Thăm cha già


Tôi đang ngồi lướt mạng để dò tin tức về cuộc họp thượng đỉnh APEC tại Việt Nam thì một cha đàn anh đến rủ đi thăm bệnh nhận. Tôi đưa mắt khỏi màn hình hỏi: - Bệnh nhân nào vậy?


Cha trả lời:


- Cha Tom đang hồi phục sau cuộc mổ. Có Cha M. đi chung nữa. (Cha M. cũng đã về hưu, năm nay ngài 70 tuổi).


- OK. Anh đợi em 10 phút nhé.


Thế là ba cha con leo lên xe tìm đến bệnh viện. Ba người đều ba lứa tuổi khác nhau. Tôi thì linh mục trẻ mới ra lò. Cha H. (người Việt) thì chịu chức được 8 năm, tuổi xồm xồm. Còn cha M. người Úc thì thuộc loại kỳ cựu. Thế nhưng trong hội dòng, chúng tôi đều có thể nói là ba anh em với nhau.


Đến bệnh viện, chúng tôi lại gặp thêm một người anh em nữa cũng đã một mình đến thăm cha Tom. Khi chúng tôi đến thì y tá mới vừa đưa ngài về phòng. Thấy chúng tôi, cha vui hẳn lên. Chúng tôi cũng thấy ngài khỏe hơn trước nhiều, tinh thần lẫn thể xác.


Cha H. thì giúp cha Tom lên giường nằm và đặt gối cho ngài. Cha M. thì mở tủ để lấy áo quần dơ đưa về giặt. Cha Th. và tôi đứng kề giường ngài, hỏi chuyện từ tốn vì sợ ngài cảm thấy khó chịu khi có đông người trong phòng.


Một y sĩ bước vào phòng để kiểm tra hồ sơ thấy chúng tôi liền bảo:


- Bác này thật là 'nổi tiếng'. Ngày nào cũng có người đến thăm.
Sự ngạc nhiện của anh chàng y sĩ là có cơ sở. Chính tôi đã từng làm tuyên úy trong bệnh viện tại Hoa Kỳ, và đã chứng kiến rất nhiều trường hợp các bệnh nhân già phải nằm trong bệnh viện ngày nay qua ngày khác mà không thấy một bóng nào của người thân. Vì thế họ rất vui khi có một vị tu sĩ đến thăm viếng và trò chuyện với họ. Tuy nhiên trong cuộc nói chuyện thì tôi luôn được nghe những câu chuyện rất là thương tâm về mối quan hệ sứt mẻ trong gia đình.


Nghe lời nói của anh y sĩ, chúng tôi không nói gì, chỉ mỉm cười. Có lẽ anh ta không biết chúng tôi là "anh em" với nhau, mặc dầu người thì Úc, người thì Việt. Trong dòng khi có người có bệnh nghiêm trọng phải đi bệnh viện hay bác sĩ thì luôn có người giúp đỡ và tới thăm viếng. Cách đây vài tuần, tôi bị viêm cổ họng, nhưng không thể tự đi bác sỹ được vì tôi không biết đường thì một sư huynh năm nay tuổi đã ngoài 60 đã dẫn tôi đi.


Các linh mục và tu sĩ khi trở về già thường dễ bị neo đơn. Sau một đời làm phục vụ giáo hội, nhìn qua lại chỉ thấy một mình chơ vơ. Nhưng trong dòng thì có phần an ủi hơn vì bên cạnh các ngài còn có những người khác để có một cộng đồng tinh thần. Như vậy thì những ngày tháng cuối đời sẽ không thấy đơn độc. Đời sống cộng đồng có nhiều điều phức tạp, nhưng cũng mang lại cho mình rất nhiều niềm vui. Cộng đồng là một chỗ tựa khá bền vững nếu trong cộng đoàn, mình cũng không quên góp phần để xây dựng nó cho tốt đẹp. Đó là một trong những lý do tại sao tôi đã chọn con đường tu dòng thay vì tu triều. Hy vọng sau này, khi già yếu, bên cạnh tôi vẫn có những người an ủi và nâng đỡ như một người anh em.


Epping, NSW ngày 17.11.2006

No comments: