GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI TẠI ĐÔNG NAM Á TRONG THỜ KỲ KỸ THUẬT SỐ




Phần I: Tổng quan về tình hình kỹ thuật số tại Đông Nam Á

Đông Nam Á là một khu vực rất đa dạng về tôn giáo, xã hội, văn hóa, kinh tế và  chính trị. Với tổng dân số trên 657 triệu người,[i] ĐNA là khụ vực đứng thứ ba trên thế giới về dân số xét theo địa lý, chỉ sau Nam Á và Đông Á. Sự phát triển về công nghệ Internet, như các khía cạnh khác trong đời sống của người dân ĐNA, có nhiều khác biệt giữa các nước với nhau. Mặc dầu mức đô thị hóa của toàn khu vực chưa tới 50%, nhưng mạng lưới Internet đã xuất hiện ở gần 60%[ii] trên toàn vùng với mức tăng trưởng hàng năm ở đa số các nước đạt tới trên 10%.[iii] Với trên một nửa người ĐNA đang sử dụng Internet thường xuyên hàng tháng, khu vực ĐNA đã trở nên thị trường Internet lớn thứ ba trên thế giới, ước tính vào năm 2025 sẽ đạt mức 200 tỉ USD.[iv]

Những thống kê khác về tình hình kỹ thuật số tại ĐNA cũng rất đáng quan tâm. Người ĐNA đứng đầu thế giới về thời giờ sử dụng Internet mỗi ngày, phần lớn bằng phương tiện điện thoại thông minh. Theo tổ chức Global Web Index, người dùng Internet tại Thái Lan đứng ở vị trí số một với thời lượng 9 giờ 38 phút mỗi ngày. Vị trí thứ hai thuộc về người Philippines với 9 giờ 29 phút. Indonesia và Malaysia xếp hạng thứ 4 và thứ 6 trên bảng thông kê. Ngoài ra hai quốc gia ĐNA khác là Singapore và Việt Nam cũng nằm trong danh sách 15 quốc gia sử dụng Internet nhiều giờ nhất thế giới. Theo bảng thống kê này thì đa số các quốc gia ĐNA rơi vào danh sách tốp 15.[v]

Người ĐNA bỏ ra không ít thời giờ mỗi ngày để vào mạng xã hội. Tại ĐNA mức phổ biến của mạng xã hội đã đạt được 55%. Nước Brunei không chỉ dẫn đầu toàn khu vực về mức phổ biến của mạng Internet mà còn dẫn đầu về mạng xã hội với mức phổ biến đạt 81%. Trong khí đó, hơn ¾ người Singapore thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Người ĐNA dùng nhiều ứng dụng mạng xã hội khác nhau. Mặc dầu Facebook vẫn là ứng dụng số một tại tất cả 11 quốc gia ĐNA, nhưng cũng có những ứng dụng khác được ưa chuộng tùy theo quốc gia. Trong khi ứng dụng LINE phổ biến tại Thái Lan và Indonesia thì người Việt Nam lại ưa chuộng Zalo là một ứng dụng đã được phát triển bởi chính người Việt. Tại Philippines, Viber từng được ưa chuộng đến nỗi cơ quan giao thông vận tải cũng sử dụng Viber để làm đường giây nóng. Mặc dầu Facebook Messenger đã vượt lên hàng đầu tại các nước như Việt Nam và Philippines, nhưng các ứng dụng khác như Whatsapp và WeChat cũng được nhiều người ĐNA dùng để liên lạc với nhau. Tại Malaysia và Singapore, WhatsApp vẫn là ứng dụng gửi tin nhắn được ưa chuộng nhất trên thị trường.[vi]
           
Sự phát triển về kỹ thuật số trong khu vực cũng thiếu sự đồng đều. Trong khi Brunei và Singapore có mức kết nối với mạng lưới Internet cao thì dưới 1/3 người dân ở các nước Myanmar, Lào và Timor-Leste có điều kiện để truy cập Internet. Tại Myanmar cũng như Lào chưa tới ¼ người dân biết đến mạng xã hội. Tuy nhiên, ở các nước này đang chứng kiến sự tăng trưởng rất nhanh chóng. Tại Lào, từ tháng 1, 2016 tới 1, 2017, mức tăng trưởng đạt tới 83%. Sau khi Facebook không còn bị ngăn chặn ở Myanmar thì người dân đã bắt đầu đua nhau đăng ký tài khoản. Tới năm 2016 thì đã có 10 triệu tài khoản và đến năm 2018 thì số tài khoản đã tăng lên mức 14 triệu.[vii]     

Tổng quan kỹ thuật số rất phức tạp tại ĐNA cho thấy việc nghiên cứu về ảnh hưởng của mạng Internet trên Giáo hội và xã hội tại ĐNA không phải là việc đơn giản. Mặc dầu một số nhận định chung có thể được đưa ra về khu vực, nhưng sự xem xét kỹ lưỡng cho thấy tác động của công nghệ Internet trên mỗi quốc gia sẽ khác nhau tùy theo bối cảnh của mỗi nơi. Bài viết nghiên cứu này đưa ra một bức tranh tổng quát về ảnh hưởng của mạng Internet trên giáo hội và xã hội ĐNA. Tuy nhiên để có sự chính xác thì việc nghiên cứu cần phải được thực hiện với mỗi quốc gia riêng biệt bởi vì như đã nói trên, ĐNA là một khu vực vô cùng đa dạng nên không dễ để đưa ra những nhận xét có thể áp dụng chung cho toàn khu vực.



[i] “Southeast Asian Population,” Worldometers, http://www.worldometers.info/world-population/south-eastern-asia-population/ (accessed October 7, 2018).
[iii] Atzlan Othman, “Facebook most popular social mediate platform in the Sultanate,” Borneo Bulletin. https://borneobulletin.com.bn/facebook-most-popular-social-media-platform-in-the-sultanate/, (May 19, 2018).
[iv] John Russell, “Google: Southeast Asia’s Internet economy is growing faster than expected,” Tech Crunch, https://techcrunch.com/2017/12/12/google-southeast-asias-internet-economy-is-growing-faster-than-expected/ (accessed October 12, 2018).
[v] “Time Spent Per Day on the Internet,” We Are Social, https://wearesocial-net.s3.amazonaws.com/wp-content/uploads/2018/01/DIGITAL-IN-2018-002-TIME-SPENT-ON-THE-INTERNET-V1.00.png (accessed October 7, 2018)
[vi] “Digital in Southeast Asia in 2017,” We Are Social, https://wearesocial.com/special-reports/digital-southeast-asia-2017 (accessed October 7, 2018).
[vii] “Revealed: Facebook hate speech exploded in Myanmar during Rohinya crisis,” The Guardian, https://www.theguardian.com/world/2018/apr/03/revealed-facebook-hate-speech-exploded-in-myanmar-during-rohingya-crisis (April 3, 2018).

No comments: