Rữa chân
Tối qua mình cử hành Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh và nghi thức rữa chân. Thánh lễ cũng đơn sơ, không có gì gọi là long trọng. Nhưng đối với cộng đoàn của mình, lễ tối thứ năm mà có đầy nhà thờ cũng là một điều mà trước đây chưa từng có. Suy nghĩ theo cách đó thì thánh lễ tối hôm qua cũng tương đối long trọng và có đầy đủ nghi thức, kể cả nghi thức rữa chân.
Ở các giáo xứ lớn, người ta sẽ "tuyển chọn" những người được rữa chân. Có thể là những quý vị trong hội đồng giáo xứ, những người tích cực tham gia cách sinh hoạt của nhà thờ, thậm chí một vài vị ân nhân nào đó trong giáo xứ.
Còn ở nhà thờ mình, mình chỉ mong sao có đủ người có thể gọi là "đàn ông" để cho đủ 12 người để rữa chân. Năm ngoái, xuýt một chút nữa là thiếu 12 tông đồ. Nhưng may thay, năm nay số người lại dư khá nhiều. Nhưng các tông đồ của mình cũng không giống như các nơi khác.
Tối qua, các thành phần tông đồ của mình như sau:
1 bạn trẻ 16 tuổi bị nhiễm HIV
1 thanh niên ngoài 30 tuổi bị nhiễm HIV
2 bạn trẻ Việt Nam lao động di dân
2 bạn trẻ người Thái, một đang là tiểu chủng sinh dòng Chúa Cứu Thế, một là học sinh trong phố
2 cụ già
2 người đàn ông trung niên, một người là thầy giáo, một người là công nhân
2 người đàn ông Tây, một là thầy Damien một nhà truyền giáo Ngôi Lời, một là người đàn ông người Ý đến thăm người yêu tại Thái Lan.
Suy đi nghĩ lại 12 vị tông đồ của mình cũng thật là xứng đáng. Nếu so sánh với các tông đồ của Chúa thì trong nhóm 12 người đó cũng có nhiều thành phần và lứa tuổi. Cũng có những người đã từng có quá khứ không mấy tốt lành cho lắm. Cũng có những người dân rất bình thường và giãn dị, cũng có người đến từ gia đình có một chút địa vị. Hóa ra, 12 người mà mình rữa chân tối hôm qua cũng phản ảnh được sự đa dạng trong 12 vị tông đồ của Chúa.
Nghi thức rữa chân mà mình cửa hành tối hôm qua đã làm cho mình cảm động và hân hạnh. Mình đã được rữa chân cho những người bị xã hội xa lánh, những người tầm thường trong xã hội, cũng như những người có đị vị trong cộng đoàn. Việc rữa chân này nhắc nhở mình rằng vai trò của mình là phục vụ tất cả mọi người, từ thành phần thấp hèn nhất tới thành phần sang trọng nhất. Mình không thể chỉ quan tâm đến một số người nào đó mà quên hẵn những người khác.
Mọi người đều là con cái của Chúa, đều đáng cho mình phục vụ, và cần đến sự phục vụ của mình. Từ người trẻ cho đến người già, từ người bị xã hội ruồng bỏ cho đến người cao trọng. Sứ vụ của Chúa Giêsu cũng đã như thế. Ngài không lãng quên bất cứ một ai. Đối với mọi người, ngài đều có lời dạy dỗ và an ủi. Vì thế, sứ vụ của Chúa Giêsu chính là sứ vụ của mình. Và cuộc sống của Ngài cũng là cuộc sống của mình.
Nong Bua Lamphu, ngày 2.4.2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment