Đưa người Thái đi hành hương Mùa Vọng tại Việt Nam (phần 4)


Đà Lạt mùa đông thời tiết rất dễ chịu. Ban sáng thì hơi lạnh nhưng không giá rét. Có một vài người trong đoàn đã thức dậy từ sớm để đi ra ngoài thưởng thức bầu khi Đà Lạt khi còn tinh mơ để chứng kiến người dân bày bán những loại rau và hoa quả trên đường phố. Những quán cà phê lề đường cũng bắt đầu hoạt động từ rất sớm. Những du khách Thái Lan rất thích thú với sự nhộn nhịp nhưng không sô bồ của Đà Lạt vào sáng.

Nhiều người trong đoàn ngán ngẩm với việc ngồi xe nhiều giờ đồng hồ hỏi mình hôm nay sẽ đi đâu, xa bao nhiêu. Mình hứa với mọi người hôm nay chúng ta không phải ngồi xe nhiều. Đi từ điểm du lịch này sang điểm khác rất gần. Hôm nay sẽ bù lại cho ngày hôm qua vì phải ngồi nhiều giờ trên xe. Mọi người đều vui khi nghe nói không phải ngồi lâu trên xe.

Từ khách sạn gần chợ Đà Lạt đến điểm du lịch đầu tiên gần như mình hứa với đoàn. Lên xe đọc kinh và lần hạt vừa đủ 1 chục là đến chân đồi Robin nơi đoàn sẽ ngồi xe cáp để lên Thiền Viện Trúc Lâm. Từ trên cao mọi người có thể thấy toàn cảnh Đà Lạt, với những đồi thông, vườn hoa, và vườn rau. Nhiệt độ vào ban sáng cũng dần ấm lên nên mọi người chỉ cần có một chiếc áo khoác mỏng là đủ ấm. Và như thế mình và cha H. lần lượt dẫn đoàn đi từ điểm du lịch này sang điểm du lịch khác của Đà Lạt trong sự thích thú của mọi người.

Đi du lịch nhưng đoàn không quên đây là một chuyến hành hương. Vì thế nên chiều đến thì đoàn đến nhà thờ Domaine De Marie để dâng lễ. Cha H. đã liên lạc với các sơ dòng Vinh-sơn cho phép xử dụng nhà thờ để dâng lễ nên đoàn có một không gian thật tuyệt vời và cổ kính để dâng lễ. Trong lúc dâng lễ bằng tiếng Thái thì không có ít du khách người Việt, đa số là giới trẻ ghé vào thăm nhà thờ, đứng lại quan sát lễ bằng tiếng nước ngoài một chút trước khi bước ra. Có một số bạn ở lại tham dự hết lễ mới ra.

Lễ xong, đòan được đưa vào tiệm bán quà lưu niệm của các seour dòng Vinh-sơn, mà các sản phẩm là do các em khuyết tật được các seour chăm sóc làm ra, như áo len, mủ nón, ngay cả tranh thêu. Paween là một chàng thanh niên trong đoàn cùng đi hành hương với mẹ quyết định bỏ ra hơn sáu triệu đồng để mua một tranh thêu do các em khuyết tật làm để ủng hộ chương trình từ thiện của các seour.

Tiếp theo, đoàn lại có dịp đi du lịch tiếp với việc lên thăm quan đồi Langbiang và dùng cơm tối tại một nhà hàng dưới chân đồi. Tối hôm đó không xảy ra như mình mong muốn vì một số vấn đề khách quan. Điều đầu tiên là nhà hàng nơi đặt chỗ có một bữa tiệc cuối năm do một công ty nào đó tổ chức diễn ra cùng một lúc. Vì thế, họ có những sinh hoạt văn nghệ, hát karaoke, trò chơi, v.v. và mở lượng âm thanh rất lớn. Vì đa số những người trong đoàn mình là người lớn tuổi nên khi phải bị tra tấn như thế thì họ cảm thấy rất khó chịu. Mặc dầu mình có nhờ nhân viên giảm bớt âm thanh, nhưng không mấy thành công.

Ăn tối xong, anh Linh dẫn đoàn qua một cái nhà chung để sinh hoạt giao lưu với các đoàn du lịch khác, đa số là đến từ Sài Gòn. Trong chương trình giao lưu có những điệu nhảy múa của người dân tộc và có phục vụ rượu cần. Tuy nhiên, trong không gian hẹp mà có đốt lửa và đổ nhiều dầu vào củi nên rất hôi mùi dầu. Một số người trong đoàn mình không chịu được mùi dầu nên họ ra ngoài. Riêng mình thì không thích những người làm "M.C." chương trình mà cứ một tay cầm micro còn tay kia thì cầm điếu thuốc. Nhìn vào có gì đó rất thiếu lịch sự, cho dù biết rằng đây chỉ là một chương trình mang tính giao lưu vui chơi mộc mạc.

Ở lại một lúc thì mình và cha H. cho đoàn về vì cảm thấy đa số họ không thích thú với sinh hoạt giao lưu này. Có lẽ một phần không hợp với lứa tuổi của họ. Và một phần những người trong đoàn cũng không quen với cách sinh hoạt dân dã mà họ chứng kiến và không thể hòa mình vào được.

Trở lại khách sạn, mọi người nhanh chóng về phòng để nghỉ ngơi, chuẩn bị thức dậy sớm vì hôm sau đoàn phải đi dâng lễ ngày Chúa Nhật tại nhà thờ chánh tòa Đà Lạt.

Bangkok, ngày 28.12.2013

Đưa người Thái đi hành hương Mùa Vọng tại Việt Nam (phần 3)


Cha Chavalit chia sẻ về phong trào Đạo Binh Đức Mẹ cho mọi người troang đoàn nghe
Đối với người cao tuổi thì việc thức khuya có phần khó khăn nhưng dậy sớm thì không mấy là vấn đề nên đoàn hành hương đã rời khỏi khách sạn tương đối đúng giờ để hành trình một chặng đường dài tới Đà Lạt. Trên thực tế thì quãng đường cũng chỉ trên 300km. Nhưng vì ở Việt Nam đường xá chật hẹp lại bị luật giao thông hạn chế tốc độ nên xe không thể nào đi trong thời gian ngắn được. Bên cạnh đó là vì người già thường hay phải dùng nhà vệ sinh nên cũng phải không ít lần dừng lại ở những nơi có nhà vệ sinh cho mọi người đi. Vấn đề tìm cho được nhà vệ sinh cũng là một điều không mấy dễ dàng ở Việt Nam, đặc biệt là khi phải đi qua những con đường núi.

Dọc đường đoàn đi ngang qua vùng Hố Nai có rất nhiều nhà thờ hai bên đường. Anh Linh đã cho biết mỗi nhà thờ có bao nhiêu giáo dân. Có nhà thờ chỉ 5,000 giáo dân. Nhưng có giáo xứ có lượng giáo dân lên đến 15,000. Ở Thái Lan có giáo phận có lượng giáo dân chưa tới 10,000. Vì thế khi thấy những ngôi nhà thờ to lớn và số giáo dân quá đông thì ai nấy đều rất ngạc nhiên. Vì chuyến đi vào ban ngày nên đoàn chưa thấy được cảnh trang trí Giáng Sinh của các nhà thờ. Đó sẽ là điều dành lại cho một ngày khác trong chuyến hành hương.



Chuyến đi rất dài và mệt mỏi, nhưng cuối cùng thì đoàn cũng đã đến Đà Lạt khi trời đã chập tối. Điểm đầu tiên đến là nhà thờ Thánh Tâm được chăm sóc bởi các cha dòng Vinh-Sơn. Nơi đây đoàn đã dâng lễ chiều trong nhà nguyện của dòng trong khi bên trong nhà thờ thì đang tổ chức giải tội Mùa Vọng cho các giáo dân. Thêm một lần nữa, những người giáo dân Thái lại chứng kiến lòng đạo đức của người Công giáo Việt khi họ xếp hàng dài để chờ xưng tội chuẩn bị tâm hồn cho lễ Giáng Sinh. Cô Kaysorn thấy điều này nên đã vào bên trong nhà thờ chụp hình. Cô nói: - Chụp hình để về cho những người thân bên Thái thấy cảnh người ta đi xưng tội như thế nào.

Dâng lễ xong đoàn đi đến một nhà hàng trong thành phố để dùng bữa tối. Nhà hàng không phải thuộc loại sang trọng, nhưng thức ăn cũng khá ngon. Anh Linh cũng chuẩn bị cho mỗi bàn một chai rượu dâu để thưởng thức. Đây là đặc sản của Đà Lạt mà chưa ai trong đoàn đã từng uống. Bà Pradit nói bà sẽ mua rượu này để làm quà tặng cho các cha người Thái mà bà quen biết. Thế là hôm sau bà đi mua bốn chai khi đoàn có thời giờ đi mua sắm.



Sau một ngày dài ngôi trên xe thì các thành viên trong đoàn đều muốn nghỉ ngơi khi về tới khách sạn. Họ nhanh chóng nhận phòng và đi nghỉ. Chỉ nhóm cô Kaysorn và những người bạn của cô thì rất chịu chơi nên đã ra ngoài đi dạo và mua sắm cho đến 11h mới về phòng. Mình và cha H. thì được hai vị khách đến từ Chiangmai là ông Manop và ông Narong mời ra ngoài quán cóc để uống ít rượu và nói chuyện. Hai người là những giáo dân như có vai trò quan trọng trong giáo phận Chiangmai là cố vấn cho ĐGM trong vấn đề luật pháp. Ông Manop bào rằng lúc nào mình có dịp đi Chiangmai thì hãy liên lạc với ông để ông sắp xếp cho chỗ nghỉ ngơi.

Sau một ngày dài mình cũng đã mệt mỏi và về phòng. Không mấy lau sau thì thiếp ngủ. Tuy nhiên mình lại thức giấc rất sớm. Khoảng 4h30 là đã dậy rồi. Có lẽ vì mình là trưởng đoàn nên cũng hơi băn khoăn về chuyến đi nên không thể ngủ nhiều được. Vì thế nên ngày nào mình cũng dậy sớm và xuống dưới sớm để chào đón những người giáo dân khi họ vào phòng điểm tâm.

Bangkok, ngày 27.12.2013



Đưa người Thái đi hành hương Mùa Vọng tại Việt Nam (phần 2)


Chiếc xe tour 45 chỗ ngồi chứa đầy khách hành hươn người Thái nhanh chân rời sân bay Tân Sơn Nhất đến điểm đầu tiên là Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế để viếng Đức Mẹ và cầu xin cho chuyến đi được bình an và mang lại kết quả tốt đẹp cho những người con cái mình. Mọi người tụ họp ở hang đá Đức Mẹ và đọc kinh bằng tiếng Thái. Sau đó mình và cha H. trao cho mỗi người một que nhang để dâng Mẹ. Người Công Giáo Thái Lan không quen thắp nhang vì họ cho rằng đây là phong tục của người Phật giáo. Đúng vậy ở Thái Lan chỉ thấy việc thắp nhang làm bởi người theo đạo Phật. Người Công giáo chỉ thắp nến. Nhưng vì đây là văn hóa Việt Nam nên họ cũng vui lòng nhận que nhang và cắm vào bình nhang có sẵn trước tượng Mẹ.

Sau đó họ vào bên trong viếng nhà thờ và gặp được một cảnh mà rất hiếm thấy ở Thái Lan, ngay cả trong Mùa Vọng. Đó là có rất nhiều linh mục đang giải tội cho những giáo dân đang xếp thành hàng. Nhiều người Thái nhận định: - Đây là điều mà ít khi thấy ở Thái Lan. Ngay cả ban ngày mà cũng có quá nhiều người, đặc biệt là người trẻ đến nhà thờ xưng tội.


Tiếp theo mình đưa đoàn vào nhà sách để mua tượng ảnh. Nhiều người bất ngờ khi thấy những tràng hạt nhìn rất đẹp mà lại rất rẻ. Dù mới đến Việt Nam nhưng nhiều người đã sẵn sàng mua hàng chục tràng hạt để mang về Thái Lan làm quà.

Rất khó để kêu mọi người rời khỏi nhà sách để đi thăm quan ở những điểm tiếp theo, đó là Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Ba, và Bưu Điện Thành Phố. Nhưng sau nhiều lần hối thúc thì mọi người cũng đã lên xe để đi tiếp. Mình tiếp tục làm hướng dẫn viên cùng với cha H. Vai trò hướng dẫn viên chính thuộc về mình vì mình thông thạo tiếng Thái. Cha H. đang trong thời gian học ngôn ngữ và cũng ít có cơ hội để làm việc với người Thái nên khả năng tiếng Thái còn hạn chế. Tuy  nhiên ngài giúp đỡ trong việc tổ chức và chuẩn bị chương trình, cũng như hiện diện để hỗ trợ cho những gì cần làm trong chuyến hành hương. Có ngài nên mình cũng đỡ vất vả hơn nhiều.

Khi đang ở Dinh Độc Lập thì trời bắt đầu đổ mưa, một cơn mưa lớn trái mùa. Thời tiết năm nay rất kỳ lạ. Mùa mưa đã qua đi lâu rồi mà người ta cứ tưởng như Sài Gòn đang giữa mùa mưa vậy. Mưa thật lớn, thật ngon lành. Mưa cho đến sau khi đoàn ăn tối và tới khách sạn nhận phòng rồi mới thôi. Thoạt đầu sẽ tổ chức đưa đoàn đi ngắm Sàigon vào đêm với những trang hoàng rực rở để chuẩn bị cho Noel và Năm Mới. Nhưng vì trời mưa nên những thứ trang trí bằng điện đã không được bật lên. Bên cạnh đó nhiều người trong đoàn cũng đã cảm thấy mệt sau một ngày sinh hoạt nên mình quyết định cho mọi người nghỉ ngơi. Riêng mình và cha H. thì hẹn với anh Linh là người dẫn tour để gặp nhau nói chuyện trao đổi về những việc tiếp theo.

Bangkok, ngày 26.12.2013




Đưa người Thái đi hành hương Mùa Vọng tại Việt Nam (phần 1)

Phải nói mình cũng gan, dám tổ chức hành hương Việt Nam cho hơn 40 người giáo dân Thái Lan, đa số là ở tuổi U60 và U65. Có người còn trên 70 nữa. Sau khi bàn với cha H. dòng Đaminh nhờ cha liên lạc với công ty tour ở bên Việt Nam mà cha quen biết để xây dựng chương trình tour với chủ đề "Hành hương Mùa Vọng tại Việt Nam" và quảng bá chương trình qua facebook, nhờ người quen biết giới thiệu, nhờ cha linh hướng của phong trào Đạo Binh Đức Mẹ giúp phổ biến chương trình, v.v. cuối cùng cũng được một con số người ghi danh tham dự ngoài dự đinh.

Thoạt đầu mình chỉ đặt 35 vé máy bay vì nghĩ rằng đây là con số lý tưởng, không ít quá không đông quá. Cha H. nói với mình là xe tour ngồi được 45 người kể cả nhân viên và khách. Nhưng mình không muốn lấy con số tối đa vì sợ rằng nhiều quá sẽ vất vả và chăm sóc không xuể. Vả lại mình sợ rằng đặt cọc số vé nhiều mà lở không có ai đăng ký đi thì toi đời nên lấy con số 35 là số an toàn. Thế mà sau khi phổ biến chương trình và sau thời gian đầu im hơi lặng tiếng không thấy mấy ai hưởng ứng thì bổng nhiên có rất nhiều người muốn đi, chính yếu là nhờ vào úy tín của cha Chavalit Kitcharoen là vị linh mục khả ái mà rất nhiều người giáo dân Thái Lan mến mộ. Cha đã phổ biến chương trình tour trong phong trào ĐBĐM của ngài và chính ngài cũng đăng ký đi tour nên ngài đã lôi cuốn được nhiều con chiên của ngài cùng tham gia. Ngòai ra, nhờ vào hai người giáo dân khác mà mình quen biết giới thiệu với người thân bạn bè nên cuối cùng số lượng khách của mình đã vượt khỏi chỉ tiêu từ 35 đến 42. Thêm với mình và cha H. và người hướng dẫn đoàn nữa thì vừa đầy xe. 

Nhờ vào sự nỗ lực của mình và ơn Chúa nên việc thanh toán những chi phí cho tour cũng khá nhanh chóng và trôi chảy. Chỉ việc nộp hộ chiếu thì hơi mất thời giờ vì đa số các vị cao niên không có email nên họ chỉ có thể fax hộ chiếu đến để lo cho việc mua vé máy bay. Khổ nỗi là mình lại không có máy fax nên phải nhờ máy của một người quen nhưng lại không ở gần nhà. Nhưng cuối cùng thì tất cả những giấy tờ cũng đã đầy đủ và văn phòng bán vé máy bay đã giúp mình tạo nên danh sách khánh hàng cũng như giúp mình tiễn khách lên máy bay từ sân bay Bangkok đi Việt Nam vào ngày 19.12.2013 bắt đầu một hành trình năm ngày bốn đêm đi từ Sài Gòn cho đến Đà Lạt và Đồng Nai với mục đích tìm hiểu và thưởng thức cách người Công Giáo Việt Nam chuẩn bị đón Chúa Giáng Sinh cả hình thức bên ngoài và bên trong. Đây hưa hẹn là một trải nghiệm mới cho những người giáo dân Thái Lan, kể cả những người đã từng đi thăm quan Việt Nam nhưng chưa có cơ hội để chứng kiến những sinh hoạt của người Công giáo trong dịp cận kề mùa Noel. 

Chiếc máy bay Vietnam Airlines 600 cất cánh vào lúc 11.20 sáng và đáp tại Tân Sơn Nhất lúc gần 1g chiều. Sau khi làm thủ tục hải quan và nhận hành lý thì mình đã đưa đoàn ra bên ngoài sân bay. Ở đó cha H. và những người hướng dẫn tour đã sẵn sàng chờ đón đoàn cho chuyến đi thú vị này.

Bangkok, ngày 26.12.2013

Tĩnh tâm



Hôm qua mình tổ chức tĩnh tâm cho giới trẻ Việt Nam tại Thái Lan. Số người đến tham dự khoảng trên 50 người. Không nhiều như đối với mình đó là một con số lý tưởng. Đủ để có sự vui nhộn nhưng không quá đông khiến cho việc tĩnh tâm trở thành một cuộic hội họp khó kiểm soát. Khi tổ chức một chương trình tĩnh tâm mình cần có sự trật tự, sự lắng đọng ở những điểm khác nhau. Ngay cả sự vui nhộn cũng phải mang tính trật tự. Khi có quá nhiều bạn trẻ nguy cơ có thể xảy ra là sự thiếu kỹ luật và sự lộn xộn làm mất đi sự trang nghiêm. Vì thế mình không bao giờ tham lam số lượng. Mình lấy sự quân bình làm lý tưởng. 

Trong giới trẻ mình có tiếng là khó tính. Mình cũng công nhận điều đó. Mình khó tính thật. Khó tinh nhưng không phải khó khăn hay khó gần gũi. Mình khó tính tại vì mình không thích sự nửa vời, không thích cái kiểu làm sao cũng được, không thích cái làm cho có. Mình cũng không thích cái thiếu sắp xếp và trật tự. Mình không thích quá màu mè cũng không thích cái gì quá đơn điệu. Nói chung mình thích cái gì nó ra cái đó. Khi vui thì phải thực sự là vui. Nhưng để cho nó thực sự vui thì mọi người phải tuân theo luật chơi một cách nghiêm túc. Khi phải nghiêm trang thì cũng phải nghiêm trang. Đừng đùa giởn trong lúc đang phải làm việc và ngược lại. Có lẽ mình đã rất nhập tâm đoạn Kinh Thánh từ sách Giảng Viên nói rằng trên đời cái gì đều có thời giờ của nó nên mình luôn áp dụng triết lý này trong cách sống và làm việc của mình. Và đã không ít lần mình lấy đoạn Kinh Thánh này ra làm bài Lời Chúa cho những nghĩ thức khai mạc chương trình tĩnh tâm để nhấn mạnh mục đích và ý nghĩa của việc mình đang làm là gì. 

Mình tin rằng chính vì mình có lối làm việc như thế nên những sinh hoạt của mình thường mang lái hiệu quả tốt. Mình không phải là người tổ chức xuất sắc, nhưng mình làm có hệ thống và phương pháp. Chính vì thế mà nó bổ ích cho người đến tham dự. 

Hôm qua là một ngày tĩnh tâm tốt đẹp. Chưa phải là lý tưởng vì điều kiện về không gian và thời gian bị hạn chế. Nhưng mình đã làm tốt nhất có thể. Và những bạn trẻ mình mời để cộng tác với mình đã làm tốt nhất trong khả nặng của các bạn. Mình rất hài lòng. Có thể tốt hơn được không? Chắc chắn là có. Có thể sâu sắc hơn không? Câu trả lời cũng có. Có cần thêm thời giờ để có thể cầu nguyện, chia sẻ, và có những sinh hoạt khác giúp cho các bạn trẻ đến tham dự có những cảm nhận mới về Chúa không? Dĩ nhiên là có. Tuy vậy, với những hạn chế của mình và của các bạn, mình đã có một chương trình tĩnh tâm Mùa Vọng có ý nghĩa, và mình tin rằng các bạn đi tham dự đã ít nhiều sẵn sàng hơn để đón Chúa Giêsu Giáng Sinh khi ngài đến.

Bangkok, ngày 9.12.2013



Chuẩn bị tĩnh tâm


Sáng thứ bảy yên tỉnh. Mình thức giấc, nhanh chóng ra khỏi giường. Đánh răng, rửa mặt, làm vài động tác giản vai, cổ, rồi thay áo quần để lên nhà nguyện dâng lễ với các cha, thầy, và seour. Mỗi sáng trên nhà nguyện có khoảng 10 người dâng lễ với nhau, trong đó có 4 thầy thuộc dòng San Gabriel là hội dòng quản lý trường đại học Assumption nơi mình đang học. Còn lại là các linh mục tu sĩ đang theo học ở đây và ở trọ trong tòa nhà này. Sau lễ sáng mọi người ăn sáng với nhau trước khi bắt đầu công việc hằng ngày của mình.

Sáng nay mình chuẩn bị cho chương trình tĩnh tâm Mùa Vọng cho giới trẻ Việt Nam ngày mai. Mình không biết sẽ có bao nhiêu người đến tham dự. Mình đã phổ biến chương trình trên mạng xã hội cũng như thông báo trong các Thánh lễ nhóm. Tuy nhiên mình không kêu gọi, không thuyết phục, không nài nỉ, không hăm dọa các bạn phải đi tham dự như trước đây mình đã từng làm khi tổ chức một chương trình gì. Không phải mình bất cần, nhưng thiết nghĩ đã tổ chức một sinh hoạt đã mệt, mà còn phải lo về số lượng người đến tham dự và các vấn đề khác nữa chỉ làm cho mình thêm căng thẳng. Minh cứ mặc cho các bạn quyết định cho chính mình xem họ có cần tham dự tĩnh tâm để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa hay không? Mình chỉ cố gắng tập trung vào việc tổ chức chương trình tĩnh tâm cho tốt để khi các bạn trẻ đến tham dự cho dù đó là 10 người hay 100 người đề có một trải nghiệm sâu sắc và bổ ích.

Những ngày này mình cũng đang chuẩn bị chính mình nữa. Có lẽ đó là điều quan trọng hơn hết trong việc tổ chức tĩnh tâm. Chắc chắn một vị linh mục hay tu sĩ nào cũng đã từng nhận ra rằng lắm khi mình tổ chức những chương trình tĩnh tâm, cầu nguyện, trình bày những bài giảng hùng hồn, nhưng trong lòng của chính mình thì khô khan, cuộc sống thực tế của mình không giống như những gì mình giảng dạy. Cái kinh nghiệm về Thiên Chúa mà mình mang lại cho những người đến tham dự những sinh hoạt của mình lại không có trong chính con người của mình. Mình chỉ giỏi thực hiện nó cho người khác chứ không phải cho chính mình. 

Vì thế nên những ngày này, mình đang chuẩn bị cho chính mình, có những điều chỉnh trong lời nói và việc làm của chính mình để mình cũng sống cái tinh thần Mùa Vọng mà mình kêu gọi người khác phải làm hầu lời nói của mình sẽ không phải chỉ là lời nói sáo rỗng. Chỉ như thế thì mình mới là một linh mục thực chất, đáng để cho người khàc lắng nghe và tin theo. 

Bangkok, ngày 7.12.2013

Nghe thánh ca Mùa Vọng



Hôm nay lần đầu tiên mở thánh ca Mùa Vọng ra nghe để hòa mình vào tinh thần của Mùa Vọng một cách trọn vẹn hơn. Sống ở đây, nếu không chủ động để tạo nên cho mình cái không khí Mùa Vọng thì những ngày tháng này cũng sẽ trôi qua một cách nhanh chóng rồi đến Giáng Sinh một cách hửng hờ như bao nhiêu ngày lễ khác mà ý nghĩa thực sự của nó hoàn toàn bị nhấn chìm trong những hình thức bên ngoài. Ở Thái Lan hơn ở bất cứ nơi nào khác, hình thức rất quan trọng nhưng lại thiều chiều sâu và mình cũng rất dễ bi lối cuốn vào những hình thức bên ngoài đó.

Tối nay mình nghe thánh ca Mùa Vọng để nhận ra rằng mình đang sống trong sự tăm tối, những bóng tối được tạo nên bởi xã hội con người và bởi những hành động đen tối của chính mình.  Mình nghe thánh ca Mùa Vọng để thấy rằng đời sống tâm linh của mình còn quá khô khan cần được bồi dưỡng bởi những hạt sương mai đến từ Trời để có thể vươn lên từ khỏi hoàn cảnh khô cằn, héo hon. Mình nghe thánh ca Mùa Vọng để thấy rằng mình rất cần Chúa trong lúc này, và nếu không có Ngài thì mình sẽ mất hết tất cả những hồng ân cần thiết cho đời sống. Mình nghe thánh ca Mùa Vọng để biết rằng mình vẫn còn đặt hết niềm tin và niềm hy vọng vào tình yêu vô biên và lòng thương xót của Chúa cho dù mình đã không ít lần phản bội Ngài bằng những hành động và tư tưởng ích kỷ, hẹp hòi. Mình nghe thánh ca Mùa Vọng như lời cầu nguyện xin Chúa đến trong lòng mình và biến đổi nó để trở thành nơi xứng đáng cho Ngài ngự trị.

Bangkok, ngày 4.12.2013