Tìm một hướng đi

Hôm qua mình đi với P. đến gặp chị T. P. là một bạn trẻ người Việt quê Hà Tỉnh đang làm việc tại Thái Lan. Chị T. là một Việt kiều Thái. Chị sinh ra ở vùng đông bắc Thái Lan, nhưng bây giờ sống tại Bangkok. Chị có quán ăn và làm thức ăn để bỏ cho một số siêu thị. P. muốn nhờ chị cho P. theo học nghề để P. có thể thạo việc nấu ăn.

Chị T. tiếp hai anh em ở nhà của chị. Chị T. nói chuyện bằng tiếng Việt, giọng chị đậm âm điệu miền Trung. Mặc dầu chị sinh ra ở Thái Lan, nhưng vốn liếng tiếng Việt chị vẫn tạm dùng được.

Vào đề mà P. nêu lên, chị cho hay:

- Không dễ đâu em ơi. Người Thái bây giờ khó lắm. Chị muốn giúp người Việt mình, nhưng hàng xóm để ý lắm. Tuần nào cảnh sát cũng tới kiểm tra. Người Lào thì dễ tại vì họ được phép làm việc ở Thái Lan. Còn người Việt mình người Thái thấy giỏi quá nên sợ mình làm hơn họ.

Trao đổi một lúc, P. mới giới thiệu mình là linh mục. Chị T. nghe vậy nên chia sẻ:

- Ở Thái Lan cũng có người Việt theo đạo Chúa. Nhưng họ không đi nhà thờ nữa. Có người bây chừ đi chùa. Nhưng người Việt mình không hiểu sao bị chia rẻ nhiều quá. Chị nghĩ nếu ai thích thờ Chúa thì thờ Chúa, ai thích thờ Phật thì thờ phật, ai thích thờ Bác Hồ thì thờ Bác Hồ. Mình không cần phải cải nhau.

Câu chuyện của chị T. và những người Việt kiều Thái rất khác với những câu chuyện của những người Việt khác trên thế giới. Họ có một lịch sử di dân khác và một kinh nghiệm khác. Vì thế họ cũng có những quan điểm khác những Việt kiều khác trên thế giới.

Một điều thú vị hay xảy ra khi mình gặp gỡ những Việt kiều Thái Lan là khi họ biết mình là linh mục, họ thường gọi mình là "Ông Cha". Và khi nói chuyện với mình, câu đầu tiên họ hỏi là "Ăn cơm chưa?" Ngoài ra, dường như vốn liếng tiếng Việt của họ không đủ để nói thêm được nhiều điều khác.

Mình và P. ra về không nhận được sự giúp đỡ của chi T. P. cũng thông cảm và biết rằng mình sẽ phải tìm cách khác để thăng tiến trên đất Thái. P. vẫn tin tưởng và phó thác tương lai của mình vào Chúa quan phòng. Nhưng chắc chắn, với hoàn cảnh của các bạn trẻ người Việt lao động như P. bây giờ, còn đường lập nghiệp trên đất nước này sẽ không chút nào dễ dãi.

Bangkok, ngày 14.2.2007

No comments: