Noel của những người trẻ


Chiều thứ bảy giới trẻ trong giáo xứ tụ họp tại nhà thờ để mừng Noel, cũng là vào dịp ngày mừng thánh Gioan tông đồ. Vì giới trẻ là tương lại của giáo xứ cũng như xã hội nên mình cũng cố gắng đầu tư nhiều vào các bạn. Mình hy vọng rằng với ban hội đồng giáo xứ mới và có người phụ trách giới trẻ, trong tương lai chương trình giới trẻ trong giáo xứ sẽ thăng tiến và có nhiều sinh hoạt cho giới trẻ không chỉ trong giáo xứ mà còn trong tỉnh.


Thứ ăn mình đặt sẵn vì không có thời giờ để nấu. Tuy nhiên chỉ phần gỏi đủ đủ thì các bạn trẻ phải từ dã trong cối. Cách làm gỏi đu đủ (tiếng Thái gọi là sôm tặm) là bỏ đu đủ đã bào sẵn, cà chua, dưa leo, rất nhiều ớt cay v.v. vào cối để dã ra, rồi cho vào một loại mắm cực kỳ hôi và trộn đều. Đây là gỏi đu đủ nổi tiếng của người Thái vùng đông bắc, mà ăn vào không chảy nước mắt thì không đúng khẩu vị của nó.


Ngoài việc ăn uống còn có mục hát karaoke. Thằng Pond đang hát một bài hát tiếng anh của nhóm Westlife. Pond là tên cúng cơm của nó, còn tên thật là gì mình chẳng nhớ. Người Thái ai cũng có tên cúng cơm dễ gọi dễ nhớ. Có đứa tên Heo, tên Mèo, tên Ngân Hàng, Thuyền, Chuông, v.v. Nói chung tên gì cũng có được cả. Bữa giờ chỉ chưa gặp ai tên Chó hoặc Trâu mà thôi.


Mừng Giáng Sinh với các bạn trẻ xong thì coi như các chương trình đón Noel đã chất dứt. Có thể nói rằng đây là một Noel thật vui nhộn và nhiều sinh hoạt, cũng như tốn kém đối với mình. Mình đã bỏ ra nhiều tiền riêng để tổ chức các sinh hoạt vì khả năng đóng góp của giáo dân cũng khá khiêm tốn. Nhưng mình đã có được niềm vui trong việc tổ chức Giáng Sinh. Và mình cũng hy vọng rằng mình đã đem niềm vui đến cho những ai đến mừng lễ.
Nong Bua Lamphu, ngày 28.12.2008

Noel của những người già


Cứ hàng năm vào dịp Noel thì vợ chồng anh Eddy và cô Fốn tổ chức một bữa tiệc lớn tại gia đình và mời tất cả những người già trong làng đến tham dự. Trong bữa tiệc có thánh lễ theo nghi thức Công giáo (mặc dầu đa số những người đến dự tiệc là Phật giáo), và sau đó là trao quà cho tất cả những vị cao niên đến dự tiệc. Hai vợ chồng còn mời nguyên một đoàn hát dân ca Thái Lan đến trình diễn ngay trong sân nhà để cho mọi người cùng thưởng thức. Anh Eddy nói lý do tổ chức tiệc Noel hàng năm là để chia sẻ niềm vui của người Công giáo với những người già trong làng, nhiều khi ít có ai quan tâm, cũng là một hình thức truyền giáo mà một giáo dân như anh có thể làm được. Hiện nay anh Eddy là trưởng ban hành giáo của giáo xứ và cô Fốn phụ trách công tác "công lý và hòa bình" cho giáo xứ. Hai vợ chồng này cũng có công trình rất lớn trong việc thành lập mục vụ HIV/AIDS của Công giáo tại tỉnh Nong Bua Lamphu cũng như việc xây dựng nhà thờ đầu tiên tại tỉnh này.




Những người già ngồi tham dự thánh lễ và nghe giảng một cách trịnh trọng mặc dầu họ không hiểu gì về nghi thức Thánh Lễ Công giáo.


Một điều bất ngờ xảy ra đối với mình và phần nào đối với anh Eddy và cô Fốn là người trong làng đã mang đến một "vật" gọi là "bày sí" làm từ lá chuối và được trang hoàng bằng hoa. Mọi người ngồi quanh vật này trong khi một đại diện đọc lời nguyện. Truyền thống này đến từ đạo Brahman và được hội nhập vào đạo Phật giáo Thái Lan. Nghi thức này có mục đích xin chúc lành cho những người có mặt tại buổi tiệc cũng như gia đình của họ. Lời nguyện mà người đại diện đọc toàn bằng tiếng Pali nên không ai hiểu gì. Khi đọc xong ông lấy nước rảy hết mọi người xung quanh để chúc lành cho họ.
Mình ngồi bên cạnh người đại diện để tham dự nghi thức nhưng mình không chấp tay như những người khác. Anh Eddy cũng có phần e ngại là mình sẽ khồng vừa lòng khi có nghi thức này. Nhưng mình cũng nói là hãy để cho mọi người tự nhiên. Anh Eddy cũng xin mình lấy nước thánh rảy lên trước khi bắt đầu như một hình thức "Công giáo hóa" nghi thức.


Sau các nghi thức là phần trao quà cho các người cao niên. Mình được chủ nhà mời trao quà cho những người đến tham dự. Chỉ người già được nhận quà còn nhiều người trẻ khác cũng đến tham dự thì không được nhận quà. Phong tục của người Thái là trước khi nhận gì từ tay người khác là phải chấp tay "wai" trước rồi mới được nhận. Bọn trẻ vẫn hay bị người lớn la khi chúng quên tục lệ này trong cách hành xử hằng ngày với người lớn.
Nong Bua Lamphu, ngày 28.12.2008



Giang Sinh của các bạn trẻ Việt Nam


Mặc dầu đối với đa số người Thái Lan, ngày 25 tháng 12 cũng chỉ là một ngày bình thường, ngày mà ai ai cũng phải đi làm đi học, nhưng đối với các bạn trẻ Công giáo Việt Nam, việc có một buổi liên hoan mừng Giáng Sinh là một niềm hạnh phúc lớn. Tuy rất muốn, nhưng không phải ai cũng đến dự buổi họp mặt được vì ở xa và vì không xin nghỉ việc được. Thức ăn trải trong phòng khách của nhà xứ. Tất cả các món ăn đều được các bạn trẻ đạo diễn, trong đó có cá rô-phi nướng muối, thịt bò nướng, thịt bò xào, thịt gà nướng và sò huyết nướng. Trong buổi tiệc cũng không thiếu bia Leo là một hiệu bia rất phổ biến tại Thái Lan.


Các bạn đang chơi trò chơi "Nhạc trưởng". Ai không tìm ra được người nhạc trưởng bí mất đang diễn đạo những động tác thì sẽ bị phạt. Mình bị phạt phải múa một bài Con cò bé bé.


Còn có trò chơi "hái lộc" Noel. Trong các phong bì là một món tiền có giá trị khác nhau, bốc nhằm món nào thì giữ món ấy. Thằng Nguyên đang đắn đó không biết nên bốc phong bì nào.

Nhưng trước khi nó đến được với việc chọn phong bì thì nó phải trải qua một cuộc "khủng bố" từ mấy đứa khác. Nếu tụi nó chọc mà cười thì không được lấy quà. Thằng Nguyên bị nói đủ thứ vậy mà mặt vẫn chai như đá.


Ăn uống và chơi xong một lúc thì mọi người vào nhà thờ viếng hang đá và chụp hình lưu niệm. Cái ngôi sao chỉ đường đó là do thằng Phong và thằng Thuấn đến từ Bangkok làm.





Những cuộc "khủng bố khác"


Thắng và Mân bị phạt sau khi chơi trò chơi "gối đầu mông" mà tụi nó bị lẫn lộn giữa đầu và mông.
Thế là chương trình họp mặt các bạn trẻ Việt Nam trong dịp Noel đã diễn ra tốt đẹp mặc dầu mình đã hy vọng rằng số người đến được nhiều hơn. Tuy vậy sẽ còn có những dịp khác để cho mình tổ chức những sinh hoạt giới trẻ Việt Nam. Đây chỉ là lần đầu nên việc tổ chức vẫn chưa tốt. Điều kiện của các bạn cũng khó khăn vì ở xa nhau và công việc vất vả, mỗi ngày phải làm nhiều giờ đồng hồ. Thế nhưng có được buổi họp mặt đã là một điều rất có ý nghĩa và là nền tảng cho nhiều sinh hoạt trong tương lai.
Tối qua, thằng Tuấn, Nguyên, Thắng và Tăng kêu mình ra sân trước để gặp riêng. Mình hỏi tụi nó chuyện gì mà nói riêng thế. Tụi nó bảo là tụi nó muốn kết nghĩa anh em nên muốn có mặt mình để làm chứng. Tụi nó nói là hôm nay là ngày Noel, là một ngày rất đặc biệt. Vì thế chọn hôm nay để kết nghĩa là có ý nghĩa nhất. Mình cũng góp ý cho tụi nó về ý nghĩa của việc là "bạn bè" và cũng là "anh em". Khi là bạn thì phải như thế nào và khi là anh em thì phải như thế nào. Sau đó tụi nó bắt tay nhau, chia sẻ với nhau cảm nghĩ của mình và đồng thuận trong việc trở nên 4 anh em kết nghĩa. Mình chúc lành cho tụi nó.
Nong Bua Lamphu, ngày 26.12.2008







Vinh danh Thiên Chúa trên trời












Thế là chương trình lễ Vọng Giáng Sinh cũng đã diễn ra tốt đẹp với những sinh hoạt rước kiệu sao và nến, hoạt cảnh Giáng Sinh, Thánh Lễ và tiệc mừng và phát quà. Số người đến dự lễ nhiều hơn dự định. Thoạt đầu mình nghĩ chỉ khoảng 100 người. Sau đó thì cô Tú nói là có lẻ sẽ 150 người. Nhưng tối qua thì đếm có khoảng 200 người. Nhà thờ không còn chỗ ngồi và giáo dân phải ngồi ra bên ngoài. Đặc biệt có rất nhiều học sinh đến tham dự.
Một đặc điểm của Thánh lễ Giáng Sinh ở giáo xứ mình là đa số người đến dự lễ không phải là Công giáo. Và một phần không ít người Công giáo cũng thuộc thành phần thỉnh thoảng mới đến nhà thờ một lần.
Sau khi chương trình mừng Noel kết thúc, anh Eddy, là trưởng ban hành giáo ở lại ngồi uống rượu và nói chuyện với mình đến 2 giờ sáng mới về. Anh Eddy nói rằng trước đây các cha đến NBL đều không có ý định ở lại lâu dài hoặc làm việc để phát triển giáo xứ. Các ngài cũng không giao cho giáo dân những trách nhiệm cụ thể trong giáo xứ. Vì vậy bản thân anh không cộng tác vào công việc của giáo xứ một cách tích cực. Nhưng giờ đây anh thấy mình là một người làm việc nghiêm túc và dấn thân nên anh sẵn sàng góp sức với mình.
Quả thực là thế. Lễ Vọng Giáng Sinh tối hôm qua sẽ không thành công nếu không có sự cộng tác của các thành viên của Hội đồng giáo xứ mà chỉ mới được thành lập chưa đầy 1 tháng. Họ là người đã kêu gọi giáo dân mang thức ăn tới nhà thờ, tổ chức chương trình bốc thăm quà, và chương trình lễ và hoạt cảnh Giáng Sinh. Mình cũng làm phần của mình, trang trí nhà thờ, huy động ân nhân và tìm tài chánh để có quà cho mọi người đến dự lễ. Trong dịp Giáng Sinh, mình phát cho giáo dân những chiếc áo có in hình Tổng lãnh thiên thần Micaen và có tên của nhà thờ bằng tiếng Thái và tiếng Anh. Sáng nay bọn trẻ trong TT mồ côi mặc áo đi tham dự chương trình Noel tại Udon Thani nhìn rất đẹp. Sự cộng tác giữa mình và giáo dân đã làm nên một thánh lễ đáng nhớ tại NBL.
Mình đã rất hạnh phúc khi thấy trong số người đến dự lễ có những giáo dân thường xuyên, những người Công giáo loại một năm đến nhà thờ một lần, và đặc biệt những người Phật giáo như các thầy cô giáo từ các trường học trong vùng, các học sinh, và những người khác đến vì họ được mời.
Nhờ vào những dịp như thế này người địa phương sẽ càng ngày càng biết thêm về giáo xứ, và giáo xứ cũng có cơ hội để tiếp cận với cộng đồng chung. Đó là nguyện vọng và ước vọng của mình. Giờ đây điều quan trọng là không để cho những tia lửa sức sống mới chớp lên trong cộng đoàn bị dập tắt vì không có hướng đi cụ thể trong công việc mục vụ.
Sau khi nói chuyện với anh Eddy tối hôm qua, mình hy vọng rằng với sự cố gắng lắng nghe và tìm hiểu nguyện vọng của giáo dân cũng như biết sử dụng nhân lực, cộng đoàn NBL sẽ ngày càng thắng tiến và giáo xứ sẽ có nhiều sinh hoạt không chỉ cho người Công giáo mà cho cả tỉnh.
Nong Bua Lamphu, ngày 25.12.2008








Hạnh phúc trước ngày lễ





Không khí ở nhà thờ mấy ngày hôm nay nhộn nhịp hẳn lên đặc biệt là hôm nay. Giới trẻ đến nhà thờ để tập hoạt cảnh giáng sinh, trang trí Noel, gói quà. Tối hôm nay chương trình cầu nguyện Mùa Vọng cũng đã diễn ra lần cuối cùng tại nhà thờ. Ở trước cổng nhà thờ mình treo lên hai băng rôn với dòng chữ: "Vinh danh Thiên Chúa trên trới, bình an dưới thế cho người thiện tâm". Tối qua một bạn trẻ tên Giáp mới trở lại Thái Lan từ VN có đem theo mấy chiếc ngôi sao xếp. Thế là hôm nay cũng treo lên trước nhà thờ nhìn rất xinh.




Thêm một điều thú vị cho việc trang trí nhà thờ là có một cuộc "triễn lãm" tranh vẽ với nội dung về Noel của học sinh ở trường trung học nơi mình đi dạy. Có một cuộc thi vẽ tranh do khoa ngoại ngữ tổ chức với chủ đề "Giáng Sinh tại Thái Lan" và "Giáng Sinh trên thế giới." Cuộc thi nhận được 18 thí sinh từ các lớp 7-12. Khi mình nhìn những tranh vẽ về Noel mình cảm thấy rất bất ngờ vì có nhiều tranh khá đẹp. Mình lại càng bất ngờ hơn vì đa số các học sinh là không theo đạo Kitô giáo. Thế mà chúng lại vẽ những hình ảnh Chúa Giêsu Hài Đồng, Mẹ Maria và Thánh Giuse, cũng như Ông Già Noel và Cây Noel rất ấn tượng. Mình ấn tượng nhất là tranh của một học sinh lớp 12 có hình Ông Già Noel lái một chiếc xe có những hoa văn hoàn toàn mang tính chất Thái. Một bạn khác lại vễ hình Đức Mẹ Maria với khuôn mặt rất Á Châu. Nhìn hai bức hình này làm mình nghĩ rằng, quả thật chúng ta không cần những nhà thần học cao siêu để nói về "hội nhập văn hóa". Các em học sinh Phật giáo chưa bao giờ qua một lớp học Kinh Thánh hoặc giáo lý nào cũng tự chúng thể hiện khái niệm hội nhập văn hóa một cách vô tư và sâu sắc.




Khi thấy những bức tranh của các em thì mình quyết định xin cho được đem về nhà thờ để treo lên cho giáo dân cùng thưởng thức, đặc biệt là những ai đến dự lễ vào đêm Vọng Giáng Sinh. Mình cũng đã nảy ra một ý kiến là năm sau có thể nhà thờ sẽ tổ chức một cuộc thi vẽ tranh ảnh như thế để cho các học sinh trong tỉnh cũng gởi tác phẩm về dự thi. Nếu được như thế chắc chắn nhà thờ sẽ có một cuộc "triễn lãm" tranh ảnh thật tuyệt với.




Mùa Giáng Sinh này đang là một thời gian thật tuyệt với cho mình. Trước đây mình luôn mừng Giáng Sinh trong môi trường mà đi đâu cũng thấy cảnh Noel. Ở đâu cũng tấp nập với việc mua sắm và chuẩn bị cho ngày lễ. Còn bây giờ ở NBL, cả tỉnh này không mấy ai đang chuẩn bị mừng lễ. Không mấy ai nghĩ đến việc mua cây thông, trang hoàng Noel, hoặc mua quà cho người khác.




Giờ đây mình làm cha xứ ở ngôi nhà thờ Công giáo duy nhất trong tỉnh này. Mình là người tổ chức Noel, trang hoàng nhà thờ, mua quà để tặng cho bọn trẻ cũng như người lớn. Mình tổ chức chương trình cầu nguyện Mùa Vọng. Chưa bao giờ như lúc này mình thấy công việc của mình vô cùng đặc biệt. Nó không giống như khi còn ở Mỹ, mình chỉ là một trong hàng triệu triệu người đi mua sắm cho lễ Giáng Sinh. Ở Mỹ mình vui vì mình được sống trong không khí tấp nập của ngày lễ. Giờ đây mình vui vì mình đang làm một điều vô cùng đặc biệt, vô cùng cá biệt. Tổ chức Giáng Sinh trở nên không chỉ một sinh hoạt đại trà mà là một trọng trách đối với mình. Gieo giắc tinh thần Giáng Sinh trở nên sứ mệnh của mình cho người ở đây. Nếu không có mình thì sẽ không còn ai đảm nhận việc này. Đây là một cảm giác rất kỳ lạ và làm cho mình thấy sung sướng hạnh phúc vì mình có cơ hội để cho người khác cảm nhận được rằng việc Chúa đến trong thế gian là một biến cố vô cùng quan trọng.




Hơn bao giờ hết, mình treo giây đèn trước nhà thờ với mục đích chính đáng. Mình đi mua một món quà và ý thức được tại sao mình đang làm điều đó. Mình kêu gọi giáo dân hãy mời gia đình, bạn bè, và đồng nghiệp đến dự lễ Giáng Sinh, đặc biệt là những người không theo đạo Công giáo. Làm cho Chúa được biết đến khó khăn và cũng gian nan. Nhưng đến dịp Giáng Sinh, làm cho Chúa được biết đến lại thấy vui sướng biết bao.




Nong Bua Lamphu, ngày 20.12.2008

Chuẩn bị Noel





Chiếc ngôi sao treo trước nhà thờ


Các bạn trẻ treo đèn điện lên cây xanh ở cổng vào nhà thờ.





Bọn trẻ tập hoạt cảnh Giáng Sinh



Ngôi sao ban ngày




Màn "cao trào" của hoạt cảnh




Mấy "bác" này chuyên môn tới phá đồ trang hoàng cây Noel



Gói quà Noel đến nổi van đau lưng!


Việc chuẩn bị cho thánh lễ Giáng Sinh cũng đang diễn ra tốt đẹp. Đồ trang trí đã được bỏ lên trong khuôn viên nhà thờ. Hôm nay thầy Damian dựng hang đá. Bọn trẻ đang tập dợt hoạt cảnh. Mấy bạn trẻ Việt Nam đang giúp mình gói quà để phát cho giáo dân vào đêm Noel. Ông Arnold, một giáo dân người Phi Luật Tân chấp nhận đóng vai Ông Già Noel phân phát quà cho bọn trẻ. Ba thứ bảy qua đã có chương trình đọc kinh tại tư gia để chuẩn bị tâm hồn dón Chúa. Tối thứ bảy cuối cùng sẽ được tổ chức tại nhà thờ.

Tối qua mình tổ chức chương trình tĩnh tâm cho người Việt tại Udon Thani. Số người đến tham dự ít hơn dự đoán, chỉ khoảng 35 người. Bình thường số người đi lễ khoảng 60 người. Mình không hiểu lý do tại sao số người đến tĩnh tâm ít. Tuy nhiên, chương trình tĩnh tâm đã diễn ra tốt đẹp trong không khí trang nghiêm và ấm cúng. Mọi người có mặt đã được đến với tòa giải tội. Mình cũng có dịp được xưng tội với cha John sau khi mọi người đã xưng tội xong. Có khi giáo dân đến hỏi mình, linh mục có phải đi xưng tội không? Và nếu phải xưng tội thì xưng tội với ai? Có lẽ giáo dân cũng rất ít được chứng kiến các cha đi xưng tội nên nhiều người không biết các cha cũng phải đi xưng tội như mọi người. Và khi đi xưng tội thì phải đến với một linh mục khác chứ không thể “tự xưng tự tha” như có người lại nghĩ.

Giờ chỉ còn 10 ngày nữa là đến Giáng Sinh. Mấy bữa giờ bọn trẻ cứ đến hỏi mình về ngày lễ sắp đến:

- Lễ đêm 24 phải không cha?

- Ngày Giáng Sinh 25 phải không cha?

- Sắp đến lễ Giáng sinh rồi phải không cha?



Có lẽ làm trẻ con thì không có gì rạo rực hơn là biết mình sắp được nhận quà vào một ngày lễ lớn. Mình cũng hy vọng rằng sẽ làm cho bọn trẻ có kỷ niệm đẹp về Giáng Sinh. Nếu làm con nít mà không có những cảm giác trông đợi ngày nhận qùa thì thực là quá buồn.


Nong Bua Lamphu, ngày 15.12.2008









Tiệc Noel với người Phi Luật Tân







Tối nay mình và cha Frank thuộc dòng OMI tổ chức họp mặt người Phi Luật Tân tại nhà mình. Người PLT qua làm việc tại Thái Lan khá nhiều. Đa số là dạy tiếng Anh trong các trường học. Trong giáo xứ mình cũng có 7 người. Cha Frank cũng là một người PLT và hiện nay đang phục vụ ở tỉnh Loei. Trong giáo xứ của cha có khoảng 10 người.

Noel sắp đến mình thấy đây là một dịp tốt để nâng đỡ tinh thần cho cộng đồng người Phi nên quyết định tổ chức cuộc họp mặt tối nay. Ở Udon cũng có vài người đến tham dự. Thế là cuộc họp mặt hôm nay có khoảng 20 người. Trước khi việc ăn uống bắt đầu thì có giờ cầu nguyện và chia sẻ. Đa số chia sẻ về cảm giác xa nhà và làm như thế nào để trải qua những năm tháng ở đây. Có người mới đến Thái Lan chỉ 5-6 tháng. Có người đã ở đây 6 năm, và đã lập gia đình ở đây nữa.

Trong lời chia sẻ của cha Frank, ngày đã có lời cảm ơn mình vì đã khởi xướng và tổ chức buổi họp mặt hôm nay. Cha nói: - Ngài là một người Mỹ gốc Việt, mà lại muốn có buổi họp mặt cho người Phi Luật Tân chúng ta. Đó là một điều rất kỳ lạ.

Nhưng đối với mình thì hoàn toàn bình thường. Mùa Giáng Sinh là mùa bình an và chia sẻ. Đây là mùa mà tất cả những ranh giới và cách biệt được xóa đi. Vì thế việc quan tâm đến cộng đồng người Phi cũng là một điều rất bình thường và nên làm.

Cha Frank đến từ xa nên tối nay nhóm người Phi sẽ ở lại giáo xứ qua đêm. Trong khi mình đang ngồi viết nhật ký thì họ đang ngồi trong phòng khách để hát karaoke. Cũng hay thật cái máy karaoke 6 số của mình mua từ Việt Nam còn có nhạc Phi nữa. Thế là họ hát với nhau thật khí thế. Trong máy còn có rất nhiều bài tiếng Anh, nhưng họ không muốn hát. Họ nói thích hát nhạc Phi hơn. Người Phi vốn có giọng hát khá hay và rất thích ca hát.

Trong giáo xứ có đèn điện trang trí, có tiếng ca hát, tiếng cầu nguyện trong dịp Giáng Sinh. Đây chính là niềm vui của mình. Đây chính là niềm hạnh phúc mà mình có được trong mùa thánh này. Có lẽ chỉ có dịp lễ Giánh Sinh mới đạt được điều này. Chúa đến làm cho thật nhiều điều thay đổi và thật nhiều thứ có thể xảy ra.
Nong Bua Lamphu, ngày 12.12.2008






Chuẩn bị Giáng Sinh



Giáng Sinh cũng đã gần đến. Ở đây mình bắt đầu gói qùa. Không phải mình tự gói mà mình nhờ mấy bạn trẻ đến gói giùm. Giờ đây đã có hội đồng giáo xứ rồi. Hội đồng giáo xứ sẽ đứng ra đảm trách việc tổ chức tiệc Giáng Sinh. Đó là một gánh nặng trút bớt vai mình. Chắc chắn chương trình Noel sẽ tốt hơn khi có giáo dân cộng tác.

Mình rất tạ ơn Chúa là việc lập hội đồng giáo xứ đã diễn ra trước dịp lễ Noel để khi đến ngày lễ thì mình không phải gánh hết mọi chuyện như trong dịp tổ chức lễ quan thầy vừa qua. Giờ đây những gì cần trang trí bên ngoài nhà thờ thì đã trang trí xong. Chỉ bên trong là chưa bắt đầu trang trí, vì vẫn đang còn trong mùa vọng. Mình không muốn giáo dân bị chi phối bởi những đồ trang trí Noel mà quên rằng chúng ta vẫn đang còn ở trong mùa ăn năn xám hối, mùa màu tím.

Từ ngày treo đèn lên bọn con nít trong trung tâm thích ra trước sân nhà thờ chơi vào buổi chập tối. Nhưng hôm nay mình phải đuổi bọn nó đi vì đang giờ làm lễ chiều thì bọn nó lại la hét ồn ào bên ngoài nhà thờ làm mình không tập trung làm lễ được. Nhưng mình lại rất thích thấy tụi con nít chơi trước nhà thờ. Cũng biết là tụi nó chơi rồi dẫm lên bãi cỏ làm hư vườn, và xã rác trên sân. Nhưng dù sao đi nữa thì chúng nó là con nít. Con nít thì giống người lớn có được không?

Noel là mùa mà làm một người trẻ rất vui. Mình vẫn nhớ ngày xưa rất nô nức khi Noel về. Giờ đây mình cũng muốn tạo cho bọn trẻ niềm vui như thế. Vì vậy mình chuẩn bị quà, trang trí nhà thờ. Mình làm cho bọn trẻ vui, chính mình cũng vui lây. Nếu biết cách làm cho chính mình vui thì tại sao không làm nhỉ? Mình nghĩ đó là điều khó hiểu nhất. Nhiều người biết phải làm gì để tạo ra niềm vui cho mình, nhưng họ lại làm biếng để thực hiện, nên cuối cùng rồi lại buồn.

Nong Bua Lamphu, ngày 11.12.2008

Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta


Có điều mình cũng thấy lạ. Mình đã từng dạy cho người trí óc bình thường, người trẻ tuổi cũng như người lớn tuổi, cách làm dấu thánh giá, nhưng có người phải làm thật nhiều lần mới nhớ. Thế mà mình dạy cho cô Bay, một bệnh nhân câm điếc và trí óc thiếu phát triển làm dấu thánh giá chỉ một lần mà cô đã làm được rất nhanh.

Giờ đây mỗi lần thấy mình cô hay đứng làm dấu thánh giá cho mình xem. Cô rất tự hào là cô có thể làm được. Cô còn làm dấu thánh giá ở trên trán, trên môi và trên ngực như khi nghe bài Phúc Âm nữa.

Sáng nay mình đi công việc bên ngoài về thấy cô đứng trước cổng nhà thờ, mình ngoắc cô lại đứng trước tượng Chúa Giêsu Phục Sinh. Mình chỉ vào tượng rồi chỉ lên trời. Không biết cô có hiểu ý mình không.

Sau đó mình đứng trước tượng, làm dấu thánh giá, rồi chắp tay cầu nguyện. Cô cũng làm theo. Có lẻ cô Bay cũng hiểu rằng cô đang cầu nguyện trước một Đấng linh thiêng.

Tối nay mình sẽ qua làm giờ cầu nguyện cho các bệnh nhân trong TT HIV. Đến phần cầu nguyện cá nhân mình thắp một cây nến. Khi đến phiên ai cầu nguyện thì người ấy cầm nến trong tay. Mình bảo họ cầu nguyện như thế nào cũng được, tùy theo niềm tin của mình. Có người cầu nguyện với Đức Phật, có người cầu nguyện với đấng linh thiêng nào đó. Có người cầu nguyện với Chúa. Mỗi người một lời nguyện và một đức tin khác nhau. Điều hợp nhất là đang ngồi với nhau trong một căn phòng, và cầu nguyện với cùng một cây nến. Có vài bệnh nhân mắt đã bị mờ do AIDS cầm nến trong tay, cầu xin cho mắt được sáng. Mỗi lần nghe họ cầu nguyện như thế, mình cứ hình dung trong đầu những câu chuyện được thuật lại trong sách Phúc Âm về việc Chúa chữa người mù, người tàn tật. Mình cũng không thể gạt ra khỏi đầu câu hỏi: Ngày nay các bệnh nhân sẽ được chữa không?

Nong Bua Lamphu, ngày 9.12.2008

Mùa đông đến


Thời tiết ở mùa đông bắc Thái Lan đã vào mùa lạnh. Có đêm nhiệt độ giảm xuống chỉ còn 14-15 C. Buổi sáng dậy rất làm biếng tắm nhưng cũng phải ép mình bước vào phòng tắm. Cái máy nấu nước nóng trong phòng tắm làm việc rất tốt, bật lên chỉ vài phút sau là đã có nước nóng. Chỉ tội cái là không hiểu hệ thống nước làm sao mà có ngày nước chảy ra cả tí xíu nên cái máy nó không chịu nấu. Có lẽ vì nó chê ít nước quá. Thế là phải chấp nhận tắm nước lạnh.

Buổi sáng lái xe đi Udon dạy học ở tiểu chủng viện vì đường xa nên có giờ để suy nghĩ nhiều chuyện. Khi thì cầu nguyện, hoặc soạn bài giảng trong đầu, hoặc lên kế hoạch cho những việc phải làm. Trời mát nên lái xe chẳng cần phải bật máy lạnh. Cũng tốt vì chiếc xe "tuổi teen" của mình cũng chịu khó uống xăng lắm. Cũng may là khi mình nhận chiếc xe này thì giá xăng dầu cũng đã giám xuống đáng kể. Ông Trời cũng có mắt thật.

Tối nay mở máy computer ra soạn bài giảng cho lễ Noel, soạn sớm 3 tuần vì không muốn rơi vào hoàn cảnh nước tới chân mới nhảy. Mấy ngày gần Noel cũng bận rộn nhiều nên soạn trước cho chắc ăn. Mình có tính không thích làm gì vào giờ chót. Vã lại soạn trước để còn có giờ chỉnh sửa. Nếu phải giảng bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt thì không đến nổi phải cẩn thận như thế này. Nhưng khốn nổi là phải giảng tiếng Thái nên buộc phải đầu tư thêm thời giờ để soạn. Nhiều khi nói tiếng Thái như bay, ngay cả mình cũng bất ngờ tại sao nói được nhanh như thế. Nhưng rồi có khi tự nhiên phải rặn từng chữ như mới đang tập nói. Nghe phát chán. Ví dụ như tối hôm qua ngồi cầu nguyện với các bệnh nhân HIV. Tìm lời để nói lời nguyện kết thúc mấy cũng không ra. Cũng may là đa số giờ trong chương trình cầu nguyện là dành cho việc suy niệm và ngồi thiền nên không cần phải nói nhiều. Nói chưa chuẩn thì nói càng ít càng tốt. Như vậy sẽ đỡ bị sai.

Nong Bua Lamphu, ngày 3.12.2008

Nụ cười trên trời


Tối nay thằng Thắng, Tuấn, Tăng và Nguyên qua để gắn đèn màu vào chiếc ngôi sao năm cánh mà bác Đàm đã làm để tặng mình. Gắn xong giây điện thứ nhất thì chưa hết tất cả các cánh. Nếu treo sát tường thì không sao, nhưng nếu treo lủng lẳng thì cả hai bên đều phải có điện. Tụi nó quyết định lấy keo dán thêm một giây điện nữa. Dán dây điện tốn rất nhiều giờ vì phải xếp cho tất cả các bóng đèn đi theo một hướng.

Khi tụi nó đang dán mình nói đùa: - Dán cái này xong mà bật lên không đỏ mới tức nha.

Thằng Tăng nói: - Làm gì được. Lúc nảy con thử cắm điện rồi. Đỏ hết cả.

Không biết vì do mình trù xui hay vì mình có ơn nói tiên tri đột xuất hay sao mà khi dán xong, cắm điện vào thì quả thực là không đỏ. Giây thứ nhất thì vẫn tốt, nhưng còn sợi giây thứ hai thì chẳng có bóng nào thèm đỏ lên cả. Tụi nó loay hoay sửa lui sửa tới mấy cái bóng đèn bị lỏng mà vẫn vô dụng.

Tụi nó buồn thiu, quyết định gở keo ra rồi lấy một sợi giây khác dán vào. Trên ngôi sao có cả hàng trăm miếng keo. Nhưng giờ khuya rồi, tụi nó phải về ngủ để sáng mai đi làm nên phải chấp nhận công việc dang dở, để tối mai làm tiếp.

Chiều nay mình đi Udon về mang theo một thùng xe đầy đồ mà cô Trang ở Udon cúng cho nhà thờ. Nào là đồ trang trí Noel, đồ làm quà cho bọn nhóc trong nhà thờ vào dịp Giáng Sinh, và đồ dùng trong nhà như ly cà phê, chăn mền, đồng hồ, v.v. Chị Trang định tặng cho mình cây Noel, nhưng mình đã có rồi.

Chi Trang là một Việt Kiều Thái ở Udon Thani. Chị có một cửa hàng bán bánh rất nổi tiếng. Ai ai ở Udon Thani cũng biết đến. Chị làm ra nhiều tiền, có đến 10 căn nhà, nhưng nhìn chị thì chẳng ai biết là giàu vì ngoại hình cực kỳ bình dân. Sở thích của chị là đi mua sắm những đồ dùng và sau đó đem đi cúng. Trong nhà chị có đủ thứ đồ. Ngay cả máy giặt áo quần mà chị cũng mua hàng chục cái để cúng. Dầu nóng loại đắt tiền mà chị mua một lần hàng trăm lọ để đem đi biếu. Chị nói chị mua gì cũng mua cả chục để còn cho nhiều người. Chị luôn luôn rộng rãi với các cha và chị không hề tiếc khi mua đồ để làm từ thiện. Chị nói với mình: - Chị có mười mấy người làm. Họ làm đem tiền đến cho chị. Chị chỉ có việc đi sài tiền. Đời sống như chị vậy thì quá dễ dàng. Chị càng cho đi thì Chúa lại càng cho lại.

Tối nay mình đang ngồi xem mấy đứa dán đèn vào sao thì Sr. Gina ở Udon Thani gọi điện thoại tới nói: - Cha ra ngoài xem mặt trăng cười đi.

- Là sao hả seour?

- Cha cứ ra xem rồi biết.

Mình chạy ra nhìn quanh bầu trời để tìm trăng. Cuối cùng cũng thấy ở gốc chân trời một hiện tượng rất dẽ thương là có một ánh trăng khuyết nằm ở giữa hai ngôi sao (đọc tin tức mới biết hai hành tinh Venus và Jupiter) như hình mặt cười mà người ta hay vẽ trên internet. :)

Nghe nói đây là một hiện tượng cực kỳ hiếm có. Lạ thật. Mặt trăng cũng biết cười.


Nong Bua Lamphu, ngày 1.12.2008


Một bước tới


Hóa ra việc thành lập một hội đồng giáo xứ không đến nổi khó khăn như mình tưởng tượng. Trong một tiếng rưởi đồng hồ họp hành và bàn thảo mình đã có được một hội đồng giáo xứ bao gồm tất cả 7 người. Những người được nêu tên lên để đảm trách công việc đều đã nhận lời. Nếu không nhận lời cho việc này thì cũng xung phong cho việc khác. Vì thế nên việc chọn người khá êm xuôi.

Một điều phải công nhận là không phải ai cũng có đủ khả năng để làm công việc mình đã lãnh nhận, nhưng ngoài họ ra thì cũng không còn ai nữa. Nên đành phải chấp nhận những hạn chế trong hiện tại. Hôm nay một điều đáng ghi nhận là đã có những người cố tình không đến nhà thờ vì "sợ bị bầu".

Dù sao đi nữa thì việc thành lập được một hội đồng giáo xứ là điều mình đã hướng tới từ lâu và hôm nay đã được hình thành là một điều mình rất mừng. Chỉ biết tạ ơn Chúa vì Ngài đã nhận lời cầu xin của mình trong suốt thời gian qua.

Hôm nay là Chúa Nhật cuối tháng 11 nên mình lại một lần nữa đưa các anh em Việt Nam đi làm lễ tiếng Việt ở Udon. Lễ tiếng Việt tối nay có nhiều khuôn mặt mới bên cạnh những khuôn mặt cũ. Như thường lệ, các cô Việt Kiều đón tiếp mình một cách nồng hậu. Bác Thảo vẫn đút vào tay mình một số tiền để làm quà như bao lần khác. Một cô khác thì xin lễ "để cho cha có tiền xăng". Mình nói hôm nay mình chỉ giảng lễ chứ không chủ tế. Cô ấy bảo, vậy thì cha làm lễ lúc nào cũng được.

Tối nay mình về lại Nong Bua Lamphu còn có thêm hai cây chả giò, một bị thịt heo kho, một bị mắm để cuốn rau sống, 3 bị trái cây, và hai chai nước yến. Nhưng đặc biệt nhất là bác Đàm đã làm cho mình một ngôi sao năm cánh thật xinh để treo trước nhà thờ. Bác Đàm là chuyên gia làm sao Noel để biếu tặng các cha.

Về đến nhà thì cũng đã hơn 10 giờ tối. Giờ đây thì đã hơn 11h. Viết vài dòng nhật ký xong mình sẽ lên giường ngủ để sáng mai lại đi Udon tiếp để dạy học tại tiểu chủng viện. Trước đây chưa có xe thì rất ít đi lại. Từ ngày bắt đầu lái xe bổng thấy mình đi xa thường xuyên. Chiếc xe của mình tuy cũ rích, nhưng dù sao đi nữa thì cũng có được một cái máy chơi MP3 mới gắn vào để nghe nhạc cũng đở buồn khi phải đi đường dài.

Nong Bua Lamphu, ngày 30.11.2008

Mùa vọng đã đến




Tối hôm nay giáo xứ bắt đầu chương trình cầu nguyện tối thứ bảy Mùa Vọng. Mỗi tối thứ bảy trước lễ Giáng Sinh, giáo dân sẽ tụ họp ở một gia đình trong giáo xứ để cầu nguyện. Thứ bảy đầu tiên của Mùa Vọng được tổ chức ở nhà cô Fốn. Số người đến tham dự có khoảng 30 người. Trong 30 người đó có những người là giáo dân, giới trẻ trong giáo xứ. Nhưng phần còn lại là 6 bệnh nhân trong trung tâm HIV và những người thân quen của gia đình cô Fốn không theo đạo Công giáo.

Ngày hôm nay cũng là một ngày đặc biệt vì đây cũng là ngày khởi hành chương trình đọc kinh thứ bảy đầu tháng. Gần đây một giáo dân ở Udon đã cúng cho nhà thờ một tượng Đức Mẹ Fatima. Tối nay mình đã làm phép tượng để chính thức bắt đầu chương trình cầu nguyện tại các tư gia trong giáo xứ mỗi thứ bảy đầu tháng. Mình hy vọng rằng với sinh hoạt đạo đức và có ý nghĩa này tinh thần đạo đức trong giáo xứ sẽ được nâng cao khi tượng Đức Mẹ có dịp đến thăm viếng cá gia đình giáo dân ở đây.

Mình tin rằng nếu giáo dân có lòng đạo đức, cùng nhau dâng lên Mẹ lời kinh nguyện thì chắc chắn giáo xứ sẽ được Chúa chúc phúc và ban xuống cho cộng đoàn những hồng ân của Ngài để cho giáo xứ phát triển. Mình cũng vui khi thấy giới trẻ trong giáo xứ hăng say đi tham dự chương trình cầu nguyện cũng như các sinh hoạt khác.
Sáng nay mình đã dẫn nhóm giới trẻ đi dự lễ mừng quan thầy của tiểu chủng viện tại Udon Thani đến chiều mới về. Người đến dự lễ rất đông. Như thường lệ mình trốn bàn tiệc dành cho các cha và các seour để ngồi ăn chung và trò chuyện với giáo dân. Nhiều người đến hỏi mình tại sao không vào nhà ăn để ăn với các cha. Mình vẫn trả lời rằng ăn ở ngoài vui hơn.

Ngài mai là một ngày quan trọng trong giáo xứ, khi mà sẽ có cuộc chọn lựa những thành viên cho hội đồng giáo xứ. Mình hy vọng rằng những lời cầu nguyện của mình thời gian qua sẽ được Thiên Chúa nhậm lời và sẽ có những người sẵn sàng hy sinh phục vụ cho giáo xứ. Nếu có hội đồng giáo xứ thì chắc chắn đây sẽ là món quà giáng sinh lớn nhất mà mình có thể nhận được. Vì chỉ có hội đồng giáo xứ thì cộng đoàn mới có thể trưởng thành trong cả đức tin lẫn cách tổ chức sinh hoạt.

Ngài mai là Chúa Nhật thứ 1 Mùa Vọng. Đây là mùa của trông mong. Mình đang mong vào Ngài, mong vào hồng ân của Ngài tuôn đổ xuống trên đoàn chiên nhỏ bé của Ngài. Mình trông mong vào những dấu chỉ của Ngài cho mình thấy mình đang có Ngài đồng hành và hướng dẫn mình trên con đường truyền giáo. Giờ đây mọi sự đã chuẩn bị xong xuôi trong nhà thờ. Đã có nến màu tím, đã có hai băng-rôn kêu gọi giáo dân hãy dọn lòng đón Chúa, đã chó chương trình cầu nguyện Mùa Vọng. Phần còn lại là cho sự chuẩn bị đón Chúa không chỉ ở hình thức bên ngoài mà được thể hiện một cách chân thành trong lòng của mỗi một người giáo dân ở đây.
Nong Bua Lamphu, ngày 29.11.2008

Bận rộn


Công việc của mình ngày càng nhiều hơn. Đó cũng là dấu chỉ tốt. Mấy ngày nay mình đang chuẩn bị cho chương trình Mùa Vọng và Noel sắp đến. Mình đặt hai băng-rôn với dòng chữ: "Có tiếng kêu trong sa mac, hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng" để treo trên tường sau cung thánh. Băngrôn có nền màu tím và chữ viết màu trắng. Hôm nay mình treo lên thấy vừa vặn. Mình đã dẹp đi những hình của những người đã qua đời mà giáo dân mang đến để đặt trong nhà thờ suốt tháng cầu cho các đẳng linh hồn.

Hôm qua sau khi đi tham dự hội thảo chủ đề công tác mục vụ trong lĩnh vực xã hội, mình chạy ra siêu thị Lotus để mua cây Noel và những thứ đồ trang trí. Nhìn đồ trang trí được bày bán trong siêu thị mà nhớ đến đồ trang trí Noel ở nhà vô cùng. Ở nhà mình đồ trang trí Noel đẹp lắm. Những năm trước mẹ mình lúc nào cũng mua những đồ trang trí có chấtl lượng. Mỗi năm mua thêm mỗi ít. Giờ thì nhìn chỉ thấy đồ trang trí vớ vẩn được bày bán, không thích tí nào. Nhưng không mua thì không có gì để trang trí.

Vì đây là năm đầu tiên mình ở NBL nên cái gì cũng phải đầu tư. Khi ra khỏi chợ thì đã sài 4,000 baht tương đương với hơn 100 USD. Đó là số tiền bằng hai tháng tiền giáo dân cúng trong nhà thờ của mình. Cũng may là thỉnh thoảng cũng có những mạnh thường quân giúp đỡ, không thôi thì cũng khó mà tổ chức các sinh hoạt.

Thứ bảy sắp đến giáo xứ sẻ tổ chức chương trình cầu nguyện Mùa Vọng mỗi tối thứ bảy tại tư gia. Trong dịp này sẽ làm phép tượng Đức Mẹ Fatima mà bà Huấn ở Udon Thani vừa giúp mình mua. Tượng này sẽ được dùng để cầu nguyện mỗi tối thứ bảy đầu tháng tại các gia đình trong giáo xứ. Tổ chức đọc kinh ở đâu thì Đức Mẹ sẽ đến ở với gia đình đó một tháng. Sau đó sẽ di chuyển đến một gia đình khác. Vì là lần đầu tiên tổ chức sinh hoạt này nên không biết sẽ có bao nhiêu người giáo dân đến tham dự.

Theo dự định thì Chúa Nhật thứ 1 Mùa Vọng giáo xứ sẽ có cuộc bầu ban hành giáo. Mình đã thông báo từ đầu tháng 11 và đã nhờ cô Fốn liên hệ với các gia đình trong danh sách kêu gọi đến tham dự lễ ngày Chúa Nhật cũng như tham gia vào việc bầu ban chấp hành. Đây là việc lớn nhất và quan trọng nhất mà mình đã triển khi từ khi bước chân đến giáo xứ này. Nếu việc bầu ban hành giáo thành công thì công việc mục vụ trong giáo xứ sau này sẽ có cơ hội phát triển và tiến bộ nhiều hơn.

Giờ đây việc đi lại của mình không phải là một vấn đề lớn nữa. Cuối cùng thì giáo phận cũng đã cung cấp cho mình một chiếc xe. Thực ra nó là chiếc xe mười mấy tuổi mà anh Trực đã từng lái trước đây. Gần đây trên giáo phận có một chiếc xe mới hơn, chỉ khoảng 4 năm, nên phía địa phận đã yêu cầu cho anh Trực sử dụng chiếc xe đó. Lý do là anh Trực ở vùng khá xa xôi, phải coi sóc 3 giáo họ khác nhau, nên có được một chiếc xe tương đối tốt thì an toàn hơn. Còn mình thì ĐGM nói không cần phải đi xa như anh Trực, vả lại nếu có gì xảy ra thì còn mượn xe của TT ĐMHCG được, nên Ngài muốn giao lại cho mình chiếc xe cũ. Mình cũng vâng lời và đã đem chiếc xe cũ về trong dịp đi Udon tham dự khóa hội thảo.

Hôm nay mình vẫn đi dạy bình thường ở trường. Thêm một lần nữa một số lớp học của mình bị đổi. Lớp 11 thành lớp 10, lớp 9 thành lớp 12, v.v. và v.v. Từ đầu kỳ đến nay đã bị đổi lớp hàng ngày. Tuần nay mình sẽ có 7 lớp mới, chỉ có 4 lớp là như cũ. Mình rất bực với sự đổi đi đổi lại vì như thế này làm cho quá trình dạy của mình bì gián đoạn và mất đi sự tiếp tục.

Nhưng thầy trưởng khoa bảo là không đổi không được. Thầy cô giáo nào cũng muốn có mình hoặc thầy Ron đến dạy trong lớp của họ vì chỉ có mình và thầy Ron là hai người nước ngoài đang dạy ở trường. Có nhiều học sinh không có mình đến dạy cũng lên "kiện" với thầy vì không được học. Có thầy cô giáo cũng lên kiện vì người thì có lớp được cả mình và thầy Ron dạy học sinh của họ, trong khi thầy cô khác lại không có ai. Đó là lý do tại sao cho đến bây giờ mà thời khóa biểu của mình vẫn chưa ổn định. Thầy trưởng khoa còn phải nhờ mình mở một lớp "ngoài giờ" để cho các học sinh nào thực sự muốn học mà không được mình đến dạy đăng ký học sau khi tan trường.

Mình dạy 11 giờ một tuần ở trường trung học, với 11 lớp học khác nhau từ 7-12. Mỗi lớp có 40-50 học sinh. Thế mà còn bị thay đổi liên tục nên nếu không có quyển vở ghi lại những gì mình dạy và những bài làm về nhà mình giao cho học sinh làm thì chắc sẽ rối cả lên.

Trước đây mình cứ tưởng học sinh ở Thái Lan lễ phép và trật tự lắm. Hóa ra lớp học còn hổn loạn hơn một cái chợ. Thầy giáo đứng giảng bài mà học sinh thì cứ vô tư nói chuyện. Vào lớp có đứa chẳng màng đem theo sách vở hoặc bút viết. Giờ học 1h30 thì đến 1h45 mới có thể bắt đầu vì học sinh đến muốn. Có cái giờ học giữa ngày mà một nửa học sinh trong trường ăn trưa còn một nửa vào lớp là hỗn loạn nhất. Mình đang dạy bên trong thì bên ngoài hành lang bọn học sinh ngồi trò chuyện vô từ. Có đứa còn mở nhạc từ máy điện thoại di động ra nghe. Tình hình giáo dục như thế thì hỏi tại sao học sinh học đến lớp 12 rồi mà hỏi bọn nó một câu "Bạn ăn trưa chưa" nó còn chưa biết trả lời.

Vì phải dạy học sinh như thế, trong môi trường như thế, nên nhiều giáo viên cũng chán. Giáo viên trình độ đã thấp, dạy loại học sinh chẳng ưa thích học hành, nên kiến thức của bọn chúng tệ kinh khủng. Mình cũng dễ hiểu tại sao các thầy cô cứ tranh dành làm sao cho mình và thầy Ron gánh lớp của họ.

Giờ gánh nhiều lớp như thế, học sinh của mình lên đến hàng trăm đứa. Trên thực tế chẳng nhớ tên của đứa nào. Mặt còn chưa nhớ nói gì nhớ tên. Chỉ có đứa nào siêng năng lắng nghe, trả lời câu hỏi thì may ra mới nhớ. Còn những đứa cứ ngồi tụ năm tụ ba nói chuyện trong lớp thì bó tay. Mình mới bắt đầu nghề làm nhà giáo mà đã có dấu chỉ bất cần. Giờ đứa nào nói chuyện thì cho nói. Miễn sao đừng có quá ồn ào. Sau này phải đi làm coolie cho người ta thì đáng đời. Còn đứa nào muốn học thì mình dạy. Chứ 50 đứa mà phải làm cho cái đám phá hơn quỷ và ma im lặng trước khi bắt đầu thì phải nói là bất khả thi.

Dù sao đi nữa mình vẫn khỏe hơn các giáo viên trong trường. Mình chỉ đến dạy rồi về. Các giáo viên khác thì phải thay phiên nhau túc trực cổng, họp hành các ban ngành, v.v. Cũng sướng khi được làm "khách mời" của trường. Chỉ làm "đầy tớ" của các học sinh là khổ.

Nong Bua Lamphu, ngày 26.11.2008

Vui vì được tiếp đón


Hôm nay mình dẫn nhóm giới trẻ đi dự lễ quan thầy ở giáo xứ Kitô Vua ở Loei, nơi mà mình đã đến giảng tĩnh tâm cách đây hai tuần. Đây chỉ là lần thứ hai mình đến giáo xứ, nhưng có lẻ do mình đã để lại ấn tượng tốt với giáo dân ở đây nên mình đã được mọi người đón tiệp thật nồng hậu. Chỉ là lần thứ hai đến đây mà có cảm giác như đã quen biết nhau từ lâu.

Một cô đến nói với mình: - Tuần nay con nhớ đến cha nhiều vì bài giảng tĩnh tâm của cha. Dạo này con rất đau đầu nên không bỏ ra 5 phút mỗi ngày để cầu nguyện như cha đã khuyên. Con thấy mình đã không làm trách nhiệm của mình. Con biết là mình phải cố gắng hơn.

Không chỉ cô này mà còn thêm một giáo dân khác cũng đến gặp mình và nhắc lại việc mỗi ngày cầu nguyện 5 phút. Câu chuyện là như sau. Người ta làm một thống kê và họ ước lượng rằng, nếu chúng ta sống đến 70 tuổi, thì trung bình chúng ta bỏ ra 25 năm để ngủ, 12 năm để làm việc, 8 năm để học hành, 7 năm để đi chơi và tập thể dục, 6 năm dưỡng bệnh, 5 năm cho việc đi lại, 4 năm để ăn uống. Còn thì giờ còn lại là cho các việc khác. Người ta nói nếu chúng ta đi lễ mỗi ngày Chúa Nhật một tiếng đồng hồ và bỏ ra mỗi ngày 5 phút để cầu nguyện, thì tổng cộng trong 70 năm chúng ta chỉ dành cho Chúa khoảng 6 tháng. Đó là một khoản thời gian ít ỏi một cách bất ngờ. Khi mình trình bày thống kê này cho giáo dân nghe thì ai cũng đã cảm thấy ngạc nhiên và đánh động trước sự việc này.

Giáo xứ tổ chức lễ quan thầy một cách tốt đẹp. Sau lễ mình cũng tìm đến một số giáo dân để trò chuyện. Một giáo dân đến đưa mình hai bì thư xin lễ. Trong bàn tiệc, anh Uân, một người Thái gốc Việt hỏi mình: - Cha nhìn các món ăn trên bàn ăn này nhé. Năm tới cha tổ chức mừng lễ quan thầy, cha chọn hai món nào cha thích, con sẽ làm cho. Mình nhìn các món ăn và quyết định chọn món gỏi hoa chuối và chả ram.

Khi ra về thì mấy cô chú trong hội đồng giáo xứ chất cái thùng xe của mình với đủ thứ đồ, nào là thức ăn, trái cây và nước uống để mang về cho các em trong TT mồ côi. Họ nói bây giờ cho đồ biếu đi trước rồi họ sẽ đến thăm sau.

Mình không hiểu tại sao mình lại được sự quý mến của giáo dân ở đây nhiều đến thế. Lý do gì đi nữa thì mình rất vui khi đến đây, khi được làm quen với những con người ở đây. Họ đã tiếp đón mình và làm cho mình cảm thấy rất ấm cúng khi đến với họ. Chắc chắn mình sẽ còn muốn trở lại đây nhiều lần vì biết rằng khi đến đây mình sẽ có một cảm giác rất thoải mái và vui vẻ.

Nong Bua Lamphu, ngày 22.11.2008

4 ma seour và 1 người đàn bà câm điếc


Các bạn trẻ Việt Nam vừa về sau khi xem video xong. Tối nay mình mở cho bọn nó xem video liveshow hài của Chí Tài. Bình thường tối thứ 4 mình dạy tiếng Thái cho bọn nó, nhưng dạo này đổi sang ngày thứ 5 vì ngày thứ 4 mình dạy học suốt ngày nên không muốn dạy vào ban đêm nữa.

Sáng nay mình dạy ở tiểu chủng viện 3 tiếng đồng hồ. Thời gian đi đi, đi về mất thêm 2 tiếng đồng hồ nữa. Buổi chiều thì dạy trong phố nên không phải đi xa. Nhưng ngược lại dạy ở trường trung học thì rất hao sức. Dạy xong mấy tiết là như muốn mất hết cả giọng. Trong phòng học 50 học sinh mà đứa nào cũng nói chuyện như sáo. Chỉ có khi mình tới hỏi bọn nó những câu tiếng Anh bắt trả lời thì lại như câm.

Về tới nhà thì đã 4h chiều. Mình lục tủ lạnh xem có gì để nấu ăn không. Thấy có hai trái khổ qua và 4 quả trứng nên đem ra xào. Cơm thì tối hôm qua thằng Bình nấu còn dư nên hôm nay khỏi phải nấu. Thế là tối nay mình ăn cơm với khổ qua xào trứng - cơm bình dân. Nói chung là không ngon, do người nấu ăn không giỏi, nhưng có lẽ cũng có chất dinh dưỡng vì thấy khổ qua đắng như thuốc tây.

Thánh lễ buổi chiều giờ đây có thêm một giáo dân nữa, đó là cô bệnh nhân câm điếc mới nhập TT ngày hôm kia. Không biết ai tặng cho cô cái chuổi tràng hạt mà hôm nay thấy có đeo chuổi nữa. Cô chẳng có đạo, nhưng hai ngày nay đến giờ lễ thì vẫn vào ngồi ở hàng ghế đầu đối diện với các seour. Đến giờ rước lễ cô cũng lên, mình ban phép lành cho cô. Cô ta 30 tuổi rồi nhưng cử chỉ giống như một đứa con nít. Chỉ có cái nhu cầu thân xác là không phải như những đứa con nít nên cuối cùng ôm một cái bụng bầu, sinh ra đứa con cách đây một tháng, và giờ thì lại bị nhiễm HIV.

Có thêm một người đến dự lễ ban chiều cũng làm cho không khi trong nhà thờ có phần nào thay đổi, cho dù người đó là một người câm điếc. Chúa sẵn sàng đón nhận tất cả mọi người đến với Ngài. Mình cũng thế. Ngôi nhà thờ nhỏ bé của mình vẫn mở cửa 24/24. Mình không bao giờ khóa cửa nhà thờ. Mặc dầu ít ai vào, và Thánh lễ ban chiều chỉ có các seour dòng Mẹ Têrêxa và một người đàn bà câm điếc mắc bệnh SIDA, nhưng mình vẫn để cửa mở, bật ngọn đèn riu riu nơi nhà tạm. Chúa vẫn ở đó, vẫn ở giữa một thành phố toàn người ngoại đạo, trong một đất nước ngoại giáo. Nhiều khi nhìn nhà thờ trống vắng vào những ngày trong tuần làm mình tự hỏi không biết Chúa với mình, ai buồn hơn ai?

Nong Bua Lamphu, ngày 19.11.2008

Cầu nguyện


Đêm nay mình tổ chức chương trình cầu nguyện cho các bệnh nhân ở trung tâm HIV. Đây là lần đầu tiên mà các bệnh nhân có chương trình cầu nguyện vào buổi tối. Có phần suy niệm, lắng nghe "bài đọc", chia sẻ, và cầu nguyện tự phát. Mặc dầu chương trình cầu nguyện này rất giống những chương trình cầu nguyện khác, nhưng không ai trong các bệnh nhân hoặc nhân viên là người Công giáo. Vì thế khi chọn bài đọc mình đã chọn một câu chuyện để giúp cho họ suy niệm về ý nghĩa của đời sống chứ không chọn một bài Kinh Thánh.

Vì là lần đầu tiên nên mọi người còn rụt rè, nhưng cũng có người can đảm chia sẻ đôi chút. Có lẻ khi làm nhiều lần thì mọi người sẽ trở nên quen hơn với hình thức chia sẻ với nhau. Dự định mỗi đêm trước khi đi ngủ sẽ có giờ cầu nguyện và chia sẻ như thế này. Riêng mình chỉ có thể đến tổ chức mỗi tuần một lần, nhưng những đêm khác thì nhân viên trung tâm sẽ đứng ra đảm trách.

Mình cảm thấy rất vui khi sinh hoạt này đã trở nên hiện thực trong trung tâm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Đối với các bệnh nhân, vấn đề điều trị không chỉ ở mức độ thân thể mà còn về khía cạnh tâm linh nữa. Ai cũng biết với bệnh HIV/AIDS thì sớm muộn gì cũng phải chết. Nhưng cho dù thân thể có như thế nào đi nữa thì linh hồn cũng có thể mạnh khỏe nếu mình biết chăm sóc nó. Vì thế từ ngày đến đây mình đã tìm cách để giúp đỡ cho các bệnh nhân trong trung tâm về phần tinh thần để giúp họ vượt qua những đau khổ trong cuộc sống. Việc tổ chức giờ cầu nguyện cho các bệnh nhân là điều mình hằng mong muốn và việc sinh hoạt này trở thành hiện thực đối với mình là một điều thực sự đáng mừng.

Mình cũng rất vui khi gần đây cô Air đã nhờ mình đến đọc Phúc Âm cho cô nghe vì dạo này mắt cô không còn nhìn thấy nữa. Air chỉ mới 23 tuổi, nhưng căn bệnh AIDS đã làm cho cô tiều tụy đi rất nhiều. Mắt đã mù và thân hình rất ốm. Tuy nhiên, giọng nói của cô rất rõ ràng và ngọt ngào. Air rất lấy làm thích thú khi được nghe những câu chuyện về Chúa Giêsu và cô tỏ ra rất tin vào Thiên Chúa, mặc dầu cô chưa từng được rửa tội hoặc học đạo một cách chính thức.

Trong các bệnh nhân có mặt trong buổi cầu nguyện hôm nay là một người đàn bà 30 tuổi vừa mới nhập TT hôm qua. Có lẽ cô là bệnh nhân đặc biệt nhất từ trước đến nay. Cô ta câm điếc, nhưng lại vừa sinh một đứa con cách đây 1 tháng. Đứa con ấy không có cha. Cô mang thai sau những lần đi đến những nơi nào đó để thỏa mản nhu cầu tình dục, và hành động đó không chỉ đã mang lại cho cô một đứa con dại mà còn căn bệnh AIDS nữa.

Cô bệnh nhân mới này tỏ ra thích thú với nơi ở mới, được ăn ngủ mà chẳng cần phải làm việc gì. Chiều này đến giờ lễ cô cũng vào nhà thờ tham dự mặc dầu không nghe hoặc hiểu được điều gì. Trong giờ cầu nguyện khi mọi người chuyền nến để cầu nguyện thì cô cũng chỉ cầm nến rồi đưa cho người bên cạnh.

Ở TT ĐMHCG ta thấy được quá nhiều trường hợp bi đát như thế đấy. Những mảnh đời bất hạnh tìm đến đây để nương tựa mong sao cho phần đời còn lại không quá đau khổ và hiu quạnh. Hôm này bà Khamun đã được đưa vào cấp cứu vì căn bệnh AIDS đã đến giai đoạn trầm trọng. Khi bà còn khỏe bà chia sẻ rằng bà có một đứa con đang đi lính. Nó không hề biết bà bị HIV. Mình hỏi bà có định tiết lộ cho người con biết không. Bà nói bà sợ nó không chấp nhận được. Bà định sau này từ từ rồi sẽ nói cho người con biết. Bây giờ căn bệnh AIDS đã ảnh hưởng đến não của bà. Mình e rằng cơ hội để cho bà nói chuyện và chia sẻ với người con trai của bà về bệnh tình của bà đã không còn nữa.

Nong Bua Lamphu, ngày 18.11.2008

Đời vẫn đẹp lắm thay



Hôm nay giáo xứ tổ chức lễ cầu cho linh hồn của chị của nhà vua Thái Lan. Mặc dầu bà qua đời từ lúc đầu năm nhưng đến bây giờ mới có lễ tang. Cả nước Thái tổ chức các nghi thức cầu nguyện cho bà, cả Công giáo lẫn Phật giáo. Nghi thức sáng nay diễn ra đơn sơ nhưng cũng đầy đủ ý nghĩa.

Hôm nay cũng là ngày mình rửa tội cho con của cô Fốn mới sinh cách đây hai tháng. Có lẽ chọn hôm nay để rửa tội cũng là một điều có ý nghĩa. Trong ngày mà giáo dân nhớ tới người qua đời thì cũng là ngày họ chứng kiến một đứa bé đón nhận đời sống mới trong Đức Kitô. Ý nghĩa của cuộc sống được chứng kiến trong hai trường hợp khác nhau nhưng lại rất gắn liền với nhau.

Sáng nay Nát cũng đã đến tham dự thánh lễ lần đầu tiên. Sau lễ em ở lại để nói chuyện với mình thêm về những vấn đề tâm linh và niềm tin của em. Mình chia sẻ với em về niềm tin Công giáo. Mặc dầu em đã được rửa tội trong giáo phái Tin Lành Adventist, nhưng trên thực tế thì giáo phái này có rất nhiều điểm khác biệt với Công giáo.

Mình nói với Nát là nếu em muốn thì hãy đến nhà thờ đi lễ và học giáo lý với mình để hiểu thêm về niềm tin Kitô giáo. Mình sẵn sàng dạy em và không bắt em phải theo đạo Công giáo. Đó sẽ là quyết định riêng của em sau khi đã học giáo lý xong. Nát là một người rất hiền lành, khiêm tốn, ăn nói nhỏ nhẹ và vui tính. Nói chuyện với em mình nhận thấy em sống khá nội tâm và suy nghĩ nhiều về những vấn đề tâm linh mà những người bạn cùng trang lứa không nghĩ tới. Mình rất thích Nát và hy vọng rằng em sẽ thấy thoải mái để đến nhà thờ thường xuyên và học hỏi chia sẻ. Tuy nhiên mình cũng chỉ có thể mời và để cho em tự quyết định. Mình không muốn tạo ra áp lực làm cho em cảm thấy khó xử.

Thánh lễ kết thúc khi 10h nhưng Nát ngồi nói chuyện với mình đến gần 12 giờ mới ra về. Chiều nay khi 3h thì em cũng đã trở lại để học tiếng Anh chung với các bạn khác. Hôm nay các bạn đến học tiếng Anh đầy đủ, ngay cả Ắn đang bị bệnh cũng đến học. Mình rất vui khi thấy các em thực sự muốn học và tích cực lắng nghe cũng như tiếp thu những gì mình trình bày.

Đang dạy học thì có hai người đến tìm gặp mình. Họ muốn gởi người vào trung tâm HIV. Mình bảo họ là ngày mai đến liên lạc lại vì mình không có trách nhiệm quyết định trong việc nhận người. Họ là người Nong Bua Lamphu nên việc phải đến lại cũng không gì khó khăn.

Khi họ biết mình dạy tiếng Anh thì rất muốn gởi con họ đến học. Nhưng vì nó chỉ mới học lớp 8 nên còn quá nhỏ để học trong lớp của mình toàn là học sinh lớp 11. Họ ghi số điện thoại xuống bảo rằng lúc nào có mở lớp cho học sinh nhỏ hơn thì liên lạc với họ để cho con tới học. Mình hứa sẽ làm như thế.

Hứa vậy chứ trước mắt thì không thấy khả năng mở thêm lớp nữa vì giờ làm việc của mình dường như đã kín. Với Mùa Vọng và Giáng Sinh sắp đến thì lại sẽ càng bận rộn hơn. Bận rộn nhưng lại cảm thấy vui. Bổng nhiên sự buồn rầu của những tuần trước không còn nữa. Vấn đề mối quan hệ giữa mình và các cha hình như có phần tích cực hơn. Mình cảm thấy thoải mái và bình an hơn trong tâm hồn. Mình cám ơn Chúa, cám ơn Mẹ, cám ơn những người thân quen, cám ơn những người mình chưa từng gặp đã gởi lời an ủi, khuyến khích, động viên, và nhất là lời nguyện cầu với Chúa cho mình. Niềm hạnh phúc lớn nhất là khi biết rằng xung quanh mình luôn có người quan tâm và lo lắng cho mình, và đồng hành với mình. Cho dù trải qua khó khăn như thế nào đi nữa thì mình sẽ không bao giờ thấy đơn độc.

Nong Bua Lamphu, ngày 16.11.2008

Dạy học để truyền giáo?


Trước đây mình đã từng hình dung rằng mình sẽ đi dạy học, không phải đi dạy để đơn thuần làm một thầy giáo nhưng là một phương tiện để thực hiện công việc truyền giáo của mình. Giờ đây ý định đó cũng đã trở thành hiện thực.

Ngoài việc phụ trách giáo xứ ở đây, công việc dạy học đã trở nên một trách nhiệm quan trọng của mình. Mỗi tuần hai buổi mình đi dạy ở tiểu chủng viện tại tỉnh Udon Thani. Mỗi tuần 3 buổi, mình đi dạy học ở trường trung học Nong Bua Lamphu. Ngoài ra còn dạy tiếng Anh tại nhà thờ vào thứ bảy Chúa Nhật, cũng như dạy tiếng Thái cho các bạn trẻ Việt Nam vào mỗi tối thứ 2,4,6.

Cũng sẽ có người đặt vấn đề đi dạy học là một hình thức truyền giáo như thế nào? Chiều nay sau giờ học mình đã nhận thấy giá trị của việc dạy học trong công việc truyền giáo.

Trong giờ dạy tiếng Anh chiều nay tại nhà thờ mình chiếu cho học sinh (tất cả là Phật giáo) xem một chương trình powerpoint với nội dung kể về một câu chuyện cổ tích. Đó là câu chuyện về hai bình nước. Một bình nước thì hoàn hảo trong khi bình khác thì đã bị nứt.

Mỗi ngày một bà cụ đem hai bình nước đó đi gánh nước từ suối đem về. Vì một bình bị nức nên khi về đến nhà thì chỉ còn một nữa. Thời gian dài hai năm việc này xảy ra hàng ngày. Bình nước bị nứt cảm thấy rất xấu hổ với chính mình vì nó không làm được nhiệm vụ của mình như cái bình kia. Còn cái bình hoàn hảo thì rất tự hào với chính mình.

Một ngày nọ chiếc bình bị nứt thưa với bà cụ rằng: "Thưa bà, con cảm thấy rất xấu hổ vì con không làm được việc như chiếc bình kia. Con chỉ làm được một nữa."

Nghe vậy bà cụ nói với chiếc bình: "Con ơi, con có nhìn thấy trên đường về nhà dọc đường có nhiều loài hoa đẹp tuyệt vời không? Thực ra bà đã biết con như thế nào. Chính vì thế bà đã gieo những hạt giống dọc đường bên phía con. Mỗi lần đi ngang qua, chính con đã tưới nước cho những cây hoa đó. Bởi vậy suốt hai năm qua bà đã có những nhành hoa thật đẹp đem về để trang trí nhà."

Câu chuyện muốn nhắc nhở chúng ta hãy chấp nhận những thiếu xót của mình. Mặc dầu chúng ta không hoàn hảo, nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể làm những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Chúng ta không nên so sánh bản thân với người khác mà hãy chấp nhận chính mình, và chấp nhận người khác nữa. Vì mỗi người đều có nét đặc biệt của chính mình.

Khi đọc và hiểu câu chuyện này các học sinh đã rất thích thú. Sau giờ học, một số học sinh vẫn chưa ra về còn đứng trò chuyện ở trước nhà xứ. Nã một học sinh vừa đến học với mình được hai tuần hỏi về công việc của mình tại giáo xứ. Mình cũng kể cho em nghe về trách nhiệm của mình ở đây và trình bày cho các em nghe về niềm tin Kitô giáo.

Nát một học sinh khác hỏi mình: "Thưa cha có phải câu chuyện lúc nãy là câu chuyện liên quan đến Thiên Chúa không?"

Mình trả lời: "Thực ra đó cũng chỉ là một câu chuyện về ý nghĩa của cuộc sống con người. Tuy nhiên khi cha giảng dạy thì cha cũng thường kể cho mọi người nghe những câu chuyện như thế, và từ đó áp dụng vào ý nghĩa tâm linh. Ví dụ trong câu chuyện này, chúng ta có thể xem người đàn bà trong câu chuyện là một người bình thường. Hoặc chúng ta cũng có thể so sánh bà như Thiên Chúa. Ngài thương yêu chúng ta và chấp nhận chúng ta bất kể chúng ta như thế nào. Ngài luôn nhìn thấy cái tốt trong mỗi người chúng ta."

Đây là lần đầu tiên từ khi mình bắt đầu dạy tiếng Anh cho các học sinh ở nhà thờ mà các em hỏi mình về ý nghĩa tôn giáo nhiều như thế. Mình nói với các em: "Nếu ai có thắc mắc điều gì hay muốn biết điều gì thì mời đến tham dự lễ nhé. Ở đây luôn luôn đón tiếp các em. Và cha cũng sẵn sàng trả lời những câu hỏi của các em."

Nát muốn xem phim về tôn giáo. Mình hứa sẽ thâu phim ra đĩa DVD cho em xem. Em nói sáng mai có thể sẽ đến nhà thờ dự lễ. Thực ra trước đây Nát đã từng tham dự trong một giáo phái Tin Lành 7th Day Adventist. Đây là một giáo phái có nhiều điểm khác biệt với Công giáo. Tuy nhiên em là một học sinh rất hiền hòa, muốn biết về đạo và như em đã nói, có rất nhiều câu hỏi.

Tối nay mình thâu phim ra đĩa cho Nát xem. Mình hy vọng rằng qua những bước đầu này Nát cũng như các em khác sẽ cảm thấy lôi cuốn hơn, muốn biết về Chúa hơn, và sẽ được ơn để có được niềm tin vào Ngài.

Nong Bua Lamphu, ngày 15.11.2008

Lễ hội


Tối nay mình dẫn ba bệnh nhân trong TT ĐMHCG và sáu bạn trẻ Việt Nam đi chơi lễ hội Loi Krathong. Đây là lễ hội truyền thống rất lớn ở Thái Lan. Ở tỉnh NBL nơi tập trung lớn nhất là ở công viên và hồ nước ở khu trung tâm.


Đi một lúc thì gặp được bọn học sinh này. Tụi nó nhớ mình chứ mình cũng không nhớ mặt tụi nó lắm. Hình như nó biết mình qua lần trại tiếng Anh vào tháng 10 vừa qua.

Ở cái miếu bên cạnh bờ hồ, người ta đến thắp hương khấn vái liên tục. Thằng Nguyên cũng quỳ xuống để "khấn" điều gì đó.

Mình không rõ tại sao ở cái miếu này người ta chưng rất nhiều con gà trống. Nó là biểu tượng của điều gì mình chưa tìm hiểu.

Thằng Thắng đòi đẩy thằng Giáp xuống hồ nhưng Giáp nó chống cựa quyết liệt.

Trong lễ hội này người ta làm những cái Krathong bằng thân và lá chuối, lấy hoa trang trí, gắn thêm nến và nhang. Nhiều người bỏ tiền vào krathong. Họ cầm Krathong trên tay nhắm mắt cầu nguyện xin cho được những ơn cần thiết rồi thả xuống nước. Nếu krathong bị chìm là một điều rất xui xẻo. Không ai muốn krathong của mình bị chìm. Nếu ai đi thả krathong với người yêu thì hai người cùng cầm một cái krathong và cầu nguyện chung với nhau, rồi cùng thả krathong xuống nước.
Trách nhiệm của mấy đứa nhỏ là đi lấy que khều krathong vào để tìm xem trong đó có tiền hay không. Thằng Thắng và Nguyên thấy mấy đứa nhóc làm ăn có lợi nên cũng muốn kiếm chác.

Người ta làm krathong rất đẹp, nhưng qua tay những nhóc này thì tan tành không còn gì hết.


Ngoài thả krathong xuống nước thì người ta còn thả lồng đèn cho bay lên trời. Cái lồng đèn này là cở to nhất mà người ta có bán ở đó. Thắp lên phải đợi một lúc mới đủ sức cho nó tự bay lên.


Mấy bạn trẻ Việt Nam khi thả krathong không chịu khấn xin gì hết, cứ thả đại như thế không biết co linh không.

Khi đang chuẩn bị thả krathong thì có một em người Thái đến xin mấy anh cho ít lửa.

Boat đi mua cái krathong này 50 baht và chuẩn bị đi thả. Boat là một học sinh lớp 11. Nó đến nhà thờ học tiếng Anh mỗi ngày thứ 7 và Chúa Nhật.


Đây là bọn học sinh lớp 11 đang làm krathong bán để gây quỷ cho lớp. Trong nhóm này có hai đứa là học sinh của mình.


Hai em này học sinh lớp 10 ở trường Nong Bua Pittayakarn. Mình dạy tụi nó kỳ vừa rồi. Em gái nói với mình thả lồng đèn là để cho những khó nhọc trong đời sống của mình bay lên trời và mang lại cho mình sự bình yên.


Cái lồng đèn bay lên thiệt cao. Không biết khi lửa dập rồi thì nó sẽ rớt xuống nơi đâu.
Ánh lửa hy vọng của các bạn trẻ lao động Việt Nam.


Ánh lửa ấm áp trong những ngày đầu tiên của mùa lạnh ở vùng đông bắc Thái Lan.


Nong Bua Lamphu, ngày 12.11.2008