Đi hội thảo





Hôm nay mình đến trường đại học Northeastern ở tỉnh Khon Kaen để có một bài nói chuyện với chủ đề “Phát triển giới trẻ một cách toàn diện” như một khách mời của trường đại học trong một cuộc hội thảo với chủ đề “Quản lý giáo dục để phát triển chất lượng đời sống trong thời kỳ khủng hoảng quốc gia”. Những thành viên tham gia là các hiệu trưởng trường học đang học khoa tiến sĩ ngành quản lý giáo dục tại trường đại học, cũng như một số sinh viên bằng thạc sĩ khoa quản lý giáo dục. Ngoài ra còn có một số vị sư Phật giáo, khoang trên 10 người đến tham dự cuộc hội thảo. Mình không hiểu các vị sư này có nằm trong chương trình học hay không, hoặc là khách mời của trường đại học.

Trong bài nói chuyện của mình, mình đã trình bày về hoàn cảnh của giới trẻ Á Châu trong thời đại mới, và nhu cầu phát triển giới trẻ một cách toàn diện để được sự lành mạnh trong các lĩnh vực thể chất, tinh thần, xã hội và tâm linh. Mình cũng đưa ra một số phương cách trong việc phát triển giới trẻ và đề nghị về thái độ mà người làm công việc phát triển giới trẻ nên có. Bài nói chuyện thứ hai được trình bày bởi ông Wiboon Shamsheun, là phó trưởng Bộ giáo dục. Ông ta nói về những nhu cầu trong ngành giáo dục trong thời đại toàn cầu hóa và thời kỳ xây dựng cộng đồng ASEAN. Buổi chiều là những trình bày và thảo luận của những sinh viên tiến sĩ về các đề tài liên quan đến giáo dục.

Một điều khá lạ là mình đã được mời đến để trình bày trong cuộc hội thảo hôm nay như một khách mời đặc biệt, trong khi mình nhỏ tuổi hơn dường như tất cả mọi người trong cuộc hội thảo, ngoại trừ các sinh viên thạc sĩ. Điều khác biệt khác nữa là mình là người Công giáo duy nhất trong cuộc hội thảo, chưa nói đến việc mình là một linh mục Công giáo. Mình tin chắc trường hợp có một vị linh mục Công giáo được mời để trình bày một đề tài trong một không gian và môi trường như thế này thực sự hiếm hoi.

Tuy nhiên, bài nói chuyện của mình đã được đón nhận rất tốt. Và nhiều người, kể cả các vị giáo sư lớn tuổi đã chia sẻ với mình rằng quan điểm mình đưa ra rất quan trọng và đáng cho các nhà quản lý giáo dục phải suy nghĩ tới. Hôm nay mình còn đã làm thêm một điều nữa là mình đã chia sẻ với những người khác tôn giáo về ý nghĩa của “nhà truyền giáo” là gì, và công việc của một nhà truyền giáo mang tính chất như thế nào. Và quan trọng hơn nữa, mình đã một cách thẳng thắn khẳng định rằng tôn giáo nên có và phải có vai trò quan trọng trong đời sống của mỗi người và thiết yếu trong việc phát triển giới trẻ để trở nên những con người lành mạnh một cách toàn diện.

Nong Bua Lamphu, ngày 1.10.2011

No comments: