Đám cưới


Lại thêm một cái đám cưới của các bạn trẻ lao động di dân tại Nong Bua Lamphu. Nhưng đám cưới này có phần hoành tráng hơn đám cưới tuần trước vì lần này thì cô dâu và chú rể có cha mẹ sang từ Việt Nam để tham dự. Chỉ có mẹ của của cô dâu không qua được. Ngoài ra còn có anh chị em, bà con, bạn bè. Có các cha, các sư huynh dòng Ngôi Lời, các seour, người Thái, người Việt đến kín nhà thờ. Tiệc cưới 15 bàn không dư một chỗ ngồi. Hai bạn rất hạnh phúc. Cha mẹ của cô dâu và chú rể còn hạnh phúc hơn khi thấy trên đất khách quê người mà con cái mình có một lễ cưới khá lớn và có được nhiều người thương.

Tuy nhiên, đêm tân hôn thì chưa thể có được vì sáng mai thì cô dâu cũng phải dậy từ lúc 3h sáng để đi làm cho bà chủ của mình. Cô dâu nói: - Thật ra nghỉ làm cũng được. Nhưng họ rất cần mình. Những ngày qua họ giúp mình quá nhiều thứ. Bây giờ mình giúp họ lại cũng không sao.




Nong Bua Lamphu, ngày 29.9.2013

Mừng lễ quan thầy


Hôm nay nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae nơi mình từng làm cha quản xứ thời gian 5 năm tổ chức mừng lễ quan thầy. Mặc dầu là một giáo xứ nhỏ bé nhưng vào ngày lễ quan trọng thì mọi người nỗ lực hết mình để tổ chức chương trình thật tôt đẹp và để lại dấu ấn tốt trong những người đến tham dự. Đây là hình ảnh không khí trước khi lễ bắt đầu.
Đến 10h sáng, ĐGM Giuse đến. Cha Trực và giáo dân ra đón ngài. Sau đó các bạn trẻ múa một bài truyền thống để chào đón ĐGM.
Thánh lễ bắt đầu lúc 10h30 sáng. Hôm nay có khoảng 18 linh mục đến đồng tế với ĐGM.
Mình được cha Trực nhờ công bố Tin Mừng.
Việc hát trong thánh lễ được giao cho các em tiểu chủng sinh.

Sau lễ mọi người tiến về hội trường để dự buổi liên hoan. Ở Thái Lan lúc nào lạt cũng đi cùng với lễ. Tất cả các thức ăn đãi cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân đều được cúng bởi những giáo dân xa gần cũng như những người Phật giáo. Vì thế thức ăn không bao hề thiếu.
Mọi người vui v3 thưởng thức những món ăn được phục vụ cho ngày lễ.
Trong khi đó thì các em thiếu nhi và giới trẻ trình diễn những tiết mục văn nghệ cho quan khách thưởng thức.Tuy chỉ là những tiết mục cây nhà lá vườn, nhưng sự nỗ lực của các bạn cũng rất đáng khen.
Các bạn trẻ Việt Nam cũng đóng góp lời ca tiếng hát trong Thánh lễ và trong chương trình giúp vui.
Không chỉ các em thiếu nhi và bạn trẻ, mà các seour dòng mẹ Têrêxa, thầy Bernd, cùng với mình cũng lên đóng góp vài bài hát đi kèm theo động tác. Mình còn mời ĐGM và mọi người cùng đứng lên tham gia để tạo không khí vui nhộn cho buổi tiệc.
Mình làm M.C. cho phần này. Cuối buổi tiệc mình mời ĐGM lên cầu nguyện kết thúc. Và sau đó là việc dọn dẹp băt đầu. 
 Nong Bua Lamphu, ngày 28.9.2013

Một mảnh đời trong Trung tâm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Hôm nay tôi ghé qua thăm các bệnh nhân HIV/AIDS bên TT Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Các bệnh nhân đang giúp nhau đổ dầu gội đầu vào trong các chai nhựa. Đây là dầu gội đầu tự chế, có màu xanh xanh. Đây là một trong những sinh hoạt mà thầy Bernd tổ chức cho các bệnh nhân. Vì thứ bảy này là lễ quan thầy của nhà thờ thánh Micae nên họ "đóng chai" dầu gội đầu để bán cho các giáo dân đến tham dự lễ.

Ở bàn đá một bệnh nhân nam tên M. đang ngồi cắt những mãnh giấy có hình vuông. M. đến hồi phục tại trung tâm cách đây 4 tháng. Bên ngoài nhìn khá bình thường và trẻ trung với cái tuổi 30. Nhìn thoáng qua thì nhiều người sẽ không nghĩ là M. mắc bệnh AIDS. Mình đến ngồi trên chiếc ghế đối diện M. và bắt chuyện: - M. đang làm gì thế?

- Thưa cha tôi đang cắt giấy để dán lên những chai dầu gội đầu.

- Thế à? Thật tuyệt. Sức khỏe M. dạo này ra sao?

- Thưa cha đỡ hơn trước rất nhiều. Cách đây bốn tháng khi gặp cha lần đầu tiên thì tôi gần như bị liệt không thể đi lại được. Nhưng bây giờ tôi có thể đi lại được và có thể tập thể dục nhẹ nữa.

- Đúng rồi. Mới đầu nhìn M. tôi cũng xém nhận không ra. Bây giờ so với thời gian trước thật khác biệt.

- Vâng. Đó là bây giờ tôi đã lên cân rất nhiều. Bây giờ tôi tới 68 cân, tăng đến 15 cân so với 4 tháng trước. Ngoài ra bác sĩ cũng nói ra vi trùng ho lao của tôi dường như không còn nữa. Tuy nhiên tôi phải uống thuôc ho lao cho đến tháng 12 mới chấm dứt. Chỉ hơn hai tháng nữa thôi.

M. kể cho tôi nghe tình hình sức khỏe của anh một cách rất phần khởi. - Cha biết không, tôi rất may vì trên da tôi không có nổi mận và những vết đen. Thỉnh thoảng cũng có nổi lên đôi chút, nhưng rất mau nhạt xuống. Trên mặt tôi có nổi một chút do có dị ứng thuốc. Nhưng bây giờ cũng đã đỡ rất nhiều.

M. lại chia sẻ cho tôi nghe về việc anh mới phát hiện ra mình bị HIV khi ngã bệnh năm vừa qua. Anh kể bác sĩ lúc đó cho anh cơ hội sống chết 50-50. Anh nói: - Súc khỏe tôi sa sút quá nhanh. Tôi giảm từ hơn 70 cân chỉ còn 50 cân. Tôi không ngờ bệnh tôi nặng đến thế. Bác sĩ nói tôi phải bị nhiễm 7-8 năm rồi, nhưng tôi không hiểu tại sao trước đây tôi đã đi xét nghiệm rất thường xuyên nhưng không bao giờ bi dưong tính. Tôi đã từng đi bệnh viện St. Louis là bệnh viện Công giáo có tiếng mà kết quả cũng âm tính. Thế mà bổng dưng bác sĩ lại nói là tôi bị nhiễm HIV.

M. kể cho tôi nghe trước đây anh cũng từng làm việc ở Bangkok, không cách xa trường đại học Assumption nơi tôi đang học lúc này. Vì thế anh biết rất rõ khu vực nơi tôi ở. M. nói: - Ở khu đó tôi quen biết nhiều người vì tôi đã làm việc trong khu vực đó đến 5 năm. Bây giờ một số bạn bè của tôi vẫn còn ở đó. Có người biết tôi bi nhiễm HIV, nhưng đa số thì chưa biết.

Tôi hỏi: - Họ phản ứng như thế nào khi biết được tình trạng của em?

- Có đứa thì chấp nhận và động viên tôi. Nhưng có đứa thì chưa thông cảm được cho tôi.

- Còn gia đình thì sao?

- Cha mẹ tôi qua đời rồi, chỉ còn anh em. Họ cũng chấp nhận và thường xuyên động viên tôi. Vì thế nên tôi mới có sự quyết tâm để phấn đấu. Thoạt đầu tôi cũng không chấp nhận được tình trạng của mình nên tôi cũng buông thả. Nhưng sau này tôi suy nghĩ lại, thấy mình còn trẻ, và còn hy vọng nên tôi quyết định sẽ phấn đấu để hồi phục, khỏe mạnh rồi trở lại kiếm việc làm nuôi bản thân.

- Đó là một quyết định đúng đắn.

- Tôi cũng nghĩ thế. Biết đâu trong tương lai người ta có thể chế thuộc chữa bệnh này thì sao? Vì thế nên tôi phải quyết tâm sống. Dù sao đi nữa thì có những căn bệnh mà khi người ta mắc phải bệnh đó còn chết sớm hơn cả HIV nữa.

M. vừa chia sẻ cho tôi nghe nhưng tâm sự của mình vừa dùng cái bàn cắt để cắt những mãnh giấy để gián lên chai dầu gội đầu. Anh ta rất cởi mở và nói thật nhiều. Mình không hỏi lý do tại sao bị nhiễm HIV. Vì đó không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng đó là M. đã và đang hồi phục. Anh ta muốn sống và có hy vọng sẽ đạt được những gì mình dự định. Đây là một trường hợp tốt trong trung tâm. Không phải trường hợp nào cũng tích cực như thế. Mới cách đây vài tuần, nhân viên TT đã phải tổ chức đám tang cho Sắn, một bạn trẻ chỉ mới 18 tuổi. Trước đây, Sắn ở trong nhà dành cho các bạn teen bị nhiễm HIV. Nhưng vì thích tự do, không thích sống trong khuôn khổ của TT nên Sắn đã một hai xin rời khỏi TT để tự lập. Cuối cùng thì em cũng được như mong muốn.

Hai năm sau, mọi sự đã thay đổi. Sắn biến từ một học sinh tuổi 16, lanh lẹ, làm việc tốt, có trí thông minh thành một cây sậy. CD4 của Sắn chỉ còn vỏn vẹn 7 con, trong khi thời điểm nó một mực đòi rời khỏi TT là CD4 của nó lên tới 1000 con, còn cao hơn những người bình thường không bị nhiễm HIV nữa. Sắn trở lại TT để hồi phục, nhưng mọi việc điều quá trể. Trong hai năm sống ở ngoài, nó hút thuốc lá, uống rượu, ăn uống không đầy đủ, và thuốc điều trị cũng không uống. Khoảng hai tháng sau khi trở lại TT, Sắn qua đời ở cái tuổi còn quá trẻ.

M. nói: - Nhìn trường hợp của em Sắn nên tôi cũng rút kinh nghiệm và nhận ra rằng mình phải biết giữ gin sức khỏe cho chính mình. Vì thế tôi ý tứ trong việc ăn uống hơn, uống thuốc điều đặn, và sẽ ngày càng mạnh mẻ hơn khi tôi chịu khó tập thể dục.

Đây là chuyện không mấy xa lạ ở TTĐMHCG. Cũng hai người tuổi còn trẻ. Nhưng một người thì đang hồi phục, ngày càng mạnh mẻ hơn. Còn một người do không biết nghĩ xa và không biết lắng nghe lời khuyên từ người lớn tuổi nên cuối cùng đã phải ra đi một cách bất ngờ và đáng tiếc.

Nong Bua Lamphu, ngày 24.9.2013

Trở lại chốn cũ


Hôm qua mình đến nhà "mẹ" của dòng tại Nong Bua Lamphu. Ở đây có cộng đoàn Ngôi Lời gồm các cha và các thầy, có trung tâm chăm sóc bệnh nhân HIV và nhà trẻ mồ côi, và có ngôi nhà thờ nho nhỏ xinh xắn nơi mình đã từng làm "cha xứ" suốt quãng thời gian 5 năm. Trở lại đây là trở về nhà. Trở về cánh đồng truyền giáo cũ của mình nơi mình đã trau dồi kinh nghiệm phục vụ Giáo hội qua những công việc khiêm tốn những đa dạng và thú vị. Về đây là về với những khuôn mặt thân quen, không kiểu cách, không cầu kỳ, không bắt mình phải lựa từng lời ăn tiếng nói kẻo sợ mất lòng. 

Sáng nay mình dâng lễ ngày Chúa Nhật với các giáo dân và bạn trẻ ở đây. Mọi người đối xử với mình như  người nhà, như mới đi xa rồi về. Không có tiếp đón cầu kỳ. Mình thích như thế. Mình có cảm giác như mình chỉ mới đi vắng một tháng rồi về, chứ không phải là thời gian gần một năm. Mọi sự rất bình thường, rất giản dị, và cũng rất ấm cúng. 

Chiều nay mình làm lễ hôn phối cho một đôi bạn trẻ Việt Nam là lao động di dân. Hai bạn quen nhau ở bên Thái Lan và sinh hoạt trong nhóm giới trẻ Hy Vọng ở Nong Bua Lamphu. Gặp nhau, quen nhau, rồi đi đến yêu nhau và kết hôn với nhau. Hôm nay mình dâng lễ cho hai bạn ấy trong không khí ấm cúng của nhà thờ nhỏ bé. Khách mời là các seour, một số người Thái, nhưng đa phần là những người trẻ cũng qua đây lao động. Có người phải bỏ việc một ngày để đến tham dự, nhưng không dễ dàng. Có người vừa bước vào tiệc thì phải lật đật ra bến xe về vì chủ gọi đến buộc phải về. Có người ăn tiệc mà cũng không thoải mái vì sợ rằng sẽ không kịp chuyến xe cuối cùng đi xuyên tỉnh không kịp về tới nơi để bắt đầu ngày làm việc lúc 4h sáng. Họ đến từ Nong Khai hặc Khon Kaen, cũng cách NBL cả trăm cây số. 

Trong Thánh lễ thường có nghi thức thắp nến của đại dện hai gia đình. Nhưng trong thánh lễ hôm nay, nghi thức này đã phải bỏ qua vì chỉ có đàng trai có bố và em trai chú rễ đến tham dự. Bên nhà gái thì cha mẹ ở Việt Nam không thể qua tham dự lễ cưới được vì lý do sức khỏe. Một thánh lễ hôn phối tuy đầy đủ về nghi thức tôn giáo, nhưng cũng buồn biết bao khi những người thân yêu của mình lại không thể chứng kiến ngày quan trọng trong đời sống của mình. Mình nghĩ đến điều này thì không khỏi cảm thấy một chút buồn, một chút tủi thân thế cho hai bạn trẻ. Mà không chỉ hai bạn trẻ trong thánh lễ hôn phối chiều nay, mà còn nhiều nhiều bạn trẻ Việt Nam khác nữa đang mưu sinh trên đất Thái Lan. 

Nhưng cuộc sống là thế. Không thể lúc nào chúng ta cũng có thể chọn cái tốt nhất, cái hạnh phúc nhất, cái dễ dãi nhất. Có khi ngày long trọng nhất trong đời sống của một con người chỉ có thể diễn ra một cách giãn dị. Quan trọng là ngày trong sự tầm thường và đơn sơ đó, ta vẫn tìm ra được những tiếng cười, những lời ca, những lời chúc mừng, và cảm giác hạnh phúc trong  cuộc sống.

Nong Bua Lamphu, ngày 22.9.2013


Thành phố mưa rơi


Từ ban công này tôi có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Bangkok trãi ra trước mắt mình. Có những sáng sớm tôi đứng theo dõi bước chân của một vị sư rảo quanh khu dân cư để khất thực. Có những chiều tôi ngắm nhìn dòng xe trên đường cao tốc chạy xuyên qua thành phố đưa người dân thủ đô đi lại làm những công việc thường nhật. Có những tối tôi đứng đây để ngắm nhìn thành phố lung linh dưới vô số ánh đèn. Sáng nay tôi cũng đứng nhìn thành phố như thế. Thành phố sáng nay thật buồn. Mây xám che kín bầu trời và những tòa nhà cao tầng. Mưa rơi không ngừng. Tiếng mưa rơi tí tách trên nền xi-măng, tiếng xe cộ từ xa xa vọng lại, vị đăng đắng của tách trà tôi vừa pha, và tiếng hát Khánh Ly với những ca khúc Trịnh Công Sơn tạo nên cho tôi một cảm giác mang mác buồn khó tả.

Bangkok, ngày 20.9.2013


Tìm lại ánh trăng




Tôi không có một ký ức đặc biệt nào về Trung Thu cả. Thời thơ ấu tôi cũng ở Việt Nam, nhưng hình như điều duy nhất tôi làm trong đêm Trung Thu là đến trụ sở thôn để nhận bánh kẹo. Ngoài ra hình như nơi tôi ở không có tổ chức rước đèn hoặc bất cứ sinh hoạt văn hóa nào. Tôi cũng không nhớ vào những đêm Trung Thu tôi có được ngắm trăng hay không nữa bởi vì dường như có một hiện tượng hay xảy ra vào dịp lễ này là cứ đến Trung Thu là trời lại đổ mưa.  Tuy nhiên, tuổi thơ ấu của tôi lại luôn gắn bó với ánh trăng. Khi đó vùng quê của tôi chưa có điện. Vì thế cứ vào những đêm trăng sáng là bọn trẻ trong xóm đổ ra đường chơi những trò chơi bịt mắt bắt dê, chơi “ù”, và nhiều trò chơi khác mà chúng tôi nghĩ ra được để tạo cho nhau sự vui nhộn trong cuộc sống. Tuổi thơ ấu của tôi lại gắn liền với ánh trăng khi có những buổi sáng đi lễ, bước trên con đường đất từ nhà đến nhà thờ, tôi lại ngắm vầng trăng đi theo tôi. Tôi đi đến đâu, trăng theo đến đó. Lúc đó trong đầu óc non nớt của một đứa trẻ tôi chỉ lấy làm lạ tại sao giữa tôi và vầng trăng không bao giờ xa cách nhau cho dù tôi đang cố tình bước đi nhanh hơn, xa hơn, bỏ trăng lại phía sau. Thế mà mặc dầu tôi có bước nhanh hay chạy trốn thì mỗi khi tôi nhìn lên bầu trời, vầng trăng vẫn còn đó. Có khi tạm khuất một nửa phía sau ngọn cây dừa hoặc một áng mây nho nhỏ tình cờ bay qua, nhưng rồi trăng vẫn xuất hiện trên đầu tôi như chưa bao giờ rời tôi nửa bước. Giờ đây tôi đã lớn, bước chân của tôi đã đưa tôi đến khắp nẻo đường, từ những con đường quê Việt Nam đến những thành thị đồ sộ ở Hoa Kỳ, và cuối cùng đến cánh đồng truyền giáo mênh mông tại Thái Lan. Nhưng thỉnh thoảng vào những đêm tối, tôi vẫn nhìn lên bầu trời tìm vầng trăng, tìm lại những ký ức tuổi thơ, tìm lại cái cảm giác kỳ lạ của một vầng trăng không bao giờ xa cách, và tìm lại cảm nghiệm của một Sức Mạnh mầu nhiệm luôn đồng hành với tôi trên mọi lối đi và khúc quanh co trong cuộc sống.  

Trung Thu, 2013

Người thắng cuộc?



Một nhà triết gia nào đó từng nói một cách châm biếm như sau: “Người nào khi chết mà có nhiều đồ chơi nhất là người thắng cuộc.” Hôm qua tôi đón một người khách đến từ Mỹ. Tôi đưa anh ta vào trong phòng ngủ mà tôi đã đặt cho anh trong tòa nhà ký túc xá nơi tôi đang ở. Phòng của anh giống y như phòng của tôi. Nó có một cái giường, một cái bàn học, một cái tủ áo, một cái tủ lạnh nhỏ, một cái TV và một vài bàn ghế khác. Nói chung nó giống như một phòng khách sạn, nhưng rất đơn điệu vì căn phòng được sơn hoàn toàn bằng máu trắng. Ra mền trên giường cũng màu trắng nên càng làm cho căn phòng nhìn trống trải hơn. Sau khi tôi đưa anh vào phòng xong, tôi trở về căn phòng của mình. Tôi mở cửa ra và cảm giác đầu tiên của tôi là phòng của mình có nhiều đồ đạc quá. Nào là sách vở. Nào là máy móc. Nào là áo quần. Nào là những chiếc vali đặt trên tủ áo, những cái hộp nhựa đặt dưới bàn học, những túi nylon đựng bánh trái đặt trên cái kệ, những chén bát, ly tách v.v. Cũng là một căn phòng như thế, nhưng một bên thì thấy trống trải, còn một bên thì thấy chật chội. Tôi tự nhủ nếu không cẩn thận mình sẽ là người “thắng cuộc” khi nhắm mắt nằm xuống.

Bangkok, ngày 11.9.2013

Xong một kỳ học



Không ít lần mìnhc họn quán cà phê là nơi ngồi đọc tài liệu nghiên cứu

Thế là mình chuẩn bị kết thúc kỳ học đầu tiên sau khi trở lại ngồi ghế nhà trường. Việc học không vất vả là bao. Điều vất vả nhất là việc tìm kiếm tài liệu cần thiết cho việc học của mình vì ở Thái Lan thì số lượng sách vở tiếng Anh rất khiêm tốn. Cách đây vài ngày mình phải mua một số sách trên trang web Amazon vì vài tuần nữa sẽ có một người bạn từ bên Mỹ đến Thái Lan du lịch. Luôn tiện mình nhờ anh ta đem sách qua cho mình. Mình luôn phải chờ những cơ hội có người từ Mỹ qua để nhờ mang sách chứ để gởi qua đường bưu điện thì lệ phí gởi cao quá. Nhưng dù sao đi nữa thì không cách này thì cách khác, mình sẽ tìm cho được những tài liệu cần thiết cho việc nghiên cứu của mình. Mình không cảm thấy buồn chán vì chuyện này. Mình chỉ muốn làm sao việc học hành của mình tiến triển êm xuôi và trong quãng thời gian 3 năm thì mình hoàn tất công việc học hành mà mình đã bắt đầu.


Bangkok, ngày 10.9.2013