Đi bấm huyệt
Sáng nay đang ngồi nói chuyện với cha Trực và thầy Damien trong văn phòng của thầy Damien thì thấy cô Còi và chị Rường bước vào trung tâm. Mình lấy làm lạ vì đây là giáo dân ở Udon Thani và đâu có chuyện gì ở NBL mà đến lúc này. Mình ra phía trước chào hai người rồi hỏi:
- Ủa. Cô Còi hôm nay có chuyện gì mà đến đây vậy?
- Hôm nay đi điều trị bệnh. Luôn tiện ghé thăm cha. - Cô trả lời.
- Điều trị gì mà đi về hướng này hả cô?
- Đi bấm huyệt ở Nong Swan.
- Thế à? Họ bấm huyệt giỏi không?
- Giởi lắm - Cô Rường đáp. - Trước đây con bị liệt đi không được mà họ bấm huyệt cho con lành lại hẳn đấy.
- Thế à. Vậy cho con đi chung được không? Con cũng đang tìm người bấm huyệt đấy. Cái cổ của con bị vấn đề lâu rồi mà chưa biết chỗ chữa.
- Vậy thì chúng ta cùng nhau đi. - Cô Rường nói.
Mình chào tạm biệt cha Trực và thầy Damien để đi chữa bệnh với cô Còi. Đường đi đến nơi bấm huyệt dài 45 cây số. Chỉ một con đường một nên rất dễ đi. Cô Rường đã từng đến đây nhiều lần nên không gặp khó khăn trong việc tìm địa chỉ.
"Bác sĩ" bấm huyệt là một cụ bà 82 tuổi. Phụ tá của bà là người con gái tuổi ngoài 40. Bà cụ tuy tuổi đã lớn nhưng rất khỏe và vui tính. Mắt đã mờ nhiều nên nhìn không rõ lắm. Cụ nói dị ứng ánh sáng mặt trời.
Cụ nói làm nghề nắn chỉnh những đường mạch máu từ năm 14 tuổi. Đến giờ đã điều trị bốn năm chục ngàn người. Bây giờ già rồi mà ngày nào cũng có khách đến xếp hàng để điều trị.
Cụ cho mình nằm xuống trên một tấm nệm trải ra giữa nhà. Cụ bắt đầu chỉnh nắn từ dưới bàn chân lên. Cụ ngấn vào một vùng trên bàn chân dưới mắt cá. Cụ nói: - Nơi này đau phải không?
- Vâng. Đau lắm ngoại. - MÌnh trả lời.
Cụ nắn bóp thêm một lúc rồi hỏi: - Giờ hết đau rồi phải không?
- Vâng không thấy đau nữa ạ.
Cụ di chuyển đến một nơi khác. Mỗi nơi cụ lại nói, nơi này đau hoặc không đau. Mình hỏi tại sao chữa bệnh cổ bị cứng mà cụ lại làm dưới chân? Cụ nói các dây mạch bắt đầu từ chân chạy lên tới đầu. Phải chỉnh nắn từ đầu cho đến đuôi thì mới đầy đủ.
Thế là cụ cứ đi lên dần dần, tới bắp đùi, tới mông, tới eo, lên vai, rồi đến nơi khó chịu nhất, vùng cổ. Cuối cùng là cụ lên tới đầu. Có những nơi cụ ngấn vào thấy đau điếng, nhưng một hồi sau lại không còn đau nữa.
Khi tới phần thân hình, cụ nói: - Cháu khỏe, không có bệnh gì cả. Không bị tiểu đường.
Mình cũng không biết cụ chẩn đoán như thế nào, nhưng hy vọng là đúng.
Cụ cầm tay mình lên xem chỉ tay. Cụ nhìn một lúc rồi nói: - Cháu là linh mục tốt đó. Người trung thực. Cháu không có kẻ thù.
- Thế hả cụ? - Mình hỏi. - Nghe nói không có kẻ thù con mừng lắm đó.
Cụ cầm tay bên phải lên xem một lúc, rồi nói vui vẻ: - Hay đó. Toàn thương yếu anh em, bạn bè, mọi người. Như thế mới là một linh mục được.
Mình không biết vì mắt cụ mờ nên nhìn cái xấu thành tốt, hoặc chỉ nói cho mình mát dạ, nhưng cô Rường có kể, cách đây vài năm, cô Rường dẫn cha Kamjat đến cho bà chữa bệnh. Bà cầm tay ngài lên xem một lúc rồi hỏi một cách bất ngờ: - Sao lớn tuổi thế này rồi mà chưa có vợ? - Lúc đó bà chưa biết cha Kamjat là một vị linh mục.
Sau khi được điều trị thì cả cô Còi lẫn mình đều cảm thấy trong người nhẹ nhỏm hơn. Thứ sáu sẽ đến để điều trị thêm một lần nữa. Mình chưa dám hy vọng nhiều vào lần điều trị này vì lúc trưa về, ngồi xuống trước máy computer chỉ một lúc lại thấy triệu chứng khó chịu nơi vùng cổ như trước. Mặc dù trong lòng vẫn nghĩ, sẽ lý thú biết bao nếu cái bệnh nan y của mình lại được một bà già 82 tuổi chữa lành trong khi các bác sĩ nơi này nơi kia lại bó tay, nhưng vẫn chưa dám tin đó sẽ là một câu chuyện có thật.
Nong Bua Lamphu, ngày 1.6.2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment