...Mùa hoa Bò cạp vàng đã đến.
Giới trẻ - Sức sống của giáo xứ
Hôm nay mình đi đón bốn bạn trẻ về từ trung tâm huấn luyện giáo lý của giáo phận. Suốt tuần qua các em đi tham dự chương trình huấn luyện giáo lý mùa hè dành cho giới trẻ trong giáo phận. Ngồi trên xe nghe các em kể về những ngày qua làm mình cảm thấy rất vui trong lòng, vui và hãnh diện. Các em kể rằng các em đã nhận được rất nhiều lời khen từ các cha và các thầy vì các em không chỉ biết hết những câu hỏi giáo lý, mà còn tham gia tích cực vào các sinh hoạt của khóa huận luyện.
Rát, Tèng, Kệt, và Kềm là bốn em học sinh lớp 8-10. Ba em đầu được rửa tội chưa đầy một năm. Còn Kềm thì đang học giáo lý vở lòng. Thế mà trong giáo xứ hiện nay, các em là những người đọc các bài đọc trong thánh lễ, thay phiên nhau chơi đàn, và luôn có mặt ở tất cả các sinh hoạt chung của giáo xứ như đọc kinh đầu tháng và đi chặng đàng Thánh giá. Các em không chỉ có tinh thần trách nhiệm trong cộng đoàn rất cao, cao hơn cả những người lớn tuổi, mà các em còn rất thích làm những việc ấy.
Chính vì tinh thần và thái độ dễ mến của các em làm cho các cha các thầy đã có ấn tượng rất tốt. Khi nghe các em kể lại về những lời khen mà các cha và các thầy dành cho “con của cha Anthony” làm mình vui lắm. Các em đã không làm cho mình thất vọng chút nào khi gởi các em đến khóa huận luyện để học hỏi.
Trên đường tới nơi tham dự khóa, mình đã nhắc các em rằng: - Các em hãy để ý xem các thầy tổ chức sinh hoạt như thế nào để sau này các em sẽ tổ chức sinh hoạt như vậy cho các em thiếu nhi của chúng ta. Cha sẽ rất cần các em để xây dựng chương trình thiếu nhi ở Nong Bua Lamphu.
Các em đã không quên lời dặn của mình. Hôm nay về các em còn cho biết là đã mượn một cuốn sách sinh hoạt của các thầy để tìm hiểu thêm. Khi mình hỏi các em: - Năm lớp 11 cha biết là các em có rất nhiều sinh hoạt ở trường. Cha muốn biết là các em sẽ sẵn sàng giúp cha vào mỗi ngày Chúa Nhật để tổ chức chương trình thiếu nhi không?
Em Kệt trả lời: - Năm tới là nhiều sinh hoạt lắm. Nhưng mà ngày Chúa Nhật thì con sẽ luôn luôn ở nhà thờ. Vì vậy con sẽ giúp cha được.
Tèng cũng nói như thế. Tuần tới có một trại hè dành cho giới trẻ vùng đông bắc nước Thái được tổ chức tại nhà thờ chánh tòa. Thoạt đầu mình sẽ không cho các em đi vì sợ các em đi tham gia nhiều chương trình quá sẽ chán. Nhưng tối nay các em nói là rất muốn đi vì các cha trên giáo phận rất muốn các em đến tham dự. Ngoài ra các em còn muốn học hỏi thêm để lấy kinh nghiệm. Nghe nói vậy mình không nở nào bỏ qua dịp này nữa. Ngày mai sẽ liên lạc với cha trưởng ban tổ chức để gởi em lên đó.
Giáo xứ mình nhỏ, giới trẻ mình ít, nhưng quả thật là có chất lượng. Mình thật may mắn khi có lớp giới trẻ bên cạnh, cả người Thái lẫn người Việt, luôn luôn hòa đồng và hăng say trong những sinh hoạt của giáo xứ. Nếu không có chúng thì chắc rằng giáo xứ của mình sẽ thật buồn chán. Hôm nay là một ngày thật vui trong cuộc đời mục vụ của mình.
Nong Bua Lamphu, ngày 27.3.2009
Nước mắt đau khổ, nước mắt cảm thông
Tối nay mình tổ chức chương trình chia sẻ cho một nhóm người bị nhiễm HIV đến tham dự chương trình học hỏi tại TT Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong ba ngày. Chương trình tuy đơn sơ nhưng rất hiệu quả. Những người đến tham dự ngồi thành một vòng tròn trong căn phòng họp trên lầu của TT. Ở giữa họ là một cây nến lớn, một bình hoa, và hai tấm vải màu đen và màu trắng. Ở các góc của căn phòng có thêm những cây nến cở vừa cung cấp thêm ánh sáng cho căn phòng, nhưng không quá sáng. Người Thái vốn có tập tục ngồi thinh lặng để bình tâm nên việc cho thời gian để “thiền” không phải là điều khó làm đối với họ. Trong không gian ấm cúng và linh thiêng tạo nên bởi những cây nến lunh linh và tiếng nhạc thiền rất nhẹ, những người tham dự ngồi chìm đắm trong những cảm xúc và suy nghĩ của mình.
Sau khi đề tài chia sẻ được đưa ra, họ đã chia sẻ với nhau rất lâu về những kinh nghiệm của mình. Trong từng nhóm nhỏ chỉ có 4 người, họ thì thầm với nhau về những gì họ đã phải trải qua, những khó khăn trong cuộc sống, và những gì họ đã làm được cho chính mình, mặc dầu họ phải mắc cái bệnh HIV trong người mà ngày chết sẽ không còn lâu nữa.
Nghi thức cầu nguyện tiếp theo cũng rất đơn sơ. Mình thắp một cây nến cho mọi người trong vòng chuyền nhau để cầu nguyện. Có người đã nói ra thành tiếng về những gì họ đang cần có trong cuộc sống. Đa số chỉ cầm cây nến đưa lên trước mặt và cầu nguyện trong thinh lặng. Mặc dầu họ không nói thành tiếng nhưng có lẻ ai cũng hiểu được họ đang cầu nguyện về những điều gì.
Nghi thức cuối cùng là nghi thức chúc lành cho nhau. Mọi người đứng dậy thành vòng. Người đầu đứng đối diện với người thứ hai, đặt tay lên vai và chúc lành cho họ. Khi làm xong, họ đi đến người kế tiếp, và như thế mọi người nối vòng chúc lành cho nhau. Giây phút này trong phòng bổng nhiên có thật nhiều tiếng khóc. Trước tiên là của Thóp, một anh chàng đã bị HIV làm ngọng lưỡi không nói được nữa. Sau đó là Kày, rồi một người đàn ông thân hình rất nhỏ. Nhiều người ôm nhau khóc với những cảm xúc mà có lẻ chỉ chính họ mới hiểu hết tiếng khóc đó bao gồm những nỗi niềm gì?
Nghi thức chúc lành cho nhau chấm dứt. Mình cứ tưởng đã xong. Nhưng bổng nhiên Thóp chạy đến trước chân mình quỳ xuống thật sâu, ôm chân mình khóc lớn tiếng. Mình ngồi xuống nâng mặt của Thóp lên và an ủi anh. Có lẻ Thóp khóc trước nhất, nhiều nhất, và lớn tiếng nhất vì anh ta không nói được. Lưỡi đã bị ngọng, phát âm rất chậm và rất khó hiểu. Bây giờ chỉ có tiếng khóc mới giúp bày tỏ cho mọi người hiểu được tâm trạng của anh như thế nào.
Sau đó những người khác cũng đến trước mặt mình và xin mình chúc lành. Mình chúc lành cho từng người, xin Thiên Chúa giúp cho họ được khỏe mạnh, được bền vững trên con đường của cuộc sống.
Mình bước ra khỏi TT với tâm trạng buồn vui lẫn lộn, vui vì đã mang đến cho những con người xấu số những giây phút bình an và được người khác nâng đỡ. Nhưng buồn vì biết rằng căn bệnh HIV dù sớm hay muộn thì cũng không thể nào chiến thắng nó được.
Chiều nay mình đã vào phòng bệnh để cầu nguyện cho bà Tom. Bà đến với TT chỉ hai tuần mà sức khỏe đã xuống nhanh như chớp. Cái chết đang gần kề. Bà cũng mong được chết. Bà không chịu ăn, không chịu uống thuốc. Bà chỉ muốn chết. Thật buồn khi ở đây không phải chỉ HIV giết bà ta mà chính bà cũng đã tự giết mình.
Nong Bua Lamphu,ngày 19.3.2009
Chương trình thiếu nhi bắt đầu
Thế là chương trình mùa hè dành cho thiếu nhi cũng đã chính thức bắt đầu với 24 học sinh lớp 1 đến lớp 5 đến học vẽ, ca hát, đọc sách mô mỗi ngày. Số học sinh nhiều hơn dự định, và còn một số học sinh khác không được nhận vì không đủ chỗ. Hôm nay là ngày đầu tiên của chương trình. Các em đến gần đủ, chỉ thiếu vài em vì các em ấy vẫn còn đang thi cuối kỳ.
Mình có mặt khi khai mạc chương trình, nhưng không ở lại lâu được vì phải đi họp ở nhà thờ chánh tòa. Đến chiều về thì thấy các em đang chăm chú vẽ những bức tranh tùy ý. Sau khi vẽ xong thì cô giáo mời từng em lên để trình bày về “tác phẩm” của mình cho các bạn nghe.
Mình hỏi một bạn trẻ đến để giúp giữ trật tự về tình hình trong ngày thì được biết là các em tương đối ngoan và vâng lời. Các em cũng ở trong khu vực học chứ không đi ra ngoài làm mất trật tự và nguy hiểm.
Thấy các em đến học đông đủ làm cho trong lòng mình thấy rất vui. Đây là lần đầu tiên có chương trình như thế này tại giáo xứ. Mặc dầu có chương trình này phải cần có đầu tư về tài chánh, mà tài chánh thì hơi hẹp hòi, nhưng vì thấy các em vui chơi nên mình rất hài lòng và cảm thấy hạnh phúc.
Quả thật là may mắn khi cô giáo dạy là một người có kinh nghiệm dạy học cấp I và cũng là một người Công giáo. Như thế thì chương trình sẽ mang tính chất Công giáo nhiều hơn trong hành động cũng như lời nói của cô. Rất tiếc là sau khi dạy xong thì cô sẽ về Udon Thani để tìm việc, không còn lưu lại ở Nong Bua Lamphu nữa. Nếu có được thêm một người như cô ở Nong Bua Lamphu thì quả là tuyệt vời cho mình. Mình cầu xin sao trong thời gian sắp tới có một điều may mắn xảy ra khiến cho cô tìm ra công việc ở đây để cô còn có thể cộng tác với giáo xứ trong những chương trình sắp tới.
Nong Bua Lamphu, ngày 16.3.2009
Sợ SIDA
Chiều qua có một phụ huynh ngày trước đã đăng ký cho con em đến tham gia chương trình mùa hè dành cho thiếu nhi tại nhà thờ gọi điện thoại đến. Bà hỏi đến vấn đề an toàn của con em khi đến học ở nhà thờ. Bà nói có nghe người khác nói điều không tốt về nhà thờ nên làm bà cảm thấy bất an. Mình hỏi bà đã nghe chuyện gì. Bà nói bà không nói ra được. Sau đó bà hỏi đến việc ăn uống như thế nào? Mình cũng trình bày cho bà ta biết về sinh hoạt, người dạy, dạy ở đâu và ăn uống ra sao.
- Thưa cô, người dạy là một cô giáo, và cũng có một vài tình nguyện viên giúp giữ trật tự. Nơi dạy là một nơi rộng rãi và thoáng. Việc ăn trưa thì các em tự mang đến. Còn nước thì ở đây có bình nước lớn cho các em uống. Nhưng nếu em nào muốn tự mang thức uống riêng đến thì cũng được.
Sau khi nói chuyện với vị phụ huynh xong, mình đện gặp cô Fốn và hòi:
- Chị nghĩ rằng bà ta quan ngại việc gì?
Cô Fốn trả lời: - Có lẻ bà tà sợ con bà bị mắc bệnh HIV/AIDS.
- Thoạt đầu tôi nghĩ rằng bà không an tâm về nhà thờ hoặc về chính tôi, nhưng suy lại những câu hỏi của bà thì tôi cũng nghĩ có lẻ bà sợ SIDA.
Việc bên cạnh giáo xứ có TT HIV và nhà mồ côi nuôi trẻ em bị HIV luôn là một vấn đề mà không thể tách biệt ra khỏi sinh hoạt và mục vụ của giáo xứ nhỏ bé này. Có người đến nhà thờ vì những trẻ em HIV. Có người lại tránh nhà thờ cũng chính vì các em ấy. Có người mang thức ăn đến nhà thờ cũng vì chúng nó, rồi cũng có người không dám ăn uống gì khi đang ở nhà thờ cũng vì chúng nó.
Trên thực tế nhà trẻ mồ côi HIV và giáo xứ là hai thành phần tách biệt. Nhà mồ côi là của các seour, và giáo xứ là của chung. Thế nhưng vì mối quan hệ giữa mục vụ HIV và giáo xứ cả trên khía cạnh không gian và tình thần quá gần gũi nên dường như không thể nào tách lìa hai việc ra được.
Từ khi đến đây mình muốn hướng giáo xứ tới một con đường mục vụ bao quát hơn vời nhiều sinh hoạt hơn. Để nơi đây không chỉ là một TT HIV như người địa phương thường nghĩ về nhà thờ, nhưng là một nơi có nhiều sinh hoạt và mục vụ đa dạng và bổ ích cho cộng đồng. Thế nhưng chắc chắn sẽ gặp rất nhiều trở ngại khi ý thức và sự hiểu biết của người dân còn quá kém cỏi khiến họ không thể thoát ra khỏi những thành kiến của mình.
Nhiều khi ngồi suy nghĩ mục vụ HIV của TT ĐMHCG và của các seour Dòng Mẹ Têrêxa là mục vụ vô cùng quý giá và hoàn toàn phù hợp với Tin Mừng của Chúa Kitô. Nhưng mục vụ này cũng chính là mối cản trở cho sự khởi xướng và thực hiện các mục vụ khác ở đây. Có lẻ sẽ cần thêm nhiều thời gian nữa thì giáo xứ mới được biết đến dưới cái tầm nhìn khác ngoài là nơi nuôi người bị nhiễm HIV.
Nong Bua Lamphu, ngày 14.3.2009
Mục vụ thiếu nhi khởi xướng
Cách đây vài ngày trong lòng cũng cảm thấy hơi lo lo vì chương trình thiếu nhi mà mình khởi xướng có vẻ như không thu hút được người tham gia. Một phần do việc thông báo về chương trình không được rộng rãi cho mấy. Gần đến ngày hạn chót để đăng ký mà thấy vỏn vẹn chưa đến 10 em, trong khi dư định là sẽ nhận 20 em lớp 1 đến lớp 6.
Tưởng đâu sẽ không đạt số học sinh dự tính. Thế nhưng hai ngày nay số người đến đăng ký tăng đột biến. Bây giờ số học sinh ghi danh đến nhà thờ tham gia chương trình mùa hè dành cho thiếu nhi đã lên đến 26 em.
Đây là chương trình dạy cho các em vẽ, ca hát, chơi các trò chơi lành mạnh, và đọc sách thiếu nhi. Chương trình mùa hè dành cho thiếu nhi là một trong những chương trình nhằm phát triển và đào tạo giới trẻ địa phương mà giáo xứ đã và đang đưa vào chương trình mục vụ lâu dài và quan trọng của giáo xứ nhằm làm cho giáo xứ trở nên một nơi mà người dân địa phương biết đến.
Những phụ huynh đến ghi danh cho con em học đều tỏ ra rất vui mừng khi biết được chương trình này. Một phụ huynh chia sẻ: - Chúng tôi ngồi suy nghĩ nhiều lắm. Không biết mùa hè này sẽ cho con đi học ở đâu? Ở nhà thì nó chỉ coi TV rồi chơi game trên máy computer. Vừa biết được có chương trình này tôi mừng quá đổi.
Một phụ huynh khác hỏi: - Chúng tôi không phải Kitô giáo, không biết có học được không?
- Không sao cả. Chương trình này là nhằm phát triển giới trẻ bất kể tôn giáo nào. - Mình trả lời.
- Vậy thì tốt quá. Quả thật là một tấm lòng rộng lượng. - Bà ta nhận định.
- Vâng chương trình này là một trong những bước đầu tiên mà chúng tôi đang triển khai và thử nghiệm trong việc phát triển giới trẻ địa phương. Nếu có kết quả tốt thì ở đây sẽ làm nhiều sinh hoạt khác nữa.
- Tôi hy vọng là sẽ có kết quả tốt để cha còn có các chương trình khác.
Đúng là các phụ huynh đến ghi danh rất vui vì con em sẽ được đến học miễn phí với một chương trình thật bổ ích. Giờ đây số học sinh đã có nhiều hơn dự định, Cô giáo cũng đã có rồi. Thứ hai tới đây chương trình sẽ bắt đầu. Mình rất vui khi nghĩ đến việc thấy các em học sinh cắp sách đến nhà thờ mỗi ngày để học vẽ, học hát, và đọc sách. Dần dần, ở đây sẽ không còn chỉ là nơi mà người ta biết đến như một TT dành cho các bệnh nhân HIV, mà còn là một nơi dành cho giới trẻ đến học hỏi và vui chơi nữa.
Nong Bua Lamphu, ngày 12.3.2009
Mình là một ngân hàng
Từ gần đây mình đã trở thành một ngân hàng mở tài khoản không trả tiền lời. Các bạn trẻ lao động người Việt trước đây hay có tính làm ra bao nhiêu sài bấy nhiêu, không biết tiết kiệm để gởi về cho gia đình, bây giờ đã tìm đến mình để gởi tiền tiết kiệm. Tối nay thằng Công đến gởi 2,500 baht. Nó nói phải gởi không thôi để đó lỡ xài thì không còn nữa.
Từ ngày có nhiều đứa đem tiền tới gởi mình phải làm một cái sổ, ghi rõ ràng người nào gởi bao nhiêu vào ngày nào. Mình còn bắt nó ký vào sổ một cách nghiêm túc. Tụi nó cũng thấy tức cười, nhưng mình bảo là phải làm như vậy mới rõ ràng, sau này không bị lẫn lộn về số tiền đã gởi. Mình cũng nói nữa đùa nữa thật với các bạn rằng mình là ngân hàng gởi vào thì được chứ rút thì không cho. Đó cũng là vì không muốn tụi nó cứ cần lúc nào thì tới rút lúc ấy rồi cuối cùng không tiết kiệm được gì.
Trong sổ của mình cũng có tên của mấy bạn đến mượn tiền hoặc mua đồ còn thiếu chưa trả. Mình thấy tụi nó mua những thứ đồ dùng hằng ngày ở các tiệm tạp hóa tại NBL hơi mắc nên quyết định đi mua đồ ở một siêu thị bán sỉ ở Udon Thani, rồi đem về bán lại cho họ với giá đã mua. Tính ra cũng tiết kiệm được nhiều. Ví dụ nếu các bạn chạy ra tiệm 7-Eleven mua một cái bàn chãi đánh răng thì cũng mất gần 20 baht. Nhưng nếu mua từ mình thì chỉ mất khoảng 7 baht. Một cục xà bông tắm hiệu Lux chỉ mất 4-5 baht. Một cuốn vở để học chỉ mất 8 baht, trong khi mua ngoài tiệm bán lẽ cũng mười mấy baht.
Thế là bây giờ mình không chỉ là một nhà phân phối hàng hóa mà còn là một ngân hàng tiết kiệm nữa. Cũng chỉ là những cách nho nhỏ để giúp cho các bạn trẻ dành dụm được một ít từ số tiền kiếm được hàng tháng. Thực là một điều vui khi giáo xứ nhỏ bé của mình không chỉ là một nơi để dựa tinh thần mà còn giúp cho các bạn về mặt "kinh tế" nữa.
Nong Bua Lamphu, ngày 11.3.2009
Trời nóng người cũng nóng
Mùa nóng đến với vùng đông bắc Thái Lan theo thời gian đã định. Tháng 3 tháng 4 thì nhiệt độ lên rất cao. Trời nóng bức làm cho con người cũng thêm khó chịu. Mấy ngày nay ăn không thấy ngon. Ngủ cũng không thẳng giấc. Buổi tối ngủ mình phải mở hai cái quạt, một cái quạt dưới đất một cái quạt trên trần nhà.
Một số người thúc mình hãy mua máy lạnh gắn vào phòng ngủ vì phòng ngủ chưa có máy lạnh. Nhưng nghĩ lui nghĩ tới vẫn chưa quyết định sẽ mua hay không. Có ba vấn đề đang cản trở. Thứ nhất là căn nhà mới xây xong chưa đầy một năm, nếu gắn máy lạnh thì phải đục khoét tường sợ rằng mất đẹp. Thứ hai là cái máy lạnh đàng hoàng cũng mất hết 20,000 baht (gần 600 USD) - một số tiền không hề nhỏ. Thứ ba là có máy lạnh rồi thì sẽ phải trả tiền điện cao hơn, mà hiện nay ngân quỷ của giáo xứ thì luôn luôn nằm trong tình trạng bị thiếu hụt. Nghĩ lại thấy mùa nóng cũng chỉ vài tháng. Nóng rồi cũng qua. Nhiều người cũng đâu có máy lạnh để xài. Người ta ở được thì tại sao mình lại không?
____________
Sáng nay một bác sĩ và nhân viên ở bệnh viện tỉnh NBL đến gặp mình để bàn thêm về việc dạy tiếng Anh cho các bác sĩ và y tá tại bệnh viện. Mình đưa cho họ giáo trình mình đã chuẩn bị sẵn với những bài học liên quan đến công việc tại bệnh viện. Ông bác sĩ hỏi thêm về lối truyền đạt kiến thức của mình. Mình cũng trình bày cho hay cách dạy và mục đích mà mình hướng tới trong việc dạy tiếng Anh. Ông tỏ ra đồng ý và hài lòng với điều mình trình bày. Ông bác sĩ và cô nhân viên lấy tập giáo trình để mang đi họp ở bệnh viện. Nếu mọi sự êm xuôi thì sẽ bắt đầu vào tháng tư và kết thúc giữa tháng 7.
______________
Mùa hè mình không phải đi dạy học nên việc tuyên úy cho TT HIV/AIDS được đều đặn hơn. Những ngày này mình gặp gỡ các bệnh nhân nhiều hơn cũng như đi sát hơn với những vấn đề đang diễn ra trong TT. Hiện mình đang giúp giải quyết vấn đề của một bệnh nhân nam mới vào TT, có vợ mới sinh con ở nhà, mà bây giờ lại thích một bệnh nhân nữ đang sống ở trên khu vườn của TT. Anh ta tự ý đi lên rẩy để gặp gỡ người phụ này và còn bảo rằng anh ta rất thích bà. Một đều trớ trêu là anh ta đã không nói được nữa do vi trùng HIV ảnh hưởng, và người phụ nữ này thì chồng mới chết cách đây chỉ vài tuần. Tại sao con người mau thay lòng đổi dạ quá nhỉ?
Nong Bua Lamphu, ngày 10.3.2009
Mục vụ hằng ngày
Tuần này TT có hai bệnh nhân mới, một người thanh niên 27 tuổi và một bà 43 tuổi. Người đàn ông tên Thóp còn người đàn bà tên Toy. Hai người đều bị nhiễm HIV nhưng thân thể bị ảnh hưởng khác nhau. Bà Toy thì gầy đi. Bà nói trước đây nặng trên 50 kg, nhưng bây giờ chỉ còn b mươi mấy kg. Thóp thì bị vi trùng ảnh hưởng như thế nào mà bây giờ đã mất đi khả năng nói.
Mình đã bắt đầu chương trình giúp cho Thóp luyện đọc để phát ra tiếng một cách rõ ràng. Mình lấy trên tủ sách của mình cuốn cẩm nang dùng để học đọc tiếng Thái. Trong sách có những âm và chữ căn bản để cho người học tiếng Thái luyện đọc dần dần. Giờ mình không còn dùng nó để học nữa nhưng để giúp luyện cho Thóp phát âm. Thóp đọc từng âm tương đồi rõ, nhưng khi có hai ba âm liên tục thì bổng nhiên trở nên khó khăn hơn.
Biết là việc phát âm làm cho anh mỏi miệng và mệt nên mình cũng cố gắng khen ngợi anh nhiều để tăng tinh thần phấn khởi cho anh. Ngoài ra đọc một lúc thì cho nghỉ mệt và uống nước để bớt căng thẳng.
Tối qua là lần thứ hai có chặng đàng Thánh giá tại giáo xứ. Số người đến tham dự chỉ khoảng 12 người. Mặc dầu không nhiều nhưng mình vẫn tổ chức những buổi đi chặng đàng Thánh giá mỗi thứ 6 hàng tuần trong Mùa Chay để nhắc nhở cho giáo dân biết phải trau dồi lòng đạo đức của mình. Cho dù chỉ một vài người trở nên đạo đức hơn bởi vì những sinh hoạt này thì cũng như mình đã làm trách nhiệm mục vụ của mình đối với giáo dân.
Tối nay lại có buổi đọc kinh tối thứ bảy đầu tháng tại gia đình ông Arnold. Đây là thêm một sinh hoạt nữa hầu giúp cho giáo dân có cơ hội để gặp gỡ, chia sẻ và cầu nguyện với nhau trong không khí ấm cúng của tư gia. Nhiều giáo dân vẫn chưa mặn mà với những buổi đọc kinh này. Chi riêng giới trẻ là luôn luôn có mặt và rất thích thú với việc đi đọc kinh ở các tư gia. Ở giáo xứ này rất hiếm thấy người lớn làm gương cho giới trẻ, mà nhiều khi lại thấy ngược lại. Cũng hy vọng rằng sự hăng say và nhiệt thành của các bạn trẻ sẽ làm cho người lớn cảm thấy áy náy và không chịu để cho bọn trẻ tỏ ra đạo đức hơn mình.
Nong Bua Lamphu, ngày 7.3.2009
Trở lại vườn dừa
Sáng nay mình ra vườn trái cây để thăm các bệnh nhân. Hai bệnh nhân ở TT, một người tên Kày, một người khác tên Thóp cũng xin đi theo. Lý do đi ra vườn trái cây là để theo dõi tình hình của các bệnh nhân ngoài đó. Hai ngày trước mình đã ra để làm phép lành cho họ vì mọi người nói là thấy hồn của Uthai hiện về.
Khi đến nơi thì thấy các bệnh nhân đang lấy giấy báo làm thành những bao giấy. Mình hỏi: - Các anh chị đang làm gì thế?
- Chúng tôi đang làm bao giấy. - Anh Chuây trả lời.
- Làm bao giấy để làm gì?
- Để trùm xoài.
- Thế hả? Vậy thì sẽ phải làm bao nhiêu bao giấy?
- Dự định sẽ làm 1000 bao.
- Vậy thì sẽ trùm được 1000 trái xoài.
- Nhưng trùm để làm gì?
- Thưa cha, trùm để không cho sâu bọ ăn xoài.
Hai bệnh nhân đi theo mình, anh Kày và Thóp cũng ngồi xuống làm chung. Một lúc sau mình ra vườn dừa để hái dừa ăn. Dừa trong vườn có nhiều giống. Có giống trái lớn, có giống trái nhỏ. Nhưng loại nào cũng có nước rất ngọt. Phem chặt một trái dừa cho mình uống giải khát ngay tại chỗ, rồi chặt thêm hai trái nữa để đem về bỏ vào tủ lạnh uống sau.
Trở lại nói chuyện với bệnh nhân, mình hỏi anh Phem về chuyện thấy hồn anh Uthai hiện về: - Hai ngày nay mọi người còn thấy gì không?
Anh Phem trả lời: - Thưa cha, hai ngày này thấy im hẳn, không còn gì nữa hết.
- Không thấy người cũng như không nghe tiếng ha?
- Vâng.
Thăm các bệnh nhân xong thì cả ba người lên xe về nhà xứ. Lúc đó gần 12h trưa nên cũng chuẩn bị ăn trưa. Từ ngày các bệnh nhân còn tương đối khỏe dọn ra vườn trái cây ở, họ khỏe hơn nhiều. Mỗi ngày họ chăm sóc vườn trái cây, ao cá, và đàn vịt. Hoạt động hằng ngày làm cho họ có thêm tinh thần và có lối suy nghĩ tích cực hơn. Chỉ một điều là họ không thể nào ăn những trái dừa trong vườn vì đối với bệnh nhân HIV thì nước dừa rất độc. Ăn vào sẽ không khỏe.
Những ngày này mình nghĩ dạy nên có thêm thời giờ để đến gặp các bệnh nhân và thực hiện vai trò tuyên úy cho trung tâm ĐMHCG một cách đều đặn hơn. Đó là một niềm hạnh phúc của mình khi được đồng hành với những con người bất hạnh đã tìm đến đây để giúp đỡ cho dù nhiều khi mình thấy chính mình rất bất lực trước những cơn đau khổ mà họ đang gặp phải trong đời sống.
Nong Bua Lamphu, ngày 4.3.2009
Có ma?
Hôm qua thầy Damien gọi cho mình lúc gần trưa. Thầy hỏi: - Tối nay cha có rảnh không nhờ cha đến vườn dừa làm phép nhà cho các bệnh nhân?
- Ủa, tại sao phải làm phép nhà hả thầy? - Mình hỏi lại.
- Các bệnh nhân ở đó nói là họ thấy ma?
- Ma nào?
- Họ nói là thấy hồn của Uthai.
- Vậy à?
- Tôi thì chỉ nghĩ rằng họ tưởng tượng thôi. Nhưng mời cha đến ban phép lành cho họ có thể sẽ giúp họ bình an hơn.
Sau khi làm lễ chiều xong, mình lái xe ra farm với hai bạn trẻ trong giáo xứ. Đến nơi thì gặp các bệnh nhân đang sinh hoạt bình thường. Không ai tỏ ra khủng hoảng hoặc sợ hãi. Mình hỏi: - Ở đây ai thấy ma?
Một bệnh nhân tên Sí nói: - Hình như ai cũng có thấy. Giống như là hồn anh Uthai chưa có rời khỏi đây.
- Dù sao thì anh ta cũng chỉ mới chết vài ngày. Có lẽ ai cũng đang nhớ anh. - Mình nói.
Mình nhìn quanh không thấy bóng ma nào, chỉ là một vườn dừa xanh rậm. Mình mời mọi người vào trong nhà để bắt đầu nghi thức làm phép nhà. Mình cầu nguyện cho mọi người đang ở trong nhà được khỏe mạnh và bình an, và sau đó là rảy nước thánh trên mọi người và khắp các phòng ngủ của bệnh nhân.
Hôm nay định quay lại xem nghi thức làm phép nhà của mình có hiệu quả hay không nhưng vì bận việc nên chưa đi được. Có lẽ mai mốt sẽ đi.
Hôm qua ở đây có thêm một bệnh nhân tên Thóp đến ở. Thóp năm nay 26 tuổi. Có vợ thứ hai vừa sinh con. Vợ cũng bị HIV. Không hiểu tại sao cả hai người đều bị HIV mà lại còn sinh con. Mình chưa hỏi được vì vi trùng HIV đã làm ảnh hưởng đến khả năng nói chuyện của Thóp. Anh không còn nói được nữa, mặc dầu miệng thì ăn uống vẫn bình thường. Cái vi trùng HIV nó cũng quái thật. Người thì nó làm cho mất trí nhớ, người thì làm cho què, người thì làm cho mất cả giọng nói.
Thóp có vẻ rất thích đọc sách. Anh ta vào nhà thờ tìm sách đọc, tình cờ gặp sách 14 chặng đàng thánh giá. Thấy anh cầm cuốn sách đứng trước nhà thờ, mình mời anh vào bên trong để giải thích cho hiểu về các hình chặng đàng thánh giá trên tường. Mình mời anh sáng Chúa Nhật vào nhà thờ dự lễ. Anh lắc đầu vì ngại. Mình bảo không gì phải ngại, hãy vào như mọi người. Mình hy vọng anh ta sẽ làm điều này vào Chúa Nhật tới.
Ngày mai sẽ đị gặp anh thêm lần nữa để nói chuyện với anh. Hôm qua khi gặp gỡ với Thóp, mình hỏi anh ta: - Em có thấy bản thân mình có giá trị không?
Thóp lắc đầu. Mang HIV trong người đã làm cho Thóp cảm thấy không còn giá trị con người nữa. Mình hy vọng rằng qua sự đồng hành của mình, Thóp sẽ nhận thấy bản thân mình vẫn còn rất nhiều giá trị mà không có gì có thể cướp mất được.
Nong Bua Lamphu, ngày 3.2.2009
Công việc mới
Chiều thứ năm mình nhận được cuộc điện thoại từ cô Suphaphorn tại bệnh viện tỉnh Nong Bua Lamphu. Đây là người tháng 9 năm trước đã từng liên lạc với mình về việc dạy tiếng Anh cho các bác sĩ, y tá tại bệnh viện. Cô ta nói cuối tháng 9 sẽ gọi lại sau khi viết xong dự án cho chương trình dạy tiếng Anh. Thế nhưng đến cuối tháng 9 mình chẳng thấy cô ta gọi lại cho mình. Đến bây giờ đã tới cuối tháng 2 thì lại nhận được cuộc điện thoại của cô ta.
Trên đường giây sô Suphphorn hỏi: - Thưa cha, cha có thể dạy tiếng Anh tháng nào?
Mình nghe cô ta hỏi như thế rất bất ngờ, vì theo dự định từ tháng 9 thì mình sẽ bắt đầu dạy vào tháng giêng. Thế mà bây giờ gần tháng 3 rồi cô ta lại gọi đến và hỏi một cách tỉnh bơ như thế.
Mình trả lời: - Tôi cũng không biết nữa. Mà ai muốn học và học làm sao?
- Thưa cha, đó là các bác sĩ, y tá và nhân viên ở bệnh viện NBL như trước đây có bàn với cha đó.
- À, mà tôi cứ nghĩ là bên đó không muốn học nữa vì lâu nay tôi không thấy ai trả lời gì cho tôi hết.
- Thưa cha bây giờ dự án đó mới được triển khai nên liên lạc lại với cha.
- Vậy à. Nhưng thực ra bây giờ tôi không được rảnh để nói chuyện vì tôi phải đi ra ngoài có việc. Nếu được thì mời cô đến nhà thờ sáng mai rồi chúng ta có thể nói chuyện chi tiết hơn.
Mình lúc ấy cũng bận thật nên mới hẹn cô Suphaphorn đến nhà thờ. Nhưng thêm lý do thứ hai là mình chưa bao giờ gặp mặt cố ấy, chỉ mới tiếp xúc trên điện thoại nên cũng không dễ nói chuyện. Mình hẹn cô đến nhà thờ để xem ở bệnh viện họ có thực sự nghiêm túc trong việc mời mình đến dạy ở đó hay không?
Mình hẹn 9 giờ thì khoảng 9h15 cô Suphaphorn lái xe vào bãi đậu xe của nhà thờ. Mình ngồi nói chuyện với cô ở cái bàn trước hiên nhà xứ. Sau cuộc trao đổi mình quyết định sẽ dạy một khóa tiếng Anh về đối thoại cho các bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện kéo dài 30 giờ đồng hồ. Mỗi tuần 2 giờ vào chiều thứ sáu.
Tuy nhiên mình yêu cầu cô Suphaphorn phải có giấy tờ chính thức để ký kế về việc mời mình đến dạy tại bệnh viện. Ngoài ra mình còn yêu cầu số người học không quá 30 người. Những người đăng ký học phải đến học thường xuyên, phải làm những bài tập mà mình cho làm, và phải làm bài kiểm tra cuối khóa. Có lẻ mình hơi nghiêm ngặt, nhưng đó cũng chỉ vì mình muốn thể hiện sự nghiêm túc của một thầy giáo để tránh những vấn đề không tốt xảy ra trong việc dạy cũng như việc học.
Cô Suphaphorn xin được tài liệu để đem về photocopy phân phát cho học viên. Mình nói là hiện giờ mình chưa có tài liệu, phải soạn rồi mới có. Mấy hôm nay mình soạn đã gần xong. Vài hôm nữa sẽ liên lạc với cô Sophaphorn để đưa tài liệu đi photo.
Thực ra đến bây giờ mình vẫn chưa chắc chắn là mình sẽ dạy ở bệnh viện hay không. Đã có quá nhiều trường hợp mà người khác đã hẹn mình nhưng rồi không giữ hẹn. Ngay cả bệnh viện tỉnh cũng không ngoại lệ. Việc trể hẹn và thất hẹn là một điều hay xảy ra đối với người Thái Lan. Mình đã phải thích nghi với lối làm việc thiếu nghiêm túc của người Thái. Tuy nhiên nhiều khi vẫn rất bức xúc vì bản thân mình là một người rất nghiêm túc trong việc thực hiện trách nhiệm của mình đối với người khác.
Nong bua lamphu, ngày 28.2.2009
Subscribe to:
Posts (Atom)