Vườn rau muống của thầy Ron


Bên cạnh căn nhà thuê của sư huynh Ron có một mảnh đất trống khá rộng. Chủ đất không sử dụng để xây dựng nhà cửa. Cỏ dại mọc um tùm. Thầy Ron nói nhìn rất bầy hầy vì nhiều người dân trong xóm đem rác ra đó đổ. Thầy rất khó chịu vì phải sống chung với cỏ dại và rác rến ngay cạnh nhà. Vì thế thầy tự quyết định kêu người tới làm sạch khu đất, đốt hết cỏ dại. Từ đó người dân địa phương không đem rác đến đây để quăng nữa.

Những người bạn giáo viên của thầy Ron đã khuân một phần đất nhỏ để trồng rau. Trong vườn rau có cải, rau muống, húng quế, ngò, rau thơm, ớt, và vài cây đu đủ. Dọc lề đường là dãy hoa mười giờ. Thầy Ron không biết ăn cải và rau muống, nhưng lại rất thích húng quế, ngò và rau thơm. Thầy đang thúc họ trồng cho thầy vài cây cà chua và dưa leo. Còn cải và rau muống thì mấy người bạn của thầy tự ý trồng nên thỉnh thoảng họ cũng tự cắt ăn. Nếu không thì không có ai ăn. Tuần trước, thầy Ron đi vắng vài ngày, khi trở về thấy rau muống có dấu hiệu bị ‘tấn công’. Thầy Ron nói có lẽ là hàng xóm thèm ăn rau muống mà làm biếng đi chợ.

Mình rất thích vườn rau nhỏ bé của thầy. Hằng ngày, những người bạn giáo viên tới chơi đem vòi nước ra tưới và chăm sóc cho vườn thật xanh tươi. Những ngày qua, có lẽ mình là người tận dụng vườn rau này nhiều nhất. Có khi thì buổi sáng, có khi thì buổi trưa hoặc buổi tối, không nấu gì cầu kỳ, mình ra vườn nhặt rau muống, cải, ngò, quế, và rau thơm đem vào nhà, rửa, rồi xối nước nóng lên cho chín. Rồi ăn chung với mì gói.

Một tôi mì gói chua cay Thái lắm khi nhìn cũng thấy rất khô khan. Nhưng trộn chung với các loại rau tươi và một hoặc hai quả trứng thì bổng nhiên tô mì gói ấy trở nên khá hấp dẫn. Sáng nay mình cũng đã làm một tô như vậy để hoàn tất buổi ăn sáng. Ngày mai rời khỏi đây để trở về Bangkok, có lẽ mình sẽ hơi luyến tiếc vườn rau nhỏ bé xanh tươi này. Hy vọng sẽ có người ăn rau muống và cải, chứ để nó già đi thì uổng lắm.

Nong Bua Lamphu, ngày 28.2.2007

Chiếc cầu bắt ngang sông Mekong


Hôm nay sư huynh Ron đưa mình và hai giáo viên cùng dạy học ở trường trung học nơi thầy làm việc đi tham quan tỉnh Nong Khai. Điểm đến của nhóm là chiếc cầu bắc ngang sông Mekong nối liền hai nước Thái Lan và Lào.

Đường đi đến Nong Khai rất tốt, chỉ kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ. Đến nơi thì mình không qua cầu nhưng chỉ dừng lại gần đó để ngắm chiếc cầu từ xa xa. Cầu có tên là "Cầu bằng hữu" vì nó nối kết hai nước xóm giềng lại với nhau. Kiến trúc cầu không có gì đặc biệt, chỉ nhìn có vẻ rất vững chắc. Đây cũng là công trình dưới sự bảo trợ của Úc. Từ phía Thái Lan, trên cầu treo rất nhiều cờ. Có hai loại khác nhau, một là cờ quốc gia Thái, và cờ kia là màu vàng tượng trưng cho vị Vua của Thái.

Người Thái rất yêu mến vị vua của họ. Đi đâu cũng thấy người ta trưng bày hình của ngài. Ngay cả ở rạp chiếu phim, trước khi phim được chiếu cũng có khoảng 5 phút người ta đứng lên để bày tỏ lòng tôn kính với vị vua, trên màn ảnh có những tấm hình chiếu về vị vua khả kính. Năm nay cũng là dịp kỷ niệm 60 năm từ ngày ngài lên ngôi, nên đi đâu cũng thấy người ta treo cờ vàng và mặc áo vàng. Mình hỏi tại sao màu vàng thì được biết, vị vua sinh ra vào ngày thứ hai. Mỗi ngày có một màu khác nhau để tượng trưng. Màu vàng tượng trưng cho ngày thứ hai.

Những lá cờ quốc gia và hoàng đế Thái Lan trên chiếc cầu chỉ được treo lên đến một nữa. Khi đến chính giữa sông Mekong thì không còn thấy cờ nữa. Phía bên Lào không thầy người ta treo gì trên cầu.

Khu vực xung quanh chiếc cầu không có gì xôm tụ. Hình như người ta chưa muốn hay chưa có điều kiện để khai thác quang cảnh ở đây. Không thấy nhà hàng, quán nước, hay bất cứ sinh hoạt gì mang tính du lịch trong khu vực này. Nghĩ cũng tiếc vì đáng ra đây là một khu vực khá lý tưởng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, mình chưa hiểu gì nhiều về địa phương này để có thể khẳng định.

Mức nước ở sông Mekong xem rất thấp, có lẽ vì bây giờ vùng này đang trải qua mùa nắng nên không có nhiều nước. Ở đây, dòng sông nhìn rất bình yên và trầm lặng. Mặc dầu nhìn khá rộng, nhưng quả thực rất hiền hòa.

Đi tham quan chiếc cầu xong, thầy Ron đưa nhóm đi chợ "Indochina" ở Nong Khai. Ở đây có bán đủ thứ áo quần, thức ăn, đồ lưu niệm, kỹ nghệ... Chợ khá sạch sẻ và ngăn nắp. Thỉnh thoảng người bán chào hàng và mời khách một cách nhẹ nhàng, không ai to tiếng, níu kéo, hay này nỉ. Có lẽ vì sáng ngày thường nên không có nhiều khách qua lại. Mình đi ngắm hàng hóa một cách thoải mái.

Mình không mua gì, nhưng thầy Ron và hai anh giáo viên bạn thầy Ron có mua giò lụa và nem chua về để tặng người quen. Ở đây người ta cũng chuộng món giò lụa và nem lắm. Có rất nhiều quầy bán giò lụa mà tiếng Thái gọi là "mu giò". "Mu" có nghĩa thịt heo. Mình không hiểu tại sao có sự trùng lập trong chữ "giò". Nem chua cũng được gọi là "nem" với thêm một từ khác nữa mà mình nghe không rõ.

Rời khỏi Nong Khai, cả nhóm về thành phố Udon Thani để ăn trưa. Thầy Ron dẫn tới nhà hàng V.T. là một nhà hàng bán thức ăn Việt Nam. Món được nhiều người biết đến ở đây là nem nướng. Thầy Ron kêu những món như nem nướng, bánh hỏi, bò bía, chạo tôm, giò chiên....toàn là đặc sản Việt Nam.

Nhà hàng nhìn khá sang trọng và rất đông khách. Khung cảnh trong nhà hàng nhìn tương đương với một nhà hàng tỏa lạc trong một khách sạn 3 hoặc 4 sao tại Việt Nam. Nhưng giá cả thì cũng khá mềm. Bốn người ăn tổng cộng chỉ hơn 520 baht, tương đương với gần 15 USD.

Được biết ở Udon Thani người Việt rất đông, hơn ở Nong Bua Lamphu rất nhiều. Vì vậy ở đây khá dễ dàng kiếm thức ăn Việt Nam. Ở Nong Bua Lamphu, tuy cũng có nhiều người Việt, nhưng mình không hiểu tại sao chưa có nhà hàng hay quán ăn Việt Nam, trong khi thực phẩm Việt Nam được người Thái đánh giá rất cao và được nhiều người ưa chuộng. Những nhà hàng bán thức ăn Việt Nam ở thành phố Bangkok mà mình đi qua hay có vào đều thuộc loại cao cấp.

Chuyến đi đến Nong Khai với thầy Ron và hai người bạn Thái cũng đã giúp mình có thêm một kinh nghiệm mới về đời sống và xã hội Thái. Nhưng quan trọng hơn nữa đối với mình bây giờ là có dịp được học hỏi thêm một ít từ ngữ tiếng Thái thông dụng và thực tập những từ mình đã biết. Vậy mới đúng nghĩa của câu ca dao tục ngữ "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn".

Nong Bua Lamphu, ngày 27.2.2007

Một ngày bận rộn

Hôm nay là một ngày dày đặc những công việc mình phải thi hành để chuẩn bị cho đời sống ở Thái Lan. Việc đầu tiên sau khi thức dậy lúc 6h sáng là đến nhà thờ để dâng lễ sáng cho các seour trong dòng của Mẹ Terexa vì cha xứ đi vắng. Thực ra cha xứ thấy mình đến Nong Bua Lamphu nên ngõ ý nhờ đảm trách việc dâng lễ sáng để ngài có thể đi nghỉ ở Bangkok.

Lễ xong, mình về nhà ăn sáng rồi đi với sư huynh Ron đến tiệm chụp hình làm visa, photocopy hộ chiếu, rồi đi "mua" giấy khám sức khỏe. Để xin visa cần phải có giấy khám sức khỏe từ bệnh viện. Nhưng mình đến bệnh viện chỉ cần trả cho họ 50 baht là có một đơn chứng nhận sức khỏe tốt từ bệnh viện.

Mình đồng ý "mua" giấy này vì gần đây mình đã khám sức khỏe ở Mỹ, nhưng bây giờ liên lạc với bác sỹ để gởi sang Thái Lan thì quá phức tạp và không khả thi. Còn ở Thái Lan thì vấn đề đi "mua" chứng nhận rất bình thường.

Buổi chiều mình phải đi chụp hình làm visa lần thứ hai vì lần đầu không có mặc áo linh mục, mà làm visa theo diện truyền giáo thì phải có hình mặc áo linh mục. Thế là phải mất thêm 120 baht nữa để có 12 tấm ảnh. Mình không hiểu tại sao họ cần nhiều ảnh đến thế.

Sau khi chụp hình thì mình và sư huynh Ron đến ngân hàng để mở tài khoản. Tài khoản này là phương tiện để thầy Ron chuyển tiền cho mình khi mình ở Bangkok. Từ tài khoản mình sẽ rút tiền để trả tiền ăn ở, học tập, đi lại, và tiền tiêu vặt, v.v. Mình cũng được cung cấp một thẻ ATM để rút tiền. Mình nhớ lần cuối cùng mình sử dụng thẻ ATM là năm 1998, trước khi gia nhập Hội dòng.

Chiều về nhà, mình trở lại với công việc học tiếng Thái. Thầy dạy kèm là anh Talwad đến giúp mình một tiếng đồng hồ. Học xong, chú Hòa đến chở mình ra bờ hồ uống bia và 'đàm đạo' về những vấn đề trên trời dưới đất. Chủ đề chính yếu là về cuộc sống của người Việt tại Thái Lan, và tình hình ở quê hương. Mình và chú Hòa trò chuyện với nhau gần hai giờ đồng hồ, uống hết hai chai bia Heinekein cở lớn với giá 210 baht.

Bây giờ đã gần 10h30 tối. Mình đi ngủ để chuẩn bị cho ngày mai với thêm nhiều sinh hoạt thú vị nữa.

Nong Bua Lamphu, ngày 26.2.2006

"Ông trùm" người Việt ở Nong Bua Lamphu

Hôm qua mình đi lễ Chúa Nhật ở giáo xứ Tổng lãnh thiên thần Michael, giáo xứ Công giáo duy nhất tại Nong Bua Lamphu. Tổng số giáo dân đi tham dự có tất cả 15 người, không tính các seour dòng Mẹ Têrêsa và các em mồ côi. Sau lễ cha xứ giới thiệu cho mình 'ông trùm', người Thái gốc Việt.

Ông trùm giới thiệu với mình bác tên là Hữu, quê quán ở Nghệ An. Đúng ra là bố mẹ bác quê ở Nghệ An, còn bác thì sinh ra ở Lào cách đây 78 năm trong thời Việt Minh chống Pháp. Đến năm 16 tuổi thì gia đình bác di cư sang Thái Lan, và đã lập nghiệp ở đất nước này. Bác có 5 người con.

Cũng như chú Hòa, bác Hữu kể lại trước đây đời sống của người Việt tại đất Thái rất khổ. Bác nói:

- Đi ra khỏi khu vực cho phép là cảnh sát kiểm tra giấy tờ và bắt giam.

Thế nhưng bây giờ đời sống của người Việt ở đây đã khá hơn nhiều, từ khi người Việt được quyền công dân.

- Trong thành phố này, những cơ sở làm ăn lớn lớn đều của người Việt đó - bác nói.

Điều bác Hữu nói là có thật. Theo sư huynh Ron, gia đình bác Hữu là một trong những gia đình khá giả nhất Nong Bua Lamphu. Những đứa con của bác có các cơ sở bán xe máy, bán đồ phụ tùng xe cày, bán điện thoại di động... Ngoài ra, những người Việt khác cũng có những cơ sở làm ăn có tầm cở trong thành phố.

Bác Hữu kể:

- Người Việt lướt qua người Lào thì không nói, nhưng ở đây bây giờ người Việt còn làm tốt hơn người Hoa nữa.

Số người Việt nói tiếng Việt được như bác Hữu bây giờ không còn nhiều lắm. Những đứa con của bác chỉ sử dụng tiếng Thái là chính. Một người giáo dân mình gặp tại nhà thờ năm nay đã ngoài bốn mươi, nhưng không biết nói tiếng Việt.

Ở Hoa Kỳ hay ở Úc, thế hệ thứ hai đi lập gia đình nhiều khi phải tìm cho được người Việt vì bố mẹ không nói được tiếng Tây. Tuy nhiên, ở Thái Lan, con cái và bố mẹ đều nói tiếng Thái. Họ cũng hòa đồng với văn hóa của người Thái. Thực ra mình nhìn người Việt cũng khó đoán được họ là đồng hương nếu không có ai nói cho biết. Nhưng bác Hữu đã cho mình hay một điều rất thú vị. Đó là trong cộng đồng người Việt, người Việt khi lập gia đình vẫn lấy nhau chứ ít ai lấy người Thái hay người Lào.

- Nếu đi lấy người Thái sẽ bị người ta nói - bác Hữu kể.

Hóa ra, người Việt lấy người Việt không chỉ để thỏa mãn nhu cầu ngôn ngữ hay văn hóa, là những lý do được nêu lên nhiều nhất ở phương Tây, mà còn có gì đó sâu xa hơn nữa. Yếu tố đó là gì nhỉ? Phải chăng tự hào dân tộc? Phải chăng có một sự liên kết tâm linh nào đó mà chỉ có người Việt với nhau mới thông cảm được?

Cộng đồng người Việt ở Nong Bua Lamphu tuy nhỏ, nhưng mình có thể hình dung được một lịch sử rất thú vị, phức tạp, và khác biệt với các thành phần "Việt kiều" khác mà ta thường nhắc tới. Mình hy vọng trong tương lại sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với những người đồng hương này, với những câu chuyện khác hẳn với những gì mình quen biết.

Nong Bua Lamphu, ngày 26.2.2007

Tình hình chính trị bất ổn tại Bangkok


Chỉ hơn một tuần nữa là mình sẽ chính thức vào lớp học tiếng Thái. Tuy nhiên, mình cũng như những người thân quen đang e ngại về tình hình chính trị tại đất nước này. Những ngày qua các chính quyền Úc, Canada, và Mỹ đang cảnh báo người dân của họ phải cẩn thận khi đi lại ở thành phố Bangkok vì có khả năng sẽ bị khủng bố bằng bom ở các điểm tập trung đông người như thương xá, tàu điện, vũ trường... Một trong những đối tượng bị nghi ngờ đối với sự việc này là thành phần Hồi giáo cực đoan ở miền Nam và trong khu vực thành phố Bangkok.


Tình trạng khủng bố ở miền cực nam Thái Lan rất có thể lan tới Bangkok. Ngày 18 tháng 2, ở miền Nam đã có đến 30 vụ nổ bom làm chết và thương tích nhiều người dân. Nếu như vậy thì người dân Bangkok sẽ cảm thấy khá bất an, đặc biệt là trong dịp giao thừa Tết Tây vừa qua đã có khoảng 5 quả bom bùng nổ ngay ở những nơi tụ tập đông người ở thành phố này. Phương tiện mình dự định sử dụng để đến trường và về nhà là hệ thống tàu điện tối tân có tên là Skytrain. Đây cũng là một trong những nơi có khả năng bị đặt bom.

Hôm qua nói chuyện trên điện thoại với người thân, họ khuyên mình hãy sử dụng taxi để đi đến trường và về nhà thay vì Skytrain. Taxi có lẽ sẽ an toàn hơn vì sẽ tránh được những ga tàu. Tuy nhiên, nó có hai điều bất tiện là đường xá ở Bangkok bị ùn tác rất nghiêm trọng và đi taxi sẽ tốn tiền có thể gấp ba lần đi tàu điện. Còn hơn một tuần nữa mới phải quyết định cách đi an toàn và tốt nhất. Mình sẽ tiếp tục theo dõi tình hình để có quyết định hợp lý nhất.


Nong Bua Lamphu, ngày 25.2.2007

Mày mò với tiếng Thái


Mầy ngày qua, mình tự mày mò học tiếng Thái qua những trang web trên mạng. Mình ôn lại bảng chứ cái, học cách phát âm cao, thấp, lên, xuống, và luật đọc tiếng Thái tuỳ theo dấu, theo phụ âm, theo nguyên âm... Nói chung là có nhiều luật lắm. Mình có nhờ một đồng nghiệp của sư huynh Ron là thầy giáo dạy tiếng Anh tại trường cấp III (người Thái) để giúp mình cách phát âm.


Mình phát âm bảng chữ cái tương đối chuẩn (đó là theo phản hồi của người kèm), chỉ có một chữ cái 'ร' thì mình không tài nào phát âm được. Nó có âm như 'r' nhưng không đọc 'rờ' dứt khoát nhưng phải uốn lưởi rồi đọc 'rrrr' như trong tiếng Tây ban nha. Tiếng Việt mình không có kiểu đọc này, tiếng Anh cũng vậy. Ai đã học tiếng Tây ba nha thì có lẽ thông thạo hơn về kỹ thuật phát âm chữ 'ร'. Còn mình chưa bao giờ học tiếng Tây ban nha thì coi như là....bó tay.


Nhưng dù sao đi nữa thì mình phải nỗ lực để học tiếng Thai hầu nghe được và nói được. Chứ ai muốn ở xứ người mà quanh năm suốt tháng chỉ nói chuyện được với vài người mà thôi. Tính mình vốn khá năng động, nên không giao tiếp được với người bản xứ là một điều khá bức xúc. Mình tin rằng một khi vào lớp rồi thì tốc độ tiếp thu ngôn ngữ sẽ thăng tiến một cách nhanh chóng và có phương pháp.


Nong Bua Lamphu, ngày 25.2.2007

Gặp gỡ đồng hương ở Nong Bua Lamphu


Hôm nay thầy Ron dẫn mình đi gặp một người đàn ông Thái gốc Việt đang sinh sống tại Nong Bua Lamphu. Người đàn ông tên Hoà, sinh tại đất Thái từ năm 1950. Bố mẹ di cư sang đây từ năm 1945, quê quán ở tỉnh Nam Định.


Ông Hoà có một cửa tiệm bán vật liệu xây dựng. Ông tướng bình dị, nhưng nói chuyện khá có duyên. Ông nói tiếng Việt thông thạo, không một chút gì pha với giọng Thái. Dĩ nhiên là ông nói tiếng Thái thông thạo và còn sở hửu một ít vốn liếng tiếng Anh để giao dịch với người nước ngoài như thầy Ron. Nghe nói đâu ông trước đây có dạy tiếng Việt trong trường học phổ thông.

Gặp mình ông Hoà tỏ ra niềm nở và nói chuyện rất vui vẻ. Mình cũng giới thiệu mình là một linh mục, mặc dầu ông Hoà không phải theo đạo Công giáo. Ông cũng chẳng phản ứng gì nhiều trước thông tin mình chia sẻ với ông.

Chỉ đứng trước cửa tiệm ông dăm phút mà ông Hoà cũng đã kể cho mình nghe được rất nhiều điều thú vị về cuộc sống của ông và những người Việt di cư tại đất Thái.

- Tôi chỉ mới được chính thức trở nên công dân Thái cách đây 15 năm, mặc dầu tôi sinh ra và lớn lên ở đất nước này - Ông kể.

- Sao vậy chú?

- Bởi vì chính quyền Thái Lan rất nghi ngờ người Việt. Trước đây họ nghi ngờ người Việt dín líu với đảng Cộng Sản tại Việt Nam. Vì vậy họ không chịu cung cấp giấy tờ cho người Việt. Họ chỉ coi người Việt như là dân tị nạn. Người Việt không được trở nên công dân, không được rời khỏi chu vi cho phép.
- Vậy là mình chỉ được sống và đi lại trong khu vực nào đó thôi hả chú?
- Đúng vậy. Vì thế nên đời sống khá cực khổ.

- Vậy có ai đứng lên đấu tranh để được quyền lợi công dân không chú?

- Có chứ! Nhiều lắm mới được.

- À, mà sao chú sinh ra ở Thái Lan mà chú nói tiếng Việt không chút nào pha lẫn giọng nói của người Thái hay thế?

- Tôi nhờ học nơi những người lớn trước đây. Chứ đâu có được đến trường học tiếng Việt gì đâu. Mấy đứa con của tôi bây giờ không đứa nào nói được tiếng Việt, chỉ nói bập bẹ.

- Ở đây dân mình được bao nhiêu người vậy chú?

- Khoảng trên 70 gia đình.

- Vậy là nhiều rồi. Chắc các gia đình người Việt bây giờ không còn gặp gỡ nhau thường xuyên nữa hả chú?

- Cũng gặp nhau luôn. Vừa rồi mới tổ chức mừng tuổi những người cao niên trong dịp Tết.

Cuộc gặp gỡ với ông Hoà tuy ngắn ngủi nhưng khá thú vị vì đây là người Việt đầu tiên mình gặp được trên đất Thái. Nói chung thì đi đâu mà gặp được đồng hương đều rất quý. Ông Hoà có lấy số điện thoại của mình để khi nào rảnh ngồi uống nước nói chuyện thêm. Mình cũng hy vọng ông sẽ gọi cho mình để mình có cơ hội làm quen và tìm hiểu thêm về đời sống của đồng bào ở đây. Nếu có dịp phục vụ tại Nong Bua Lamphu sau này, chắc rằng việc gần gủi với cộng đồng gốc Việt sẽ là một trong những mục tiêu lớn của mình.

Nong Bua Lamphu, ngày 23.2.2007

đi chợ đêm ở Nong Bua Lamphu


Hôm nay mình đến Nong Bua Lamphu, một tỉnh phía đông bắc Thái Lan, giáp với Lào. Vì thế ở đây người Thái gốc Lào sống rất đông. Mình nghe nói cũng có một số người Thái gốc Việt di cư đến đây cả mấy chục năm rồi, nhưng mình chưa có dịp gặp gỡ những người này.

Nong Bua Lamphu cũng là điểm truyền giáo duy nhất tại Thái Lan được đảm trách bởi hai sư huynh trong Hội Dòng. Vì thế việc mình đến Thái Lan cùng với một người anh em linh mục nữa là một việc thử nghiệm đối với dự án mở mang điểm truyền giáo này của Hội Dòng. Nếu việc thử nghiệm mang lại kết quả tốt thì sau này sẽ còn tiếp tục phát triển.

Hiện nay các sư huynh đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và HIV/AIDS. Sư huynh Damien, người Mỹ, đã xây dựng được một ngôi nhà thờ nhỏ và một trung tâm nuôi dưỡng bệnh nhân AIDS và một trung tâm nuôi các trẻ mồ côi bị bệnh AIDS. Sư huynh cũng cộng tác với một nhóm người Thái để tổ chức chương trình giúp đỡ những người dân lâm vào căn bệnh thế kỷ, hỗ trợ về tinh thần và kinh tế, cũng như tổ chức các chương trình giáo dục HIV/AIDS cho học sinh và người dân địa phương.

Còn giáo họ thì có rất ít người Công giáo. Lễ Chúa Nhật chỉ có dưới 20 người đến tham dự, nghe nói đâu phần lớn các giáo hữu là người Thái gốc Việt. Nong Bua Lamphu cũng là một vùng nghèo của đất nước này. Sư huynh Ron cho hay có không ít thanh niên thanh nữ từ đây di cư vào các thành phố lớn như Bangkok để theo các nghề bán bar và mãi dâm. Vì thế việc Hội dòng dấn thân ở tỉnh lị này là một việc quan trọng đối với ý nguyện đối phó với các vấn đề liên quan đến công lý và hòa bình mà Giáo hội nói chung và Hội dòng nói riêng rất quan tâm đến.

Tối nay, Thầy Ron không muốn nấu ăn vì không mấy đói bụng. Mình nói với thầy mình sẽ đi ra chợ đêm để tìm thức ăn. Thầy Ron không thích ăn thức ăn địa phương, đặc biệt là thức ăn quá cay và thức ăn trên đường phố. Thầy nói bụng thầy không được khỏe, ăn sợ bị chạy tào tháo. Mình thì không sợ. Mình thích ăn đồ ăn đường phố.

Mình đi bộ từ nhà ra chợ đêm, mất khoảng 5 phút. Chợ có bán đủ thứ đồ như rau quả, trái cây, một vài hàng áo quần, còn bao nhiêu còn lại là thức ăn như cơm bình dân, cá chiên, cá nướng, thịt nướng, gà nướng, chè… Mùi các loại mắm dùng hằng ngày trong bữa ăn rất nồng. Mình đi một vòng quan sát các sạp rồi dừng lại ở một sạp mua hai que thịt nướng. Mình không biết tiếng Thái, nên chỉ vào các sâu thịt rồi đưa ra hai ngón tay. Bà bán hàng hiểu ý liền bỏ hai que vào trong bao. Mình không biết hai que bao nhiêu tiền nên đưa tờ 100 baht. Bà bán hàng lấy 10 baht và trả lại 90 baht.

Mình đi qua quán cơm bình dân kêu dĩa cơm gà. Cơm gà với nước mắm gừng, dưa leo, và dưa chua là 20 baht. Mình ngồi ăn cơm một mình. Ăn một mình nên ăn rất nhanh vì không có ai để nói chuyện. Trả tiền xong, mình đi qua hàng trái cây mua một ký quít (30 baht), mua một trái xoài xanh (10 baht), và đến hàng bán chè mua một bịch chè (5 baht). Nếu tính số tiền mình bỏ ra cho tối hôm nay là tổng cộng 75 baht. 75 baht là hơn 2 USD, khoảng 35.000 VNĐ. Thức ăn ở Thái Lan tính ra cũng rẻ lắm, nếu mình không ngại ăn những thức ăn bình dân. Còn những thức ăn cao sang thì mình chưa có dịp thưởng thức nên không biết giá cả như thế nào.

Tối nay mình ngồi ôn lại bảng chữ cái tiếng Thái. Bảng chữ cái dài lắm, có 44 phụ âm, 32 nguyên âm, và bốn dấu nữa. Chữ cái không giống chữ cái Latinh nên phải học thuộc lòng từ đầu. Trước đây mình có học rồi, nhưng thời gian qua bỏ nên bây giờ quên hết, phải học lại. Thời gian qua mình không ở Thái Lan nên chưa thấy việc học tiếng Thái cấp thiết, bây giờ qua Thái Lan rồi, mình ước gì trước đây mình xiêng năn hơn một chút. Chuyện qua rồi, bây giờ chỉ cần nỗ lực học cần cù xem có tiếp thu được tiếng Thái để sớm nói chuyện được với người dân bản xứ hay không.

Nong Bua Lamphu, ngày 22.2.2007

Những bước đầu


Hôm qua, thầy Ron dẫn mình đến xem trường học. Đây là trường dạy tiếng Thái của người Tin Lành tổ chức. Trường tỏa lạc trong một tòa nhà cao 15 tầng mới xây rất khang trang. Lớp học nằm ở tầng thứ bảy. Mình sẽ bắt đầu học tiếng Thái từ mức căn bản, mỗi ngày từ 8h sáng đến 12h trưa. Học phí của mỗi tháng là 6.200B, tương đương với gần 200 USD. Học kỳ của mình sẽ bắt đầu ngày 6 tháng 3.


Mình sẽ đến trường bằng hai phương tiện, chân và xe điện. Từ nhà đến ga xe mình phải đi bộ khoảng 1 cây số, rồi đi xe điện khoảng 10 phút là đến. Xe điện là phương tiện đi lại tốt trong thành phố Bangkok vì ở đây vấn đề ùn tác giao thông rất nghiêm trọng. Dường như trong thành phố chỉ có về khuya thì đường mới vắng xe chứ còn ban ngày thì lúc nào cũng bị ùn tác, đặc biệt là trên những con đường chính của thành phố.


Kể ra các cha DCCT ở đây có cơ sở rất tốt. Giáo xứ tỏa lạc trong khu vực gần các đại sứ quán các nước nên có nhiều giáo dân quốc tế. Sáng nay mình tham dự lễ tro lúc 8h sáng bằng tiếng Anh. Chúa Nhật ở đây có đến 3 thánh lễ bằng tiếng Anh cho người nước ngoài cũng như người Thái thông thạo tiếng Anh.


Người Thái chào nhau với cử chỉ rất tôn trọng, họ chắp hai tay trước mặt rồi nói câu: "Sawatdee ka" nếu là nữ và "Sawatdee krab" nếu là nam. Mình chưa quen cử điệu này nên việc chào hỏi của mình hơi lúng túng. Nếu mình chỉ là khách du lịch thì có lẽ sẽ không có ai quan tâm. Nhưng vì mình là người truyền giáo, đến đất nước này để sống và phục vụ, nên vấn đề hội nhập văn hóa là thiết yếu. Mình phải cố vượt qua những rụt rè để 'nhập gia tùy tục'. Nếu không thì mình sẽ gặp rất nhiều trắc trở trên con đường mục vụ tại nước này.


Bangkok, ngày 21.2.2007

Chia tay Việt Nam, chào Thái Lan


Thế là hai giờ đồng hồ đã trôi qua từ khi chuyến bay VN851 của hãng hàng không Việt Nam xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất đáp cánh xuống sân bay Bangkok, và chính thức đưa mình vào một cuộc sống mới. Đứng chờ làm thủ tục hải quan trong lòng mình bổng dâng lên một cảm xúc vui buồn khó tả. Vui vì đây chính là nơi mình đã đặt nguyện vọng đến phục vụ và Hội dòng đã chấp thuận. Nhưng lại buồn vì mình bây giờ phải đối phó với rất nhiều cái mới lạ mà trước đây những cuộc thăm viếng ngắn ngũi đất nước này sẽ không bày tỏ cho mình thấy cho đến khi mình đi sâu vào môi trường sống của nó. Những cái mới lạ này sẽ vừa thú vị vừa gây nên sự bối rối, và ‘cơ hội’ để làm lỗi sẽ vô số.

Mình không xa lạ với sân bay tại Bangkok nên làm thủ tục và thu hành lý xong là ra đón taxi về địa chỉ nơi cư trú. Lần này mình đã biết về hai dịch vụ taxi khác nhau ở sân bay nên không phải bỏ ra một số tiền lớn để về nhà nữa. Hai lần trước đến Bangkok mình cứ bước ra cửa là có dịch vụ taxi chờ sẵn, nhưng không ngờ đó là dịch vụ taxi cao cấp với giá tiền hơn gấp đôi taxi bình thường. Nhưng bây giờ mình đã rành nên biết có nơi đón xe taxi và tính giá cước bình thường.

Mình đến nhà xứ của nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế trên đường Ruam Rudee lúc hơn hai giờ. Đây là nơi hội dòng của mình xin cho mình ‘ở nhờ’ trong thời gian học tiếng Thái vì hội dòng vốn không có cơ sở tại Bangkok. Mình xuống taxi, bước vào nhà xứ thì gặp một cô thư ký. Mình giới thiệu tên mình. Cô chỉ lên bảng chỉ định số phòng của mỗi người và cho mình biết mình ở căn phòng số 16 trên lầu ba. Mình có hai vali nặng thậm tệ, một cái mình mang theo từ Úc và Việt Nam, một cái mình gởi đây trong chuyến đi Thái Lan vào tháng 10, 2006. Trời nóng nực, người toát đẩm mồ hôi, thở hổn hển, nhưng mình cũng cố kéo hết hai vali đồ đạc lên phòng, cùng với một túi sách nhỏ và cái máy vi tính sách tay.

Phòng mình rộng, có một cái giường, một cái tủ áo quần, một cái bàn, một ghế ngồi đọc sách, một cái quạt, và một bồn nước rửa mặt. Ở đây mỗi phòng không có phòng tắm riếng. Mình có thấy toilette, nhưng chưa tìm ra phòng để tắm rửa.

Mình có gặp cha bề trên, ngài bắt tay chào hỏi đôi câu, nhưng không nói gì nhiều lắm. Ngài chỉ cho mình thấy nhà nguyện, và phòng xem TV, cũng như tủ đựng khăn. Mình đến đây theo kiểu ‘ở nhờ’ nên mình cũng không đòi hỏi sự tiếp đón quá mức độ nơi các ngài ở đây. Có những điều mình đang cần bây giờ nhưng từ từ mình hỏi cũng không quá trể.

Những giờ đầu tiên trên đất Thái như thế đó. Không có gì sôi động hay đặc biệt, thực ra khá đơn điệu. Mình sẽ ở đây hai ngày rồi đi đến Nong Bua Lamphu, là nơi các sư huynh trong dòng đang hoạt động để tham dự một chương trình chuẩn bị nhỏ cho đời sống ở đây.

Bangkok, ngày 20.2.2007

Chiều trước Tết ở Ngã 5 chuồng chó


Sáu giờ ba mươi tối giao thừa, mình đứng trước siêu thị Văn Lang ở Ngã 5 Chuồng Chó, Q. Gò Vấp chờ V. là người anh em trong dòng ra dẫn đường vào cộng đoàn ở An Nhơn để dự tiệc tất niên cho các anh em trong dòng phải ở lại các cộng đoàn nhỏ để coi nhà. 15 phút chờ đó đối với mình thật là thú vị. Không khí hối hả, nhộn nhịp và rộn ràng dường như có thể sờ thấy được khi chứng kiến xe cộ đi lại nơi khu vực vòng xoay. Mình đặc biệt chú tâm và cảm thấy vô cùng thích thú trong việc quan sát tất cả các cách mà người dân thành phố sử dụng xe máy để đưa hoa về nhà chưng trong dịp Tết.

Chỉ trong vòng 15 phút đó, mình đã chứng kiến cả chục cách mà các chậu hoa mai, cúc, đào được đưa về nhà. Một xe thì người điều khiển đặt nhành hoa đào trước người dựa vào cổ xe, trong khi nhành mai thì được cột sau yên xe. Có xe có hai người, một người giữ tay lái, người ngồi sau ôm hai bên hai chậu hoa cúc, hay là nhành đào. Xe kia có hai bạn trẻ, người phía sau ngồi ngược lại ôm một chậu mai.

Bằng các này hay cách khác, người ta đưa về nhà những chậu hoa rực rở để trang trí trong dịp Tết. 15 phút quan sát sinh hoạt của đồng bào trong những giờ trước Tết, mình thấy thật hạnh phúc và phấn khởi. Quả thực lúc đó câu nói ‘vui như Tết’ rất hiện thực đối với mình.

Thế nhưng không phải ai cũng vui trong những ngày này, vì còn quá nhiều người bất hạnh đang trải qua những cái Tết rất sơ sài và hiu quạnh. Tối giao thừa, một số anh em trong dòng tham gia chương trình xã hội đi phân phát quà Tết cho những người vô gia cư, neo đơn trên đường phố. Mình cũng xin được đi theo. Mình và Kh. được giao hai bao nylon lớn có những phần quà được chia sẵn. Nhóm của mình có 6 người, được bố trí quận Gò Vấp trong khi những quận khác thì sẽ được đảm trách bởi các thành viên khác trong nhóm.

Mình chạy xe chở Kh qua rất nhiều đường phố ở quận Gò Vấp từ công viên Gia Định lên đến giáo xứ Bến Hải, giáo xứ An Nhơn, đường Lê Đức Thọ, Nguyễn Oanh….mà dường như không phát hiện được đối tượng mà người phụ trách dặn là nên biếu quà. Mình và Kh chạy hơn một tiếng đồng hồ mà chỉ giao được hai phần quà. Mình cứ nghĩ chắc phải đem quà về nhà rồi hôm sau đi giao tiếp, vì lúc đó đã gần hai giờ sáng. Mình và Kh đều cảm thấy rất buồn ngủ và…ê mông vì ngồi xe quá lâu (tính luôn thời gian dạo phố trước khi đi phát quà).

Nhưng cuối cùng thì mình cũng đã tìm ra khá nhiều người đáng thương đang lang thang trên đường phố. Không tìm ra người ở Gò Vấp, mình chạy qua Bình Thạnh. Trước bệnh viện Ông Bướu, mình gặp một anh bán vé số bị bọn dữ đánh đập để lấy tiền. Anh vào bệnh viện để xin giúp đỡ, nhưng không có tiền để scan nên bác sĩ chỉ băng bó giã chiến rồi cho về. Anh đi lang thang rất tội nghiệp. Khi gởi cho anh hai phần quà, mình thấy thương tâm quá nên biếu anh thêm 100.000 đồng.

Rẻ qua đường Phan Đăng Lưu, mình thấy bốn người đang đi trên vĩa hè. Tiến lại gần mới thấy đó là bốn người dân thiểu số bị phong hũi, tay chân băng bó, vì những ngón tay đã bị cụt. Kh xuống xe gởi mỗi người một phần quà. Họ không cầm lấy quà được nhưng ngã nón ra để nhận quà. Mình nhìn họ thấy buồn muốn khóc. Tội nghiệp quá chừng.

Mình chạy ngang một ngôi chùa nhỏ, thấy một người đàn ông mù đang ăn xin ở cổng chùa. Mình dừng xe lại, Kh tiến lại gần và tặng ông một phần quà. Hóa ra, sau khoảng một giờ đồng hồ không phát hiện ra đối tượng để biếu quà thì sau đó mình và Kh liên tục gặp những người đau khổ. Hai bao đựng quà lớn hết dần, rồi cuối cùng cũng không còn nữa. Nhìn lại những phần quà đó chẳng thấm vào đâu. Trên đường về, mình thấy rất nhiều người vô gia cư, nhưng lúc đó không còn quà để phân phát nữa. Mối lo toan phải đưa quà về vì không gặp được người nghèo đã không trở nên hiện thực.

Mình về tới nhà khi đã 3 giờ sáng. Mình leo lên giường tranh thủ tìm giấc ngủ để sáng hôm sau mình dậy đi thăm viếng nghĩa trang, qua nhà Dì Dượng mình chúc Tết, và đón xe đò ra Bà Rịa chúc Tết Cậu Mợ mình và chơi Tết với các anh chị. Đặt lưng xuống giường, mình cảm thấy mệt nhừ. Nhưng quả thực mình đã có một đêm giao thừa rất vui tươi, đầy ý nghĩa và trọn vẹn.


Sài Gòn, ngày 17.2.2007

Sài Gòn những ngày trước Tết


Sài Gòn những ngày trước Tết thật nhộn nhịp, khắp nơi người ta thấy hoa mai hoa đào được trưng bày, mặc dầu trong những ngày này thì đa số những hoa mai đào đều là hoa....giả. Trước nhiều quán cà phê và nhà hàng, các cây xanh ngẫu nhiên được biến thành những cây mai và đào rực rở. Nhưng chẳng bao lâu nữa thì ta không chỉ thấy đồ giả mà sẽ chứng kiến những nụ mai và đào thực. Trên đường phố người ta bắt đầu chở về nhà những cây mai kiểng, trên nhành vô số nụ đang chờ ngay để nở tung thành những chiếc hoa vàng tươi thắm.


Mình thích nhất là Sài Gòn trong những ngày trước Tết. Ai cũng mua mua sắm sắm, ai cũng háo hức chờ Tết. Đi đâu cũng nghe nói về tiệc tất niên, và việc chuẩn bị cho những chuyến về quê ăn Tết.

Năm này, mình cũng sẽ 'về quê' ăn Tết vì mình chỉ thích Sài Gòn trước Tết, chứ mình không thích Sài Gòn vào Tết. Mồng 1 mồng 2 ở Sài Gòn buồn hiu. Nhiều người bỏ về quê, trả thành phố lại cho những người 'gốc gác' Sài Gòn, nên thành phố bổng nhiên trở nên hiu quạnh hẳn ra.

Sáng mồng 1, sau khi ra viếng mộ của Dì mình mới qua đời vào tháng 11 vừa qua, mình sẽ ra Bà Rịa để mừng Tết với nhà của Cậu mình và những đứa con của Cậu. Chắc chắn sẽ có mục ăn nhậu với những đứa con của Cậu, hay là một chuyến đi chơi Vũng Tàu hoặc Hồ Cốc.

Tối hôm qua, mình may mắn được 'chúc phúc giữa (4) người phụ nữ' khi được mời đi chơi với Kh. và 3 người bạn khác. Kh. là cô gái mình quen ở Úc đang có mặt tại SG thăm gia đình. Buổi đi chơi bắt đầu với việc ăn tối ở quán Thuận Tuấn đầu đường Nguyễn Đình Chiểu, rồi tiếp theo là một chầu ngêu sò ốc hến trên đường Trần Hưng Đạo, và kết thúc bằng những ly nước và kem tại quán cà phê Napoly.

Đây là cái Tết thứ ba mình được thưởng thức tại Việt Nam kể từ ngày mình rời Việt Nam lúc còn nhỏ. Tết bây giờ không giống như những gì trong ký ức của mình, có thể nói 'bình thường' hơn những gì mình nhớ. Tuy nhiên, Tết bây giờ cũng có những cái đặc biệt của nó. Mỗi lần thấy một chiếc xích lô chở chậu hoa mai đi trên đường phố, mỗi lần ngắm chậu hoa đào Trung Quốc mình mua trên đường Hai Bà Trưng đem về phòng khách sạn chưng, hay mỗi lần nghe một bài nhạc xuân quen thuộc phát ra từ giàn máy của một cửa tiệm nào đó, thì trong lòng mình dâng lên một cảm xúc rất đặc biệt, mà chỉ có được khi biết Tết đang đến với người dân Việt khắp nơi.

Sài Gòn, ngày 12.2.2007

Cạo gió lành bệnh

Hình như chứng bệnh cứng cổ của mình sắp hết rồi. Đây quả thật là một điều đáng mừng vô cùng vì mình đã rất đau khổ với chứng bệnh này một năm rưởi rồi. Mình đã đi bác sĩ nhiều lần, chụp MRI và X-quang, nhưng không phát hiện trong cổ mình có gì lạ thường.

Hôm qua, mình nghe lời chị Liên đến gặp một Seour ở Dòng Trinh Vương tại Bùi Môn. Seour đặt tay lên cổ và vai của mình rồi bảo:

- Cha bị gió ở đây. - Sr. ngấn tay vào một chỗ trên vai mình thấy đau điếng.

Mình cởi áo ra cho seour khêu bằng kim và nặn máu. Mình hỏi seour:

- Máu con ra sao seour?

- Máu cha đen thui. Cha bị gió nhiều lắm.

Seour bảo mình lên giường nằm xấp, rồi khêu khắp lưng. Sau đó ngồi dậy, seour lấy dầu và một cái muổng cạo gió. Seour cạo gió trên cổ, vai, và ngực. Mình thấy đau điếng phải cắn răng chịu đựng. Trước đây mình cũng có được cạo gió trên lưng, nhưng đã lâu rồi không làm điều này.

Seour cạo gió, gió nổi lên đầy người. Seour bảo chưa bao giờ thấy ai có gió như vậy.

- Mình cha giống như Chúa Giêsu chịu nạn. Cha bị cảm quá lâu rồi nên mới như vậy. Khêu rồi mà vẫn còn quá nhiều gió.

Mình liếc nhìn bả vai, giựt mình. Nó nhìn gióng Chúa chịu nạn thật, cả ngực và vai bầm tím như mới bị tra tấn xong.

Hóa ra gần hai năm qua, mình bị cứng cổ là do bị cảm mà vẫn chưa dứt. Căn bệnh kéo dài quá, huyệt mình không thông nên mới bị như vậy.

Seour cạo gió xong, mình về. Hôm nay cổ mình không còn cảm giác bị cứng nữa. Nhưng nhìn thật xấu. Phần bên trái bầm tím, mình phải mặc áo sơ-mi cổ cao, không thôi người ta tưởng mình mới bị tra tấn ở Iraq về. Có lẻ còn lâu vết bầm mới tan, nhưng dù sao đi nữa thì mình cũng sẵn sàng chịu đựng, miễn sao hết bệnh.

Nghĩ cũng vui thật, đi gặp nhiều chuyên gia Tây y không xác định được bệnh, mà cuối cùng chỉ khêu và cạo gió lại giải quyết được khá dễ dàng. Nếu thực sự đã sắp lành thì mình thật cám ơn Chúa vì chứng bệnh hành hạ sắp không còn nữa.

Sài Gòn, ngày 10.2.2007

Cạo gió lành bệnh

Hình như chứng bệnh cứng cổ của mình sắp hết rồi. Đây quả thật là một điều đáng mừng vô cùng vì mình đã rất đau khổ với chứng bệnh này một năm rưởi rồi. Mình đã đi bác sĩ nhiều lần, chụp MRI và X-quang, nhưng không phát hiện trong cổ mình có gì lạ thường.

Hôm qua, mình nghe lời chị Liên đến gặp một Seour ở Dòng Trinh Vương tại Bùi Môn. Seour đặt tay lên cổ và vai của mình rồi bảo:

- Cha bị gió ở đây. - Sr. ngấn tay vào một chỗ trên vai mình thấy đau điếng.

Mình cởi áo ra cho seour khêu bằng kim và nặn máu. Mình hỏi seour:

- Máu con ra sao seour?

- Máu cha đen thui. Cha bị gió nhiều lắm.

Seour bảo mình lên giường nằm xấp, rồi khêu khắp lưng. Sau đó ngồi dậy, seour lấy dầu và một cái muổng cạo gió. Seour cạo gió trên cổ, vai, và ngực. Mình thấy đau điếng phải cắn răng chịu đựng. Trước đây mình cũng có được cạo gió trên lưng, nhưng đã lâu rồi không làm điều này.

Seour cạo gió, gió nổi lên đầy người. Seour bảo chưa bao giờ thấy ai có gió như vậy.

- Mình cha giống như Chúa Giêsu chịu nạn. Cha bị cảm quá lâu rồi nên mới như vậy. Khêu rồi mà vẫn còn quá nhiều gió.

Mình liếc nhìn bả vai, giựt mình. Nó nhìn gióng Chúa chịu nạn thật, cả ngực và vai bầm tím như mới bị tra tấn xong.

Hóa ra gần hai năm qua, mình bị cứng cổ là do bị cảm mà vẫn chưa dứt. Căn bệnh kéo dài quá, huyệt mình không thông nên mới bị như vậy.

Seour cạo gió xong, mình về. Hôm nay cổ mình không còn cảm giác bị cứng nữa. Nhưng nhìn thật xấu. Phần bên trái bầm tím, mình phải mặc áo sơ-mi cổ cao, không thôi người ta tưởng mình mới bị tra tấn ở Iraq về. Có lẻ còn lâu vết bầm mới tan, nhưng dù sao đi nữa thì mình cũng sẵn sàng chịu đựng, miễn sao hết bệnh.

Nghĩ cũng vui thật, đi gặp nhiều chuyên gia Tây y không xác định được bệnh, mà cuối cùng chỉ khêu và cạo gió lại giải quyết được khá dễ dàng. Nếu thực sự đã sắp lành thì mình thật cám ơn Chúa vì chứng bệnh hành hạ sắp không còn nữa.

Sài Gòn, ngày 10.2.2007

Lòng mẹ

Hôm qua, mình cùng một số anh em trong dòng đến nhà thờ Tam Thái gần ngã ba Ông Đồn để tham dự thánh lễ an táng của mẹ cha H., là một người anh em thuộc tỉnh dòng Úc. Cha H. chủ tế và giảng lễ vô cùng cảm động. Mình rất tán phục anh đã làm được điều đó với mức độ bình tỉnh nhất có thể.

Trong bài chia sẻ, anh đã nhắc lại những kỷ niệm của mình về người mẹ thân yêu. Có những lúc xúc động quá, anh không thể nói được. Anh cứ dừng lại, thinh lặng, rồi tiếp tục sau khi bình tâm trở lại. Trong những giây phút đó, dường như cả nhà thờ lắng đi trong sự cảm thông với anh và thương tiếc một con người đơn sơ, chất phác, và trung thành với Chúa đã ra đi. Và cứ như thế, anh đã hoàn tất bài giảng của mình.

Nghe anh giảng mình không thể không khỏi liên tưởng đến sau này mình cũng phải đứng ở vị trí như anh. Mình sẽ nói những gì? Mình có chia sẻ trong thánh lễ mà bình tâm được không? Hay là mình sẽ quá xúc động đến nỗi không nói được lời nào?

Nghe anh H. kể về mẹ anh, mình chợt nhớ khi mình còn học cấp II, trong gia đình anh mình có chuyện xích mích với bố nên bỏ nhà ra ngoài ở một thời gian. Mẹ mình buồn lắm, nhưng không thể làm được gì. Bố thì nóng tính mà anh trai thì lại cứng đầu.

Trong những ngày đau buồn đó, mẹ mình tự an ủi chính mình qua những bài hát. Có lần, mẹ kêu mình đưa cho mẹ cái máy cassette thâu băng. Mẹ bỏ chiếc máy trước mặt rồi bắt đầu hát những bài hát về người mẹ như "Lòng mẹ" và những bài khác mà mình cũng chẳng nhớ tựa đề. Tuy nhiên, đó là những bài hát về mẹ rất quen thuộc mà mình đã từng nghe mẹ hát rất nhiều lần khi mình còn nhỏ.

Mình nhớ mẹ hát thật tha thiết, thật buồn bã, như trút hết tâm sự của mẹ vào trong bài hát. Sau này, hình ảnh mẹ mình ngồi hát vẫn còn khắc sâu trong tâm trí, chỉ tiếc là cuốn băng đó bây giờ không biết ở đâu. Có thể nó đã bị quăng vào thùng rác trong những lần dọn dẹp nhà cửa. Mình ước gì lúc đó mình nhận ra giá trị của cuốn băng cassette đó như thế nào để mình lưu giữ nó lại. Nếu làm điều đó thì chắc chắn bây giờ mình sẽ có một báu vật rất lớn.

Bây giờ mẹ mình không hát nhiều như trước đây nữa. Nhưng thỉnh thoảng khi nghe một bài hát nào đó quen thuộc thời xưa, những kỷ niệm thời thơ ấu được nghe mẹ hát lại được gợi lên trong tâm trí như một kỷ niệm thật êm đềm và tuyệt vời.

Sài Gòn, ngày 9.2.2006

Sài gòn Chúa Nhật


Hôm qua, mình đi chơi với Khánh và những chị em và bạn bè của Khánh. Khánh là một cô gái đang du học và sinh sống tại Úc, mới về Việt Nam thăm gia đình trong dịp trước Tết. Mình quen Khánh qua các cha trong dòng tại Úc. Nhà Khánh ở Sài gòn, nên mình có cơ hội gặp lại Khánh ở đây.


Sáng Chúa Nhật, Khánh đến đón mình tại khách sạn để đến nhà thờ Đakao tham dự lễ lúc tám giờ. Cha Q. cũng có mặt. Sau lễ, mình và Khánh, cha Q., hai chị em của Khánh là Tâm và Thi kéo nhau đến quán bánh cuốn Tây Hồ trên đường Đinh Tiên Hoàng. Mình đòi chạy xe chứ không để cho Khánh chở. Dù sao đi nữa thì mình cũng là đàn ông con trai, đâu ai thích để cho một cô gái bé tí chở mình đàng sau. Ngồi như vậy chẳng khác gì đeo một cái khẩu hiệu to tộ bố trên lưng với dòng chử: "Tôi là Việt Kiều".


Khánh tưởng mình không rành chạy xe máy nên sợ lắm, cứ la lên mỗi lúc sắp đến đèn đỏ. Nhưng một lúc sau thấy mình chạy không có sự cố gì thì Khánh không còn hồi hộp lo sợ nữa.


Ăn sáng xong, cả nhóm (có thêm Lộc là bạn của Khánh) đến uống cà phê ở quán Khúc Ban Chiều ở Q.3. Quán này rất thoải mái và dễ chịu, không xô bồ như các quán MGM hay Ngôi Sao, vốn quá tấp nập, đặc biệt vào sáng Chúa Nhật.


Ngồi đàm đạo những chuyện trên trời dưới đất xong thì cả bọn lại trở nên đói bụng nên đã tìm đến quán Biển Đông trên đường Mạc Đỉnh Chi để ăn trưa. Thế là các món nghêu hấp thái, tôm nướng, mực một nắng, gỏi hải sản Thái Lan, cơm chiên hải sản, ốc mỡ xào me... được lần lượt kêu. Mọi người ăn thỏa thích. Quán Biển Đông vừa ngon vừa rẻ (Không biết quảng cáo như thế này mình có được trả huê hồng không nhỉ?).


Khi ăn xong thì đã hơn 2h chiều, nhưng mọi người vẫn chưa muốn về. Thế là mục tiếp theo phải là karaoke vì trưa Sài gòn thì chỉ có kéo và phòng karaoke máy lạnh mới trốn được cái nóng bức (mặc dầu những ngày này không phải là nóng lắm). Chương trình karaoke kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ. Mấy chị em và bạn bè Khánh đều là thành viên của ca đoàn nên hát rất khá. Các bản nhạc bấm lên thì được hưởng ứng nhiệt liệt.


Chương trình karaoke ở Điểm Vang trên đường Lý Tự Trọng xong thì cha Q. phải về nhà để chuẩn bi hành lý ra sân bay về quê thăm gia đình. Mình trở về khách sạn để nghỉ ngời mới lấy lại sức sau đó còn 'chiến đấu' tiếp.


Có thể nói mình đã có một ngày Chúa Nhật rất Sài Gòn. Đi lễ, đi uống cà phê, đi ăn, đi hát karaoke. Mình cảm thấy vui khi có dịp đi chơi với các bạn trẻ ở Sài Gòn. Các bạn rất ngạc nhiên khi thấy mình có thể ca những bài "Dĩ Vãng Cuộc Tình," Vầng Trăng Khóc", hay "Tình Yêu Lung Linh". Khi ngồi trong quán cà phê, Tâm nói với mình: "Con thấy phong cách cha thật trẻ trung, rất khác những cha ở đây".


Có lẽ đó là một điều mình cũng muốn chia sẻ với những bạn trẻ. Mình đi tu hay làm linh mục thì vẫn có thể yêu đời, vẫn có thể gần gũi với thực tại của cuộc sống, vẫn có thể hòa nhập với dòng chính của xã hội. Mình vẫn tin rằng phải như thế thì may ra mình mới hiểu được những ưu tư và trăn trở của người trong cuộc. Mình còn trẻ thì tại sao không tận dụng cái trẻ của mình để thấu hiểu giới trẻ? Tại sao mình còn trẻ mà phải làm 'ông cụ non' chỉ vì mình là một linh mục? Sau này, mình cũng sẽ già đi. Lúc ấy có làm trẻ cũng không được. Vả lại già rồi mà muốn làm trẻ thì sẽ rất khó coi.


Sài gòn, Quán cà phê V3, ngày 5.2.2007

Sài gòn, những cái vui cái buồn


Mình đến Sài gòn vào lúc 9h tối qua hãng hàng không Thái. Lần này về mình không cho ai đến sân bay đón. Mình tự kêu taxi về khách sạn mà mình đã nhờ một người bạn đặt phòng trước. Khách sạn nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, đàng hoàng, lịch sự, không mắc cũng không rẽ, tuy mắc hơn bất cứ khách sạn nào mình đã từng ở tại Việt Nam trước đây.


Tới khách sạn bỏ hành lý xuống thì mình đi dạo phố với một người bạn, rồi đi uống cà phê ở quán mới mở trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Quán đông người cực kỳ, có lẽ vì mới mở nên 'dân chơi' ai cũng phải đến để kiểm tra tình hình. Quán được, nhưng mắc và không có gì đặc biệt ấn tượng. Mình kêu ly nước cà rốt ép tính 44.000, mình thấy vậy là quá mắc. Có lẽ mình thuộc thành phần Việt kiều "dzổm", không phải là dân chơi thứ thiệt nên ly nước như vậy thì đối với mình là không đáng. Mình không nghĩ mình sẽ trở lại quán cà phê này.


Uốc nước xong, ông bạn thả mình xuống trước khách sạn và đưa cho mình 100.000 (mình chưa có sẵn tiền VN) để đi ăn cháo. Mình đi bộ qua quán cháo Hà Nội trên đường Pasteur mua cháo gà. Kêu cháo gà xong thì mình mới sựt nhớ là ở Việt Nam đang bị nạn dịch cúm gà. Nhưng rút lui không được vì cô bé nấu cháo đã bỏ gà vào xoong cháo rồi. Thôi, may nhờ rủi chịu vậy. Mắc dịch mà chết vì cúm gà thì cũng do trời định.


Nói về cái chết thì mình mới vừa nhận được một email từ ông Rick ở giáo xứ tại thành phố Macquarie Fields, nơi mình đã ở lại mấy tuần qua. Ông Rick là một người giáo dân đạo đức, hiền lành, và rất nhiệt tình đối với công việc của giáo xứ.


Ông báo cho mình một tin buồn. Vợ ông, bà Ana vừa qua đời tối nay. Mình rất bất ngờ vì Chúa Nhật vừa qua, mình dâng lễ 8h30 sáng. Bà Ana đi tham dự và khi lễ xong, bà đã đến hôn mình trên cả hai má, rồi khen tới tấp bài giảng của mình.


Mình nói với bà là thứ sáu này mình sẽ rời Úc, và xin bà cầu nguyện đặc biệt cho mình. Bà hứa sẽ làm điều đó, và hẹn ngày thứ ba sẽ gặp mình vào giờ lễ. Bà cũng nói là bà đã có địa chỉ email của mình và sẽ thường xuyên liên lạc khi mình sang Thái Lan. Nhưng đến thứ ba thì mình nghe nói bà Ana phải đi bệnh viện. Cha Mike nói tim bà Ana không được khỏe. Mình cũng nghĩ đây chỉ là bệnh của người già, rồi cũng sẽ khỏi.


Nhưng bà Ana đã không qua khỏi. Thánh lễ Chúa Nhật mà mình dâng là thánh lễ cuối cùng bà Ana tham dự trong cuộc đời của bà. Hôm qua bà đã bị tai biến và đã tìm về Nước Trời. Ông Rick email báo tin. Ông nói: "Ana có nói với tôi là bà sẽ cầu nguyện cho cha trong lúc này. Tôi nghĩ bây giờ, bà không chỉ cầu nguyện với Chúa cho cha từ xa mà rất gần bên Ngài."


Ông Rick làm mình cảm động quá. Một tin buồn cũng có thể trở nên một hồng phúc. Mình buồn thật, nhưng mình lại thấy trong lòng dâng lên một niềm vui. Mình tự nhủ: Quả là may mắn khi mình đã nhờ bà Ana cầu nguyện đặc biệt cho mình trong tuần này khi mình đang có sự thay đổi trong cuộc sống. Có thể ngay trong giây phút này bà đang cầu bàu cùng Chúa cho mình, khẩn cầu Ngài đồng hành, nâng đỡ, và che chở mình trong những thử thách của cuộc sống mới.


Xin Chúa cho linh hồn Ana được lên chốn nghỉ ngơi.

Hằng xem thấy mặt Đức Chúa trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.


Sài gòn, ngày 3.2.2007

Đêm cuối


Mình cứ tưởng rằng cuộc gặp gỡ chia tay cuối cùng sẽ diễn ra khi mình trở lại cộng đoàn mẹ chiều nay để có bữa ăn tiễn đưa mình và cha Q. lên đường (cha Q. có bài sai đi Việt Nam). Nhưng khi ăn xong, mình lại thấy có chị H. và chị L. đến chơi. Hai chị rủ mình và thầy Đ. đi ăn cháo cá ở Caley Heights. Cha Q. bận khách nên không đi được, mặc dầu cha Q. là nhân vật chính yếu trong những cuộc tiễn đưa này vì cha là người của xứ này. Mình chỉ là người đến rồi đi. Dĩ nhiên cũng có người quý mến, nhưng không mặn mà.

Cha Q. không đi được, mình và thầy Đ. cùng đi với hai chị. Chị H. cũng gọi thêm chị Y. và chị K. và hẹn hai chị gặp ở quán ăn. Tới quan không lâu thì chị L. và anh Th. lại gọi hỏi đang ở đâu. Thế là mình kéo hai anh chị ra quán cùng ăn cháo.

Ăn cháo xong, chị L. ý kiến đi ăn kem ở quán kem Blue Heaven. Nhưng không may là quán đã đóng cửa, nên cả nhóm kéo về nhà anh Th. để chơi. Anh Th. có giàn karaoke rất chiến và đã được đem ra sử dụng cho đến 12h khuya. Mình hát bài "Tình không biên giới" để tặng mọi người. Mình vốn không có giọng hát hay lắm, nhưng tối hôm nay mình được khen thật nhiều. Có lẽ vì sắp chia tay các chị nên có hát dỡ cũng phải khen hay để làm vui lòng người ra đi. Chị L. hát bài "Mưa phi trường" và chị H. cúng hiến bài "Đêm cuối".

8h sáng, mình sẽ khởi hành ra sân bay để đi...Việt Nam. Điểm dừng cuối cùng là Thái Lan. Nhưng mình sẽ ghé qua Việt Nam khoảng một tuần để thăm viếng một vài người thân và thưởng thức không khí trước Tết. Chỉ tiếc là mình không thể mừng Tết ở đó được.

Giây phút này mình mới bắt đầu thực sự cảm nhận được mình đang bước vào một giai đoạn mới trong cuộc đời truyền giáo. Tuy nhiên, thời gian qua là những động tác bò đi rất vụng về và bối rối cho mình. Mình hy vọng những gì trước mắt sẽ tốt đẹp hơn.

Epping, NSW ngày 2.2.2007