhu cầu cần có nơi nương tựa và giải trí là điểm xuất phát cho nhiều tệ nạn. Có nhiều bạn trẻ yêu nhau trên đất Thái và... đã đi quá giới hạn cho phép! Nhưng cũng có những bạn rất đáng khen, đã tìm đến quí cha và quí xơ, xin học giáo lý hôn nhân để chuẩn bị cho tương lai của họ.

Do đó, nhằm giúp các bạn trẻ ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của hôn nhân Kitô giáo, đặc biệt hôm nay, lần đầu tiên, một nghi thức long trọng đã diễn ra nơi các bạn trẻ: nghi thức chúc lành cho các đôi tân hôn.Trước khi ban phép lành cuối lễ mừng Đức Mẹ Lên Trời, noi gương Mẹ với đời sống gương mẫu tại gia đình Na-gia-ret, cha chủ sự đã mời các bạn trẻ hướng về hai đôi tân hôn hôm nay kỷ niệm ngày thành hôn. Hai đôi tân hôn lặp lại lời hứa kết hôn trước mặt cộng đoàn. Tiếp theo, sáu cha đồng tế trong thánh lễ cùng đặt tay chúc lành cho từng bạn trên các đôi tân hôn. Sau phần đặt tay chúc lành là nghi thức trang trọng: đọc phép lành Tòa thánh của Đức Thánh Cha: “Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI ưu ái ban Phép lành Tòa Thánh như Bảo chứng muôn ơn lành của Chúa cho Phanxicô xaviê... và Maria...., thành hôn ngày... tại nhà thờ..., Việt Nam.”. Sau đó, hai đôi tân hôn tiến lên lãnh nhận bảng phép lành Tòa Thánh và cộng đoàn vỗ tay hoan hỉ chúc mừng!Khi thánh lễ kết thúc, đồng hồ điểm 3g chiều. Các bạn trẻ cùng chung vui với nhau trong bữa cơm agapê thân mật và họ chia tay nhau với lời hẹn gặp mặt lần tới còn nhiều trở ngại không biêt sẽ có lễ ở đâu?

LM Nguyễn Tiến Đức

Lễ Việt Nam


Hôm nay mình lại có dịp đến dâng lễ với các bạn trẻ Việt Nam đang lao động ở Thái Lan. Lần trước mình không tham dự được vì phải đi Việt Nam. Lần này mình được phụ trách phần chia sẻ lời Chúa.


Trước khi thánh lễ bắt đầu mình đã ngồi tòa giải tội khoảng 90 phút. Hôm nay nhờ có sự hiện diện của 6 linh mục nên thời gian giải tội được rút lại. Các bạn đi xưng tội rất đông.


Như thường lệ các bạn phải mạo hiểm mới có thể đến tham dự lễ Việt Nam được vì ra đường bất cẩn là bị cảnh sát bắt vì không có giấy tờ hợp pháp. Trước lễ, có mấy bạn trẻ không đi thẳng vào nhà thờ mà đứng bên ngoài cổng đã bị cảnh sát đuổi. Các bạn ấy liền chạy vào nhà thờ khiến cảnh sát chạy theo vào, nơi có hơn 400 bạn trẻ đang ngồi tập hát trước lễ. May là Bác Tr. đã có thể nói chuyện với cảnh sát và "nhờ" bỏ qua.


Vấn đề an ninh vẫn là vấn đề lớn đối với thánh lễ cho người Việt vì khi hàng trăm người lao động bất hợp pháp tụ họp tại một nơi, và rất dễ gây sự chú ý. Dường như lần nào tổ chức lễ cũng có một số người bị bắt trên đường đi hoặc khi ra về. Lần này mình không dám nghĩ là sẽ không giống như những lần trước.

Mình đã có dịp trò chuyện với nhiều bạn trẻ sau thánh lễ. Trong số đó có Tuấn và Loan là hai bạn trẻ quê Hà Tỉnh đang làm việc trong một nhà hàng rất gần nơi mình đang ở, đó là một nhà hàng trong khu Chợ Đêm Lum đối diện với công viên Lumpini. Đây là một sự phát hiện đáng vui vì hai bạn làm việc ở quán này đã lâu mà không hề biết gần chỗ mình ở có một ngôi nhà thờ lớn và đẹp mà có thể đi lễ được.


Tối nay mình và cha Tr. đã dẫn hai bạn về nhà xứ để chỉ hai bạn biết đường đến nhà thờ. Hy vọng rằng với sự phát hiện này hai bạn trẻ sẽ không còn phải bỏ lễ Chúa Nhật thường xuyên nữa. Đó là việc khó khăn trong đời sống tâm linh mà dường như tất cả các bạn trẻ Việt Nam lao động tại Thái Lan đang gặp phải.
Mình cảm thấy rất vui khi được đến với những bạn trẻ này. Đây là một công việc mục vụ có ý nghĩa và rất cần thiết. Mình hy vọng trong tương lại với sự có mặt của các cha, seour Việt Nam ở Bangkok, sẽ tìm được một nơi ổn đinh để tổ chức thánh lễ cho những người Việt trên đất Thái. Đây là một nhu cầu mục vụ rất quan trọng vì khi những người thanh niên sống độc lập không có một hệ thống nâng đỡ của gia đình và xã hội thì có rất nhiều vấn đề cần phải nghĩ đến.
Bangkok ngày 12.8.2007

Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời


Kính thưa quý ông bà và anh chị em rất thân mến,cách đây không lâu ở Việt Nam có phát hành một bộ phim có tựa đề “Khi đàn ông có bầu”. Bộ phim trình bày những bối cảnh khôi hài có thể xảy ra trong trường hợp trời ban cho đàn ông cái phước…làm mẹ. Riêng tôi, bởi vì là kẻ tu hành nên không mấy lo ngại, nhưng tôi đoán chắc cánh mày râu
đang có mặt trong thánh lễ hôm nay rất mừng vì tình huống này vẫn chỉ là đề tài của phim ảnh, tiểu thuyết chứ chưa phải là sự thật.

Tôi chưa may mắn được tiếp xúc nhiều với phụ nữ trong thời gian họ mang thai, nhưng theo tôi thấy trong phim ảnh, khi điều này xảy ra thì có thực sự nhiều thay đổi nơi người phụ nữ. Thân hình biến dạng, bụng phình ra. Tính tình trở nên bất thường, nhạy cảm. Mưa rồi lại nắng. Nắng rồi lại mưa.
Có khi nhìn thức ăn thì buồn nôn, có khi nửa đêm lại quýnh lên vì thèm một món gì đó.

Điều này cũng dễ hiểu vì người phụ nữ mang thai đang trải qua một kinh nghiệm tác động rất lớn vào tâm lý và thể lý của mình. Vì thế xảy ra sự bất thường là một điều hiển nhiên.

Hiểu được việc này nên khi tôi đọc bài Phúc Âm hôm nay
trong ngày lễ mừng Đức Mẹ hồn xác lên trời, tôi nhận ra nơi cô gái Maria một đặc điểm thật là thú vị. Maria đang mang thai, một bầu thai cực kỳ quan trọng. Thời gian này, Maria cũng đang phải đương đầu với những triệu chứng của một người mới bắt đầu có thai. Lẽ ra nàng phải ở nhà để cho mẹ nàng chăm sóc. Nàng phải nghỉ ngơi, lở có sự cố không may xảy ra với thai nhi, mà đó chính là Con Một Thiến Chúa. Thế nhưng Maria đã lên đường đến nhà chị họ là Elizabeth để chăm sóc bà.

Rồi khi nhận lời chào và lời khen của bà Elizabeth, thì Maria đã không ngần ngại đáp lại bằng lời ca tụng sâu sắc tôn vinh Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, đấng cứu chuộc tôi.”

Chúng ta đã từng nghe về một Maria khiêm nhường, thinh lặng, và suy niệm trong lòng. Những đặc tính này không sai, nhưng bài phúc âm hôm nay còn gợi lên cho chúng ta hình ảnh một Maria rất năng động, rất hoạt bát, và rất hướng ngoại. Đây là một cô gái không phải chỉ biết lo lắng cho bản thân. Mặc dầu trong thời gian mang thai, nhưng nàng không ngồi một chỗ để cho người khác chăm sóc mình, mà lại sẵn sàng đến với người khác để chăm sóc họ.

Đây cũng là một cô gái biết ăn biết nói. Khi nhận được lời khen. Maria đã không tỏ ra hảnh diện và kêu căng, nhưng chia sẻ sự vui mừng chân thật vì biết rằng Thiên Chúa đang làm việc trọng đại nơi cô. Nàng đã chọn những lời hay ý đẹp nhất để ca tụng Thiên Chúa.

Trong bài phúc Âm, chúng ta thấy giữa Maria và bà chị họ không chỉ có sự đồng cảm vì hai người đều đang mang thai,
Mà còn đồng cảm vì cả hai cảm nhận được hồng ân mà Thiên Chúa đã trao ban cho họ. Vì thế, việc Maria lên đường giúp đỡ Elizabeth nói lên tình liên đới giữa hai con người đang trải qua những kinh nghiệm rất giống nhau.

Anh chị em thân mến, chúng ta cũng là những người đã lên đường, lên đường đi qua xứ sở Thái Lan này. Các cha, các seour lên đường sang đây để học tập và truyền giáo. Các bạn lên đường sang đây để mưu sinh, để xây đắp tương lai. Và từ nơi phòng trọ, từ căn nhà thuê, từ ngôi trường học của chúng ta, chúng ta đã lên đường đến đây để tìm đến nhau và chia sẻ với nhau cuộc sống của mình.

Là những người Việt lưu lạc trên đất Thái, đối diện với cuộc sống có nhiều khó nhọc, có nhiều sự bở ngở, và lo toan, phải tính toán làm sao để kiếm được tiền lo cho bản thân và gia đình, chắc hẳn nhiều khi ý định ưu tiên của mỗi người chúng ta là làm sao cho thân phận mình yên ổn trước, rồi sau đó tính đến chuyện người khác.

Thế nhưng bài Phúc Âm hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng: Mỗi người chúng ta không thể quên đến với người khác. Như cô gái Maria đến giúp người chị họ của mình, chúng ta cũng được kêu gọi đến với nhau để nâng đỡ nhau trong cuộc sống hằng ngày. Chính vì chúng ta cùng cảnh ngộ, nên chúng ta dễ dàng thông cảm và đồng cảm với nhau.

Và như Maria và Elizabeth đã cảm nhận được hồng ân của Chúa và cùng nhau ca ngợi, tôn vinh Ngài chúng ta cũng được mời gọi dâng lời cảm tạ Chúa vì những gì Ngài đã làm cho mỗi người chúng ta, như chúng ta đang làm trong Thánh Lễ hôm nay.

Anh chị em thân mến, việc cô gái Maria mang Chúa Giêsu trong lòng, việc Maria lên đường chăm sóc cho Elizabeth,
Việc Maria không tiếc lời ca ngợi Thiên Chúa – tất cả những điều này là một sự đáp trả sâu xa mà Maria đã làm khi đón nhận Thiên Chúa vào cuộc sống của mình. Các bạn còn nhớ, khi thiên thần Gabriel hiện ra với Maria và thưa với Maria rằng: “Kính chào bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà”
Maria đã trở nên rất bối rối. Nàng tự hỏi: Lời chào này có nghĩa gì?

Không thể trách Maria được khi cô bị mất bình tỉnh trước lời chào của thiên thần Gabriel. Bởi vì Maria biết được rằng, việc “Chúa ở cùng cô” không phải là một chuyện đơn giản. Bởi lẽ Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa hành động. Ngài không sáng sáng chiều chiều ngồi lên đồng ở quán cà phê, hay ngồi buôn dưa lê ở quán nhậu bình dân. Thiên Chúa mà chúng ta thờ phượng là một Thiên Chúa không ngừng làm việc để cải tạo thế giới, để biến đổi con người, lôi cuốn nhân loại về với Ngài.

Maria hiểu được rằng có Thiên Chúa trong mình là một trọng trách cao cả bởi vì nàng phải hợp tác với Thiên Chúa trong công việc và sứ mệnh của Ngài. Chính vì thế mà nàng đã trở nên bối rối và mất bình tỉnh. Nhưng sau giây phút bở ngở đó, Maria đã bình tâm, đã đáp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa,
Và đón nhận Ngài vào trong thân thể và tâm hồn của mình.

Kinh thưa anh chị em, lời chào của Thiên thần Gabriel với Maria không xa lạ với chúng ta. Lời chào đó chúng ta đã từng nghe rất nhiều lần. Và hôm nay chúng ta cũng đã được chào như thế. Đó là câu “Chúa ở cùng anh chị em” mà mọi người đã đáp lại “Và ở cùng cha”. Nhưng thử hỏi khi nghe lời chào đó, có ai trong chúng ta cảm thấy bối rối, mất bình tỉnh hay không? Có ai trong chúng ta tự hỏi: Lời này có nghĩa là gì hay không? Hay chúng ta chỉ đáp theo thói quen từ khi còn nhỏ: “Và ở cùng cha” mà không hề suy nghĩ về ẩn ý trong câu chào và câu đáp ấy.

Có Chúa trong chúng ta không phải là một chuyện nhỏ. Khi biết rằng Chúa đang ở với mình, chúng ta không thể ngồi không, từ chối cộng tác với ngài trong công trình cứu chuộc
Mà Ngài đã thực hiện qua Maria, qua Chúa Giêsu, qua nhiều thế hệ con người, và ngày nay, qua mỗi người trong chúng ta.

Vào năm 1950 khi Đức Giáo Hoàng Piô XII ban hành lễ kính Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, ngài đã nói rõ lý do tại sao ngài muốn nhấn mạnh ngày lễ này. Trong 50 năm đầu thế kỷ 20,
thế giới đã chứng kiến sự tàn sát và diệt chủng hàng triệu triệu người: 10 triệu dân bị chết trong Đệ Nhất Thế Chiến, 40 triệu mạng sống bị cướp đi trong cuộc cách mạng Nga, 6 triệu người Do Thái bị giết trong biến cố Holocaust, 50 triệu mạng sống mất đi trong Đệ nhị thế chiến, và sự phát minh bomb nguyên tử để tiêu diệt hàng loạt.

ĐGH đã đau đớn khi chứng kiến sự tàn sát mạng sống con người, sự mạo phạm thân thể và căn tính của con người mà Thiên Chúa đã tạo dựng lên. Vì thế ĐGH đã khẳng định rằng:
Ngài muốn chúng ta mừng lễ Đức Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác là để khẳng định sự thánh thiện và vận mệnh cao cả của mỗi con người.

Thưa các bạn, bây giờ chúng ta đang ở thế kỷ 21. Nhưng sự bạo tàn, chết chóc, chiến tranh, khủng bố vẫn còn đó, và còn kinh khủng hơn bao giờ hết. Chúng ta vẫn rất cần ngày lễ này. Khi chúng ta tôn vinh một cô gái đơn sơ bình thường từ Nazarét, chúng ta cũng phải nhớ hãy kính trọng và yêu mến nhau, cũng như tất cả anh em đồng loại trên khắp thế giới. Vì thế, như Maria chúng ta cũng hãy lên đường đến với người khác, bắt đầu với những người gần gũi nhất chúng ta.

Trước đây dòng Ngôi Lời sai tôi qua Việt Nam vài năm để phục vụ. Tôi sống ở trong một căn nhà thuê ở quận Phú Nhuận, Sài Gòn. Trước nhà tôi có một xe bán bánh mì. Buổi sáng tôi thỉnh thỏang chứng kiến một đôi bạn sinh viên từ quê lên học đến mua mì ăn sáng. Một hôm gần cuối tháng tôi thấy họ mua mì như thường lệ, nhưng chỉ có một cậu sinh viên mua, còn cậu kia thì không lên tiếng gì. Thấy vậy, người bạn mới hỏi: “Sao cậu không kêu bánh mì đi.” Cậu ta ấm ớ trả lời: “Ờ…..sáng nay tớ không thấy đói bụng.”
Anh bạn hiểu ý, và không nói gì thêm. Anh ta lấy ổ bánh mì của mình, bẻ ra thành hai và đưa một nửa cho bạn mình, rồi nói: “Cậu cầm lấy phần này đi. Sáng nay tớ cũng không thấy đói bụng lắm.” Thế là đôi bạn sinh viên, mỗi người cầm nửa ổ bánh mì, vừa đi đến trường vừa ăn sáng.

Cách đối xử giữa đôi bạn sinh viên nghèo đã làm tôi rất cảm động. Tôi nghĩ rằng, nếu người bạn có ổ bánh mì móc tiền ra mua ổ thứ hai để bao bạn mình, hay là anh ta nhường hết ổ của mình cho người bạn, thì tôi cũng sẽ không nhớ mãi sự việc đã xảy ra. Điều làm tôi cảm động, là cậu sinh viên nghèo đã lấy ổ bánh mì nhỏ bé của mình, bẻ đôi, và chia sẻ một nửa cho người bạn của mình. Đây là một hình ảnh đơn sơ, nhưng rất tuyệt vời diễn tả cách chúng ta có thể đến với người khác. Chúng ta đến với nhau không chỉ bằng bước chân, xe điện, hay taxi, mà còn đến với nhau bằng chính tấm lòng.

Hôm nay lễ Đức Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác, chúng ta hãy cầu xin Ngài giúp cho chúng ta có một tinh thần can đảm như Ngài, sẵn sàng cộng tác với Chúa để cải tạo thế giới;có một tinh thần yêu mến như ngài, sẵn sàng lên đường đến và chia sẻ với người khác; có một tinh thần biết cảm tạ như ngài,
Luôn ý thức được rằng tất cả những gì chúng ta có được đều là do bàn tay của Thiên Chúa.

Vì thế trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy tri ân Thiên Chúa, nói lên lời đáp trả với Ngài,Và lên đường thực hiện công việc mà Ngài trao ban cho mỗi người trong chúng ta.


Bangkok ngày 12.8.2007

Đi cho biết đó biết đây


Đã gần 12h khuya rồi. Mình mới về nhà từ hai ngày đi chơi với anh Th. và chị H. Đây là cặp vợ chồng mình đã may mắn được làm quen năm ngoái khi đang ở Úc. Anh chị đi Việt Nam có công việc, ghé sang Thái Lan thăm mình và cha Tr. trên đường trở về Úc.

Tối thứ Sáu, mình và anh Tr. ra sân bay đón anh chị, rồi đưa về khách sạn. Sáng thứ bảy bốn anh chị em cùng đi tham quan thành phố Bangkok, rồi đón xe đi thành phố du lịch Pattaya. Sáng hôm nay rời Pattaya đi chơi ở sở thú hổ Sriracha, ở đó có trình diễn show voi, ca xấu, và dĩ nhiên là hổ. Các chương trình đều rất thú vị, đặc biệt là chương trình voi.


Trở về Bangkok khi 5h chiều, đến khách sạn lấy phòng, rồi lại đi ăn tối ở Phố Tàu. Ăn xong đi tham quan một khu phố Bangkok.


Đây là lần đầu tiên mình đi chơi nhiều như vậy từ khi đến Bangkok. Mặc dầu mình đã ở đây khá lâu, và trước đó còn đến đây vài lần nữa, nhưng chưa bao giờ đi nhiều nơi trong thời gian ngắn như thế. Đi kiểu như chim - mới nơi này lại đến nơi kia - cũng mết lắm, nhưng cũng rất vui bởi vì anh chị Th. và H. đều là những người mà mình mến và thích nói chuyện. Dường như ngồi lại, mấy anh chị em không bao giờ hết chuyện để nói.


Ngài mai, mình và anh Tr. sẽ đến khách sạn gặp anh chị ăn sáng, rồi sau đó chia tay. Tiếc là không có thời gian đi thêm với anh chị vì trưa mai có lễ cho cộng đoàn Việt Nam mà anh Tr. sẽ là chủ tế và mình sẽ là người chia sẻ Lời Chúa. Khi lễ chưa xong là anh chị đã phải lên đường ra sân bay.


"Đi cho biết đo biết đây. Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn." Với chuyến đi Pattaya, mình chứng kiến mặt trái của xã hội Thái Lan ngày càng phức tạp hơn với quá nhiệu tụ điểm ăn chơi trác táng. Nào là những quán bar, discotheque, các tụ điểm trình diễn show sex, rồi đến vô số nơi xoa bóp - tất cả đều là những tụ điểm dựng lên để hoạt động mại dâm một cách công khai trắng trợn.


Ngài mai là sinh nhật của Hoàng Hậu Thái Lan, cũng là ngày mừng Mẹ của nước Thái. Nhiều quán bar sẽ đóng cửa để mừng lễ. Chắc các bà mẹ Thái có những đứa con đang đi bán bar, bán tình dục ở các thành phố trên khắp nước cũng không mấy vui trong ngày lễ đặc biệt dành cho các bà.


Bangkok ngày 11.8.007

Tin dữ


Sáng nay mình đang học trong lớp thì nhận được một tin rất bất ngờ và kinh khủng. Một người quen tứ Úc gọi điện thoại báo Cha H., một linh mục người Việt đang làm bề trên trong cộng đoàn của dòng tại thành phố Epping, Úc Châu, đang trong tình trạng nguy kịch ở bệnh viện.


Lúc 4h30 sáng nay, cha nghe trong nhà bếp có tiếng động nên vào bếp để kiểm soát. Phòng ngủ của cha ở trong khu vực phòng ăn cũng như nhà bếp. Ngoài cha ra thì trong nhà đó chỉ có người đầu ăn. Còn các cha và các thầy khác thì ở những căn nhà khác trong khuôn viên nhà dòng. Khi vào nhà bếp thì cha H. phát hiện một người đàn ông đang ăn trôm đồ. Mình chưa biết được chi tiết, nhưng trong sự xung đột cha H. đã bị kẻ hung dữ chém nhiều nhát dao vào cổ, đầu, ngực, cắt ngang mạch máu chính.


Cha đã tìm đến được phòng ngủ của ông làm bếp và ông ta đã rung chuông báo động và gọi xe cấp cứu đưa cha đi bệnh viện. Mình nghe nói các báo chí và đài truyền hình đã có mặt ở nhà dòng để đưa tin, và cảnh sát hình sự đang làm công tác điều tra. Còn cha H. thì đang được cấp cứu ở bệnh viện.


Năm ngoái trước khi đến Thái Lan, mình đã có thời gian ở Úc và đã ở trong cộng đoàn dưới sự chăm sóc của cha H. Anh là một người rất vui tính, hiền lành. Ngày thường cũng như cuối tuần, anh hay rủ mình đi đến nhà của những người giáo dân để chơi và làm quen. Nhờ anh mà mình được làm quen với khá nhiều người Việt tại Úc, mặc dầu mình chỉ ở đó trong thời gian ngắn ngủi. Ở với anh mình thấy anh quan tâm đến mình thật sự và đối xử với mình rất thân thiện.


Mình nghe tin anh bị kẻ xấu làm hại mình rất lo. Cha Bề Trên tỉnh dòng Úc đã phát biểu với báo chí (mà mình đọc được trên Internet) rằng: "Ngài là một người rất hiền lành, người cuối cùng mà quý vị nghĩ có thể dín líu vào sự xung đột như thế này. Tôi đoán rằng ngài đã tự bảo vệ mình bằng hết sức mình."


Nhà mẹ của dòng ở trong một khuôn viên khá yên tỉnh. Đây cũng là vùng tương đối khá giả. Gần đó có một trường đại học lớn. Sát bên cạnh là khu vực nhà dưỡng lão. Nhưng ngay ở nơi yên tỉnh như thế này cũng có thể xảy ra điều quá khủng khiếp. Mình lướt trên mạng thấy có rất nhiều tin tức về sự cố đã xảy ra. Mình cảm tạ Chúa vì có tin nói rằng, sau khi giải phẩu, anh đã tĩnh lại vì đang tự thở. Chắc hẳn đây là một tin tức mà mình sẽ phải theo dõi để biết được tình hình của anh bây giờ như thế nào? Xin Chúa và Mẹ Maria giúp đỡ cho anh để qua khỏi nguy biến.


Bangkok ngày 9.8.2007

Chuyện bực mình buồn cười


Hôm qua mình hẹn Ph. ở nhà thờ Fatima lúc 2h chiều để đi gặp các seour hỏi thăm về việc giúp đỡ trong trung tâm chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS của các seour, đồng thời giúp Ph. học Anh văn. Đi học về mình ăn trưa, không ngủ trưa như thường lệ, nhưng chuẩn bị ra trạm xe buýt đón chiếc xe buýt số 13 đến nhà thờ. Mình đến đúng hẹn. Nhưng không thấy bóng dáng Ph. ở đâu. Mình tìm một cái chòi trong khuôn viên nhà thờ ngồi chờ. Chờ 10 phút không thấy Ph. Mình gọi điện thoại, nhận được nhắn tin của tổng đài: "Số điện thoại này hiện giờ không liên lạc được."

Mình chờ tới 2h30, vẫn không có gì thay đổi. Điện thoại vẫn tò te tí te. Mình giết thời gian bằng cách nhìn những đứa bé lớp mầm non trong trường của nhà thờ được dạy sinh hoạt ngoài trời bởi các thầy giáo trẻ. Sau 1 tiếng đồng hồ chờ và 5 cuộc điện thoại không thành công, mình quyết định ra đón xe buýt về. Trong lòng mình tự nhủ:

- Thằng này thất hẹn với mình như vậy, tốt cho nó nếu nó có lý do chính đáng. Một là bị công an bắt (vì Ph. là người Việt đang lao động tại Thái Lan bất hợp pháp), hoặc đánh mất điện thoại nên không liên lạc được.

Trở về nhà vẫn không nghe Ph. liên lạc. Hôm nay, ăn trưa xong, mình lên giường ngủ. 2 giờ chiều, điện thoại reng ầm ỉ phá tan giấc ngủ ngon lành. Bên kia đường giây là tiếng nói quen thuộc của Ph.:

- Cha đi chưa?

- Đi đâu? - Mình hỏi với giọng khó chịu.

- Cha quên rồi à?

- Quên cái gì?

- Không phải hôm nay mình lên nhà thờ gặp seour à?

- Ai mà quên? Tôi hẹn với cậu ngày thứ sáu. Hôm qua trưa nắng chang chang, đón xe buýt lên đó chờ cậu cả tiếng đồng hồ mà không thấy. Gọi điện thoại thì cứ tò te tí te suốt.

- Trời, vậy mà con cứ nghĩ là hôm nay.

- Sao nghĩ hôm nay được?

- Thì tại vì tiếng Thái ngày thứ bảy là "wan sắo" (วันเสาร์) . Cha hẹn ngày thứ sáu mà con cứ nghĩ trong đầu là "wan sắo". Cho nên bây giờ con đang chuẩn bị đi đây. Còn điện thoại con ngày qua vì hết pin nên cha gọi tới không được.

Hóa ra như vậy. Đúng là bó tay!!

Bangkok ngày 4.8.2007

Nhận giảng lễ


Hôm qua ngày học tiếng Thái kết thúc, vừa bước ra khỏi lớp, mình nhận được cú điện thoại của cha Đ. Cha Đ. ở dòng Đaminh Việt Nam, hiện đang theo học ở trường đại học Assumption ở Bangkok. Cha cũng giúp đỡ cộng đồng Việt Nam rất nhiều trong thời gian qua. Cha Đ. mời mình và cha Tr. đến tham dự Thánh lễ cho cộng đoàn Việt Nam vào dịp Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời ngày Chúa Nhật 12 tháng 8 sắp đến. Cha nói:


- 12 giờ trưa sẽ có bí tích hòa giải. Nhờ hai cha giúp đỡ trong việc này. Việc thứ hai là để thay đổi bầu không khí, nhờ hai cha phụ trách phần chủ tế và giảng lễ.


Mình và cha Tr. đồng ý. Cha Tr. xung phong chủ tế để cho mình giảng lễ. Mình liền tỏ ra ngần ngại:


- Nói thực với anh, giảng lễ Đức Mẹ em chưa có nhiều kinh nghiệm lắm. Em sợ giảng không hay.


- Nhưng lần trước mình giảng rồi. - Cha Tr. nói. - Lần này có người khác giảng thì hay hơn.


Thế là mình phải đồng ý phụ trách bài giảng cho Thánh lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Giảng như thế nào để hội hết các yêu tố về tinh thần ngày lễ, không lập đi lập lại những ý tưởng đã từng nghe về Đức Mẹ một cách khô khan, và phù hợp với hoàn cảnh của những người trẻ Việt Nam đang mưu sinh tại đất Thái - đó là một thách thức lớn cho bài giảng mà mình sẽ phải soạn. Minh cầu xin Đức Mẹ soi sáng cho mình để có những lời chia sẻ xác thực với đời sống của các bạn và giúp mọi người hiểu biết hơn về ý nghĩa của ngày lễ rất quan trọng này của Giáo hội Công giáo.


Bangkok ngày 4.8.2007

Làm việc trong quán bar


Một bạn trẻ người Việt đang mưu sinh tại Bangkok chia sẻ với mình rằng anh ta mới đổi công việc. Trước đây đi làm cho ông chủ Thái lắp ráp những cửa sổ cho các công trình xây dựng. Công việc vất vả, chỉ ăn tiền lương ngày. Ngày lễ không được tăng lương. Vì mình vốn là dân lao động bất hợp pháp nên ông chủ chơi ép. Một tháng chỉ kiếm được chưa đầy 200 USD để đóng góp cho chí phí của gia đình mà anh đã lập khi đang còn sống ở đất Thái.


- Bây giờ đang làm gì? - Mình hỏi.


- Con đi làm đêm. Con làm ở một quán bar. Ở đó mở từ tầm 9h tối cho đến 5h sáng. - H. trả lời.


- Quán gì mở khuya thế?


- Quán này dành cho phụ nữ tới chơi, trong đó có thành phần gái làm tiền. Sau khi đi làm xong, các cô ghé qua đây chơi.


- Ở đó như thế nào?


- Trong quán có những cậu "ca sĩ". Khi các cô vào thì các cậu ấy ngồi chơi với họ, sau đó lên sân khấu hát thì được khách cho tiền.


- Vậy mình làm gì?


- Con là nhân viên phục vụ.


- Phục vụ là sao?


- Con chạy bàn. Khi khách vào thì mang nước đá, ly tách, bia rượu ra, rồi có khi rót rượu cho họ.


- Mình có ngồi chơi với họ không.


- Có khi mấy cô mời con ngồi, nhưng con không ngồi được lâu vì con phải chạy bàn. Nhưng con cũng không thích ngồi, vì ở đó hút thuốc rất nhiều. Khách cũng mời mình uống với họ. Nhưng con không hút thuốc lá và không thích uống.


- Vậy khi họ mời thì mình làm sao?


- Thì mình nhấp một tí, nhưng nói với họ là mình không biết uống.


- Những cậu "ca sĩ" trong quán là thành phần như thế nào?


- Bọn nó gặp mấy cô là nhảy vào, nói chuyện ân cần, rót rượu cho các cô, làm cách này cách kia để cho các cô thích, để khi bọn nó lên hát là các cô cho tiền.


- Đây là hình dạng bia ôm.


- Nhưng ngược lại. Bình thường con gái phục vụ con trai. Còn đây là con trai phục vụ con gái.


- Vậy khi mình phục vụ các cô thì sao?


- Riêng con thì chỉ nói chuyện lịch sự. Nếu có ngồi thì con chỉ rót nước. Nói chuyện đàng hoàng và thể hiện sự tôn trọng khách. Con làm việc này là nhờ vào tiền boa, nên con cũng phải đối xử với khách ân cần để họ cho tiền. Nhưng con không phải như bọn ca sĩ. Con chỉ là nhân viên phục vụ. Con không làm gì sai trái lương tâm và thực sự con cũng không muốn. Những người con gái vào đây đều là thành phần gái làm tiền. Con không thấy chút nào bị thu hút bởi các cô này.


- Tuy nhiên ai đi nữa thì họ đều cần được tôn trọng. Trong hòan cảnh nào nữa thì mình đều đối xử với mọi người theo nhân phẩm của con người. Có lẽ những cô gái này đã quen gặp những người đàn ông đối xử với họ tệ bạc và chỉ quan tâm đến họ vì lý do tình dục và thân xác. Nhưng sự tôn trọng và thanh lịch thì e rằng họ ít khi nhận được. Vì thế khi mình đối xử với họ đàng hoàng thì có lẽ đó cũng là một điều mà họ rất cần có và muốn có.


- Các cô phải đi phục vụ những người đàn ông. Nhưng sau đó, họ đến quán để được phục vụ.


- Đúng vậy. Nhưng mình phục vụ họ với sự tôn trọng, không với ý đồ muốn làm những điều không đúng để kiếm được số tiền boa nhiều nhất. Trong môi trường này, chính mình có thể biến đổi một bối cảnh xấu thành một điều tốt. Mình có thể làm "mục vụ" ngày nơi mình làm việc. Đó là bằng cách mình thể hiện sự tôn trọng, chân thật của mình đối với người khác, đặc biệt đó là thành phần mà xã hội lên án và chê bai. Có thể mình sẽ kiếm được số tiền ít hơn những thằng con trai khác, nhưng mình làm việc một cách thành thật và không lợi dụng và mưu thuẩn.


Làm trong quán bar không phải là điều mà ai cũng hảnh diện. Ngay H. cũng biết rằng mình chỉ có thể làm ở đây một thời gian để kiếm đủ tiền lo lắng cho gia đình. Cuộc sống mưu sinh khiến nhiều người phải chấp nhận những công việc mà họ không ưa thích. Tuy nhiên, mình hy vọng và tin rằng ngay cả trong môi trường này, một người đàng hoàng có thể làm việc một cách chân chính và trở nên một "nhân chứng" cho những gì tốt đẹp trong mối tương quan giữa con người. Ai cũng cần được phục vụ. Và một tiếp viên trong quán bar nếu người đó ý thức được sứ mệnh của mình là một Kitô hữu có thể nắm lấy cơ hội để thực sự thách thức chính mình bằng cách sống tinh thần Kitô giáo với những người khác, và chỉ cho họ thấy như thế nào là tôn trọng mọi người, vì tất cả đều là con cái của Thiên Chúa.


Bangkok ngày 1.8.2007