Chuyện đầu ngày


     Buổi sáng thức dậy với tiếng chuông nhà thờ. Tiếng gà gáy từ xa vọng lại. Tiếng nước xối. Các thầy đang làm vệ sinh sáng để chuẩn bị cho Thánh lễ. Trên chiếc máy tính bảng hiện lên những dòng tin nhắn và những điện thư đã nhận được. Mình mở ra lướt xem có gì quan trọng không. Có những lời chào thăm hỏi. Có người xin lời cầu nguyện cho bạn mình trước ca phẩu thuật ở bệnh viện. Có chuyện vui chuyện buồn liên quan đến người thân. Thế là biết sáng nay sẽ dâng lễ với những ý nguyện như thế nào rồi.

     Mình vào phòng tắm làm vệ sinh sáng. Thay áo quần xong mình đi vào nhà nguyện. Phòng ngủ của mình chỉ cách nhà nguyện vái bước. Sáng nay, thầy Mithuna thực tập giảng trong thánh lễ. Thầy chia sẻ về niềm vui và sự bình an giữa nỗi khổ của cuộc sống, kể cả cuộc sống của những người tu trì. Dường như không ai tránh được những khó khăn, những thách đố trong cuộc hành trình trần thế. Nhưng trong Đức Kitô, ta có thể tìm thấy niềm vui và sự bình an.

     Sau khi dâng lễ và nguyện kinh sáng xong, các cha và các thầy dùng bữa sáng. Các cha ngồi một bàn. Các thầy ngồi một bàn khác. Trên bàn thức ăn của các cha có bánh tét. Đó là quà của các giáo dân ở trong một làng tặng cho cha giám đốc đại chủng viện khi ngài đi dâng lễ mừng quan thầy của cộng đoàn ngày hôm qua. Giáo dân ở đây có nhiều người gốc Việt nên họ làm bánh tét để ăn mừng ngày lễ. Thường họ cũng làm bánh tét để bán nữa. Cha Vũ, phụ tá trong ĐCV cũng bày ra một dĩa bánh gai mà giáo dân ở đây làm để biếu các cha. Thế là thức ăn sáng của mình bao gồm hai món ăn Việt thuần túy, bánh tét và bánh gai. Bánh tét không có dưa món đi kèm, nên mình ăn với một loại mắm mà người Lào dùng để ăn với rau luộc. Mắm cay cay, mặn mặn, nên ăn với bánh tét cũng thấy hợp. Ăn hai lát bánh tét và một cái bánh gai, thế là no.  Thêm một ly cà phê 3 trong 1 nữa thì xem như đã nạp đầy đủ năng lượng cho một ngày dạy học mới. Lát nữa mình sẽ cùng với các thầy xem lại video bài giảng của thầy Mithuna để đánh giá và góp ý. Sau đó sẽ trình bày thêm cho các thầy hiểu về quá trình chuẩn bị một bài giảng. Chiều nay thầy Saiya sẽ thực tập giảng lễ hôn phối.

     Giờ đây các thầy đang làm vệ sinh khuôn viên đại chủng viện trước khi ngày học bắt đầu. Có chút thời giờ rảnh rổi, mình ngồi viết nhật ký. Viết để ghi lại những điều hay điều đẹp trong cuộc sống. Viết để ghi nhận những nỗi vui nỗi buồn mà Chúa gởi đến cho mình mỗi ngày. Viết để cảm tạ Chúa vì những ân sủng Chúa ban cho trong cuộc đời linh mục và trong ơn gọi của một nhà truyền giáo.

Thakhaek, Lào, ngày 15.5.2015

Các thầy tập giảng




Thế là môn giảng thuyết dành cho các thầy tại Đại Chủng Viện Lào đã trải qua một nửa đường. Hôm nay các thầy trong lớp thuyết giảng bắt đầu giảng trong Thánh lễ misa hàng ngày thay vì chỉ giảng trong giờ học. Mình yêu cầu các thầy giảng trong thánh lễ để giúp cho các thầy có bầu khí nghiêm trang và thánh thiện của thánh lễ để các thầy nhập tâm vào công việc giảng thuyết một cách hiệu quả nhất. Mỗi bài giảng đều được quay video và trong giờ học thì mở ra xem lại để cho mọi người cùng góp ý.

Phải công nhận là các thầy học rất chăm chỉ và hăng hái. Các thầy cũng cố gắng để có những bài giảng tốt mặc dầu bị hạn chế về nhiều điều nên không thể soạn những bài giảng hoàn hảo được. Trong Đại Chủng Viện các thầy có rất ít tài liệu để hỗ trợ cho việc chuẩn bị các bài giảng. Ngoài ra vì là quy luật của ĐCV nên các thầy cũng không được xử dụng internet để tìm thêm những tài liệu sẵn có trên mạng. Đó là một bất tiện lớn vì thời buổi này những tài liệu trên mạng là những nguồn hỗ trợ rất tốt cho việc chuẩn bị một bài giảng. Tuy nhiên, một điều mà các thầy và bất cứ một linh mục nào đều có và phải có trong việc chuẩn bị bài giảng đó là việc suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện. Đưa bài đọc của Thánh lễ vào trong giờ cầu nguyện riêng và suy gẫm về ý nghĩa của nó là tâm điểm của quá trình chuẩn bị bài giảng. Cho dù có được những tài liệu tốt mà không có việc cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa thì bài giảng có thể hay về hình thức và nội dung, nhưng có thể rất thiếu thốn về tinh thần. Và trên hết tâm hồn của người giảng thuyết sẽ không được thể hiện trong bài giảng đó, vì thế sẽ khó đánh động những người giáo dân đến tham dự Thánh lễ và nghe giảng. Mình vẫn nhắc nhở các thầy rằng. Những tài liệu hỗ trợ để chuẩn bị bài giảng thì rất cần thiết. Nhưng cần thiết nhất và không thể thiếu được là việc cầu nguyện.

Thakhaek, Lào ngày 13.5.2015

Tuổi thơ ấu trở về


Chiều qua đạp xe chạy lòng vòng để thư giãn sau một ngày dạy học, mình đi vào một con đường dân cư trong phố. Con đường không tấp nập nhưng cũng có nhà cửa san sát và một số quán xá nhỏ. Tình cờ mình nhìn thấy một nhóm con nít đang chơi một trò chơi trên đường. Nhìn vào trò chơi của bọn trẻ là mình nhận ra ngay đó là trò chơi gì, vì chính mình cũng đã từng chơi trò chơi này khi còn là một đứa trẻ tại Việt Nam. Nhưng đó là một thời đã qua rất xa. Đã nhiều lần mình về Việt Nam nhưng không có lần nào thấy bọn con nít chơi trò chơi này nữa. Không thấy trò chơi tồn tại ở Việt Nam, nhưng lạ thay bây giờ lại thấy nó ở trên đất Lào. Đó là trò chơi tán lon. Vì không có chơi rất lâu nên mình không còn nhớ luật chơi nữa. Nhưng đại loại là có một chiếc lon được đặt ở giữa. Cách cái lon ở hai bên khoảng 10 mét có đường gạch và là vị trí của người tán lon. Còn ở giữa là người bị phạt có trách nhiệm giữ lon. Mục đích của người chơi là lấy chiếc dép của mình để tán cho chiếc lon bay đi càng xa càng tốt. Khi đó thì người giữ lon phải chạy đi lấy lon mang về vị trí cũ. Còn người tán thì chạy đi lấy chiếc dép và chạy đến chỗ đường gạch mà không bị người giữ lon đuổi theo kịp và đụng vào. Nếu người giữ lon đụng vào người tán lon trước khi họ chạy đến đường gạch thì người đó phải trở nên người giữ lon. Đối với người tán long mà không trúng thì dễ bị đuổi kịp vì người giữ lon không phải mất thời giờ chạy đi lấy lon đem về chỗ cũ mà có thể bắt đầu rượt đuổi người tán ngay lập tức khi họ phải chạy đi lấy dép.

     Mình đã từng chơi trò chơi này rất nhiều trong tuổi thơ của mình bên cạnh những trò chơi khác như chơi “ù”, bịt mắt bắt dê, năm mười, v.v. Nhưng những trò chơi đó không để lại kỷ niệm cho mình bằng trò chơi tán lon vì hai điều. Điều thứ nhất là mình nhớ có một lần mình chơi với một số người trong xóm, nhưng đa số là người lớn tuổi hơn mình. Khi đó mình là người phải giữ lon. Nhưng không hiểu tại sao hôm đó đứa nào tán lon cũng giỏi. Lon cứ liên tục bay tứ tung. Mình cứ phải chạy đi nhặt mang về mà chẳng bao giờ đuổi kịp những đứa tán. Cứ liên tục như vậy mình không đuổi được ai nên ngồi khóc vì vừa mệt vừa tức. Thấy mình khóc nên mọi người tha không bắt mình phải giữ lon nữa.

     Còn kỷ niệm thứ hai về trò chơi tán long thì có thể nói mình vẫn đang còn mang theo trong người hàng ngày, và cho đến chết. Cụ thể hơn là mang theo trên mặt. Đó là một vết sẹo trên má phía bên trái, hậu quả của một lần chơi tán lon. Mình nhớ một ngày nọ mình chạy đi chơi tán lon ở trong sân trường gần nhà. Lúc đó mình chưa chơi mà chỉ đứng xem. Bất chợt có một thằng lớn tuổi hơn mình tán lon, nhưng dép không bay vào lòn mà bay ngay vào mặt mình.  Dép của nó chả phải là dép lào bình thường mà là dép làm bằng nhựa cứng cho nên khi dép bay vào mặt mình thì máu chảy toàng loang. Thế là mang trên mặt một cái sẹo cho đến bây giờ.

     Trong ký ức của mình thì trò chơi tán long rất vui. Nó vui vì chơi với nhiều người và phải dùng sức lực để chạy nhanh cũng như độ chính xác để tán lon cho trúng và mạnh. Rất tiếc là ngày nay, bọn trẻ ít khi chơi những trò chơi dân gian như thế này nữa. Hôm nay phát hiện bọn con nít chơi trò chơi này ở Lào nên nhiều ký ức tuổi thơ lại quay về. Cho dù những trò chơi thời thơ ấu không còn nữa và có lẽ sẽ rất hiếm để thấy trò chơi này ở bất cứ nơi nào thêm lần nữa, nhưng vết sẹo từ một lần chơi tán lon  vẫn còn đó. Và mỗi lần nhìn thấy nó trên mặt lại là một dịp để tưởng nhớ đến những kỷ niệm êm đềm của thời thơ ấu.

Thakhaek, Lào, ngày 12.5.2015

Mẹ


Ngày mai là ngày mừng các bà Mẹ. Mẹ tôi đang ở bên kia trái đất, một nữa vòng thế giới. Còn tôi thì ở bên này. Múi giờ khác biệt. Ở đây ngày mừng mẹ đến trước 12 giờ đồng hồ. Hôm nay tôi ngồi ngắm mưa rơi và nghĩ về mẹ, ôn lại chuyện của mẹ. Tôi tự hỏi, tôi bắt đầu yêu mẹ từ bao giờ? Có phải từ khi mẹ tôi ẳm tôi trong lòng vổ về âu yếm khi tôi vừa lọt lòng mẹ với tiếng khóc chào đời?  Hay tôi yêu mẹ từ khi nghe những câu hát à ơi dỗ tôi vào giấc ngủ trưa yên bình của tuổi thơ? Phải chăng tôi yêu mẹ từ khi tôi nhìn thấy bóng dáng mảnh mai của mẹ từ xa mỗi lần mẹ đi chợ về để lo từng bữa cơm cho gia đình, hoặc từ một chuyến đi Sài Gòn để lo thủ tục xuất cảnh cho gia đình tôi được đoàn tụ với bố tôi tại Hoa Kỳ? Có lẽ tôi yêu mẹ từ khi tôi đã trưởng thành và ý thức được rằng tất cả những hy sinh, khó nhọc và gian nan mà mẹ đã chịu đựng cũng chỉ vì tình yêu mà mẹ dành cho chồng cho con của mình. Thật khó nói được tôi yêu mẹ từ bao giờ. Có phải vì thế mà tôi không bao giờ nói lên mấy chữ thật đơn giản, “Con yêu mẹ”? Những cặp trai gái, họ gặp nhau, rồi tìm hiểu nhau, rồi họ yêu nhau. Điều này giúp họ dễ dàng nhận ra khoảnh khắc họ bắt đầu yêu nhau. Và có lẽ vì thế mà họ không khó để nói lên lời yêu đương. Còn con cái đối với cha mẹ thì dường như không xác định được một thời điểm hay một khoảnh khắc nào hết. Có lẽ vì chính từ phút đầu tiên chào đời, từ lúc chưa có trí nhớ, lúc chưa biết nhận thức thì tình yêu đó đã bắt đầu hình thành trong tâm trí. Nhưng cũng có lẽ vì thế mà tình yêu dành cho mẹ trở nên điều tất nhiên đến nỗi ta không nghĩ tới nó, không ghi nhận nó, và không nhắc đến nó. Và không biết bao nhiêu người mẹ đã chưa bao giờ nghe được một lời bày tỏ tình yêu đến từ những người con của mình cho dù từ chính khi con đang còn trong bào thai thì mẹ đã yêu thương con và  hy sinh cho con để được sinh ra, được lớn lên, và được trở nên người. Và chính vì thế mà mẹ thật đáng được nghe một lần và mỗi ngày cho đến cuối đời của mẹ câu nói đơn sơ chân thành: “Con yêu mẹ”.

Lào, ngày 9.5.2015

Đi xa để thấy gần


      Sáng sớm bình minh vừa hé rạng mình dắt chiếc xe đạp của các thầy trong Đại Chủng Viện ra chạy dạo dọc bờ sông Mekông. Thành phố Thakhaek ban sáng thật bình yên. Dòng sông Mekông chảy êm đềm lặng lẽ. Nhìn nó chẳng ai ngờ đây là một trong những con sông dài nhất thế giới và nhờ nó mà nuôi sống hàng trăm triệu con người trên các đất nước mà nó băng qua. Xa xa có một vài chiếc ghe đánh cá. Thỉnh thoảng có chiếc cập bờ với mẻ cá đã bắt được. Bên kia sông là đất nước Thái Lan. Nhìn lướt qua có thể thấy gần cả chục ngôi chùa với hình dạng và sắc màu vàng đỏ đặc trưng của người Thái. Bên này sông cũng có chùa với lối kiến trúc và màu sơn không khác những ngôi chùa Thái bao nhiêu. Bên này sông sáng sớm những vị sư và chú tiểu cũng đi khất thực trên đường phố. Họ đi chân không, xếp thành hàng đơn, người này nối gót người kia và bước trong thinh lặng. Chỉ có khi nào đến nơi có phật tử ngồi chờ để dâng cúng lương thực thì các vị tu trì mới dừng lại, quay về phía phật tử, nhận những đồ cúng, và tụng kinh để chúc lành cho họ. 

      Người dân địa phương có vẻ như không thức dậy sớm lắm. Đã sáu giờ sáng mà đường phố vẫn vắng vẻ. Con đường đất sát với bờ sông có một số người đi bộ hoặc chạy tập thể dục, đa số là các bà. Không thấy có người trẻ. Nơi bắt đầu của con đường đó là văn phòng của cảnh sát nhập cảnh đối với những người vào Lào bằng phương tiện đò. Văn phòng nhìn bên ngoài rất cũ kỷ và đơn sơ. Nó được che trùm bởi một cây phượng đang nỡ hoa màu cam rực rở.  Những cánh phượng rơi rụng đầy sân chưa có người quét dọn. Nhưng thế mới đẹp. Trên vỉa hè cũng thế. Những bàn ghế của các quán ăn nhà hàng phủ đầy lá và hoa me. Ờ, mà đến bây giờ mình mới biết hoa me nó như thế nào. Bao nhiêu năm nay mình đã nhìn những cây me, đã từng đứng ngắm lá me bay trên những con đường phố, mà chưa từng một lần để ý đến hoa của nó. Hoa mẹ đẹp thế nhỉ. Cạnh hoa nhỏ nhắn, màu vàng nhạt hơn hoa mai một chút, và có nhiều đường kẻ màu đỏ trên mặt lá. Ngắm nhìn những chiếc hoa me nằm yên bình trên bàn ghế gỗ mới nhận ra sự dịu dàng của cuộc sống khi con người chưa tỉnh giấc ngủ, chưa tràn ra đường phố để chạy đua với công việc và những mưu kế sinh nhai. Chỉ có giờ này mình mới thấy được vẽ đẹp của hai chú tiểu đang chở nhau đi trên chiếc xe đạp hướng về ngôi chùa đối diện con sông; sự hồn nhiên của một bé trai đang ngồi chơi với con cua đồng trong khi mẹ nó đang quét sân chuẩn bị mở quán cóc bên lề đường; và một ông già đang lau bàn ghế dưới gốc cây cổ thụ trước một khách sạn nhỏ và xinh xắn.

      Có khi phải đi xa mới thấy được những cái gần gũi. Thấy vẻ đẹp và sự dịu dàng của nó; thấy nó với một ánh mắt khác và với một cảm nhận khác. Nhờ đó mà cuộc sống mình cảm thấy ý nghĩa và phong phú hơn. Có người đi xa để thấy cái mới cái lạ. Đối với mình nếu chuyến đi này giúp cho mình nhận ra giá trị của những cái thật tầm thường trong cuộc sống, thì xem như mình đã có một trãi nghiệm thật tốt đẹp và quý giá.

Thakhaek, Lào, ngày 8.5.2015

Lễ Lào, Lễ Việt, Lễ Thái

Tượng Thánh John Vienney, quan thầy của ĐCV Lào, trong nhà nguyện của ĐCV


Cũng như lần trước đến dạy tại ĐCV mình được cha phụ trách nhờ dâng lễ sáng cho các thầy. Mình làm lễ bằng tiếng Thái. Tuy nhiên khi đáp thì các thầy đáp bằng tiếng Lào. Mặc dầu tiếng Lào và tiếng Thái rất giống nhau, nhưng cách dịch trong mỗi bộ lễ khác biệt theo tính chất ngôn ngữ của địa phương. Tuy vậy, việc xướng bằng tiếng Thái và đáp bằng tiếng Lào không gây nên khó khăn gì cho mình hoặc cho các thầy.

So với thánh lễ tiếng Thái thì lễ tiếng Lào sống động hơn rất nhiều.  Thường thì các lời xướng và đáp trong thánh lễ tiếng Lào được đọc theo cung điệu giống như trong thánh lễ tiếng Việt, chứ không phải đọc theo kiểu nói như trong thánh lễ tiếng Thái hoặc tiếng Anh. Vì thế nên thánh lễ nghe rất hay và rập ràng. Cho dù trong nhà thờ có ít giáo dân đi chăng nữa thì tiếng đọc kinh vẫn vang to và thanh thoát. Điều này không có được trong thánh lễ tiếng Thái vì người Thái chỉ đọc bình thường nên độ vang hoàn toàn không có. Chính vì thế mà trong các Thánh lễ của người Thái thường có một người cầm micro để đọc những câu đáp cho mọi người cùng nghe. Điều này có tác dụng làm cho âm thanh trong nhà thờ lớn hơn.  Tuy nhiên, nó cũng làm cho giáo dân trở nên bị động khi nhiều người “ỷ lại” người cầm micro nên không cần đáp. Nếu thánh lễ nào mà không có người cầm micro đáp và có ít giáo dân thì nhiều khi chủ tế cứ ngỡ như mình đang làm lễ một mình. Và không khí trong thánh lễ cảm thấy thật buồn tẻ.

Thật ra, việc xướng đáp theo cung điệu không có trong Thánh lễ tiếng Thái cũng có lý do. Theo thầy Tik, một tu huynh Dòng Chúa Cứu Thế Thái Lan đang dạy tại ĐCV thì ngày xưa giáo hội Thái cũng có cách xướng đáp trong thánh lễ theo cung điệu đặc trưng của người Thái. Tuy nhiên, điều này đã làm cho các lãnh đạo Phật giáo không hài lòng. Họ cho rằng người Kitô giáo đang bắt chước và trêu chọc văn hóa Thái và lối tụng kinh của đạo Phật là tôn giáo chính thức của đất nước Thái. Họ cho rằng Kitô giáo là một tôn giáo ngoại bang và không thể mặc lên chó nó những tính chất văn hóa của họ. Vì thế, họ áp lực giáo hội Công giáo phải từ bỏ cách đọc kinh theo cung điệu của người Thái, và như thế người Công giáo Thái Lan buộc phải đọc kinh và lời nguyện theo kiểu đọc bình thường. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến bầu khí và tinh thần của Thánh lễ trong các nhà thờ tại Thái Lan.

Sự việc này mới cho thấy rằng nhiều khi đạo Kitô Giáo bị hiểu lầm và không dễ dàng hội nhập văn hóa cho dù đó là ý muốn của Giáo hội để đi vào lòng dân tộc một cách trọn vẹn hơn. Đôi khi sự thiếu hội nhập đến từ não trạng cục bộ từ bên trong giáo hội. Nhưng có khi cũng đến từ sự hiểu lầm và thiếu cởi mở của những tôn giáo hoặc lãnh đạo địa phương làm cho việc hòa hợp bị cản trở. Thật đáng tiếc khi vì điều này mà người Công giáo Thái Lan không có cách xướng kinh như người Lào hoặc người Việt, mà khi vang lên thì rất du dương, rập ràng, và làm cho mọi người cảm thấy thật sốt sắng. 

Thakhaek, Lào ngày 7.5.2015

Thakhaek, Lào - Tuy xa mà gần, tuy gần mà xa




Sinh hoạt ban sáng của người dân trên con đường trước nhà thờ chánh tòa

Ở thành phố Thakhaek chỉ cách Thái Lan một con sông Mekong và cách Việt Nam 150km mà mình cảm thấy như gần Việt Nam rất nhiều. Khi đến bến xe thì đã thấy hàng chục người Việt Nam đang lên xe đò để đi qua Thái Lan làm việc. Một số quán xá trong khu vực bến xe cũng là của người Việt. Vừa ra khỏi bến xe mình nhìn thấy một quán nhậu bình dân. Anh Trung, một trong những người lãnh đạo cộng đoàn Công giáo Việt Nam ở Tha Khaek cho hay trong thành phố có khoảng 15 quán cà phê Việt. Tối qua anh Trung và một số người Việt ở đây mời mình và cha Phương đến một quán trong phố để thưởng thức lẫu hải sản và lươn xào lăn. Ngoài bia Lào, quán còn phục vụ bia Huda.

Chỉ cách một con sông mà bên này đã thấy người ta bán trứng vịt lộn và nước mía trên đường. Mỗi sáng trước cổng nhà thờ chánh tòa có xe bán bánh mì patê với ổ bánh mì quen thuộc như ở Việt Nam. Sáng nay mình đi dạo phía trước nhà thờ để ngắm sinh hoạt của người địa phương thì phát hiện xe bán bánh mì nên làm luôn một ổ. Ổ nhỏ thì giá 5,000 kip còn ổ lớn thì 10,000 kịp. Cái bảng ghi tên nhà thờ treo trước cổng chính được ghi bằng ba thứ tiếng: Lào, Việt và Anh. Mỗi chiều Chúa Nhật đều có lễ tiếng Việt. Trước đây khi cha Toàn thuộc dòng CCT phục vụ tại ĐCV thì ngài phụ trách cộng đoàn. Nay cha Toàn được dòng CCT thuyên chuyển qua phục vụ tại tỉnh Nong Khai, Thái Lan thì cha Phương lại sang Lào để truyền giáo, đồng thời giúp cho cộng đoàn Việt Nam ở đây.

Thakhaek chỉ cách Thái Lan một con sông lớn nên văn hóa và ngôn ngữ Lào cũng rất giống Thái Lan, đặc biệt là vùng đông bắc Thái Lan nơi mình từng làm truyền giáo. Vì thế sang đây mình không thấy bở ngở trước những món ăn địa phương. Ngay cả ngôn ngữ mình cũng hiểu được khoảng 80%. Vì thế nên đến đây mình cứ có cảm giác như “tuy xa mà gần, tuy gần mà xa.”

Thakhaek, Lào ngày 6.5.2015

Buổi học thứ nhất tại ĐCV Thánh John Vieney, Lào

Thầy Saiya đang cầu nguyện một mình trước giờ ăn trưa

Hôm nay lớp học thuyết giảng bắt đầu cho các thầy đang trong năm 1 đế năm 3 thần học tại Đại Chủng Viện thánh John Vienney. Lớp học chỉ kéo dài 3 tuần, nhưng mình yêu cầu các thầy phải chuẩn bị và giảng 3 bài giảng – một bài giảng ngày lễ thường, và 2 bài giảng ngày lễ Chúa Nhật. Riêng có hai thầy đã từng học lớp này với mình thì mình yêu cầu chuẩn bị 3 bài giảng cho các dịp rửa tội, lễ hôn phối và lễ an táng. Các bài giảng sẽ diễn ra trong khuôn khổ của Thánh lễ thật hoặc thánh lễ được “dựng” lên để có bầu khí tốt nhất cho việc thực hiện bài giảng. Việc giảng hay không chỉ dựa vào việc chuẩn bị tốt bài giảng trên giấy tờ mà còn lệ thuộc vào đối tượng nghe và bối cảnh của Thánh lễ nơi bài giảng diễn ra. Đó là lý do tại sao mình muốn cho các thầy được thực tập một cách thực tế nhất có thể để có kinh nghiệm cho chính mình.

Trong lớp đầu tiên các thầy đều chia sẻ rằng mỗi người đang làm mục vụ cho các cộng đoàn Kitô giáo ở trong các làng mạc vào ngày Chúa Nhật. Không phải chỉ lên thần học các thầy mới phải đi mục vụ mà đã làm mục vụ từ nhiều năm nay, thậm chí khi còn là tiểu chủng sinh. Việc mục vụ của tất cả các thầy đều bao gồm việc dạy giáo lý, chia sẻ Lời Chúa, và cử hành một số nghi thức khác khi không có linh mục hiện diện. Trong giáo phận vì thiếu linh mục nên mỗi làng chỉ có linh mục đến dâng lễ mỗi tháng một lần. Vì thế chỉ có các thầy là có mặt hàng tuần để phục vụ cho giáo dân.

Nghe các thầy chia sẻ mới thấy vai trò của các thầy quan trọng như thế nào trong cộng đoàn Kitô giáo ở vùng xa xôi thiếu thốn các vị mục tử. Mặc dầu các thầy không nhận được nhiều học vấn vì điều kiện trong Giáo hội Lào rất hạn chế, nhưng công việc mục vụ lại vô cùng lớn lao khi phải là người đứng ra rao giảng và là đại diện cho Giáo hội trước mặt giáo dân. Vì thế nên môn học thuyết giảng là một môn học thật sự cần thiết cho công việc mục vụ của các thầy để mang Tin Mừng của Chúa đến cho các tín hữu cũng như giúp củng cố đức tin của họ trong môi trường mà Giáo hội vẫn còn rất bé nhỏ.  Tất cả các thầy điều mong muốn rằng lớp học này sẽ mang lại nhiều bổ ích cho việc mục vụ hiện nay cũng như đời sống linh mục của mình trong tương lai.

Thakhaek, Lào, ngày 5.5.2015 

Trở lại ĐCV Thánh John Vienney ở Lào

Một góc của Đại Chủng Viện thánh John Vienney

Sau hai năm trở lại Lào, điều chờ đợi và chào đón mình là cái nắng chang chang nóng như lửa đốt. Chiếc xe đò thả mình xuống ở bến xe của thành phố Tha Khaek, một thành phố nằm bên cạnh dòng song Mekong. Bên kia sông là tỉnh Nakhon Phanom nơi có rất nhiều người Thái gốc Việt sinh sống. Khi đến bến xe, anh Tr là một trong những người Việt đang lao động và sinh sống tại đây đã có mặt chờ để đưa mình về Đại Chủng Viện nằm phí sau nhà thờ chánh tòa GP Tha Khaek. Nói là nhà thờ chánh tòa nhưng cũng chỉ bằng một nhà thờ nhỏ ở Việt Nam. Còn gọi là Đại Chủng Viện nhưng số các thầy đang tu ở đây cũng chỉ có mười mấy người. Ở Lào có duy nhất một ĐCV. Anh Tr chở mình về trên chiếc xe máy của anh. Trời lúc hai giờ chiều nóng khủng khiếp. Mình ngồi sau cố lấy tay che nắng nhưng da mặt cứ bừng bừng lên như đang bị thiêu đốt. Anh Tr vừa đi vừa kể chuyện. Mình ước gì anh chạy nhanh hơn để thoát ra khỏi cái chảo lửa. Anh bảo đưa mình đi đường vòng để chỉ cho mình thấy nơi anh đang làm việc. Mình nổi cáu: - Trời ơi giờ này mà không lo đi cho mau tới nhà thờ mà còn đi vòng. Chỉ chỗ ở thì khi nào trời mát rồi chỉ cũng được.

Cuối cùng thì mình cũng đã đến ĐCV Thánh Gioan Vienney của Lào. Các thầy ra chào đón mình, đa số là những khuôn mặt quen thuộc mà mình đã gặp khi đến dạy lần trước. ĐCV thì vẫn như cũ. Trước sân có một cây xoài rất cao. Năm này cũng sai trái. Giống xoài này trái chỉ to bằng quả trứng vịt nhưng rất ngọt. Mỗi lần có những cơn gió mạnh thì trái rụng và các thầy nhặt vào ăn hoặc làm bánh tráng xoài.

Chiều hôm qua mình có gặp cha Phương thuộc dòng Chúa Cứu Thế ở đây. Ngài chuyển sứ vụ từ Thái Lan sang Lào cách đây vài tuần và hiện đang làm quen với đời sống truyền giáo tại đất Lào. Hai ngày này Giáo phận Tha Khaek đang có cuộc tĩnh tâm tháng và các cha cũng đã tụ tập về để tham dự. Giám đốc của ĐCV là cha Hiền, một người Lào gốc Việt. Ngài đã lớn tuổi, sức khỏe không tốt, nhưng ngài lại được giao phó một vai trò quan trọng trong giáo hội Lào. Hiện nay có thêm một linh mục trẻ đang giúp việc của ĐCV là cha Vũ. Ngài sinh ra ở Sawanakhet nhưng khi nghe ngài nói tiếng Việt thì cứ nghĩ là ngài sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Ngài được đào tạo ở nước ngoài và nghe nói tháng tới lại sẽ đi qua Ý để tiếp tục học về Thánh Kinh. Chắc chắn kiến thức của ngài sẽ rất bổ ích cho tương lai của giáo hội Lào đang còn thiếu những linh mục chuyên gia cách trầm trọng.

Ngày đầu tiên ở Lào chỉ thế. Nóng. Giãn dị. Bình yên. 

Thakhaek, Lào, ngày 4.5.2015