Đi mừng lễ quan thầy ở Lào

Một số các seour Việt Nam đang truyền giáo tại Lào

Hôm nay mình đi tham dự lễ quan thầy ở một nhà thờ trong giáo phận Tha Khek cách Đại Chủng Viện khoảng 30 cây số. Đây là một ngôi làng nhỏ, có khoảng một nửa là Công giáo và một nửa còn lại là Phật giáo. Mình đi cùng cha giám đốc ĐCV và một số các thầy.

Khi đến nơi đã thấy Đức Giám Mục có mặt đang ngồi nghỉ ngơi và hút thuốc là trên cái nhà sàn của cha xứ. ĐGM ăn mặc khá giản dị không giống như các vị giám mục ở Thái Lan. Ngài đến khi nào mình cũng không biết. Nhưng nhìn cảnh đơn sơ nghèo nàn của cái làng này thì có lẽ việc đón rước ngài cũng không mấy hoành tráng cho lắm. Ở Thái thì có những màn múa để đón ĐGM. Ở Việt Nam thì thường có những đoàn trống kèn, nhưng khi đến đây thì không thấy gì cả. Ngay cả trong Thánh lễ mà cũng không có tiếng đàn nói gì đến việc kèn trống.

Thánh lễ bắt đầu lúc 8h30 sáng tại nhà sinh hoạt chung vì trong nhà thờ không đủ chỗ ngồi cho mọi người. Nhà thờ ở đây không có ghế ngồi vì người Lào cũng quen ngồi dưới đất khi tham dự Thánh lễ. Nam ngồi một bên, nữ ngồi một bên. Trước khi vào lễ, giáo dân đọc kinh theo cung điệu như người Việt. Mặc dầu tiếng Lào rất gần gũi với tiếng Thái, nhưng ở Thái Lan thì người ta không đọc kinh theo cung điệu nên tiếng đọc trong nhà thờ nghe yếu ớt, không được vang như người Lào.

ĐGM có một bài giảng khá dài dành cho giáo dân, bên cạnh nhiều lời “dẫn giải” khác trong suốt buổi lễ. Tuy hơi dài dòng nhưng ngài tỏ ra thái độ rất ần cần, quan tâm đến giáo dân, và có những lơi khuyên bảo như một người cha yêu thương và lo lắng cho con cái của mình. Giọng nói và giọng hát của ngài cũng rất vang.

Sau phần ban bí tích thêm sức cho một số các bạn trẻ trong giáo xứ, thì đến phần dâng lễ và đây là một phần khá đặc biệt trong Thánh lễ của người Lào. Sau khi ĐGM đã trực tiếp nhận những của lễ được các em thiếu nhi vở lòng và thêm xức dâng thì ngài bắt đầu soạn của lễ. Trong lúc đó, tất cả những giáo dân có đồ dâng cúng xếp hàng bước lên khu vực cung thánh. Người ta mang theo “cây tiền” hoặc những cái rổ, cái thau, hoặc những thứ khác chứa trái cây, thức ăn, đồ sài trong nhà, v.v. và quỳ xuống trước bàn thờ. Khi ĐGM đọc lời nguyện “Lạy Chúa là Chúa tể càn khôn….” thì mọi người cũng nâng những món đồ của mình lên để hiệp thông với ĐGM trong lời nguyện. Sau đó thì mọi người trở về chỗ ngồi và ĐGM đọc lời nguyện trên của lễ.

Người Lào cũng như người Thái, có lễ thì phải có lạt. Và sau lễ thì điều đó đã diễn ra một cách vui nhộn, bắt đầu với nghi thức chúc lành cho ĐGM và các linh mục và tu sĩ. Đây là một nghi thức đậm chất văn hóa của người Lào khi người ta lấy những sợi giây thắt vào cổ tay của một người, vừa thắt vừa nói những lời chúc tốt đẹp cho người ấy.

Sau khi nghi thức chúc lành kết thúc, người ta bắt đầu dọn ra những mâm thức ăn để đãi khách. Hôm nay tất cả các mâm đều được dọn trên sàn nhà, ngay cả mâm dành cho ĐGM và các cha. Một số giáo dân có tuổi cũng đến ngồi chung với ĐGM và các cha một cách gần gũi và hòa đồng. ĐGM không tỏ ra xa cách với giáo dân. Mình ngồi đối diện với ĐGM trong bữa ăn. Nhìn xuống trước mặt không thấy có chén bát, đĩa muổng nên hiểu rằng ở đây phải ăn bóc. Mình nhìn lướt qua các món ăn thầy có thịt bò sống ướp gia vị, có món dế chiên. ĐGM còn đưa một lên cho mình xem và chụp hình. Ngoài ra còn có cơm nếp, bún, và những món truyền thống khác.

Mình  ngồi ăn được một lúc thì chạy xuống mâm các thầy để trốn tại vì có hai ba người luôn đi vòng vòng để mời khách uống bia. Họ rót bao nhiều thì phải buống bấy nhiêu. Thương thì nửa ly, không đến nổi nhiều, nhưng vì khoảng cách thời gian giữa người này và người kia quá mau nên mình sợ rằng sẽ không chịu nỗi. Thế là mình trốn đi xuống ngồi chung với các thầy để lánh nạn.

Ngày lễ của người Lào không chỉ ngừng lại ở việc ăn uống. Sau khi ăn uống xong, họ thực hiện một phong tục thật vui nhộn đó là đi diễn hành ba vòng xung quanh nhà thờ. Trong tay họ là những cây tiền mà họ đem tới cúng nhà thờ, hoặc là những bao gạo nhỏ, không phải là đồ cúng mà dùng để rảy những người xung quanh. Việc lấy gạo rảy một cách vô tư nói lên ý nghĩa sung túc trong cuộc sống, không phải bận tâm về vấn đề cơm áo gạo tiền. Cho dù là một ngôi làng nghèo đói, nhưng vào ngày lễ thì ai cũng gác qua những lo âu để ăn mừng hết mình. Họ vừa đi vòng quanh nhà thờ, vừa rảy gạo, vừa nhảy múa như cuộc sống thật đẹp và thật lạc quan. Mọi người bất kể già trẻ lớn bé đều hòa quyện trong một không khí và tiếng nhạc thật vui nhộn và lôi cuốn.

Cho dù ngày lễ chính thức kết thúc vào 2h chiều, nhưng mình nghe nói sau đó còn có chương trình ca nhạc Mó Lằm, là thể loại nhạc đồng quê của người Lào diễn ra chiều cho đến tối. Thế là sẽ còn thêm sự nhảy múa, và kể cả việc ăn nhậu nữa. Lễ hội của người Lào là như thế, cho dù mang tính chất tôn giáo. Có lễ là có nhảy múa và có ăn uống. Cha xứ chỉ có thể nhắc nhở họ một điều trong chiều nay, đó là nếu có ăn uống như thế nào thì phải cố gắng tránh những điều không hay xảy ra với nhau.

Mình đã có một ngày đậm chất người Lào. Thật ra có rất nhiều điểm tương đồng giữa văn hóa người Lào và văn hóa người đông bắc Thái Lan nơi mình từng phục vụ. Tuy  nhiên, đến đây mình vẫn thấy một tính chất khác biệt. Có lẽ đó là sự chất phác và sự niềm nở nơi những con người nghèo khó. Có lẽ đó là sự nhiệt tình trong lời kinh tiếng hát trong thánh lễ. Có lẽ đó là sự gần gũi giữa giáo dân với ĐGM và các cha và các seour. Ở đây mình thấy có sự hòa hợp và ít giai cấp hơn ở Thái Lan, ít mang tính phô trương hơn ở Việt Nam. Và điều đó làm cho mình có một ấn tượng đẹp về những người Công giáo đơn sơ tại đất nước này.

Tha Khek, Lào, ngày 4.5.2013
Nghi thức chúc lành

Những món ăn được dọn ra cho khách có cả món dế chiên

Diễn hành xung quanh nhà thờ với những "cây tiền".

Những khuôn mặt thân thiện của người Lào.


No comments: