Suy gẫm về cách sống trước tình trạng những cuốn hộ chiếu gặp nguy cơ phải “chết”


"Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người" Mc. 9,35

Những ngày qua có một câu nói cứ lẩn quẩn trong đầu của tôi đó là câu “gần đất xa trời.” Tôi nghĩ về câu nói này không phải vì tôi đang gặp phải tình hình sức khỏe kém hay bệnh hoạn mà có lẽ vì tôi đang suy nghĩ về những cuốn hộ chiếu của các bạn trẻ lao động Việt Nam tại Thái Lan đang đối phó với nguy cơ bị “chết yểu” vì không thể đi gia hạn được như mọi khi.* Có người cảm thấy nuối tiếc vì họ đã cố gắng duy trì cho hộ chiếu “sống” những năm qua, mỗi tháng chịu khó bỏ ra cả chục giờ đồng hồ trên những chuyến xe đưa người đi “tò” ở các cửa khẩu giáp ranh giới Thái – Campuchia. Ai cũng lo sợ về tương lai và sự an toàn của mình trên đất Thái một khi cuốn hộ chiếu để giúp cho họ an tâm đi lại trên đường phố sẽ không còn hiệu lực nữa. Chính vì nỗi lo sợ đó mà nhiều người đành phải quyết định lên đường về quê cho dù biết rằng về nhà trong lúc này sẽ khó có được việc làm để có thu nhập ổn định. Ở quê hương mùa lũ sắp đến, có nơi đã bắt đầu.

Những ai chưa lên đường về quê thì cũng hàng ngày trông chờ thông tin đến từ người thân quen bạn bè về cách nào để làm cho hộ chiếu tiếp tục còn sống. Mỗi ngày tôi nhận được hàng chục tin nhắn cũng như những cuộc điện thoại đến từ các bạn muốn biết có tin gì mới có thể mang lại cho họ chút tia sáng hy vọng trước tình cảnh ngày càng căng thẳng và khó khăn. Nhưng tôi chưa có tin gì vui mang đến cho họ mặc dầu tôi cũng rất muốn được làm người mang tin vui đến cho người khác. Nhiều người gọi điện thoại đến các dịch vụ đưa người đi gia hạn hộ chiếu không thành công còn tự mình thuê xẻ để đi, nhưng cũng phải quay về mà trong hộ chiếu không có con dấu  mới. Có người đi lên sở di trú xin gia hạn thì cũng được chỉ 7  ngày mà phải trả gần 2.000 baht. Tối hôm nay tôi mới nghe một thông tin có dịch vụ đưa người đi gia hạn mãi trên cửa khẩu Muddahan với một lệ phí kỷ lục là 8.000 baht cho ba tháng. Nhưng tôi chưa xác định được thông tin này cũng như thắc mắc đây là loại visa kiểu gì mà tôi chưa từng nghe tới.

Hoàn cảnh bấp bênh của các bạn trẻ lao động Việt Nam và mọi cố gắng của họ để duy trì cho chiếc hộ chiếu khỏi phải chết làm chúng ta nhận ra rằng sự nỗ lực sinh tồn là vô cùng mãnh liệt trong cuộc sống con người. Không chỉ theo bản chất tự nhiên của con người khiến chúng ta luôn luôn muốn được tồn tại mà chúng ta còn được dạy và huấn luyện cách tốt nhất để ngăn cản tình trạng bị hủy diệt và tránh né cái chết. Dường như đó là thực tại của cuộc sống. Chúng ta luôn được huấn luyện về cách để sống nhưng chúng ta không bao giờ được dạy cách để chết. Một bác sĩ có trách nhiệm phải tìm ra mọi cách để giúp cho bệnh nhân tiếp tục duy trì cuộc sống vì đó là điều mà dường như ai cũng muốn. Có một  gia đình  người Thái rất giàu có. Họ có một đứa con trai duy nhất. Cách đây hơn một năm, đứa con trai này đòi cho bằng được một chiếc xe môtô mặc dầu trong nhà có nhiều chiếc xe hơi sang trọng mà cậu ta có thể lái. Vì muốn chiều con nên cha mẹ đành sắm cho chàng quý tử một chiếc môtô. Vừa có được chiếc xe, cậu ấm đem ra đường chạy thì bị tai nạn làm cho thân thể bị bại liệt và trở nên gần như là người thực vật. Nhưng vì gia đình có điều kiện nên họ quyết định tìm mọi phương pháp để điều trị cho con mình mà không hề tiếc tiền. Ngoài việc chạy thầy chạy thuốc, bố mẹ cậu còn mời cả linh mục lẫn nhà sư về để cầu nguyện cho đứa con mau được hồi phục.

Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta ý chí sống còn cũng mãnh liệt không kém, có lẽ vì bằng cách này hoặc cách khác, chúng ta luôn được dạy là phải sống, phải tồn tại. Tuy nhiên, xã hội thường dạy chúng ta một cách sống mà nhiều khi buộc chúng ta phải đánh mất những giá trị tốt lành, thậm chí đánh mất luôn cả linh hồn. Chính vì mục đích sống và tồn tại nên có khi chúng ta không kềm chế được bản thân khiến chúng ta chọn con đường gian lận và lừa dối. Cũng vì sự tồn tại nên chúng ta cạnh tranh và trở nên ghen tị khi nhìn thấy người khác được điều tốt hơn mình. Chính vì sự tồn tại mà chúng ta luôn muốn được làm người trên đưa mắt nhìn xuống người khác chứ không muốn làm người nhỏ bé phải phục tùng bất cứ ai.

Phấn đấu để sống là một điều quan trọng, nhưng thiết nghĩ chúng ta cũng nên học hỏi cách để chết. Chúa Giêsu đến trong thế giới không chỉ để sống nhưng còn để chết. Và Ngài đã chia sẻ cho các môn đệ biết rõ Ngài sẽ chết như thế nào trước khi sự việc sắp xảy ra. Ngài sẽ bị bắt bớ và sẽ bị người ta giết chết. Nhưng các môn đệ của Ngài không hiểu và dường như khôn quan tâm trước lời chia sẻ vô cùng quan trọng đó. Họ không quan tâm vì họ quá bận tâm với việc phải sống như thế nào? Họ tranh cải với nhau xem ai trong họ là người lớn nhất và đáng được nhiều quyền lợi nhất.  Họ muốn biết ai sẽ có cuộc sống với nhiều điều tốt đẹp nhất trong ánh mắt của người đời.

Khi nghe các môn đệ tranh cải với nhau về điều  này, có lẽ Chúa Giêsu đã cảm thấy vô cùng buồn lòng. Ngài đã bỏ ra ba năm dài để dạy dỗ họ, chia sẻ với họ, trải qua bao nhiêu thăng trầm với họ. Nhưng đến giây phút này, trước mốc thời giờ quyết liệt nhất trong sứ vụ của Ngài, những con người mà chính Ngài đã lựa chọn để cộng tác và tiếp tục sứ vụ rao giảng Tinh Mừng dường như chưa thấu hiểu Ngài và chưa cảm nhận được tính chất thực sự của cuộc sống của một người môn đệ của Chúa.

Ngài đành phải dạy họ thêm lần nữa, giúp cho họ nhận ra rằng phẩm giá của con người không phải nằm nơi của cải vật chất, địa vì xã hội, hay quyền lực, mà nằm trong sự dấn thân phục vụ người khác. Người cao trọng nhất phải là người sẵn sàng làm cho mình trở nên bé mọn và thấp hèn nhất. Trong ánh mắt của người đời, ai được phục vụ là người cao trọng. Nhưng trong bậc thang giá trị của Thiên Chúa thì mọi thứ trở nên đảo ngược. Ai là người phục vụ nhiều nhất, phục vụ cách nhiện tình, phục vụ trong tin yêu, phục vụ vô vị lợi, người đó được Thiên Chúa cho trở nên người vĩ đại trong Nước Trời.

Một trong những bài học giá trị nhất mà Chúa Giêsu đã để lại cho các môn đệ của Ngài là bài học phục vụ cách vô vị lợi. Ngài đã thể hiện bài học này một cách sống động và đầy ấn tượng trong bữa tiệc ly khi ngài đã cúi đầu xuống để rửa chân cho các môn đệ của mình. Ngài cũng đã nhắc nhở họ hãy làm cho nhau như chính Ngài đã làm cho họ.

Chúa Giêsu dạy bài học phục vụ như một bài học giúp cho các môn đệ cũng như cho chúng ta làm quen với cách chết – chết đi với cái tôi của mình, chết đi với những ham muốn về vật chất và thể xác, chết đi với những khát vọng quyền lực để thống trị người khác. Bài học phục vụ là dạy cho chúng ta chết đi với sự ghen tuông và cạnh tranh tiêu cực để dành về cho mình nhiều điều nhất có thể cho dù người khác sẽ bị mất mát và thiệt thòi. Và bài học phục vụ cũng chính là bài học giúp cho chúng ta sẵn sàng chết đi với những thứ trong đời này, nhưng lại mang đến cho chúng ta sự sống vĩnh cửu ở đời sau.

Chúa Giêsu xuống trần thế không phải để sống mà là để chết. Ngài đã chết vì yêu thương và chết vì phục vụ. Chính vì thế mà Ngài đã được Chúa Cha tôn vinh với một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. Chúng ta cũng hãy bắt chước Ngài để cho dù chúng ta không được người đời tôn vinh và trọng vọng trong đời này, nhưng chúng ta sẽ được Thiên Chúa nâng lên, được sống bên cạnh Ngài trong sự sống đời đời mai sau.

Bangkok, ngày 16.9.2015

* Do chính quyền Thái Lan xiết chặt các cửa khẩu nên người nước ngoài không thể đi gia hạn hộ chiếu hàng tháng như nhiều người từng làm, trong đó có hầu hết các lao động Việt Nam bất hợp pháp. 

No comments: