Đến giáo xứ Macquarie Fields
Hôm qua, mình dâng lễ Chúa Nhật ở giáo xứ Macquarie Fields với cha Trực và cha Việt. Cha Việt là người cùng lớp với anh Trực trong dòng. Hai anh em chịu chức cùng lúc và anh được bài sai làm cha phó ở giáo xứ Macquarie Fields với cha Mike.
Giáo xứ Macquarie Fields những năm qua ngày càng trở nên một giáo xứ rất sống động với nhiều sinh hoạt khác nhau rất phong phú. Nhìn vào có lẽ không ai ngờ trước đây năm sáu năm, người ta nghĩ rằng giáo xứ này sẽ chết đi vì nhìn vào không còn thấy sức sống nữa. Nhưng những năm gần đây, sau khi giáo phận giao lại cho dòng phụ trách, tình hình đã chuyển hướng và giáo xứ bây giờ có thể nói là vững mạnh hơn bao giờ hết.
Ở đây cộng đoàn bao gồm nhiều sắc tộc từ người da trắng cho đến người Phi luật tân, Samoa, Fiji, Ấn Độ... Sự đa dạng làm cho giáo xứ có một tính chất rất đặc biệt mà ai nhìn vào cũng nhận ra liền đó là ưu điểm của cộng đoàn ở đây. Trong thánh lễ ta thấy không chỉ người lớn tuổi mà còn giới trẻ và con nít nên trong nhà thờ có một không khí rất vui tươi.
Trong thánh lễ 8h30 sáng ngày Chúa Nhật, anh Việt nhường cho anh Trực chủ tế, còn mình thì chia sẻ lời Chúa. Thấy có cha khách đến dâng lễ, cộng đoàn rất vui. Ở đây mình có quen nhiều người vì trước khi đến Thái Lan, mình đã từng ở giáo xứ này vài tuần và đã từng dâng lễ cho cộng đoàn. Lần này về mình có dịp để gặp lại những khuôn mặt quen thuộc ấy và ai cũng muốn nghe về kinh nghiệm của mình ở Thái Lan như thế nào. Mình cũng chia sẻ những thách đố trong công việc cũng như xin mọi người hiệp ý cầu nguyện cho việc truyền giáo của hội dòng trên đất Thái.
Vì mình và anh Trực là hai linh mục đầu tiên của dòng đến Thái Lan để truyền giáo nên việc định hướng hoạt động của dòng cho tương lai là một ưu tư lớn đối với hai anh em. Một trong những vấn đề lớn nhất là tài chánh để sinh hoạt cũng như thực hiện những dự an mà mình triển khai. Trong khi hội dòng muốn giáo phận địa phương phải có trách nhiệm nhiều hơn với linh mục trong địa phận, thì ĐGM lại muốn hội dòng giúp đỡ gánh vác dường như tất cả trong vấn đề này. Nếu hai bên không đến một thỏa thuận thích hợp thì mình là người đứng ở giữa sẽ bị cản trở trong việc thực hiện những gì trong chương trình mình đã đặt ra.
Ngày mai mình và anh Trực sẽ họp với hội đồng phụ trách vấn đề truyền giáo của dòng để trình bày về tình hình ở Thái Lan cũng như những nhu cầu cho đời sống và mục vụ ở đó. Mình hy vọng rằng qua những gì mình chia sẻ, hội đồng sẽ hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của mình tại Thái Lan để có những quyết định phù hợp nhằm nâng đỡ đời sống cũng như công việc của anh em ở đó.
Trong quá trình này mình cũng hiểu được rằng phải kiên nhẫn và phó thác, vì những bước đầu mở mang công cuộc truyền giáo lúc nào cũng sẽ có những vấn đề phức tạp mà chỉ có thời gian mới có thể giải quyết được. Chắc chắn sẽ có những điều không như ý muốn hoặc mong đợi của mình, nhưng đó cũng là điều mình phải chấp nhận với niềm tin rằng sứ mệnh truyền giáo là sứ mệnh của Chúa, và bản thân mình chỉ là công cụ của Ngài. Chắc chắn nếu Chúa xử dụng đến mình thì Ngài sẽ đưa đến cho mình những điều cần thiết để thực hiện công việc ấy một cách tốt đẹp.
Macquarie Fields, ngày 31.3.2009
Đi Úc
Thứ hai Phục Sinh, mình và anh Trực ra sân bay để đi Úc tham dự khóa huấn luyện về việc lãnh đạo trong hội dòng. Những tham dự viên là các cha các thầy đã khấn trọn đời trong tỉnh dòng chưa đầy 10 năm. Ngoài ra còn có các seour của dòng Chúa Thánh Linh, là dòng nữ có cùng đấng sáng lập với hội dòng của mình. Khóa huấn luyện kéo dài năm ngày với mục đích giúp cho những thành viên trẻ tuổi trong dòng phát triển khả năng lãnh đạo để chuẩn bị cho vai trò của mình trong tương lai.
Trên thực tế thì đã có nhiều cha thầy trong nhóm 30-40 tuổi này đang đảm nhận những trách nhiệm khá quan trọng trong tỉnh dòng. Nhưng chắc chắn trong những năm tới những thành viên trong lớp này sẽ còn phải gánh những công việc lớn hơn nữa.
Chỉ hơn 1 năm trở lại Úc mà cũng thấy có nhiều thay đổi. Hội dòng có thành viên mới chịu chức hoặc mới đến từ nước khác. Anh em cũng có những bài sai mới. Như cha Hổ trước đây làm bề trên ở cộng đoàn nhà Mẹ thì bây giờ đã chuyển đi làm cha xứ ở
Năm ngày qua, gặp gỡ những khuôn mặt quen thuộc cũng như khuôn mặt mới, mình cảm thấy có sự liên kết chặt chẻ hơn với những người anh em trong hội dòng. Ai nấy đều thân ái với nhau, và những giờ trò chuyện đùa giởn bên nhau dường như giúp quên đi những vấn đề phức tạp mà mọi người đang phải đương đầu trong công việc mục vụ của mình.
Hôm qua, mình cũng đã tìm giờ để trình bày với cha giám tỉnh lý do tại sao mình quyết định trao đổi với ĐGM để được chuyển về giúp xứ ở Nong Bua Lamphu. Mặc dầu cha bề trên yêu cầu mình phải có thời gian thực tập khoảng 6 tháng mới bắt đầu chính thức làm việc, nhưng với thời gian 3 tháng vừa qua, mình cảm thấy đã đủ kinh nghiệm và khả năng để đảm trách giáo xứ nhỏ ở NBL cho đến khi cha Trực sẵn sàng gánh vác trách nhiệm.
Giáo xứ NBL nơi mình sẽ đảm trách rất nhỏ. Ngày Chúa Nhật chỉ có vài chục người đi lễ. Đây cũng là giáo xứ mà thời gian qua đã không được sự ưu tiên của giáo phận trong việc chăm sóc và phát triển. Cuối tháng 3 này thì cha xứ DCCT cũng đã chuyển đi nơi khác để làm việc. ĐGM không tìm ra người coi sóc giáo xứ thường xuyên. Ngài dự định chỉ kiếm người lên làm lễ rồi về. Và sự việc sẽ tiếp diễn như vậy cho đến khi nào cha Trực sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm. Mình thấy cách giải quyết vấn đề như vậy sẽ làm cho sự bất ổn trong giáo xứ suốt nhiều năm qua sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Dù sao đi nữa thì trong tương lai, đây sẽ là giáo xứ mà anh em trong dòng của mình sẽ phải đảm trách. Nếu để cho sự bất ổn tồn tại và gia tăng thì tình hình đã không tốt lại càng đi xuống. Chính vì thế nên mình đã ngỏ lời xin ĐGM cho mình về coi việc tại NBL.
Mình về NBL với một ý chí là sẽ khởi xướng một số chương trình mục vụ để giúp cho giáo xứ này trở nên một nơi sống động hơn trong giáo phận. Sự bất ổn đã kéo dài một thời gian qua dài khi giáo xứ không có một linh mục đến làm việc với ý định sẽ ở lại lâu dài. Nhưng khi anh Trực đến NBL là sẽ khác. Anh sẽ ở lại lâu dài và mình sẵn sàng cộng tác với anh để phát triển công việc mục vụ ở vùng này.
Trở lại Úc, ngoài việc gặp gỡ anh em trong dòng, mình còn gặp lại một số giáo dân mà mình đã quen biết khi mới đến Úc. Họ mời đến nhà ăn uống và trò chuyện. Đây là những cuộc gặp gỡ rất cởi mở và thân thiện. Hôm qua anh em đưa nhau đến nhà anh Thắng. Mọi người say mê trò chuyện mà quyên hẳn thì giờ. Khi chợt nhớ xem đồng hồ thì đã hơn 1 giờ sáng. Anh em phải lật đật chia tay để sáng hôm sau còn dậy kịp giờ để đi lễ sáng và tham gia vào sinh hoạt trong ngày.
Mình cảm thấy may mắn khi về Úc trong lần này. Nó là một sự chuẩn bị về tinh thần lẫn trí thức cho những gì mình đang bước tới trong tương lai. Mình tin rằng sau những ngày nay, mình sẽ bước vào công việc trước mắt với thái độ phấn khởi, hy vọng, và kiên quyết. Mình tin rằng Chúa là sức mạnh đang hướng dẫn và bao bọc mình, cho dù con đường mình đã đi và đang đi có nhiều trắc trở và bất ngờ. Nhưng có Chúa bên mình, mình sẽ tự tin bước tới mà không sợ bị vấp ngã.
Tai họa ngày lễ Phục Sinh
Sáng sớm Chúa Nhật Phục Sinh, mình ra sân bay Udon Thani đón chuyến bay sớm nhất của hãng hàng không Nok Air đi Bangkok. Từ sân bay Don Muang, mình lên xe taxi đi Min Buri, đến nhà thờ thánh Stephens của Dòng Chúa Cứu Thế để tham dự thánh lễ mừng Chúa Phục Sinh của cộng đoàn người Việt Nam tại Bangkok.
Khi bước xuống taxi, một bạn trẻ tên Sớn tới chào mình. Sơn là người đến nhà thờ sớm nhất và cũng là người duy nhất có mặt lúc ấy. Sơn gọi điện thoại cho thầy Phương trong dòng xuống dẫn mình vào để gởi vali. Dòng CCT hiện nay đang có ba thầy Việt Nam là thầy Toàn, Phương, và Trà đang học chương trình tiếng Anh tại đây.
Trò chuyện với các thầy được một lúc thì mình trở ra nhà thờ để cho các bạn xưng tội. Lúc ấy đã 10 giờ sáng và đã có nhiều bạn trẻ Việt Nam đến chờ thánh lễ. Mình giải tội đến hơn 1 giờ 30 chiều mới nghỉ. Ngoài mình ra có thêm cha Đức, cha Trực, và cha Prayun cũng giải tội cho các bạn trẻ.
Thánh lễ bắt đầu lúc 2 giờ chiều trong không khí tưng bừng và phấn khởi của ngày lễ Phục Sinh. Lần này ca đoàn có sự phụ giúp của các thầy DCCT và có một tay đàn mới nên hình như hát hay và đều đặn hơn mọi khi. Các bạn đến dự lễ rất đông. Bên trong nhà thờ kín hết chỗ ngồi, và tràn ra bên ngoài.
Mình đảm trách phần chia sẻ lời Chúa với một bài giảng không quá ngắn, không quá dài. Cuối thánh lễ thì cha Đức làm phép những quả trứng gà và phân phát cho mọi người. Trứng phát chưa xong thì đã hết. Cuối cùng có người không được nhận trứng.
Sau lễ có thức ăn nhẹ được chuẩn bị cho các bạn. Mọi người đứng trước nhà thờ vui vẻ trò chuyện. Nhiều bạn lâu ngày không được gặp nhau nên tay bắt mặt mừng. Một lúc sau, các bạn bắt đầu ra về thì chuyện không may đã xảy ra.
Mọi người đang vui vẻ nói chuyện thì thấy trước cổng nhà thờ có sự việc bất thường đang xảy ra. Mọi người nhốn nháo lên.
- Có chuyện gì vậy? – Mình chạy ra trước hỏi.
- Đầu hẻm có nhiều cảnh sát đứng. Nhiều người ra về đã bị bắt rồi. – Lâm, bạn trẻ đảm trách việc trật tự trả lời.
- Bị bắt mấy người?
- Nhiều lắm. Chắc mấy chục người.
Mình kêu mọi người trở vào nhà thờ theo sự chỉ định của cha quản nhiệm. Lúc ấy các bạn đang đứng trước nhà thờ, hai bên nhà thờ, và có nhiều người đã chạy vào khu vực trường học quốc tế sau nhà thờ để trốn cảnh sát. Vào lại nhà thờ lúc ấy là tốt nhất vì cảnh sát sẽ không vào tận bên trong để bắt mà chỉ sẽ bắt những ai ngoài đường.
Bác Trọng gọi điện thoại cho cha sở của giáo xứ nhờ ngài can thiệp với cảnh sát. Sau khi có sự can thiệp thì những người đã bị bắt được thả ra với số tiền lót cho cảnh sát là hơn 1000 baht một người. Số người mà cha nói bị bặt là 20 người. Nhưng mình không biết còn nhóm nào khác bị bắt nữa hay không.
Khoảng 1 giờ đồng hồ sau, những người có họ chiếu hợp lý bắt đầu ra về. Đến trước cổng họ không thấy cảnh sát đứng nữa nên báo vào cho người bên trong biết. Nhưng những người không có giấy tờ cũng không dám rời địa điểm vì sợ rằng cảnh sát không đứng đầu hẻm mà đứng xa hơn, hoặc mặc áo thường phục để chực bắt.
Nhà thờ nằm cuối hẻm cách đường chính hơn hai cây số trong một vùng có nhà xây riêng biệt nên xe taxi cũng ít ra vào. Thỉnh thoảng có một chiếc vào thì những ai có giấy tờ hoặc đánh liều lên xe để ra đường chính. Khi ra đường chính rồi thì xuống đón xe khác về. Còn chiếc ấy thì họ lại cho trở lại bên trong để đón một nhóm khác. Có bạn không có giấy tờ đòi leo vào cốp xe taxi ngồi, nhưng tài xế không đồng ý.
Đến gần 6 giờ chiều thì các bạn trẻ cũng đã dần dần ra về. Chỉ còn lại những người đã bao xe đến nhà thờ, trong đó có khoảng 10 chiếc. Những tài xế người Thái không dám ra vì sợ bị cảnh sát bắt. Việc chuyên chở người bất hợp pháp là một tội nặng có thể bị tịch thu xe và bị phạt hàng trăm nghìn baht, nên họ rất sợ. Các cha và nhân viên bảo vệ trong của nhà trường DCCT đã tìm cách để thuyết phục họ rằng đã có người can thiệp và cảnh sát không còn đứng ngoài nữa. Nhưng họ vẫn sợ. Nhân viên bảo về chỉ cho họ đi một lối khác ra một con hẻm phía bên kia nhà trường họ cũng không an tâm. Nhưng cuối cùng thì họ cũng đã liều đi vì trời đã tối mà đường thì xa.
Sau khi những chiếc xe được bao rời khỏi khuôn viên nhà thờ, những người khác cũng đã về bằng cách lên xe taxi, lên chiếc xe lam thỉnh thoảng chạy ngang qua nhà thờ, hoặc được cha Travis (một cha già người Mỹ dòng CCT), nhân viên trường DCCT và seour Huyền chở ra đầu hẻm, thì lúc ấy cũng đã gần 7 giờ tối.
Mình cùng một nhóm bạn trẻ trong ban bảo vệ cũng ra về lúc ấy, và tìm đến một quán trong phố để ăn tối. Lúc ấy người mình cảm thấy rất mệt mỏi vì suốt ngày mình đã không được ăn. Trước khi rời Udon Thani mình có ăn một tô mì gói. Đến nhà thờ thì giải tội, làm lễ, và sau đó hướng dẫn các bạn khi sự việc không may xảy ra.
Thời gian qua tổ chức lễ cho các bạn trẻ Việt Nam đã vô cùng khó khăn. Vì các em là người bất hợp pháp trên đất Thái nên các nhà thờ dè dặt không chấp nhận cho cộng đoàn tổ chức lễ. Lần nào có lễ cũng có người bị bắt trên đường đi hoặc trên đường về. Nhưng chưa bao giờ các bạn bị tấn công kinh khủng như lần này.
Lần này, DCCT đón tiếp cộng đoàn rất tốt. Các cha rất niềm nở. Nhà thờ nằm ở một vị trí rất khuất. Tưởng đâu đây là một điểm dừng lý tưởng và an toàn. Nhưng thực tế đã không như vậy. Ai đó đã báo cho cảnh sát biết về sự hiện diện của các bạn trẻ ở đây và họ đã đổ đến chờ ngoài đường để bắt các bạn đem đi để đòi tiền chuộc, hoặc nếu không có tiền chuộc thì đưa về sở di trú giải quyết.
Nhiều bạn đi lễ lần này đã khủng hoảng khi sự cố xảy ra. Mình không biết rồi sau này DCCT sẽ còn sẵn sàng cho cộng đoàn VN tổ chức lễ nữa không. Mà dù còn cho thì các bạn có còn dám đi lễ nữa hay không? Không ai ao ước được đi lễ Việt Nam hơn các bạn ấy. Nhưng đi lễ mà bị bắt như thế có phải là một giá quá đắt hay không?
Thánh lễ Phục Sinh diễn ra trong không khi vui nhộn và phấn khởi chừng nào thì sự việc sau thánh lễ đã làm cho niềm vui ấy dường như tan biến rất nhiều. Trong thánh lễ mình đã chia sẻ về niềm vui, niềm hy vọng trong đấng Kitô Phục Sinh. Liệu lời chia sẻ của mình có đủ thuyết phục để giúp đỡ các bạn trong đời sống thực tế rất khó khăn mà các bạn đang trải qua trong đời sống hay không? Mình cầu mong rằng lời chia sẻ của mình sẽ đọng lại trong tâm hồn các bạn để giúp các bạn vượt qua những cơn thử thách trong đời sống. Cho dù cuộc đời vẫn khó nhọc biết bao, mong rằng các bạn vẫn không lãng quên rằng Đức Kitô Phục Sinh vẫn luôn luôn đồng hành và phù trợ cho các bạn trên hành trình gian nan của cuộc sống.
Sydney, ngày 25.3.2008
-
Nhịp cầu thân thương
Sáng nay mình gọi điện thoại về nhà để chúc mừng Phục Sinh bố mẹ. Điện thoại rang vài tiếng thì bố là người bắt bên kia đường giây. Căn nhà lớn ở Costa Mesa bây giờ chỉ có hai người ở. Đến cuối tuần thì có con cháu đến thăm. Nghĩ cũng thấy buồn cho bố mẹ vì chắc là cũng thấy cô đơn lắm. Dạo này mình quyết định nỗ lực gọi bố mẹ thường xuyên hơn, dù chỉ để trò chuyện năm ba phút. Mình biết chắc bố mẹ lúc nào cũng nhớ đến mình và cũng lo lắng cho đứa con út của mình. Từ nay trở đi mình có thể gọi điện thoại thăm bố mẹ mà không sợ tốn nhiều tiền vì mình mới nhờ được một đứa bạn đăng ký dịch vụ Skype cho mình.
Gọi điện thoại qua mạng khá tiện lợi và lại rất rẽ. Nhưng lâu nay mình không đăng ký Skype là cũng vì mình không có thẻ tín dụng, nên nghĩ đi nghĩ lại làm biếng nhờ người khác nên rồi cũng thôi.
Nói chuyện với bố, bố cho biết vài thông tin trong gia đình. Đứa cháu tương lai, con của anh Trình, lúc đầu bác sĩ bảo là con gái, nay phát hiện ra quả thực là con trai. - Có lẽ trước đây thai nhi còn nhỏ quá nên bác sĩ quan sát không rõ. - Bố nói. Còn thằng con mới sinh của chị Trâm thì khỏe mạnh, uống nhiều sữa, và làm mệt bố mẹ nó mỗi đêm vì phải thức dậy cho bú.
Nói chuyện với mẹ thì được biết bữa giờ mẹ đau bao tử. Người thấy khó chịu hơn từ khi uống cà phê mà anh Chương và chị Tâm mua qua từ Việt Nam. Mình nói với mẹ: - Cà phê Việt Nam thường nặng đô, uống không quen là dễ đau bụng. Con buổi sáng mà chưa ăn sáng thì cũng không dám uống cà phê Việt Nam đâu.
Nói chuyện với bố mẹ xong, mình gọi điện thoại cho bố đỡ đầu, đúng lúc gia đình bố đang chuẩn bị đi lễ thứ năm Tuần Thánh. Mình cám ơn bố đã xin lễ cầu nguyện cho mình nguyên một năm. Bố đã xin lễ cho mình khi lần trước mình gọi điện thoại chia sẻ với bố là mình đang tìm hiểu công việc mục vụ và chưa biết sẽ đi về đâu. Vì thế bố đã không chỉ cầu nguyện cho mình mà còn xin các seour cầu nguyện nữa.
Mình có một người bố đỡ đầu rất đạo đức và rất quan tâm đến mình. Nhà của bố ở trên đồi Hollywood. Khi mua nhà trên đó bố trồng rất nhiều loại cây trong vườn, và đã đặt rất nhiều tượng ảnh, đặc biệt tượng Đức Mẹ mà bố rất sùng kính. Buổi tối bố đi “hành hương” trong vườn để đọc kinh. Chắc chắn bố cũng có cầu nguyện cho đứa con đỡ đầu của mình nữa.
Bố đỡ đầu của mình là một bác sĩ tây y lẫn đông ý. Trước đây bố có ý định dạy cho mình châm cứu để đi truyền giáo chữa bệnh, nhưng vì khi mình về Cali thì có thời gian ít quá nên không đủ để cho bố truyền nghề. Thời gian ít ỏi mà bố dạy cho mình, mình không dám đem ra thực hành vì sợ làm hại người khác. Nhưng trong tủ sách mình vẫn còn giữ những cuốn về châm cứu mà bố tặng cho. Giờ đây, chỉ có cái chiêu bấm huyệt trên tay đễ giúp hạ cơn ho bất thình lình thì mình vẫn còn nhớ và lâu lâu cũng dùng đến.
Udon Thani, ngày 21.3.2008
Thời tiết thay đổi
Thời tiết ở đây ngày càng nóng dần. Khoảng 10 giờ sáng trở đi thì bắt đầu cảm thấy khó chịu. Phòng của mình ở lầu hai thì lại càng nóng hơn. Đến tầm 1 giờ chiều thì độ nóng ở mức độ cao nhất. Mình có thói quen mỗi ngày phải ngủ trưa khoảng 1 giờ đồng hồ. Nhưng mấy ngày qua không ngủ được vì nóng quá chịu không nổi. Cái máy lạnh kiểu đời xưa được gắn trong phòng đã bị hư từ lúc nào không hay. Cách đây mấy hôm mình mở ra thì sau một lúc thấy nước chảy từ trong máy ra sàn nhà. Mình có báo cho cha xứ hay nhưng ngài chưa có giờ kêu người tới xem. Cái máy quạt thì cũng có triệu chứng bất thường. Khi mới đến đây cách đây hơn hai tháng, bật lên thấy nó chạy rất mạnh, nhưng lại có tiếng kêu sột sột rất khó nghe. Từ tuần qua, tiếng kêu này không còn nữa, chạy rất êm, nhưng lại….rất chậm. Buổi trưa có nằm được một lúc cũng nhờ có chiếc chiếu mây mà một người giáo dân mua tặng mình từ tháng trước nên nằm cũng đỡ nóng.
Từ ngày có chiếc chiếu mây này thì mình đã lấy cái nệm đặt qua một bên, trải vài lớp mền trên giường cho có độ mềm, rồi trải chiếu mây lên ngủ. Ngủ giường cứng thấy đỡ đau lưng hơn trước. Những năm ở trong dòng, mình nằm trên nhiều cái nệm cũ, lỏm chỗ này, nhô chỗ kia nên triệu chứng mỏi lưng mỗi khi ngủ dậy thường xuyên xảy ra. Giờ đây, mình quyết định không nằm nệm mềm nữa. Nằmg giường cứng mà thấy dễ chịu hơn rất nhiều.
Đây là những tháng đầu tiên mình sống ở vùng này nên cũng chưa biết rõ thời tiết của từng tháng như thế nào. Mà nghe đâu tháng tư và tháng năm rất nóng. Ở Thái Lan thường học sinh nghỉ học từ tháng 3 đến tháng 5, coi như là mùa hè ở đây. Vùng này mùa nóng rất khô khan nên những cánh đồng đều được để trống. Người ta nói không đủ nước để trồng lúa nên phải để vậy. Chỉ có những nơi gần sông Mekong thì người ta trồng hai mùa lúa vì ở đó có nguồn nước đầy đủ.
Bây giờ tháng ba đã thấy nóng lắm rồi. Nhưng mấy ngày qua, tối nào cũng có những trận mưa giông. Tối nay, trời bắt đầu có tiếng sấm cách đây 10 phút dẫn đến một trận mưa nặng hạt đang ào xuống, và cái nóng dường như đã tan biến hẳn. Mình cũng không biết đây là cơn mưa bình thường đối với xứ này hay không. Năm này ở đâu cũng có thời tiết kỳ lạ.
Hôm nay là tối thứ tư của Tuần Thánh rồi mà không khí ở nhà thờ chánh tòa không khác thường là bao. Lúc sáng ĐGM làm lễ làm phép dầu, có tất cả các linh mục và một số tu sĩ trong giáo phận đến tham dự. Thánh lễ cũng có giáo dân tham dự, nhưng không bao nhiêu. Mình cứ nghĩ trong đầu, nếu là ở Việt Nam hay ở Mỹ trong lúc này thì một thánh lễ với ĐGM và nhiều linh mục như thế thì nhà thờ sẽ đông đến cở nào. Nhưng ở đây thì khác. Sau lễ mình cũng như các cha khá lấy những chai nhựa rót ba loại dầu vào để đem về giáo xứ mình sử dụng.
Những ngày lễ Tam Nhật Phục Sinh mình cũng không có vai trò gì quan trọng ở đây. Đó cũng là vì mỗi ngày tại nhà thờ chánh tòa chỉ có một lễ, mà lễ đó thì do ĐGM chủ tế nên ngay cả cha xứ cũng rảnh rổi. Chỉ có cha phó là hơi bận rộn vì phải giúp chuẩn bị các nghi thức cho ĐGM. Mình không phải là cha xứ, cũng không phải là cha phó, nên càng rảnh rổi hơn.
Việc lớn nhất mà mình cần làm trong lúc này là sắp xếp đồ đạc để lên đường đi Úc để tham dự cuộc họp của nhà dòng, và sau đó trở về Thái Lan đảm nhận công việc mới ở một giáo xứ nhỏ ở tỉnh Nóong Bùa Làmpu. Những ngày qua mình cũng đã thu dọn chiến trường ở đây, và đem đồ đi gởi ở nơi làm việc mới. Cũng may là lần này biết rằng sẽ chỉ dừng chân tạm thời ở giáo xứ nhà thờ chánh tòa nên mình đã giữ nhiều đồ trong hộp giấy và vali. Chỉ những gì cần thiết mới đem ra. Vì thế nên việc thu dọn không mấy vất vả.
Sáng Chúa Nhật Phục Sinh, mình sẽ đến Bangkok để dâng lễ cho cộng đoàn Việt Nam ở đó, mà bây giờ được gọi là Cộng Đoàn La Vang. Thánh lễ lần này có sự hiện diện các cha, các seour, và còn có thêm các thầy Việt Nam Dòng Chúa Cứu Thế cũng như Dòng Camilian đang theo học tại Thái Lan. Mình được cha Đức ở Bangkok mời chia sẻ Lời Chúa. Còn cha Trực sẽ chủ tế.
Trời khuya lắm rồi, nhưng sấm xét bên ngoài dường như càng lúc càng kinh khủng hơn. Ngồi nghe mưa bổng nhiên chợt nhớ lại hôm nay lên mạng đọc được một câu: Những cầu vòng đẹp tuyệt vời chỉ xuất hiện sau khi có cơn mưa.
Udon Thani, ngày 19.3.2008
Có ai tin mình là linh mục nghèo?
- Gọi mình có chuyện gì không? - Mình hỏi khi Quỳnh giới thiệu mình trên điện thoại.
- Dạ, thưa cha con muốn hỏi cha Chúa Nhật tới này có lễ bằng tiếng Việt không. - Quỳnh trả lời.
- Chúa Nhật cuối tháng mới có. Chúa Nhật này chưa có đâu.
Mình cũng lấy làm lạ. Mới thứ bảy vừa qua mình đến tập hát cho giáo dân Việt Nam và đã thông báo rõ ràng là cuối tháng mới có lễ, mà tại sao Quỳnh lại gọi đến hỏi thêm lần nữa. Chỉ vài giây sau thì mình có câu trả lời.
Hóa ra việc hỏi ngày giờ lễ chỉ là cách vào vấn đề chính.
- Thưa cha, con có điều này muốn nhờ cha. Hôm nay chồng con gọi điện thoại qua nói bây giờ nhà túng thiếu không có tiền mua gạo. Mà con chưa được trả lương. Cha có thể giúp con được không?
Mình không biết đối với người phải xin tiền thì có khó khăn lắm không, nhưng đối với mình là người quyết định cho hay không thì khó khắn lắm. Khó khăn là vì mình biết rằng mình không có điều kiện để đáp ứng những nhu cầu xin tiền như thế. Và dù mình có đáp ứng được sự cầu xin của một người thì mình cũng không chắc là sẽ giúp được những người khác. Mình không muốn tạo ra một tiền lệ mà những người túng thiếu chạy đến cha để xin giúp đỡ. Mà việc này thì mình biết đang xảy ra vì khi mới đến Udon Thani, mình đã thấy có người đến xin cha John (cha người Mỹ biết nói tiếng Việt) tiền để về Tết. Và cha John đã đồng ý giúp đỡ.
Tối nay trong bữa ăn, mình đem chuyện ra chia sẻ với cha Gowit thì cha Gowit bảo rằng:
- Cha John có một nguồn tài trợ từ nước ngoài. Vì thế cha mới giúp được.
- Thế à. Nếu vậy thì cha John có hoàn cảnh khác con. - Mình nói. - Con không có một nguồn tài trợ nào hết.
Không biết ai làm linh mục có tiền chứ riêng mình thì từ trước đến nay mình chưa bao giờ có nhiều tiền. Là một linh mục dòng, mình dựa vào số tiền hàng tháng nhà dòng cung cấp để chi tiêu. Mình chuẩn bị nhận xứ mà phương tiện đi lại vẫn chưa có.
Tối thứ bảy vừa qua, sau khi làm lễ tiếng Anh tại nhà nguyện dòng Capuchin xong, mình leo lên xe lam đi nhà thờ Banchik. Tuyến xe số hai chỉ đi đến ngã năm thì phải xuống. Mình nhìn đồng hồ thấy con gần một giờ đồng hồ nữa lễ mới bắt đầu. Nghĩ thấy đi xe tuktuk thi cũng mất ít nhất 50 baht. Mà đến sớm thì cũng không làm gì. Cuối cùng mình quyết định đi bộ, vừa tìm đường vừa tiết kiệm tiền.
Tính ra từ ngã năm đến nhà thờ Banchik cũng mất khoảng 3 cây số. Mình đi khoảng hai cây số thì bổng gặp một chị đang ngồi trước trước nhà của chị. Chỉ nhìn mình hỏi bằng tiếng Việt:
- Cha hả?
Mình giựt mình khi thấy có người hỏi đến mình.
- Vâng. - Mình nhìn chị trả lời.
- Cha đang đi đâu đó?
- Dạ em đang đi nhà thờ.
- Sao cha lại đi bộ?
- Vì thấy còn nhiều giờ nên nghĩ là đi bộ kịp nên em đi để tìm đường luôn.
- Cha đi bộ từ đâu đến?
- Từ ngã năm đến.
- Cha đi xa vậy à? Mời cha vào nhà con tí đã. Lát nữa ba mẹ con cũng đi, rồi chở cha đi luôn.
Thế là chị mời mình vào nhà. Bác gái nghe nói mình đi bộ từ ngã năm đến thì tỏ ra bất ngờ.
- Sao cha đi bộ cực nhọc vậy? Lần sau nếu cha cần gì thì gọi điện thoại tới nhà con để nhà con giúp. - Bác gái vừa nói vừa đưa bác trai tờ giấy để viết xuống số điện thoại và địa chỉ của nhà.
Sau lễ, mình ở lại tập hát cho giáo dân Việt Nam. Hai bác cũng đợi mình và đưa mình trở về nhà thờ chánh tòa. Trước khi mình xuống xe, hai bác nhắc lại lần nữa:
- Lần sau cần gì thì cha nhớ gọi nhé.
- Vâng. Con cám ơn hai bác. Con chào hai bác nhé. - Mình trả lời, rồi xuống xe bước vào nhà xứ.
Có lẽ trong giáo phận Udon Thani hiện nay, chỉ có mình là linh mục duy nhất đang đi lại bằng phương tiện xe công cộng. Nhưng mình không phàn nàn. Nếu đi đâu được bằng xe công cộng thì mình đều sẵn sàng. Đó là một cách tiết kiệm tiền, sống một cách giản dị, và giúp đỡ cho môi trường bớt ô nhiễm hơn.
Làm cha như mình tính ra thấy không giúp được nhiều cho những người có nhu cầu xin linh mục giúp đỡ về vật chất. Cũng như trong chuyến đi Hà Tỉnh vào dịp Tết vừa qua, mình đã đón nhận không biết bao nhiêu lời cầu xin giúp đỡ về tài chánh, có lẽ vì mình mang cái mác "linh mục từ Mỹ". Nhưng nếu ai đó đặt nhiều hy vọng vào mình trên phương diện này thì chắc sẽ gặp phải sự thất vọng mà thôi.
Udon Thani, ngày 17.3.2008
Khi người Phật giáo chôn người Công giáo
Hôm nay có lễ đám tang của một người Thái gốc Việt. Từ thứ hai đến nay thì quan tài được đặt tại hội trường của giáo xứ và mỗi tối đều có lễ cầu hồn. Người đến tham dự lễ mỗi ngày cũng như lễ đưa đám chiều nay cũng khá đông. Phần lớn những người đến tham dự là người Việt Nam, trong đó có những giáo dân của giáo xứ luôn đến cầu nguyện cho linh hồn của người đã qua đời.
Một điều đáng nhắc đến là người chết, tên Giacôbê Đoàn Việt Hồng, tuy là người Công giáo, nhưng vợ con thì không theo đạo. Đa số họ hàng và người quen biết đều là người theo đạo Phật. Bản thân ông Hồng cũng ít khi đi nhà thờ. Nhưng không hiểu sao khi chết thì gia đình quyết định đưa vào nhà thờ để làm phép.
Lễ đám ma chiều nay nếu không có những người giáo dân đến tham dự thì có lẽ cha Gowit (mình đồng tế) sẽ làm lễ cho người Phật giáo. Trước thánh lễ, đại diện giáo xứ nhắc nhở mọi người về vấn đề giữ trang nghiệm khi lễ diễn ra vì đây là nơi thánh. Ngoài ra mọi ngượi được yêu cầu tắt và không nên xử dụng điện thoại trong nhà thờ. Còn việc quỳ, ngồi, và đứng thì tùy. Khi quỳ, nếu ai không thấy thoải mái thì có thể ngồi. Và đa số những người tham dự đã làm như thế.
Trong khi phần lớn người dự lễ giữ nghiêm trang trong nhà thờ, có một số người vì không quan tâm đến thánh lễ nên ngồi phía sau chuyện trò suốt buổi lễ. Một người đàn bà điện thoại kêu lên mấy lần, bấm nói chuyện một cách rất tự nhiên.
Lễ đám tang có một vài nét gọi là phong tục Việt Nam, nhưng cũng không đáng là bao. Vợ và con cái mỗi người có quấn khăn trắng trên đầu. Cuối lễ, người đại diện đứng lên cám ơn quý khách bằng tiếng Việt. Nhưng bản thân mình không có cảm giác rằng đây là một đám tang của người Việt.
Có lẽ điều làm mình bất ngờ nhất là khi đưa quan tài ra nghĩa trang sau nhà thờ, gia đình đã quyết định thả giấy vàng suốt chặng đường từ nhà thờ ra đến nơi chôn theo phong tục của người Phật giáo. Dọc đường mình hỏi một người giáo dân đang đi bên cạnh:
- Tại sao đưa xác đến nhà thờ làm phép rồi mà lại còn làm như thế này ngay trong khuôn viên nhà thờ?
- Con cũng không biết nữa. – Bà trả lời. – Con nghe nói tối nay gia đình còn mời sư về tụng kinh ở nhà nữa.
Hóa ra gia đình chơi kiểu “chắc cú” bằng cách vừa làm nghi thức theo đạo Công giáo vừa làm nghi thức theo kiểu Phật giáo. Lần đầu tiên trong đời mình chứng kiến cảnh đưa đám người Công giáo từ nhà thờ ra nghĩa trang mà có thả giấy dọc đường như thế này.
Khi chứng kiến cảnh này, trong lòng mình cảm thấy rất khó chịu. Mình tự hỏi nếu mình là cha xứ thì mình sẽ phản ứng như thế nào với gia đình khi họ quyết định làm hành động này. Nếu trong tương lại mình gặp một trường hợp tương tự thì mình có nên trao đổi với gia đình trước khi làm lễ hay không? Và mình sẽ phản ứng như thế nào nếu gia đình chơi kiểu “làm cả hai cho chắc ăn”?
Sống trong xã hội bị ảnh hưởng bởi Phật giáo rất nhiều, chắc chắn những vấn đề xung khắc như thế sẽ còn xảy ra nữa. Đây là một trường hợp gợi lên cho mình những câu hỏi để mình tự nhìn vào để chuẩn bị đối phó trong công việc mục vụ của mình.
Udon Thani, ngày 14.3.2008
Chia tay tình nguyện viên
Sau một tuần việc xây nhà của nhóm tình nguyện viên đến từ Nhật cũng đã hoàn tất một cách tốt đẹp. Tối nay nhân viên Habitat đã tổ chức một bữa tiệc tại nhà hàng để ăn mừng cũng như để chào tạm biệt mọi người. Ngày mai các bạn sẽ lên máy bay trở về nước mình.
Trong buổi tiệc còn có thêm mục hát karaoke bằng ba thứ tiếng, Anh, Thái, và Nhật. Mình cũng được lên hát một bài. Trước đây mình cũng đã từng hát karaoke nhiều lần nhưng từ ngày đến Thái Lan thì chưa bao giờ đi hát. Hôm nay được kéo lên mình đành chọn một bài nhạc trẻ của Thái Lan để hát. May là còn thêm một người nữa hát chung với mình để bớt mắc cở.
Việc hát karaoke để giúp vui là chính nên ai cũng làm nhiều cử chỉ hài hước để cười. Sau đó còn có mục nhảy múa theo kiểu Thái. Mấy anh nhân viên, đặc biệt Bom, làm hết trò hề này đến trò hề khác cho mọi người cười nức ruột.
Hát hò nhảy múa xong là nghi thức tạm biệt bằng việc các nhân viên Habitat đeo vòng giây trên tay của tình nguyện viên và nói lời cám ơn và những lời chúc may mắn. Khi kết thúc, mình cũng được mời đại diện Habitat để cám ơn tình nguyện viên.
Khi ra về, các tình nguyện viên tỏ ra rất lưu luyến. Đến bãi đậu xe thì Yu móc trong giỏ ra một cái thiệp thật lớn có dán hình của các tình nguyện viên kèm theo những lời cám ơn của từng người để tặng cho mình. Mình rất bất ngờ khi nhận được tấm thiệp này vì mình không nghĩ là các bạn sẽ làm như thế. Các bạn bày tỏ sự biết ơn khi mình đã giúp đỡ, chia sẻ thời giờ với các bạn, và giúp tạo cho các bạn một không khí vui vẻ khi đến Thái Lan. Có bạn hứa sẽ giữ liên lạc và muốn trở lại Thái Lan để gặp lại mình trong tương lai.
Mình rất cảm động vì những tình cảm mà các bạn trẻ đã dành cho mình. Đến với các bạn trẻ luôn làm cho mình cảm thấy vui và phấn khởi. Mình cũng hy vọng rằng trong thời gian ngắn ngủi vừa qua các bạn đã học được nhiều điều bổ ích và sẽ đem nó làm hành trang cho việc xây đắp tương lai của mình. Với những bạn trẻ đầy nhiệt huyết này, mình tin chắc các bạn sẽ có một đời sống tốt đẹp vì các bạn biết sống cởi mở, biết nhìn đến những người xung quanh và biết cố gắng sống vì người khác chứ không chỉ cho riêng mình. Đó chính là những yếu tố sẽ mang lại cho các bạn sự thành công trong cuộc sống.
Udon Thani, ngày 12.3.2008
Tấm lòng người trẻ
Sáng hôm nay nhóm sinh viên người Nhật đến nhà thờ để tham dự thánh lễ Chúa Nhật theo lời mời của mình. Khi mời mình không nghĩ các bạn sẽ thực sự đến tham dự vì thánh lễ diễn ra lúc 8 giờ sáng, một thời giờ khá sớm đối với các bạn trẻ. Thế nhưng mình phải bất ngờ khi thấy các bạn đến trước giờ lễ bắt đầu và đã được sắp xếp ngồi trong những dãy ghế gần gian cung thánh.
Hôm nay nhân viên Habitat tổ chức một ngày đi tham quan cho nhóm sinh viên tình nguyện. Điểm đến đầu tiên là nhà nuôi trẻ bị nhiểm HIV ỏ Nóong Khai. Đây là nhà được đảm trách bởi cha Shea, một linh mục người Mỹ Dòng Chúa Cứu Thế. Đa số các em là những trẻ mồ côi vì cha mẹ đã chết vì căn bệnh SIDA.
Sau đó khi để cho các bạn người Nhật tự do đùa chơi với các em thì một cuộc vui đã diễn ra rất náo nhiệt. Có em đến ôm vai ôm cổ các anh chị như đã quen nhau từ lâu. Ai cũng thích thú được chụp hình và xem hình đã chụp trong máy. Riêng mình thì có hai bé gái cứ chạy theo để chơi trò rượt đuổi. Các bạn sinh viên không hề tỏ ra e ngại khi ôm lấy các em đùa giởn và chụp hình. Sự thân thiện giữa các bạn sinh viên và các trẻ mồ côi bị nhiễm HIV nảy sinh trong chỉ vài giây phút. Có khi người ta gặp nhau vô số lần mà không thể đến với nhau bằng một câu chào thân thiện. Nhưng khi người ta đến với nhau bằng tình yêu chân thật, thì không gì có thể cản trở sự thân thiện và gần gũi được.
Giảng tỉnh tâm
Hôm qua khi mình đang ở nơi xây nhà thì anh King gọi điện thoại đến hỏi:
Nhưng sáng hôm nay, mình đã đứng chia sẻ gần một giờ đồng hồ bằng tiếng Thái với bài chia sẻ mà mình chỉ mới bắt đầu soạn từ chiều hôm qua, và dĩ nhiên là không có bản nguyên văn trước mặt mà chỉ là những ý chính mình muốn trình bày với cộng đoàn.
Không biết vì ơn Chúa Thánh Thần hay vì cái gì khác mà cuối cùng mình cũng đã hoàn tất bài chia sẻ, rồi sau đó còn nhận được một số lời khen từ những tham dự viên. Mình cũng không dám nở mặt nở mày gì vì không biết đây chỉ là những lời khuyến khích xuông hoặc là những lời khen chân thật.
Ngày xây nhà thứ hai
Đoàn tình nguyện viên người Nhật và Tây trở lại làng Nong Na Kham để tiếp tục công trình xây nhà cho người nghèo. Hôm nay việc chính là lót xi-măng làm nền nhà. Các tình nguyện viên phải xúc cát và xỏi rồi đem đi trộn với nước và xi-măng. Hôm nay công việc tuy dễ hơn hôm qua nhưng lại nặng hơn nhiều.
Trước khi lót xi-măng thì nền nhà phải được làm bằng phẳng bằng cái máy mà đỏ này. Những tình nguyện viên thay phiên nhau "ủi nhà" một cách thật thích thú.
Các tình nguyện viên làm việc với thái độ rất nghiêm túc. Khi nhân viên ra lệnh làm thì không ai dám kề cà.
Việc trộn cát, sỏi và xi-măng khá nhọc và đòi hỏi nhiều sức, và phải trộn thật đều trước khi có thể đem đi lót nền nhà.
Một bà hàng xóm thấy tình nguyện viên làm hăng hái và nhiệt tình quá cũng muốn tham gia "đường giây" chuyền xi măng vào nhà.
Sau một buổi sáng làm việc nặng nề (cộng thêm tối trước thức khuya để đánh bài), những cô gái người Nhật này đều "nghẻo cổ" trong giờ nghỉ trưa.
Yu, cô gái đứng ra tổ chức chương trình đi xây nhà cho nhóm tình nguyện viên, lại thoải mái trong tư thể "thẳng cẳng".
Ai chưa ngủ thì ngồi lắng nghe anh Nụm, nhân viên của Habitat ngồi đánh đàn và ca hát. Tối đến anh Nụm còn sách đàn đi đánh ở một nhà hàng trong thành phố. Đa số các nhà hàng lớn ở Thái Lan đều có nhạc sống mỗi tối.
Buổi chiều như thế nào thì mình không hay biết vì phải về nhà để soạn bài giảng tỉnh tâm cho hội bảo trợ ơn gọi của giáo phận.
Udon Thani, ngày 7.3.2008
Đi xây nhà cho người nghèo
Hôm nay mình đi theo đoàn nhân viên và tình nguyện viên của tổ chức Habitat for Humanity đến một làng cách Udon Thani khoảng 10 cây số để xây nhà và làm thông dịch viên cho nhóm tình nguyện viên đến từ Nhật.
Khoảng 9h30 sáng thì công việc xây dựng bắt đầu. Thực ra nhóm không phải làm từ giai đoạn đặt móng, vì đến nơi thì căn nhà đã có móng và có mái. Việc còn lại là làm tường và những thứ khác để hoàn tất căn nhà bề ngang khoảng 6 mét và bề dài khoảng hơn 7 mét. Chủ căn nhà sẽ là một cô gái 20 tuổi và người mẹ trên 60 tuổi. Đây không phải là một căn nhà cho không. Chủ nhà phải trả tiền "down" 20% và mỗi tháng phải trả lại cho hội 1,000 baht (gần 30USD) trong vòng một thời gian thỏa thuận giữa tổ chức và chủ nhà. Mặc dầu đây không phải là nhà "tình thương", nhưng giá xây nhà thấp cũng như chương trình trả góp dễ dãi nên tổ chức Habitat nhận được rất nhiều đơn xin được tham gia chương trình. Đơn được chấp nhạn hay không phụ thuộc vào việc hoàn cảnh gia đình có đáp ứng các điều kiện mà tổ chức đưa ra hay không.
Vì là ngày đầu tiên bắt đầu xây nhà nên các tình nguyện viên trẻ đến từ Nhật rất hăng hái. Mỗi em đã sắm nguyên một bộ đồ "công nhân" nhìn rất chuyên nghiệp.
Việc đầu tiên được ban tổ chức giao cho tình nguyện viên làm là xây tường. Mỗi vách tường có hai người hợp tác làm, trét xi-măng và xếp những viên gạch lớn sao cho ngay thẳng. Nhưng vì đây là lần đầu tiên trong đời các bạn trẻ làm công việc này nên sự hoàn thiện thì khó đạt được. Nhân viên Habitat luôn đứng gần để "chỉnh" lại những viên gạch chưa được ngay thẳng.
Trong khi những tình nguyện viên khác xây tường thì các bạn khác có trách nhiệm trộn xi-măng.
Đến đây thì thầy trò gì cũng phải làm việc như nhau. Cô Rachel, một cô giáo đến từ Scotland cũng tham gia đường giây chuyển gạch một cách hăng hái.
Đến 12 giờ trưa thì mọi người ngừng tay, làm vệ sinh để ăn trưa với những món ăn Thái mà ai cũng cho là rất ngon, không biết tại vì phép lịch sự hay là vì lao động nặng rồi đói bụng nên ăn gì vào cũng thấy ngon.
Đến 3h30 chiều thì việc thi công tạm ngưng để các tình nguyện viên trở về nghỉ ngơi, cũng như để cho xi-măng khô trước khi tiếp tục xây cao hơn.
Trước khi ra về, ông Steve, một tình nguyện viên người Anh chia sẻ: - Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi thấy rằng việc mình làm hôm nay có tiến bộ một cách rõ rệt. Nó làm cho tôi thêm phấn khởi.
Ngày mai, mọi người sẽ trở lại tiếp tục với công việc xây dựng. Nghe nói ngày mai công việc còn nặng hơn hôm nay. Chắc chắn các tình nguyện viên, đặc biệt các bạn nữ sẽ cảm thấy sức lực mình bị thách thức hơn rất nhiều so với ngày đầu tiên thi công. Sau một ngày làm việc, chắc chắn các bạn trẻ khá mệt, nhưng trên những khuôn mặt trẻ trung đầy nhiệt huyết đó luôn hiện lên một nụ cười rất thân thiện và vui tươi.
Udon Thani, ngày 6.3.2008
Cánh cửa bắt đầu mở ra
- Về việc của cha, bây giờ cha sẽ đến giúp ở Nong Bua Lamphu trong thời gian giáo xứ này chưa có người đảm trách. Rồi sau đó có thể nhờ cha đến một nơi khác vì trong tương lại sẽ có một số thay đổi về nhân sự.
- Vâng, con nghĩ rằng việc con đến NBL là điều thích hợp nhất trong lúc này vì con có thể ở đó thường xuyên.
- Một điều nữa là hôm qua có nghe cha Sốm Nức bảo rằng cha thích làm việc với giới trẻ. Hiện nay trong giáo phận người đảm trách về giới trẻ là cha Uthai. Vì vậy nếu được thì cha có thể cộng tác với cha Uthai để làm mục vụ giới trẻ.
- Vâng, con rất muốn làm việc với giới trẻ. Nếu Đức Cha giao cho con việc này thì con sẵn sàng nhận. Con nhờ Đức Cha tạo cho con một cuộc gặp gỡ với cha Uthai để chúng con có thể trao đổi.
- Cha Uthai đang ở đây. Cha không nhớ mặt ngài à?
- Dạ thưa Đức Cha, con chưa nhớ hết mọi người.
- Lát nữa tôi sẽ ra ngoài nói chuyện với cha Uthai rồi sau đó cha có thể đến gặp ngài.
- Vâng.
- Cha có thể hợp tác với cha Uthai làm mục vụ giới trẻ khi ở NBL, hoặc sau này nếu cha có dọn về nơi khác thì cũng có thể tiếp tục từ đó. Về việc các seour ở trường St. Mary muốn cha dạy trong trường của các seour, tôi nghĩ là cha không nên nhận. Vì nếu cha dạy học ở trường thì sẽ rất khó cho cha làm những việc khác đòi hỏi cha phải đi đây đó. Các tu huynh có thể dạy được, nhưng đối với một linh mục thì gây nhiều cản trở.
- Vâng, con cũng đã nghĩ đến điều này và thấy rằng có lẽ con sẽ không nhận việc dạy học trong trường của các seour được.
Khi đang ngồi nói chuyện với ĐGM thì điện thoại trong túi quần rung, nhưng mình không thể trả lời. Sau đó ra ngoài gọi lại thì mới biết cuộc điện thoại lỡ xuất phát từ cô Thátsờnì, là người quản lý chương trình Habitat for Humanity ở Udon Thani. Cô nói với mình qua điện thoại:
- Thưa cha chiều nay khoảng 1 giờ cha có rảnh không?
- Hình như rảnh. – Mình trả lời. – Có gì không chị?
- Thưa cha, hôm nay có một nhóm sinh viên đến từ Nhật Bản giúp xây nhà cho người nghèo trong vùng Udon Thani. Chiều nay họ sẽ đi tham quan một điểm phát triển mô hình chăn nuôi giúp người nông dân, nhưng không có ai dịch tiếng Thái ra tiếng Anh. Cha có thể đi được không?
- Được. Chiều nay tôi rảnh nên đi được.
- Vậy thì tuyệt quá. Con sẽ đến đón cha ở nơi tỉnh tâm lúc 1 giờ nhé.
- Vâng. Tôi chờ chị ở đây.
Thế là chiều nay mình đi làm thông dịch viên cho nhóm sinh viên người Nhật và một nhóm thầy cô người Tây (dạy học ở Nhật) từ tiếng Thái sang tiếng Anh. Rồi có một người thứ hai dịch từ tiếng Anh sang tiếng Nhật cho những ai không nói được tiếng Anh. Nhóm tình nguyện viên có khoảng 12 sinh viên và 4 giáo viên. Trong nhóm sinh viên tất cả đều là con gái, chỉ có một người con trai.
Công trình phát triển xã hội mà nhóm đến thăm triển khai mô hình chăn nuôi nhỏ một cách tự nhiên và tiết kiệm ngân sách cho người nông dân. Đây là cách để cho người dân có thêm thu nhập để hỗ trợ cho kinh tế gia đình. Mô hình chỉ cách nuôi cá, heo, gà, ếch, cua đồng… một cách tự nhiên đồng thời tiết kiệm vốn đầu tư. Mô hình này nằm dưới sự điều hành của tổ chức phi chính phủ World Vision, là một tổ chức Tin Lành.
Lần đầu tiên từ ngày đi học tiếng Thái, mình làm thông dịch viên cho người nước ngoài. Mà thông dịch chuyện bình thường thì còn đỡ, đây lại là thông dịch những vấn đề liên quan đến chăn nuôi trồng trọt. Thế mà cuối cùng thì mọi chuyện cũng tốt đẹp.
Tối nay tình nguyện viên cũng như nhân viên Habitat for Humanity đến một quán buffet ăn tối. Mình cũng ra đó với họ sau khi ăn tối ở nhà xong. Mục đích ra là để gặp gỡ và nói chuyện, đặc biệt với những thầy cô giáo, trong đó có một cặp vợ chồng trẻ người Canada, một cô gái Scotland, và một người đàn ông người Anh.
Mình có dịp chia sẻ với họ rất nhiều chuyện, về xã hội, văn hóa Thái Lan, về đường hướng truyền giáo của mình cũng như giáo hội Công giáo, cũng như những chương trình mục vụ trong giáo phận.
Anh chàng nguời Canada rất ấn tượng với những gì mình chia sẻ. Anh nói:
- Tôi và bạn bè của tôi từ trước đến nay chỉ quan tâm đến việc đi học và sau đó là bước vào thế giới làm việc. Tôi trước đây là một kỹ sư điện toán. Sau khi vợ chồng tôi quyết định bỏ việc hai người đang làm để đi qua Nhật dạy học, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Và đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia một chương trình giúp đỡ người nghèo, nên chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi.
Anh ta cũng hỏi mình rất nhiều điều về việc đời sống tu trì và truyền giáo.
- Tôi xin lỗi vì tôi rất dốt về đạo Công giáo. Vì vậy tôi mới hỏi như thế này.
- Ồ, không sao hết. Tôi vui lòng trả lời bất cứ câu hỏi nào mà anh thắc mắc. – Mình trả lời.
Buổi ăn tối kết thúc. Nhân viên Habitat ra về để nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc. Các tình nguyện viên cả thầy lẫn trò sẽ đi dạo Chợ Đêm ở gần ga xe lửa, rồi sau đó trở về khách sạn ngủ. Sáng mai sẽ bắt đầu chương trình xây nhà. Mình cũng sẽ đi theo để giúp dịch và tham gia. Chắc chắn mình sẽ có một ngày thú vị không thua gì ngày hôm nay.
Ngồi nghĩ lại những gì xảy ra trong ngày, mình cảm thấy thật hạnh phúc. Sự bối rối của những ngày trước hoàn toàn như đã biến đi vì giờ đây mình biết rằng trong tương lai gần mình sẽ đi đâu và sẽ làm gì. Dĩ nhiên khi bắt đầu công việc thì sẽ có những bối rối khác, nhưng đó là sự bối rối của người đang học hỏi khám phá, không phải sự bối rối của người đối diện với những câu hỏi mà không thấy ai trả lời. Hôm nay quả thật là một ngày tuyệt vời.
Udon Thani, ngày 5.3.2008
Cô bé trong quán quấy tiếu
- Hello. – Mình trả lời. Bên kia đường giây là tiếng một người con gái, giọng miền Trung.
- Con chào cha.
- Ai đây à? – Mình hỏi.
- Thưa cha con là Hoa. Cha gặp con trong quán ăn tối Chúa Nhật đó.
- À. Thế hả? Sao khỏe không?
- Dạ. con khỏe. Cám ơn Cha.
Hai bên hỏi qua hỏi lại một lúc. Nhiều khi mình phải kêu cô bé lập lại vì giọng nói không biết ở vùng nào của Nghệ An hay Hà Tỉnh mà thật là khó nghe. Từ ngày đến Thái Lan, mình đã gặp hàng trăm người Nghệ An – Hà Tỉnh. Tuy giọng nói của họ hơi khó nghe thật, nhưng mình dường như hiểu hết. Nhưng giọng của cô bé này thì mình phải tập trung lắm mới hiểu được em đang nói gì.
Nói chuyện đôi chút, Hoa hỏi mình:
- Giờ đây cha đang ở đâu?
- Mình ở nhà thờ chánh tòa Udon Thani.
- Cha cho con hỏi ở đó có việc làm không cha?
- Ở đây đâu có việc gì làm đâu.
- Rứa à. Con tưởng ở đó cha có việc cho con làm thì con đi lễ được luôn.
- Vậy ở chỗ làm bây giờ gần nhà thờ vậy mà đi lễ không được à? – Mình hỏi lại.
- Dạ không.
- Một tuần nghỉ một tối có được không?
- Thưa cha không vì phải tiếp khách.
- Vậy một tháng có lễ tiếng Việt một lần, xin chủ quán cho nghỉ vài giờ đồng hồ để đi lễ được không?
- Dạ không cha.
Thế thì không biết phải làm sao nữa. Nơi làm việc chỉ cách nhà thờ 5-10 phút đi bộ mà một tháng một lần cũng không đi lễ được thì coi như là “bó tay”. Ở Việt Nam, hiện nay người quê vào thành phố lao động, mặc dầu tiền ít nhưng muốn đi nhà thờ không gì khó khăn. Ở Thái Lan này, các bạn trẻ đến làm việc, lương có phần cao hơn, nhưng việc lễ lạy thì xem như là gạt qua một bên. Một phần thì mình cảm thấy họ đáng thương và tội nghiệp. Nhưng một phần mình lại đặt vấn đề, phải chăng họ thực sự không thể đi nhà thờ được hay vì chưa cố gắng tìm cách để chu toàn bổn phận tâm linh trong đời sống của mình?! Sợ nhất là khi người ta bắt đầu biện hộ cho sự lười biếng và thiếu cố gắng của mình bằng những lý do không chính đáng.
Udon Thani, ngày 4.3.2008
Quyết định
- Seour quản lý trường St. Mary muốn gặp cha. Lúc sáng tôi qua đó làm lễ, các seour muốn hẹn gặp cha sáng nay. Nhưng tôi bảo là phải đợi đến chiều vì sáng nay các cha có họp.
- Seour muốn gặp con có chuyện gì thế? – Mình hỏi.
- Các seour muốn cha dạy trong trường St. Mary.
- Vậy cha hẹn seour mấy giờ?
- 2 giờ chiều.
Hóa ra là bây giờ các seour lại có ý định muốn mời mình dạy ở trường của các seour. Lạ thật, khi mình đã bỏ đi tất cả những ý định dạy học thì lại bắt đầu có những lời mời muốn mình vào dạy. Trước đây khi mình vừa đến Udon Thani, thời giờ rảnh rổi, không biết mình sẽ làm gì, muốn vào trường dạy thì lại không thấy ai nghó nghé hay quan tâm. Mình có ngõ ý xa xa gần gần mà không thấy ai lên tiếng, nghĩ rằng họ không cần mình dạy. Thế là mình phải tìm những sinh hoạt khác để hội nhập văn hóa và thực tập mớ tiếng Thái mà mình đã học được ở Bangkok.
Sau này suy nghĩ lại mình thấy việc dạy học cũng khá bất tiện vì sẽ chiếm nhiều thời giờ, trong khi mình sẽ phải đi họp hành, và làm những công việc mục vụ khác nữa. Mình bắt đầu thấy việc dạy học không còn khả thi nữa, và không còn mặn mà với ý định dạy học như trước. Nhưng bây giờ lại có những lời mời dạy học, bắt đầu ngay tháng 4 này. Nhưng mình không còn rảnh nữa, vì cuối tháng 3 mình sẽ đi họp ở Úc tới ngày 8 tháng 4 mới về.
Sau vài tháng gia nhập giáo phận, mình đã nhận ra rằng nếu mình muốn làm một điều gì đó thì hãy tự mình chủ động, không cần phải chờ sự yêu cầu từ phía trên. Thế là chiều nay mình đã bước vào phòng của ĐGM và thưa với ngày rằng:
- Thưa Đức Cha, con thấy cuối tháng này thì cha K. sẽ rời giáo xứ Nong Bua Lamphu. Cha Trực, người sau này sẽ đến NBL đảm trách giáo xứ, thì đến tháng 6 mới chấm dứt chương trình học. Ngài còn muốn đi thực tập một thời gian nữa. Con nghe nói hiện nay việc Đức Cha tìm ra người đến giúp trong thời gian trống này rất khó khăn. Vì vậy, nếu Đức Cha muốn thì con sẵn sàng đến NBL giúp cho đến khi nào cha Trực sẵn sàng để đảm nhận công việc.
- Nếu được vậy thì tốt lắm. – Đức Cha trả lời. Ngài không bỏ giờ suy nghĩ mà chấp nhận ý kiến mình nêu lên ngay lúc đó.
Trên thực tế, ý định đến NBL để giúp trong thời gian chờ cha Trực học xong chỉ đã đến với mình từ sáng hôm nay. Sau khi hỏi ý một vài cha, mình đã đến thưa chuyện với Đức Cha ngay vì trong thâm tâm mình có cảm giác đây là một việc nên làm. Sau những chuyến đi tham quan đây đó trong giáo phận, mình chưa tìm ra nơi nào phù hợp với sở thích và ý nguyện của mình. Vì thế việc đến NBL sẽ vừa đáp ứng nhu cầu của giáo phận trong lúc này, vừa phần nào giảm bớt áp lực cho anh Trực phải rút ngắn chương trình học hành của anh. Bên cạnh đó, mình sẽ hết “thất nghiệp”, đồng thời có thêm thời gian để tìm hiểu về con đường phát triển mục vụ của hội dòng một cách thỏa đáng.
Sau khi nói chuyện rất nhiều với anh Trực chiều nay trên điện thoại, mình lại càng cảm thấy tự tin và bình an hơn với quyết định mình đã có. Sự bình an trong tâm hồn sau khi có quyết định ấy đã nói với mình rằng, đây là sự soi sáng của Chúa giúp mình đi đến một quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, một điều khó mà mình phải làm đó là trả lời với cha Sốm Nức rằng, mình không thể đến cộng tác với cha ở Huây Sườm, mà cha đẵ hy vọng rất nhiều là mình sẽ nhận lời mời. Mình hy vọng rằng cha sẽ thông cảm cho mình và tiếp tục nâng đỡ mình trong hướng đi mà mình đã chọn.
Udon Thani, ngày 3.3.2008
Thánh lễ tiếng Việt đầu tiên tại Udon Thani
(Cha John và một số giáo dân đến tham dự thánh lễ tiếng Việt)
Nếu nói khách quan thì thánh lễ hơi lộn xộn vì có người thì không đọc được tiếng Việt, hát lễ thì dường như mỗi người mỗi giọng, đọc kinh thì người đọc theo bản dịch mới, người đọc theo bản dịch cũ (mặc dầu bản dịch mới đều đã được phát ra cho mọi người). Mình đang giảng thì phía dưới có mấy người xì xào quay qua quay lại vì…mất tờ giấy lời nguyện giáo dân. Nhưng cuối cùng thì thánh lễ cũng đã được hoàn tất trong sự vui mừng và hớn hỡ của mọi người tham dự.
Sau lễ mọi người được đãi món bánh đúc được một cô người Việt kiều mang đến. Chị Koi, một người sinh ra và lớn lên ở Thái Lan nói với mình:
- Đây là lần đầu tiên con được tham dự lễ tiếng Việt. Mới đầu thì nghe lạ tai, nhưng sau đó lại thấy rất thích.
Một dì người Việt chia sẻ trước khi ra về:
- Hôm nay là đúng một năm kể từ lần cuối cùng con được đi lễ tiếng Việt. Con vui lắm cha.
Thánh lễ bắt đầu lúc 7h30, nhưng khoảng 7 giờ thì mình bắt đầu tập hát cho cộng đoàn. Trước 7 giờ thì có hai chiếc xe tuktuk tiến vào cổng nhà thờ, trên mỗi chiếc là một nhóm bạn trẻ Việt Nam đến tham dự lễ. Một bản trẻ nói:
- Chúng con bắt đầu chuẩn bị từ lúc 5 giờ đó cha à.
Có thể nói những người đi lễ hôm nay đã rất mong chờ có được thánh lễ bằng tiếng mẹ đẻ của mình để khi tham dự được sốt sáng và tâm tình. Nhưng nghĩ lại cũng thấy tiếc là còn rất nhiều người nữa sẽ không đi lễ được vì phải làm việc vào ngày Chúa Nhật.
Trên đường đến nhà thờ, cô Tia và người anh trai đưa mình ghé qua một quán quấy tiếu để ăn tối. Nhân viên phục vụ là một bạn trẻ người Việt. Mình hỏi:
- Em có phải người Công giáo không?
- Dạ phải. - Em trả lời.
- Thế hả? Tối nay có lễ tiếng Việt ở nhà thờ gần đây. Em có biết không?
- Dạ em không biết. Em cũng chỉ mới đến thôi.
- Vậy em đi được không?
- Chắc không được. Em phải làm việc buổi tối.
Mình giới thiệu rằng mình là linh mục, và cho bạn trẻ ấy số điện thoại của mình để liên lạc nếu em muốn biết thông tin về lễ Việt Nam. Thật đáng tiếc khi bạn trẻ ấy ở rất gần nhà thờ có lễ tiếng Việt, nhưng vì vấn đề mưu sinh nên không thể đến nhà thờ được.
Mặc dầu số người tham dự thánh lễ tiếng Việt tối hôm nay chỉ chừng 50 người, và thánh lễ diễn ra hơi vụng về, nhưng tinh thần của mọi người tham dự đều phấn khởi với lòng tri ân tình yêu của Thiên Chúa. Minh hy vọng rằng từ bước đầu tiên khiêm tốn này, thánh lễ tiếng Việt sẽ tiếp tục được duy trì và được các cha cũng như giáo dân hưởng ứng để có thể trở nên một điểm tựa tinh thần cho người Việt đang tha hương cầu thực cũng như những người Thái gốc Việt muồn tìm về nguồn cội của chính mình.
Udon Thani, ngày 2.3.2008
Một chút nhìn lại
(Ngôi nhà thờ thánh Gerard ở Khon Ken, nơi cha Paul, CSsR làm cha sở)
Chuyến đi Khon Ken tuần này giúp cho mình nhận thấy rằng việc mình đến Udon Thani thực tập thay vì đến Khon Ken như đã dự định trước đây, cũng không hẳn là một quyết định mà mình nên hối tiếc. Đã có lúc mình tự hỏi tại sao mình lại đến Udon Thani trong khi ở Khon Ken mình sẽ thoải mái hơn với cha Paul. Đến Udon Thani những gì nằm trong dự định ban đầu của mình đều đã hoàn toàn không xảy ra. Chính vì thế nên đôi khi mình nghĩ rằng mình đã có một quyết định sai. Tuy nhiên, những ngày qua, mình thấy rằng ở Khon Ken chưa hẳn thuận tiện hơn ở Udon là bao. Lý do là vì đây là một giáo xứ thành phố. Người giáo dân ít lui tới nhà thờ, ngoại trừ vào giờ cuối tuần. Nếu ở đây, mình không biết sẽ gặp gỡ những ai ngoài các cha trong giáo xứ. Mặc dầu mình sẽ thoải mái thật khi được ở với cha Paul, là một người rất cởi mở, vui vẻ, và tốt bụng, nhưng e rằng cơ hội để hòa nhập vào đời sống của người dân cũng không nhiều lắm.
Ở Udon Thani, mặc dầu mình đã không làm được những điều trong dự định ban đầu, nhưng cũng có những việc khác xảy ra làm cho mình không luyến tiếc thời gian ở đó. Thứ nhất là mình gặp gỡ được nhiều người Thái gốc Việt ở Udon Thani, cũng như một số người Việt đến Thái Lan lao động. Điều thứ hai là mình đã được phép làm lễ tiếng Việt mỗi tháng một lần cho người Việt Nam. Đây là điều mà mình ao ước được làm và tối mai sẽ có thánh lễ tiếng Việt đầu tiên tại Udon Thani. Mình hy vọng rằng việc này sẽ duy trì lâu dài nếu không có những vấn đề rắc rối xảy đến.
Udon Thani cũng là trung tâm của địa phận nên cơ hội gặp gỡ các vị trong giáo phận cũng xảy ra nhiều hơn, trong đó có những dòng tu nữ như dòng Capuchin, dòng Nữ tử bác ái, dòng Mến Thánh Giá… Ở Udon Thani đã tạo ra cho mình những thách thức khi chuyện xảy ra không giống kế hoạch, buộc mình phải vạch ra cho mình một chương trình tìm hiểu và hội nhập trong đó mình hoàn toàn chủ động. Có thể nói, qua những chuyến thăm viếng các giáo xứ mà mình đã tự sắp xếp và thực hiện, mình đã hiểu thêm về hoàn cảnh của giáo phận, cũng như nhận ra một vài lối đi tiềm năng cho công tác mục vụ trong thời gian sắp đến.
Các chuyến đi cũng giúp mình nhận ra rằng, trong giáo phận cũng có những vấn đề liên quan đến tổ chức nhân sự, lãnh đạo, v.v. đôi khi chưa nhận được sự đồng lòng của mọi người khiến vấn đề phức tạp hơn những gì một người mới đến như mình có thể nhận ra hoặc thấu hiểu. Tuy nhiên, đây là giai đoạn cho mình quan sát, lắng nghe, và tiếp thu thông tin hơn là đưa ra nhận xét hoặc phán đoán. Vì thế trước những gì mình nghe được thấy được, mình cũng cố gắng giữ thái độ khách quan. Đây chưa phải là lúc mình bày tỏ ý kiến ủng hộ thành phần này hoặc chỉ trích thành phần kia.
Cuối cùng thì giờ đây mình vẫn là người “thất nghiệp” – thất nghiệp vì chưa thấy một cơ hội nào thực sự làm cho mình cảm thấy thu hút; thất nghiệp vì chưa nghe ĐGM trao đổi với mình về những nhu cầu của giáo phận mà mình có thể cộng tác; thất nghiệp vì những gì mình mong muốn làm thì không thấy con đường mở ra cho mình. Chắc chắn không sớm thì muộn mình sẽ được giao công việc để làm. Mình chỉ mong rằng đó là công việc nằm trong khả năng của mình, và sẽ mở ra cho mình những hướng đi tích cực để phát triển công việc truyền giáo là mục đích mình đã đến đất nước này. Mình phải tin rằng tất cả những gì xảy ra đều là ý Chúa. Để Ngài dẫn dắt mình thay vì cứ khăng khăng đòi tự điều khiển đời sống của mình. Có lẽ đây là lúc mình cần đặt trọn niềm tin cậy vào sự quan phòng của Chúa, để tinh thần bình an và thanh thản khi biết rằng Chúa đang ở bên cạnh mình và đang đẫn đường cho mình từng bước từng bước một.
Khon Ken, ngày 1.3.2008