Trở lại đời sống "sinh viên"

Thành phồ Bangkok từ phòng trọ của mình tại tòa nhà Q, trường đại học Assumption
Thế là mình đã chính thức trở lại đời sống sinh viên với cái túi sách, những cây bút mực, những cuốn vở chứa đầy giấy trắng, và cái giảng đường nơi có giáo sư và những bạn học. Sau một kỳ nghỉ dài với những chuyến đi khắp bốn phương từ Mỹ đến Việt Nam, và các chuyến đi công tác tại Lào và Nong Bua Lamphu, thì cuối cùng mình đã trở lại Bangkok kịp để nhập học bắt đầu từ ngày hôm qua.

Môi trường học ở đây vẫn là điều mình chưa quen thuộc khi những vị giáo sư người Thái giảng tiếng Anh không được lưu loát như các giáo sư mà mình từng học tại Mỹ. Cái thư viện ở đây cũng bé hơn rất nhiều, và chẳng có chương trình cho mượn sách giữa các thư viện với nhau. Mình đã lo không biết điều kiện để làm nghiên cứu sẽ như thế nào. Tuy nhiên, mình đã chấp nhận với những hạn chế này khi quyết định học tại Thái Lan thay vì trở về Mỹ hoặc Úc, cho dù trường đại học Assumption là một trường tư tương có tiếng tại đất Thái.

Vì mình chỉ vừa mới trở lại Bangkok vài ngày nên mãi hôm nay vấn đề chỗ ở mới giải quyết xong. Mình đã được thầy Bancha là chủ tịch trường đại học cho một phòng trong tòa nhà Q, nơi các thầy dòng San Gabriel cũng như một số giáo sư ở. Các thầy dòng San Gabriel ở trên tầng 16, trong khi mình được ở tầng 15. Trên tầng này cũng có một số linh mục không thuộc dòng San Gabriel đang học hoặc dạy trong trường cũng ở trọ.

Phòng của mình có một balcony  nhỏ có thể đặt ghế ngồi để ngắm toàn cảnh thành phố trước mắt. Mình còn thấy được một phần khá lớn sân vận động Rajamangkhala nơi thường diễn ra những trận bóng đá của đội tuyển Thái với các nước khác. Sân vận động này chỉ cách trường đại học chưa đầy một cây số. Trong phòng thì có một cái giường khá lớn, một tủ áo quần, một cái bàn học, một cái TV, một cái ghế ngồi đọc sách, và một vài tủ bàn khác. Phòng cũng có phòng tắm cá nhân. Nói chung cũng khá đầy đủ tiện nghi.

Như thế mình đã có chỗ ở, đã đăng ký lớp học và đã vào học. Việc còn lại là làm sao học tốt để hoàn tất chương trình tiến sĩ về Tôn giáo học trong thời gian ba năm.

Bangkok, ngày 29.5.2013

Bảy năm trong đời sống linh mục



Thấm thoát tôi đã trải qua bảy năm trong đời sống linh mục. Bảy là một con số tốt. Trong Kinh Thánh, số bảy tượng trưng cho sự hoàn hảo và toàn vẹn, ví dụ Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ và nghỉ ngơi trong vòng bảy ngày. Nhưng khi nói về đời sống linh mục của tôi thì bảy không hề có ý nghĩa đó. Bảy năm đã trôi qua mà tôi thấy mình chưa hề hoàn hảo và toàn vẹn tí nào. Từng ngày tôi phải chiến đấu với bản thân để sống đời sống ơn gọi với hy vọng cuối ngày mình sẽ còn có thể đứng vững. Trong cuộc chiến đó có khi tôi thuộc về phía thắng, nhưng không ít lần tôi là phía bại. Và mỗi lần tôi vấp ngã thì tôi phải quyết tâm để đứng dậy tiến tới, cho dù những bước đi đầu tiên đó luôn luôn chất chứa đầy lúng túng và ngập ngừng. Tuy nhiên, như một đứa bé đang tập đi, nó càng đi thì càng tự tin hơn, và dần dần nó cũng ý thức được rằng, cái ngã không có nghĩa là gục. Nó biết rằng mình sẽ có thể đứng dậy đi tiếp nữa, cho dù không có gì bảo đảm mọi thứ phía trước sẽ trơn tru. Tôi cũng thế, bảy năm qua, tôi đã đi nhiều và cũng đã ngã nhiều. Nhưng tôi vẫn đứng dậy đi tiếp, cho dù hành trình ơn gọi sẽ luôn luôn là những cuộc chiến tâm linh lớn bé mà cái vấp ngã sẽ mãi là một nguy cơ rất lớn cho tôi. Và tôi vẫn tin như một đứa bé đang tập đi là cho dù tôi có vấp ngã bao nhiêu lần chăng nữa, thì nhờ lòng thương xót của Chúa, sự cảm thông và nâng đỡ của những người xung quanh, và sự quyết tâm của chính mình, tôi sẽ không bao giờ gục ngã. Ngược lại tôi sẽ ngày càng vững mạnh hơn trên con đường hướng đến sự vẹn toàn cho dù thời gian phải bỏ ra là 7 năm hay 7 lần 7 năm.

Một linh mục trẻ ra đi


Hai ba ngày qua mình bận tiếp khách từ nước ngoài đến thăm Thái Lan nên ít có thời giờ theo dõi tin tức. Sáng nay trở về nhà của một gia đình nơi mình đang nghỉ thì cô Amara cho mình biết môt tin buồn, đó là cha John Bosco, một linh mục trẻ dòng Stigmatine đã qua đời sau khi ngài gặp tai nạn xe cộ vào ngày hôm qua. Cha Boss đang lái xe đi công tác mục vụ ở miền nam nước Thái thì bị buồn ngủ nên đã lao vào một cây bên đường. Người ta đưa ngài đến bệnh viện nhưng bác sĩ đã không cứu mạng sống được.

Sau khi nghe tin, mình dò trên mạng facebook thì hóa ra đã có nhiều người chia buồn và đăng hình ảnh của cha Boss trên trang cá nhân của họ. Mình cũng đăng lời chia buồn và hình ảnh trên trang Thailand Catholic, là trang facebook mà mình đã dựng lên và quản lý hai ba năm qua.

Sự ra đi của cha Boss rất bất ngờ. Cô Amara nói: "Thật đáng tiếc vì cha còn trẻ quá. Dòng Stigmatine ở Thái Lan đã nhiều năm rồi không có ai chịu chức. Ngài là linh mục cuối cùng chịu chức cách đây 9 năm. Từ đó đến giờ chưa có thêm linh mục khác."

Tai nạn dẫn đến cái chết của cha Boss làm mình nhớ đến vụ tai nạn đã xảy ra với mình cách đây đã lâu, từ khi mới xong nhà tập và khấn lần đầu. Lúc đó mình trở lại thăm triết viện và cha Ken đã rủ mình đi tham dự lễ đám tang của mẹ của Sr. Joyce ở Sioux City, IA cách ĐCV khoảng 6 giờ đồng hồ lái xe. Sau khi đám tang và ăn trưa xong, mình và cha Ken lái xe về lại ĐCV. Cha Ken giao chìa khóa cho mình lái. Mặc dầu mình là người rất ít khi lái xe sau khi ăn trưa vì mình có thói quen ngủ trưa, nhưng vì cha Ken nhờ nên mình không dám từ chối.

Mình lái xe được khoảng ba tiếng đồng hồ thì trong người càng lúc càng thấy buồn ngủ hơn. Đường xá ở Iowa thì lại rất bằng phẳng, hai bên chỉ có những cánh đồng ngô và đầu nành dài bất tận nên cũng chẳng có gì để ngắm. Bầu trời ngày hôm đó lại rất trong xanh nên chẳng có gì đáng nhớ. Những yếu tố này là đủ làm cho mình rất buồn ngủ rồi. Nhưng có thêm một cái nữa là cha Ken lại mở đài radio NPR, là đài mà tất cả các xướng ngôn viên đều có giọng nói rất đều đều, nhỏ nhẹ và dĩ nhiên là dễ ru ngủ.

Và cuối cùng thì cái gì phải đến cũng đã đến. Mình nhắm mắt ngủ gật lúc nào không hay và kết quả là chiếc xe Chevrolet rơi hẳn xuống cái mương bên đường, mà không chỉ rơi mà còn lăn vài vòng nữa. Cha Ken còn dám khẳng định rằng xe lăn khoảng ba vòng vì lúc đó ngài đang tỉnh táo mà đếm. Mình không biết lăn mấy vòng vì mọi thứ diễn ra quá nhanh. Nhưng việc xe có lăn thì là sự thật, vì khi bước ra khỏi xe thì đã thấy nó tan tành cả trên lẫn dưới. Nhưng một điều lạ là mình chẳng có một vết thương nào trên người cả, dù chỉ là một vết thương nhỏ. Nhưng cha Ken thì không được may mắn như mình. Ngài bị kính cửa sổ đã bị mẻ đập vào nên bị chảy máu trên cánh tay, phải đưa đi bệnh viện để băng bó. Còn mình thì bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Các cha ở ĐCV đưa xe ra đón mình và cha Ken về nhà, và mình nhớ tối hôm đó trong ĐCV có tiệc đón Tết Trung Thu.

Nghĩ lại mình cảm thấy thật may mắn khi mình gặp phải một tai nạn lớn như thế mà không bị gì. Mình luôn bảo là lúc đó mình vừa mới khấn lần đầu xong nên Chúa đã phù hộ mình. Có lẽ đó là sự thật. Rất có thể mình cũng đã gặp một kết cuộc như cha Boss ngày hôm qua, để lại những tiếc nuối cho những người xung quanh vì cái chết quá sớm trong lúc một linh mục như cha thì quá cần thiết cho dòng của ngài cũng như giáo hội ở Thái.

Bangkok, ngày 22.5.2013

Chia tay đất Lào


Hôm nay mình trở lại Bangkok trên chuyến bay Nokair từ tỉnh Nakhon Phanom sau gần ba tuần ở Lào. Môn học thuyết giảng đã kết thúc tốt đẹp. Các thầy trong lớp đã làm tốt bài giảng cuối cùng trong ba bài giảng mình yêu cầu. Ngoài việc giảng các thầy con nhận được những phản hồi từ những người nghe, trong đó có các thầy khác, các seour, và cha giám đốc ĐCV. Đây là một kinh nghiệm rất quý giá vì để có thể giảng và nhận được những đóng góp ý kiến sẽ giúp các thầy nhận ra những điểm  mạnh và điểm yếu của mình một cách rõ ràng hơn. Nếu các linh mục sẵn sàng để cho giáo dân hoặc một số người nào đó phản hồi về những bài giảng của mình thì chắc hẳn những bài giảng của các ngài sẽ thu hút giáo dân hơn. Nhưng đối với lòng tự ái của các cha thì điều này không dễ làm tí nào.

Thế là mình đã rời khỏi Lào, rời cái thành phố Thakhek vô cùng tầm thường với cái thời tiết nóng bức và những trận mưa mạnh khủng khiếp dường như lúc nào cũng dẫn đến tình trạng bị cúp điện. Mình đã rời khỏi ĐCV thánh Gioan Vianney nơi có quá nhiều điều cần phải làm để cho việc đào tạo các linh mục tương lai của Giáo hội Lào được có sự chuẩn bị đúng đắn hơn, nhưng dường như chưa có đủ điều kiện hoặc nghị lực để làm những điều đó.  Sáng hôm qua, mình đưa các thầy trong lớp giảng thuyết đến một ngôi chùa cạnh sông Mekong để đúc kết về môn học cũng như chia sẻ về kinh nghiệm học của mình. Mọi người đều chia sẻ rằng họ đã nhận được nhiều hơn mong đợi, và giờ đây học đã có một kiến thức nhất định và đường hướng rõ ràng hơn để chuẩn bị những bài giảng và những bài chia sẻ Lời Chúa mà trước đây họ thực hiện một cách thiếu phương pháp. Các thầy cảm thấy vui với kết quả của việc học, mặc dầu việc phải chuẩn bị ba bài giảng chỉ trong vòng hai tuần là một điều không hề dễ dàng. Và quan trọng hơn nữa là các thầy đã không chỉ có một kinh nghiệm học mang tính kiến thức mà còn mang tính tâm linh khi việc chuẩn bị các bài giảng đã đòi hỏi các thầy phải đọc lời Chúa và cầu nguyện nhiều giờ đồng hồ để cho Chúa Thánh Thần tác động và giúp cho các thầy có những ý tưởng cho các bài giảng của mình.

Sau khi thấy các thầy thực hiện bài giảng cuối cùng và đúc kết, mình cảm thấy rất hài lòng và tạ ơn Thiên Chúa vì những gì mình đã làm được trong ba tuần vừa qua. Chỉ là một lớp giảng thuyết ngắn ngủi cho một số nhỏ các thầy, nhưng dường như rất quan trọng cho giáo hội tại Lào, rất quan trọng cho ơn gọi của các thầy, và cũng rất bổ ích cho chính mình là một nhà truyền giáo Ngôi Lời. Khi có cơ hội để phục vụ như thế này, mình càng xác quyết hơn trong việc mình đã chọn ở lại Thái Lan để tiếp tục việc học và truyền giáo của mình thay vì trở về Úc hoặc Mỹ. Có lẽ tấm bằng tiến sĩ từ một trường đại học ở Thái Lan sẽ không có giá trị như ở Úc hoặc ở Mỹ, nhưng mình đã xác định rằng mình học để phục vụ chứ không phải học để lấy danh tiếng. Và mình tin rằng nơi mình đang sống hiện nay chính là nơi đang cần mình.

Bangkok, ngày 17.5.2013

Cái ăn



Nhiều khi tôi đi đây đó trên đường phố Bangkok bỗng dưng cảm thấy đói bụng. Hóa ra đã đến giờ ăn. Tôi nhìn quanh cố tìm cho được một quán ăn bình dân vừa ngon vừa rẻ. Có khi không thấy có quán nào vừa ý nên mua một vài que bò viên nướng và nắm cơm nếp từ xe bán thức ăn bên lề đường, rồi ngồi bệt xuống ăn trên vỉa hè giữa dòng người đang tấp nập qua lại. Đang khi cặm cụi với que thịt và nắm xôi, tôi chợt nhớ ra, chỉ mới hôm qua mình được mời đi ăn ở một nhà hàng thật sang trọng tại một trung tâm thương mại lớn trong thành phố, nhưng hôm nay lại ngồi ăn ngay trên vỉa hè. Rồi tôi chợt liên tưởng đến cuộc đời rao giảng của Chúa Kitô. Cũng có khi Ngài được mời đến tham dự những buổi tiệc của những người giàu có và quyền lực mà chắc chắn trong buổi tiệc đó sơn hào hải vị không thiếu. Nhưng có khi thức ăn của Ngài cũng chỉ là con cá nướng mới bắt được từ biển hồ Galilê. Trong cuộc sống nay đây mai đó để rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu luôn chấp nhận rằng, “Chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ ngả đầu.” Nghĩ đến đó tôi cảm thấy rất hạnh phúc với que thịt và nắm xôi trong tay mình. 


Dạy môn giảng thuyết


Mình tự nhận xét mình nhé. Mình không phải là một "cây giảng" hay mà đi đâu ai cũng tấm tắc khen, nhưng mình không đến nổi tồi. Vì thế khi giảng ở nhà thờ của mình hoặc được mời giảng ở một nơi nào đó thì nếu không nhận được lời khen thì cũng không hẳn bị chê thảm thiết. Thật ra mình cũng đã nhận được khá nhiều phản hồi tích cực nên mới dám khẳng định mình không giảng dỡ. Nhưng để nói mình giảng hay thì điều đó không dám khẳng định. Ít nhất thì mình cũng có kiến thức về giảng thuyết qua trường lớp và qua kinh nghiệm,  nên mình mới dám đảm nhận cái môn giảng thuyết tại Đại Chủng Viện Thánh Gioan Mary Vianney của Lào, mà ở đây là nơi tốt để mình trổ tài giảng dạy trong môn này. Lý do là số các thầy ít, giáo sư cũng không có, vì thế có mình qua dạy là mừng rồi đâu cần đòi hỏi phải có chất lượng cao.

Nói vậy chứ mình cũng không đến nổi tệ. Dù sao đi nữa mình cũng có tài liệu tốt mà mình đã soạn lại để trình bày cho các thầy. Ngoài ra thì cho dù mình chưa bao giờ dạy môn này, nhưng mình cũng đã không ít lần đứng ở bục giảng nhà trường để dạy những thứ khác nên mình rất tự tin khi đứng trước học trò. Nhưng dạy ở đây thì có một điều mình chưa bao giờ làm. Đó là soạn tài liệu bằng tíếng Anh, giảng bài bằng tiếng Thái, còn các thầy thì thực hiện các bài tập (cụ thể là các bài giảng) bằng tiếng Lào. Thế mới là sự sáng tạo trong giáo dục chứ.

Nói chung là nhờ 5 năm làm việc truyền giáo ở đông bắc Thái Lan, nơi người ta có tiếng nói khá giống người Lào nên mình cũng quen với những âm điệu lên xuống thất thường của họ, khác với tiếng Thái phổ thông. Nhưng nếu so sánh giữa tiếng Lào và tiếng Thái vùng đông bắc Thái Lan thì mình thấy tiếng Lào nhẹ nhàng và dễ nghe hơn, nói đúng hơn là ít hai lúa hơn.

Tuy mình nghe tiếng Lào hiểu được từ 60-70 phần trăm, trong bài giảng có thể hiểu được trên 90 phần trăm, nhưng việc đọc tiếng Lào thì không thể, nên mình chỉ có thể đánh giá bài giảng dựa trên thính giác chứ không thể coi lại bài giảng trên giấy để chấm điểm được. Trong quá trình giúp các thầy thực hiện bài giảng, mình bắt các thầy phải đến gặp riêng mình, đọc bài giảng cho mình nghe, rồi minh góp ý để chỉnh sửa. Khi thực hiện bài giảng trong Thánh lễ sáng của ĐCV hoặc trong lớp học thì có quay video. Sau đó mình cho xem lại video bài giảng và mọi người cùng góp ý. Dĩ nhiên phần góp ý nhiều nhất vẫn đến từ mình.

Chỉ còn một tuần nữa là môn giảng thuyết của mình kết thúc. Mình sẽ quay lại Thái Lan để bắt đầu một hành trình mới trong đời sống truyền giáo của mình. Có thể nói thời gian ba tuần ở Lào không chỉ là thời gian dạy học mà cũng là thời gian mình chuẩn bị tinh thần cho những gì trước mắt.

Thakhek, Lào, ngày 9.5.2013

Nhà thờ SVD bị khủng bố tại Tanzania


Do mình đang ở Lào nên cũng ít theo dõi tin tức, nên sáng hôm nay mới đọc được bản tin về việc một nhà thờ Công giáo tại miền bắc nước Tanzania, Châu Phi bị người Hồi giáo khủng bố bằng cách quăng bomb vào giáo dân khi các nghi thức khánh thánh nhà thờ vừa mới bắt đầu. Sự cố này diễn ra ngày Chúa Nhật vừa qua đã khiến cho một vài người thiệt mạng và nhiều chục người bị thương tích. Khi mình tìm hiểu thêm mới biết được rằng ngôi nhà thờ này chính là nhà thờ mà các nhà truyền giáo dòng Ngôi Lời đang chăm sóc. Giáo dân ở đây dưới sự lãnh đạo của  nhà truyền giáo dòng Ngôi Lời đã chung xây cho mình một ngôi nhà thờ mới, nhưng vừa vào ngày khánh thành thì đã gặp nạn vô cùng bi đát.

Mình đã đem thông tin và hình ảnh trên để chia sẻ trên trang facebook cá nhân của mình cũng như trang cộng đồng Thailand Catholic mà mình phụ trách và đã nhận được nhiều đồng cảm cũng như lời cầu nguyện đối với các Kitô hữu đang ở phương xa. Ngoài ra mình cũng chia sẻ với một số anh em SVD vì ngay cả họ cũng chưa nhận được thông tin về điều này. Sau khi biết được hoạn nạn mà những người anh em cùng dòng đang gặp phải thì mọi người cùng chung lời cầu nguyện.


Thakhek, Lào, ngày 7.5.2013

Thánh lễ cho lao động di dân Việt Nam tại Lào

Thánh lễ cho lao động di dân Việt Nam tại Thakhek, Lào. 

Chiều hôm qua do cha Toàn phải đi tham dự một khóa học ngắn hạn tại Bangkok nên mình đã dâng lễ chiều Chúa Nhật cho cộng đoàn lao động di dân tại Tha Khek. Đầu thánh lễ có dâng hoa cho Đức Mẹ để mừng tháng hoa, nhưng thánh lễ thì cũng diễn ra bình thường. Mỗi tuần có một thánh lễ tiếng Việt, nhưng không phải ai cũng đi. Sáng hôm qua mình đi ra ngoài thì thấy một nhóm người Việt đang ngồi trước nhà thờ chờ lễ. Mình hỏi họ sao không đi lễ ban chiều. Họ nói là đi ban sáng mát hơn. Mình đi ra ngoài ăn sáng, một lát sau trở về thì thấy thánh lễ đã bắt đầu. Và nhóm thánh niên đó lại tham dự lễ bằng cách ngồi trước hiên nhà thờ nhìn vào trong khi bên trong nhà thờ thì chỗ ngồi còn rất nhiều. Hóa ra họ đi lễ cũng chỉ là cho có chứ lòng đạo đức thì cũng chỉ thế thôi.

Lễ xong một bạn tên Trung mời mình đi ăn, thoạt đầu ra ngoài quán cạnh bờ sông, nhưng ở đó cảnh đẹp nhưng còn hơi nắng và thức ăn thì chưa thấy phục vụ bao nhiều nên quyết định đến một quán Việt Nam trong phố. Đây cũng là quán mà mấy ngày trước có tổ chức tiệc mừng lễ thánh Giuse. Trung kêu một dĩa tôm và một cái lẩu và hai chai bia. Một lúc sao, Huy là người phụ trách phụng vụ cho lễ cũng ra. Ba cha con vừa ăn vừa trò chuyện về cuộc sống của lao động di dân ở Lào cũng như tình hình của cộng đoàn Việt Nam tại Thakhek trong thời gian qua.

Hóa ra việc làm ăn ở Lào cho người Việt thì thoải mái hơn ở Thái Lan rất nhiều, nếu mình là người có nghề nghiệp, ví dụ như thợ mộc. Ở đây người Việt Nam làm việc tự do, không bị bắt bớ như ở Thái Lan. Lào cũng rất gần Việt Nam nên qua lại dễ dàng, và để có việc làm ở Lào thì không phải mất một số tiền lớn như là đi làm ở Hàn quốc hoặc Âu châu. Nếu ai chịu khó và lanh lẹ thì cũng có thể làm giàu, thậm chí còn tậu được nhà và xe hơi.

Tuy nhiên, công việc thì không hề nhẹ nhàng, đặc biệt là nếu làm nghề thợ mộc hoặc xây dựng. Mình có thể thấy được điều này khi những lao động Việt Nam lên để rước lễ. Khi họ đưa tay ra để nhận Mình thánh Chúa thì mình thấy được tính chất của đời sống và công việc của họ. Có những bàn tay rất cằn cỗi, đen sạm là dấu chỉ của việc lao động nặng nề. Có người khi lên rước lễ bàn tay nhuộm màu đen không biết từ sơn hoặc chất gì phải dùng trong công việc mà không thể rửa ra được.

Khi trao Mình Thánh Chúa tôi hay chú ý đến những bàn tay của người rước lễ để nhận ra những mảnh đời đang cậy trông vào Thánh Thể để bồi dưỡng đời sống của mình.  Một điều tỏ tường là Chúa Giêsu không hề từ chối bất cứ một ai có lòng muốn lãnh nhận Ngài. Ngài sẵn sàng được đặt vào bàn tay trắng trẻo mềm mại của một người giàu có, quí phái. Nhưng Ngài cũng luôn sẵn sàng để được đặt vào lòng bàn tay của một người lao động với làn da khô cứng và đen đủi. Như thế mới thấy tình yêu của Chúa bao la biết dường nào, luôn luôn cho đi chính mình không kể người nhận là ai. Và quan trọng hơn hết, cho dù một kiều nữ với bàn tay ngọc ngà hay một người già với bàn tay nhăn nheo, hay một lao động với bàn tay cằn cỗi, thì ai cũng cần đến Ngài, cần đến lương thực linh thiêng này mà không phải mua bằng đồng tiền, nhưng nhận được bằng đức tin và lòng yêu mến Thiên Chúa.


Thakhek, Lào ngày 6.5.2013

Đi mừng lễ quan thầy ở Lào

Một số các seour Việt Nam đang truyền giáo tại Lào

Hôm nay mình đi tham dự lễ quan thầy ở một nhà thờ trong giáo phận Tha Khek cách Đại Chủng Viện khoảng 30 cây số. Đây là một ngôi làng nhỏ, có khoảng một nửa là Công giáo và một nửa còn lại là Phật giáo. Mình đi cùng cha giám đốc ĐCV và một số các thầy.

Khi đến nơi đã thấy Đức Giám Mục có mặt đang ngồi nghỉ ngơi và hút thuốc là trên cái nhà sàn của cha xứ. ĐGM ăn mặc khá giản dị không giống như các vị giám mục ở Thái Lan. Ngài đến khi nào mình cũng không biết. Nhưng nhìn cảnh đơn sơ nghèo nàn của cái làng này thì có lẽ việc đón rước ngài cũng không mấy hoành tráng cho lắm. Ở Thái thì có những màn múa để đón ĐGM. Ở Việt Nam thì thường có những đoàn trống kèn, nhưng khi đến đây thì không thấy gì cả. Ngay cả trong Thánh lễ mà cũng không có tiếng đàn nói gì đến việc kèn trống.

Thánh lễ bắt đầu lúc 8h30 sáng tại nhà sinh hoạt chung vì trong nhà thờ không đủ chỗ ngồi cho mọi người. Nhà thờ ở đây không có ghế ngồi vì người Lào cũng quen ngồi dưới đất khi tham dự Thánh lễ. Nam ngồi một bên, nữ ngồi một bên. Trước khi vào lễ, giáo dân đọc kinh theo cung điệu như người Việt. Mặc dầu tiếng Lào rất gần gũi với tiếng Thái, nhưng ở Thái Lan thì người ta không đọc kinh theo cung điệu nên tiếng đọc trong nhà thờ nghe yếu ớt, không được vang như người Lào.

ĐGM có một bài giảng khá dài dành cho giáo dân, bên cạnh nhiều lời “dẫn giải” khác trong suốt buổi lễ. Tuy hơi dài dòng nhưng ngài tỏ ra thái độ rất ần cần, quan tâm đến giáo dân, và có những lơi khuyên bảo như một người cha yêu thương và lo lắng cho con cái của mình. Giọng nói và giọng hát của ngài cũng rất vang.

Sau phần ban bí tích thêm sức cho một số các bạn trẻ trong giáo xứ, thì đến phần dâng lễ và đây là một phần khá đặc biệt trong Thánh lễ của người Lào. Sau khi ĐGM đã trực tiếp nhận những của lễ được các em thiếu nhi vở lòng và thêm xức dâng thì ngài bắt đầu soạn của lễ. Trong lúc đó, tất cả những giáo dân có đồ dâng cúng xếp hàng bước lên khu vực cung thánh. Người ta mang theo “cây tiền” hoặc những cái rổ, cái thau, hoặc những thứ khác chứa trái cây, thức ăn, đồ sài trong nhà, v.v. và quỳ xuống trước bàn thờ. Khi ĐGM đọc lời nguyện “Lạy Chúa là Chúa tể càn khôn….” thì mọi người cũng nâng những món đồ của mình lên để hiệp thông với ĐGM trong lời nguyện. Sau đó thì mọi người trở về chỗ ngồi và ĐGM đọc lời nguyện trên của lễ.

Người Lào cũng như người Thái, có lễ thì phải có lạt. Và sau lễ thì điều đó đã diễn ra một cách vui nhộn, bắt đầu với nghi thức chúc lành cho ĐGM và các linh mục và tu sĩ. Đây là một nghi thức đậm chất văn hóa của người Lào khi người ta lấy những sợi giây thắt vào cổ tay của một người, vừa thắt vừa nói những lời chúc tốt đẹp cho người ấy.

Sau khi nghi thức chúc lành kết thúc, người ta bắt đầu dọn ra những mâm thức ăn để đãi khách. Hôm nay tất cả các mâm đều được dọn trên sàn nhà, ngay cả mâm dành cho ĐGM và các cha. Một số giáo dân có tuổi cũng đến ngồi chung với ĐGM và các cha một cách gần gũi và hòa đồng. ĐGM không tỏ ra xa cách với giáo dân. Mình ngồi đối diện với ĐGM trong bữa ăn. Nhìn xuống trước mặt không thấy có chén bát, đĩa muổng nên hiểu rằng ở đây phải ăn bóc. Mình nhìn lướt qua các món ăn thầy có thịt bò sống ướp gia vị, có món dế chiên. ĐGM còn đưa một lên cho mình xem và chụp hình. Ngoài ra còn có cơm nếp, bún, và những món truyền thống khác.

Mình  ngồi ăn được một lúc thì chạy xuống mâm các thầy để trốn tại vì có hai ba người luôn đi vòng vòng để mời khách uống bia. Họ rót bao nhiều thì phải buống bấy nhiêu. Thương thì nửa ly, không đến nổi nhiều, nhưng vì khoảng cách thời gian giữa người này và người kia quá mau nên mình sợ rằng sẽ không chịu nỗi. Thế là mình trốn đi xuống ngồi chung với các thầy để lánh nạn.

Ngày lễ của người Lào không chỉ ngừng lại ở việc ăn uống. Sau khi ăn uống xong, họ thực hiện một phong tục thật vui nhộn đó là đi diễn hành ba vòng xung quanh nhà thờ. Trong tay họ là những cây tiền mà họ đem tới cúng nhà thờ, hoặc là những bao gạo nhỏ, không phải là đồ cúng mà dùng để rảy những người xung quanh. Việc lấy gạo rảy một cách vô tư nói lên ý nghĩa sung túc trong cuộc sống, không phải bận tâm về vấn đề cơm áo gạo tiền. Cho dù là một ngôi làng nghèo đói, nhưng vào ngày lễ thì ai cũng gác qua những lo âu để ăn mừng hết mình. Họ vừa đi vòng quanh nhà thờ, vừa rảy gạo, vừa nhảy múa như cuộc sống thật đẹp và thật lạc quan. Mọi người bất kể già trẻ lớn bé đều hòa quyện trong một không khí và tiếng nhạc thật vui nhộn và lôi cuốn.

Cho dù ngày lễ chính thức kết thúc vào 2h chiều, nhưng mình nghe nói sau đó còn có chương trình ca nhạc Mó Lằm, là thể loại nhạc đồng quê của người Lào diễn ra chiều cho đến tối. Thế là sẽ còn thêm sự nhảy múa, và kể cả việc ăn nhậu nữa. Lễ hội của người Lào là như thế, cho dù mang tính chất tôn giáo. Có lễ là có nhảy múa và có ăn uống. Cha xứ chỉ có thể nhắc nhở họ một điều trong chiều nay, đó là nếu có ăn uống như thế nào thì phải cố gắng tránh những điều không hay xảy ra với nhau.

Mình đã có một ngày đậm chất người Lào. Thật ra có rất nhiều điểm tương đồng giữa văn hóa người Lào và văn hóa người đông bắc Thái Lan nơi mình từng phục vụ. Tuy  nhiên, đến đây mình vẫn thấy một tính chất khác biệt. Có lẽ đó là sự chất phác và sự niềm nở nơi những con người nghèo khó. Có lẽ đó là sự nhiệt tình trong lời kinh tiếng hát trong thánh lễ. Có lẽ đó là sự gần gũi giữa giáo dân với ĐGM và các cha và các seour. Ở đây mình thấy có sự hòa hợp và ít giai cấp hơn ở Thái Lan, ít mang tính phô trương hơn ở Việt Nam. Và điều đó làm cho mình có một ấn tượng đẹp về những người Công giáo đơn sơ tại đất nước này.

Tha Khek, Lào, ngày 4.5.2013
Nghi thức chúc lành

Những món ăn được dọn ra cho khách có cả món dế chiên

Diễn hành xung quanh nhà thờ với những "cây tiền".

Những khuôn mặt thân thiện của người Lào.


Đi thăm viếng


Tối hôm qua, mình và cha Toàn đi đến thăm một nhóm các lao động di dân Việt Nam đang làm việc trong phố. Trong đó có một số người lớn tuổi, nhưng đa số vẫn còn trẻ, toàn là đàn ông con trai. Chỉ có duy nhất một phụ nữ, là vợ của anh Mật. Chị Nga là người giúp nấu ăn đi chợ cho cả nhóm trên dưới 20 người, tất cả đều là người quê Nam Định. Nơi ở là địa điểm của một công trình xây dựng, một ngôi nhà biệt thự lớn của một thương gia người Lào giàu có. Khi đến thì trời cũng cừa tối nên mình không thấy rõ công trình đang xây dựng, nhưng nhìn qua cũng biêt đây là một căn nhà dành cho người không phải dân bình thường. Ở Lào bây giờ những loại nhà như thế này mọc lên ngày càng nhiều. Mặc dù người dân Lào đa số vẫn nghèo, nhưng những người giàu có thì không ít, và sự giàu có của họ rất tương phản với cảnh trạng xung quanh.

Anh Mật và những người trong nhóm chuẩn bị một bữa ăn khá thịnh soạn, có gà luộc, thịt luộc, và bia Lào. Mọi người ngôi ăn nơi một cái bàn dài thô sơ. Người quê miền bắc thì rất quí cha cụ nên sự hiện diện của mình và cha Toàn là một vinh dự lớn cho họ. Chi Nga nói, “Có cha đến thì chẳng khác gì như Chúa đến nhà”. Mình nghe câu nói này mà cảm thấy ái ngại. Anh Mật ngồi một bên mình thì cứ liên tục gắp thức ăn cho mình và nói ba chữ “Con mời cha” cho dù mình cứ nhiều lần nói với anh ấy để mình tự gắp thức ăn có lẫn phải gặp bỏ lại những thứ mà anh cứ bỏ vào chén mình.

Ăn như thế thì vui và thân mật lắm, cho dù nơi ăn có không ít con mối cứ bay qua bay lại. Có khi nó đậu vào trong các đĩa thức ăn cũng như trong bát ăn của mình. Bỏ cái đèn neon xa xa để cho mối khỏi bay gần thì lại khó thấy những gì đang nằm trong bát đĩa, nên cả cha Toàn lẫn mình đều đã gắp nhằm miếng thịt kèm theo con mối, với cái mùi vị hôi và chúa khó tả. Thôi thì mình đến chủ yếu để thăm viếng và chung vui nên việc ăn uống cũng không phải quan trọng.

Ăn uống xong, mình vào bên trong phòng trọ trò chuyện với các bạn, hỏi thăm về đời sống, về công việc, về tuổi tác của một số đứa. Có đứa chưa tới 18 tuổi, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, và có lẽ vì làm biếng học tập, nên đã chọn con đường lao động để nuôi bản thân và giúp gia đình. Có người vợ con còn ở bên nhà nhưng cũng phải bỏ đi xa để kiếm tiền. Niềm an ủi cho họ là đến đây, có thánh lễ tiếng Việt mỗi tuần. Anh Mật nói nhóm chỉ làm công 6 ngày. Ngày Chúa Nhật thì nghỉ ngơi, liên hoan, và đi nhà thờ. Đời sống cảm thấy bớt nặng nề hơn và bình an hơn.

Tha Khek, Lào, ngày 4.5.2013

Mừng lễ Thánh Giuse thợ với lao động di dân Việt Nam tại Lào


Ở Tha Khek có nhiều người lao đông di dân Việt Nam đang mưu sinh, đa số đến từ các vùng miền bắc. Được biết họ làm nghề thợ mộc, xây dựng và một số công việc khác. Ở Lào người Việt lao động tự do không bị lùng bắt như ở Thái Lan. Vì thế nên tâm trạng cũng có vẻ thoải mái. Đa số làm việc ban ngày và được nghỉ vào ban đêm. Cha Toàn thuộc DCCT đang phục vụ tại Đại Chủng Viện đã bắt đầu tiếp cận với các lao động Việt Nam từ khi ngài được bài sai đến phục vụ ở đây. Vì vấn đề  nhà thờ nhà thánh tiện lợi nên mỗi Chúa Nhật đều có thánh lễ tiếng Việt lúc bốn giờ chiều, nếu ngài không phải đi công tác xa.

Chúa Nhật tuần trước, mình vừa đến ĐCV thì cha Toàn đã mời mình cùng dâng lễ với các bạn, trong đó có một số người đứng tuổi, nhưng đa số là giới trẻ như ở Thái Lan. Tuy nhiên, ở Thái thì mình hay nghe những giọng nói mặn mà của xứ Nghệ An, Hà Tỉnh… nhưng khi đến đây thì được nghe những giọng Nam Định với cái nói ngọng hay chuyển âm “l” thành âm “n”. Trong thánh lễ, mình đếm có chừng 100 người, nhưng nghe nói con số người Công giáo tại đây có thể lên đến 150. Tuy nhiên lao động Việt Nam ở đây thì nhiều hơn thế rất nhiều, nhưng là người bên lương.

Trong Chúa Nhật tuần trước, cha Toàn tham khảo ý kiến của cộng đoàn về việc tổ chức thánh lễ mừng Thánh Giuse Thợ, cũng là thánh bổn mạng của người lao động nói chung. Đa số mọi người hưởng ứng tổ chức thánh lễ vào tối mồng 1 tháng 5, trùng với ngày lễ. Thế là tối hôm qua, một thánh lễ đã diễn ra với khoảng 80 người đến tham dự. Thánh lễ còn có sự tham dự của hai seour Việt Nam đang phục vụ tại Lào, và thêm một thầy đến từ Việt Nam đã gia nhập giáo phận tại Lào.  Mình được cha Toàn giao trách nhiệm chia sẻ lời Chúa trong lễ.

Sau thánh lễ, nhóm Giuse, một trong ba tổ của cộng đoàn đã tổ chức một bữa tiệc tại một quán ăn của người Việt Nam trong phố. Tinh thần mọi người phấn khởi vì thánh Giuse là thánh quan thầy của nhóm và cũng là thánh bổn mạng của cha Toàn.  Đã là một bữa tiệc của người Việt Nam thì dường như không thiếu thức uống chính đó là bia và những tiếng hô “1-2-3 dzô” thật hào hứng và phấn khởi. Còn thức ăn là một nồi lẩu thập cẩm khá ngon.

Thế là mình đã có một ngày mừng lễ Thánh Giuse thợ thật ý nghĩa khi đã có cơ hội dâng lễ cùng với các lao động di dân Việt Nam, mà trong đó có không ít người lại là những người làm thợ  mộc. Trong Thánh lễ, mình đã chia sẻ với họ rằng, khi Thiên Chúa chọn một người để gởi gắm Chúa Giêsu để nuôi nấng và dạy dỗ, thì Ngài đã chọn một người thợ mộc rất bình thường và nghèo nàn, nhưng lại là người công chính, thật thà, biết tin cậy vào Chúa. Và như Thiên Chúa đã gởi gắm Chúa Giêsu nơi thánh Giuse, thì Ngài cũng đã gởi gắm Chúa Giêsu cho mỗi người chúng ta khi chúng ta là những người được gọi là Kitô hữu. Vì thế chúng ta hãy noi gương thánh cả Giuse, sống và làm việc xiêng năng, cần cù, chân thật và có lòng đạo đức, để chúng ta xứng đáng với tình yêu và uy tín mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta. Để rồi chúng ta còn có thể không chỉ có Chúa Giêsu trong chính tâm hồn mình mà còn mang Chúa Giêsu đến cho người khác trong gia đình, đám bạn bè, và kể cả nơi làm việc.

Tha Khek, Lào, ngày 2.5.2013

Đại chủng viện ở Lào


Mình đến thành phố Tha Khek ở Lào, một thành phố nhỏ bên cạnh sông Mekong vào một chiều Chúa Nhật trời nắng oi. Nghe nói là thành phố này lớn thứ ba hoặc thứ tư của nước Lào, nhưng dân số chỉ khoảng 40,000 người. Đường xá thô sơ, không có những tòa nhà lớn, chỉ có quán xá chợ búa tương đương với một thị trấn bình thường tại Thái Lan.


Ở đây có đại chủng viện thánh Gioan Vianney, là nơi đào tạo tất cả các đại chủng sinh tại Lào. Mang tiếng là thế nhưng cả thảy các đại chủng sinh cũng chỉ 15 người. Cha giám đốc ĐCV là cha Hiền, một người Lào gốc Việt Nam. Nhìn cha vô cùng hiền lành chất phác, và dường như ít ngoại giao với những người này người khác như thường thấy ở các giám đốc ĐCV tại Việt Nam hoặc Thái Lan. ĐCV nằm phía sau tòa giám mục và nhà thờ chánh tòa. Gọi là nhà thờ chánh tòa nhưng cũng chỉ tương đương với một nhà thờ nhỏ tại Thái Lan, với các hàng ghế chỉ chứa được 150 người là hết chỗ ngồi.

Khuôn viên ĐCV cũng không lớn, có những căn nhà làm việc và nhà ở của ĐGM, các seour và các thầy. Trong khuôn viên có trồng cây ăn trái và cây cảnh, nhưng nhìn vào không mấy khang trang và gọn gàng. Nhìn vào đây mới thấy sự nghèo nàn trong giáo hội tại Lào không chỉ ở số lượng mà còn điều kiện vật chất nữa.

Sự nghèo nàn cũng được nhận thấy rõ rết trong chương trình đào tạo các thầy khi nhiều năm qua không có những giáo sư đến dạy các môn cần thiết trong chương trình triết và thần học làm cho kiến thức của các thầy rất hạn chế. Gần đây, cha Toàn, một linh mục dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam được bổ nhiệm làm giám học của ĐCV, và ngài đã bắt đầu mời các cha ở Lào và ở Thái Lan qua để dạy các môn học cho các thầy, trong đó có mình. Mình được mời dạy môn thuyết giảng và đã nhận lời dạy trong thời gian ba tuần.

Đối với mình, việc dạy môn thuyết giảng không hẳn khó, nhưng cũng có những hạn chết nhất định, mà hạn chế lớn nhất đó là vấn đề ngôn ngữ. Trong khi những tài liệu mà mình có đều bằng tiếng Anh, nhưng mình lại dạy bằng tiếng Thái, trong khí đó các thầy thì nói tiếng Lào. Mặc dầu mình cũng hiểu được khá nhiều tiếng Lao vì hai ngôn ngữ Thái-Lào khá giống nhau, nhưng không phải lúc nào mình cũng hiểu. Và dĩ nhiên là khi các thấy viết bài bằng tiếng Lào thì mình không đọc được như tiếng Thái. Mặc dầu bị hạn chế như thế, nhưng vì hoàn cảnh mà cả thầy lẫn trò phải hy sinh và cố gắng làm tốt nhất có thể.

Trải qua hai ngày dạy, mình cũng thấy việc dạy và học tương đối khả thi bất chấp những khó khăn trước mắt. Mình ở đây vài ngày mới thấy hoàn cảnh của các thầy khó khăn nhiều so với bên Thái Lan, và không khỏi tội nghiệp họ. Cha Toàn nói mỗi tháng các thầy không được nhận tiền túi. Còn trong mỗi bữa ăn, mình thấy các thầy ăn rất đơn sơ. Thức ăn dọn cho các cha thì có phần chất lượng hơn, nhưng cũng không bằng ở bên Thái Lan. Mình đang dự định sẽ đãi các thầy một bữa trước khi về lại Thái Lan, hy vọng sẽ mang lại cho họ một chút niềm vui trước những khó khăn và hy sinh trong đời sống học tập và tu trì đang gặp phải.

Tha Khek, Lào, ngày 1.5.2013
Hình ảnh ĐCV và sinh hoạt của các thầy
Nhà thờ chánh tòa và Tòa giám mục