Chiếc cầu bắt ngang sông Mekong


Hôm nay sư huynh Ron đưa mình và hai giáo viên cùng dạy học ở trường trung học nơi thầy làm việc đi tham quan tỉnh Nong Khai. Điểm đến của nhóm là chiếc cầu bắc ngang sông Mekong nối liền hai nước Thái Lan và Lào.

Đường đi đến Nong Khai rất tốt, chỉ kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ. Đến nơi thì mình không qua cầu nhưng chỉ dừng lại gần đó để ngắm chiếc cầu từ xa xa. Cầu có tên là "Cầu bằng hữu" vì nó nối kết hai nước xóm giềng lại với nhau. Kiến trúc cầu không có gì đặc biệt, chỉ nhìn có vẻ rất vững chắc. Đây cũng là công trình dưới sự bảo trợ của Úc. Từ phía Thái Lan, trên cầu treo rất nhiều cờ. Có hai loại khác nhau, một là cờ quốc gia Thái, và cờ kia là màu vàng tượng trưng cho vị Vua của Thái.

Người Thái rất yêu mến vị vua của họ. Đi đâu cũng thấy người ta trưng bày hình của ngài. Ngay cả ở rạp chiếu phim, trước khi phim được chiếu cũng có khoảng 5 phút người ta đứng lên để bày tỏ lòng tôn kính với vị vua, trên màn ảnh có những tấm hình chiếu về vị vua khả kính. Năm nay cũng là dịp kỷ niệm 60 năm từ ngày ngài lên ngôi, nên đi đâu cũng thấy người ta treo cờ vàng và mặc áo vàng. Mình hỏi tại sao màu vàng thì được biết, vị vua sinh ra vào ngày thứ hai. Mỗi ngày có một màu khác nhau để tượng trưng. Màu vàng tượng trưng cho ngày thứ hai.

Những lá cờ quốc gia và hoàng đế Thái Lan trên chiếc cầu chỉ được treo lên đến một nữa. Khi đến chính giữa sông Mekong thì không còn thấy cờ nữa. Phía bên Lào không thầy người ta treo gì trên cầu.

Khu vực xung quanh chiếc cầu không có gì xôm tụ. Hình như người ta chưa muốn hay chưa có điều kiện để khai thác quang cảnh ở đây. Không thấy nhà hàng, quán nước, hay bất cứ sinh hoạt gì mang tính du lịch trong khu vực này. Nghĩ cũng tiếc vì đáng ra đây là một khu vực khá lý tưởng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, mình chưa hiểu gì nhiều về địa phương này để có thể khẳng định.

Mức nước ở sông Mekong xem rất thấp, có lẽ vì bây giờ vùng này đang trải qua mùa nắng nên không có nhiều nước. Ở đây, dòng sông nhìn rất bình yên và trầm lặng. Mặc dầu nhìn khá rộng, nhưng quả thực rất hiền hòa.

Đi tham quan chiếc cầu xong, thầy Ron đưa nhóm đi chợ "Indochina" ở Nong Khai. Ở đây có bán đủ thứ áo quần, thức ăn, đồ lưu niệm, kỹ nghệ... Chợ khá sạch sẻ và ngăn nắp. Thỉnh thoảng người bán chào hàng và mời khách một cách nhẹ nhàng, không ai to tiếng, níu kéo, hay này nỉ. Có lẽ vì sáng ngày thường nên không có nhiều khách qua lại. Mình đi ngắm hàng hóa một cách thoải mái.

Mình không mua gì, nhưng thầy Ron và hai anh giáo viên bạn thầy Ron có mua giò lụa và nem chua về để tặng người quen. Ở đây người ta cũng chuộng món giò lụa và nem lắm. Có rất nhiều quầy bán giò lụa mà tiếng Thái gọi là "mu giò". "Mu" có nghĩa thịt heo. Mình không hiểu tại sao có sự trùng lập trong chữ "giò". Nem chua cũng được gọi là "nem" với thêm một từ khác nữa mà mình nghe không rõ.

Rời khỏi Nong Khai, cả nhóm về thành phố Udon Thani để ăn trưa. Thầy Ron dẫn tới nhà hàng V.T. là một nhà hàng bán thức ăn Việt Nam. Món được nhiều người biết đến ở đây là nem nướng. Thầy Ron kêu những món như nem nướng, bánh hỏi, bò bía, chạo tôm, giò chiên....toàn là đặc sản Việt Nam.

Nhà hàng nhìn khá sang trọng và rất đông khách. Khung cảnh trong nhà hàng nhìn tương đương với một nhà hàng tỏa lạc trong một khách sạn 3 hoặc 4 sao tại Việt Nam. Nhưng giá cả thì cũng khá mềm. Bốn người ăn tổng cộng chỉ hơn 520 baht, tương đương với gần 15 USD.

Được biết ở Udon Thani người Việt rất đông, hơn ở Nong Bua Lamphu rất nhiều. Vì vậy ở đây khá dễ dàng kiếm thức ăn Việt Nam. Ở Nong Bua Lamphu, tuy cũng có nhiều người Việt, nhưng mình không hiểu tại sao chưa có nhà hàng hay quán ăn Việt Nam, trong khi thực phẩm Việt Nam được người Thái đánh giá rất cao và được nhiều người ưa chuộng. Những nhà hàng bán thức ăn Việt Nam ở thành phố Bangkok mà mình đi qua hay có vào đều thuộc loại cao cấp.

Chuyến đi đến Nong Khai với thầy Ron và hai người bạn Thái cũng đã giúp mình có thêm một kinh nghiệm mới về đời sống và xã hội Thái. Nhưng quan trọng hơn nữa đối với mình bây giờ là có dịp được học hỏi thêm một ít từ ngữ tiếng Thái thông dụng và thực tập những từ mình đã biết. Vậy mới đúng nghĩa của câu ca dao tục ngữ "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn".

Nong Bua Lamphu, ngày 27.2.2007

No comments: