Lễ Lào, Lễ Việt, Lễ Thái

Tượng Thánh John Vienney, quan thầy của ĐCV Lào, trong nhà nguyện của ĐCV


Cũng như lần trước đến dạy tại ĐCV mình được cha phụ trách nhờ dâng lễ sáng cho các thầy. Mình làm lễ bằng tiếng Thái. Tuy nhiên khi đáp thì các thầy đáp bằng tiếng Lào. Mặc dầu tiếng Lào và tiếng Thái rất giống nhau, nhưng cách dịch trong mỗi bộ lễ khác biệt theo tính chất ngôn ngữ của địa phương. Tuy vậy, việc xướng bằng tiếng Thái và đáp bằng tiếng Lào không gây nên khó khăn gì cho mình hoặc cho các thầy.

So với thánh lễ tiếng Thái thì lễ tiếng Lào sống động hơn rất nhiều.  Thường thì các lời xướng và đáp trong thánh lễ tiếng Lào được đọc theo cung điệu giống như trong thánh lễ tiếng Việt, chứ không phải đọc theo kiểu nói như trong thánh lễ tiếng Thái hoặc tiếng Anh. Vì thế nên thánh lễ nghe rất hay và rập ràng. Cho dù trong nhà thờ có ít giáo dân đi chăng nữa thì tiếng đọc kinh vẫn vang to và thanh thoát. Điều này không có được trong thánh lễ tiếng Thái vì người Thái chỉ đọc bình thường nên độ vang hoàn toàn không có. Chính vì thế mà trong các Thánh lễ của người Thái thường có một người cầm micro để đọc những câu đáp cho mọi người cùng nghe. Điều này có tác dụng làm cho âm thanh trong nhà thờ lớn hơn.  Tuy nhiên, nó cũng làm cho giáo dân trở nên bị động khi nhiều người “ỷ lại” người cầm micro nên không cần đáp. Nếu thánh lễ nào mà không có người cầm micro đáp và có ít giáo dân thì nhiều khi chủ tế cứ ngỡ như mình đang làm lễ một mình. Và không khí trong thánh lễ cảm thấy thật buồn tẻ.

Thật ra, việc xướng đáp theo cung điệu không có trong Thánh lễ tiếng Thái cũng có lý do. Theo thầy Tik, một tu huynh Dòng Chúa Cứu Thế Thái Lan đang dạy tại ĐCV thì ngày xưa giáo hội Thái cũng có cách xướng đáp trong thánh lễ theo cung điệu đặc trưng của người Thái. Tuy nhiên, điều này đã làm cho các lãnh đạo Phật giáo không hài lòng. Họ cho rằng người Kitô giáo đang bắt chước và trêu chọc văn hóa Thái và lối tụng kinh của đạo Phật là tôn giáo chính thức của đất nước Thái. Họ cho rằng Kitô giáo là một tôn giáo ngoại bang và không thể mặc lên chó nó những tính chất văn hóa của họ. Vì thế, họ áp lực giáo hội Công giáo phải từ bỏ cách đọc kinh theo cung điệu của người Thái, và như thế người Công giáo Thái Lan buộc phải đọc kinh và lời nguyện theo kiểu đọc bình thường. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến bầu khí và tinh thần của Thánh lễ trong các nhà thờ tại Thái Lan.

Sự việc này mới cho thấy rằng nhiều khi đạo Kitô Giáo bị hiểu lầm và không dễ dàng hội nhập văn hóa cho dù đó là ý muốn của Giáo hội để đi vào lòng dân tộc một cách trọn vẹn hơn. Đôi khi sự thiếu hội nhập đến từ não trạng cục bộ từ bên trong giáo hội. Nhưng có khi cũng đến từ sự hiểu lầm và thiếu cởi mở của những tôn giáo hoặc lãnh đạo địa phương làm cho việc hòa hợp bị cản trở. Thật đáng tiếc khi vì điều này mà người Công giáo Thái Lan không có cách xướng kinh như người Lào hoặc người Việt, mà khi vang lên thì rất du dương, rập ràng, và làm cho mọi người cảm thấy thật sốt sắng. 

Thakhaek, Lào ngày 7.5.2015

No comments: