Thánh lễ cho lao động di dân Việt Nam tại Thakhek, Lào. |
Chiều hôm qua do cha Toàn phải đi tham dự một khóa học ngắn
hạn tại Bangkok nên mình đã dâng lễ chiều Chúa Nhật cho cộng đoàn lao động di
dân tại Tha Khek. Đầu thánh lễ có dâng hoa cho Đức Mẹ để mừng tháng hoa, nhưng
thánh lễ thì cũng diễn ra bình thường. Mỗi tuần có một thánh lễ tiếng Việt,
nhưng không phải ai cũng đi. Sáng hôm qua mình đi ra ngoài thì thấy một nhóm
người Việt đang ngồi trước nhà thờ chờ lễ. Mình hỏi họ sao không đi lễ ban chiều.
Họ nói là đi ban sáng mát hơn. Mình đi ra ngoài ăn sáng, một lát sau trở về thì
thấy thánh lễ đã bắt đầu. Và nhóm thánh niên đó lại tham dự lễ bằng cách ngồi
trước hiên nhà thờ nhìn vào trong khi bên trong nhà thờ thì chỗ ngồi còn rất
nhiều. Hóa ra họ đi lễ cũng chỉ là cho có chứ lòng đạo đức thì cũng chỉ thế
thôi.
Lễ xong một bạn tên Trung mời mình đi ăn, thoạt đầu ra ngoài
quán cạnh bờ sông, nhưng ở đó cảnh đẹp nhưng còn hơi nắng và thức ăn thì chưa
thấy phục vụ bao nhiều nên quyết định đến một quán Việt Nam trong phố. Đây cũng
là quán mà mấy ngày trước có tổ chức tiệc mừng lễ thánh Giuse. Trung kêu một
dĩa tôm và một cái lẩu và hai chai bia. Một lúc sao, Huy là người phụ trách phụng
vụ cho lễ cũng ra. Ba cha con vừa ăn vừa trò chuyện về cuộc sống của lao động
di dân ở Lào cũng như tình hình của cộng đoàn Việt Nam tại Thakhek trong thời
gian qua.
Hóa ra việc làm ăn ở Lào cho người Việt thì thoải mái hơn ở
Thái Lan rất nhiều, nếu mình là người có nghề nghiệp, ví dụ như thợ mộc. Ở đây
người Việt Nam làm việc tự do, không bị bắt bớ như ở Thái Lan. Lào cũng rất gần
Việt Nam nên qua lại dễ dàng, và để có việc làm ở Lào thì không phải mất một số
tiền lớn như là đi làm ở Hàn quốc hoặc Âu châu. Nếu ai chịu khó và lanh lẹ thì
cũng có thể làm giàu, thậm chí còn tậu được nhà và xe hơi.
Tuy nhiên, công việc thì không hề nhẹ nhàng, đặc biệt là nếu
làm nghề thợ mộc hoặc xây dựng. Mình có thể thấy được điều này khi những lao động
Việt Nam lên để rước lễ. Khi họ đưa tay ra để nhận Mình thánh Chúa thì mình thấy
được tính chất của đời sống và công việc của họ. Có những bàn tay rất cằn cỗi,
đen sạm là dấu chỉ của việc lao động nặng nề. Có người khi lên rước lễ bàn tay
nhuộm màu đen không biết từ sơn hoặc chất gì phải dùng trong công việc mà không
thể rửa ra được.
Khi trao Mình Thánh Chúa tôi hay chú ý đến những bàn tay của
người rước lễ để nhận ra những mảnh đời đang cậy trông vào Thánh Thể để bồi dưỡng
đời sống của mình. Một điều tỏ tường là
Chúa Giêsu không hề từ chối bất cứ một ai có lòng muốn lãnh nhận Ngài. Ngài sẵn
sàng được đặt vào bàn tay trắng trẻo mềm mại của một người giàu có, quí phái.
Nhưng Ngài cũng luôn sẵn sàng để được đặt vào lòng bàn tay của một người lao động
với làn da khô cứng và đen đủi. Như thế mới thấy tình yêu của Chúa bao la biết
dường nào, luôn luôn cho đi chính mình không kể người nhận là ai. Và quan trọng
hơn hết, cho dù một kiều nữ với bàn tay ngọc ngà hay một người già với bàn tay
nhăn nheo, hay một lao động với bàn tay cằn cỗi, thì ai cũng cần đến Ngài, cần
đến lương thực linh thiêng này mà không phải mua bằng đồng tiền, nhưng nhận được
bằng đức tin và lòng yêu mến Thiên Chúa.
Thakhek, Lào ngày 6.5.2013
No comments:
Post a Comment