Thuyên chuyển

Sinh hoạt giới trẻ giáo xứ


Những tranh luận xung quanh một vị linh mục nổi tiếng tại Việt Nam được đấng bản quyền thuyên chuyển sau một thời gian phục vụ đầy năng nổ tại một giáo điểm làm cho mình nhớ lại những lần mình cũng đã được thuyên chuyển như thế. Tuy nhiên, khác với vị linh mục nói trên những lần thuyên chuyển của mình tương đối âm thầm và không có gì kịch tính hay đáng nói.

Đối với mình và tất cả mọi người trong đời sống tận hiến, việc thuyên chuyển là điều bình thường như cơm bữa. Có khi việc thuyên chuyển diễn ra khi nhiệm kỳ đã kết thúc như mong đợi, nhưng cũng có khi vì nhu cầu đòi hỏi có sự thay đổi nhân sự đột ngột đành phải chấp nhận.

Năm 2008, mình bất ngờ được ĐGM George của Gp. Udon Thani bổ nhiệm về quản nhiệm một giáo xứ nhỏ tại tỉnh Nong Bua Lamphu vùng Đông bắc Thái Lan chỉ sau một thời gian ngắn bước chân vào giáo phận. Khi đến nhận trách nhiệm, mình cảm thấy vô cùng hụt hẩng vì nơi gọi là giáo xứ đó chỉ có nhà thờ với một số ít giáo dân. Giáo xứ chỉ mới được thành lập 5 năm và chưa từng có một vị quản xứ ở dài hơn 2 năm. Có người chỉ ở được 6 tháng. Trong giáo xứ không có hội đồng mục vụ, không có giáo lý viên, ban giúp lễ hay ca đoàn. Nếu có ca đoàn thì cũng không có đàn để phục vụ cho Thánh lễ. Mà nếu có đàn thì cũng không có ai trong giáo xứ biết đánh đàn.

Sau một thời gian thích nghi, cầu nguyện và tự làm việc tư tưởng để chấp nhận thách đố trong sứ vụ mới, mình đã bắt tay vào việc để xây dựng giáo xứ. Nhờ vào ơn Chúa mà những thứ chưa có cũng dần dần xuất hiện trong giáo xứ--từ hội đồng mục vụ cho đến người đánh đàn.

Sau vài năm tại giáo xứ mình còn làm được hơn thế nữa. Trong giáo xứ bắt đầu có những chương trình tĩnh tâm và hội trại giới trẻ, những chương trình học kỷ năng sống cho giới trẻ, chương trình học hè, chương trình từ thiện kết hợp với các trường học trong vùng. Về mặt truyền thông, giáo xứ có bản thông tin liên lạc, trang web, trang facebook, và chương trình radio được phát sóng mỗi ngày trên cả tỉnh.

Giáo xứ nhỏ bé của mình đã trở nên một nơi sống động với hàng loạt sinh hoạt giá trị. Đặc biệt, trong giáo xứ có cả giáo dân người Thái, người Việt lao động di dân và các em mồ côi bị nhiễm HIV được dòng Ngôi Lời và dòng Mẹ Tê-rê-sa chăm sóc. Ở đây người ta có thể nhận thấy sự tương thân tương ái giữa những con người vô cùng khác nhau, nhưng kết hợp với nhau trong tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Tiếng tăm của giáo xứ ở một tỉnh lẻ xa xôi đã bay tới thủ đô Bangkok khiến chương trình TV và báo Công giáo ở Bangkok cũng đã tìm đến để làm phóng sự về mô hình mục vụ của giáo xứ. 

Mọi thứ cứ như thế cho đến năm 2013, khi nhiệm kỳ tại giáo xứ kết thúc. Mình có bài sai từ bề trên trở lại Bangkok để làm công việc khác. Mình rời khỏi giáo xứ và nhường chức vụ quản xứ lại cho một người anh em khác. Sau một thời gian trở lại giáo xứ, mình thấy có nhiều khác biệt so với trước đây. Mặc dầu những thứ nền tảng như hội đồng giáo xứ, giáo lý viên, ban giúp lễ v.v. vẫn tồn tại, nhưng tất cả những hoạt động truyền thông trước đây đã chấm dứt. Những sinh hoạt hội trại từng được tổ chức hàng năm cũng không được tiếp tục. Tuy nhiên, nhà thờ đã trở nên khang trang hơn rất nhiều vì các vị đảm nhiệm sau mình đã xây dựng và sửa chữa những cái mà trước đây mình đã không mấy để ý đến. Các cha xứ sau mình cũng xây dựng thêm mối tương quan với những người trong cộng đồng như cảnh sát, các thương gia v.v. mà trước đây mình chưa có cơ hội giao tiếp. Các ngài cũng có những sinh hoạt khác phù hợp với tính cách của họ.

Giáo xứ bây giờ không giống như khi mình còn là quản xứ. Mình cũng không mong chờ là giáo xứ sẽ có những sinh hoạt mà mình đã từng làm khi còn đảm nhiệm tại đây. Nhưng đây vẫn là một giáo xứ Công giáo, vẫn là nơi giáo dân đến để thờ phượng và cầu nguyện, vẫn là nhà thờ Công giáo duy nhất trong tỉnh để làm chứng cho Tin Mừng của Chúa giữa lòng dân Phật giáo. Giáo xứ dưới một bầu khí và lãnh đạo khác vẫn là một phần nhỏ bé trong sứ vụ cứu chuộc vĩ đại của Thiên Chúa. Điều quan trọng và giá trị không nẳm ở hình thức sinh hoạt hay mô hình hoạt động, nhưng ở ý nghĩa của sự hiện diện của giáo xứ trên cánh đồng truyền giáo bao la này.

Cho dù là giáo xứ của mình hay là bất kể giáo xứ nào đi chăng nữa thì có những thứ không thể tránh được. Thứ nhất là không sớm thì muộn sẽ có sự thay đổi về nhân sự. Đó là điều hiển nhiên trong sứ vụ của Giáo hội. Không ai ở một nơi mãi mãi. Nếu không thay đổi vì hết nhiệm kỳ thì cũng thay đổi vì phải hưu dưỡng hoặc vì qua đời. Thứ hai là khi có sự thay đổi nhân sự thì cũng sẽ có thay đổi phần nào về cách tổ chức hoặc bầu khí trong giáo xứ. Thực trạng này cũng hiển nhiên vì không thể nào những con người khác nhau lại có thể hoạt động y như nhau. Sự thay đổi trong cách tổ chức dẫn đến các sinh hoạt khác là cách Giáo hội phát triển và thăng tiến qua từng năm tháng và thời đại. Cho dù nhân sự hay cách tổ chức có thay đổi thì một điều không bao giờ thay đổi, đó là sứ vụ yêu thương của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ cần quan tâm tới một điều duy nhất đó là phải làm gì để cộng tác vào sứ vụ đó một cách tốt đẹp nhất, hầu trở nên những chứng ta sống động cho Tin Mừng của Ngài. Sự tranh chấp về nhân sự, sự so đo giữa người đi trước và người đến sau, sự hồ nghi và chỉ trích đấng bản quyền với những lời thiếu bác ái…tất cả sẽ đi ngược với sứ vụ yêu thương của Thiên Chúa, và vô tình biến nơi rao giảng Tin Mừng thành nơi tranh chấp và hờn oán.

Bangkok, ngày 30.7.2019

Tốt khoe, xấu che




Dự tính ban đầu của mình cho sáng thứ bảy là đi tham dự lễ quan thầy của một giáo xứ trong TGP. Bangkok. Nhưng sáng nhìn ra sau vườn thấy một vũng nước tù với rong rêu mọc đầy trên nền đất nên gạt ý đi tham dự lễ. Mình nói với thầy Chalerm: - Sáng nay cha con mình sẽ khắc phục cái tình trạng khó nhìn và nguy hiểm phía sau nhà. Không gian này vừa bẩn vừa nguy hiểm vì nền đất rất trơn.

Thầy Chalerm hỏi: - Vậy cha định làm thế nào? Chỗ của mình thì thấp trong khi nước thì cứ tràn qua từ phía hàng xóm vì họ xây nền cao hơn mình. Cho dù trời không mưa thì bên kia vẫn có nước thấm qua.

- Cha nghĩ mình phải làm vệ sinh chỗ này và đặt một số cây cảnh ở đó để che bớt cái không đẹp. Với lại nếu có cái gì ở đó thì sẽ không có ai vô tình bước vào rồi không may trượt té.

Ăn sáng xong mình và thầy Chalerm lái xe ra khu vực bán cây cảnh ở Bangyay. Sau một giờ đồng hồ lướt qua năm sáu tiệm thì cũng tìm ra được những loại cây phù hợp với khu vực sau nhà. Đem cây về nhà bạn Anh cũng ra để giúp làm vệ sinh và điều chỉnh lại máy bơm nước để hút nước được tốt hơn. Tuy nhiên, vấn đề chỉ được khắc phục ở ngọn chứ không phải ở gốc vì tình trạng nước ứ qua từ phía hàng xóm vẫn tiếp tục. Dù sao thì phía bên mình cũng có cách để cho sự việc được cải thiện. Một phần là phải chăm làm vệ sinh để hạn chế rong rêu và rác rến ứ đọng lại. Một phần là dùng cây cảnh để che bớt những gì nhìn không đẹp mắt. Mỗi lần nhìn ra sau vườn thay vì thấy một vũng nước lầy thì có thể đưa mắt nhìn những lá cây và nụ hoa xinh tươi.

Thực tế của cuộc sống là không phải lúc nào mọi thứ sẽ tốt đẹp như mình mong muốn. Cái gì khắc phục được thì ta hãy khắc phục. Còn những gì xấu mà không thể khắc phục được ngay thì áp dụng phương pháp hiệu quả nhất đã có từ muôn đời, đó là “tốt khoe, xấu che.”

Bangkok, 27.7.2019

Tưới cây



Thời tiết ở Bangkok trời cứ thích mưa bất chợt. Nhiều lần bỏ ra cả giờ đồng hồ để tưới hết cây trong vườn. Vừa tưới xong thì trời bổng nhiên chuyển mưa rồi trào xuống như trút. Có ngày làm biếng tưới cây chờ cho có cơn mưa đổ xuống để khỏi phải ra tưới thì chờ mãi không thấy. Từ ngày chuyển về nhà mới số lượng cây cảnh tăng lên gấp đôi gấp ba nên việc tưới cây trở thành trách nhiệm lớn. Mà tưới cây cũng không phải đơn giản vì có mấy loài cây cũng rất khó tính. Tưới nhiều nước quá nó không chịu ra hoa. Thậm chí nó thối rễ rồi ngoẻo cổ. Có cây tưới ít nước thì bị khô rễ rồi cũng ngoẻo cổ. Có cây tưới mạnh một tí là nó ngã nghiêng ngã ngữa. Trong vườn có hàng chục loại cây mà phải biết tính cách của từng loại cây để chăm sóc cho tốt thì không phải chuyện nhỏ. Trồng cây mà đừng có mong đợi nó đáp ứng nhu cầu của mình thì dễ dàng hơn rất nhiều. Ngồi chờ thiên lý ra hoa, mồng tời leo đầy giàn, đậu bắp sinh đầy trái…có khi người cũng ngoẻo cổ luôn.

Bangkok, 26.7.2019

Lớp học 1 thầy 2 trò



 Kỳ học này lãnh đạo Đại Chủng Viện Lux Mundi đề nghị mình đảm trách môn học lương tâm trong truyền thống Công giáo, môn học dành cho các thầy đang theo học bằng thạc sĩ tại ĐCV. Môn học với nội dung rất thú vị bao gồm tìm hiểu về khái niệm lương tâm từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, lương tâm trong Kinh Thánh Cửu Ước, Tân Ước rồi qua các thời đại khác nhau cho đến những văn kiện và giáo lý của Giáo hội. Nội dung của môn học khá nặng ký và mình phải chuẩn bị rất nhiều tài liệu để đáp ứng mục đích của chương trình học. Mặc dầu khâu chuẩn bị tương đối công phu, nhưng môn học năm này chỉ có vỏn vẹn 2 sinh viên là hai thầy thuộc Tu hội thừa sai Thái Lan.

Sáng nay, mình vào lớp học chờ 2 người trò tới để bắt đầu. Năm phút sau thì thầy P. mở cửa bước vào. Thấy thầy P. chỉ vào một mình, mình hỏi: - Thầy R. đâu?

Thầy P. đáp: - Thưa cha, thầy R. bị bệnh rồi.

- Ủa, bị từ lúc nào? Hôm qua mới học với nhau đây mà, sao hôm nay bệnh mau vậy?

- Thầy bắt đầu có triệu chứng từ chiều tối hôm qua cha ạ.

- Vậy giờ làm sao? Lớp chỉ có 2 người mà mất đi 1 người rồi sao học? Mà hôm nay là thầy R. phải trình bày phần nội dung về lương tâm theo ĐHY Newman nữa.

- Mình có thể trở lại đề tài đó sau không thưa cha?

- Cha nghĩ không được. Đề tài tiếp theo sẽ là văn kiện Vatican II về lương tâm. Cha không muốn thầy R. bỏ qua phần nội dung này.

- Thế mình làm sao bây giờ?

- Chỉ có mỗi cách là nghỉ một ngày rồi tìm ngày học bù thôi.

Việc dạy học ở ĐCV có khi cũng trớ trêu vậy đó. Lớp học chỉ có 1 thầy 2 trò. Không biết nên tội nghiệp cho thầy hay trò. Thầy thì phải chuẩn bị công phu nhưng chỉ giảng bài cho 2 người nghe. Trò thì trong lớp ít người quá nên thầy giảng có chán bao nhiêu cũng không thể nào dám ngủ gật.

Bankok, ngày 23.7.2019

Chuyện nơi ở mới

Tập cho các bạn trẻ Việt Nam hát và đọc kinh tiếng Thái tại nhà thờ thánh Giuda Chinakhet, Bangkok

Từ khi trở về Bangkok đầu năm 2013 sau 5 năm làm mục vụ quản xứ tại vùng Đông bắc Thái Lan, mình đã ở năm chỗ khác nhau, bắt đầu từ ký túc xá trường đại học Công giáo Assumption, rồi sau đó chuyển qua chung cư, nhà phố và hiện giờ nhà có sân vườn. Thời gian đầu thì ở một mình, nhưng những năm gần đây thì có cộng đoàn nhỏ 2-3 người. Mỗi nơi ở đều có những điều thú vị và có những mối quan hệ gần gũi với những người lân cận, đặc biệt là các anh chị em Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan.

Mình đã dọn đến nơi thứ 5 tại Soi 30, đường Ngamwongwan tính đến nay là đã được 3 tháng. 3 tháng qua, ngoài công việc mục vụ và giảng dạy mà mình phải đảm trách thì công việc trong cộng đoàn vẫn diễn ra không ngừng. Dọn đến một căn nhà cũ với một khuôn viên khá lớn, có rất nhiều việc phải làm để cho nó trở thành một nơi đáng ở. Công trình đang diễn ra trong lúc này là việc biến một căn phòng lớn thành nhà nguyện cho cộng đoàn. Việc này cha Hùng đảm trách vì ngài giỏi giang trong khâu xây dựng. Mình chỉ biết góp ý về mặt nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng không có nhiều thứ cần góp ý vì mẫu thiết kế đã nhờ một chuyên gia vẽ ra để cho mình làm theo. Việc chính của mình là làm vườn, trồng cây, trang trí trong ngoài nhà. Mình cũng không chuyên về mãng cây cối nên nhiều khi phải trồng đi trồng lại nhiều lần nhiều cây mới được như ý. Dù sao đi nữa thì đó cũng là một thú vui, không hẳn là đam mê, mà là một sinh hoạt thư giãn mang lại niềm vui cho mình cũng như người khác khi nhìn những cây cảnh trong vườn.

Nói về mối quan hệ thì ở chỗ mới này đáng nhắc tới là mối tương quan với cha xứ tên Anucha Chaopraeknoi, quản xứ giáo xứ thánh Giuda. Nói là giáo xứ thì có thể nhiều người sẽ hiểu nhầm vì ở đây giống như là một trung tâm mục vụ hơn. Trên thực tế, đây là một tòa nhà được thiết kế từ nhiều căn nhà phố nối lại với nhau. Tòa nhà này từng là văn phòng chính của thông tấn xã Công giáo UCAN News. Tuy nhiên, sau này lãnh đạo của UCAN không còn nhu cầu có cơ sở lớn như vậy nên họ đã giao lại cho TGP Bangkok. TGP đã làm nơi này thành một trung tâm mục vụ, và gần đây đã thành lập giáo xứ nhỏ mang tên giáo xứ Thánh Giuđa Chinakhet.

Thánh lễ ngày Chúa Nhật có hai lượt, mỗi lượt chỉ 30-50 người đến tham dự. Đặc biệt lượt 7g sáng có khoảng 10-15 bạn trẻ Việt Nam lưu trú trong khu vục đến tham dự Thánh lễ. Những bạn này chủ yếu làm công việc phục vụ nhà hàng, quán bar nên khi xong việc cũng đã vài giờ sáng. Vì thế họ thường đi lễ sáng sớm rồi sau đó mới về nhà ngủ cho tới chiều rồi thức dậy để chuẩn bị đi làm tiếp.

Nhà thờ thánh Giuda chỉ cách nhà cộng đoàn mình hơn 2km. Vì thế mình cũng thỉnh thoảng đến cộng tác với cha xứ trong công việc mục vụ, cụ thể là với các bạn trẻ Việt Nam ở đó. Vì mình thấy các bạn đi lễ mà không tham dự được nghi thức trọn vẹn do vấn đề ngôn ngữ nên mình đã đến để tập cho các bạn một số bài hát hay sử dụng trong Thánh lễ tiếng Thái, đặc biệt là các bài trong bộ lễ. Ngoài ra mình cũng tập cho các bạn đọc kinh Lạy Cha và Kinh Cầu Thánh Giu-da, quan thầy của giáo xứ. Những bài hát và kinh mình đều phiên âm từ tiếng Thái ra để cho các bạn dễ đọc. Vì đa số các bạn đã có khả năng nói giao tiếp tiếng Thái nên các bạn học hát và đọc kinh rất nhanh chóng. Mình hy vọng rằng khi các bạn tham dự nghi thức đầy đủ hơn, việc đi lễ sẽ mang lại thêm niềm vui và bổ ích cho đời sống tinh thần của họ.

Cha Anucha là một người rất nhiều tình và biết chiều giáo dân. Sau mỗi thánh lễ Chúa Nhật, cha đều mang những món ăn nhẹ, hoa quả và nước uống ra để mời giáo dân. Khi có các dịp lễ quan trọng trong giáo phận, ngài cũng tổ chức xe cho giáo dân đi tham dự. Dĩ nhiên ngài luôn mời các bạn trẻ Việt Nam cùng đi với giáo dân Thái lan để xây dựng tình đoàn kết trong giáo xứ.

Sáng nay khi mình đến tập hát cho các bạn trẻ thì cha Anucha cũng cho hay, tháng 10 này sẽ có Thánh lễ mừng quan thầy của giáo xứ. Cha sẽ mời các bạn trẻ Việt Nam hát một bài trong phần hiệp lễ. Ngài nhờ mình phiên âm và dịch nghĩa của bài hát ra tiếng Thái cho giáo dân Thái Lan cùng hiểu và theo dõi. Cũng sáng nay, ngài đã trao một phong bì tiền quyên góp giúp cho một nhà thờ tại Việt Nam bị cháy cách đây không lâu. Đây là đợt thứ hai ngài gửi tiền giúp đỡ nhà thờ nói trên.

Các bạn trẻ ở đây rất may mắn khi có một cha xứ nhiệt tình và yêu mến giáo dân của mình, bất kể họ là người Thái hay người Việt. Rất tiếc trong vùng không có nhiều người đến tham dự lễ ở đây. Mình không rõ vì ở đây không có nhiều người ở, hay vì có mà họ không đi lễ, hoặc là họ chưa biết có nhà thờ. Mình hy vọng rằng sẽ có thêm các bạn trẻ Việt Nam đang sinh sống trong khu vực Ngamwongwan/Laksi ngày càng biết đến nhà thờ và đặc biệt là vị quản xứ tốt lành này để có thể duy trì đời sống tâm linh của mình khi đang mưu sinh trên đất Thái.

Bangkok, ngày 21.7.2019

Giáo hội Thái Lan và sứ vụ truyền giáo




Trong hội trường của TT Mục vụ Ban Phu Wan (Người Gieo Giống), các giám mục và linh mục ghi danh tham dự chương trình hội thảo lần thứ 32 dường như đã đến đầy đủ. Có những vị linh mục đã về hưu nhưng vẫn muốn đến tham dự hội thảo. Có những linh mục trẻ mới chịu chức chỉ được vài tháng. Có linh mục thuộc Hội thừa sai Paris và các hội dòng truyền giáo khác đang hoạt động tại Thái Lan. Trong hội trường còn có sự hiện diện của Đức Khâm Sứ Chang In-Nam, người gốc Hàn Quốc đã được bổ nhiệm phụ trách Thái Lan và các nước lân cận từ năm 2012 cho đến nay.  

Sáng nay, ĐHY Francis Xavier Kriengsak Kovitvanij, chủ tịch HĐGM Thái Lan đã tuyên bố khai mạc chương trình hội thảo. Trong bài mở đầu, ĐHY đã nhấn mạnh rằng Giáo hội Thái Lan rất tạ ơn Chúa vì việc Giáo hội Thái Lan được thành lập, tuy nằm ngoài chương trình ban đầu của các vị truyền giáo Âu châu, nhưng không nằm ngoài chương trình yêu thương vĩ đại của Chúa. Mặc dầu việc các nhà truyền giáo đến Thái Lan chỉ là chuyện tình cờ do kế hoạch đi tới nơi khác tại Á châu bị gián đoạn, nhưng sự việc nằm ngoài ý định ban đầu đó đã làm cho Tin Mừng được rao giảng tại Thái Lan. Và do đó mà cho tới hiện nay thì Tin Mừng đã được công bố trên đất nước Thái 350 năm.

Trong những ngày này, các phần của chương trình hội thảo không chỉ nhìn ngược quá khứ để ôn lại con đường của các nhà truyền giáo trên đất Xiêm hàng trăm năm về trước, nhưng còn nhìn tới để thấy rằng Giáo hội Thái Lan phải nhận ra vai trò của giáo hội Thái Lan là giáo hội truyền giáo không chỉ cho người Thái mà còn cho các dân tộc khác. Đã đến lúc người Công giáo Thái Lan ý thức được rằng họ không phải chỉ nương tựa vào các nhà truyền giáo ngoại quốc đến rao giảng Tin Mừng cho người Thái, nhưng chính họ phải đảm trách công việc đó cho nhau. Trong bài giảng trong nghi thức khai mạc của Đức Cha John Bosco Bancha, GM Giáo Phận Ratchaburi, ngài đã nói rằng: Nếu 300.000 người Công Giáo Thái Lan tích cực rao giảng Tin Mừng thì chắc chắn giáo hội địa phương sẽ ngày càng phát triển và lớn mạnh một cách không ngờ.

Ngoài việc người Công giáo Thái Lan trở nên các nhà truyền giáo trên đất nước mình, họ còn phải sẵn sàng để đóng góp vào sứ vụ rao giảng tại các đất nước khác. Thái Lan hiện nay đã có Hội thừa sai Thái Lan. Các linh mục và nữ tu trong hội hiện đang phục vụ tại một số quốc gia như Lào, Campuchia và Đài Loan. Giáo hội và mỗi người giáo dân chỉ thực sự trưởng thành khi đã ý thức được rằng mình không chỉ thừa hưởng việc chăm sóc từ những người khác nhưng chính mình phải cộng tác vào công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa. Giáo hội và giáo dân Thái Lan đang ở trong giai đoạn chuyển mình để ngày càng trưởng thành hơn trong căn tính và đường lối hoạt động của mình. Dịp kỷ niệm 350 năm truyền giáo tại Thái Lan là mốc thời gian quan trọng để xây dựng và củng cố một ý thức hệ mới cho các thành phần của Giáo hội Thái Lan từ hàng lãnh đạo cho đến giáo dân. Hy vọng rằng, năm thánh này sẽ mang lại nhiều kết quả và hồng ân đặc biệt cho người Công giáo Thái Lan để Tin Mừng sẽ được công bố qua lời nói cũng như hành động cụ thể trong đời sống của Giáo hội địa phương và trong toàn xã hội Thái Lan.

Nakhon Pathom, ngày 16.7.2019

Giới linh mục Thái Lan hội thảo và gặp gỡ



5 giờ chiều ngày thứ hai trong tuần, trời đổ mưa như trút nước. Tại trung tâm mục vụ Ban Phu Wan (Người gieo giống) của Tổng giáo phận Bangkok, các linh mục trên khắp đất nước Thái Lan đang chuẩn bị bước vào nghi thức khai mạc chương trình hội thảo 4 ngày.  Năm nay nhân dịp Giáo hội kỷ niệm 350 năm truyền giáo trên đất Thái, chương trình hội thảo được tổ chức với chủ đề xoay quanh sứ vụ truyền giáo của Giáo hội Thái Lan trong thời đại mới.

Trong phòng sảnh của trung tâm mục vụ, mọi người đang tay bắt mặt mừng chào hỏi nhau. Mình là một trong những người đang trò chuyện với những khuôn mặt thân quen trước khi bước vào nghi thức khai mạc. Mình đến để ghi danh từ hơn một giờ chiều và là một trong những người đến sớm nhất. Lý do mình đến sớm là vì mình có hẹn để họp ở TT vào lúc 2 giờ chiều, và cũng vì vào giờ sáng mình dạy học tại Đại Chủng Viện chỉ cách TT mục vụ hơn 1km nên rất dễ dàng để cho mình di chuyển từ ĐCV qua TT mục vụ. Kể từ sau 2 giờ chiều trở đi thì bắt đầu có nhiều tham dự viên đến từ khắp nơi trên đất Thái. Trong số các tham dự viên có cả các giám mục cũng như các linh mục.

Những ngày hội thảo không chỉ là cơ hội để lắng nghe các bài thuyết trình và chia sẻ liên quan đến chủ đề, nhưng cũng là dịp để các linh mục đến từ khắp nơi trên nước Thái Lan có cơ hội để gặp gỡ và trò chuyện với nhau. Giáo hội Thái Lan là một giáo hội nhỏ bé với chỉ hơn 300.000 giáo dân. Số linh mục trên toàn nước Thái, tính cả triều lẫn dòng chỉ hơn 700 người. Thái Lan có một đại chủng viện chung để đào tạo tất cả các chủng sinh bất kể triều hoặc dòng. Vì thế ngoại trừ các linh mục truyền giáo được đào tạo ở nước ngoài thì tất cả các linh mục Thái Lan đều được đào tạo ở một cơ sở chung, đó là ĐCV quốc gia Lux Mundi. Đây cũng là nơi mà mình đang dạy học hiện nay.

Chính vị sự nhỏ bé của giáo hội Thái Lan nên mặc dầu làm việc ở các dòng và giáo phận khác nhau, nhưng mối tương quan giữa các linh mục cũng rất gần gũi. Trong ngày đầu hội thảo, mình đã có dịp gặp gỡ lại các linh mục mà mình đã từng quen biết cũng như làm quen với một số linh mục mà mình chưa biết trước đây. Thời giờ để trò chuyện với những người anh em linh mục cũng là một trong những điều giá trị nhất trong chương trình hội thảo. Chiều nay mình đã gặp cha xứ của một giáo xứ thuộc tỉnh Mae Hong Son, một tỉnh ở vùng miền bắc Thái Lan nơi cứ mỗi tháng 11, sau khi mùa gặt đã xong thì trên đồi mọc rất nhiều cây hoa giả quỳ. Nếu ai đi du lịch ở tỉnh này vào thời điểm giữa tháng thì sẽ chứng kiến trên các lưng đồi một màu vàng rực rỡ từ những bông hoa giả quỳ đua nhau nở rộ. Cha xứ mời mình đến tham quan để chứng kiến vẽ đẹp của Mae Hong Son thời điểm gần cuối năm. Mình đã xin số điện thoại của ngài để nếu có dịp đi Mae Hong Son thì sẽ ghé thăm.

Trong giờ ăn tối, mình ngồi chung bàn với cha giám đốc tiểu chủng viện Gp. Chanthaburi, một cha xứ từ Gp. Ubon Ratchathani và một cha dòng Thánh Tâm đang phục vụ tại huyện Chomthong, tỉnh Chiangmai. Mọi người vừa ăn vừa thăm hỏi nhau về công việc và đời sống. Mình chia sẻ về sứ vụ của Dòng Ngôi Lời của mình trên khắp thế giới cũng như tại Thái Lan. Là thành viên duy nhất trong Dòng Ngôi Lời tại Thái Lan tham dự chương trình hội thảo, đây cũng là cơ hội để cho các cha có cơ hội quen biết hơn với hội dòng và sứ vụ của dòng tại Thái Lan qua những gì mình chia sẻ với họ. Cá nhân mình cũng thấy vui khi có nhiều linh mục không chỉ biết mình mà cũng biết nhiều hơn về sự hiện diện của hội dòng Ngôi Lời trên xứ sở này.

Trong những ngày tới đây, mình sẽ còn thêm cơ hội để gặp gỡ và xây dựng mối tương quan gần gũi hơn với những người anh em linh mục đang phục vụ ở nhiều nơi khác nhau trên đất nước Thái Lan. Đây là một đất nước khá to lớn, nhưng giáo hội thì rất nhỏ bé. Công việc của các vị lãnh đạo giáo hội còn rất nhiều thứ phải làm. Những vị linh mục không chỉ cần kiến thức nhưng còn cần nghị lực đến từ ơn Chúa và từ sự nâng đỡ lẫn nhau trong đời sống phục vụ. Những chương trình hội thảo và họp mặt này rất bổ ích cho đời sống tâm linh cũng như tinh thần của các ngài để sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa tiếp tục được thực hiện trên xứ sở chùa vàng qua nỗ lực không ngừng của mỗi người.

Nakhon Pathom, ngày 15.7.2019

GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI TẠI ĐÔNG NAM Á TRONG THỜ KỲ KỸ THUẬT SỐ




Phần I: Tổng quan về tình hình kỹ thuật số tại Đông Nam Á

Đông Nam Á là một khu vực rất đa dạng về tôn giáo, xã hội, văn hóa, kinh tế và  chính trị. Với tổng dân số trên 657 triệu người,[i] ĐNA là khụ vực đứng thứ ba trên thế giới về dân số xét theo địa lý, chỉ sau Nam Á và Đông Á. Sự phát triển về công nghệ Internet, như các khía cạnh khác trong đời sống của người dân ĐNA, có nhiều khác biệt giữa các nước với nhau. Mặc dầu mức đô thị hóa của toàn khu vực chưa tới 50%, nhưng mạng lưới Internet đã xuất hiện ở gần 60%[ii] trên toàn vùng với mức tăng trưởng hàng năm ở đa số các nước đạt tới trên 10%.[iii] Với trên một nửa người ĐNA đang sử dụng Internet thường xuyên hàng tháng, khu vực ĐNA đã trở nên thị trường Internet lớn thứ ba trên thế giới, ước tính vào năm 2025 sẽ đạt mức 200 tỉ USD.[iv]

Những thống kê khác về tình hình kỹ thuật số tại ĐNA cũng rất đáng quan tâm. Người ĐNA đứng đầu thế giới về thời giờ sử dụng Internet mỗi ngày, phần lớn bằng phương tiện điện thoại thông minh. Theo tổ chức Global Web Index, người dùng Internet tại Thái Lan đứng ở vị trí số một với thời lượng 9 giờ 38 phút mỗi ngày. Vị trí thứ hai thuộc về người Philippines với 9 giờ 29 phút. Indonesia và Malaysia xếp hạng thứ 4 và thứ 6 trên bảng thông kê. Ngoài ra hai quốc gia ĐNA khác là Singapore và Việt Nam cũng nằm trong danh sách 15 quốc gia sử dụng Internet nhiều giờ nhất thế giới. Theo bảng thống kê này thì đa số các quốc gia ĐNA rơi vào danh sách tốp 15.[v]

Người ĐNA bỏ ra không ít thời giờ mỗi ngày để vào mạng xã hội. Tại ĐNA mức phổ biến của mạng xã hội đã đạt được 55%. Nước Brunei không chỉ dẫn đầu toàn khu vực về mức phổ biến của mạng Internet mà còn dẫn đầu về mạng xã hội với mức phổ biến đạt 81%. Trong khí đó, hơn ¾ người Singapore thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Người ĐNA dùng nhiều ứng dụng mạng xã hội khác nhau. Mặc dầu Facebook vẫn là ứng dụng số một tại tất cả 11 quốc gia ĐNA, nhưng cũng có những ứng dụng khác được ưa chuộng tùy theo quốc gia. Trong khi ứng dụng LINE phổ biến tại Thái Lan và Indonesia thì người Việt Nam lại ưa chuộng Zalo là một ứng dụng đã được phát triển bởi chính người Việt. Tại Philippines, Viber từng được ưa chuộng đến nỗi cơ quan giao thông vận tải cũng sử dụng Viber để làm đường giây nóng. Mặc dầu Facebook Messenger đã vượt lên hàng đầu tại các nước như Việt Nam và Philippines, nhưng các ứng dụng khác như Whatsapp và WeChat cũng được nhiều người ĐNA dùng để liên lạc với nhau. Tại Malaysia và Singapore, WhatsApp vẫn là ứng dụng gửi tin nhắn được ưa chuộng nhất trên thị trường.[vi]
           
Sự phát triển về kỹ thuật số trong khu vực cũng thiếu sự đồng đều. Trong khi Brunei và Singapore có mức kết nối với mạng lưới Internet cao thì dưới 1/3 người dân ở các nước Myanmar, Lào và Timor-Leste có điều kiện để truy cập Internet. Tại Myanmar cũng như Lào chưa tới ¼ người dân biết đến mạng xã hội. Tuy nhiên, ở các nước này đang chứng kiến sự tăng trưởng rất nhanh chóng. Tại Lào, từ tháng 1, 2016 tới 1, 2017, mức tăng trưởng đạt tới 83%. Sau khi Facebook không còn bị ngăn chặn ở Myanmar thì người dân đã bắt đầu đua nhau đăng ký tài khoản. Tới năm 2016 thì đã có 10 triệu tài khoản và đến năm 2018 thì số tài khoản đã tăng lên mức 14 triệu.[vii]     

Tổng quan kỹ thuật số rất phức tạp tại ĐNA cho thấy việc nghiên cứu về ảnh hưởng của mạng Internet trên Giáo hội và xã hội tại ĐNA không phải là việc đơn giản. Mặc dầu một số nhận định chung có thể được đưa ra về khu vực, nhưng sự xem xét kỹ lưỡng cho thấy tác động của công nghệ Internet trên mỗi quốc gia sẽ khác nhau tùy theo bối cảnh của mỗi nơi. Bài viết nghiên cứu này đưa ra một bức tranh tổng quát về ảnh hưởng của mạng Internet trên giáo hội và xã hội ĐNA. Tuy nhiên để có sự chính xác thì việc nghiên cứu cần phải được thực hiện với mỗi quốc gia riêng biệt bởi vì như đã nói trên, ĐNA là một khu vực vô cùng đa dạng nên không dễ để đưa ra những nhận xét có thể áp dụng chung cho toàn khu vực.



[i] “Southeast Asian Population,” Worldometers, http://www.worldometers.info/world-population/south-eastern-asia-population/ (accessed October 7, 2018).
[iii] Atzlan Othman, “Facebook most popular social mediate platform in the Sultanate,” Borneo Bulletin. https://borneobulletin.com.bn/facebook-most-popular-social-media-platform-in-the-sultanate/, (May 19, 2018).
[iv] John Russell, “Google: Southeast Asia’s Internet economy is growing faster than expected,” Tech Crunch, https://techcrunch.com/2017/12/12/google-southeast-asias-internet-economy-is-growing-faster-than-expected/ (accessed October 12, 2018).
[v] “Time Spent Per Day on the Internet,” We Are Social, https://wearesocial-net.s3.amazonaws.com/wp-content/uploads/2018/01/DIGITAL-IN-2018-002-TIME-SPENT-ON-THE-INTERNET-V1.00.png (accessed October 7, 2018)
[vi] “Digital in Southeast Asia in 2017,” We Are Social, https://wearesocial.com/special-reports/digital-southeast-asia-2017 (accessed October 7, 2018).
[vii] “Revealed: Facebook hate speech exploded in Myanmar during Rohinya crisis,” The Guardian, https://www.theguardian.com/world/2018/apr/03/revealed-facebook-hate-speech-exploded-in-myanmar-during-rohingya-crisis (April 3, 2018).

Sứ vụ nhà giáo



Thường khi nghĩ về công việc của các linh mục thì người ta nghĩ về việc rao giảng. Nhưng ít ai nghĩ rằng linh mục cũng có thể làm công việc giảng dạy. Nhưng giảng dạy là một công việc mà mình đã làm rất nhiều từ khi mình bước vào đời sống phục vụ tại Thái Lan. Gần 13 năm trên đất Thái, mình đã giảng dạy trong rất nhiều môi trường vào cho nhiều đối tượng. Mình đã dạy tiếng Anh cho các học sinh Thái Lan cấp 1 tới cấp 3. Mình đã dạy tiếng Anh cho các giáo viên, cho các y tá, bác sĩ, cho các thương gia, cán bộ nhà nước, thậm chí cho các tù nhân. Mình đã dạy tiếng Việt cho người Thái và tiếng Thái cho  người Việt. Mình đã dạy cho sinh viên Thái Lan cũng như du học sinh từ Hoa Kỳ. Và công việc hiện nay cũng là một công việc quan trọng là dạy các môn tôn giáo học, Kinh Thánh và Thần học cho các thầy tại Đại chủng viện quốc gia Thái Lan.

Có lẽ mình rất thích việc dạy học bởi vì mỗi khi mình phải dạy cho ai kiến thức gì thì mình phải tìm hiểu nội dung cho thật kỹ càng. Điều này đòi hỏi mình phải đọc nhiều tài liệu, suy gẫm thêm về kiến thức, và tìm cách trình bày lại những gì mà mình cho là thiết yếu một cách rõ ràng nhất có thể. Khi mình là người có trách nhiệm truyền đạt kiến thức, mình trở nên một học sinh chuyên cần hơn. Mình ý thức được rằng mình cần phải nghiên cứu nội dung của môn học thật nghiêm túc để không truyền đạt lại kiến thức cho các học trò một cách bừa bãi. Việc dạy cho thế hệ đi sau những kiến thức lệch lạc là điều đáng lên án với bất cứ một nhà giáo nào. Một nhà giáo giỏi cần phải là một người học hành giỏi và cần cù. Chính vì mình phải dạy học nên mình đã học hỏi được rất nhiều điều mới mà công việc đòi hỏi mình phải hiểu biết.

Trên thực tế mình không phải là một nhà giáo quá giỏi giang. Nói về phương pháp sư phạm hay kiến thức thì không gì đáng vênh vang, nhưng mình khá cần cù nên mới dạy được nhiều môn khác nhau cho nhiều đối tượng khác nhau. Điều quan trọng là mình cảm thấy hạnh phúc với công việc, và hạnh phúc khi học trò của mình học hỏi thêm được kiến thức mà mình đã từng học hỏi để truyền lại cho họ. Mình sẽ không bao giờ trở thành một nhà truyền giáo nổi tiếng, sẽ không bao giờ trở thành một học giả nổi tiếng, một nhà giáo nổi tiếng hoặc bất cứ cái gì nổi tiếng. Mình cũng không ao ước những điều đó. Mình chỉ thích và cảm thấy thú vị khi mình có thể làm mỗi thứ một chút, không giỏi nhưng cũng không tệ. Mọi thứ cộng hưởng để rồi giúp mình hoàn tất sứ vụ mà mình đã được trao phó – sứ vụ mang tình yêu Chúa đến với người xung quanh. Đó là sứ vụ duy nhất của mỗi một người linh mục, của mỗi một nhà truyền giáo. Và cho dù là công việc gì đi nữa thì nó cũng chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nó đáp ứng điều kiện và mục đích của sứ vụ yêu thương mà mình đã lãnh nhận.

Bangkok, ngày 7.7.2019

Hành hương Thái Lan



Sau vài tháng chuẩn bị, đặc biệt là khâu quãng bá, cuối cùng thì chuyến hành hương kết nối với du lịch đến hai tỉnh Kanchanaburi và Ratchaburi ở phía miền tây Thái Lan cũng đã được thực hiện tốt đẹp. Chuyến đi có tất cả 40 người tham gia, 34 người lớn và 6 trẻ em tuổi từ 3 đến 10. Khác với những chuyến hành hương từng tổ chức trước đây, năm nay còn có người tham gia từ Hà Nội, Nam Định, Nha Trang và Sài Gòn bên cạnh các bạn trẻ đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan. Mặc dầu chương trình chỉ 2 ngày 1 đêm, nhưng đã có 11 người từ Việt Nam đăng ký để đi. Điều này có nghĩa là bên cạnh chi phí dành cho chuyến hành hương, họ con phải chi thêm tiền vé máy bay và khách sạn để lưu lại Bangkok trước và sau chuyến đi.

Mặc dầu việc tổ chức có phần phức tạp vì có người đến từ nhiều nơi khác nhau, nhưng cuối cùng chuyến đi cũng đã được thực hiện đúng như mục tiêu mà mình đã đặt ra. Trong hai ngày, đoàn đã được đi dâng lễ và viếng 3 nhà thờ (Nhà thờ Đức Mẹ Nữ Vương Thế Giới, nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giê-su, và nhà thờ Thánh An-tôn). Những giờ còn lại, đoàn được đi tham quan những địa điểm nổi tiếng trong tỉnh Kanchanaburi như Rừng quốc gia và thác Erawan, Đập nước Srinakharin, chiếc cầu lịch sử bắt ngang qua sông Kwai và Chùa Hang Hổ nằm trên một ngọn đồi được bao quanh bởi những đồng lúa mênh mông. Khi không phải dâng lễ ở các nhà thờ hoặc đi tham quan thì đoàn cùng đọc kinh cầu nguyện với nhau trên xe hoặc ở khách sạn.

Có lẽ vì mục đích của chuyến đi là để hành hương và du lịch sinh thái nên mọi người trong đoàn tỏ ra vui vẻ và hòa đồng với nhau. Mặc dầu có người đến từ nhiều vùng miền trên cùng một xe nên mỗi lần nguyện kinh như Lần Chuỗi Mân Côi có phần phức tạp. Mỗi người mỗi giọng, người miền trung cố “bẹ” giọng cho hợp với người miền nam, người nam cũng tìm cách đọc theo người trung nên cuối cùng âm thanh phát ra nghe không giống vùng này mà cũng không phải vùng kia. Đọc kinh không được đồng đều, nhưng tâm hồn sốt mến thì vẫn như nhau. Và vì có tinh thần đó nên suốt chuyến đi không ai bị say xe mặc dầu có nhiều chặng đường băng qua rừng cũng khá ngoằn ngoèo. Chỉ một ngày trước khi lên đường vẫn có người muốn rút tên ra khỏi danh sách vì sợ sẽ bị say xe. Thế nhưng từ đầu tới cuối cả người lớn lẫn trẻ em vẫn khỏe mạnh và vui vẻ.

Nhờ ơn Chúa mọi người khỏe mạnh và cũng nhờ ơn Chúa mà thời tiết tương đối thuận tiện cho đoàn suốt chuyến đi. Có những lúc tưởng chừng như chương trình sẽ bị ảnh hưởng bởi những cơn mưa, nhưng lạ thay mỗi khi vừa đến nơi cần tham quan thì cơn mưa lại ngừng và chỉ mưa trở lại sau khi đã tham quan xong.

Chương trình hành hương năm nay cũng như những năm trước đây là cơ hội để cho các bạn trẻ Việt Nam đang sinh sống tại Thái Lan khám phá và tìm hiểu thêm về đất nước nơi mình đang sống cũng như giáo hội địa phương. Nhiều bạn trẻ đã qua Thái Lan nhiều năm nhưng chưa hề biết về những ngôi nhà thờ xinh đẹp hoặc là những điểm du lịch nổi tiếng mà bao nhiêu người trên thế giới đã từng đến để tham quan. Mỗi một chuyến đi họ có thể mở mang tầm nhìn và có thêm sự hiểu biết về xã hội và giáo hội trên đất nước Thái. Đây cũng là một cơ hội để mọi người tìm ra cho mình một khoảng thời gian ngắn ngủi để thư giãn, để tìm thấy sự bình an trong tâm hồn và sự hương phấn trong cuộc sống. Mình tin rằng ít nhiều tất cả mọi người tham gia chuyến đi đã cảm nhận được những điều này để rồi khi trở lại với cuộc sống thường nhật, họ có thêm nghị lực để phấn đấu, để sống vui vẻ và chia sẻ với những người xung quanh.

Bangkok, ngày 3.7.2019