Đi U




Chiều qua khi dạy tiếng Anh xong thì mình mượn xe của thầy Ron đi Udon Thani để làm lễ tiếng Việt. Đây là thánh lễ hàng tháng mà mình làm cho những người Việt ở thành phố này. Mình còn dẫn thêm Bình, Thắng, Tăng và Tuấn cùng đi theo.


Thánh lễ hàng tháng này lúc nào cũng là một dịp rất vui đối với mình và đối với các bạn trẻ Việt Nam đang lao động trên đất Thái. Và ngay cả các cô các bác Việt Kiều Thái cũng nô nức hẳn lên vì có một không khí rất khác thường, rất Việt Nam trong thánh lễ.


Mỗi lần có lễ là mình chuẩn bị bài hát, chuẩn bị bài giảng. Mình đến sớm để tập hát cho cộng đoàn. Trong khi mình đang tập hát thì cha John giải tội. Còn các cô bác Việt Kiều thì lúc nào cũng chuẩn bị những món ăn ngon miệng để đãi cộng đoàn sau lễ.


Tối qua vì là lễ kính thánh Phêrô và Phaolô nên hình như không khí có phần nhộn nhịp hơn thường. Các cô mang tới nhiều thức ăn hơn thường lệ. Trong phần dâng lễ thì giáo dân còn mang đến nhà thờ cúng những giỏ trái cây và những đồ dùng khác nhiều hơn thường. Số người xin lễ cũng nhiều hơn thường.


Phải nói trong những người giáo dân ở Udon có một bác tên Thảo là không có dịp nào mình đến mà không có gì tặng mình. Ngoài một phong bì xin lễ, bác còn tặng mình thêm tiền để tiêu sài. Rồi không chỉ tiền, khi thì cô kho cho mình con cá, khi thì tặng thùng bánh kéo, khi thì giỏ trái cây. Mình không hiểu mình làm gì để được cô quan tâm đến thế, nhưng đối với mình đó là một hồng ân thật quý giá mà mình lãnh nhận được từ cô.


Tối hôm qua, có vài giáo dân đến nói với mình: - Nghe nói cha đang cần mua đàn organ, nên chúng con muốn giúp cha ít tiền để làm việc này.


Mình thật bất ngờ khi họ tự tìm đến mình để biếu tiền. Nhưng mình đã thành thật trả lời với họ rằng: - Con thực sự cám ơn tấm lòng của cô chú. Nhưng vừa mới tối qua con nhận được tin từ Bangkok là có một người cúng cho nhà thờ một cây đàn organ cũ. Tuần này con sẽ đi Bangkok để xem nó như thế nào và tìm cách để gởi nó về Nong Bua Lamphu. Vì vậy nên bây giờ con không dám nhận số tiền này. Nếu cây đàn đấy sài được thì con sẽ không có nhu cầu mua nữa. Cho nên con không muốn nhận tiền rồi không làm theo ý muốn của cô chú thì sẽ không tốt. Hay là cô chú cứ giữ đó đã. Sau này con đi xem đàn, nếu vẫn thấy có nhu cầu mua đàn mới, thì con sẽ tìm đến cô chú thêm một lần nữa.


Sau thánh lễ thì các bạn đua nhau chụp hình rất nhiều vì mình có đem máy chụp hình đi theo. Một giáo dân tên là bác Đàm mời mình về nhà ăn món....."cây còn". Mình dẫn mấy em từ NBL đi theo mình về nhà bác Đàm dùng bữa ăn đặc sản Việt Nam này. Trong buổi tiệc gia đình ấy, chú Ninh, một người mà bác Đàm đang hướng dẫn nổi máu văn nghệ nên đã hát hai ba bài liên tục về Hà Tỉnh cho mọi người nghe. Con gái chú cũng hát bài "Giận mà thương". Còn vợ chú thì cũng ngẩu hứng cất lên vài câu hò.


Bác Đàm cũng không thua ai. Bác vào phòng lấy ra hai cây đàn, một cây violin và một cây mandolin và một tập nhạc tiền chiến. Mặc dầu bác sinh ra ở Lào và sau đó di cư sang Thái, nhưng bác rất thích nhạc tiền chiến.


Câu chuyện rất vui, nhưng lúc đó cũng đã gần 10 giờ tối. Ngày mai các em phải thức dậy làm việc từ 4 giờ sáng. Mình cũng phải làm lễ sớm nên không dám ở lại lâu. Từ Udon Thani về tới Nong Bua Lamphu lái xe cũng mất một tiếng đồng hồ. Thế là phải hẹn bác Đàm một dịp khác. Mình hứa với bác lần sau sẽ đến hát những bài nhạc tiền chiến mà mình biết để cho bác kéo đàn violin. Bác nói ở đây không ai biết những bài hát này.
Mỗi chuyến đi làm lễ là mỗi kỷ niệm rất dễ thương trong ký ức của mình. Đến đây mình thấy rằng có tình người thực sự và công việc mình thật ý nghĩa.
Nong Bua Lamphu, ngày 30.6.2008


Vui vì mệt


Có khi người mệt lã vì những công việc phải làm trong giáo xứ, nhưng niềm vui khi được thi hành mục vụ của mình giúp cho mình sẵn sàng chấp nhận sự mệt nhọc ấy. Nhưng thực ra thì sự mệt nhọc cũng chỉ chính yếu rơi vào những ngày cuối tuần khi có sự "ba tua lùa lại một".

Sáng nay vừa bước ra khỏi giường thì phải lật đật đi chợ để mua hoa và những đồ cần thiết cho giáo xứ. Mua hoa về giao lại cho các seour cắm rồi ăn sáng và chuẩn bị cho việc dạy tiếng Anh cho bọn học sinh lớp 11/12.

Dạy tới 12 giờ thì mình nghĩ. Trở về nhà xứ, mình hâm cơm lên ăn với cá kho. Cá này mình không phải tự kho lấy mà Bình kho cho mình từ hai hôm trước. Cá mình mua từ ao cá của thầy Damien. Thầy Damien có một số ao cá trên rẩy được chăm sóc bởi người bị nhiễm HIV. Nhưng việc nuôi cá đang vất vả vì thức ăn của cá dạo nay mắc quá. Nuôi cá không thấy lời. Thấy vậy mình cũng muốn mua để ủng hộ thầy. Vả lại mình cũng rất thích ăn cá, chỉ tội không biết nấu.

Mình ăn cơm trưa xong thì đã 12h30. Mình có thói quen ngủ trưa nên ăn xong cảm thấy rất buồn ngủ. Nhưng hôm nay 1h có người đến học giáo lý tân tòng nên mình không thể lên giường như thường lễ. Mình ngồi trên chiếc ghế da trong phòng khách nhắm mắt lại để nghỉ ngơi.

Vừa đúng 1h thì những người học giáo lý tân tòng đến. Đó là một gia đình bốn người - Chị Somphet và đứa con gái, cô em cũng đã lớn tuổi, và một người thanh niên mà họ nói là cháu. Đây là những người tuần trước đến xin học giáo lý tân tòng và tuần này chính thức bắt đầu.

Vì là lần đầu tiên nên mình tạo điều kiện cho họ chia sẻ về kinh nghiệm sống đạo của họ trước đây, cũng như đời sống tâm linh, và những ý niệm về thượng đế mà họ đã từng có. Tất cả đều lớn lên trong môi trường Phật giáo và có những kinh nghiệm sâu sắc với tôn giáo này. Vì thế mình thấy cần thiết giúp họ nhìn lại quá khứ của chính họ và giúp cho họ nói lên những cảm nhận về tôn giáo của cha mẹ ông bà của họ.

Thoạt đầu họ cũng ngại khi nghe nói sẽ chia sẻ, nhưng từ thái đội thoải mái và những lời trấn an của mình, từ từ họ đã không còn ngại nữa. Ngay cả bé gái cũng nói lên những suy nghĩ của mình.

Đây là lần đầu tiên mình dạy giáo lý tân tòng, mà phải dạy bằng tiếng Thái nữa. Nên chắc chắn mình sẽ phải mày mò tìm kiếm phương pháp cho phù hợp. Tuy nhiên mình cảm thấy rất hứng thú với kinh nghiệm mới này. Mình tin chắc đây sẽ là một cuộc hành trình rất có ý nghĩa cho đời sống mục vụ cũng như đời sống tâm linh của chính mình.

Mình kết thúc buổi dạy giáo lý tân tòng lúc 3 giờ. Đó cũng chính là lúc một tố bạn trẻ đến học Anh văn xuất chiều. Bình thường mình sẽ ra quan sát lớp giáo lý và sinh hoạt cho các em mồ côi bị nhiễm HIV. Nhưng hôm nay mình bận dạy học nên không thể ra được. Rất may cô Mem rất nhiệt tình và tận tụy trong công việc dạy dỗ nên mình cũng không có gì đáng ngại.

Mình đang dạy học thì nhận được một tin vui từ cô Oy ở Bangkok. Cô Oy báo là có một người giáo dân ở Bangkok đã cúng cho mình một cây đàn organ điện. Tuy là đàn cũ, nhưng được bảo quản rất tốt. Mình chỉ việc tìm cách đưa đàn lên Nong Bua Lamphu là xong. Tuần tới mình sẽ đi Bangkok để nhận cây đàn này. Nếu quả thật là một cây đàn tốt thì là một hồng ân rất lớn mà Chúa đã ban cho mình vì việc quyên góp đủ 50,000 baht để mua một cây đàn organ cũng không phải là chuyện đơn giản trong giáo xứ nhỏ bé của mình.

Mình dạy đến 5h thì báo với bọn học sinh là chấm dứt. Nhưng bọn nó lại đưa ra một cuốn sách bài tập hỏi: - Cha còn giờ rảnh không?

- Cần gì vậy? - Mình hỏi lại.

- Tụi con có bài tập tiếng Anh khó. Nhờ cha giúp được không?

6 giờ chiều mới làm lễ nên mình vẫn còn giờ.

- Được rồi, chúng ta học thêm 45 phút nữa. Sau đó cha phải đi làm lễ. Nếu ta làm không xong thì chiều mai đến học sớm hơn một giờ rồi cha giúp thêm.

Làm lễ xong thì người đã mệt lắm. May là lúc chiều Bình có qua giúp mình dọn dẹp nhà cửa và xào cho mình một dĩa thịt gà. Thế là có cơm ăn.

Tối nay trời mưa. Mình lấy xe thầy Ron chở Bình về nhà trọ. Mình quay lại nhà xứ, tắm rửa, và ôn lại những gì đã làm trong ngày. Người vẫn mệt. Dạy học từ sáng đến tối, mình có cảm giác như không muốn mở miệng ra để nói bất cứ một câu gì. Nhưng ở một mình ở đây, có muốn nói cũng không biết nói với ai. Thỉnh thoảng có người tới thăm hỏi: - Cha ở một mình vậy không buồn hả?

Mình trả lời: - Không hề buồn. Vì sự yên tỉnh, một mình, đối với một người tu, là điều rất cần thiết. Nếu không có những giây phút đó thì không thể nào hồi phục được sau những giờ làm việc mệt nhọc.

Mệt thật đấy. Nhưng trong lòng mình tràn ngập niềm vui vì mình thấy rằng Chúa ban cho mình thật nhiều ơn phù trợ trong những ngày đầu với công việc mục vụ của mình. Mình cảm ơn Ngài vì Ngài ban tặng cho mình cái mệt này, mệt vì phục vụ Ngài, vì phục vụ tha nhân. Đó là một cái mệt rất có ý nghĩa.

Nong Bua Lamphu, ngày 28.6.2008

Sức dầu bệnh nhân AIDS


Trong trung tâm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bây giờ có một bệnh nhân AIDS đang ở giai đoạn cuối của cuộc đời. Đó là một người đàn ông tên Nói. Thân hình bây giờ chỉ là nắm xương bọc da. Anh nằm co ro trên chiếc giường trong phòng ICU của trung tâm, đau quằn quại vì bị căn bệnh AIDS hành hạ. Chỉ nhút nhít đôi chút anh cũng chịu không nổi.

Những tuần qua, biết mình không còn bao nhiêu ngày, Nói muốn được về nhà để được ở bên cạnh những người thân yêu trong giây phút cuối đời của mình. Nhưng đó là một ước nguyện không được đáp ứng vì gia đình của Nói không chấp nhận cho anh ở nhà vì họ sợ và không chấp nhận căn bệnh của anh. Hoàn cảnh của Nói cũng không ngoại lệ. Không ít gia đình từ bỏ người thân của mình sau khi phát hiện họ đã bị nhiễm HIV.

Thế là Nói đành phải ở lại trung tâm để chờ chết, có lẻ trong vòng hôm nay hoặc hôm mai. Sáng nay thầy Damien gọi điện thoại nhờ mình qua để sức dầu cũng như rửa tội cho anh. Mình mới đến giáo xứ nên chưa có đầy đủ các sách nghi thức bằng tiếng Thái, nên đi sức dầu cho anh mình phải làm bằng hai thứ tiếng - tiếng Thái và tiếng Việt. Các nghi thức bằng tiếng Việt thì mình đã có đầy đủ.

Trong phòng bệnh nhân có sự hiện diện của thầy Damien và cô Patawan, là một nhân viên của TT. Mình định mời các bệnh nhân khác vào tham dự nghi thức, nhưng rồi đánh đo không biết có nên làm hay không. Cuối cùng mình quyết định để sau này tham khảo ý kiến của những người khác cũng như dò hỏi suy nghĩ của các bệnh nhân trước. Trong suy nghĩ của mình, việc để cho các bệnh nhân khác chứng kiến nghi thức sức dầu và rửa tội cũng là một điều có ý nghĩa vì qua các bí tích đó, chúng ta sẽ thấy được tình yêu nhân hậu mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Và chúng ta có thể đương đầu với cái chết trước mắt trong niềm hy vọng hơn.

Tuy nhiên, mình cũng e ngại các bệnh nhân sẽ cảm thấy buồn lòng khi chứng kiến cảnh người cùng cảnh ngộ phải đau đớn và ốm yếu như thế nào. Đó có thể tác động vào họ một cách tiêu cực làm cho họ bi quan với căn bệnh của mình.

Vì mình mới bước vào mục vụ này, chưa hiểu hết những suy nghĩ của bệnh nhân, nên có lẻ mình sẽ cần thời gian để có cách thức và đường hướng tốt hơn trong việc thi hành công việc mục vụ rất quan trọng này.

Nong Bua Lamphu, ngày 25.6.2008

ĐGM mừng 50 năm linh mục


Hôm qua là lễ mừng 50 năm linh mục của ĐGM George của giáo phận Udon Thani. Mặc dầu lễ được tổ chức vào sáng thứ ba, là một ngày làm việc trong tuần, nhưng số linh mục tu sĩ và giáo dân đến tham dự vẫn rất đông. Trong đó có cả Đức Hồng Y, Ngài Khâm Sứ Tòa thánh và một số giám mục.

Ở NBL giao dân bận đi làm nên chỉ có mình và thầy Damien đi tham dự. Ngoài ra các seour Dòng Mẹ Têrêxa cũng cho các em mồ côi nghỉ học để cùng đi.

Thánh lễ được tổ chức đúng theo phong cách và truyền thống của người Thái, mà điểm nổi bật nhất là sự sặc sở. Nhà thờ tràn ngập đồ trang trí đủ màu. Bên ngoài sân nhà thờ có sân khấu với nhiều đoàn múa đến từ các giáo xứ trong những trang phục truyền thống cũng sặc sở không kém. Dĩ nhiên là thánh lễ kéo dài nhiều giờ đồng hồ, không phải vì lễ dài mà vì đoàn phát biểu và chúc mừng ĐGM trong phần cuối chiếm khá nhiều thời gian. Có lẽ với cuộc đời 50 năm dài phục vụ cho Chúa thì cũng có không ít điều để chia sẻ.

Lễ xong đoàn ĐGM, linh mục, và tu sĩ nam nữ được mời sang trường học St. Mary bên cạnh nhà thờ chánh tòa để dùng trưa. Còn các giáo dân thì ở lại bên sân nhà thờ để ăn. Như thường lệ mình thích ngồi ăn chung với giáo dân hơn là ngồi trong bàn dành cho các cha nên mình không theo các ngài qua trường St. Mary. Thời gian qua, mình ngày càng quen biết nhiều giáo dân từ các nơi trong địa phận. Vì thế đây cũng là một dịp tốt để mình được chào hỏi và chuyện trò với họ.

Hôm qua trời rất nóng. Mình tìm đến điểm phân phát thức ăn. Mấy chị làm cho mình một tô bún. Mình ngồi dưới lều vừa ăn bún vừa nói chuyện với những người giáo dân mà mình quen biết. Một lúc sau mình gặp chị Khek. Chi hỏi mình:

- Cha đã mua được đàn cho nhà thờ chưa?

- Thưa chị chưa. Bây giờ em đang quyên góp và đang tìm thông tin về đàn để trình bày với giáo xứ, như giá cả, chất lượng v.v.

- Vậy cha đã được bao nhiêu tiền rồi?

- Bây giờ chưa được đồng nào chị ạ.

- Sao vây?

- Giáo dân cũng có người hỏi giá cả, nhưng mình chưa biết nên có lẽ họ đang đợi thông tin chính xác để cúng.

- Họ đâu cần phải đợi. - Chị Khek nói. - Họ có báo nhiêu thì cứ cho bấy nhiêu. Lúc nào có đủ thì mua đàn. Vậy cha đã thông báo chưa?

- Em thông báo rồi. Em có nói trong nhà thờ và đã có lá thư trong tờ thông tin liên lạc hàng tháng của nhà thờ. Nhưng em nghe nói đàn tới 50,000 baht thì em chắc chắn giáo dân ở NBL không có khả năng mua.

- Thì cha bảo họ giúp được bao nhiêu thì giúp. Còn cha phải đi quyên góp ở nơi khác nữa.

- Vâng, em cũng nghĩ vậy. Nhưng em chưa làm.

- Cha phải làm đi. Cha có được tiền mua đàn hay không là do cái miệng của cha hết. Cha cứ đề cập sự việc với người giáo dân mà cha gặp đây đó. Như vậy họ mới biết để giúp cha.

- Vâng, em cũng nghĩ vậy. Nhưng thực sự em chưa quen với việc quyên góp này cho lắm, nên em còn hơi ngại.

- Cha không cần phải nghĩ. Cha cứ làm, và cũng không cần phải ngại. Cha làm việc cho Chúa chứ đâu phải cho cha đâu mà cha ngại. Thôi để con giúp cha trước. - Nói thế rồi chị Khek lấy ra 2,000 baht từ trong túi để giúp cho việc mua đàn.

Đây không phải là lần đầu tiên chi Khek ủng hộ cho mình. Trước đây, một lần đi với chị Noi ngang qua tiệm bánh bánh của chị ở Udon Thani. Từ bên trong chị Khek thấy mình thì gọi vào và khi ra về thì trong xe có hàng chục hộp bánh để đem về cho mấy đứa trẻ trong giáo xứ ăn, có thêm một hộp đồ nghề như búa kềm, v.v. và một cái lò nướng bánh mì lát.

Ngoài 2000 baht mà chị Khek cho mình thì chiều qua ra về mình còn có thêm 2 chiếc áo alba mà một chị giáo dân khác đã may để tặng mình. Khi mới đến Udon Thani, mình phát hiện ra áo alba của các cha đều là màu trắng tinh. Chỉ riêng áo mình đem từ Mỹ qua lại có màu kem. Thấy vậy chị nói với mình để chị may cho một chiếc áo alba mới để không bị khác người trong các dịp lễ đồng tế. Cuối cùng thì chị cũng đã giữ lời hứa và hôm qua thì chị đem áo đến tặng mình, không chỉ một chiếc mà đến hai chiếc.

Những lần đi tham dự lễ như thế này càng lúc càng trở nên một dịp rất vui để mình được gặp gỡ những người quen biết từ các nơi. Mình cũng nhận ra những người giáo dân có tấm lòng rất tốt và nhiều người rất sẵn sàng giúp đỡ nếu mình nhờ vào họ. Tấm lòng của họ rất rộng rãi. Chỉ có việc chính mình lại "nghi ngờ" họ nên không để cho họ cơ hội thể hiện tấm lòng nhân hậu đó.

Nong Bua Lamphu, ngày 25.6.2008

Mục vụ cuối tuần


(Giáo dân và bọn trẻ gặp gỡ trò chuyện với nhau sau thánh lễ Chúa Nhật)
Có lẽ tính từ khi đến NBL đến giờ thì đây là cuối tuần bận rộn nhất của mình khi mình vừa phải đảm trách mục vụ giáo xứ vừa phải tiếp khách từ Bangkok đến thăm.


Nhóm khách của mình là một số anh em lao động Việt Nam đến hạn đi "tò" (gia hạn) giấy tờ ở cửa khẩu Thái-Lào ghé sang thăm. Nhóm có 4 người, hai trai hai gái. Tối qua họ đến nơi thì tìm vào nhà bếp để làm thức ăn. Nhóm bạn trẻ Việt Nam ở NBL cũng đến chơi. Thế là một "mâm cổ" được dọn ra dưới mái hiên trước nhà xứ để chung vui.


Sáng qua, ba bạn trẻ tìm đến hỏi về việc học tiếng Anh tuần trước không xuất hiện. Mình cũng đã quen với cái tính mau chóng thay lòng đổi dạ của người Thái nên cũng không bất ngờ. Nhưng sau một giờ đồng hồ thì có ba bạn nam xuất hiện trước phòng học muốn xin vào học. Mình cho ngồi xuống học thử luôn. Mình bảo, "Cứ học thử đi. Thích thì ghi danh. Còn không thích thì không sao." Có lẽ chúng nó thích vì sau đó thì đã đăng ký học. Và chiều hôm nay còn đưa thêm người tới học nữa. Chỉ có một điều bất tiện là bọn học sinh bây giờ có quá nhiều sinh hoạt nên việc ấn định giờ học thường xuyên rất khó. Ngày thì đứa này đến không được, ngày thì đứa khác đến không được. Nên một lớp có chưa đến 10 người mà để cho mọi người có mặt cùng một lúc thì thật là khó.


Chiều nay mình đang "dạy bù" cho Bank và An thì có một người phụ nữ tuổi khoảng gần 40 đến xin học giáo lý tân tòng. Chị được cha Phon từ Khon Ken giới thiệu đến. Chị ở cách đây khá xa, khoảng 45km. Nhưng chị muốn học giáo lý và sẵn sàng đi xe đến hàng tuần để làm việc này. Trong giáo xứ không có cô giáo đảm trách việc giáo lý tân tòng. Thế là mình gánh luôn. Giờ ngủ trưa của mình ngày thứ bảy bây giờ không còn nữa. Dạy tiếng Anh xong, mình chỉ còn đủ thời gian để ăn trưa và chuẩn bị dạy giáo lý tiếp. Những sinh hoạt tiếp nối cho đến 6h30 chiều khi thánh lễ ngày thứ bảy kết thúc.


Thật kỳ lạ khi giáo xứ nhỏ bé của mình lại làm cho mình bận rộn đến thế. Nhưng cũng chỉ vào những ngày cuối tuần, vì tất cả các sinh hoạt đều rơi vào hai ngày thứ bảy và Chúa Nhật. Còn ngày thường thì các em cũng không có giờ đến học vì ra khỏi trường thì đã 5h30 chiều. Quá trể và quá mệt để có thể tiếp tục học thêm.


Sau khi dẫn nhóm khách đi chơi và ra bến xe về Bangkok , mình trở về nhà thì cũng đã tối. Bình đến giúp dọn dẹp nhà cửa để trở lại ngăn nắp. Mình ước gì có thể nằm xuống để được đấm bóp theo kiểu mát-xa Thái để làm cho thân thể thoải mái, nhưng lại làm biếng đi ra ngoài. Mặc dầu mình mệt nhọc về thể xác, nhưng có lẽ cái mình thèm khát hơn mát-xa nữa, đó là sự yên tỉnh sau nhiều giờ làm việc mục vụ, phải làm lễ và tiếp xúc với nhiều người. Vì thế mình ở nhà, tìm cho mình những giây phút thinh lặng để lấy lại sự thăng bằng trong tâm trí của mình.


Sáng nay nhà thờ đông người vì các em thiếu nhi và giới trẻ đến đầy đủ. Có khách xa đến tham dự lễ, và còn có thêm một vài khuôn mặt lạ trong nhà thờ nữa. Mình cứ ước sao mỗi tuần sẽ được như thế. Và thế thì mình có mệt đến bao nhiêu thì cũng sẽ thấy thật hạnh phúc trong tâm hồn khi không còn chứng kiến những hàng ghế thưa thớt nữa.


Nong Bua Lamphu, ngày 22.6.2008

"Bình" thường


(Cây hoa sứ trước nhà thờ và con suối sau nhà thờ bình yên trong những ngày của mùa mưa)




Hai ngày nay trời âm u và mưa lai rai suốt ngày, hình như do ảnh hưởng thời tiết từ Trung Quốc. Bên đó hiện nay đang có lũ lụt làm cho hàng trăm người thiệt mạng, hạng triệu người khác phải đi tìm nơi trú ẩn. Trời không có nắng nên dễ chịu hẳn ra. Buổi tối ngủ chỉ cần mở cái quạt trần chứ không cần phải hỗ trợ bằng một cái quạt bàn như thường lệ.

Căn nhà xứ mới mà mình dọn vào được gần 3 tuần nay vẫn gọn gàng ngăn nắp, một phần do trong nhà không có nhiều đồ đạc, một phần do mình cũng chủ ý giữ cho sạch sẻ. Ở đây không có bà bếp như ở các giáo xứ khác. Mình tự túc trong việc nấu ăn làm vệ sinh. Tuy nhiên, từ hơn hai tuần nay, mình đã cho Bình đến làm vệ sinh nhà cửa một tuần vài lẫn. Thực ra mình không cần phải có Bình làm vệ sinh. Nhưng đây là cách mình giúp cho Bình có thêm thu nhập.

Bình nói ở bên trường học nơi các bạn làm việc, đa số làm ở trường xong thì chiều đi kiếm việc làm thêm. Người thì làm ở chợ, người thì làm ở quán. Lý do là lương ở trường mỗi tháng chỉ được 3,500 baht. Mà mỗi ngày thì làm việc đến 12 giờ đồng hồ, từ 4h sáng đến 4h chiều. Bình mới đến Thái Lan chân ướt chân ráo chưa biết nói tiếng nên đi kiếm việc làm thêm cũng khó.

Thấy Bình cũng là người trưởng thành, đã có vợ có con ở quê nhà, nên mình quyết định cho Bình "làm thêm" ở nhà xứ. Mình bảo Bình đến nhà dọn dẹp cho mình một tuần hai lần, mình sẽ cho thêm mỗi tháng 2 ngàn. Nói là một tuần hai lần nhưng những lúc khác Bình ghé qua cũng lau chùi thêm đây đó cho sạch sẽ hơn. Bình rất kỹ tính. Mình thấy Bình làm việc ở trường mệt, nên không muốn qua đây phải làm nhiều, miễn sao nhìn ngăn nắp là được. Nhưng Bình cũng cứ làm những cái mình không thấy cần thiết. Lần nào cũng phải thuyết phục thôi đừng làm nữa.

Có lẽ Bình cũng tội nghiệp mình. Bình bảo ở Việt Nam thấy giáo xứ nào cũng có người giúp việc trong nhà. Còn Ban hành giáo thì phải thay phiên nhau túc trực ở nhà thờ để cha xứ nhờ việc. Còn ở đây không thấy ai giúp mình hết. Nên Bình cũng muốn giúp thêm cho mình. Mình bảo Bình mỗi nơi mỗi khác. Ở Thái Lan người ta không có truyền thống như vậy. Giáo dân ở đây cũng ít ai làm gì miễn phí. Nhờ việc gì cũng phải trả tiền từ cô dạy giáo lý cho đến người chơi đàn trong nhà thờ.

Tối qua Bình đến lúc hơn 5h chiều. Làm vệ sinh xong thì đã hơn 7h. Sau đó mình và Bình đem ra ba gói mì ăn liền, hai quả trứng, rau cải, đậu hủ, và thịt heo viên làm thức ăn tối. Hai người ăn nồi mì gói xong thì cũng đã 8h30. Bình phải về để nghĩ ngơi vì còn phải đi làm sáng hôm sau.

Bên ngoài lúc đó trời cũng đang mưa. Mình kiếm cho Bình một cái dù mà 1 người giáo dân mang đến cúng cách đây hơn một tháng. Bình che dù đạp chiếc xe đạp mà Bình mới mua lại từ một giáo viên trong trường với giá 400 baht trở về trường học.

Chuyện tối hôm qua chỉ như thế. Ai nói đời sống truyền giáo thật phiêu lưu, nhưng đôi khi nhìn lại cũng thấy sao nó bình thường đến mức độ bất ngờ.

Nong Bua Lamphu, ngày 19.6.2008

Thăm viếng giáo dân


Hôm qua mình chạy xe ra nhà cô Chung. Cô Chung có một đứa con trai 13 tuổi bị tật và trí óc kém phát triển. Đó là một nỗi buồn cho cô gây ra nhiều căng thẳng. Chính cô cũng phải uống thuốc thần kinh thường xuyên vì những căn bệnh của mình.

Lúc mới đến giáo xứ gặp cô và nói chuyện với cô, điệu bộ nói chuyện của cô làm mình hơi ngán vì cô tỏ ra rất tiêu cực đối với giáo xứ. Chồng và những đứa con không ai đi lễ nhà thờ. Ngày mình rửa tội cho một đứa cháu trong gia đình thì cô có đến dự lễ. Nhưng sau đó thì biến luôn. Thoạt đầu mình tránh không muốn đến thăm cô nữa vì nói chuyện với cô xong thấy mệt và nản. Nhưng gần đây, mình lại cảm thấy tội nghiệp cô và gia cảnh hơn.

Hôm qua mình lại đến thăm và trò chuyện với cô cũng như chơi với thằng con. Mình ngồi trên một chiếc ghế nhựa trước cửa tiệm bán hàng của cô. Cô ngồi trên một ghế nhựa khác bên cạnh. Hai người vừa nói chuyện với mat-xa chân cho thằng nhóc.

Câu chuyện cũng xoay quanh những vấn đề bệnh hoạn và những chuyện trong giáo xứ trước đây. Mình vẫn lắng nghe và chia sẻ, nhưng mình không còn cảm thấy khó chịu như trước đây. Mình thông cảm hơn vì biết rằng cô không khỏe. Những lời nói của cô đôi khi có phần tiêu cực cũng không làm cho mình phản ứng như trước.

Cũng lạ là hai Chúa Nhật qua cô đều đến nhà thờ và còn đem theo đồ để cúng nữa. Riêng mình cũng quyết chí sẽ bỏ ra thời giờ để đến thăm, lắng nghe cô nói chuyện, và an ủi cô. Mình cũng nghĩ rằng có lẽ ít ai hiểu được tâm trạng của cô và thông cảm cho căn bệnh thương hàn của cô.

Khi nghĩ về cô Chung mình nhận ra rằng, mình không chỉ làm việc mục vụ với những người vừa lòng mình, mà còn làm với những người có thể gây cho mình cảm giác khó chịu nữa. Tuy nhiên cảm giác khó chịu đó chỉ xảy ra khi mình đối xử với giáo dân mà quên rằng mình là người mang Tin Mừng và sự an ủi của Chúa đến mọi người. Mình chỉ khó chịu khi đặt cái tôi cá nhân trên mục đích của công việc mục vụ mà mình đã lãnh nhận.

Trước đây mình từng nghĩ mình "không cần loại giáo dân này" vì họ làm mình không vừa lòng. Giờ đây mình nghĩ có lẽ đây chính là giáo dân mà mình phải tìm đến thường xuyên.

Nong Bua Lamphu, ngày 18.6.2008

Chiến dịch đưa trẻ vào nhà thờ bắt đầu


Hôm nay không có lể đám tang như cách đây vài tuần, không phải là ngày lễ gì đặc biệt, chỉ là một Chúa Nhật bình thường, nhưng nhà thờ lại khá đông. Đó là vì bắt đầu từ hôm qua “chiến dịch đưa trẻ vào nhà thờ” đã được cô Mèm phát động bằng một cách rất hiệu quả. Đó là việc cô Mèm thông báo sẽ phát cho mỗi em một “vé” có đóng dấu và chữ ký của cha sở nếu em ấy có đến tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Các em sẽ để dành những tấm vé đó cho đến lễ Noel thì sẽ đổi lấy quà.

Trước đây, mỗi ngày lễ Chúa nhật chỉ thấy một số những em trẻ trong trung tâm mồ côi đến nhà thờ. Các seour không bắt buộc các em phải vào nhà thờ nên em nào thích đi thì đi, còn không thích đi thì ở nhà chơi. Từ khi chương trình dạy giáo lý bắt đầu, việc các em không đến nhà thờ đối với cô giáo dạy giáo lý là một điều không thể chấp nhận được. Vì vậy cô đã đưa ra ý kiến phát vé đổi quà với mình và mình đã chấp thuận.

Tuần trước lễ bắt đầu rồi mà chưa thấy em nào vào nhà thờ. Sau đó một lúc thì mới thấy một số em đến nhà thờ, và cuối cùng thỉ có tất cả là 5 em. Nhưng hôm nay trước lễ 45 phút khi chưa có ai đến nhà thờ thì những đứa trẻ đầu tiên đã xuất hiện để chờ cô giáo đến tập hát. Đó có lẽ là một điều chưa từng thấy ở đây. Các em đi lễ đầy đủ thì có phần lộn xộn hơn vì các em ngồi không yên, liên tục cựa quậy và có em còn cải nhau. Thế nhưng có các em trong hàng ghế nhà thờ vẫn tạo ra một không khí phấn khởi hơn và có sức sống hơn.

Nhà thờ tuần này lại còn đông hơn vì có sự hiện diện của các bạn lao động Việt Nam. Tối hôm qua vừa xuất hiện thêm một cô bé tên Oanh cũng đến từ Nghệ An. Thế là cả thảy có 5 em. Đối với những nhà thờ khác, có thêm năm người trong giáo xứ không hề ảnh hưởng đến không khí của thánh lễ, nhưng ở giáo xứ của mình, có thêm hoặc bớt đi 5 người là một điều có thể nhận thấy rõ rệt.

Cho dù nhà thờ nhỏ bé nhưng nếu các hàng ghế có người ngồi đầy đủ thì sự sống động vẫn được thể hiện trong thánh lễ. Và đó là điều mà mình đã cảm nhận được khi dâng thánh lễ sáng hôm nay.

Ban chiều mình đã đãi giới trẻ một bữa ăn khá lớn. Giới trẻ mình đãi bao gồm hai thành phần, đó là các em trong lớp giáo lý thêm sức và các em đến sinh hoạt với nhóm thiếu nhi vào chiều thứ bảy. Những em sau này chiếm số nhiều, có tất cả khoảng 15 người, tất cả đều không phải Công giáo. Nhưng khi mình mở chương trình sinh hoạt và mời Ton đến giúp thì Ton đã liên lạc với các bạn trong trường trung học để phụ. Thực ra khi mời Ton mình chỉ nghĩ rằng Ton sẽ đến một mình hoặc kéo thêm một vài em nữa đi cùng. Mình không ngờ ba tuần qua, mỗi lần có tới cả chục bạn trẻ đến sinh hoạt chung. Mình thực sự vui mừng khi thấy chương trình sinh hoạt thiếu nhi mồ côi ở những bước đầu đang có sự hưởng ứng tốt đẹp.

Mặc dầu các bạn trẻ đến với các em mồ côi bị nhiễm HIV chỉ một hai giờ đồng hồ mỗi tuần, nhưng sự dấn thân đó nói lên phần nào tấm lòng nhân ái và cởi mở của các bạn. Mình càng quý các bạn hơn khi so sánh với những người lớn khác không có tầm nhìn cởi mở và cảm thông như các em. Cụ thể là mình biết trong trường học gần nhà thờ có 4 giáo viên người Phi Luật Tân. Họ đến đây dạy Anh văn và họ biết rõ ở đây có nhà thờ. Nhưng họ không đến đi lễ vì sợ….bị nhiễm HIV. Thật trớ trêu khi lớp học sinh lớp 11, 12 dám đến sinh hoạt với giới trẻ, không ngại chơi trò chơi, nắm tay nắm chân với các em, mà những bậc thầy giáo cô giáo lại không dám bước vào nhà thờ chỉ để ngồi trong cùng một không gian với những người bị nhiễm HIV.

Nhưng không phải ai cũng thế. Trong giáo xứ có một người giáo dân tên Arnold, cũng là người Phi Luật Tân. Anh ta ở khá xa nhà thờ những vẫn đến tham dự thánh lễ và khác với đa số những giáo dân khác, anh và vợ người Thái chọn những hàng ghế ngồi chung với các em. Anh Arnold có nói với mình là anh đã từng cố gắng thuyết phục những người Phi Luật Tân trên, nhưng họ hoàn toàn không thể bỏ qua định kiến lệch lạc của mình. Vì thế bây giờ anh cũng không buồn lòng thuyết phục họ thêm nữa.

Tuần qua khi nghe nói ở đó có người Phi Luật Tân, mình định tìm cách để tiếp cận với họ, để mời họ đến nhà thờ. Nhưng khi nghe những người khác kể lại về định kiến của họ, mình đã cảm thấy không còn muốn đến gặp họ nữa. Mình chỉ hy vọng rằng, một ngày nào đó họ sẽ tỉnh thức và nhận ra sự sai lạc của mình.

Hai tháng trôi qua mình cảm thấy phấn khởi hơn với công việc mục vụ của mình ở đây. Nhà thờ ngày có thêm người đi lễ, chương trình sinh hoạt giáo lý cho các em mồ côi đã khởi sắc, và lớp dạy Anh văn của mình đang có thêm học sinh. Với những biến chuyển nhỏ bé này mình cảm thấy có thêm nghị lực để tiếp tục phấn đấu để gầy dựng một cộng đoàn sống động và đoàn kết.

Nong Bua Lamphu, ngày 15.6.2008

Chuyện hằng ngày


Số các bạn trẻ Việt Nam Công giáo đang lao động tại Nong Bua Lamphu có được bao nhiêu người mình không rõ. Nhưng từ một người là Bình đến tìm mình ở nhà thờ thì bây giờ đã lên tới bốn. Trong đó có Bình, Tăng, Thắng, và Tuấn. Tuấn vừa mới đến làm việc ở trường cách đây vài ngày. Và em cũng chỉ mới đến Thái Lan được hai tháng. Năm nay em 17 tuổi.

Hôm qua là bổn mạng thánh Anton của mình nên các em đến dự lễ mừng bổn mạng. Sau lễ một người bạn của mình tên Ái Liên mời cả nhóm đi ăn lẩu Thái tại một quán ăn trong phố. Ái Liên đến từ Mỹ, đang đi công tác tại Việt Nam, nên ghé sang Thái Lan để thăm. Khi nghe về hoàn cảnh nghèo khổ của các bạn trẻ thì Ái Liên tỏ ra rất tội nghiệp buồn thay cho các bạn.

Quán lẩu ăn tối qua có chủ tiệm là một người Việt kiều. Bà ta cũng có nhân viên người Việt Nam làm, trong đó có một cô gái ở cùng xóm với Tăng và Tuấn. Tăng bảo em đến gặp mình nhưng vì ngại nên không dám. Tăng nói em đó cũng là người Công giáo.

Sáng nay mình chở Pến, một bệnh nhân trong trung tam đi mua hoa. Pến chọn chỉ hai loại, hoa sen và hoa cúc. Pến là thợ cắm hoa nên đã cắm cho nhà thờ những chậu hoa rất tuyệt vời. Anh ta vào trung tâm được gần một tháng rồi. Từ khi phát hiện rằng anh ta là thợ cắm hoa mình đã không ngần ngại yêu cầu sự giúp đỡ.

Khi đi chợ về thì mình ngồi nói chuyện với Ái Liên một lúc rồi tiễn cô ta lên đường trở về Việt Nam. Rất may hôm nay có thầy Damien chở ra sân bay nên mình không phải lo lắng việc Ái Liên đi đến nơi đến chốn hay không?

10 giờ sáng thì mình dạy Anh Văn. Hôm nay có thêm 3 bạn trẻ tới hỏi muốn học tiếng Anh. Mình trình bày với các em cách dạy của mình như thế nào. Các em bảo muốn bắt đầu học từ thứ bảy tuần tới. Mình tin rằng nếu mình có thời gian lâu ở đây chương trình dạy Anh văn của mình có khả năng phát triển. Tuy nhiên, những bước đầu thì luôn luôn gặp một số rắc rối. Tuy nhiên, mình rất hài lòng với số học sinh khiêm tốn của mình.


Nong Bua Lamphu, ngày 14.6.2008

Gói quà từ Mỹ

Hôm qua mình nhận được tập lưu niệm “Thiếu Nhi Fatima: Đời tận hiến” được phát hành trong dịp PTTNF có hai cựu huynh trưởng được chịu chức linh mục tại giáo phận Los Angeles, đó là hai tân linh mục Trần Chí Hiếu và Nguyễn Tuấn Long. Khác với nhiều bạn trẻ Việt Nam Công giáo khác, khi mình lớn lên mình đã không hề tham gia PT Thiếu Nhi Thánh Thể, nhưng lại tham gia PT Thiếu Nhi Fatima. Và sau này mình đã trở thành người đầu tiên xuất phát từ PT được chịc chức linh mục. Bây giờ có thêm hai cha Hiếu và Long nữa.

Vì đây là một dịp đặc biệt cho PT nhỏ bẻ này nên ban chấp hành liên đoàn đã quyết định làm một cuốn lưu niệm. Mình cũng đóng góp bài cho cuốn lưu niệm với những lời tâm tình đến hai tân linh mục, cũng như những lời chia sẻ với các bạn thiếu nhi.

Trong bao thư mà mình nhận được hôm qua còn có thêm những món quà khác như 30 bộ áo Đức Bà để mình phân phát cho các em thiếu nhi trong giáo xứ của mình, một cuốn DVD hoạt cảnh Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu mà các em TNF đã từng trình diễn tại đại hội Thánh Mẫu ở Missouri, và thêm một money order nữa. Mình rất cảm động khi nhận được những món quà này vì đây là những món quà khuyến khích tinh thần thật giá trị.

Mình đặc biệt cảm động khi LĐTNF vẫn nhớ đến mình với những tình cảm sâu sắc, mặc dầu thời gian mình sinh hoạt trong đoàn không dài như những người khác, và mình cũng không đóng góp cho đoàn được bao nhiêu. Tuy nhiên mình có thể khẳng định rằng việc tham gia vào đoàn TNF đã góp phần không nhỏ vào việc đào tạo con người mình và giúp mình ý thức về ơn gọi tận hiến ngay từ lúc còn trẻ. Sự ấm cúng và nhỏ bẻ của PT lại làm cho mình thấy mến nó nhiều hơn. Bây giờ mình đang tổ chức chương trình thiếu nhi tại giáo xứ của mình, mình lại thấy càng quý những ngày tháng mình sinh hoạt trong TNFatima.

Trong tập lưu niệm có bài của mình như sau:

Sự bất ngờ trước Tin Mừng

Hôm nay tôi ngồi xuống viết vài dòng tâm tình để gởi đến hai tân linh mục Trần Chí Hiếu và Nguyễn Tuấn Long mà bổng nhiên làm cho tôi nhớ đến câu chuyện mối tình đầu đơn sơ và lãng mạn thời tuổi 18 mà một người bạn mới đây đã kể cho tôi nghe. Chuyện là thời đó, anh chàng này có để ý đến một cô gái rất xinh đẹp, tính tình thùy mị, duyên dáng. Cô ta không phải là con nhà giàu có, nhưng là nhà đàng hoàng, gia giáo. Anh ta tìm nhiều cách để tỏ tình với cô ta, nhưng vì tính tình nhút nhát nên những lá thư anh ta bỏ ra hàng giờ nắn nót viết bày tỏ tâm tư cuối cùng thì cũng chỉ là mang đến rồi lại….mang về.

Nhưng sau đó, nhờ sự giúp đỡ của một người bạn thân, nên anh bạn tôi đã có dịp đứng đối mặt với người con gái ấy. Anh ta đã cố lấy hết can đảm trong mình để ngỏ lời mời cô ta sáng Chúa Nhật tới đi uống cà phê ở một quán ở trung tâm thành phố Sài Gòn. Khi cô gái nhận lời mời của anh thì trong lòng anh ta vui mừng không thể diễn tả nỗi. Anh nóng lòng chờ đợi cho đến ngày hẹn để được ngồi uống nước và trò chuyện với người con gái ấy.

Ngày giờ dường như trôi qua quá chậm, nhưng cuối cùng thì sáng Chúa Nhật của ngày hẹn cũng đã đến. Khi tia sáng bình minh đầu tiên lọt qua khe cửa sổ, anh mở mắt ra, tỉnh giậy. Trong lòng không ngờ hôm nay thực sự là ngày hẹn, ngày mà anh đã mơ ước có được suốt thời gian qua cũng đã đến. Anh cảm thấy bất ngờ mặc dầu suốt cả tuần qua, anh đã ngồi đếm từng giây từng phút mong sao cho thời gian trôi qua thật nhanh để mau được ngồi đối diện với người con gái mình đã yêu thầm từ lâu. Ngày hẹn đến như một điều mà anh không thể ngờ có thể thực sự xảy ra, không phải là một giấc mơ sẽ bị kết thúc một cách đột ngột bởi một tiếng động nào đó….

Câu chuyện này nảy lên trong đầu tôi không phải vì nó trực tiếp liên quan gì đến quá khứ của hai tân linh mục, mà quá khứ đó thì ngay cả tôi cũng không biết gì chi tiết cho mấy. Nếu câu chuyện trên có trùng hợp gì với những ký ức của hai tân linh mục thì cũng chỉ do sự tình cờ mà thôi.

Khi nghĩ đến sứ mệnh của hai tân linh mục sau khi đã lãnh nhận chức thánh, trở nên linh mục của Chúa, có trách nhiệm phục vụ Ngài qua những người dân của Ngài, và có sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Chúa đến mọi người, và đây cũng là sứ mệnh của chính tôi là một vị linh mục với lứa tuổi không khác với hai tân linh mục là bao, tôi cảm thấy rằng đây là một trọng trách vô cùng cao cả và chất chứa nhiều khó nhọc. Có lẽ cũng có những lúc các ngài sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, và căng thẳng khi thi hành những công việc mục vụ mà các ngài được giao phó. Có lẽ cũng có những giây phút các ngài phải rao giảng Tin Mừng trong khi chính mình đang cảm thấy trong lòng khô khan và thiếu sức sống. Và ngay lúc ấy chính các ngài cũng không còn cảm nhận được sự đặc biệt của Tin Mừng nữa.

Những suy nghĩ của tôi đi vào lối bi quan thì bổng nhiên tôi nhớ đến câu chuyện mối tình đầu của anh bạn mà tôi vừa thuật lại trên. Tôi đem câu chuyện ra để chia sẻ với hai tân linh mục vì tôi cảm nhận rằng niềm vui của anh bạn tôi lúc ấy rất sâu sắc, xuất phát từ bên trong tâm hồn của anh; một niềm vui pha lẫn với sự bất ngờ trong đời mình có một chuyện tốt như thế có thể xảy ra.

Cái cảm giác của anh bạn khi sáng tỉnh thức, chợt nhớ lại rằng hôm nay mình có cuộc hẹn với một người đặc biệt chính là cảm giác mà tôi ước gì mình luôn có được đối với Tin Mừng của Chúa. Ước gì mỗi sáng tôi thức dậy, tỉnh ngủ thì chợt nhớ lại rằng: Chúa Kitô yêu thương mình, cứu chuộc mình, và đã trao tặng cho mình sự sống vĩnh cửu. Ngài cũng đã dành tình yêu đặc biệt ấy cho mình bằng cách chọn lựa mình giữa hàng ngủ để làm chứng nhân cho Ngài. Vì thế mình phải hân hoan để rao giảng Tin Mừng của Ngài đến cho tất cả những ai chưa được nghe Tin Mừng ấy.

Tôi ước gì cứ mỗi sáng tỉnh thức thì chợt nhớ lại rằng, cuộc sống của mình thật hạnh phúc vì mình đang sống trong tình yêu của Chúa. Niềm vui ấy sẽ làm cho tôi hăng hái bước xuống giường để bắt đầu một ngày mới. Nó sẽ làm cho tôi nở nụ cười trên môi khi gặp gỡ những người khác, sẽ làm cho tôi nhìn những đứa trẻ với ánh mắt trìu mến, nhìn những người già với ánh mắt yêu thương, nhìn vào cảnh nghèo khổ với ánh mắt hy vọng, và nhìn vào công việc khó khăn với thái độ kiên trì hơn. Vì trước những khó nhọc trong đời sống phục vụ, không có gì mãnh lực hơn niềm vui sâu sắc trong tâm hồn của mình.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều linh mục tu sĩ không cảm nhận được niềm vui trong Tin Mừng của Chúa. Sáng thức dậy, chúng ta bước ra khỏi giường một cách nặng nề. Chúng ta nhìn vào người xung quanh với ánh mắt thiếu thiện cảm. Và chúng ta bi quan trước những công việc trước mắt. Trong cuộc sống, chúng ta không có chỗ
cho niềm vui bất ngờ chợt đến với mình nữa vì chúng ta bị chi phối bởi vô số vấn đề rắc rối trong công tác mục vụ.

Vì thế tôi viết những dòng chữ này đến hai tân linh mục để chia sẻ với các ngài rằng, chúng ta phải cố gắng duy trì cho mình cái cảm giác bất ngờ trước Tin Mừng của Chúa, để cho Tin Mừng ấy luôn gợi lên cho chúng ta những điều thú vị và mới lạ. Nếu chúng ta để cho Tin Mừng trở thành một cái gì đó nhàm chán và cũ kỷ trong đời sống của chính mình, thì khả năng mình truyền đạt Tin Mừng lại cho người khác cũng sẽ bị suy giảm.

Ai trong chúng ta cũng đã từng nghe người khác kể chuyện vui. Tính hài hước của bất cứ chuyện vui nào cũng nằm ở câu cuối cùng. Câu ăn tiền làm mọi người ồ lên cười vì sự bất ngờ của nó. Tuy nhiên, chúng ta đã nhiều lần nghe ai đó kể một câu chuyện mà mình đã nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần. Khi lắng nghe một câu chuyện quen thuộc, chúng ta có thể mang hai thái độ. Một là tỏ ra không quan tâm vì mình đã biết nội dung câu chuyện ấy như thế nào. Hai là chúng ta cho như mình chưa bao giờ được nghe câu chuyện ấy, để rồi chúng ta cũng ồ lên chung vui với người khác khi câu cuối cùng được nói ra. Người kể sẽ cảm thấy hạnh phúc vì kể câu chuyện thành công; còn chính mình sẽ được bồi dưỡng bằng một liều thuốc bỗ tiếng cười thật giá trị.

Tin Mừng trong đời sống của chúng ta cũng thế. Đứng trước Tin Mừng mà chúng ta đọc và rao giảng hằng ngày, chúng ta có thể tỏ ra nhàm chán với những câu chuyện quen thuộc trong sách Kinh Thánh. Khi soạn bài giảng, chúng ta chỉ xem bài Phúc Âm là bài nào, nhưng không bỏ thì giờ ra để đọc hết bài đọc và bài Phúc Âm, vì chúng ta cho rằng mình đã biết nội dung bài đó. Không cần đọc cũng biết bài ấy đang nói về điều gì.

Thái độ và hành động này cho thấy, chúng ta đang phủ nhận sự kỳ diệu của Tin Mừng là có khả năng đối thoại với chúng ta một cách mới mẻ mỗi lần chúng ta mở sách ra để đọc một cách nghiêm túc và sốt sáng. Chúng ta xem Tin Mừng như một câu chuyện quen thuộc và không còn cảm thấy bất ngờ trước sự diễn biến của câu chuyện nữa. Và chúng ta không cho chính mình cơ hội để cảm nhận những điều mới lạ mà Tin Mừng mang lại cho bản thân.

Hai tân linh mục thân mến, tôi hy vọng rằng, trong đời sống của hai cha, hai cha sẽ luôn cố gắng duy trì sự bất ngờ trước sự việc vô cùng kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta qua mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô để cứu chuộc chúng ta khỏi sự chết muôn đời. Đừng bao giờ để cho Tin Mừng trở nên cũ kỷ và nhàm chán trong cuộc sống của hai cha. Chỉ như thế thì hai cha mới có thể phấn khởi và hăng say tiến bước trên con đường rao giảng Lời Chúa trong thánh lễ và qua các bí tích thánh mà hai cha sẽ cử hành cho giáo dân của hai cha.

Lời cuối, chúc hai cha luôn hồn an xác mạnh khi hai cha chuẩn bị lên đường với chức vụ và trọng trách cao cả mà hai cha đã lãnh nhận từ Thiên Chúa trong dịp lễ tấn phong của hai cha. Chúc hai cha vững tâm và kiên trì thực hiện công tác rao giảng Tin Mừng một cách làm cho mọi người lắng nghe có cảm giác như vừa tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài và chợt nhớ lại rằng: Mình đang yêu và đang đuợc yêu. Tình nhân của mình không ai khác ngoài Đức Giêsu Kitô đã hiến thân vì yêu thương con người yếu đuối, tội lỗi. Và xin chúc hai cha cũng luôn cảm nhận được rằng: Mối tình chung thủy và tốt đẹp nhất của hai cha chính là mối tình yêu thương giữa hai cha và Thiên Chúa chúng ta.


Chở Thắng đi tìm việc làm


Thắng là một bạn trẻ Việt Nam 19 tuổi quê ở Nghệ An. Mình gặp Thắng lần đầu tiên trên chuyến xe đò đi Việt Nam từ Vientiane, Lào vào dịp mình đi Việt Nam ăn tết. Thắng ngồi trong hàng ghế ngay phía sau mình. Chuyến đi rất dài với nhiều giờ đồng hồ chờ đợi ở cửa khẩu nên mọi người trên xe (tất cả đều là người Việt ở Lào/Thái Lan về quê ăn Tết) đều có nhiều cơ hội để làm quen với những người xung quanh.

Mình cũng nói chuyện với Thắng và người bạn đi cùng. Trước đây em làm việc ở Nong Bua Lamphu, và sau đó chuyển qua Udon Thani. Sau khi ăn tết ở Việt Nam xong, mình trở lại Udon Thani thì có gọi điện thoại cho Thắng. Nhưng mỗi lần gọi thì chỉ nghe được tín hiệu tò te tí te.

Tưởng rằng sẽ không còn gặp lại nữa, nhưng ngày Chúa Nhật vừa rồi rất tình cờ khi người theo Bình đến nhà thờ đi lễ chính là Thắng. Thắng mới trở lại Nong Bua Lamphu để tìm việc làm. Thời gian qua, sau khi trở lại Thái Lan, em làm việc ở một tỉnh khác. Lương 7,000 baht một tháng nhưng vì ở ngoài với bạn bè nên không để dành được đồng nào.

Vì thế Thắng quyết định đến Nong Bua Lamphu nơi em đã từng làm để kiếm việc. Sáng nay mình chở em đi một vòng từ quán ăn, khách sạn, resort, cho đến tiệm tạp hóa, tiệm bán xe cộ, nhưng chẳng ai nhận. Có người nhận được thì lại không có nhu cầu. Những chủ tiệm quen biết mình tỏ ý muốn giúp thì lại không dám vì không đủ tầm cở để bảo kê cho các em như một số người khác tại NBL.

Ở đây có người giàu có và chức cao nên có thể thuê nhiều người lao động Việt Nam mà không hề sợ bị cảnh sát bắt. Một người có tiếng trong vùng là một thương gia bán xe hơi người Thái gốc Việt. Ông ta cũng là người "đạo gốc". Mình đưa Thắng tới khách sạn do ông làm chủ nhân nhưng người quản lý nói không có nhu cầu. Mình rất ngại nhưng vì tội nghiệp Thắng nên sau đó chở em vào tận nhà để gặp ông N. để xin việc. Nhưng có lẻ ý trời, ông N. và phu nhân đã đi công việc ở Udon Thani chưa về. Mình đành đưa thắng trở về.

Trên đường về, mình ghé qua tiệm bán đồ xây dựng của chú Hoa hỏi ở đây còn nơi nào giới thiệu đến xin việc không thì chú chỉ đến Wang In Resort của một ông Việt Kiều tên Thu. Trời nắng chang chang, mình chạy xe máy đưa Thắng đi tìm địa điểm này, nhưng kết quả không đáng mừng.

Buổi chiều ngồi trước nhà xứ với Thắng, mình hỏi em giờ quyết định như thế nào? Em trả lời:

- Con sẽ tiếp tục đi tìm việc ở đây cho được vì con đã quyết định ở Nong Bua Lamphu rồi. Ở đây có cha, có nhà thờ. Mặc dầu lương chỉ 3,500 một tháng nhưng ở đây sẽ dành dụm được nhiều hơn ở chỗ củ.

Sau lễ chiều Bình qua báo cho một tin là ở trường bây giờ đang thiếu người và bà chủ đang tìm thêm bốn người làm. Có khả năng Thắng sẽ vào làm lại được. Trước đây em đã từng làm ở trường này nhưng tự quyết định thôi làm để chuyển sang Udon Thani nên sợ rằng bà chủ sẽ không nhận lại. Nhưng giờ đang thiếu người, hy vọng bà chủ sẽ dễ dàng hơn. Mình cũng cầu xin cho em được bà chủ nhận vào làm việc ở trường với Bình và Tăng (anh họ của Thắng). Dù sao đi nữa thì các em đã quen biết mình, sẽ được đến đây tham dự lễ và như vậy thì mình sẽ đồng hành với các em được.

Nong Bua Lamphu, ngày 10.6.2008

Gặp gỡ bạn trẻ Việt Nam tại NBL


Thế là dự định của mình được gặp gỡ những bạn trẻ người Việt đang lao động tại Nong Bua Lamphu đa trở thành hiện thực. Từ ngày Bình đến tìm mình ở nhà thờ, qua Bình, mình đã làm quen được với những bạn khác cũng đang làm việc với Bình trong một trường tư gần nhà thờ, trong đó có cả những người Công giáo lẫn bên lương. Việc của các bạn trẻ này là làm vệ sinh trong trường mỗi ngày, từ 4h sáng đến 4h chiều.

Chiều qua Bình, Thắng, và Tăng đến chơi và tham dự lễ chiều. Bình định xuống mương thả lưới bắt cá nhưng vì thấy nước chảy mạnh quá nên thả không được. Lễ xong mình và Thắng đi mua thức ăn về ăn. Luôn tiện mình chở Thắng đi một vài nơi để xem có việc làm không vì Thắng mới từ Việt Nam trở lại chưa có việc làm. Hỏi mấy nơi nhưng không nơi nào cần người. Sáng nay mình sẽ chở Thắng đi một vòng nữa để tìm việc. Nghe nói có một khách sạn của ông chủ người Việt Kiều Công giáo. Nhưng ông chủ này thì mình chưa bao giờ gặp vì có lẽ không bao giờ đến nhà thờ (một câu chuyện quen thuộc ở đây). Mình sẽ dẫn Thắng đến đó hỏi xem có việc gì làm không. Nếu không có việc ở Nong Bua Lamphu thì em đành phải đi Udon Thani tìm việc. Ở đó sẽ có nhiều việc làm hơn, nhưng mình muốn tìm cách cho em ở lại Nong Bua Lamphu vì như vậy mới có thể nâng đỡ em trong vấn đế tâm linh.

Khi mình và Thắng trở lại với những món đồ ăn và vài chai bia Leo thì lúc đó Bình cũng đã nấu xong nồi cơm. Mình dọn đồ ăn ra. Bình chạy về trường rủ thêm hai người nữa là Giáp và chị Nga. Vậy là cả thảy có 5 bạn đến ăn tối và nói chuyện với mình. Thứ bảy này mình mời tất cả mọi người đang làm việc ở trường qua nhà xứ chơi. Các bạn nói thứ bảy này sẽ đi gia hạn giấy tờ (mỗi tháng một lần) rồi sau đó sẽ đến chơi.

Ở Bangkok mình quen biết nhiều bạn trẻ Việt Nam nhưng vì mình không có giáo xứ riêng nên việc đón tiếp các bạn không thể xảy ra ở nhà mình. Nhưng đây mình đã làm “cha xứ” nên tự do trong việc đón tiếp. Mình đang và sẽ cố gắng tạo cho nhà thờ của mình trở thành một nơi nương tựa tinh thần cho các bạn, bất kể các bạn ấy bên lương hay bên giáo. Mình hy vọng rằng với số bạn đầu tiên mình quen biết này, dần dần mình sẽ còn được gặp gỡ thêm nhiều người nữa để giúp đỡ các bạn bằng cách nào có thể.

Nong Bua Lamphu, ngày 10.6.2008

Thứ bảy trời mưa


Sáng thứ bảy, trời mưa nhẹ, có lẽ bắt đầu từ đêm hôm qua. Khi thức dậy kéo màn phòng ngủ nhìn ra bên ngoài đã thấy trời mưa rồi. Nhìn trời mưa tự nhiên thèm một ly cà phê và một điếu thuốc lá. Bổng nhiên nhớ lại trước đây ngồi uống cà phê ở Sài Gòn trong những chuyến đi Việt Nam. Có lẽ vì cảnh vật ở đây cũng có cái tương đồng với Việt Nam. Ngoài đường cũng thấy xe máy chạy đi chạy lại. Trong sân nhà thờ cũng có cây phượng vĩ với những chùm hoa đỏ thắm. Sau nhà cũng có cây mít, cây xoài, cả cây đu đủ nữa. Và dọc con suối nhỏ sau nhà thờ thì có một hàng dừa và chuối, hình như là chuối sứ.

Sáng thử bảy mình phải đi chợ, đi mua hoa về để cắm chưng trong nhà thờ. Mình không biết cắm hoa. Một anh chàng bệnh nhân trong trung tâm HIV là thợ cắm hoa, trước đây từng làm việc này ở một khách sạn tại Bangkok. Anh ta nói có lẽ bị nhiễm từ những ngày còn ở Bangkok. Sáng nay sau khi mua về sẽ đem hoa đến cho anh ta cắm. Chắc chắn nếu anh ta cắm thì sẽ đẹp.

Nhưng giờ này đang mưa nên mình phải đợi lúc nào trời tạnh mới đi chợ được. Phiên chợ sáng kết thúc lúc khoảng 8 giờ. Nếu đến 8 giờ mà trời chưa tạnh thì mình sẽ đi "chợ ngày" ở dọc con đường lớn đi ra khỏi thị trấn. Mình đi lại bằng xe máy nên mua hoa thì khó cầm. Cái giỏ trước xe không đủ to để chứa. Có lẽ mình phải nhờ em Rát đi chung để nó cầm hoa.

Tối hôm qua mình đang ngồi chơi với mấy em ở trung tâm mồ côi thì nhận được điện thoại từ chú Hoa và Christian. Hai người đang ngồi ở một quán ăn trong phố. Họ rủ mình ra ngồi chơi. Mình cũng ra ngồi uống vài ly bia Leo. Có thêm anh Ngọc và Thông là bà con của chú Hoa cùng ngồi.

Khi nói về việc dạy học tiếng Anh, Christian nói với mình lý do mà người ta không dám đến nhà thờ học là vì họ sợ SIDA. Đây cũng không phải lần đầu tiên mình nghe những lời bình luận như vậy. Cũng đã từng nghe nói người ta không dám tới đi lễ gì sợ SIDA. Giờ đây mình dạy Anh Văn ở trong nhà xứ cũng nghe nói sợ SIDA. Không lẽ cứ bước tới gần người bị nhiễm SIDA là bị lây hay sao nhỉ?

Phải chăng đó là lý do mình bị cho leo cây tuần qua. Khi họ ngỏ ý mời mình dạy học cho họ, mình đã đồng ý. Mình mời họ tới nhà thờ để dạy. Hỏ tỏ ra bất ngờ, như muốn mình đến nhà họ dạy. Mình nói ở đây có đầy đủ dụng cụ để dạy, thuận tiện hơn. Mình không nghĩ gì về SIDA. Nhưng có lẽ họ muốn mình đến nhà họ dạy thay vì họ đến nhà xứ để khỏi phải bước vào nơi có SIDA. Cuối cùng thay vì nói ra lý do họ chỉ để cho mình leo cây như thế.

Nong Bua Lamphu, ngày 7.6.2008

Đi giăng câu....sau nhà



Phía sau nhà xứ của mình chỉ cách khoảng 5 mét có một con suối nước đục ngàu. Suối khá sâu nhưng mức nước thì không cao. Khi lội xuống chỉ đến lưng quần. Mình không dám lội xuống vì nghe nói có rất nhiều bùn và nhánh cây. Hai bên bờ suối cây cối mọc um tùm làm mình lại càng không dám lại gần vì sợ…..rắn. Mà mình nghe nói cũng có rắn thật chứ không phải không.

Suối có cá, cá rô phi và những loại cá khác. Nhiều hay ít thì mình không biết. Một lần buổi sáng chạy bộ ngoài đường nhìn thấy có người lội xuống bắt cá bằng lưới. Hôm trước Bình đến chơi. Mình hỏi Bình người Vinh có biết bắt cá không. Vinh nói người Vinh dân đánh cá rất nhiều. Bình nói hôm nào tìm lưới lội xuống bắt cá lên ăn.

Hôm nay mình đi mua một cái lưới dài khoảng 30 mét, bề ngang khoảng 1 mét. Mình chẳng biết gì về lưới bắt cá nên rủ Pyrat đi cùng. Pyrat biết chỗ mua lưới cá. Lưới bắt cá cũng rẻ tiền, chỉ mất hết 180 baht.

Chiều nay Bình đến chơi, mình đưa lưới ra cho Bình xem. Bình nói lưới này chỉ bắt được cá nhỏ chứ không bắt được cá lớn. Mình hỏi cá nhỏ là cở nào. Bình nói khoảng vài ngón tay.

Bình tháo lưới ra, cởi áo cởi quần dài lội xuống nước giăng lưới. Mình không ở lại xem Bình làm gì vì phải chuẩn bị đi làm lễ chiều. Làm lễ xong mình trở lại tìm Bình dưới suối. Mình hỏi Bình có cá không? Bình nói có nhưng không nhiều. Cá to cũng không có, chỉ có cá nhỏ.

Bình trở lên bờ đem theo một cái thùng có khoảng 10 con cá nho nhỏ. Chỉ có một con cá rô phi khoảng bằng hơn 3 ngón tay, là con cá to nhất. Bình lấy làm lạ tại sao ở đây không có nhiều cá. Mình cũng không biết trả lời như thế nào.

Bình đem cá ra sau nhà để mổ ruột, rồi đem đi ướp. Nhà mình không có nhiều gia vị, chỉ có nước mắm, muối, ớt trái, đường, và xì dầu. Mình cũng không biết Bình dùng những gia vị gì. Bây giờ Bình đang chiên cá. Mùi cá chiên từ nhà bếp bay vào làm mình cảm thấy đói bụng. Cũng hơn 8h tối rồi nên cũng rất đói bụng.

Tối hôm nay những người gọi điện thoại tới nhờ mình dạy tiếng Anh cũng không đến, mà cũng không thấy gọi tới để nói lý do. Mình nghe nói văn hóa Thái Lan như vậy. Người ta coi việc bỏ hẹn rất tự nhiên. Đây là lần thứ hai trong hai lần họ không giữ hẹn mà không nói với mình một câu. Lần thứ nhất mình thông cảm vì biết rằng gia đình có đám tang. Giờ đây đám tang đã xong rồi, nên mình không còn thông cảm nữa. Mình đã quyết định mình sẽ không nhận dạy những người này nữa nếu sau này họ đến gặp mình vì sự thiếu trách nhiệm hôm nay chắc chắn sẽ biểu hiện trong tương lai.

Nong Bua Lamphu, ngày 3.6.2008

Nhà thờ ngày Chúa Nhật


Hôm nay lần đầu tiên mình thấy nhà thờ đầy người từ khi bước đến giáo xứ này. Mỗi hàng ghế đều có người ngồi đầy đủ. Nhưng hôm nay không phải là một ngày Chúa Nhật bình thường. Tuần này bác Maria Liêm Quang Binh qua đời. Con cháu đến từ nhiều nơi, tất cả các vùng trên Thái Lan đều tụ họp về để tham dự lễ tang. Ba bốn ngày qua ở nhà của gia đình có lễ cầu hồn. Mình đến làm lễ hai lần. Hôm nay là ngày Chúa Nhật nên làm lễ ở tư gia không được. Mình đành mời gia đình đến nhà thờ để dâng lễ. Tuy nhiên số gia đình bà con họ hàng đến dự lễ cũng chỉ một phần vì việc lễ lạt thì đối với nhiều người cũng không mấy quan trọng.

Khi thánh lễ vừa bắt đầu thì Chai, một bệnh nhân trong trung tâm HIV vào dự lễ. Chai là người không có đạo, nhưng anh ta rất xiêng năng đi lễ. Đến giờ rước lễ anh ta cũng lên để nhận phép lành từ mình. Anh chia sẻ rằng anh cảm thấy việc đi lễ và nhận phép lành giúp đỡ anh rất nhiều trong thời gian này.

Sáng nay khi anh vừa đến gần cửa nhà thờ thì phát hiện trong nhà thờ có nhiều người. Anh cảm thấy ngại không dám vào. Anh chần chừ một lúc rồi quyết định trở về nhà trung tâm. Từ ghế chủ tế mình nhìn xuống thấy vậy nên vội kêu em giúp lễ ra bảo với anh rằng, cha mời anh vào nhà thờ. Thế là em Kệt chạy theo anh để nhắn tin. Còn Kêm thì tìm ghế đặt đàng sau dãy ghế sau cùng cho anh ngồi.

Sáng nay Bình tìm đến nhà thờ để dự lễ, và còn dẫn thêm một cô gái tên Mân đến dự lễ nữa. Mân làm chung với Bình ở trường học gần nhà thờ. Mân làm ở đó tám tháng rồi nhưng chưa từng đến nhà thờ. Mân chỉ mới 18 tuổi nhưng đã rơi vào vấn đề yêu đương với một anh chàng lớn hơn em tới 9 tuổi. Đây cũng là một chuyện xảy ra thường xuyên với nhiều bạn trẻ Việt Nam khi rời khỏi thôn làng để đi kiếm việc làm ở xứ sở khác.

Hôm qua, chương trình dạy giáo lý cho các em mồ côi bĩ nhiễm HIV đã chính thức bắt đầu với sự hướng dẫn của Mèm, một giáo dân mới gia nhập giáo xứ tuần trước. Mèm trước đây cũng đã từng dạy giáo lý, nhưng có lẽ chưa bao giờ phải đối đầu với tình huống đặc biệt như các em này. Ngày đầu tiên thật là vất vả cho Mèm vì các em cực kỳ thiếu trật tự và cứng đầu. Mặc dầu có mình ngồi bên cạnh, có nhân viên trung tâm ở cùng, nhưng các em vừa bất lịch sự vừa không vâng lời. Đó là hệ quả của việc các seour thiếu khả năng hướng dẫn các em trong vẫn đề làm người vì các seour thiếu khả năng ngôn ngữ để dạy bảo các em. Các seour chăm sóc cho các em về sức khỏe khá tốt, nhưng về đạo đức thì mình đánh giá các seour thực sự thiếu xót.

Tuy nhiên khi mình nêu lên ý là mình sẽ dạy giáo lý cho các em, cũng như mời những tình nguyện viên về để sinh hoạt trong giờ giáo lý để cho các em học hỏi được sự đạo đức, lễ phép, cũng như có những sinh hoạt bổ ích thì seour bề trên cộng đoàn tỏ ra nghi ngờ mình sẽ lợi dụng các em để đi quyên góp tiền bạc. Mình phải cố gắng thuyết phục các seour mình chỉ quan tâm đến các em trong vị trí là linh mục quản xứ chứ mình không hề có ý định lợi dụng trung tâm của các seour để đi quyên góp, như đã có xảy ra với linh mục khác ở giáo xứ trước đây.

Những bước đầu thật vất vả, nhưng mình hy vọng rằng với sự kiên nhẫn và nhiệt huyết, những tình nguyện viên hợp tác với mình sẽ giúp cho các em trở nên ngoan hiền hơn và bớt tính tình bậm trợn như hiện nay. Chỉ một điều là mình phải tìm ra một ít ngân sách nhỏ để bồi dưỡng cho tình nguyện viên (nhưng chỉ là trong khuôn khổ của chương trình mục vụ chứ không liên quan đến trung tâm của các seour).

Giáo xứ đang trở mình phần nào chăng? Mình vẫn hy vọng như thế. Hy vọng rằng với những sinh hoạt nho nhỏ mà mình đang triển khai trong giáo xứ, dần dần giáo xứ rời rạc và nhỏ bé này sẽ một ngày trở thành một cộng đoàn sống động và yêu thương, để phản ảnh thực sự tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài.

Nong Bua Lamphu, ngày 1.6.2008