Hôm nay sau 5 giờ đồng hồ liên tục cho các thầy thi cuối kỳ bằng hình thức “phỏng vấn” mình cũng đã hoàn tất
trách nhiệm cho năm học tại Đại Chủng Viện Lux Mundi. Chương trình thi này dành
cho các thầy năm 4 cho môn học về Sách Công Vụ Tông Đồ và Thánh Thư. Hôm qua
mình cũng thực hiện việc thi cử như vậy với môn thần học giáo hội dành cho năm
2. Mình chọn phương thức thi bằng cách trả lời câu hỏi trực tiếp thay vì thi viết
để xem xét khả năng của mỗi ngường ứng phó với những câu hỏi mình đưa ra. Hình
thức thi này cũng thuận tiện vì mình có thể chấm điểm trực tiếp và có kết quả
cho việc thi cử một cách nhanh chóng.
Sau hai năm dạy học tại ĐCV quốc gia
của Thái Lan với các môn học khác nhau, mình thấy việc đào tạo các lãnh đạo trong
tương lai của giáo hội địa phương là một thách đố lớn. Thách đố thứ nhất là làm
sao để có một chương trình giảng dạy chất lượng, nhưng lại không quá khó so với
thực lực của người học. Thái Lan chỉ có một ĐCV duy nhất nên ở đây quy tụ tất cả
các chủng sinh triều lẫn dòng về học. Người
làm công tác giảng dạy cũng thế. Có cả linh mục triều cũng như dòng, người Thái
cũng như người nước ngoài.
Giáo hội Thái Lan nhỏ bé nên để tìm
đầy đủ nhân sự cho việc giảng dạy cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy con số linh mục
và tu sĩ tại Thái Lan khá nhiều so với số lượng giáo dân, nhưng để tìm ra người
hội tụ đủ điều kiện để dạy trong ĐCV thì không dễ. Vì thế một trong những mục
tiêu của ĐCV là mời người có chuyên môn từ nước ngoài tới dạy học, và chuyển
chương trình học từ tiếng Thái sang tiếng Anh. Nếu công việc giảng dạy được thực
hiện bằng tiếng Anh thì sẽ dễ tìm ra người cộng tác hơn, như thế chương trình
đào tạo của ĐCV cũng sẽ được nâng cấp.
Đó là một ý tưởng tốt và phù hợp với
bối cảnh đào tạo trong ĐCV ở các nước. Tuy nhiên, để thực hiện một chương trình
giảng dạy bằng tiếng Anh tại Thái Lan không mấy dễ dàng khi khả năng tiếng Anh
của đại đa số các chủng sinh còn rất ít ỏi. Điều này một phần vì môi trường sinh sống tại Thái
Lan không mấy đòi hỏi một người trẻ cần phải biết nhiều tiếng Anh. Bên cạnh đó
các dòng tu cũng như giáo phận cũng chưa có những chương trình đào tạo về tiếng
Anh một cách bài bản và đồng nhất cho các thành viên của mình. Mặc dầu lãnh đạo
của ĐCV yêu cầu mình sử dụng tiếng Anh trong lớp học, nhưng vì khả năng tiếp
thu của các chủng sinh còn quá thấp nên mình đành phải dùng tiếng Thái để bảo đảm
kiến thức được truyền đạt.
Một thách đố khác cho tương lại của
giáo hội địa phương là vì ơn gọi ngày càng khan hiếm. Vì thế để cho ĐCV tiếp tục
hoạt động, hoặc cho các hội dòng duy trì chương trình đào tạo của mình thì bắt
buộc phải có người để đào tạo. Vì tình trạng khan hiếm và áp lực cần phải có chủng
sinh nên có những người thực lực học tập rất thấp, đó là chưa nói về phẩm chất
của một chủng sinh, nhưng vẫn được tiếp tục cho ở lại. Một số chủng sinh cũng
nhận ra điều này nên không cần cảm thấy phải nỗ lực học tập. Dù sao thì cũng sẽ
không bị mời về nếu không vấp phải vi phạm gì quá nghiêm trọng. Ở trong các
giáo phận và hội dòng cũng có những chủng sinh bị cho về vì những lý do khác
nhau, nhưng không mấy ai bị cho về với lý do học quá kém. Và khả năng học tập
cũng không phải một điều kiện quá quan trọng khi tiếp nhận chủng sinh tại Thái
Lan. Ở đây không có hệ thống thi vào ĐCV. Một phần lớn các chủng sinh tại Thái
Lan được tiếp nhận vào các chương trình đào tạo tiểu chủng viện của các giáo phận
và các hội dòng, và được đào tạo một cách liên tiếp từ những năm học phổ thông
cho đến khi kết thúc chương trình thần học.
Nói về sự bất cập của giáo hội địa
phương thì không thiếu điều để bàn. Tuy nhiên, phải công nhận rằng với một giáo
hội có số lượng giáo dân chỉ chiếm 0.4% của tổng dân số đất nước thì giáo hội
Thái Lan cũng đã nỗ lực rất nhiều để thực hiện sứ vụ của mình. Giáo hội Công
giáo tại Thái Lan gây ảnh hưởng không nhỏ trên xã hội Thái Lan qua hệ thống trường
học, bệnh viện và các tổ chức bác ái của các giáo phận cũng như các hội dòng.
Chương trình giáo dục của các trường học Công giáo vẫn là điều mà các bậc phụ
huynh Thái Lan rất ưa chuộng và muốn cho con em mình có được. Có không ít những
người trong giới lãnh đạo chính trị, kinh doanh cũng như các nhân tài trong xã
hội Thái Lan là những người đã từng ngồi trên ghế nhà trường Công giáo. Và nhiều
người điều hành các trường học đó cũng là những người đã trải qua chương trình
đào tạo và học tập tại ĐCV Lux Mundi, ĐCV duy nhất tại Thái Lan.
Chính vì tầm quan trọng của ĐCV Lux
Mundi đối với tương lai của Giáo hội và xã hội Thái Lan nên các lãnh đạo luôn
quan tâm và tìm mọi cách để nâng cao chất lượng của chương trình đào tạo và học
tập của ĐCV. Mình cũng nhận ra điều này nên cố gắng làm tốt công việc giảng dạy
mà mình đã được giao phó. Một trong những
điều mình luôn suy tư là làm sao để truyền đạt kiến thức không chỉ với mục đích
giúp cho các chủng sinh hiểu biết mà còn tạo cho họ cảm hứng về sứ vụ phục vụ
mà mỗi người sẽ đảm nhận trong đời sống ơn gọi của mình.
Bangkok, ngày 7.3.2018
No comments:
Post a Comment