Trung thành với việc nhỏ


Hội dòng của tôi cũng như nhiều Hội dòng khác, có thiết lập một mục vụ có tên là “Công lý và hòa bình”. Người được bố trí vào chức vụ này có trách nhiệm triển khai các dự án của Hội dòng liên quan đến công lý và hòa bình, hầu giúp Hội dòng có một tiếng nói tiên tri trước những vấn nạn trong xã hội, đặc biệt những gì có tác hại đến nhân phẩm con người cũng như sự vẹn toàn của thiên nhiên mà Thiên Chúa đã tác tạo nên.


Chi nhánh của Hội dòng của tôi ở Úc cũng có một linh mục được bổ nhiệm vào mục vụ này. Đối với tôi, đây là một trong những công việc quan trọng nhất trong chương trình mục vụ của nhà dòng. Người ấy phải có tầm nhìn rộng, phải hiểu biết và cập nhật các vấn đề của thời đại, phải mạnh dạn trong việc đưa ra những ý kiến để giúp cho Hội dòng làm tốt sứ mệnh của mình đối với Dân Chúa. Và trên hết, người ấy phải thật sự biết quan tâm đến những người xung quanh, thông cảm với hoàn cảnh của họ, và biết chia sẻ những ưu tư của họ. Trước đây, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm dẫn đầu Ủy ban Công lý và hòa bình của Tòa Thánh, có lẽ cũng vì ĐHY đã hội được những điều kiện đó và còn hơn thế nữa.


Sáng nay, tôi chứng kiến người anh em trong Hội dòng được bổ nhiệm vào mục vụ này dâng lễ, và đã làm tôi suy nghĩ. Cha X. năm nay khoảng tuổi trung niên. Có thêm một linh mục khác, năm nay 75 tuổi cùng đồng tế với ngài. Trong thánh lễ, đến lúc công bố tin mừng, công việc thường được các chủ tế giao cho vị đồng tế, thì cha X. đã kiêm hẳn.


Tuy nhiên, đến phần rước lễ, sau khi cha X. rước mình và máu xong, ngài đã tự động trở về ghế ngồi. Vị đồng tế già lúc ấy mới hiểu rằng, mình được giao trách nhiệm cho giáo dân rước lễ. Làm việc này xong, ngài trở lại bàn thánh thì thấy trên bàn, những vật dùng vẫn còn nguyên xi không có ai dọn dẹp (vì lễ ngày thường nên không có người giúp lễ). Thế là một mình ngài lủi thủi thu dọn khăn lễ, chén thánh, dĩa thánh.... Trong khi đó, vị chủ tế trẻ hơn ngồi thanh thản một mình ở ghế để 'cầu nguyện'. Giáo dân ngồi chờ khá lâu mọi việc mới hoàn tất và thánh lễ có thể tiếp tục.


Hình ảnh vị chủ tế trẻ ngồi 'cầu nguyện' để cho vị đồng tế già phải chuẩn bị bàn thánh, cho rước lễ, rồi dọn dẹp bàn thánh đã làm cho việc tham dự lễ của tôi hôm nay hoàn toàn bị chia phối. Tôi liên tưởng đến hình ảnh một ông quan đang ngồi để được hầu hạ.


Dĩ nhiên, đây không phải là sự việc duy nhất làm tôi suy nghĩ. Hơn một tháng qua, sống trong cộng đoàn với nhà truyền giáo này, tôi đã chứng kiến một điều khá bất ổn.. Mỗi tối, cộng đoàn có bữa ăn chung. Chúng tôi có một người nấu ăn, nhưng việc dọn dẹp, rửa bát thì phải tự lo liệu với mục đích củng cố tinh thần cộng đoàn, và vì đây là một công việc không khó khăn gì. Khi bữa ăn kết thúc, các cha già lần lượt về phòng để nghĩ ngơi. Tuy nhiên, mỗi ngày đều có một vài cha đã già yếu, đi lom khom cứ nán ở lại để giúp những người trẻ hơn rửa chén. Nhiều khi chúng tôi phải "đuổi" các ngài đi không cho giúp nữa.



Tuy nhiên, cha X. mỗi ngày, lúc dùng bữa xong, đều thản nhiên để cho những người ngồi chung cùng bàn của mình dọn dĩa mình xuống bếp, rồi ngài thản nhiên đi về phòng xuyên qua đường bếp, nơi những ai còn khoẻ mạnh như ngài đang phụ giúp công việc làm vệ sinh. 
Nhìn cảnh cha gia đang loay hoay lau chén, rồi quay sang nhìn cảnh cha trẻ đang vô tình bước ra khỏi phòng ăn về phòng thư giãn, trong tôi dâng lên một ý nghĩ không mấy thánh thiện.

Thiết nghĩ, công lý và hoà bình là một trách nhiệm vô cùng quan trọng. Phải chăng để thi hành công việc tốt, người đảm trách không chỉ phải biết làm việc lớn, nhưng còn phải ý tứ trong việc nhỏ? Trong Tin Mừng, người chủ đã giao cho các đầy tớ công việc lớn sau khi ông ta đã thử thách và nhận thấy họ trung thành trong những việc nhỏ. Đây là một phương pháp tốt để giúp những người lãnh đạo bố trí nhân sự. Nếu không thì nguy cơ đưa người không thích hợp vào những vị trí quan trọng là rất cao. Có lẽ nếu chúng ta có hoài bão làm việc lớn cho Giáo hội, cho xã hội, thì chúng ta nên bắt đầu với những công việc rất tầm thường mà chúng ta phải thực hiện trong cuộc sống hằng ngày.


Công lý và hoà bình bắt đầu với việc chia sẻ trách nhiệm ngay trong môi trường sống của mình một cách hợp lý và thiện chí. Nếu chúng tai ai cũng ý tứ về công lý và hoà bình trong những vấn đề nho nhỏ, thì có lẽ sự bất công lớn trong xã hội cũng sẽ được hạn chế rất nhiều. Thiết nghĩ, nhiều sự bất công nho nhỏ góp lại thành một sự bất công lớn. Nhiều cuộc xung đột nho nhỏ góp lại thành một chiến tranh lớn.


Epping, NSW ngày 21.11.2006

No comments: