Nhật ký Rôma (1)



Năm học tại Đại Chủng Viện Quốc Gia Thái Lan Lux Mundi mới bắt đầu chưa đầy hai tuần thì mình đã phải tạm gác qua công việc giảng dạy để lên đường sang Rô-ma cho một chuyến đi kéo dài hơn một tháng để tham dự cuộc họp tổng tu nghị của Hội Dòng. Lý do chương trình họp nhiều ngày vì đây là cuộc họp mà các các giám tỉnh và đại diện từ các tỉnh dòng Ngôi Lời trên khắp thế giới tụ họp để thảo luận và vạch ra đường lối hoạt động của dòng cho 6 năm tiếp theo. Trong cuộc họp tu nghị tỉnh dòng Úc vào tháng 2 vừa qua, mình đã được các thành viên trong tỉnh dòng chọn để làm đại diện cho tỉnh dòng bên cạnh cha giám tỉnh để tham dự tổng tu nghị. Cũng may là phía ĐCV đã thông cảm cho việc mình phải thi hành trách nhiệm của Hội dòng nên đã sắp xếp lịch cho mình dạy “bù” trước và sau thời gian mình vắng mặt tại Thái Lan.

Chuyến bay của mình đáp xuống sân bay tại Rô-ma sáng hôm qua và mình đã được đón về nhà tổng quyền bởi các anh em trong dòng. Vì là lần đầu tiên đến Rô-ma nên mình đã liên lạc xin cha bề trên cộng đoàn sắp xếp cho ai đó ra đón mình ở sân bay, mặc dầu mình nghe nói từ sân bay về tới nhà dòng có thể đi bằng tàu điện, mà ga xuống thì chỉ cách cổng nhà dòng vài trăm mét. Mình rất may mắn khi không chỉ có một người ra sân bay đón, mà có tới ba người ra đón, đó là cha Thi, cha Bảo, và cha Toàn—đều là các cha người Việt đang phục vụ hoặc học tập tại Rô-ma.

Cha Toàn là người anh em cùng lớp với mình tính từ năm thỉnh sinh khi mình mới vừa gia nhập hội dòng cho đến năm chịu chức linh mục năm 2006. Sau đó, cha Toàn đi nước Ecuador thuộc Nam Mỹ để phục vụ trong khi mình qua Úc, rồi từ đó sang Thái từ đầu  năm 2007 cho đến nay. Cha Toàn là một trong những thành viên SVD năng động và tích cực nhất trong tỉnh dòng Ecuador, được anh em trọng vọng và giáo dân yêu mến. Vài năm qua ngài được bề trên gửi qua Rô-ma để học về thần học hầu có thêm kiến thức để phục vụ tại Ecuador trong tương lai. Kể từ năm 2006 đến nay thì đã 12 năm, và nhờ chuyến đi này mà hai anh em mới có cơ hội tái ngộ. Cuộc sống của nhà truyền giáo Ngôi Lời là thế. Sau khi được đào tạo xong thì mỗi người được trao một sứ mệnh ở một phương trời nào đó. Mỗi người có một cánh đồng để gieo và để gặt, nhiều hay ít thì tùy theo khả năng và nỗ lực của từng người trong ân sủng của Chúa.

Hai hôm nay cha Toàn là người làm hướng dẫn viên cho mình để đi viếng các nhà thờ tại Rô-ma cũng như ở ngoài thành phố. Chỉ nội hôm qua, khi vừa tới nhà dòng thì mình đã vội tắm rửa, thay áo quần để đi với cha Toàn viếng một số nhà thờ trong thành phố. Nơi đầu tiên mình đi là Vương cung thánh đường Thánh An-tôn. Cha Toàn dắt mình đến đây đầu tiên vì hôm qua là ngày Giáo hội mừng kính thánh nhân. Vì mình nhận thánh An-tôn làm quan thầy, và do có nhiều người đã nhờ mình chuyển lời cầu nguyện đến thánh nhân nên mình đã lấy việc đến nhà thờ thánh An-tôn làm điều ưu tiên. Chính mình và có lẽ những người đã gửi gắm những ưu tư cho mình chuyển đến thánh nhân cũng rất muốn mình nhanh chóng tìm đến ngài để dâng lên những lời nguyện cầu cho bản thân và những người thân yêu.

Cha Toàn không chỉ đã đưa mình đến Vương cung thánh đường thánh An-tôn mà ngài con đưa mình đến nhà thờ thánh An-tôn của hội người Bồ đào nha. Mặc dầu thánh An-ton đã chết tại Padua thuộc nước Ý, nhưng quê hương của ngài là Bồ đào nha, nên giáo dân Bồ đào nhà cũng như người Ý rất yêu mến thánh An-tôn. Cả hai nhà thờ đều nguy nga, lộng lẫy và uy nghiêm. Người Ý thời xưa luôn xây nhà thờ với những khối đá cẩm thạch đồ sộ nên cho dù nhà thờ có tuổi nhiều trăm năm nhưng vẫn nhìn vô cùng vững chắc. Ngoài sự bền bỉ của nhà thờ tại Rô-ma còn có tính nghệ thuật mà có thể nói là không nơi nào có thể vượt qua được. Bất kể trên trần nhà thờ, trên cột, hoặc trên tường đều có những tác phẩm nghệ thuật bằng sơn hoặc bằng đá ghép tuyệt đỉnh. Một người đam mê nghệ thuật có thể bước vào bất cứ ngôi nhà thờ nào tại Rô-ma và bỏ ra hàng giờ trong đó không chỉ để cầu nguyện mà còn để chiêm ngưỡng những bức tranh, hoa văn và kiến trúc độc đáo của nhà thờ thời La mã. Mà chỉ ở Rô-ma mà thôi thì đã có tới 1.200 ngôi nhà thờ, trong đó có khoảng một nửa là nhà thờ “tư nhân”. Gọi là nhà thờ tư nhân vì những ngôi nhà thờ này được xây dựng hàng trăm năm trước bởi các gia đình giàu có. Ngày nay những ngôi nhà thờ đó tiếp tục là tài sản của con cháu họ và được sử dụng để mừng những dịp quan trọng trong gia đình như lễ cưới hoặc lễ tang.

Thành phố Rô-ma có quá nhiều lịch sử, trong đó một phần không nhỏ gắn liền với Giáo hội Công giáo. Cũng rất may cho mình khi cha Toàn có nhiều hiểu biết về lịch sử này nên đã chia sẻ cho mình nhiều điều thú vị và bổ ích về những địa điểm tôn giáo (cũng như không tôn giáo) mà ngài dẫn mình đến.

Có một điều mình có thể khẳng định là nếu không phải là một nhiếp ảnh gia tài giỏi với đồ nghề tốt thì không thể nào mà những bức hình được chụp bằng chiếc điện thoại hoặc những chiếc máy nhỏ có thể phản ảnh được vẽ đẹp và sự uy nghi của những ngôi nhà thờ tại đây. Vẽ đẹp tuyệt vời và giá trị tâm linh lớn lao của những ngôi nhà thờ ở Ý chỉ có nhận ra khi mình đến chiêm ngắm tận mắt và suy gẫm với một con tim chất chứa niềm tin.

Rô-ma, ngày 14.6.2018   

No comments: