Nhân dịp Tổng tu nghị lần thứ 18 của
Dòng Ngôi Lời, hôm qua Học Viện Truyền Giáo Ngôi Lời đã cho ra mắt một tâp sách
mới với tựa đề “Missionary Discipleship in the Glocal Contexts” (tạm dịch “Môn
đệ truyền giáo trong những bối cảnh toàn cầu và địa phương”.
Tập sách gồm 21 chương, bao gồm những
bài viết chủ yếu của các nhà truyền giáo Ngôi Lời là chuyên gia trong các lĩnh
vực thần học, Kinh Thánh, tôn giáo học v.v. Tập sách chia thành ba phần. Phần
thứ nhất nhìn vào những bối cảnh của thời đại mới như toàn cầu hóa, kỷ thuật số,
môi trường… Phần hai đưa ra những nhận định về các bối cảnh này từ góc nhìn của
thần học, kinh thánh, truyền giáo học…. Cuối cùng, phần ba trình bày về khái niệm
môn đệ truyền giáo qua những kinh nghiệm thực tế của các nhà truyền giáo đang
phục vụ ở những nơi khác nhau trên thế giới.
Đây là một tập sách với nội dung đa dạng và phù hợp với những vấn đề
của thời đại mới. Nó không chỉ đưa ra những lý thuyết mang tính học thuật,
nhưng có sự áp dụng vào những bối cảnh cụ thể mà xã hội ngày nay gặp phải ở cấp
địa phương cũng như toàn cầu. Dĩ nhiên những suy tư về Kính Thánh và thần học
phải liên quan đến thực trạng đời sống trong mỗi xã hội và mỗi thời đại thì mới
thiết thực và hữu ích cho đời sống tâm linh và tinh thần của con người.
Trong tập sách này, mình cũng có
đóng góp một bài trong phần 1, đó là bài khảo sát về vấn nạn môi trường trong
thời kỳ toàn cầu hóa. Trong bài viết, mình nhìn vào vấn đề từ nhiều khía cạnh
khác nhau—khoa học, chính trị, kinh tế, tâm linh… Quan điểm mình đưa ra là khủng
hoảng môi trường là một vấn đề cần có sự hợp tác đa ngành mới có thể khắc phục
được phần nào hậu quả gây ra bởi việc hủy hoại môi trường thiên nhiên và biến đổi
khí hậu. Đồng thời, vai trò của tôn giáo là không thể bỏ qua được bởi vì tiếng
nói của tôn giáo trên thế giới vẫn là tiếng nói có tầm ảnh hưởng lớn đến các cá
nhân và tập thể.
Vấn đề về môi trường thiên nhiên vẫn
là một đề tài mà mình quan tâm và tìm cách trình bày qua các bài viết khác nhau.
Trong tháng 3 vừa qua, tạp chí New Theology Review (Tạp chí Thần học mới) tại
Hoa Kỳ đã cho phát hành một bài viết của mình với tựa đề “Chủ nghĩa nhân đạo
Ki-tô giáo và đạo đức môi trường.” Liên quan đến vấn đề tôn giáo và môi trường
thì mình không chỉ viết về Ki-tô giáo mà còn có một số bài viết từ quan điểm của
triết học và linh đạo Phật giáo.
Nemi, Ý – ngày 26.6.2018
No comments:
Post a Comment