Giải quyết khó khăn với mục vụ giới trẻ VN


Sáng nay mình gọi điện thoại cho Sơ Tum, là một sơ thuộc dòng Mến Thánh Giá tại Thái Lan. Sơ cũng là hiệu trưởng của trường tiểu học của giáo phận tại phường Ban Jic. Nhà ở của các seour chăm sóc trường học nằm ngay bên cạnh nhà thờ Ban Jic, một nhà thờ rất nhỏ bé được chăm sóc bởi cha John Tabor. Đây cũng là địa điểm mà hơn ba năm qua, cứ mỗi tối Chúa Nhật cuối tháng là có thánh lễ bằng tiếng Việt cho các bạn trẻ lao động di dân Việt Nam.

Từ tháng tư cho đến nay thì vào các tối Chúa Nhật thì cũng cò một số bạn trẻ đến để cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa, từ 7h30 cho đến 9h tối. Nhưng cách đây vài tuần, mình nhận được một cuộc điện thoại từ cô Đào Rường, là cô giáo dạy giáo lý tại nhà thờ và là người trợ giúp đắc lực cho Cha John. Cha John, tuy trông nom nhà thờ Ban Jic, nhưng ngài lại ở tại nhà dành cho các linh mục cách đó khoảng bốn cây số. Cô Đào Rường trên điện thoại cho hay, Seour Tum không hài lòng với việc các bạn trẻ đến sinh hoạt tại nhà thờ vào giờ tối, vì nó ảnh hưởng đến thờ gian nghỉ ngơi của các seour. Ngày thứ hai các seour còn phải đi dạy học. Nhưng các bạn trẻ thì sinh hoạt khuya, Seour đề nghị các bạn trẻ đi tìm một nơi khác để sinh hoạt.

Khi mình nghe cô Đào Rường nói như thế trên điện thoại thì mình đã rất bất bình với những gì mình nghe, vì xem ra seour Tum không mấy thông cảm cho hoàn cảnh của các bạn trẻ, và không muốn ủng hộ sinh hoạt bổ ích mà các bạn trẻ làm, đó là tù tập để cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa. Trong thời buổi này, khi giới trẻ ngày càng thơ ơ với việc đạo đức, thì các linh mục tu sĩ đáng ra phải ủng hộ và tạo điều kiện cho các bạn trẻ có cơ hội để sinh hoạt, cho dù mình phải hy sinh một chút nghỉ ngơi.

Mình dự định viết cho seour một lá thư để bày tỏ suy nghĩ, cũng như gởi lá thư ấy đến ĐGM để ngài cũng được biết vấn đề. Nhưng trước khi viết thư, sáng nay mình đã gọi điện thoại cho seour để nói chuyện với seour trực tiếp, để tìm hiểu suy nghĩ của seour xem thực hư như thế nào. Trên điện thoại thì seour Tum lại nói rất tử tế. Seour nói rằng seour chỉ muốn biết giờ giấc sinh họat rõ ràng của các em, cũng như đề nghị nên có linh mục hay tu sĩ ở đó để quản lý các em. Ngoài ra, seour cũng trình bày việc các bạn không ý thức trong việc giữ yên lặng khi ra về, nhiều khi rú xe máy to tiếng.

Mình cũng trình bày với seour về việc tại sao các em phải tụ hợp tại nhà thờ vào giờ hơi khuya, cũng như bày tỏ sự thông cảm với các seour vì sự thiếu ý thức của một số bạn làm cho seour không hài lòng. Mình cũng hứa sẽ dạy dỗ các bạn thêm để các bạn ý thức về hành động của mình.

Sau cuộc nói chuyện đó thì mình cũng đã phần nào giải bày những suy nghĩ của mình, cũng như giúp cho seour giải tỏa một số vấn đề mà seour cảm thấy chưa hài lòng. Rốt cuộc mình cảm thấy không cần phải viết thư cho seour nữa, và seour cũng nói rằng, seour sẵn sàng cho các bạn đến sinh hoạt tại nhà thờ vào giờ tối, với điều kiện các bạn được quản lý tốt hơn để tránh khỏi những hành động gây ảnh hưởng đến người khác.

Việc đào tạo các bạn trẻ là thế đó, rất khó khăn. Đôi khi có người thông cảm, nhưng cũng nhiều khi không tìm được người thông cảm. Trên thực tế thì nếu các seour không muốn cho sinh hoạt tại nhà thờ thì cũng đã có một giáo dân sẵn sàng cho các bạn trẻ đến sinh hoạt ở nhà mình. Đó là một điều tốt. Nhưng thiết nghĩ, tại sao các bạn trẻ Công giáo lại không thể sinh hoạt ở nhà thờ mà phải đi một nơi khác. Đó chưa phải là phương pháp tốt nhất. Điều tốt nhất là mọi người phải ý thức, phải hy sinh, và phải chỉ bảo lẫn nhau, để mục vụ cho giới trẻ và mục vụ cho người di dân được diễn ra trong các nhà thờ Công giáo của chúng ta.

Nong Bua Lamphu, ngày 1.11.2011

No comments: