Làm phóng sự về nhà thờ

Sáng nay mình đang chuẩn bị những bài hát Phục Sinh cho thánh lễ tiếng Việt vào tuần tới tại tỉnh Khon Kaen, thì thằng Tăng vào phòng hỏi: - Cha ơi, ai đang quay phim chụp hình trước nhà thờ vậy?

- Cha đâu biết. - Mình trả lời. Mình ra xem thì thấy có một thanh niên đang chụp hình các bạn trẻ trong TT HIV đang đan lá cho lễ Lá ngày mai.

Mình đi vào văn phòng nơi cô Mèm và Thắng đang thâu chương trình radio hỏi: - Cô Mèm à, ai đang quay phim vậy?

Cô Mèm trả lời: - Người ta đến làm phóng sự về nhà trẻ mồ côi của các seour.

- Vậy thì tại sao họ quay phim các bạn trẻ trong TT Me Maria? Cô đi hỏi họ thử xem.

Cô Mèm ra hỏi họ và sau đó mời mình ra vì họ muốn gặp mình. Hóa ra có một đoàn làm chương trình TV Công giáo đến từ Bangkok đang làm phóng sự. Người quay phim tưởng đây là các em trong nhà Mẹ Têrêxa nên đến quay. Mình giải thích là đây là các em mồ côi, nhưng ở trong nhà Mẹ Maria, thuộc sự điều hành của thầy Damien. Nếu muốn quay hình các em thì phải xin phép thầy. Còn các em nhỏ bên nhà mẹ Têrêxa thì mới dưới sự chăm sóc của các seour.

Khi đoàn làm phim biết có cha xứ ở nhà họ lại muốn phỏng vấn mình để biết thêm về sinh hoạt của nhà thờ cũng như của TT Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Anh Surawut, trưởng đoàn phim nói: - Thật ra chúng tôi chỉ đến vì cha giám đốc văn phòng truyền thông tại BKK giới thiệu cho chúng tôi về các seour, nhưng không biết là còn có cha và TT ĐMHCG nữa.

Luôn tiện, đoàn phìm xin phép quay phim và phỏng vấn mình về công việc truyền giáo của nhà thờ và TTĐMHCG. Mình trả lời phỏng vấn, trình bày về việc truyền giáo của giáo xứ và TT. Sau đó, mình gợi ý cho đoàn làm phim phỏng vấn thầy Đamien vì thầy là người đã đến xây dựng công trình tại đây trước mọi người và người có công nhiều nhất trong việc xây dựng nhà thờ và TT. Đòan làm phim đồng ý và mình gọi điện thoại mời thầy Damien qua.

Khi thầy đến thì thầy đưa đoàn làm phim vào TT giới thiệu về các sinh hoạt của TT cũng như nơi chăm sóc bệnh nhân và nhà nuôi các bạn trẻ bị nhiễm HIV cách nhà thờ 4km.

Đòan làm phim rất vui khi được quay những cách sống động hơn và có nhiều nội dung hơn. Trước đó họ đã không thể quay phim các seour vì luật của hội dòng không cho phép các seour xuất hiện trên truyền thông. Họ chỉ có thể quay hình các em sinh hoạt và cơ sở của các seour.

Do được phỏng vấn mình và thấy Damien cũng như quay thêm một số sinh hoạt và cảnh của TT nên họ cảm thấy thỏa mãn hơn.

Riêng mình thì rất tiếc đoàn làm phim đến một cách rất bất ngờ vì hôm nay nhà thờ không có sinh hoạt gì sống động để cho họ quay, chỉ có một số các bạn trẻ đến chuẩn bị lá cho Lễ Lá vào ngày mai. Nếu họ đến hôm qua thì nhà thờ lại có rất nhiều sinh hoạt để quay. Nhưng bù lại mình đã gởi cho họ một số hình ảnh sinh họat của nhà thờ hầu làm tài liệu cho chương trình phóng sự Công giáo này.

Tuy bất ngờ và không có sự chuẩn bị nhưng hy vọng qua những gì mình trình bày, đoàn làm phim có thể phần nào phản ảnh về đời sống và hoạt động truyền giáo của ngôi nhà thờ nhỏ bé nơi mình đang đảm nhiệm.

Nong Bua Lamphu, ngày 31.3.2012

Những ngày bận rộn




Tối nay mình kết thúc một cuối tuần bận rộn sau một tuần lễ cũng bận rộn không kém. Từ khi chương trình học tập dành cho các em thiếu nhi trong dịp hè được bắt đầu, nhà thờ trở nên vô cùng nhộn nhịp và đầy ắp tiếng nói tiếng cười của các em suốt ngày. Mình cũng thêm bận rộn với việc dạy tiếng Anh cho các em mỗi ngày từ 9h sáng cho đến 12h trưa. Bên cạnh đó mình còn dạy tiếng Anh mỗi tuần một lần ở trong tù, cũng như sắp tới sẽ trở lại với việc dạy vào các buổi tối tại trường đại học cộng đồng. Có lẽ mình cũng thích việc dạy học nên mình không cảm thấy mệt khi phải dạy nhiều lớp. Tuy nhiên dạy các em thiếu nhi là một việc rất thách đố vì sự tập trung của các em rất hạn chế.

Hôm qua mình đi tỉnh Khon Kaen để tổ chức chương trình tĩnh tâm Mùa chay cho các bạn trẻ Việt Nam. Thoạt đầu mình định tổ chức tại nhà thờ của mình vì nó thuận tiện cho chính mình. Nhưng cách đây hơn một tuần trong một đêm cảm thấy hơi khó ngủ, mình chợt ngộ ra việc mình tổ chức ở NBL thật khó khăn cho các bạn đến từ xa như tỉnh Khon Kaen và đặc biệt là các bạn từ tỉnh Mahasarakham. Nếu tổ chức ở NBL thì chắc chắn rất nhiều bạn sẽ không đi tham dự được. Thế là sáng hôm sau, mình quyết định tham khảo một số người dẫn đến có sự thay đổi địa điểm tổ chức tỉnh tâm từ NBL sang Khong Kaen.

Chính vì quyết định này mà số lượng các bạn trẻ đến tham dự chương trình tĩnh tâm nhiều hơn gấp đôi so với dự định nếu tổ chức tại NBL. Dĩ nhiên điều này làm mình rất vui vì đã có một quyết định bổ ích cho các bạ trẻ, tuy nhiên nó cũng đòi hỏi thêm một chút hy sinh từ mình. Có nghĩa là phải đi xa, và sau một ngày tổ chức tĩnh tâm mệt nhọc lại phải lái xe hơn 100 cây số để về lại giáo xứ. Bên cạnh đó, một số bạn trẻ từ NBL lại không thể đi tham dự tĩnh tâm vì xe của mình không đủ chỗ cho mọi người. Biết vậy nhưng khi cân nhắc hết mọi khía cạnh thì thấy việc tổ chức tĩnh tâm tại KK vẫn hợp lý nhất. Và các bạn trẻ cũng đồng ý như vậy.

Trong cuộc tĩnh tâm ngày hôm qua còn có thêm hai cha cộng tác với mình, đó là cha Minh thuộc dòng Don Bosco, và cha Toàn thuộc dòng Chúa Cứu Thế. Hai cha đều đang trong giai đoạn học tiếng Thái để chuẩn bị nhận bài sai truyền giáo tại Lào trong thời gian sắp tới. Có hai cha thật là may mắn cho các bạn vì những chia sẻ của ngài giúp cho chương trình tĩnh tâm thêm sâu sắc và phong phú. Sự hiện diện của hai cha cũng rất tốt cho mình vì nó có nghĩa mình không phải ôm đồm hết mọi việc.

Sáng nay trong Thánh lễ ngày Chúa Nhật, cộng đoàn giáo xứ mình chia tay với Sr. Clarissa, thuộc dòng Mẹ Têrêxa. Sau 3 năm phục vụ tại Thái Lan, seour được bài sai mới đi phục vụ ở Campuchia, nơi mà seour đã từng phục vụ 11 năm. Ở đó seour cũng sẽ chăm sóc cho các trẻ em mồ côi thiếu may mắn. Sr. Clarissa đi, nhưng lại có Sr. Helensia tới thế. Sr. Helensia là người quốc tịch Bangladesh. Phải nói đây là lần đầu tiên mình có dịp gặp một tu sĩ đến từ quốc gia này.

Lễ xong, mình lật đật lên đường với một xe đầy ắp các bạn trẻ để đến nhà một giáo dân tại huyện Na Klang để làm phép nhà. Từ nhà thờ đến Na Klang không xa, nhưng từ quốc lột đi vào trong làng thì khá vòng vo. Và do lần đầu tiên đi nên việc kiếm nhà cũng khá mất thời giờ. Cuối cùng thì cũng tìm ra và điều này cũng giúp mình hiểu được tại sao gia đình này rất ít có dịp đi nhà thờ.

Sau những ngày bận rộn với công việc mục vụ. Giờ đây mình cũng có những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn để rồi chuẩn bị cho một tuần mới cũng với nhiều sinh hoạt không kém. Nhưng tất cả đều là hồng ân. Hồng ân khi được làm việc, khi được phục vụ, khi được rao giảng Tin Mừng qua lời nói và việc làm. Mình tạ ơn Chúa vì đã trao cho mình những trách nhiệm này để mình gánh vác và hoàn tất.

Nong Bua Lamphu, ngày 25.3.2012

Kết thúc và bắt đầu





Một điều mình rất thích về đời sống truyền giáo của mình là luôn có những cái mới để làm cho mình cảm thấy thú vị. Tối hôm qua mình kết thúc lớp tiếng Anh giao tiếp II tại trường đại học cộng đồng của tỉnh, đó là lớp kéo dài một tháng. Các học viên đa số muốn tiếp tục học thêm nữa để trau dồi vốn liếng tiếng Anh của mình. Ngoài ra thì trường cũng sẽ mở lại lớp tiếng Anh giao tiếp I để cho các học sinh mới có thể ghi danh học. Mình cũng sẽ là người dạy lớp này.

Nhưng đó là sinh hoạt của mình tại trường đại học cộng đồng. Riêng ở nhà thờ mình thì hôm nay đã bắt đầu một chương trình sinh hoạt chỉ diễn ra một năm một lần, đó là chương trình sinh hoạt mùa hè dành cho các em thiếu nhi học sinh lớp một đến lớp sáu. Mỗi ngày, các em đến nhà thờ để học các môn học như toán, anh ngữ, khoa học cũng như các môn học giá trị và kỹ năng sống, và các sinh hoạt vui tươi phù hợp với tuổi thiếu nhi.

Đội ngủ cho chương trình này bao gồm có mình, cô giáo dạy giáo lý của nhà thờ, hai thầy cô từ nhà thờ Tin Lành, cũng như các tình nguyện viên hợp tác với nhau để tạo cho các em một chương trình phong phú, bổ ích và vui nhộn. Ngày đầu tiên các em chưa đến đầy đủ vì một số trường chưa nghỉ hè, nhưng trong khuôn viên nhà thờ đã đầy ấp tiếng nói, tiếng cười, tiếng hò la của các em làm cho khung cảnh nhà thờ của một ngày thường nhộn nhịp hẳn lên. Và mặc dầu từ các thầy cô cho đến các anh chị tình nguyện viên ai cũng bị các em làm cho "nhừ sức", nhưng ai nấy đều công nhận hôm nay là một ngày đầu tiên thành công và đã lấy lòng được các em thiếu nhi tham gia vào chương trình.

Nong Bua Lamphu, ngày 21.3.2012

Tìm lại niềm vui - Chuyện của anh Sốngsặc

Hôm qua mình sinh hoạt với các bệnh nhân như mỗi chiều thứ năm. Anh Sốngsặc có một tin vui muốn chia sẻ với mọi người. Đó là anh vừa được đoàn tụ lại với gia đình sau thời gian hai năm.

Lý do tại sao mà anh gọi là đoàn tụ? - Mình hỏi.

Trước đây họ nghĩ là tôi chết rồi, nhưng hai năm qua họ vẫn cố gắng tìm tôi. - Anh trả lời.

- Ủa làm sao mà họ nghĩ là anh chết?

- Vì bác sĩ trước đây ở Udon Thani nói với gia mẹ tôi như vậy. Họ nói có lẽ bây giờ tôi chết rồi. Vì khi tôi vào bệnh viện điều trị ở đó thì tôi rất yếu và thân xác không còn gì nữa.

- Vậy anh tới đây để hồi phục gia đình không biết à?

- Không. họ không biết.

- Tại sao họ không biết?

- Tại vì tôi không nói cho họ biết.

- Tại sao anh không nói cho họ biết?

- Vì tôi không muốn cho họ biết tôi bị nhiễm HIV.

- À, thế là anh chưa từng tiết lộ tình trạng sức khỏe của anh cho người thân biết phải không?

- Vâng.

- Nhưng sau này bác sĩ là người nói cho họ biết?

- Vâng. Và họ đi tìm tôi.

- Vậy họ đã tìm ra anh như thế nào?

- Họ tìm đến vợ cũ của tôi và xin số điện thoại của tôi. Cô ta đã cho họ số điện thoại, và như thế họ liên lạc được.

- Vậy khi mẹ anh gọi điện thoại cho anh bà đã nói gì?

- Bà nói: Tao tưởng mày chết rồi.

- Nhưng anh vẫn còn sống khỏe mạnh. Bà có mừng không?

- Bà mừng lắm. Tại vì tôi là con trai duy nhất trong gia đình. Tôi có một chị gái và một em gái.

- Gia đình đã đối xử với anh như thế nào khi gặp lại anh?

- Ai cũng vui mừng và khóc. Tôi cũng khóc nữa. Tôi đã quỳ xuống để lạy mẹ tôi. Không ai chê ghét tôi cả. Tôi về nhà anh em bà con đến ăn chung với nhau. Ngồi thanh một vòng tròn chung với tôi. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc.

- Tôi nghe nói mẹ anh đi mổ mắt ở bệnh viện. Anh có đến gặp người bác sĩ mà từng chăm sóc cho anh không?

- Có ạ. Mới đầu bà nhìn không ra. Nhưng sau đó thì bà rất ngạc nhiên. Vì lúc đó với bây giờ tôi hoàn toàn khác. Cha biết đó, trước đây thân hình tôi tàn tạ. Tôi nghĩ là mình sẽ không qua khỏi. Nhưng nhờ có sự động viên của Thầy Bernd mà tôi đã hồi phục. Thầy lúc nào cũng nói với tôi phải cố gắng lên. Tôi thực sự biết ơn thầy. À, ngoài ra tôi còn gặp lại con trai của tôi nữa.

- Ồ, anh có con trai à?

- Vâng. Tôi có đứa con trai 18 tuổi.

- Nó gặp lại anh nó có vui không?

- Có ạ. Nó khóc nữa. Tôi và nó đã có thời giờ bên nhau. Chúng tôi còn nằm chung một giường để nói chuyện.

- Đây quả là một câu chuyện tuyệt vời. Chúc mừng anh đã gặp lại gia đình sau nhiều ngày xa cách. Tôi hy vọng với sự yêu thương và nâng đỡ mà anh đã nhận được nơi gia đình, anh sẽ tiếp tục phấn đấu để hồi phục và có một cuộc sống hạnh phúc.

Các bệnh nhân khác cũng chúc mừng anh Sốngsặc với điều may mắn mà anh đã gặp được. Tiếc thay, không phải ai trong số các bệnh nhân cũng nhận được sự yêu thương và chấp nhận như thế. Và đó là thực trạng của những người bị nhiễm HIV/AIDS.

Nong Bua Lamphu, ngày 16.3.2012


Hôm nay không đi tù

Hôm nay đáng ra mình đi dạy tiếng Anh cho các tù nhân tại nhà tù tỉnh Nong Bua Lamphu. Đó là sinh hoạt mỗi sáng thứ tư của mình. Thế nhưng trước khi phải ra khỏi nhà khoảng 45 phút thì nhận được cuộc điện thoại từ nhân viên trong tù bảo là xin nghỉ một ngày vì có chuyện gì đó. Mình không phải là người nghe điện thoại nên mình không hiểu rõ chi tiết. Nhưng mình không vui lắm khi chương trình thay đổi một cách bất ngờ như thế. Nếu biết trước sáng nay không phải đi dạy thì mình có thể làm những việc khác như hẹn người đến học giáo lý. Vấn đề giờ giấc và sự thường xuyên vẫn là một vấn đề mà mình cảm thấy khó chấp nhận được khi làm việc với xã hội người Thái, một xã hội tương đối lỏng lẽo trong khía cạnh này.

Dù sao đi nữa thì mình cũng cảm thấy thú vị với việc dạy tiếng Anh cho các tù nhân. Trên thực tế có một số người học có căn bản về tiếng Anh và tương đối có khả năng trong việc giao tiếp bằng tiếng Anh. Đó là một điều đã làm cho mình bất ngờ khi bắt đầu khóa học căn bản cách đây hai tuần. Hy vọng rằng đây sẽ là một kinh nghiệm mới và bổ ích cho mình cũng như các tù nhân mà mình sẽ dạy.

Nong Bua Lamphu, ngày 13.3.2012

Trở về


Thứ bảy qua mình tổ chức tĩnh tâm cho nhóm Phi Luật Tân tại tỉnh Khon Kaen trong dịp Mùa Chay để chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Phục Sinh. Số người tham dự không đông, chỉ khoảng 20 người, nhưng tạo nên một không khí ấm cúng và gia đình vì đa số mọi người biết nhau và sinh hoạt chung với nhau. Một đặc điểm trong phong cách của người Phi Luật Tân là họ rất thích ca hát và khá cởi mở trong vấn đề chia sẻ tâm tình. Vì thế nên mục chia sẻ lúc nào cũng có những lời chứng rất sâu sắc đến từ kinh nghiệm sống với bao nhiêu sự va vấp trong xã hội.

Cuộc tĩnh tâm nào cũng phải có phần hòa giải, và lần này mình đã cảm nhận được hồng ân của Chúa tuôn tràn trên họ khi trong nhóm đã có những người đến với tòa giải tội lần đầu tiên sau 5 năm, 12 năm, và thậm chí 15 năm. Chị Jocelyn chia sẻ với tôi, lần cuối cùng chị xưng tội là năm 1996 trước khi làm lễ cưới. Và bây giờ chị mới trở lại với bí tích hòa giải. Quả thật là một quảng đường rất dài với rất nhiều sóng gió và khó khăn. Chị Jocelyn hiện đang dạy tiếng Anh tại một trường học trong tỉnh Nong Bua Lamphu, nhưng chồng và con thì đang ở Phi Luật Tân, vài ba năm chị mới có dịp về thăm gia đình. Việc xa chồng con để kiếm sống hẳn là một hy sinh rất lớn lao, và đó là câu chuyện của rkhông ít người lao động di dân đến từ các nước như Phi Luật Tân, Miến Điện và Việt Nam.

Mình cảm thấy thật vui khi cuộc tĩnh tâm vừa qua đã giúp cho nhiều người hòa giải với Chúa và tìm được bình an trong tâm hồn, sau nhiều năm mang trong mình những gánh nặng và đau đớn vì những lầm lỗi trong đời sống. Tạ ơn Chúa!

Nong Bua Lamphu, ngày 12.3.2012

Tai nạn và lòng bác ái của các bạn trẻ





Cách đây gần hai tuần mình nhận được một cuộc điện thoại từ một bạn trẻ nữ không giới thiệu tên. Nó nói với mình, nó là người thân của một bạn trẻ đang gặp phải hoàn cảnh hoạn nạn tại tỉnh Sakon Nakhon. Mình hỏi có chuyện gì? Nó trả lời:

- Thưa cha, anh con bị tai nạn. Hiện đang nằm bệnh viện tại Sakon Nakhon. Gia đình con không có tiền nên nhờ cha giúp đỡ.

Mình hỏi: - Bị tai nạn như thế nào?

- Thưa cha, anh con đi xe đạp với một người bạn khác thì bị xe hơi tông. Người ta bỏ chạy. Anh con mới qua Thái Lan được hơn một tuần khi sự cố xảy ra.

- À, đây có phải là chuyện mà cha nghe nói Cha John có giúp 15,000 ngìn baht không?

- Thưa cha, đúng rồi. Nhưng số tiền đó không phải giúp anh con, mà là giúp người bị chết rồi ạ.

- Là sao? Cha không hiểu.

- Thưa cha là giúp trong việc đưa xác người đó về Việt Nam. Nhưng trường hợp anh con thì chưa được giúp, nên con muốn liên lạc với cha xem cha có cách nào giúp anh con không.

Mình trả lời: - Tỉnh Sakon Nakhon thì cách chỗ cha ở bốn năm giờ đồng hồ lái xe. Làm sao cha biết chuyện này là hư hay thiệt. Nếu cha có đứng ra trực tiếp giúp hay là kêu gọi ai giúp đỡ thì cha phải có bằng chứng rõ ràng thì cha mới giúp được. Tại vì các cha ở Thái Lan này cũng hay nhận được nhiều cuộc điện thoại từ những người lừa đảo muốn lợi dụng tấm lòng tốt của các cha lắm. Cả người Thái họ cũng có những mưu kế như vậy.

- Dạ thưa cha chuyện này là thật ạ. - Nó khẳng định.

- Bây giờ như thế này nhé. Em gởi cho cha một lá thư trình bày vấn đề, một số hình ảnh của anh em trong bệnh viện, và giấy chứng nhận từ bệnh viện. Cha mới có đủ bằng chứng để tiến hành.

Nó đồng ý. Mấy hôm sau, mình nhận được một cuộc điện thoại khác, không phải đến từ cô bé gọi mình ngày trước, mà đến từ một bạn nam, tự giới thiệu là em trai của nạn nhân. Nó xin địa chỉ đề gởi những tài liệu mà mình yêu cầu. Nó nói có thể đi xe đò đến NBL để gặp mình nếu cần thiết. Mình suy nghĩ chốc lát rồi nói:

- Đi đến chỗ cha thì hơi bất tiện tại vì từ Sakon đến NBL thì phải đi hai chuyến xe đò. Bây giờ như thế này nhé. Chúa Nhật này, cha sẽ đi tỉnh Mahasarakham để dâng lễ cho các bạn trẻ VN ở đó. Nếu được thì đến gặp cha ở đó, và mang giấy tờ đến cho cha.

Nó đồng ý. Và thế là nó bắt xe đò đến tỉnh Mahasarakham để gặp mình. Thờ giờ đi cũng mất hết 5 tiếng, nhưng chỉ là một chuyến chứ không phải hai chuyến. Nó trình bày những giấy tờ như mình yêu cầu. Bây giờ mình mới biết bạn trẻ này có tên là Trai, ít hơn nạn nhân một tuổi, là em trai ruột của nạn nhân.

Cùng chiều hôm đó, luôn tiện dâng lễ và sinh hoạt với nhóm bạn trẻ VN tại tỉnh Mahasarakham nên mình đã kêu gọi các bạn giúp đỡ trong tinh thần lá lành đùm lá rách. Các bạn cũng đã nhiệt tình đóng góp được 3,000 baht. Một số giáo dân người Thái ủng hộ thêm hơn 1,500 baht. Mình cũng giúp thêm 5,000 baht để Trai mang về điều trị cho người anh của mình. Trong giấy chứng nhận của bác sĩ thì tai nạn đã làm cho bạn Nguyễn Hữu Ngọc bị chảy máu trong não. Và theo hình thì thấy đã bị gãy tay và chân. Nói chung tình trạng vô cùng nguy kịch. Theo Trai, Ngọc mở mắt ra được nhưng chưa có dấu chỉ tĩnh táo.

Mình hứa với Trai sẽ kêu gọi thêm sự giúp đỡ từ các bạn trẻ Việt Nam ở Nong Bua Lamphu và Udon Thani. Mình cũng đưa hình ảnh của Ngọc lên facebook để kêu gọi sự giúp đỡ. Mấy ngày qua một số bạn trẻ trong Nhóm Hy Vọng đã tích cực kêu gọi bạn bè đóng góp để giúp đỡ người bạn thiếu may mắn. Rốt cuộc cũng quyên góp được một số tiền kha khá. Còn có người ở nước ngoài, khi nghe đến chuyện của bạn Ngọc, cảm thấy tội nghiệp cũng không ngần gại giúp đỡ.

Hôm nay mình đi tỉnh Khon Kaen để tổ chức tĩnh tâm cho nhóm người Phi Luật Tân. Thêm lần nữa, mình hẹn Trai đến để nhận số tiền đã quyên góp được trong tuần qua. Được hơn 18,000 baht. Mình nói với Trai có khả năng sẽ được thêm một ít nữa. Nhưng phải chờ.

Việc phát động cho các bạn trẻ Việt Nam giúp đỡ Ngọc trong lúc này thật có ý nghĩa vì đang trong mùa Chay, là thời gian mà mọi người nên làm phúc nhiều hơn bên cạnh những sinh hoạt thiêng liêng khác để bày tỏ lòng ăn năn thống hối. Chắc chắn, gia đình của Ngọc, những người bên lương cũng sẽ cảm kích với tấm lòng của những bạn trẻ Công giáo, sẵn sàng chia sẻ bất kể tôn giáo. Trên thực tế, nhiều bạn đã cảm thấy rất vui khi biết rằng người mình giúp là một người lương chứ không phải người bên Giáo vì biết rằng đây là một cơ hội cho mọi người có thể xích lại gần nhau hơn và đối xử với nhau trên tinh thần con người. Những tình cảm của các bạn trẻ thật đáng trân trọng.

Nong Bua Lamphu, ngày 10.3.2012

Tình yêu trong hoạn nạn



Tối thứ ba vừa qua mình vừa dâng lễ xong thì trời bắt đầu mưa to. Gió kéo tới ào ào như bão. Còn có mưa đá nữa. Trước nhà thờ lá rụng bay đầy sân. Mặc dầu trời mưa nhưng mình phải đi dạy vì mình có một lớp dạy tiếng Anh vào buổi tối. Đang lái xe đến trung tâm thì nhận được điện thoại của Sr. Mary-Paul. Seour nói có vấn đề với nhà sinh hoạt, nhưng vì đang lái xe và cách phát âm giọng Ấn Độ nghe rất khó nên mình cũng không hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra với nhà sinh hoạt. Mình tắt điện thoại với suy nghĩ là có lẽ mưa và gió đã làm cái gì ở hội trường hư hỏng.

Sáng hôm sau mình đi xem thì mới thấy tình hình tệ hơn mình đoán. Nguyên một nửa cái trần của hội trường mới làm xong cách đây một năm rưởi đã rơi xuống tạo nên một hiện hiện trường như trong những cảnh bão tố mà mình đã từng xem trên TV. Mình thật bất ngờ vì mặc dầu mưa và gió lớn thật, nhưng không nghĩ nó đủ mạnh để gây ra thiệt hại nặng nề như thế đối với hội trường. Thầy Damien là người trước đây chịu trách nhiệm cho việc sửa sang hội trường sinh hoạt đến xem tình hình cũng phát buồn theo.

Nhưng trong chuyện buồn lúc nào cũng có sự an ủi. Sau khi chứng kiện sự việc đã xảy ra, mình chia sẻ hình ảnh lên trên mạng facebook thì ngay lập tức đã có những người "bạn" facebook chia buồn và còn có người xung phong đóng góp tiền hoặc giúp tìm người đóng góp để có quỹ sửa lại hội trường. Điều lạ là đa số những người này đều là những người mà mình không biết đến. Họ chỉ là những người "bạn" trên facebook mà mình chưa hề giao tiếp, hoặc là những người "bạn" của những người "bạn" đó. Nói chung toàn là những người xa lạ. Nhưng vì tấm lòng, vì lòng mến Chúa yêu tha nhân, nên họ đã mở lòng trước sự bất hạnh của người khác. Mình thật cảm tạ Chúa vì trong biến bố này, mình đã chứng kiến những tấm lòng thật cao thượng và cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn. Đó là một điều thật quý giá trong xã hội thời nay. Đức Thánh Cha đã từng kêu gọi chúng ta hãy thổi linh hồn vào hệ thống internet, và như thế mạng xã hội facebook, cho dù có rất nhiều điều tiêu cực, cũng đã giúp nối kết những người xa lại lại với nhau trong tin yêu.

Nong Bua Lamphu, ngày 2.3.2012