Dạy học

Ba tuần không đi dạy vì đi xa, tuần này quay lại với việc dạy học vào mỗi ngày thứ năm và thứ sáu. Hôm nay đi dạy về thấy lã cả người. Có lẽ việc dạy học không đến nỗi mệt, nhưng do nơi dạy học cách xa nhà tới 85 cây số nên lái xe rất mệt, đặc biệt là vào giờ trưa phải lái xe từ trường Prajak Sinlapakhom đến trường Phu Phan Thong để dạy vào buổi chiều.

Lúc đầu khi ông hiệu trưởng của trường Prajak Sinlapakhom gọi điện thoại cho mình ngỏ ý nhờ mình đến trường dạy tiếng anh cho các giáo viên trong trường, mình cũng biết đi tỉnh Udon Thani thì hơi xa, nhưng mình không ngờ trường học cách xa trung tâm tỉnh tới 35 cây số. Nhưng sau khi đã nhận lời rồi thì không thể đổi ý. Vã lại mình cũng có cảm tình với ông hiệu trưởng cũng như các thầy cô ở trường này cho nên mình cảm thấy vui với việc dạy học.

Buổi chiều mình dạy hai lớp học sinh tiểu học ở một ngôi trường trong làng. Các em ở đây rất khôi ngô và vui vẻ, tuy nhiên trí óc không mấy nhanh nhẹn. Các em dường như học đâu quen đó, phản ảnh phần nào tình trạng học tiếng Anh ở các trường học tại Thái Lan, đặc biệt trong vùng thôn quê. Các em ở đây dường như không mấy có thói quen tự học khi về nhà, làm cho việc học hành không mấy phát triển. Chính vị thế nên điểm thi các môn học của học sinh Thái Lan trên toàn quốc ngày càng giảm thiểu.

Về tới nhà mình mệt nhừ nên vào phòng nghỉ ngơi một lúc rồi dậy chuẩn bị dâng lễ chiều. Làm nghề nhà giáo cũng vô cùng vất vã. Nên các học sinh hiểu được điều này thì chúng nó sẽ chăm chỉ hơn trong việc học tập. Tiếc thay bọn chúng ít khi ngộ ra được điều này.

Nong Bua Lamphu, ngày 27.7.2011

Trở lại cái cũ với thái độ mới


Sau hai tuần tĩnh huấn, mình đã trở lại giáo xứ, với những sinh hoạt quen thuộc - dâng lễ, sinh hoạt giới trẻ, làm mục vụ di dân. Cũng vẫn những mục vụ đó, nhưng bổng nhiên trong tâm hồn mình cảm thấy thoải mái và lạc quan hơn, phấn khởi hơn, bình thản hơn, bình an hơn. Mình không nóng nãy với các bạn trẻ. Mình không tỏ ra muốn "control" như trước nữa. Mình nói nhẹ nhàng hơn khi các bạn làm sai. Và mình vui vẻ hơn với những em thiếu nhi. Những ngày tĩnh huấn đã mang lại cho mình thái độ đó. Trước đây mình cũng luôn làm mục vụ giới trẻ, những thời gian qua mình hay tỏ ra nóng nãy và nhiều khi la mắng các bạn trẻ. Nhưng qua những ngày tĩnh tâm, những giờ cầu nguyện, và những kiến thức nhận được từ các bài trình bày suốt hai tuần làm mình nghiệm được nhiều điều và giúp cho mình quyết định phải có một thái độ mới trong mục vụ của mình.

Ngày cuối cùng của khóa tĩnh huấn đã có nghi thức sai đi thật long trọng và cảm động. Sau thánh lễ, mỗi thánh viên trong khóa đã đọc lên những điều mà mình sẽ dấn thân làm trong thời gian tới sau khi đã trải qua khóa tĩnh huấn. Sau đó mọi người được trao nến, và chứng chỉ, cũng như được linh mục linh hướng của phong trào Jesus Youth đặt tay một cách long trọng.

Ngày trước đó, mình cũng đã chứng kiến nghi thức sai đi của các bạn trẻ tình nguyện đi truyền giáo một năm ở các nước khác nhau sau khi đã trải qua khóa tĩnh huấn 1 tháng. Trong nghi thức điều ấn tượng nhất là các bạn đã đọc lên lời hứa một cách thật hùng hồn, và đã trả lời những câu hỏi của cha linh hướng một cách nhất quyết. Mình nhìn và nghe các bạn trẻ tuyên thệ mà làm cho mình cảm thấy lạnh cả người và nổi da gà vì tinh thần truyền giáo của các bạn còn cao hơn rất nhiều người đã trải qua nhiều năm đào tạo về truyền giáo. Thái độ hăng say của các bạn cũng làm cho mình cảm thấy e thẹn vì nhiều khi chính mình cũng không có được sự hăng say như thế.

Những gì mình đã học hỏi, những gì mình đã chứng kiến, và những gì mình đã nghiệm được đã thực sự giúp mình nhận ra rằng mình cần phải cải hóa con người, lối sống, và thái độ của mình, để trở nên một nhà truyền giáo tốt hơn, và hiệu quả hơn.

Giờ đây mình đã trở lại với những mục vụ cũ. Nhưng mình tin rằng mình sẽ dấn thân với một thái độ và niềm tin mới.

Nong Bua Lamphu, ngày 24.7.2011

Một vòng Pattaya về đêm



Tối nay nhóm tham dự huấn luyện Mission Animators Training "đi thực tế" bằng cách xuống phố Pattaya để quan sát đời sống ban đêm tại thành phố được liệt kê vào danh sách những thành phố "tội lỗi nhất thế giới." Pattaya có danh hiệu như vậy cũng không oan vì trong thành phố tụ điểm bar, massage, karaoke, v.v. thì vô số cho du diện tích thành phố cũng không mấy lớn.

Mấy chục năm về trước thành phố Pattaya chỉ là một làng đánh cá nhỏ, không có gì nổi tiếng. Nhưng nhờ có biển và gần Bangkok nên nó đã trở nên nơi nghỉ mát cho binh linh Mỹ phục vụ trong chiến tranh tại Việt Nam. Với sự hiện diện của họ thì cũng có nghĩa phải có những dịch vụ để phục vụ cho những nhu cầu của họ, trong đó có nhu cầu tình dục. Vì thế nhiều quán bar bắt đầu được mọc lên và kèm theo đó là dịch vụ mãi dâm. Từ đó trở đi Pattaya đã trở nên một thành phố nổi tiếng là nơi ăn chơi trác tác mà du khách từ khắp năm châu đến để thỏa mãn những nhu cầu thể xác của mình.

Ban ngày Pattaya cũng không có gì là đặc biệt. Các quán bar cũng thưa thớt khách. Nhưng khi đêm về thì thành phố thực sự thức dậy và đi đâu cũng nghe những tiếng nhạc mạnh phát ra từ các tụ điểm ăn chơi, màu sắc rực rở. Nơi xôm tụ nhất là con đường đi bộ gọi là Walking Street. Ở đây tụ tập những nhà hàng, quán bar, và nhà hàng để phục vụ những nhu cầu ăn chơi của khách dụ lịch. Còn trên con đường dọc bờ biển thì vào đêm có rất nhiều cô gái đứng chờ khách một cách công khai mà không hề tỏ ra e ngại.

Thật ra mình cũng đã đến Pattaya và những dịp khác và cũng đã từng đến đây với khách, nhưng mình chưa bao giờ đi với mục đích như tối nay, đó là để quan sát sinh hoạt, và cầu nguyện cho những người mà mình thấy trên đường, cả người làm việc lẫn khách du lịch. Trước đây mình đi xem với tính hiếu kỳ như bao khách du lịch khác. Tối nay mình đi với tâm trạng một nhà truyền giáo. Sự nhận thức thật khác. Và mình nhận thấy rất nhiều hình thực tệ nạn mà trước đây mình chưa để ý. Đó là những người bán dâm đứng công khai trên đường, là những thanh niên đi chào bán ma túy cho khách tây, là những quán xá rất đàng hoàng, mang nhãn hiệu quốc tế cùng đứng chung với tụ điểm bán dâm, v.v. Lạ thật có nhiều điều thất trớ trêu và đáng buồn.

Trước và sau khi đi nhóm đã cầu nguyện cho thành phố này, và cho cả nước Thái Lan này. Cá nhân mình cũng cầu nguyện riêng cho chính mình nữa. Không dễ dì nhìn những hình ảnh ăn chơi như thế mà hoàn toàn dữ thái độ bàng quang. Mình cũng biết mình chưa phải là thánh.

Pattaya, ngày 21.7.2011

Tìm lại nghị lực và sự bình an


Đã một tuần rồi mình được ở trong trung tâm này. Ngày đêm học hỏi, cầu nguyện, chia sẻ, nghỉ ngơi. Chung quanh mình luôn là những khuôn mặt dễ thương, vui vẽ, lúc nào cũng có nụ cười sẵn trên môi. Nụ cười của các linh mục, tu sĩ nhiệt tình; nụ cười của những người giáo dân vô cùng dấn thân vì giáo hội; nụ cười của các bạn trẻ đến huấn luyện để trở nên những người truyền giáo tình nguyện trong vòng một năm của phong trào Jesus Youth. Mỗi tối, trước khi đi ngủ là giờ chầu thánh thể mà những lời nguyện luôn là tự phát, từ thâm tâm của người nói lên lời nguyện, và dưới linh cảm của Chúa Thánh Thần. Những bài hát luôn được hát với hết cả tâm hồn. Và trên môi miệng luôn sẵn sàng cất tiếng tạ ơn và chúc tụng Chúa.

Ở trong bầu khi như thế thì ai mà không cảm thấy bình an và hạnh phúc. Mình như quên hết tất cả những khó nhọc của cuộc sống truyền giáo. Mình đến đây để huấn luyện để trở nên một vị linh hướng cho phong trào Jesus Youth tại Thái Lan. Những ngày này, mình được huấn luyện không chỉ bởi ĐGM, linh mục, mà rất nhiều giáo dân là những người có vai trò và kinh nghiệm trong phong trào. Mình cảm thấy được học hỏi rất nhiều từ những bài giảng thuyết và trình bày của họ.

Đặc biệt hôm nay ĐGM Matthew đến từ Ấn Độ đã trình bày về việc truyền bá Tin Mừng cho các văn hóa và dân tộc, quả thật là một đề tài rất thú vị đối với mình, vốn là một nhà truyền giáo Ngôi Lời. Buổi chiều một giáo dân đã trình bày về đề tài giải quyết xung đột, một việc mà mình cũng nhiều lần phải làm trong vai trò một cha xứ và làm mục vụ cho giời trẻ.

Cuộc sống của mình những ngày nay thật đều đặc. Mình thấy bình an lắm. Nhưng mình cũng biết rằng không thể như thế này mãi được. Rồi khóa tĩnh huấn cũng sẽ chấm dứt. Mình phải thu dọn vali để quay về lại với giáo xứ, với các mục vụ của mình, và còn một số sinh hoạt mới nữa. Rất tiếc, nhưng dù sao đi nữa thì mình đã đến đây tham dự tĩnh huấn không phải chỉ để nghỉ ngơi mà để chuẩn bị tinh thần cho chặng đường trước mặt trong sứ vụ truyền giáo. Nếu không có mục đích đó thì có lẽ mình cũng chẳng phải đến đây.

Pattaya, ngày 19.7.2011

Cơ hội nhìn lại chính mình

Sau khi chuyến đi từ thiện chấm dứt, mình đã phải đi Pattaya để tham dự một khóa tĩnh tâm và huấn luyện về mục vụ giới trẻ của phong trào Jesus Youth. Nhiều người nghe nói mình đi Pattaya cũng tỏ ra bất ngờ vì đây là thành phố "tội lỗi" của Thái Lan. Người ta đến đây để ăn chơi trác táng, đi coi những show trình diễn sex, và nhiều sinh hoạt không lành mạnh khác.

Nhưng giữa cảnh sô bồ đó cũng có một "oasis" là trung tâm Dòng Chúa Cứu Thế. Ở đây người ta đến để tĩnh tâm hoặc tổ chức những cuộc hội họp. Trung Tâm không lớn nhưng cũng đủ cho những sinh hoạt không quá lớn. Ở đây còn có trường học dành cho người khuyết tật. Có hơn 100 người khuyết tật đang học nghề và ở đây. Đó là lý do tại sao lúc mình hỏi thăm đường đến trung tâm thì các tài xế xe ôm rất quen thuộc.

Mình đã có mặt tại Pattaya từ ngày thứ ba và chương trình tĩnh tâm/huấn luyện sẽ kéo dài cho đến ngày 23. Vì Jesus Youth là một phong trào bắt nguồn từ Ấn Độ nên đa số những người đến tham dự là người Ấn độ. Tuy nhiên, có nhiều người đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Hiện nay có hai cuộc huấn luyện đang diễn ra cùng một lúc. Một nhóm là đa số những người trẻ từ 20-30 tuổi được huấn luyện 1 tháng để làm "tình nguyện viên truyền giáo" của phong trào một năm. Còn nhóm thứ hai bao gồm các linh mục, tu sĩ, và giáo dân trưởng thành trong vai trò huấn luyện để trở nên "mission animator" cho phong trào.

Vai trò của youth animator là người lãnh đạo, hướng dẫn, khích lệ, ủng hộ, và nâng đỡ các sinh hoạt và nỗ lực của các thành viên trong phong trào. Trong nhóm của mình có các cha và seour đến từ Ấn Độ, Roma, UAE, và Thái Lan. Chương trình huấn luyện khá dày đặc với khoảng 5-6 cuộc nói chuyện mỗi ngày về các đề tài khác nhau. Bên cạnh đó còn có thánh lễ, giờ cầu nguyện, và chầu Mình Thánh Chúa. Những người đến để điều khiển chương trình, giảng thuyết có cả giáo dân lẫn linh mục và còn cả giám mục nữa. Phong trào đã bỏ ra rất nhiều công sức để có một chương trình huấn luyện giá trị và bổ ích cho các tham dự viên.

Những ngày tĩnh tâm trước khi bắt đầu việc huấn luyện cũng đã thực sự bổ ích cho mình vì dường như đã quá lâu mình chưa có cơ hội để đi tĩnh tâm. Và sau chuyến đi từ thiện tuần trước thì mình cũng đã khá mệt, nên có những ngày tĩnh tâm thì quả thật là một cơ hội tuyệt vời để nghỉ ngơi cả thân xác lẫn tinh thần.

Những ngày này mình đang được thánh đố thật nhiều trong đời sống tâm linh cũng như mục vụ giới trẻ của mình. Bên cạnh những kiến thức về việc linh hoạt truyền giáo, mình còn phải lượng giá chính mình, đời sống tu trì, đời sống mục vụ, cung cách làm việc của mình, v.v. Mình cảm thấy còn nhiều thiếu xót, làm cho mình tự vấn, có lẽ mục vụ giới trẻ của mình chưa được tốt như mong muốn là vì mình chưa cố gắng hoàn thiện bản thân. Mình chưa phải là một gương sáng tốt về đạo đức cũng như trong cách cư xử với giới trẻ. Những ngày này mình cảm thấy cần thiết phải thay đổi tư tưởng, thay đổi thái độ, và thay đổi cách làm việc.

Mình hy vọng rằng sau cuộc tĩnh huấn này mình sẽ trở nên một nhà truyền giáo tốt hơn, một người làm việc mục vụ giới trẻ hiệu quả hơn, và một người bạn thân thiện hơn đối với những người trẻ mà mình giúp đỡ và gặp gỡ.

Pattay, ngày 17.7.2011

Một chuyến đi đặc biệt phần 4


Tối hôm đó đoàn trở lại thành phố Chiang Mai để nghỉ ở một khách sạn trong thành phố để tiện lợi cho chuyến đi lên huyện Chiang Đào vào sáng hôm sau. Từ thành phố đến Chiang Đào cũng hơn hai giờ đồng hồ lái xe nên phải bắt đầu từ 6h sáng. Nhưng mọi người đều đã sẵn sàng để lên đường. Chuyến đi Chiang Đào cũng là để khám bệnh và phát thuốc cho những người dân tộc ở vùng miền núi hẻo lánh, ít có cơ hội để gặp bác sĩ. Chương trình khám bệnh này có sự giúp đỡ của nhân viên ủy ban về người di dân của HĐGMTL sắp xếp nên mọi sự đều trôi chảy. Những người dân tộc đến khám bệnh gồm có ba dân tộc khác nhau. Nhưng nhìn vào họ thì khó phân biệt người nào thuộc dân tộc nào. Ngoài việc khám bệnh cho những người làng, hôm đó còn có thử nhóm máu cho 400 học sinh trong vùng chưa biết mình thuộc loại nhóm máu nào.

Đến chiều thì chương trình kết thúc và đoàn trở về Chiang Mai. So với nơi đoàn đi hôm trước thì ở làng này phương tiện khá tốt, cũng không đến nổi là vùng xâu vùng xa như mình muốn đến. Nhưng anh Sumit nói là những nơi xa thì cũng không phải là không có nhưng để đến đó rất khó nên anh chọn địa điểm này làm nơi khám bệnh cho người dân. Nói chung thì mình chưa thỏa mãn lắm với địa điểm khám bệnh vì chưa hoàn toàn đúng đối tượng mà đoàn muốn giúp. Tuy nhiên những gì làm được cho người dân ở đây cũng rất có ý nghĩa.

Sáng ngày 8 đoàn ra sân bay để về lại Bangkok vì chiều đó sẽ có khám bệnh cho người Việt Nam tại bệnh viện Camillian. Đây là những người Việt trong hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn và rất cần đến sự chăm sóc y tế. Nhờ vào sự giúp đỡ của bệnh viện điều này đã thực hiện được. Thế là từ 1h chiều cho đến 7 giờ tối, những bệnh nhân đến đây đã được thử máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang phổi, gặp bác sĩ, và nhận thuốc nếu cần. Có người còn khám HIV nữa.

Vào ngày mồng 10 tại trường đại học St. John cũng tổ chức khám bệnh cho người Việt đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan. Có một đội ngủ bác sĩ và tình nguyện viên dưới sự bảo trợ của cha Pyrat dòng Camilian đã đến giúp đỡ. Các cha và thầy VN thuộc dòng Camilian cũng đã đến để giúp, trong đó có cha Phú và thầy Hiếu (cũng là một bác sĩ khám bệnh). Thuốc men thì rất đầy đủ, hàng chục hộp để chuẩn bị cho số người đến khám bệnh lên hàng trăm người. Nhưng rất tiếc là số lao động di dân đến khám bệnh không đến 100 người. Điều này cũng làm cho đoàn cũng như mình hơi thất vọng vì mình nghĩ rằng rất nhiều người cần được chăm sóc sức khỏe. Nhưng hóa ra số người đến khám bệnh quá ít ỏi. Các tình nguyện viên của cha Pyrat cũng nói ít người quá nên không vui.

Lâu nay mình làm mục vụ cho người Việt, nghe kể về nhiều căn bệnh mà họ phải mắc, nhưng rồi đến khi tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí thì lại không thấy đến. Mình cũng cảm thấy hơi bở ngở và chửng hửng. Phải chăng người ta chỉ thích than phiền cho vui vậy thôi chứ thực sự không có bệnh gì cả.

Người đến khám bệnh ít quá cũng làm cho mình ngại vì mình đã nhờ cha Pyrat đưa người đến giúp và cha đã đưa nguyên một đội ngủ rất hùng hậu. Thế mà cuối cùng số người quá ít ỏi. Mình cũng buồn vì đoàn của cha Trí đến để hổ trợ về tài chánh mà dường như nhu cầu cần giúp đỡ quá ít. Dù sao đi nữa thì cũng một bài học giá trị cho những sinh hoạt cộng đoàn trong tương lai.


Lần đầu tiên mình tổ chức chương trình y tế tại Thái Lan nên cũng có nhiều điều còn bở ngở, đó là không biết nhưng nơi mình đi tổ chức hoặc là những đối tượng mình nhắm vào có thực sự cần sự giúp đỡ hay không, và cần giúp đỡ như thế nào. Và vì đoàn đến để hỗ trợ cho việc y tế cũng là lần đầu tiên gặp nhau nên mình cũng chưa hiểu hết ý nguyện của đoàn cũng như mọi người trong đoàn. Tuy thế, không có việc gì mà không có sự trợ giúp của Thiên Chúa, và Ngài đã giúp cho mình có những kinh nghiệm giá trị để học hỏi cho các sinh hoạt trong tương lai. Mỗi nơi đi mình và tổ chức mình đã rút ra được một vài điều bổ ích để giúp cho chương trình lần sau, nếu có. Dù sao đi nữa chuyến đi đã kết thúc. Và giờ đây mình không còn phải lo lắng nữa. Mình chỉ biết cám ơn Chúa vì đã cho mình gặp được rất nhiều con người tốt và dễ thương từ người Việt cho đến người Thái, qua những gì mà mình và đoàn đã làm trong những ngày này. Chắc chắn khi người ta đến với nhau trong tinh thần bác ái và cởi mở thì luôn luôn tạo nên những cảm tình đặc biệt và luôn trao cho nhau những gì tốt đẹp nhất có thể.

Pattaya, ngày 15.7.2011

Một chuyến đi đặc biệt phần 3


Sáng ngày thứ tư cha Chanchai đưa xe đến đón đoàn đi lên đồi vào khoảng 8:30 sáng. Cùng đi với đoàn có thêm 3 nhân viên của trạm y tế địa phương, họ cũng là người dân tộc Pakinyo và là người Công giáo. Cha Chanchai nói là không thể đi đến một số nơi trong dự định vì trời mưa nên xe không thể nào lên đó được. Nhưng sẽ đi nơi gần và dễ đi hơn. Tuy gần và dễ hơn, nhưng con đường vào các làng mạc cũng gồ ghề lắm. Con đường xuyên qua rừng quốc gia thì rất tốt, được trải nhựa hẳn hoi. Nhưng khi rẻ vào con đường đất lên làng thì hoàn toàn khác hẳn. Đường thật khó đi vì chỉ toàn là đất xét. Nơi nào may thì có một chút bê tông cho xe đi nhanh hơn. Nếu có mưa thì cũng không xe nào lên được, cho dù là xe 4 wheel drive.

Anh lái xe, đồng thời cũng là nhân viên trạm ý tế cho hay trước đây còn không có đường như thế này nữa cho các nhà truyền giáo Tây phương đến truyền giáo ở đây. Các ngài phải tự leo lên. Một chuyến đi như thế mất hàng tháng. Các ngài đi mỗi ngày một khúc, đi từ làng này qua làng khác như thế. Anh ta từng đi theo các nhà truyền giáo để mang ba-lô cho các ngài.

Trong làng người thiểu số rất nghèo, chưa có điện, và sóng điện thoại, nên có chuyện gì cũng rất khó liên lạc. Vào làng người ta mới biết có đoàn đến, nhưng nhiều người không chắc chắn nên đã đi làm rẩy vì bây giờ cũng là mùa trồng trọt. Vì thế số người đến khám bệnh không đông như ước lượng. Tuy nhiên những người đến khám bệnh đúng là đối tựợng mà đoàn muốn giúp đỡ. Đối với những người không được đến khám thì một số thuốc đã được để lại cho người phụ trách vấn đề thuốc men trong làng quản lý và phân phát tùy nhu cầu.

Sau khi xong ở đây thì đoàn lên xe đến trường học ở huyện Mae Pon. Nơi đây có 260 học sinh người dân tộc đến từ nhiều làng khác nhau học nội trú. Dòng Thánh Tâm xây trường học này để tạo cơ hội cho các người trẻ Pakinyo được học vấn may ra có một tương lai tốt đẹp hơn. Ngoài ra cha Chanchai cũng muốn dùng trường học này để đào tạo và khuyến khích các trẻ Pakinyo có ơn gọi tu trì. Tại đây đoàn đã tổ chức khám bệnh cho các em, cũng như sinh hoạt thật vui vẻ. Đoàn đã mua cho mỗi em mồt phần quà bánh ngọt và nước.

Các em người Pakinyo rất ngoan ngoãn so với trẻ em người Thái. Sau khi phát quà, cha Chanchai bảo mọi người chưa được ăn vì đang còn sinh hoạt thì không có một em nào dám mở bánh. Các em chỉ cầm trong tay để chờ phép mới dám bóc ra. Mình để ý xem có đứa nào bóc lén không như không phát hiện ra em nào cả. Khi sinh hoạt xong, được phép cho ăn thì các em mới dám mở.

Sau khi sinh hoạt ở trường học xong thì đoàn trở lại TT Mission of Love. Cha Trí định đi mua quà cho các em ở TT, nhưng cha Chanchai nói là ở đó các em cũng lớn rồi, không cần bánh kẹo. Nếu được thì lấy tiền đó mua gạo cho các em tốt hơn tại vì trong TT cũng đã sắp hết gạo rồi. Nghe vậy cha Trí liền bàn với các thành viên trong đoàn và quyết định sẽ đi mua gạo giúp cho TT. Thế là đoàn đã ủng hộ cho cha Chanchai 40 bao gạo đủ lo cho các em trong TT khoảng 3 tháng.

Chuyến đi này đã giới thiệu cho mọi người trong đoàn về một vùng của đất nước Thái Lan và một dân tộc mà họ chưa từng biết đến. Ai cũng ấn tượng với hoàn cảnh và đời sống của người dân ở đây. Cha Trí và một số người trong đoàn có ý định là năm tới sẽ trở lại.

Pattaya, ngày 14.7.2011

Một chuyến đi đặc biệt phần 2


Đoàn đi làm từ thiện có bốn phụ nữ - cô T. cô B. chị Ng. và chị H. Cô T. và cô B. là hai chị em. Cô T. ở Pháp và có người chồng tên K. Ông ta cũng tham gia trong đoàn. còn lại là cha Trí, anh Peter, hai chủng sinh (Sergio và Peter), và mình.

Sau khi lưu lại Bangkok tối ngày thứ hai, sáng thứ ba đoàn ra sân bay để đi Chiang Mai, một thành phố du lịch nổi tiếng ở miền bắc Thái Lan. Đây là vùng cao nguyên của nước Thái. Tuy nhiên, Chiang Mai thì vẫn nằm ở phía đồng bằng.

Tại sân bay Chiang Mai cha Chanchai, dòng Thánh Tâm đã có mặt để đón đoàn. Cha Chanchai là một người dân tộc Pakinyo. Ngài có vóc dáng thấp, nhưng tròn trịa. Ngài nói tiếng Thái với dọng của người dân tộc nên không được rõ lắm. Cha Chanchai là người mình đã liên lạc trong việc làm công tác từ thiện. Vì đoàn có ý nguyện giúp đỡ những người nghèo đói với vùng xâu vùng xa, vì thế mình nghĩ rằng địa bàn làm việc của cha Chanchai rất thích hợp.

Theo lời kể của cha Chanchai, ngài phụ trách khoảng 40 nhà thờ nhỏ lớn trong giáo hạt Mae Pon. Có những nhà thờ một năm ngài chỉ đi làm lễ được 3-4 lần, thậm chí còn ít hơn. Một trong những lý do ngài đi ít ỏi là vì nhiều nhà thờ ở nơi xa xôi hẻo lánh.

Tối thứ ba đoàn nghỉ ở resort gần trung tâm Mission of Love. Resort được xây lên cạnh con sông khá lớn. Chủ resort nói là con sông lớn nhất vùng này. Giá phòng rất rẻ, chỉ 400 baht một phòng. Nhưng quang cảnh rất yên tĩnh và dễ chịu. Ai trong đoàn cũng cảm thấy hài lòng với cái cảnh thôn quê thơ mộng không khác gì cảnh vật ở Việt Nam.

Tối hôm đó đoàn qua trung tâm để dự lễ với gần 70 em nội trú ở trung tâm. Các em nội trú này đi học bên ngoài, nhưng được cho nội trú ở trung tâm vì tất cả đều là những người dân tộc Pakinyo đến từ các làng mạc trên núi. Nếu không được nội trú ở đây thì có lẽ sẽ khó có cơ hội để được học vấn. Cha Chanchai cho các em ở miễn phí.

Tối hôm đó mình dâng lễ bằng tiếng Thái cho các em và chia sẻ lời Chúa. Cuối lễ cha Chanchai giới thiệu cha Trí và đoàn, cũng như mời cha Trí chia sẻ với các em. Mình cũng mời Sergio và Peter phát biểu ít lời để khuyến khích các em cũng như quảng bá đôi chút về ơn gọi. Mình làm thông dịch viên cho mọi người.

Sau lễ cha Chanchai nói có một em mà ngài muốn giới thiệu vào dòng SVD, nhưng em ấy còn phải được đào tạo thêm về tâm linh nên chưa sẵn sàng để giới thiệu. Mình nói với cha là cứ đào tạo. Khi nào cảm thấy được thì cứ liên lạc với mình.

Lễ xong mọi người cũng đã mệt nên về khách sạn để nghỉ ngơi. Riêng mình vẫn chưa đi ngủ được vì phải sắp xếp một số việc cho chương trình y tế sắp tới tại Bangkok. Đó là chương trình y tế cho người Việt đang lưu lại đây. Có những trục trặc ngoài dự tính, nhưng rồi cũng đã sắp xếp được. Thế là mình đi ngủ chuẩn bị cho chương trình ngày thứ tư.

Pattaya, ngày 13.7.2011

Một chuyến đi đặc biệt phần 1


Mình dâng lễ ngày Chúa Nhật 3 tháng 7 xong thì trưa cùng ngày lật đật đi Bangkok để chuẩn bị cho chuyến đi từ thiện y tế với cha Trí đến từ Mỹ và một số người trong đoàn. Ngoài ra mình cũng đón hai chủng sinh Ngôi Lời đến Thái Lan trong dịp hè để tìm hiểu thêm về đời sống truyền giáo ở đây. Hai chủng sinh là Peter và Sergio, mới học xong năm 1 triết. Trước khi đến Thái Lan hai em đã ở Hàn Quốc 6 tuần với mục đích cũng như vậy.

Ngày thứ hai mình hẹn với cha Thanakorn sẽ gặp ngài lúc 12h trưa tại nhà thờ DCCT ở BKK. Ngài là một cha người Thái. Năm qua học tiếng anh tại trường đại học NgôiLời. Vì thế nên Sergio và Peter đến Bangkok, có ngài đang ở TL thì được ngài đón từ sân bay, đưa về nghỉ ở trường học St. Joseph của giáo phận BKK, dẫn đi đó đây vài ngày trước khi gặp mình.

Sáng ngày thứ hai trước khi gặp Sergio và Peter, mình tranh thủ đi đến bệnh viện Latwithi ở gần khu Tượng đài chiến thắng để khám bệnh. Ở đây mình có quen một người trong khoa mổ nên họ nói sẽ giúp mình làm những thủ tục cần thiết để được mau vào gặp bác sĩ hơn. Bệnh viện Latwithi là một bệnh viện nhà nước, và vì có tiếng nên số người đi điều trị bệnh ở đây rất đông.

Lý do mình đến đây là vì dạo này mình bị đau cổ và đau lưng thường xuyên và đau rất nặng. Nhiều khi đau quá mà làm gì cũng không thấy triệu chứng thuyên giảm. Mình muốn gặp bác sĩ để được điều trị. Sau khi vào gặp bác sĩ và trình bày những triệu chứng của mình, vị bác sĩ khoảng 40 tuổi mà bà Jíu, người hướng dẫn mình nói là bác sĩ giỏi cùng hai sinh viên y khoa yêu cầu mình đi chúp x quang cổ và lưng. Mình lật đật chạy đi tìm phòng X quang, chụp rồi trở về phòng khám chờ kết quả. Một lúc sau mình được mời vào phòng khám. Bác sĩ mở hình X-quang trong computer ra để xem. Khi xem xong thì ông ta kết luận một điều: X-quang không thể giải thích được tại sao đau lưng. Ông nói có thể đi làm MRI. Mình hỏi ông ta làm MRI để làm gì? Ông nói để khẳng định là mình không có gì nghiêm trọng và an tâm. Thế có nghĩa là mình chụp hình MRI mà không thấy gì bất thường, có nghĩa là triệu chứng đau lưng ngày càng nặng của mình không có cách điều trị???

Dù sao đi nữa thì mình không có giờ để chụp MRI trong ngày đó nên mình nói để làm sau. Mình lật đật trở về nhà thờ DDCCT tại đường nhỏ Ruam Rudii để kịp đón nhà Thanakorn và hai chủng sinh đang trên đường đến. Khi cha Thanakorn đến nơi thì thấy trong xe có tới bốn người thanh niên; hóa ra ngoài Sergio và Peter ra, còn có thêm hai chùng sinh khác tên Thịnh và Dũng, cũng đến Thái Lan chơi trong dịp hè. Cha Thanakorn còn trẻ, tuổi chỉ ngoài 40. Ngài làm việc về vấn đế giáo dục trong giáo phận. Lý do đi học tiếng Anh ở ĐCV Ngôi Lời ở Iowa là muốn chuẩn bị học thêm về quản lý giáo dục để lo việc giáo phận. Chắc chắn ngài là một linh mục sáng giá trong giáo phận. Trong khi ăn trưa ở một quán ăn Muslim mình kể cho cha Thanakorn nghe về ý định đi học chương trình tiến sĩ tại trường đại học Assumption ở Bangkok, ngài nói sẽ giúp cho trong việc liên hệ vì trước đây ngài đã từng làm việc tại đây.

Ăn trưa xong cha Thanakorn chở Thịnh và Dũng đi tham quan Pattaya, còn mình thì đưa Sergio và Peter đi tham quan các chùa chiền trong thành phố Bangkok để giới thiệu cho hai em biết về văn hóa và tôn giáo tại đất nước này. Tối hôm đó mình đưa hai em về nhà bà Amara để nghỉ đêm. Bà ta gặp hai chủng sinh trẻ thì đón tiếp rất nồng hậu, và liên tục nói những lời khuyến khích để hai em tiếp tục con đường tu trì. Trong nhà bà rất nhiều tượng ảnh nên bà dẫn hai em đi xem và dường như có gì cho được là bà cho từ tượng ảnh, tràng hạt, áo quần, hoặc thức ăn. Bà Amara là một giáo dân rất sùng đạo và có tấm lọng rất rộng rãi.

Tới hơn 10 giờ đêm mình lên xe taxi đi sân bay để đón đoàn của cha Trí trên chuyến bay đến từ Nhật. Ở đó đoàn đã lưu lai hai ngày để thăm nơi xảy ra động đất và sóng thần để giúp đỡ. Ngài nói tháng 10 sắp tới sẽ trở lại Nhật lần nữa. Đoàn có tất cả là 7 người, có cha Trí và thêm 6 giáo dân. Ngoài ông Kết và chị Tuyết đến từ Pháp, mọi người đều đến từ Mỹ.

Khi mình đến nơi thì máy bay đã hạ cánh nhưng đoàn vẫn chưa ra. Mình chờ một lúc, hơi hồi hộp vì sân bay BKK có nhiềi lối ra. Nhiều khi trên bảng báo là hành khách sẽ ra ở cổng B nhưng trên thực tế người ta lại ra ở cổng A hoặc C. Vì vậy nên trường hợp đến đón khách mà không gặp cũng rất phổ biến. Mình cũng đã từng bị như thế. Mình có đưa cho anh Peter, một người trong đoàn sốt điện thoại của mình tại BKK nhưng cũng không biết anh có đem theo hay không.

Mình chờ một lúc thì thấy một nhóm người đi ngang qua, hình như nghe tiếng Việt. Người đi đầu là một người đàn ông to cao, đang đội mủ. Ông ta nói gì đó với những người đi sau vài bước. Mình nghe không rõ, nhưng đoán chắc là tiếng Việt. Mình chạy theo hỏi: - Anh có phải người Việt không. Ông ta trả lời "Phải". Mình hỏi tiếp, "Anh có phải anh Peter không?" Ông ta trả lời phải. Mình tự giới thiệu mình là ai. Sau đó ông ta mới nói rằng ông không phải là Peter mà là cha Trí. Thế là gặp được phái đoàn rồi. Mừng quá.

Đây là lần đầu tiên mình gặp cha Trí cũng như mọi người trong đoàn. Chuyến đi này được sắp xếp bởi mình và cha Trí và anh Peter, nhưng chỉ qua điện thoại. Cha Trí biết mình qua lời giới thiệu của Sr. Huyền. Cha liên lạc với mình qua điện thoại và từ đó bàn chương trình với nhau. Sau này anh Peter cũng liên lạc với mình và chuẩn bị chương trình như thế.

Khi mọi người đã chào hỏi nhau thì mình kêu xe van để đưa đoàn về nghỉ đêm ở khách sạn Furama trên đường Silom. Đây là giây phút đầu tiên của một chuyến đi thú vị và mang lại cho mình thật nhiều kinh nghiệm.

Pattaya, ngày 12.7.2011

Cắm hoa hay không cắm hoa


Chiều nay sau khi dâng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu ở nhà nguyện các seour dòng Mẹ Têrêxa, và làm phép nhà của các seour cũng như nơi ở của cám em mồ côi xong, Sr. Mary-Paul nói với mình rằng: - Tôi muốn báo cho cha biết là tuần tới Sr. Gabriela sẽ chuyển về Hong Kong. Chúng tôi sẽ có một seour mới đến. Vì thế từ đây trở đi chúng tôi không thể tiếp tục cắm hoa cho nhà thờ nữa.

- Nếu Sr. Gabriela không thể làm được thì có thể một seour khác thay thế được không? - Tôi hỏi.

- Chúng tôi không có ai để làm.

- Có thể các seour không thể làm đẹp như Sr. Gabriela, nhưng tôi nghĩ một trong các seour cũng có thể làm được.

Sr. Mary-Paul cười và tiếp tục nói những lời từ chối. - Thật ra bình thường chúng tôi không làm những việc như thế này.

- Nhưng các seour ở trong giáo xứ, tôi nghĩ rằng giáo dân rất biết ơn sự đóng góp của các seour.

Sr. Mary-Paul tiếp tục nói nhứng lời từ chối. Có câu mình hiểu được, có câu nghe không rõ lắm vì âm giọng Ấn Độ đặc sệt của seour.

Cuối cùng, mình nói xin các seour hãy suy nghĩ lại. Và đợi seour mới đến xem seour ấy có thể cắm hoa được không? Nhưng theo mình nghĩ, ở đây không phải là việc các seour có biết cắm hoa hay không. Mà là việc các seour có nghĩ rằng đây là một công việc của giáo xứ mà các seour nên làm hay không? Câu trả lời còn rất tùy thuộc vào lối suy nghĩ và đường hướng làm việc của hội dòng các seour, và dĩ nhiên là lối suy nghĩ của cá nhân vị bề trên.

Nong Bua Lamphu, ngày 1.7.2011