Đi học massage chân


Hôm qua mình và Tiffany, một cô gái người Mỹ đang cùng học tiếng Thái ở trường rủ nhau đến Chùa Pho, là một ngôi chùa nổi tiếng ở Bangkok. Chùa Pho còn được gọi là chùa Phật nằm vì ở đây có một tượng Phật nằm rất to. Tượng phật mạ vàng, có kích thước dài 46 mét và cao 15 mét. Wat Pho cũng là ngôi chùa lớn nhất Bangkok, và tượng Phật nằm chỉ là một trong hơn 1000 tượng phật trong khuôn viên của ngôi chùa đồ sộ này.


Mình và Tiffany đi một lúc để ngắm hàng trăm ngôi tháp lớn bé của chùa cũng như những hoa văn trên các bức tường. Tuy nhiên, mục đích chính của hai người chiều qua là không phải đi tham quan nhưng là đi hỏi thăm về trường học dạy massage Thái và massage chân do chùa Pho đảm trách.


Mình biết ở Thái Lan có nghệ thuật massage chân rất hay nên muốn học hỏi để sau này làm cho những người thân quen như bố mẹ khi có dịp về nhà thăm. Học phí không mắc lắm, gần 200 USD và lớp học kéo dài 30 tiếng đồng hồ (10 ngày). Tuy nhiên, với giờ dạy ở trường thì hiện nay mình chưa sắp xếp được để tham gia. Mình vẫn hy vọng trong tương lai sẽ thu xếp để theo học được khóa massage chân.


Mình mang chuyện muốn học khóa massage chân nói với một cha người Thái. Cha bảo:


- Cha muốn học cái đó trên nguyên tắc thì tốt. Nhưng đối với văn hóa Thái Lan thì có chút vấn đề. Đó là vì người Thái coi bàn chân là bộ phận thấp nhất của thân thể. Vì thế khi ngồi không ai tréo chân để cho người đối diện thấy phần dưới của bàn chân, vì đó là một điều cấm kỵ. Việc để cho người khác thấy phần dưới của bàn chân mình là một điều vô cùng bất lịch sự.


Ngài nói tiếp:


- Cha là một vị linh mục. Người Thái nhìn vào cha như một người đáng tôn trọng. Và cha còn là người dâng thánh lễ, cầm Mình Thánh Chúa trong tay. Nếu cha cầm chân người khác, rồi đi cầm Mình Thánh Chúa, nếu biết được, người Thái sẽ không bằng lòng với điều đó.


Quả thực trước đây mình chưa từng nghĩ đến điều đó. Đối với mình, bàn chân hay bất cứ bộ phận nào trên thân thể đều có thể sạch và cũng có thể dơ bẩn, tùy theo mình giữ gìn vệ sinh như thế nào. Mà không có gì quá bẩn mà một chút sà pong không thể giải quyết được.


Còn việc cầm bàn chân của người khác có gì là thấp hèn hay không thì mình cũng chưa từng nghĩ tới. Dù sao đi nữa thì Chúa Giêsu cũng đã không ngần ngại rửa chân cho các môn đệ. Nếu Ngài có thể làm điều đó, thì phải chăng mình không làm được?


Nhưng đó là quan điểm riêng tư, còn đây là thực tế. Mình có thể làm theo ý riêng cho dù điều đó không phù hợp với văn hóa địa phương. Hay mình có thể đi theo văn hóa mặc dù mình có ý kiến bất đồng với văn hóa. Mình phải tự quyết định mình có nên thách đố lối suy nghĩ của một văn hóa hay không, mà thách đố phải như thế nào để duy trì tinh thần tôn trọng, lắng nghe, và đối thoại. Quá trình hội nhập không mấy đơn giản khi đối diện với thực tế mà lối suy nghĩ khác biệt với những gì mình đã quen thuộc không ít chút nào.


Bangkok, ngày 22.3.2007

No comments: