Những mảnh đời Việt Nam tại Campuchia

Cha Sok Na, một linh mục người Campuchia gốc Việt chỉ mới chịu chức 3 tháng, nhưng ngài hoạt động như một nhà chăn chiên kỳ cựu. Hiện nay ngài đang chăm sóc cho một giáo xứ nhỏ có tên là Kok Norea. Ở đây hầu hết các giáo dân là người gốc Việt. Họ sống trong môi trường và tình trạng rất khó khăn vì người Việt chưa được chấp nhận và đối xử công bằng tại Campuchia. Vì thế hầu hết các trẻ em trong làng đều không được đi học hoặc là đi học trể.

Trong Thánh lễ Chúa Nhật vừa qua, cha đã thông báo trong nhà thờ rằng sau khi ngài đi gặp gỡ và nói chuyện với hiệu trưởng của các trường học nhà nước thì cuối cùng cũng đã có một trường học sẵn sàng đón nhận con em Việt Nam đến học. Tuy nhiên trường học này hơi xa làng, các em còn nhỏ không thể đi bộ hoặc tự đạp xe đi học được. Vị hiệu trưởng cũng yêu cầu là nếu đến học thì phải học đều đặn, không được ngày đi ngày không.

Mặc dầu nơi học chưa được thuận tiện, nhưng việc họ cho các con em Việt Nam đến học cũng là một tin vui sau khi bị hiệu trưởng ở trường gần làng từ chối thẳng thừng. Cha Sok Na thông báo là chiều Chúa Nhật sẽ tổ chức cho các em đi thi để xếp lớp học ở trường. Mặc dầu việc đi học bằng phương tiện như thế nào chưa thể trả lời được, nhưng trước hết phải tranh thủ cho các em được ghi danh đi học để giúp cho các em có tương lai hơn. Hoàn cảnh nghèo nàn và trẻ em thất học là vấn nạn lớn của cộng đồng người Việt sinh sống tại Campuchia. Đa số đang sống trong tình trạng không được chấp nhận ở đất nước sở tại, nhưng cũng không có điều kiện về kinh tế hoặc pháp lý để hồi hương về sinh sống tại Việt Nam. Nhiều gia đình đã qua Campuchia hơn 20 hoặc 30 năm, nhưng cuộc sống vất vả mà họ trốn tránh tại Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi họ trên xứ sở quê người.

Cha Sok Na là linh mục người Campuchia thứ 8 được chịu chức từ khi giáo hội Campuchia được tái lập, và là linh mục đầu tiên được chịu chức trong GP Phnom Phenh kể từ năm 2001. Cha Sok Na không chỉ phải chăm sóc cho đoàn chiên về mặt tâm linh mà con đang phấn đấu cho họ được thăng tiến về mặt xã hội và kinh tế. Đó là một thách đố không hề dễ dàng với bất kỳ vị linh mục nào, đặc biệt là một linh mục trẻ.

Cha Sok Na dâng lễ bằng hai thứ tiếng (Miên và Việt). Ca đoàn hát thánh ca tiếng Việt cũng như tiếng Miên. Sau lễ có sinh hoạt giới trẻ và thiếu nhi. Mặc dầu thiếu thốn đủ điều nhưng người Công giáo Việt Nam vẫn đang cố gắng duy trì đức tin của mình và truyền đạt lại cho thế hệ con cháu. Đó là một điều vô cùng đáng trân trọng nơi tinh thần của người Công giáo Việt Nam ở khắp mọi nơi.

Siem Riep, ngày 3.11.2015

No comments: