Một bạn trẻ nhắn tin cho mình trên Facebook nói rằng: - Thưa cha con có vấn
đề nhờ cha khuyên bảo?
Mình hỏi: - Chuyện gì đó?
- Thưa cha con là người bên lương. Nhưng con có người yêu là người bên
giáo.
- Hai người có vấn đề nhờ cha giúp đỡ hả?
- Vâng, thưa cha.
-Việc gì thế?
-Thưa cha, con mới biết được rằng con đã có bầu với người yêu của mình.
- Con có bầu được bao lâu rồi?
- Thưa cha, mới hơn một tháng.
- Vậy con muốn cha giúp con như thế nào?
- Cha có thể cho con biết con và người yêu phải làm như thế nào để làm
phép cưới.
- Nếu con muốn gia nhập đạo thì phải học giáo lý dự tòng để lãnh nhận bí
tích rửa tội và thêm sức để gia nhập đạo. Bên cạnh đó con và người yêu phải học
giáo lý hôn nhân trước khi lãnh nhận bí tích hôn phối.
- Phải mất bao lâu thưa cha?
- Chương trình bao lâu lệ thuộc vào mỗi lần học nhiều giờ hay ít giờ. Nó
cũng tùy theo điều kiện thời giờ của cả người dạy lẫn người học nữa.
- Vậy bình thường cha dạy bao lâu?
- Cha chưa bao giờ dạy giáo lý dự tòng dưới sáu tháng. Còn giáo lý hôn
nhân thì khoảng 2 tháng.
- Sao lâu vậy cha?
- Như vậy chưa phải là lâu đâu con. Thông thường cha dạy giáo lý dự tòng
trong vòng một năm. Vì có đức tin không chỉ là học thuộc lòng một số tín điều
hay đọc được một vài kinh. Gia nhập một tôn giáo có nhiều điều phải học hỏi.
Ngoài ra,đức tin cần thời gian để được gieo mầm, để được phát triển, được thử
thách và củng cố. Đức tin cần phải được sống và thử nghiệm thì ta mới có thể
xác định được đức tin của mình là loại đức tin gì. Người học đạo cần có thời giờ
để học hỏi, suy gẫm, và quyết định xem
mình có thực sự tin và muốn gia nhập tôn giáo này hay không?
- Thưa cha con hiểu. Nhưng trong trường hợp của con thì chắc như vậy
không được.
- Vậy con muốn được như thế nào?
- Con muốn được làm lễ cưới trong vài tháng. Con nghe nói có nơi chỉ dạy
vài tháng là xong.
- Ở đâu dạy nhanh thì cha không biết. Riêng cha thì cha nghĩ rằng ngoài
việc dạy cho xong những bài học thì ai cũng cần thời gian để thấm nhuần những
điều mình học. Theo đạo không phải là một cái thủ tục để hoàn tất cho xong mà
là để tiếp nhận một căn tính và một lối sống mới. Học để tin. Học để mến Chúa. Học để biết yêu
tha nhân.
Bạn trẻ trên facebook nói với mình: - Con hiểu những điều cha nói. Nhưng
như thế thì con phải chờ lâu quá cha à.
Câu chuyện về bạn trẻ nói trên là một trường hợp xảy ra không ít đối với
nhiều người trẻ ngày nay. Họ thích sống vội, sống nhanh. Họ làm quen nhanh, bắt
đầu yêu nhanh, và quan hệ nhanh, rồi có thai nhanh. Sau khi phát hiện mình đã mang thai, họ muốn
gia đình và giáo hội phải nhanh chóng giải quyết cho họ, để họ có một cái lễ cưới
đàng hoàng, và có một đám cưới đẹp.
Trong lối sống nhanh sống vội, tìm hiểu cặn kẻ về nhau không quan trọng;
chờ đợi và giúp nhau sống kiên nhẫn không quan trọng. Học đạo để hiểu đạo và sống
đạo không quan trọng. Điều ta nhìn thấy là một thói quen sống nhanh, làm cho hậu
quả đến nhanh, và tìm cách giải quyết nhanh. Nhưng không phải điều gì cũng có
thể giải quyết nhanh được. Vì thế khi lựa chọn một lối sống nhanh thì mình cũng
phải chuẩn bị tinh thần để chấp nhận rằng có khi những giải quyết cho những suy
nghĩ và hành động nông nổi của mình không thể nào đến nhanh như mình mong muốn.
Bangkok, ngày 29.9.2015
No comments:
Post a Comment