Thu xếp


Hôm nay là ngày cuối cùng của tháng giêng. Thế là mình chỉ còn vỏn vẹn hai ngày nữa trên đất Úc. Sáng mồng hai tháng hai mình sẽ lên máy bay rời khỏi đất nước này, kết thúc một cuộc dừng chân kéo dài gần bốn tháng. Thời gian qua, mình đã không làm gì đáng kể vì việc đến Úc mang tính chất thăm viếng và làm quen nhiều hơn là làm việc. Công việc chính thức đang chờ mình ở Thái Lan.


Điều tốt nhất mình đã làm được trong thời gian ở đây là làm quen với các anh em trong Hội dòng, tìm hiểu cách làm việc, lối suy nghĩ, và đường hướng phát triển của Hội dòng ở đây. Ngoài ra, mình cũng đã may mắn làm quen với một số gia đình Việt Nam. Họ đã hỗ trợ cho đời sống tinh thần của mình rất nhiều trong những tháng ngày qua.


Mặc dầu thời gian làm quen với họ không lâu, nhưng qua những cuộc gặp gỡ, mình đã phần nào gây nên tình thân, vì thế khi rời đây hẳn sẽ có sự nuối tiếc từ cả hai bên. Để chứng minh tình cảm này đã có những lời hứa hẹn sẽ gặp nhau trên đất Thái để đi ăn uống, chụp hình, và tham quan...


Trong đời sống tu trì, mình cảm nhận rằng một trong những điều làm cho mình hạnh phúc nhất là được đến với rất nhiều người khác nhau. Nhưng ngược lại cũng không thiếu những người đồng hành và chia sẻ với mình trong cuộc sống. Họ đón nhận mình vào trong nhà và trong tấm lòng của họ qua những bữa cơm, qua những lời động viên, và những lời cầu nguyện. Thiết nghĩ nếu không có những người này thì đời sống của một kẻ tu thật là cô độc và vô ý nghĩa.


Mấy hôm nay mình bận rộn phải đi gặp người này người nọ để chia tay nên sáng nay mình đã tranh thủ xếp áo quần và hành lý khác vào vali. Chiều mai, mình sẽ trở về cộng đoàn mẹ để chia tay với các cha thầy ở đó, rồi ra sân bay Sydney vào sáng thứ Sáu. Nói đến đây mình thấy trong lòng dâng lên một cảm giác hồi hộp và nao nức. Còn hai ngày nữa, những gì sẽ xảy đến với mình nhỉ?


Macquarie Fields, NSW ngày 31.1.2006

bấm huyệt

Hôm nay mình đến nhà chị Yến ăn trưa, chị đãi món bún riêu khá ngon. Trong bữa ăn, mình phát hiện con trai trưởng của chị tên Duy Linh biết bắt mạch nên mình đưa tay cho nó bắt. Duy Linh bảo mình:

- Cha bị đau lưng, yếu tim, yếu thận, yếu bao tử, tay trái của cha bị yếu, chân trái của cha bị yếu. Cha hay bị ngứa mũi vị bệnh hay fever…

Mình nghe phát ớn. Nó liệt kê một loạt các bệnh mà mình có. Những cái đau tim, yếu thận thì mình không biết vì thấy trong người bình thường. Nhưng mình bị một vấn đề là cứng cổ đã gần hai năm nay mà mình không thể nào hiểu được nguyên do tại sao, có lẽ phát xuất do nhiều năm tập thể hình không hoàn toàn đúng kỹ thuật. Duy Linh bảo mình:

- Cha đau cổ là vì bị đau lưng.

Từ trước đến nay mình không thấy bị đau lưng, nhưng mình nghĩ cũng có khả năng đó là sự thật. Duy Linh bày bàn massage ra và kêu tôi leo lên. Nó massage lưng, tay, và bấm huyệt, bấm rất thốn, đặc biệt là trên đầu các ngón tay và ngón chân. Nó nói:

- Nếu nó thốn chừng nào thì có nghĩa chỗ đó bị nặng chừng ấy.

Mình cũng thấy có nơi làm đau điếng, có nơi không thấy đau lắm.

Duy Linh làm lưng mình nổi lên những vòng thâm đỏ bằng những dụng cụ bấm huyệt (giống như giác hơi) mà mình chẳng biết gọi nó là gì.

- Lưng cha bị nhiều gió lắm. Tiếc là chỉ vài ngày nữa cha đi rồi mà bây giờ con mới biết. Nếu biết trước con sẽ giúp cho cha tốt hơn. Trước đây con cũng bị đau lưng, con phải điều trị hết ba tháng.

Duy Linh quyết định sẽ bấm huyệt cho mình mỗi ngày từ hôm nay cho đến ngày thứ năm, có nghĩa là bốn lần để xem thử có giúp cho mình phần nào không. Mình không biết về lâu dài thì cách trị liệu này sẽ mang lại kết quả gì, nhưng sau lần đầu được bấm huyệt thì mình cảm thấy cái cổ dễ chịu hơn rất nhiều. Sau này qua Thái Lan, nếu được mình sẽ tiếp tục tìm những bác sĩ đông y để giúp mình trong một số vấn đề sức khỏe, đặc biệt là triệu chứng đau cổ đang làm mình luôn cảm thấy rất khó chịu.

Macquarie Fields, NSW ngày 29.1.2007

Chia tay

Hôm nay mình đã dâng lễ lần cuối cùng tại giáo xứ này. Mặc dầu mình đến đây chỉ vài tuần, nhưng cũng đã có cảm tình với các giáo dân ở đây nên việc chào tạm biệt cũng mang một chút nuối tiếc.

Sau lễ, có người giáo dân đến hỏi:

- Cha cần chúng tôi bỏ ra bao nhiêu tiền hối lộ để cha ở lại đây lâu hơn?

Sự hiện diện của mình trong thánh lễ phần nào đã thổi một làn gió trẻ trung vào phong cách của thánh lễ làm cho nhiều người thích. Vì biết mình không được nhiều cơ hội để dâng lễ ở giáo xứ nên mình đã chuẩn bị những bài giảng khá kỹ lưởng hầu mình có thể để lại "một chút gì để nhớ" trong lòng giáo dân.

Nhiều người cứ nhầm mình là cha V. là người tuần sau sẽ đến đây để chính thức nhận chức vụ là cha phó. Cha V. mới chịu chức tại Melbourne tháng 12 vừa qua, ngài cũng trẻ, nhưng đầm tính và hiền lành hơn mình. Mình nghĩ giáo dân cũng sẽ rất quý mến cha.

Còn mình thì sẽ lên đường vào thứ sáu tuần này để bước vào một môi trường mới, một con đường mới, và một đời sống mới. Những ngày qua và những ngày sắp tới, mình hơi bận rộn với những mục ăn uống để chia tay với những người mà mình đã may mắn được quen biết trong gần bốn tháng ở đất nước Úc.

Nếu mình cứ chia tay vài lần như vậy thì có lẽ mình sẽ mắc bệnh béo phì. Cũng may là trong việc ăn uống mình còn biết lúc nào phải ngừng để khỏi lãnh nhận hậu quả của cái tội ham ăn. Hôm qua, chi H. cho mình ăn lẩu cá, hôm nay chị H. sẽ cho mình ăn món "bí mật". Ngày mai, chi Y. cho mình ăn bún riêu. Nếu mình kể lại như thế này, có lẽ người khác sẽ nghĩ rằng đi làm ông cha chắc là để được ăn uống. Mình cũng tự biện hộ, trong sách Phúc Âm Lu-ca, thấy Chúa Giêsu cũng liên tục đi từ bàn tiệc này đến bàn tiệc khác. Mà có lẽ Ngài cũng không bị bệnh béo phì vì Ngài ăn xong rồi đi bộ, còn mình ăn xong thì về bằng xe hơi. Dĩ nhiên khả năng tiêu hóa sẽ bị giảm rất nhiều. Biết thế nên phải liệu đó mà ăn, không thôi cái vòng eo sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.

Macquarie Fields, NSW ngày 28.1.2007

Trực giác đàn bà

Hôm qua mình đã chứng kiến trực tiếp sức mạnh của trực giác người phụ nữ mãnh liệt như thế nào. Mình vừa thấy cảm phục vừa sợ hãi và lúng túng không biết phải xử lý như thế nào trong tình huống này.

Mình quen biết một cặp vợ chồng trẻ. Anh chồng bảo người vợ anh đi công tác vài ngày với một đồng nghiệp. Ở nhà, người vợ phải đảm trách công việc của cơ sở làm ăn. Hàng hóa không được rõ ràng, chị vợ gọi điện thoại hỏi chồng để làm rõ, nhưng gọi nhiều lần trên điện thoại di động vẫn không được. Mình khuyên chị có lẽ máy bay bị trể nên đến giờ vẫn chưa đáp. Đợi thêm một lúc, điện thoại của anh chồng vẫn còn bị tắt.

Chị vợ bắt đầu có cảm giác nghi ngờ. Chị nói, "Anh đi Việt Nam rồi". Mình bảo chị sao mà đa nghi thế. Mình cũng tưởng chị chỉ nói đùa. Nhưng đó chính là trực giác của chị. Chị bắt đầu làm công tác điều tra. Qua một vài cú điện thoại mà chị gọi cho người quen, đặc biệt là một người làm việc cho hãng hàng không Việt Nam, chị khẳng định được rằng, anh chồng đi Việt Nam.

Chị gọi về Việt Nam nhờ một người em ra sân bay chờ máy bay hạ cánh và đón người chồng. Người chồng có một người đón tiếp mình tại sân bay Tân Sơn Nhất một cách bất đắc dĩ. Thế là người vợ đã hoàn tất công việc điều tra và nắm rõ sự việc trong tay.

Không cần nói thì chị đã có những phản ứng rất giận dỗi và đau buồn vì sự thiếu thành thật của người chồng. Mình đã ở bên chị trong suốt thời gian sự việc xảy ra, nhưng thực sự mình không biết trong lúc đó mình phải nói những gì để giúp chị lấy lại bình tĩnh. Mình không thể bênh vực cho người chồng, nhưng không muốn đổ dầu vào lửa bằng những lời nói adua. Lúc ấy, mình rất ý thức được rằng mình là một vị linh mục và đây là những tình huống mang tính 'mục vụ' mà mình phải thực hiện vai trò của mình. Biết thế, nhưng mình cảm thấy rất 'bí' và lúng túng, không biết nên nói những điều gì để giúp đỡ chị trong lúc ấy. Mình không biết những lời khuyên nào là thích hợp nhất trong lúc sự việc đang còn nóng bổng như thế. Nói về khả năng mục vụ của mình, trong tình huống ngày hôm qua, mình chỉ đạt được điểm 4/10. Nói chung là dưới trung bình.

Fairfield, NSW ngày 25.1.2007

Sydney by night


Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là mình sẽ lên máy bay sang Thái Lan để khởi hành một giai đoạn mới trên con đường truyền giáo của mình. Những ngày qua, mình thu xếp đồ đạc để chuẩn bị cho chuyến đi. Những người mình hân hạnh được quen biết trong thời gian ở đây mình cũng đang lần lượt gặp gỡ để chia tay. Tuy số người mình được làm quen không nhiều lắm, nhưng có thể nói là trong đó có những người mình đã trở nên thân thiện một cách bất ngờ. Mình cảm thấy tình cảm mà họ dành cho mình là chân thật và ngược lại, mình cũng rất quý họ. Mình vốn không phải là người có tính ‘ướt át’ trong lĩnh vực tình cảm, nhưng mình cũng nhận ra được giá trị của những mối quan hệ mà mình đã xây dựng được trong bốn tháng qua.

Tối hôm qua, như một trong những việc phải làm trước khi rời thành phố Sydney, anh Th. đã đưa mình cùng với bốn anh em khác trong dòng ra cảng Sydney để ngắm cảnh thành phố về đêm từ chiếc tàu của anh. Tối hôm qua trời mát, biển lặng, nhưng vì đầu tuần nên có rất ít tàu đi lại; chúng tôi có một cuộc ‘du ngoạn’ rất thoải mái và tuyệt vời. Trên tàu, mình có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Sydney hiện lên rất lộng lẫy và hoành tráng. Những chiếc cầu lịch sử, nhà hát Con Sò nổi tiếng, sòng bạc, tháp Sydney, nhà tù của các tội nhân mà nước Anh đưa qua hai trăm năm trước, và những tòa cao ốc… kết hợp thành một quang cảnh kỳ diệu trước mắt mình. Và như thế là mình đã thấy hết một lúc hình ảnh thành phố nổi tiếng này.

Không bao lâu nữa, hình ảnh thành phố Sydney sẽ lùi lại trong tâm trí để nhường chỗ cho những cái mới mà thành phố Bangkok sẽ mang lại cho mình. Mình đã đến Bangkok hai lần, đến thăm nhưng chưa ở. Trong một thời gian dài, mình sẽ sống trong không khí náo nhiệt của thành phố chất chứa đầy những sự phức tạp và thú vị. Đây là cánh đồng truyền giáo mới của mình. Mình sẽ đón nhận đất Thái như thế nào nhỉ? Và người Thái sẽ đón nhận mình như thế nào nhỉ? Còn có rất nhiều câu hỏi nữa đang dần dần hiện lên trong tâm trí mình. Nhưng mình chưa muốn (hay không dám?) để cho những câu hỏi đó chiếm thời giờ suy nghĩ của mình. Giờ đây mình chỉ muốn thưởng thức những ngày cuối cùng tại đất nước Úc với những con người vui tươi, lạc quan, và “lè phè” đang sinh sống ở đây.

Macquarie Fields, NSW ngày 23.1.2007

Làm "cha xứ' một ngày


Hôm nay, cha quản lý giáo xứ đi nghĩ đến tối mai mới về, mình ở lại một mình. Nhà thờ chiều Chúa Nhật vắng tênh vì không có lễ. Ở đây chỉ có lễ sáng. Ngồi một mình trong nhà xứ, mình hiểu được như thế nào là làm linh mục địa phận triều khi phải một mình đảm trách một giáo xứ. Mình có cảm giác cô độc. Có lẽ mình sẽ chịu không nổi tình trạng phải tự nấu ăn, ăn một mình, ngồi xem TV một mình…

Sáng nay mình làm lễ lúc 10h sáng, thánh lễ diễn ra rất tốt đẹp. Lễ xong mình đứng trước cửa để chào giáo dân, nhiều người đến hỏi chuyện, làm quen, và còn tặng nhiều lời khen về bài giảng và phong cách làm lễ của mình. Mủi mình nở ra khoảng thêm vài phân. Nhưng đặc biệt nhất là sau thánh lễ có một bạn trẻ người Úc gốc Samoa tên Joseph đến ngõ ý muốn tìm hiểu về ơn gọi tu trì. Nhìn người bạn trẻ này thì cũng giống bao nhiêu bạn trẻ khác mà thôi, từ lối nói chuyện đến cách ăn mặt. Thế nhưng sự khác biệt là em đang đặt vấn đề về ơn gọi trở nên một vị linh mục.

Ở Việt Nam hay những nơi khác thì việc một bạn trẻ muốn tìm hiểu ơn gọi không phải là điều quá đặc biệt, nhưng ở Úc thì đây là một hiện tượng vì ở Úc vốn có rất ít ơn gọi. Nước Úc đang trải qua cơn khủng hoảng ơn gọi không khác gì cơn hạn hán mà nước này đang phải gánh chịu suốt thời gian qua.

Mình làm hẹn với Joseph gặp nhau sáng thứ ba để đi uống cà phê và trao đổi thêm về ơn gọi mà em muốn tìm hiểu. Tuy mình không đảm trách vấn đề ơn gọi cho Hội dòng, song mình hoàn toàn có thể chia sẻ với những ai đang hành trình tìm hiểu ơn gọi để họ có những thông tin và đường hướng suy nghĩ cho chính mình.

Khi nghe Joseph tiết lộ em đang tìm hiểu ơn gọi, mình rất mừng. Tuy nhiên em chưa trao đổi với các cha ở đây, mặc dầu một trong những cha đó lại có trách nhiệm về ơn gọi của dòng mình. Mình thì chỉ đã đến giáo sứ này vài lần và sẽ rời đây trong vòng hơn một tuần. Mình đoán có thể em chưa cảm thấy thoải mái với các cha đó, vì có khoảng cách về tuổi tác hay một vài lý do khác. Thế là mình sẽ chụp lấy cơ hội này để ‘câu cá’ cho nhà dòng.

Tối nay mình sẽ đến nhà OB. Clem và Jenny để dùng cơm tôi. Mình sẽ được thưởng thức một bữa cơm thuần túy Ấn Độ thật ngon. Được đi đến nhà này nhà kia để chia sẻ những bữa cơm, đó là một trong những ‘niềm hạnh phúc lang thang’ trong cuộc đời truyền giáo của mình.

Macquarie Fields, NSW ngày 21.1.2007

Tốt, xấu, và...tồi tệ


Tôi đã từng đọc nhiều tác phẩm, truyện ngắn có truyện dài có; thơ tôi cũng thỉnh thoảng đem ra đọc, thậm chí còn bày đặt làm thơ để thể hiện tính nghệ sỹ ẩn nấp sâu đâu đó trong tôi, mà ngay cả tôi cũng không biết phải đào tới mấy lớp mới kiếm ra được. Nhưng tôi chưa từng đọc tuyệt tác của Robert Louis Stevenson là Bác sỹ Jekyll và ông Hyde bao giờ, nhưng tôi nghe nói truyện này hay dễ sợ. Tối nay, khi tôi ngồi uống cà phê, nói chuyện với một thằng bạn, tôi hỏi nó:

- Êh mày, mày đã đọc truyện Bác sĩ Jekyll và ông Hyde bao giờ chưa?

- Ừhm, tao đọc lâu rồi, từ thời học cấp III kia. Mà sao mày hỏi? – Nó nhìn tôi với ánh mắt ngờ vực. Tôi ra vẻ phớt lờ.

- Thì tao tò mò muốn biết vậy thôi. Cốt truyện ra sao vậy mày?

- Đọc lâu lắm rồi, tao không nhớ chi tiết. Nhưng đại khái truyện viết về một ông bác sỹ tài giỏi. Ông ta thí nghiệm với một loại thuốc khiến cho bản tính ông bị chia thành hai, một bên thiện một bên ác. Nhưng dần dần thì ông mất đi sự tự chủ và ngày càng trở nên cực đoan. Ông bác sỹ hiền lành biến thành ông Hyde ghê sợ và tồi tệ ngày càng nhiều hơn. Sau đó ông Hyde bị cảnh sát truy lùng vì tội giết người, bác sỹ Jekyll đành quyết định tự vẫn để kết thúc thảm kịch do ông tạo nên.

- Truyện hay ghê. – Tôi tặc lưởi.

Thằng bạn nhíu mắt nhìn tôi, trên nét mặt lộ ra vẻ đang nghiên cứu như nghiên cứu một loài cây lạ trong rừng hay một con vật trong sở thú mới nhập khẩu từ Châu phi sang.

- Mày làm gì nhìn tao chăm chăm vậy mày? – Tôi hỏi.

- Tao đang xem coi dạo này mày giống bác sỹ Jekyll hay ông Hyde hơn. – Nó nhe răng cười, khoe hai hàm răng trắng bóc như mới đi chùi bằng kỷ thuật laser xong.

- Mày chọc tao hả? – Tôi làm mặt ngầu.

Nó cười rồi nói tiếp:

- Đâu có. Tao đùa với mày tí thôi. Mày hiền như Ma Seour mà làm gì có chuyện biến thành ông Hyde. Vã lại mày là kẻ tu trì mà, một ông cha, một nhà truyền giáo làm việc tận tụy trong vườn nho của Chúa. So với một thằng như tao, mày phải là thánh mới đáng.

Tôi không biết nó đang khen hay đang nói xỏ lá tôi. Tôi định hái chùm lá đưa nó xem nó có muốn xỏ hay không. Nhưng tôi làm biếng chạy ra ngoài hái lá, nên quyết định đáp trả bằng một câu chẳng gì là hay ho:

- Ừhm, tao cũng thấy mày giống ông Hyde dễ sợ.

Nó trợn mắt, há miệng, làm vẻ mặt hung dữ, nói giọng gừ gừ trong cổ:

- Bây giờ mày mới biết hả?

Nhìn nó biến dạng tôi phì cười. Nó cười theo. Cả hai đều cười xuýt bể bụng.


Nói chuyện bán dưa lê với thằng bạn, nhưng tối về nhà tôi nằm ngủ không yên. Hình ảnh ông Hyde hung dữ hiện lên trong đầu tôi, tròng mắt đỏ loét như đang có máu. Gân xanh nổi lên đầy trán, răng nhọn hoắc như một con quỷ. Tôi rùng mình.

Một lát sau, ngủ không được tôi dậy đi tắm, rồi ra phòng ăn uống ly sữa loại không có chất lactose vì tôi vốn không uống được sữa bình thường. Uống loại sữa đó là tôi chạy tào tháo. Tôi ghét nhất là bị chạy tào tháo.


Uống xong ly sữa tôi thấy bình thản hơn, tôi trở về phòng. Hình ảnh ghê gớm của ông Hyde không hiện lên trong đầu tôi nữa. Nhưng nó lại chuyển qua một khía cạnh mới. Tôi liên tưởng đến bộ phim của Ý mà tôi đã từng xem cách đây khá lâu, đó là bộ phim có tưa đề Il Buono, il Brutto, il Cattivo. Tiếng Anh thì gọi là The Good, the Bad, and the Ugly. Còn tiếng Việt thì có lẽ dịch là Thằng Tốt, thằng Xấu, và thằng Tồi tệ.


Nghĩ tới đây tôi thấy bi quan, hóa ra hai nhân vật chưa đủ, còn có thêm nhân vật thứ ba nữa. Mà thằng thứ ba cũng chẳng tốt lành hơn cái thằng thứ hai. Vậy là trong tôi có hai thằng không tốt với một thằng tốt. Trời, như vậy thì xuống hỏa ngục cái chắc.


Tôi thiếp ngủ lúc nào không hay. Trong giấc mơ, tôi thấy mình đang đi xuống một cầu thang thiệt dài. Đi mãi không hết. Không lẽ mình đang bước xuống chín tầng điện ngục?!?


Macquarie Fields, NSW ngày 17.12.2007

Sinh tử



Hôm qua mình đi dâng lễ an táng cho một chị mới qua đời ở tuổi 41 vì bệnh ung thư. Chị để lại một người chồng trẻ và một đưa con trai chưa đầy hai tuổi. Thằng nhỏ chẳng biết chuyện gì đang xảy ra với nó. Nó thấy đông người tụ họp mấy ngày liền cứ tưởng như ngày hội. Trong thánh lễ, nó đi xung quanh quan tài để chơi, mình nhìn từ trên cung thánh xuống thấy mà thương tâm. Mất mẹ sớm như vậy, không biết sau này đời nó sẽ ra sao. Mình thầm nhủ, hy vọng tương lai nó sẽ không trở nên như chất liệu của các cuốn tiểu thuyết mà nhân vật chính luôn bị ám ảnh bởi một quá khứ không mấy vui.


Cách đây mấy ngày bên California bố mình cũng đã trải qua một cuộc giải phẫu để cắt đi cái bướu nơi vùng cổ. Ca mổ kéo dài tám giờ đồng hồ vì cái bướu mọc lên nơi có một số giây thần kinh. Không cần nói thì mình cũng hiểu được bác sĩ phải làm việc tỉ mỉ như thế nào. Mình cũng cố hình dung xem nếu ca mổ không thành công thì mình sẽ phản ứng như thế nào khi nhận được tin bố bị mất. Nhưng hình dung như thế này dường như không được. Chắc chắn sẽ buồn, nhưng buồn như thế nào? Chắc chắn sẽ bối rối, nhưng bối rối như thế nào? Chắc chắn sẽ khóc, nhưng khóc nhiều hay ít? Chắc chắc sẽ bị sốc, nhưng sốc ra sao? Mình nghĩ không ai có thể nói trước phản ứng của mình trước một tin dữ. Mình chỉ phải đợi khi nó đến thì mới biết được.

Ai cũng biết trên đời có sinh thì phải có tử, nhưng dường như không ai có thể hoàn toàn ung dung hay dững dưng trước những sự kiện huyền bí này. Sự sống đến từ đâu và chết có phải là hết không? Có lẽ vì thế mà niềm tin vào một tôn giáo vẫn là phương pháp phổ biến nhất để con người đối phó với những điều mà lý trí không thể nào giải thích hay chứng minh được.

Eppping, NSW ngày 14.1.2007

Tình yêu trong sáng


Hôm qua rảnh rổi không có gì làm, lên mạng cũng không được do chưa có password để vào hệ thống wi-fi của giáo xứ, phải chờ để set up, mình mở truyện audio ra nghe. Cả ngày mình nghe truyện của Nguyễn Nhật Ánh, hai tác phẩm Còn chút gì để nhớ và Mắt biếc. Không hiểu sao mình rất thích truyện của Nguyễn Nhật Ánh, lối văn rất dí dỏm, bình dân, như câu chuyện mà hai người bạn thân thiết kể cho nhau nghe qua điện thoại hay trong quán cà phê. Từ câu cú cho đến nội dung chẳng có gì là phức tạp, cầu kỳ hay sâu sắc lắm. Thế mà mình lại thích. Mình cũng thích chẳng phải mình có nhiều điều đồng cảm với những gì được kể lại. Những mối tình học sinh thơ mộng và lãng mạn và đời sống chất phác ở các làng quê Việt Nam -- những thứ đó khá xa lạ với mình là người đã lớn lên tại Hoa Kỳ. Mình chưa trải nghiệm qua những sinh hoạt của các học sinh, sinh viên tại Việt Nam, thế mà nghe hay đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh, mình dường như hình dung được tất cả những gì tác giả đang kể lại. Có những câu văn hay cách diễn đạt rất đơn sơ và mộc mạc cứ làm mình mỉm cười mãi vì...quá dễ thương.

Có lẽ mình thích truyện Nguyễn Nhật Ánh vì nó đưa mình vào một thế giới thật đơn giản, nơi cái đẹp cái xấu được thấy rõ rệt. Vẻ đẹp được trân trọng và yêu quý một cách tuyệt đối và người con trai lúc nào cũng rung động trước nụ cười duyên dáng và ánh mắt long lanh và trong sáng của một người con gái. Người con trai ấy cũng luôn sẵn sàng làm bất cứ điều gì để lấy được lòng của người mình yêu, cho dù đó là phải leo cây hái trộm nhành hoa sứ, vào rừng sim bắt tổ chim non, lượm lén những quả thị vàng thơm trong vườn của ông hàng xóm, hay đánh lộn thằng con trai ăn hiếp bạn mình. Đây cũng là đồng điểm giữa hai truyện Còn chút gì để nhớ và Mắt biếc. Dĩ nhiên là tình yêu không thể kéo dài mãi mà lại luôn đưa đến sự đau khổ, song niềm hạnh phúc mà người đã yêu và được yêu cảm nhận được, cho dù chỉ nhất thời, đều thừa để cho họ không hối hận mình đã đi vào tình yêu.

Không hối hận, nhưng dường như không hết đau khổ. Trong tình yêu lúc nào cũng có một vài nạn nhân. Mình tự nhủ (hay là tự an ủi) đi tu khỏe hơn nhiều. Chứ cứ thương với nhớ một người như thế này thì ai mà chịu được. Mà lạ thay có bao nhiêu người trên thế giới thì tại sao phải thương với nhớ chỉ một người? Mình không hiểu được. Chắc là mình đã tìm đúng ơn gọi rồi.


Macquarie Fields, NSW ngày 12.1.2007

Lời Chúa hằng sống


Hôm qua mình và ba cha Mike, Bonni, và Dom được mời đến nhà của một gia đình người gốc Sri Lanka trong giáo xứ do ba ngài đảm trách để dùng cơm tối. Ông Chandra là một trong những thành viên tích cực nhất trong giáo xứ, ông là người phụ trách bản thông tin hàng tuần, đồng thời giúp với công tác làm vệ sinh nhà thờ. Ông Chandra là một người có dáng cao to, cái bụng phình, nước da ngăm, và khuôn mặt hiền.

Sau khi chúng tôi đến không lâu cơm được dọn ra bao gồm các món thuần túy của người Sri Lanka, trong đó không thiếu món cà-ri gà hơi cay. Mình hỏi ông Chandra:

- Bình thường trong nhà ăn còn cay hơn thế phải không?

- Đúng vậy, chúng tôi sợ các cha không ăn cay nhiều được nên dùng ít ớt hơn.

Trong nhà lúc ấy có thêm em gái của vợ đến chơi, nhưng hai bà nhất quyết không chịu ngồi dùng cơm với chúng tôi, bất kể chúng tôi mời mọc, năn nỉ như thế nào. Ông Chandra cho hay:

- Trong văn hóa chúng tôi, khi có khách, người nhà không được ăn cùng một lúc. Ngay cả tôi cũng phải lo việc tiếp đón, phục vụ chứ không được ăn. Nhưng vì lúc nãy tôi thấy đường đang xuống (ông bị bệnh tiểu đường) nên phải ăn.

Cha Dom kể:

- Trước đây tôi phục vụ ở đảo Samoa cũng có phong tục tương tự. Khi các linh mục được mời đến ăn, các cha ăn trước. Sau đó thì đến phiên người lớn ăn, rồi cuối cùng mới đến mấy đứa nhỏ. Chúng tôi thấy tội nghiệp cho mấy đứa nhỏ phải đợi lâu, bảo nó đi ăn nhưng chúng không chịu.

Dùng cơm xong, chúng tôi tráng miệng và ngồi nói chuyện một lúc rồi chuyển qua phòng khách để những người chưa dùng có thể bắt đầu ăn. Trong cuộc nói chuyện, ông Chandra chia sẻ:

- Tôi gia nhập đạo Công giáo năm 1986. Lần đầu tiên tôi đi lễ là ngày 31 tháng 12 năm 1985. Thời gian đó việc kinh doanh của tôi tại Sri Lanka sa xút trầm trọng. Có bao nhiêu tiền tôi đem ra trả lương cho 200 nhân viên. Cuối cùng tôi không còn gì hết. Khi ấy, tôi sực nhớ đến quyển sách Kinh Thánh mà tôi đã có trên tủ sách từ lâu nhưng chưa bao giờ đem ra đọc. Trước đó tôi có nghe nói là trong những lúc khó khăn đem sách này ra đọc rất hay. Tôi mở sách ra trúng ngay Thánh Vịnh 30:

Xin xót thương, lạy Chúa,
Bởi vì con lâm cảnh ngặt nghèo,
Quá sầu đau, mắt mòn mỏi,
Hồn ảo não và thân hình tiều tụy
Đời tiêu hao trong nỗi u buồn
Và tháng năm tàn lụi giữa tiếng thở than,
Con kiệt lực vì gặp bước khốn cùng,
Gân cốt con rời rã.

Con đã trở nên trò cười cho thù địch
Và cho cả hàng xóm láng giềng
Bạn bè thân thích đều kinh hãi,
Thấy con ngoài đường ai cũng tránh xa....

Những lời này đã thực sự đánh động tôi và đó là lúc tôi quyết đinh đến nhà thờ. Sau đó tôi cầu nguyện với Chúa giúp tôi giải quyết nợ nần, và căn nhà mà tôi đã cố bán ba lần không thành công tôi đã bán được một cách rất dễ dàng. Tôi dùng tiền đó để trả nợ, mặc dầu vẫn không đủ.

Sau đó tôi làm giấy tờ để di cư qua Úc. Tôi cầu nguyện với Chúa nếu tôi qua được Úc thì tôi sẽ làm việc của Ngài. Nhưng khi đã qua được rồi thì tôi quên hẳn lời hứa này. Vì thế có một thời gian có nhiều điều không tốt xảy đến với tôi. Tôi nghĩ đó là cách Chúa cho tôi biết mình đã thất hứa. Từ ngày tôi bắt đầu làm việc của Chúa bằng cách giúp việc nhà thờ, đồng thời làm việc tự nguyện trong bệnh viện, tôi thấy đời sống mình rất bình an.

Ông Chandra có ba người con đã có gia đình, hai gái một trai. Nhưng chỉ có hai vợ chồng đã theo đạo thực sự.

- Những đứa con của tôi vẫn đi chùa, nhưng chúng cũng có lúc đến nhà thờ. Chúng tôi không muốn ép chúng nó theo đạo.

Nghe ông Chandra kể chuyện làm mình bổng nhớ đến ông tổ của mình đã theo đạo từ mấy trăm năm trước. Vì ông tổ đã theo đạo mà hôm nay mình mới là người Công giáo. Nhưng sau khi ông tổ theo đạo thì những con cháu cũng đã theo. Còn ông Chandra thì không biết sau này sẽ có ai cám ơn ông vì ông đã theo đạo như anh Ánh đã làm trong dịp về quê vừa qua hay không? Dù sao đi nữa thì ông Chandra đã làm một điều rất can đảm, đó là nhận ra ơn Chúa trong lúc khắc nghiệt nhất trong đời sống của mình. Điều này xảy đến vì Lời Chúa thực sự là lời hằng sống; bất kể thời đại nào, văn hóa nào, và hoàn cảnh nào, Lời Ngài cũng có thể đánh động vào tâm hồn con người và tạo nên những điều rất huyền nhiệm và tuyệt vời.

Macquarie Fields, ngày 10.1.2007

Nguồn cội


Hôm qua nói chuyện với anh Ánh, cháu đích tôn của ông nội mình mới biết thêm về nguồn gốc của mình. Anh Ánh là người đang giữ gia phả của dòng tộc nên anh nắm được nhiều thông tin thú vị mà ngay cả bố mẹ mình cũng không biết nữa. Anh nói:


- Vừa rồi vê quê anh có thắp hương cho ông tổ trình bày chuyện em bước lên bàn thánh, và đã cầu nguyện cho em thật nhiều. Anh cũng thay mặt gia đình cám ơn ông vì ông là người đầu tiên đón nhận đức tin trong dòng họ mình để anh em minh ngày nay biết nhìn nhận Chúa.


- Thế hả anh? Em cám ơn thật nhiều đã làm điều này cho em. Mà tên của ông tổ là gì vậy hả anh?


- Giuse Lê N. Nguyên. Khi ông tổ theo đạo ông đã quyết định lấy tên này.


- Ông tổ cách mình mấy đời nhỉ?


- Ông cách mình 8 đời. Ông sinh năm 1830 và từ trần năm 1875. Ông Nguyên sinh ra ông Batôlômêô Lê N. Giáp. Ông Lê N. Giáp sinh ra ông Phaolô Lê N. Đen, là ba của ông nội đó.


- Mọi người đều có cái tên đệm là N. hả anh.


- Đúng vậy. Vì vậy tên của mọi người trong dòng họ đề phải là Lê N.


- Anh có đặt tên cho mấy đứa con anh là Lê N. không?


- Có chứ.


- Vậy thì hay quá. Mà nếu thế này thì hơi buồn vì em biết anh Luận của em đã không lấy tên đệm này để đặt cho mấy đứa con của anh. Có lẽ anh không biết điều này.


- Đúng rồi. Nếu ông nội không nói với anh thì anh cũng không biết.


- Em nghĩ những thông tin như thế này rất quan trọng, trong dòng họ nên biết để liệu đó mà đặt tên cho con cái, chứ không thể đặt tên tùy tiện được. Mà anh còn giữ cái gia phả của dòng họ mình không?


- Anh vẫn còn giữ. Lúc nào có dịp anh sẽ gởi cho em cái gia phả đó.


- Anh có định đưa gia phả vào vi tính để tiện lợi khi cần thay đổi hay đưa cho bà con không?


- Khi có dịp anh sẽ đưa nó vào vi tính.


Thế là nhờ cuộc nói chuyện này mình được biết thêm về nguồn cội của mình. Quả là một điều thú vị. Qua những thông tin này mình mới nhận ra cuộc sống mình bây giờ là một sự nối tiếp của rất nhiều người đi trước, trong đó có ông tổ của mình mà bây giờ mình mới biết là tên Giuse Lê N. Nguyên. Đức tin Kitô giáo của mình bây giờ là đức tin bắt nguồn từ ông, nhờ ông mà mình mới có được chức vị linh mục và sứ vụ truyền giáo như bây giờ. Mình rất biết ơn ông tổ đã can đảm theo đạo bất kể những nguy hiểm mà các tín đồ lúc bấy giờ phải gặp phải. Vừa rồi về Việt Nam, mình đã không thu xếp thời gian để về quê thắp nhang cho ông tổ. Lần sau về mình sẽ cố gắng làm điều này như bổn phận mà mình phải thực hiện để cảm ơn ông.


Epping, NSW ngày 9.1.2007

Nói chuyện với Ch.


Hôm qua, mình gặp Ch. trên mạng. Đã lâu rồi mình không nói chuyện với Ch., có lẽ cũng gần hai tháng. Mình vẫn nhớ ngày mình đưa Ch. đi tới viện Pasteur để xét nghiệm HIV, em rất hồi hộp. Mặc dầu trước đó em đã xét nghiệm dương tính một lần, nhưng trong lòng em vẫn nuôi một chút hy vọng là lần này xét nghiệm sẽ có kết quả ngược lại. Mấy hôm sau đi lấy kết quả, khi cô y tá yêu cầu Ch. sang phòng để được tư vấn, Ch. hiểu luôn ý và không cần gì nhìn vào giấy kết quả nữa. Em bước thẳng ra khỏi viện để đương đầu với một thực tại mới trong cuộc đời trẻ của mình.


Những ngày đó, bố của Ch. lại đang bệnh nặng sắp chết với căn bệnh ung thư. Mình chở Ch. đến bệnh viện Pháp-Việt ở Nam Sài Gòn thăm bố. Ch. không dám nói với bố kết quả dương tính của mình nhưng nói dối để những ngày cuối đời của ông được bình an. Sau này ông xuất viện, mình xuống Biên Hòa thăm cũng trấn an ông như vậy, chứ không nói sự thật.


Ch. cũng như mấy em khác, gặp mình thì xưng bằng thầy vì quen miệng:


- Em vừa lên thì gặp thầy, trùng hợp quá. Thầy khỏe không?


- Mình khỏe. Em dạo này tình hình ra sao rồi?


- Sức khỏe có giảm sút, nhưng không sao. Dạo này em khoảng 61-62 ký.


- Uh, như vậy thì không gầy lắm. Em đang uống thuốc gì vậy?


- Khoảng một tháng nữa em sẽ được uống ARV miễn phí. Bây giờ đang tập huấn.


- Tại sao được miễn phí vậy?


- Đây là chương trình viện trợ của Mỹ, tên Việt là CDC. Em có đọc thấy trong báo và nhờ bác sĩ Phấn giới thiệu.


- Vậy là mừng rồi. Hy vọng nó sẽ giúp em phần nào. Em thời gian này có làm gì không?


- Dạo này em trông phòng nét cho cậu em. Qua Tết em sẽ mở một cái, nhưng đang trục trặc về giấy phép.


- Vậy thì tốt rồi, nhớ cố gắng lên nghen. Mình vẫn cầu nguyện cho em luôn.


- Lúc nào thầy qua Thái Lan?


- Gần một tháng nữa mới qua. Mới mua xong vé máy bay.


- Thế hả? Qua Thái Lan, thầy nhớ thăm em ở Việt Nam nhé.


- Mình không dám hứa, nếu bề trên cho đi thì mới thăm được....


Cũng đã hơn 3 năm từ ngày Ch. phát hiện mình bị nhiễm HIV do sử dụng kim chung khi chơi ma túy. Biết sắp có thuốc ARV để điều trị mình cũng thấy mừng, nhưng HIV có một đặc điểm là nó biến dạng rất nhanh, nên thuốc chỉ có hiệu nghiệm trong thời gian nào đó thôi. Thuốc sẽ phải thay đổi mới có thể đối phó với căn bệnh được. Tình trạng như thế quả là một gánh nặng cho người nghèo. Thuốc đặc trị không rẽ, và liệu Mỹ sẽ cung cấp cho Việt Nam đến bao giờ? Nếu Mỹ ngừng viện trợ thì lúc đó Nhà nước sẽ làm gì để giúp cho những người đang bị nhiễm HIV? Đứng trước một tin mừng, nhưng trong thâm tâm mình vẫn mang nhiều mối quan ngại.


Epping, NSW ngày 6.1.2007

Tương phản


Tối hôm qua, mình cùng với vài người quen đi uống cà-phê ở thành phố Sydney. Hơn 10h tối mới ra tới nơi nên không uống được ở tòa tháp Sydney để được nhìn toàn cảnh thành phố vì đã đến giờ đóng cửa. Mọi người quyết định đi uống ở một quán đối diện với nhà hát Con Sò nổi tiếng. Ngồi ở bàn được đặt bên ngoài quán, quang cảnh thành phố Sydney về đêm rất ấn tượng, mà đặc biệt nhất là Cầu Cảng Sydney và Nhà hát Con Sò, nơi đây chỉ cách đây vài hôm đã có trình diễn pháo bông rất hoành tráng. Cha Quang có đi tận nơi xem và quay video làm kỷ niệm kể rằng pháo bông được bắn một cách rất hòa hợp với cảnh chiếc cầu và làm nổi bật công trình kiến trúc này.


Uống cà phê lúc hơn 11 giờ khuya, không gian tại đây cũng đã lắng bớt, khách đi lại thưa thớt hơn. Cách bàn của chúng tôi mấy mét, công nhân thâu rác đang làm công tác chất những thùng rác đầy nhóc lên xe. Tiếng rác được đổ vào thùng xe, tiếng máy xe nổ, tiếng thùng xe lên xuống tạo nên một thứ âm thanh khá ồn áo và náo loạn, trái ngược với khung cảnh lộng lẫy và sang trọng nơi quãng trường trước Nhà hát.


Nhìn chiếc xe thu rác làm việc mình mới nhớ lại rằng thực trạng của cuộc sống luôn bao gồm những điều tương phản như thế. Sự tương phản là cái hiện thực, là điều thú vị, nhưng cũng là nỗi đau của cuộc sống con người. Quan sát chiếc xe thu rác trước nhà hát Con sò làm mình liên tưởng đến những đứa trẻ bán kẹo cao su trước các quán cà phê sành điệu ở Hồ Con Rùa, hay những căn nhà lụp xụp bên cạnh các ngôi nhà villa sang trọng ở Sài Gòn, hay những biểu ngữ "cấm đái bậy" treo trên thân cây xanh trên đường phố.


Nhìn từ xa, Sài Gòn cũng lộng lẫy lắm, nhưng tới gần mới thấy muôn màu muôn nét của đời sống thành phố. Thành phố là sự tổng hợp của vô số tương phản. Cái vui cái buồn, cái đẹp cái xấu, cái thiện cái ác....tất cả lẫn trộn và hòa quyện với nhau. Đời sống con người cũng vậy, đời sống của một linh mục như mình cũng vậy. Trong sự trang nghiêm và sang trọng thì những thùng chứa đầy rác cũng đang nằm không mấy xa.


Epping, NSW ngày 4.1.2007

Gặp Khoa đêm giao thừa


Tối hôm qua giao thừa Tết Tây nhưng mình không đi chơi. Anh Thể có chiếc thuyền rủ mình ra cảng Sydney để coi bắn pháo bông, nhưng mình có chứng say sóng khi thuyền ngừng trên nước nên không dám đi. Mình quyết định đón giao thừa một mình trong không khí tĩnh lặng trong phòng.


Mình lên Yahoo Messenger thì lại gặp Khoa, người bạn trẻ mà mình đã từng giúp cai nghiện ma túy tại Việt Nam. Bây giờ Khoa đang đi bộ đội ở Tây Ninh.


Gặp mình trên mạng Khoa tỏ ra rất vui, vẫn xưng hô mình bằng thầy như trước đây vì Khoa không quen gọi mình là cha. Nó kêu lên:


- Ui dời ơi, rồng đến nhà tôm.


- Mày bố láo quá nha Khoa.


- Hihihihi. Thầy gởi web cam cho em đi.


- OK. Đợi tí.


- Ai mà đẹp zai thế?


- Đá cho mày một phát bây giờ. Webcam đâu đưa anh xem cái mặt ngố nào?


- Mặt em mà ngố hả? Dạo này có nhiều em theo lắm đó, tới 5 cô lận. Tại thấy em đẹp trai quá.


- Đời sống bộ đôi sao rồi?


- Có một chuyện vui là em đã được đưa vào đội văn nghệ cao nhất của hơn 10.000 quân. Nên em chỉ cần ăn ngủ và tập văn nghệ thôi.


- Vậy dạo này đi hát....đám ma được rồi hả?


- Đâu có toàn đi hát đám cưới thôi. hihihi Mà thầy ơi, sau này đi bộ đội về em nên đi học hay làm gì thầy?


- Chắc em nên đi làm để kiếm tiền phụ giúp gia đình chứ.

Bây giờ em đâu còn nhỏ nữa đâu, không thể lệ thuộc vào gia đình hoài được.


- Cũng đúng nhưng em đâu có nghề ngông gì trong tay đâu thầy.


- Hay là đi học sửa xe, ví dụ như xe hơi đó.


- Tính tình em không thích hợp với nghề đó thầy ơi, em thích nghề nào linh hoạt và năng động.


- Nhưng em không có đại học nên kiếm nghề nào như vậy được? Còn kiếm tiền để sống thì khó có gì năng động.


- Đó là điều em đang đắn đó thầy ơi. Đi bộ đội về mà cứ ở nhà không thì chết. Em tính thi vô nhạc viện có được không thầy? Em muốn vào khoa guitar.


- Em định làm gì với nghề này?


- Sau này cũng như người ta, đi đánh ở các quán hay phòng trà.


- Làm nhạc công thì chắc chắn sẽ không có nhiều tiền. Để mình bàn xem có những việc gì mà em có thể tìm hiểu nhé.


Mình và Khoa tiếp tục bàn về những gì em có thể làm được sau khi trở về nhà, nhưng không có lựa chọn nào là đơn giản. Không kiến thức, không nghề nghiệp, không có mối quan hệ thì một người trẻ đang bình phục khỏi căn bệnh nghiện ngập phải làm gì để làm lại cuộc đời và thăng tiến trong xã hội?


Trong số người trẻ nghiện ma túy mà mình đã từng biết, Khoa là một trong những người hoạt bát và lanh lẹ nhất. Nhưng trí thông minh và nhanh nhẹn cũng không đủ để giúp em kháng cự lại sự lôi cuốn của ma túy, và em đã tái đi tái lại nhiều lần.


Những tháng ngày qua mình đang nuôi hy vọng rằng kinh nghiệm đi bộ đội sẽ giúp Khoa trở nên trưởng thành hơn, tìm thấy mục đích cho đời sống rõ ràng hơn. Nhưng mình cũng không dám hy vọng nhiều quá. Mình đã nhận ra căn bệnh nghiện ngập khó chữa tới mức nào. Đôi khi nghĩ cũng thấy bí quá, nhưng không lẽ bỏ cuộc?


Epping, NSW ngày 1.1.2007