Con có khóc mẹ mới cho bú


Chiều hôm qua, gặp tôi trong phòng ăn, cha phó giám tỉnh người Úc ân cần hỏi thăm: - Cha ở đây thấy thế nào?

Tôi thành thật trả lời: - Thưa Cha, cũng không tệ lắm. Con có nhiều thời gian rảnh rỗi để đọc sách, cầu nguyện, trò chuyện với các cha già, hơi giống như năm nhà tập vậy.

Cha phó giám tỉnh hỏi tiếp: - Vậy, cậu không thấy chán à?

- Thưa cha, con cũng cố tìm cho mình một số việc riêng để làm, như dịch thuật các tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt cho một trang web Công giáo ở Hoa Kỳ. Ngoài ra cũng có đi đây đó để dâng lễ và giải trí. Nhưng thú thật thì đôi khi con cũng nôn nao muốn bắt đầu công việc của mình. Nhưng con không thể làm gì được cho tới khi sang Thái Lan vào tháng 3.

- Cậu nghĩ như thế nào về việc ở đây cho đến tháng 3?

- Thưa cha, bề trên muốn con chờ anh T. để hai anh em cùng đến Thai Lan một lúc (hai người đều có bài sai đi TL). Nhưng con nghe nói anh T. sau khi chịu chức tháng 12 này sẽ về Việt Nam thăm gia đình. Như vậy thì con cũng không đi cùng anh ấy, nhưng chỉ gặp nhau ở đó thôi. Vì thế con nghĩ không biết nhất thiết con phải đợi đến lúc ấy mới đi hay không. Việc con ở đây 'lam quen' với cac đồng nghiệp thì con thấy không cần kéo dài từ tháng này sang tháng khác.

- Tôi cũng nghĩ như cậu. Tốt hơn là cậu sang Thái Lan và làm quen với môi trường sống bên đó.

Ngừng một lúc, cha phó giám tỉnh nói tiếp: - Tại sao cậu không trao đổi với cha giám tỉnh suy nghĩ của mình?

- Thưa cha, con định làm việc này sau chuyến đi dự lễ chịu chức ở Melbourne vào giữa tháng 12.

- Tôi nghĩ tốt nhất là cậu nên làm liền vì như vậy cha giám tỉnh còn có thời gian để sắp xếp. Nếu đợi lúc muộn thì cũng khó xoay sở.

Tôi thấy cha phó giám tỉnh nói có lý, nên vội đi gọi văn phòng của cha giám tỉnh. Nhưng ngài đã đi bệnh viện thăm một cha già mới trải qua một cuộc phẫu thuật nghiêm trọng. Thế là tôi đợi sáng hôm nay mới có cuộc trao đổi.

Kết cuộc, cha giám tỉnh cũng đồng ý là tôi không cần ở lại Úc cho đến tháng 3, nhưng có thể thu xếp một chương trình gì đó ngắn hạn để giới thiệu tôi vào văn hóa Thái Lan trong tháng 2 trước khi tôi bắt đầu chương trình học tiếng Thái tại Bangkok.

Trước khi làm việc này thì tôi sẽ tham dự chương trình chuẩn bị tại Úc và đi thăm một số điểm truyền giáo của tỉnh dòng Úc, đặc biệt là nơi phục vụ cho người thổ dân tại đây vốn phải trải qua rất nhiều thiệt thòi. Bối cảnh của họ cũng tương tự như người da đỏ ở Châu Mỹ, bị người da trắng đến cướp đất và đàn áp. Vì thế xã hội văn hóa của họ ngày càng suy sụp và chịu nhiều đau khổ.

Trải qua kinh nghiệm hôm nay, tôi thấy rằng câu nói 'con có khóc mẹ mới cho bú là thế'. Nếu tôi có điều không thỏa mãn mà cứ ôm ấp nó trong lòng, không chịu nói ra thì đâu ai biết có vấn đề gì để khắc phục. Sống với người Tây có một điều mà tôi đã biết là họ rất sòng phẳng và thẳng thắn. Nếu mình suy nghĩ gì thì phải nói ra, chứ không ai ngồi đó để đoán trong đầu mình đang có những tư tưởng gì.

Tôi là người sinh ra tại Việt Nam, nhưng lớn lên ở Hoa Kỳ, nên đôi khi tôi phải 'tùy cơ ứng biến'. Đối tượng mình thuộc về văn hóa nào thì mình cư xử và xử lý vấn đề theo văn hóa ấy. Làm một nhà truyền giáo, thì chắc chắn đây sẽ không phải lần đầu tiên tôi đề cập đến vấn đề văn hóa, vì đây là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất mà các nhà truyền giáo phải quan tâm đến, để có thể thi hành sứ vụ một cách hiệu quả, để chứng mình rằng, văn hóa nào cũng có giá trị đích thực, và không có văn hóa nào mà Chúa Thánh Thần không thể hiện diện và thực hiện những công việc nhiệm mầu của Ngài.


Sống lời khấn vâng lời không hẳn có nghĩa mình không có lập trường riêng, nhưng quan trọng là sẵn sàng chia sẻ và đối thoại với bề trên để hai bên có thể đi tới sự thông cảm vá quyết định tốt nhất cho mỗi trường hợp. Không phải khi nào mình cũng sẽ đạt được những kỳ vọng cá nhân, nhưng chắc chắn việc đối thoại sẽ dễ mang lại những gì mà trong thâm tâm mình thấy là thích hợp và bổ ích cho đời sống tinh thần và phục vụ của mình.


Epping, NSW ngày 16.11.2006

No comments: