Tín ngưỡng người Nhật






Đền thờ Atsura là một trong những đền thờ đạo Shinto quan trọng nhất vùng Nagoya. Đền này thờ Nữ thần Mặt trời Amaterasu. Từ bên ngoài vào bên trong khu vực đền thờ sẽ bước qua ba cổng. Theo tín ngưỡng của người Nhật thì thần thánh sẽ đi giữa nên những người Nhật thường không bước qua giữa cổng, nhưng sẽ đi một bên. Qua khỏi cổng thứ ba, người ta sẽ thấy một hồ nước với những chiếc gáo để tín đồ có thể làm nghi thức rửa tay và miệng (tay là để chắp lại cầu ơn, miệng là để xin ơn) trước khi tiến tới đền thờ. Tới trước đền thờ người Nhật không đứng lâu. Họ chấp tay, cầu nguyện trong thinh lặng và cúi đầu bái lạy một cách trang nghiêm. Mọi thứ chỉ mất chưa tới một phút.


Không gian đền thờ Shinto luôn rất thiên nhiên cho dù được xây dựng trong một thành phố lớn. Các lối đi luôn có bóng mát của cây xanh được trồng hai bên. Ngoài những cây xanh còn có các cây hoa anh đào, hoa mận để tạo thêm vẽ đẹp cho khuôn viên đền thờ. Tại đền thờ Atsura còn có một cây cổ thụ với tuổi trên 1000 năm.



Đạo Shinto được xem là quốc giáo tại Nhật. Họ thờ hàng triệu thần thánh khác nhau, đa số liên quan đến thiên nhiên (mặt trăng, mặt trời, đồi núi, cây cỏ, hoa lá v.v.). Tuy có những nghi thức thờ phượng và niềm tin vào những thứ siêu nhiên, người Nhật không xem đạo Shinto như một tôn giáo như đạo Thiên Chúa Giáo hay Hồi Giáo ở phương tây. Từ “shukyo" có nghĩa "tôn giáo” (religion) như ở phương tây chỉ có trong tiếng Nhật từ thế kỷ thứ 19. Khi nghĩ tới tôn giáo, họ hình dung nó như một thể chế với luật lệ, tín điều, và hệ thống quản lý chặt chẻ mà người ta có thể gia nhập và tuân theo. Vì thế khi hỏi người Nhật rằng họ có theo "shukyo" không, họ thường trả lời là "mushukyo," có nghĩa là không có tôn giáo. Đạo Shinto đối với họ khác với những gì được cho là "tôn giáo" vì nó được xem như một phần của truyền thống, văn hóa con người Nhật. Tín ngưỡng Shinto là một phần không thể tách rời ra khỏi căn tính con người Nhật, chứ nó không phải là một tổ chức mà người ta có thể gia nhập hoặc rời bỏ.

 

Chính vì não trạng này nên việc truyền giáo tại Nhật gặp nhiều thách đố. Để cho một người từ bỏ tín ngưỡng Shinto để theo đạo Công giáo có thể được xem như một hành động đi ngược lại với những gì là “Nhật”. Và cũng chính vì não trạng này nên một người nước ngoài có thể sinh ra và lớn lên ở Nhật, mang quốc tịch Nhật, nhưng không mang dòng máu Nhật (hoặc chỉ mang một phần dòng máu Nhật), và không gắn liền với đạo Shinto thì sẽ không bao giờ được xem là người Nhật.

Nagoya, ngày 9.3.2018

 

No comments: