Giáo hội Campuchia đa phần là người Việt Nam. Người Công giáo gốc Campuchia chỉ chiếm một phần nhỏ. Tuy nhiên do tình trạng người Việt Nam tại Campuchia bị phân biệt đối xử nên vấn nạn này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến mối tương quan giữa người Công giáo gốc Việt và gốc Miên. Những nỗ lực để đưa hai bên xích lại gần nhau và thông cảm cho nhau không phải lúc nào cũng đạt được kết quả như mong muốn.
Một điều đáng chú ý là các nhà truyền giáo và thừa sai nước ngoài không học tiếng Việt mà chỉ học tiếng Miên để làm việc mục vụ. Điều này cũng dễ hiểu vì các ngài đang làm việc trên đất nước Campuchia chứ không phải Việt Nam, nên việc phải biết tiếng Miên là điều chủ yếu. Ngoài ra, các vị lãnh đạo giáo hội Campuchia đang chủ trương Khmer hóa giáo hội để Giáo hội Công giáo tại Campuchia không chỉ là giáo hội của người di dân Việt Nam mà sẽ trở thành giáo hội của Campuchia thực thụ.
Điều này không phải dễ dàng vì đa số giới trẻ Công giáo gốc Việt bị thất học nên việc nói và đọc tiếng Miên cũng chưa thông thạo. Một sơ thuộc dòng Thừa sai Thánh Mẫu chia sẻ với mình rằng lý do sơ chưa giỏi tiếng Miên là vì đi học rồi lại không có mấy cơ hội để sử dụng khi sợ phục vụ trong một cộng đoàn của người gốc Việt. Ngay cả với trẻ em khi sơ hỏi chuyện chúng bằng tiếng Miên thì nó lại trả lời bằng tiếng Việt (Điều này ngược lại với trẻ em Việt Nam ở Mỹ hay ở Úc thường cha mẹ hỏi bằng tiếng Việt thì chúng lại trả lời bằng tiếng Anh).
Bên cạnh đó, những người lớn tuổi thì lại càng không nói được tiếng Miên và nhiều người không cảm thấy sốt sắng khi tham dự Thánh lễ bằng tiếng Miên. Nhiều người lớn tuổi không thể xưng tội bằng tiếng Miên mà phải xưng tội bằng tiếng Việt, trong khi linh mục là người nước ngoài không hiểu được tiếng Việt.
Để cho Giáo hội Công giáo tại Campuchia được hội nhập văn hóa thực sự khó khăn và đòi hỏi nhiều hy sinh, trong đó sự hy sinh lớn lao nhất sẽ đến từ lớp người Việt cao tuổi. Họ rất muốn duy trì những thánh lễ và những sinh hoạt tâm linh bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Họ muốn sống đạo cách Việt Nam tại Campuchia. Nhưng nếu làm như vậy thì Giáo hội Công giáo sẽ khó có thể phát triển và đi sâu vào lòng dân tộc của người bản xứ. Vì thế tiến trình Khmer hóa giáo hội phải được thực hiện. Nhiều nơi bây giờ không còn lễ tiếng Việt nữa. Một số nơi làm lễ tiếng Miên xen kẻ với một ít tiếng Việt nếu vị linh mục chủ tế là người gốc Việt. Tuy nhiên, sẽ không có điều này khi vị linh mục là người Miên hoặc là người nước ngoài.
Những thay đổi nào cũng đòi hỏi phải có hy sinh và dường như sự hy sinh là món ăn hàng ngày của những bậc ông bà cha mẹ Việt Nam tại Campuchia không chỉ về xã hội và kinh tế, mà ngay cả trong đời sống tâm linh và đạo đức. Nghĩ đến bao nhiêu sự mất mát của họ mà không thể không cảm thấy thương tâm.
Siem Reap, ngày 4.11.2015
No comments:
Post a Comment