Thồn đến giúp việc
Vài tuần qua Thồn đến giáo xứ giúp việc. Thồn là một chủng sinh của giáo phận. Nhưng hiện nay tạm xin ra ngoài ở một thời gian để suy nghĩ thêm về con đường tương lai. Thồn xin về giúp xứ cho mình vì biết ở đây mình cũng có những sinh hoạt cần có người giúp đỡ. Có Thồn nên mình làm thêm được một số việc mà trước đây không nghĩ sẽ làm - đó là làm một cuốn sách nho nhỏ để thuật lại những sinh hoạt của giáo xứ trong năm qua. Thồn là người sọan những bài viết tùy theo đề tài mình yêu cầu. Đây sẽ là bản "báo cáo" về tình hình của giáo xứ hoàn tất đúng vào dịp giáo xứ mừng lễ kỷ niệm 7 năm thành lập vào tháng 8 tới đây.
Vì Thồn biết hát biết đàn nên mình cũng nhờ em giúp tập hát cho giới trẻ, làm chương trình cầu nguyện cho các bệnh nhân HIV, và giúp chọn những bài hát cho các thánh lễ. Thánh lễ tiếng Việt cuối thàng mình cũng nhờ Thồn giúp đánh đàn. Thồn không phải là người nhanh nhẹn, sức khỏe cũng không được tốt lắm, nhưng đằm tính và có trách nhiệm trong công việc. Từ ngày Thồn đến giáo xứ, Thồn còn kiêm luôn việc nấu ăn và lái xe cho mình khi đi đường dài.
Sáng nay mình và Thồn đi liên lạc vài nơi về những người già neo đơn vì mình đang triển khai mục vụ thăm viếng những vị cao niên trong vùng. Mình đến gặp một "mục sư" ở hội Tin Lành. Bà mục sư nói là họ giúp những thiếu niên đến từ các giá đình không có bố, phần lớn ở với bà nội bà ngoại. Bà mục sư nói những người đó cũng rất cần được nâng đỡ. Nhưng sau một giờ đồng hồ nói chuyện, mình ra về tay trắng không có tên hoặc địa chỉ của cụ già nào. Thồn nói cử chỉ của họ có vẻ như sợ mình "dành hàng" của họ.
Hôm qua Thồn đưa ra ý kiến là chúng ta phải đi vào làng xóm và hỏi thăm. Đó là cách tốt nhất. Mình cũng đồng ý phải làm như vậy. Chiều này Thồn và Đoàn lái xe đi vào một vài làng. Làng thứ nhất chỉ có người hai người. Nhưng vào làng thứ hai cách nhà thờ khoảng 10km thì trưởng làng cung cấp cho một danh sách gần 20 người cao niên đang sống neo đơn. Trưởng làng nói sẽ rất tốt nếu có sinh hoạt thăm viếng như thế và sẽ giúp trong việc liên lạc nếu cần thiết.
Thế là chương trình mục vụ với người già neo đơn đã có một cuộc khởi hành tốt đẹp. Có lẻ nhờ có Thồn mới làm được điều này, chứ một mình mình thì khó để đi thăm hỏi như thế này. Đấy, nhiều khi mình cũng có những ý kiến muốn thực hiện việc này việc nọ, nhưng vì thiếu nhân sự nên nhiều dự định chưa được thực hiện như ý muốn.
Nhưng Thồn cũng chỉ đến giúp mình một thời gian. Sau này có lẻ sẽ đi học tiếp hoặc là đi đâu đó. Mình cũng cần người giúp đỡ lâu dài. Bây giờ mình không còn lo lắng nữa. Dường như bằng cách này hoặc cách khác Chúa luôn luôn gởi đến cho mình những người cộng sự, giúp đỡ mình thực hiện những điều mình đặt ra, không sớm thì muộn. Đó chính là ơn huệ mà mình luôn lãnh nhận được khi trông cậy vào Ngài. Mình vẫn tin nếu những gì mình làm tốt thì Chúa sẽ gởi người đến giúp đỡ. Mình chẳng phải bao giờ tự vác hết cả một mình. Bây giờ và sau đây mình tin sẽ tiếp tục như thế.
Nong Bua Lamphu, ngày 25.6.2009
Đuổi ma hết trúng vé số
Tối qua sau khi ăn tối xong mình đi dạo trước nhà thờ thì gặp Pam, một bệnh nhân HIV đang ở trong TTĐMHC. Khi mình mới đến NBL Pam cũng đã có mặt ở đây gần hai năm. Thời gian sau Pam được chuyển qua nhà trên rẩy để ở chung với một số bệnh nhân có sức khỏe tốt để giúp chăm sóc rẩy cũng như sống một cách tương đối tự do và thoải mái. Thời gian các bệnh nhân được chuyển qua trùng hợp với thời đểm số người vào TT điều trị ở số lượng khá cao.
Nhưng hôm qua TT đã quyết định đưa Pam trở lại nhà chính để sống cũng như giúp một ít việc ở đây. Ngược lại một bệnh nhân khác tên Mú sẽ chuyển qua rẩy ở. Lý do có sự "thay đổi nhân sự" là vì gần đây anh Mú càng ngày càng có triệu chứng thích làm nhân viên TT hơn là bệnh nhân của TT. Anh Mú được giao trách nhiệm nấu ăn và coi sóc TT vào nữa ngày thứ bảy và Chúa Nhật vì anh có sức khỏe tốt, nhưng anh lại có thái độ thích làm xếp và có những hành động và lời nói làm cho nhân viên cũng như các bệnh nhân khác khó chịu. Gần đây một bệnh nhân tên Nói về thăm gia đình và quyết định không trở lại vì không chịu được anh Mú.
Pam là một người đồng tính luyến ái, tính tình dễ chịu và hiền lành. Khi mình mới tới NBL, đang cố gắng tập làm lễ tiếng Thái, mỗi ngày Pam đi lễ và phụ trách phần đọc bài đọc vì các seour không đọc được tiếng Thái. Pam cũng chẳng phải là người Công giáo. Nhưng anh ta cũng hay vào nhà thờ cầu nguyện.
Anh nói: - Thời gian khoảng hơn một năm khi uống thuốc tôi bị dị ứng làm cho da rất đen và sần sùi. Tôi mắc cở và không dám đi ra bên ngoài. Đi lễ ngày Chúa Nhật tôi cũng không dám vì ngại. Nhưng tôi cũng hay vào nhà thờ ngồi một mình để cầu nguyện xin phước lành ở cái tượng lớn lớn ở giữa nhà thờ. Nhưng bây giờ thì tôi không ngại nữa vì da đã tốt hơn rất nhiều. Mà tôi thấy người ta cũng tốt đối với tôi. Họ không tỏ ra xa lánh hoặc sợ hãi chúng tôi.
- Đúng vậy. Họ đến đây đi lễ là họ đã biết ở đây như thế nào và có những ai. Cái điểm tốt ở giáo xứ này là chúng ta có nhiều thành phần người và chúng ta chấp nhận và đón tiếp nhau. Điều này nói lên tình yêu mà chúng ta dành cho nhau. Khi tôi thấy có các bệnh nhân ở TT, có các em mồ côi, có người bên ngoài vào nhà thờ dự lễ với nhau, tôi cảm thấy rất vui. Tôi nghĩ rằng đây là một hình ảnh vô cùng đặc biệt và có ý nghĩa.
Pam cũng hơi buồn khi không được ở trên rẩy nữa vì trên đó khá thanh thản và tự do. Nhưng anh ta cũng sẵn sàng về TT để sống và giúp đỡ các bệnh nhân yếu đuối hơn mình. Trên rẩy hiện bây giờ vẫn có 4 bệnh nhân cộng với hai vợ chồng anh Sắng Khồm, là người trông coi khu vườn.
Pam cho hay anh Sắng Khồm nói về mình rằng: - Cha này linh thật. Ngài đuổi ma đi hết làm tôi không còn trúng vé số được nữa.
Anh Sắng Khồm nói trước đây anh hay trúng vé số lắm. Nhưng từ ngày mình lên rẩy làm phép thì anh không còn trúng lần nào cả. Việc mình lên rẩy làm phép là vì đầu năm có một bệnh nhân tên Uthai qua đời. Người ở lại nói là hay thấy hồn anh ta hiện về. Họ cảm thấy bất an và sợ. Vì thế họ nhờ mình lên làm phép nhà để cho hồn anh Uthai hết hiện về.
Nghe vậy mình cũng đến khu vườn để làm phép nhà và rảy nước thánh ở các phòng ngủ và nơi sinh hoạt. Sau đó thì mọi người nói là không còn thấy hồn anh Uthai hiện về nữa. Còn anh Sắng Khồm thì nói, không chỉ hồn anh Uthai không hiện về, mà ma trong vườn cũng bị đuổi đi hết luôn vì bây giờ không còn bóng ma nào giúp anh trúng vé số nữa.
Nong Bua Lamphu, ngày 17.6.2009
Thiên Chúa chở che
Tôi hôm qua mặc dầu mệt nhừ nhưng mình cũng trằn trọc nhiều giờ đồng hồ không yên giấc vì lo cho các bạn trẻ Việt Nam đang gặp phải vấn đề với chính quyền cũng như lo cho Thồn là chủng sinh đang đến giúp xứ cho mình. Thồn là người lái xe nên cũng phải chịu trách nhiệm nếu cảnh sát phát hiện ra chuyên chở người trái phép.
Sáng nay trước giờ lễ Chúa Nhật cô Fốn đề nghị là sau lễ chúng ta đi Nong Khai để trình giấy tờ thay vì đợi tới ngày mai. Thứ hai cô không rảnh để đi chung và anh Eddy, chồng của cô cũng phải đi công tác xa. Tuy nhiên trong 3 người thì chỉ có hai người có giấy tờ hợp pháp. Nên sẽ trình trước hai người rồi sau đó tìm cách để giải quyết người thứ ba.
Khoảng 10 giờ sáng, mình, cô Fốn, Thồn, Thắng, Công, và Tuấn lên xe đi Nong Khai. Nhưng trước khi đến N.K. thì ghé qua Udon để tìm người "chạy" giấy tờ cho Công vì hộ chiếu của Công đã hết hạn. Đi tìm người ở chợ Đông Bác Thái nhưng không gặp. Có người giới thiệu đến một bà VK Thái tên Liên. Đoàn tìm đường đến gặp bà Liên ở một con hẻm có đông người VK cư ngụ. Khi đến nhà thấy Bà Liên, một người đàn bà ngoài 50 tuổi đang nằm coi TV ở phòng trước. Trong nhà có thêm hai cụ già có lẽ là bố mẹ của bà. Bà Liên vẫn nói tiếng Việt được khá sỏi.
Bà Liên nói trường hợp của thằng Công không thể nào đi đóng dấu mộc được vì đã hết hạn hai tháng. Chỉ có cách bà đi nói chuyện với CA để cho họ quên chuyện. Nhưng bà khuyên cứ đi trình hai người có giấy tờ trước đã, nếu CA vẫn đòi có người thứ ba thì tính sau. Còn nếu CA cho qua thì thôi khỏi phải tốn tiền chạy chọt.
Vậy là mình cho thằng Công xuống ở TT Robinson đợi, còn 5 người thì tiếp tục đi NK. Vì từ sáng chưa ăn gì nên ai cũng đói. Lúc đó đã 12h trưa. Cô Fốn tấp qua một quán quấy tiếu bên xa lộ để ăn trưa. Khi đã bồi dưỡng xong thì lên xe đi tiếp.
Đến trạm công an giao thông thì thấy rất im ắng. Tưởng đâu không có ai canh gác. Nhưng hóa ra có hai cán bộ đang ở bên trong. Thật may là một trong hai cán bộ ấy là một ông đã kiểm tra xe hôm qua. Ông này cũng đã từng công tác ở Nong Bua Lamphu.
Cô Fốn gõ cửa vào nói chuyện với hai cán bộ CA. Họ đống cửa lại nói chuyện riêng không cho mình, Thồn, Thắng, và Tuấn đi vào. Ở ngòai Thồn ghi lại tên của trưởng phòng mà đã nói chuyện với mình ngày hôm qua. Hình của các vị được treo trên cửa
Khoảng 15 phút sau cô Fốn đi ra và ra hiệu cho mọi người ra xe. Không ai phải trình hộ chiếu. Khi đã lên xe, mình hỏi cô Fốn:
- Sao, họ đòi tiền à?
- Không. Mà có đòi cũng không cho.
- Vậy họ nói sao?
- Không sao cả. Họ chỉ dọa chúng ta thôi. Tôi nói với họ là đây là linh mục. Chúng tôi là hội từ thiện. Những bạn trẻ VN đến nhà thờ đi lễ. Khi nào có sinh hoạt gì thì thông báo cho mọi người tham dự. Ai muốn đi thì đi. Chúng tôi không quan tâm đến vấn đề quốc tích của họ. Hôm qua gần một nữa xe là các em mồ côi bị nhiễm HIV. Linh mục cũng là người nước ngoài. Ngài chỉ chăm sóc việc tâm linh chứ ngài không hiểu nhiều về vấn đề luật pháp. Hôm qua đoàn đi tham dự lễ ở tỉnh NK chứ không có làm gì trái pháp luật. Hôm qua tôi bận việc nên không đi được. Tối về nghe kể lại nên tôi lo vì người lái xe là cháu tôi. Nên tôi muốn lên để trình bày vấn đề với quý vị.
- Rồi họ nói sao?
- Thì họ nói không sao cả. Tại vì những người trên xe toàn là người trẻ mà chẳng ai có giấy tờ gì cả. Họ phải làm việc của họ mà thôi. Nhưng lần sau phải nhắc linh mục phải có tên tuổi của những người đi và mọi người phải có giấy tờ tùy thân.
Khi nghe cô Fốn kể lai cuộc đối thoại giữa cô và ông công an, mình rất mừng và cảm thấy an tâm. Thế là vụ việc được giải quyết nhanh chóng và dễ dàng hơn mình nghĩ. Họ không kiểm tra giấy tờ và cũng không biết đến việc thằng Công không có hộ chiếu. Mình cũng không bị liên lụy là đưa người bất hợp pháp đi đây đó. Ngày mai mình cũng không phải đi NK với Thồn để trình giấy tờ như đã hẹn từ đầu.
Mình tin rằng lần này đã nhận được sự giúp đỡ của Chúa và Mẹ Maria. Hôm qua khi mọi người đang bị giữ lại ở đồn thì mình ngồi cầu nguyện cho được thả. Cuối cùng thì cũng đã được thả để tiếp tục đi dự lễ quan thầy. Tối qua trong giờ đọc kinh ở nhà cô Tú và khi nằm trên giường trằn trọc, mình cũng đã xin phó thác mọi sự trong tay Chúa. Sáng nay trên đường đi Nong Khai và khi ngồi chờ cô Fốn nói chuyện với CA, mình cũng cầu nguyện cho mọi việc được giải quyết êm xuôi. Cuối cùng thì Chúa và Mẹ đã giúp đỡ. Mình thật vui và lòng mình dâng lời cảm tạ Ngài. Ngài vẫn đồng hành và che chở cho mình trong đời sống truyền giáo và mục vụ. Có những sự cố như vậy thì mình mới thấy bàn tay của Ngài thật năng động trong đời sống của mình.
Nong Bua Lamphu, ngày 14.6.2009
Khó khăn đến
Sáng nay khi mình và các bạn trẻ chuẩn bị lên đường để mừng lễ quan thầy của nhà thờ cha Trực cách đây hơn 200 km, mình nghĩ rằng việc cái lốp xe bị lủng và xe không chịu nỗ máy đã là vấn đế lớn nhất trong ngày. Hóa ra đó chỉ mới là chuyện nhỏ.
Khi trên đường đi ngang qua tỉnh Nong Khai thì bị cảnh sát dừng xe lại để kiểm tra giấy tờ người trên xe. Cảnh sát bắt phải về đồn gần đó để tiếp tục quá trình kiểm tra. Xe có 5 người Thái và 5 người Việt (kể cả mình là Việt Kiều Mỹ). Người Thái thì có người có giấy tờ có người không. Các em nhỏ bị hỏi những thông tin lý lịch rồi cũng không có vấn đề gì.
Riêng mình không có mang hộ chiếu đi theo, nhưng có bằng lái xe Thái (với số hộ chiếu) và thẻ linh mục nên họ cũng chấp nhận. Hôm nay mình cũng có mặc áo linh mục khi đi dự lễ quan thầy. Vấn đề rắc rối ở nơi bốn người Việt Nam bị cảnh sát nghi ngờ là lao động bất hợp pháp.
Trong bốn người chỉ có Giáp mang theo hộ chiếu (có dấu mộc hợp pháp). Thắng, Tuấn và Công không có hộ chiếu. Cả ba nói hộ chiếu đang ở nhà. Mình cũng giải thích cho cảnh sát hiểu là mình là linh mục, giúp đỡ các bạn trẻ về tâm linh. Mình chỉ đưa mọi người đi dự lễ chứ không có làm gì bất hợp pháp. Nhưng cảnh sát nói đi đâu cũng phải có giấy tờ.
Cuối cùng cảnh sát thả cho mọi người đi nhưng phải lập biên bản. Họ nói đó là vì họ thông cảm cho việc tôn giáo. Trong biên bản nói là cọ sự kiểm tra xe. Có ba người chưa có hộ chiếu. Thứ hai tới phải đem giấy tờ lên trình. Nếu không thì người tổ chức chuyến đi (mình) và người lái xe (thầy Thồn) phải chịu trách nhiệm.
Mọi việc sẽ không phải là vấn đề lớn nếu cả ba đứa Thắng, Tuấn và Công đều có hộ chiếu hợp pháp. Nhưng ở đây thì thằng Công có hộ chiếu mà đã hết hạn hai tháng nay vì nó không chịu đi gia hạn.
Tối nay mình trình bày với một số người trong cộng đoàn ở buổi đọc kinh hàng tháng tại nhà cô Tú. Anh Eddy nói là sẽ cố gắng liên lạc với sở cảnh sát để xin họ nương tay. Chỉ rắc rối một điều là khi cảnh sát đưa cho Thầy Thồn số liên lạc thì chỉ có số điện thoại. Ngoài ra không có tên một vị cảnh sát nào. T. Thồn cũng không nhớ tên ai cả. Ngay cả địa điểm của đồn cảnh sát cũng mập mờ.
Tối nay mình và côn Fốn ra quán ăn nơi thằng Công làm việc để xin chủ quán giúp đỡ can thiệp vì nghe đâu ông cũng quen biết nhiều người. Nhưng chủ quán đi vắng. Cô quản lý thì từ chối thẳng, nói không biết ai để xin can thiệp. Có lẽ họ thấy thằng Công có người đang giúp nên họ cũng chẳng dại gì dín líu vào.
Một ngày bắt đầu tệ cũng kết thúc không tốt hơn tí nào. Chỉ có một điểm son trong ngày là hôm nay buổi đọc kinh ở nhà Cô Tú có nhiều người đến tham dự và cảm thấy đọc kinh thật sốt sáng. Mình cầu xin Đức Mẹ cầu bàu cùng Chúa để cho sự việc này được giải quyết êm xuôi.
Đây cũng là một khó khắn trong vấn đề làm mục vụ cho người lao động bất hợp pháp. Làm sao có thể giúp họ mà chính mình cũng không bị buộc tội làm việc trái pháp luật. Làm thế nào để đứng về bên yếu mà chính mình không chống lại kẻ mạnh?
Nong Bua Lamphu, ngày 13.6.2009
Chiều Chúa Nhật
Mỗi buổi chiều Chúa Nhật nếu không có bận việc gì thì mình qua trường học gần nhà thờ để chơi bóng chuyền với mấy đứa người Việt làm việc tại đó. Tụi nó thích chơi đá banh nhiều hơn bóng chuyền. Nhưng tụi nó biết mình không mấy thích đá banh cho nên nó chơi bóng chuyền với mình. Hôm nay tụi nó không đi lễ Chúa Nhật được vì bà chủ trường học kêu đi bỏ phân cho vườn cây cao su của bà cách đây mấy chục cây số.
Khi nó về đến nhà thì cũng đã 5 giờ chiều. Khi sắp về đến trường thằng Thắng điện hẹn gặp ở sân nhà trường. Mình chạy qua nhà trường có mặt tại sân bóng trước khi bọn nó đến nơi.
Đang chơi bóng chuyền thì Kri một thanh niên người Thái chạy xe vào sân bóng. Kri mới đến giáo xứ được một tháng vì mới dọn về ở tỉnh Nong Bua Lamphu. Kri rủ về nhà chơi bóng bàn. Thế là cả nhóm ngừng chơi bóng chuyền để chạy theo Kri.
Cô Nòi, người yêu của Kri là một người đàn bà lớn hơn Kri vài tuổi, đã có một đứa con gái học lớp 9. Cô ta nhìn hiền lành, nhưng ngoại hình thì đúng như Kri từng diễn tả với mình, nhìn như hình trái bầu. Kri thừa nhận là "thương hại" cô ta hơn là "yêu" cô ta. Hai người ở với nhau mặc dầu chưa cưới. Kri muốn cô ta theo đạo Công giáo nhưng cô ta thì không muốn theo vì nói rằng nếu theo đạo Công giáo thì không được cúng cho các sự như trước nữa.
Căn nhà mà Kri và người yêu ở là nhà của gia đình cô ta. Ông bà đã chết nên để lại căn nhà cho người con. Nhà tương đối rộng nhưng đã cũ và không mấy ngăn nắp. Khu vườn xung quanh nhà cũng thiếu sự chăm sóc. Phía sau nhà là một khu rừng rậm rạp nên càng làm cho nơi đó nhìn hoang dã hơn mặc dầu chỉ cách trung tâm chỉ khoảng 2 cây số.
Hôm nay Kri đi xem vịt để mua nuôi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Hiện giờ anh đang làm trong xưởng bia một tháng chỉ ba bốn nghìn baht nên còn túng thiếu. Mình cũng hỏi đây đó xem có ai biết việc gì tốt hơn để giới thiệu cho Kri nhưng cũng không thấy gì.
Kri kéo cái bàn bóng bàn ra bên ngoài để chơi. Lúc đó khoảng hơn 6 giờ nên trời vẫn còn sáng. Một chặp sau trời tối thì thắp bóng điện, nhưng cũng chỉ vừa đủ sáng để chơi chứ không rõ lắm. Ở đó lại nhiều muổi. Kri thắp một cây nhang chống muổi cho mọi người bớt khổ nhưng cũng không mấy hiệu quả.
Kri chơi bóng bàn giỏi hơn mấy đứa, thoạt đầu ai cũng thua. Mấy đứa kia đã lâu rồi không chơi nên rét tay nghề. Mình không chơi giỏi nhưng cũng biết chơi ngang hàng với chúng nó. Chơi một lúc thì cô Nòi đem một khay thịt nướng, một dĩa trứng gà rán, một dĩa gỏi đu đủ và cơm nếp ra để mời mọi người dùng tối. Ông hàng xóm cũng đến chơi ngồi uống bia nhưng không ăn. Mọi người trò chuyện với nhau. Mình lấy cơ hội để nói chuyện thêm với cô Nòi và ông hàng xóm để họ hiểu thêm về đạo và cách sống của người Công giáo. Mình cố gắng thể hiện sự cởi mở để họ không cảm thấy e ngại khi gặp mình. Chiều thứ bảy cô Nòi có đến nhà thờ tìm mình với Kri, nhưng lúc đó mình vắng nhà. Kri nói cô Nòi không dám vào, cứ núp bên ngoài vì đây là lần đầu tiên cô đi gặp một vị linh mục. Có lẻ cô ta hình dung một vị linh mục sẽ có phong cách như một nhà sư Phật giáo mà cô phải khúm núm quỳ lạy khi đến gần.
Thế là bây giờ đã biết thêm một vài người, chỉ là những người lao động bình thường, không có địa vì gì trong xã hội. Mình đến chơi và chia sẻ một bữa ăn cũng rất bình thường nhưng lại rất vui. Mình sẽ đến nhà Kri nhiều để thân thiện hơn với anh, với người yêu của anh. Hy vọng rằng sẽ cảm hóa được vợ anh để vợ anh sẵn sàng theo đạo Công giáo để hai người có thể làm đám cưới với nhau và xây một gia đình hạnh phúc.
Nong Bua Lamphu, ngày 8.6.2009
Cảm hóa các bạn trẻ
Trong nhà trẻ mồ côi HIV của các seour có ba em trai tuổi 13-15. Bọn nó hơi lì lợm. Thằng Tom thì không chịu đị học, suốt ngày đạp xe đạp ngoài đường rồi vào tiệm internet chơi game. Mình không biết nó lấy tiền ở đâu ra để chơi game. Thằng Ômô là bạn thân của thằng Tom. Nó thì đi học. Nó là đứa mặt mày đẹp trai nhất nhà, nhưng tính tình lại bướng bỉnh và rất khó ưa. Thằng Boy thì cao to nhất, no vui tính, nhưng cũng thất thường.
Bữa giờ mình cứ e rằng ba đứa này, đặc biệt là Tom và Ômô là không có "thuốc chữa". Không có cách để lôi cuốn nó cởi mở hơn đối với mình hoặc với việc lễ lạt hay những gì liên quan đến nhà thờ. Vậy mà từ ngày đi cắm trại giới trẻ về, bổng nhiên thằng Tom và thằng Bơy dần dần thay đổi. Tính tình vui vẻ và cởi mở hơn. Đi lễ nhiều hơn. Thằng Ômô không có đi cắm trại vì lúc đó nó về nhà thăm bà con, nhưng nó cũng bị lôi cuốn theo thằng Tom.
Bây giờ cả ba đứa đã chịu tham gia vào nhóm giới trẻ của giáo xứ. Thằng Tom và Boy còn lên giúp lễ. Tụi nó cũng tham gia các sinh hoạt và giúp mấy việc lặt vặt cho chương trình thiếu nhi. Không biết lý docho sự thay đổi là gì. Phải chăng vì mình rủ tụi nó đi đây đó với nhóm giới trẻ nên nó đã dần dần hết ngại. Phải chăng tuần trước mình cho tụi nó vào nhà ngồi xem TV chung với những đứa khác nên nó cảm thấy vui hơn? Phải chăng mình có giao trách nhiệm lặt vặt cho tụi nó để tụi nó cảm thấy mình có giá trị đối với cha? Phải chăng mình bảo tụi nó là trưa chủ nhật đừng ăn cơm ở nhà trẻ mà qua nhà xứ ăn cơm chung với nhóm giới trẻ?
Không biếtn nguyên do đến từ đâu. Chỉ biết là tụi nó đang thay đổi, đang cởi mở hơn. Mặc dầu tụi nó sẽ còn lâu mới hòa nhập vào nhóm và hòa đồng như những bạn trẻ khác trong nhóm. Nhưng mình đang có nhiều hy vọng. Việc thằng Tom chịu lên giúp lễ là cả một vấn đề. Ngay cả các seour cũng phải ngạc nhiên khi thấy nó xuất hiện trước nhà thờ với cái nến trong tay. Mới đầu nó cứ từ chối, nhưng rồi thằng Đoàn và mình cứ nói vào, nó đành phải chấp nhận. Sau đó thì nó nhận được nhiều lời khen từ mình, từ các seour và cô dạy giáo lý. Mình biết là nó vui khi được khen. Nó đã chịu làm thì thằng Boy cũng chịu và đã làm, và rồi sau đó là Ômô.
Nếu thằng Tom và Ômô mà thay đổi được và chịu tham gia vào nhà thờ và các sinh hoạt giới trẻ thì mình biết chắc chắn rằng sẽ có nhiều hy vọng để cảm hóa những đứa trẻ khác trong nhà mồ côi mà đôi khi mình cho là quá nghịch ngợm và sẵng sàng thả lỏng để cho nó mặc kệ. Bây giờ tụi nó có dấu chỉ sẵn sàng thay đổi, mình cần phải nỗ lực hơn để chớp lấy cơ hội đã đến.
Nong Bua Lamphu, ngày 7.6.2009
Thằng Thưởng về nước
Hôm qua thằng Đoàn đã liên lạc được với đường giây đưa người Việt Nam không có hộ chiếu hợp pháp trở về nước. Chi phí đưa người như thế nghe đâu mất hết 5,000 baht. Thằng Thưởng có vừa đủ 5,000 baht để về.
Sau khi nó nghe là công an đang rìn bắt người Việt Nam, mà trên đồn còn có hình của nọ nữa thì nó sợ lắm, quyết định về liền. Đứa nào có hộ chiếu thì không mấy sợ, nhưng nó không có hộ chiệu cũng không có ai bảo trợ nên không dám mạo hiểm.
Hôm qua nó muốn qua nhà thờ tìm mình để chào trước khi về nhưng mình đi vắng từ sáng tới 5 giờ chiều mới về. Từ bến xe Nong Khai, nó gọi cho mình để chào tạm biệt. Nó nói: - Thưa cha con muốn qua gặp cha mà không được. Bây giờ con ra bến xe Nong Khai rồi. Trước khi con về thì con cũng xin cám ơn cha vì thời gian qua cha đã giúp cho con rất nhiều, đặc biệt là dạy dỗ và dạy tiếng Anh cho con. Thiệt tình mà nói, từ trước đến chừ con nõ gặp cha mô như cha. Con rất muốn ở lại để được ở với cha, nhưng hoàn cảnh như rứa thì con phải về.
Mình nói: - Thì dĩ nhiên rồi. Chứ bây giờ ở lại thì nguy hiểm. Những chuyện trục trặc ngoài mong muốn xảy ra là chuyện không thể tránh được trong cuộc sống. Bây giờ cứ về nhà để lo giấy tờ cho tốt đẹp. Nếu được thì cố gắng tìm sách vở học tiếng Anh và ôn lại những bài học mà cha đã dạy để khỏi quên. Sau này nếu mọi việc êm xuôi mà có quyết định qua lại Thái Lan thì cha con mình gặp nhau. Thôi thì cha cũng chúc cho Thưởng đi đường bình an. Cha sẽ cầu nguyện cho Thưởng.
Khoảng hơn 7 giờ tối thì thằng Đoàn điện lại cho mình nói là thằng Thưởng lên xe rời Thái Lan rồi. Nếu không trục trặc gì thì có lẻ chiều mai sẽ đến Nghệ An và về đến nhà. Thằng Thưởng đi cũng thấy tiếc vì nó là một bạn trẻ ngoan và hiền. Khi mình la mắng nó không bao giờ nói lại, chỉ làm thinh chịu trận. Nó cũng chăm chỉ trong việc học hành dù không phải lúc nào cũng nhanh nhẹn tiếp thục kiến thức. Mới tuần vừa qua mình bàn với nó làm sao học tiếng Anh vài tháng nữa rồi về Việt Nam thi cái bằng A. Thời gian ở bên này mình sẽ giúp nó luyện thi. Chưa kịp thực hành thì dự định đã phải thay đổi. Nó đi mình cũng tiếc, nhưng có lẻ nó còn tiếc hơn vì nó rất thích học. Thời gian qua nó rất vui vì có cơ hội được học.
Đấy, cuộc sống là thế đấy. Không bao giờ em xuôi cả được. Không phải việc gì cũng diễn ra như mình tính hoặc mong muốn. Thái độ chấp nhận là điều phải có để đối diện với những thăng trầm khúc quanh trong cuộc sống. Mình cũng thế, đang tìm cho mình cái sự chấp nhận đối với bao nhiêu điều mà mình cứ mong ước là được khác.
Nong Bua Lamphu, ngày 5.6.2009
Giáo dục về HIV/AIDS và giới tính
Hôm nay mình đến một trường học cách nhà thờ khoảng 20 cây số cùng với nhân viên của TT ĐMHCG để huấn luyện cho học sinh lớp 7-9 về vấn đề giới tính và HIV/AIDS. Trường học thuộc cấp thôn, chỉ có trên 300 học sinh từ lớp mẩu giáo đến lớp 9. Số học sinh tham gia chương trình huấn luyện kéo dài hai ngày là 84 em, tương đối ít so với những trường khác. Có nơi lên đến 150 em.
Mình đi theo mặc dầu mình không có nhiều việc phải làm trong giờ huấn luyện. Nhân viên TT đã làm công tác này nhiều năm nên họ cũng rất thông thạo và biết rõ phải làm và nói những gì. Riêng mình thì chỉ giúp trong việc thưc hiện những sinh hoạt. Ban sáng mình có một bài nói chuyện về thực trạng HIV/AIDS và giới tính trong đối tượng giới trẻ Thái Lan. Mục đích của mình là trình bày cho học sinh thấy một thực trạng đáng quan ngại, đặc biệt là khi việc tham khảo cho thấy 85% người trẻ Thái không thấy rằng HIV/AIDS là một vấn đề đáng lo lắng với bản thân. Điều này có lẽ là một trong những nguyên do tại sao có đến 70% những trường hợp mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục mới là thành phần giới trẻ.
Mặc dầu mình không phải làm nhiều điều trong chương trình giáo dục, nhưng mình cũng đi vì đây là một cơ hội để cho người Phật giáo thấy và gặp một vị linh mục. Có thể mình là vị linh mục Công giáo duy nhất mà những người Thái này sẽ được gặp gỡ trong đời sống của họ vì xung quanh họ chỉ có người Phật giáo. Mình đến đây một lần rồi không biết lúc nào sẽ đến lại được.
Mỗi khi có chương trình đi trường học thì mình cũng chỉ đi được một ngày vì mình phải làm những công việc khác. Ngày mai mình đi dạy ở bệnh viện. Việc dạy ở đây tương đối tốt đẹp. Những y tá đến học cũng có phần cố gắng. Tuy nhiên có một điều đang xảy ra mà thường thấy trong các đối tượng người Thái đó là việc không thường xuyên. Trên danh sách của mình người đăng ký học đến 35 người. Tuy nhiên, trong giờ học thì chỉ thấy khoảng 20 người. Tuần nào cũng có người không đến được vì phải họp hành, vào ca, hoặc là bận công việc gì đó.
Việc không thường xuyên là điều mà mình đã từng đề cập đến thời gian chuẩn bị cho việc dạy ở bệnh viện. Mình đã cố gắng nhấn mạnh với nhân viên liên lạc rằng mình cần người học đến lớp thường xuyên và làm những bài tập mà mình yêu cầu làm. Thế nhưng thực tế cho thấy tính thường xuyên vẫn chưa đạt được.
Đây có lẽ là một trong những “tính xấu xí” của người Thái. Họ rất hay lỡ hẹn hoặc trể hẹn. Nhiều khi họ thiếu tính dấn thân trong công việc và thích làm theo cảm tính. Làm việc với người Thái đòi hỏi sự chịu đựng khá nhiều, đặc biệt đối với một người có bản tính như mình, đó là trách nhiệm và sự chính xác trong giờ giấc, công việc. Chính người Thái cũng công nhận rằng so với họ, người Việt
Nong Bua Lamphu, ngày 4.6.2009
Nguy hiểm
Hôm nay thằng Đoàn qua nói với mình: - Con nhận được tin từ con Phát là cảnh sát đang đi chụp hình những nơi có người Việt Nam làm việc. Nhà bà chủ nơi nó ở cũng bị chụp hình. Nhà thờ của cha cũng bị chụp hình nữa.
- Sao nó biết là có cảnh sát đi chụp hình? - Mình hỏi lại.
- Tại vì có cảnh sát quen biết gia đình báo cho bà chủ. Bây giờ nó sợ quá nên nó đi Nong Khai rồi không còn ở đây nữa.
- Vậy cảnh sát đến chụp hình nhà thờ làm gì?
- Con cũng không biết. Có lẽ nó nghi ngờ ở đây có người Việt Nam làm việc vì tụi con hay lui tới ở đây.
- Ừ nhỉ, cũng có thể vậy. Mình ra ngoài chợ mua đồ nhiều người cứ nhầm là mình nuôi mấy đứa ở nhà xứ. Mình cứ phải giải thích hoài là mấy đứa chỉ tới sinh hoạt chứ không có ở đây.
- Thằng Thưởng đang sợ. Nó đang định là sẽ tìm cách về Việt Nam.
- Có lẻ phải vậy. Nó không có hộ chiếu nên đi lại không an toàn.
- Đúng rồi. Nó không có hộ chiếu nên đến nhà thờ mà bị bắt cũng được. Còn những đứa khác có hộ chiếu thì đến nhà thờ sinh hoạt đâu can gì. Nếu có bắt thì phải bắt trong khi đang làm việc. Còn đến nhà thờ sinh hoạt thì đâu phải là làm việc. Nếu cảnh sát muốn đến thì cứ cho nó đến. - Mình nói một cách quả quyết.
Nói vậy nhưng trong lòng cũng hơi lo. Không phải lo vấn đề an ninh, mà lo vấn đề xáo trộn trong nhóm các bạn trẻ Việt Nam. Nếu việc đến nhà thờ đi lễ, sinh hoạt, hoặc giúp cha làm một số việc lặt vặt trong nhà thờ mà cũng bị người ta nhóm ngó, đến theo dõi thì quả thật là đáng bực bội.
- Bọn cảnh sát này thiệt tình. - Mình nói. - Sao tụi nó không tìm việc gì khác bổ ích hơn để làm mà cứ đi làm việc vớ vẫn như thế này?
Sau lễ chiều mình chia sẻ tình hình với các seour và nhờ các seour cầu nguyện cho các bạn trẻ. Seour Helga nói là sẽ giúp lời cầu nguyện. Tối này các bạn qua học giáo lý như thường lệ. Không ai tỏ ra quá lo lắng, ngoài trừ thằng Thưởng vì nó không có hộ chiếu. Những đứa khác có vẻ tự tin là nếu có vấn đề thì chủ có thể can thiệp được. Cũng không ai tỏ ra lo lắng khi nghe cảnh sát đến nhà thờ. Các bạn cũng nói đến đây sinh hoạt thì đâu gì phải sợ.
Trong những ngày tới mình sẽ xem dò tình hình. Thật tội nghiệp cho thằng Thưởng phải về Việt Nam trong lúc này. Nó đang có một cuộc sống khá tốt vì được học tiếng Anh hằng ngày và cũng có một vài việc làm lặt vặt để giúp nó có tiền tiêu sài. Nhưng hoàn cảnh của lao động di dân là thế, mấy khi được yên ổn và chắc chắn. Có lẽ năm sau nó mới qua lại. Không biết lúc đó nó còn nhớ được mớ tiếng Anh mà nó mới học được 5 tháng qua hay không.
Nong Bua Lamphu, ngày 3.6.2009
Đi bấm huyệt
Sáng nay đang ngồi nói chuyện với cha Trực và thầy Damien trong văn phòng của thầy Damien thì thấy cô Còi và chị Rường bước vào trung tâm. Mình lấy làm lạ vì đây là giáo dân ở Udon Thani và đâu có chuyện gì ở NBL mà đến lúc này. Mình ra phía trước chào hai người rồi hỏi:
- Ủa. Cô Còi hôm nay có chuyện gì mà đến đây vậy?
- Hôm nay đi điều trị bệnh. Luôn tiện ghé thăm cha. - Cô trả lời.
- Điều trị gì mà đi về hướng này hả cô?
- Đi bấm huyệt ở Nong Swan.
- Thế à? Họ bấm huyệt giỏi không?
- Giởi lắm - Cô Rường đáp. - Trước đây con bị liệt đi không được mà họ bấm huyệt cho con lành lại hẳn đấy.
- Thế à. Vậy cho con đi chung được không? Con cũng đang tìm người bấm huyệt đấy. Cái cổ của con bị vấn đề lâu rồi mà chưa biết chỗ chữa.
- Vậy thì chúng ta cùng nhau đi. - Cô Rường nói.
Mình chào tạm biệt cha Trực và thầy Damien để đi chữa bệnh với cô Còi. Đường đi đến nơi bấm huyệt dài 45 cây số. Chỉ một con đường một nên rất dễ đi. Cô Rường đã từng đến đây nhiều lần nên không gặp khó khăn trong việc tìm địa chỉ.
"Bác sĩ" bấm huyệt là một cụ bà 82 tuổi. Phụ tá của bà là người con gái tuổi ngoài 40. Bà cụ tuy tuổi đã lớn nhưng rất khỏe và vui tính. Mắt đã mờ nhiều nên nhìn không rõ lắm. Cụ nói dị ứng ánh sáng mặt trời.
Cụ nói làm nghề nắn chỉnh những đường mạch máu từ năm 14 tuổi. Đến giờ đã điều trị bốn năm chục ngàn người. Bây giờ già rồi mà ngày nào cũng có khách đến xếp hàng để điều trị.
Cụ cho mình nằm xuống trên một tấm nệm trải ra giữa nhà. Cụ bắt đầu chỉnh nắn từ dưới bàn chân lên. Cụ ngấn vào một vùng trên bàn chân dưới mắt cá. Cụ nói: - Nơi này đau phải không?
- Vâng. Đau lắm ngoại. - MÌnh trả lời.
Cụ nắn bóp thêm một lúc rồi hỏi: - Giờ hết đau rồi phải không?
- Vâng không thấy đau nữa ạ.
Cụ di chuyển đến một nơi khác. Mỗi nơi cụ lại nói, nơi này đau hoặc không đau. Mình hỏi tại sao chữa bệnh cổ bị cứng mà cụ lại làm dưới chân? Cụ nói các dây mạch bắt đầu từ chân chạy lên tới đầu. Phải chỉnh nắn từ đầu cho đến đuôi thì mới đầy đủ.
Thế là cụ cứ đi lên dần dần, tới bắp đùi, tới mông, tới eo, lên vai, rồi đến nơi khó chịu nhất, vùng cổ. Cuối cùng là cụ lên tới đầu. Có những nơi cụ ngấn vào thấy đau điếng, nhưng một hồi sau lại không còn đau nữa.
Khi tới phần thân hình, cụ nói: - Cháu khỏe, không có bệnh gì cả. Không bị tiểu đường.
Mình cũng không biết cụ chẩn đoán như thế nào, nhưng hy vọng là đúng.
Cụ cầm tay mình lên xem chỉ tay. Cụ nhìn một lúc rồi nói: - Cháu là linh mục tốt đó. Người trung thực. Cháu không có kẻ thù.
- Thế hả cụ? - Mình hỏi. - Nghe nói không có kẻ thù con mừng lắm đó.
Cụ cầm tay bên phải lên xem một lúc, rồi nói vui vẻ: - Hay đó. Toàn thương yếu anh em, bạn bè, mọi người. Như thế mới là một linh mục được.
Mình không biết vì mắt cụ mờ nên nhìn cái xấu thành tốt, hoặc chỉ nói cho mình mát dạ, nhưng cô Rường có kể, cách đây vài năm, cô Rường dẫn cha Kamjat đến cho bà chữa bệnh. Bà cầm tay ngài lên xem một lúc rồi hỏi một cách bất ngờ: - Sao lớn tuổi thế này rồi mà chưa có vợ? - Lúc đó bà chưa biết cha Kamjat là một vị linh mục.
Sau khi được điều trị thì cả cô Còi lẫn mình đều cảm thấy trong người nhẹ nhỏm hơn. Thứ sáu sẽ đến để điều trị thêm một lần nữa. Mình chưa dám hy vọng nhiều vào lần điều trị này vì lúc trưa về, ngồi xuống trước máy computer chỉ một lúc lại thấy triệu chứng khó chịu nơi vùng cổ như trước. Mặc dù trong lòng vẫn nghĩ, sẽ lý thú biết bao nếu cái bệnh nan y của mình lại được một bà già 82 tuổi chữa lành trong khi các bác sĩ nơi này nơi kia lại bó tay, nhưng vẫn chưa dám tin đó sẽ là một câu chuyện có thật.
Nong Bua Lamphu, ngày 1.6.2009