Từ linh mục truyền giáo thành thầy giáo toán-lý-hóa

Mình không biết tại sao bây giờ mình phát hiện ra mình đã trở thành một thầy giáo toán lý hóa. Ông thầy hiệu trưởng ở trường trung học Prajak Silapakhom mời mình đến giúp các giáo viên và học sinh trong trường của ông về Anh văn. Mình đồng ý vì từ ngày đến Thái Lan, mình đã nhiều lần dạy Anh Văn không chỉ ở một số trường học, mà còn dạy ở nhà thờ, bệnh viện, và hội tự thiện nữa. Nhưng cái trường học này họ không chỉ cần người dạy Anh văn, mà họ cần người dạy các môn học Toán Lý Hóa và Sinh học bằng tiếng Anh. Thế là mình trở nên một thầy giáo dạy đủ thứ môn khoa học. Cũng may là ngành học của mình thời đại học là ngành Sinh Hóa học nên cũng không đến nỗi quá khó.

Việc dạy thì không đến nỗi khó, nhưng cái ngành giáo dực ở Thái Lan thì đòi hỏi sự kiên nhẫn từ minh một cách lạ thường. Hôm nay theo thời khóa biểu thì mình phải dạy môn Hóa học cho lớp học sinh lớp 10/1 vào lúc 9h50 sáng. Mình đến đúng giờ hẹn. Nhưng khi đến nơi thì không thấy học sinh n ào cả. Cô giáo thường trực nói là có lẽ các em đang đến. Cô nói sáng thứ sáu giờ đầu tiên là giờ đạo đức, có khi ra hơi trể. Nhưng khi ra thì nhiều khi các em không đến lớp ngay mà đi la cà một lúc mới chịu vào lớp. Mình hỏi không có ai thúc các em nhanh chân vào lớp à? Cô giáo nói là không.

Mình chờ thêm 20 phút nữa cũng chưa thấy bóng dáng của học sinh nào trong lớp 10/1 bước vào. Mình hỏi cô giáo là học sinh sao chậm thế? Cố giáo ra ngòai xem thì nói là thầy giáo dạy môn lý đang nói chuyện với các em. Mình hỏi: - Tại sao thầy giáo môn lý lại nói chuyện với học sinh trong giờ học môn hóa?

Cô giáo trả lời: - Ở đây là vậy đó. Thầy có muốn gặp học sinh lúc nào thì gặp, bất kể giờ đó học sinh cần phải vào lớp khác.

Mình chẳng biết phải nói sao với điều này. Đến 9h30 thì mới thấy học sinh vào lớp. Mình hỏi bọn học sinh: -Sao giờ này mới vào lớp? Chỉ còn 10 phút nữa là hết giờ rồi?

Một nữ sinh trả lời: Thầy giáo môn lý muốn nói chuyện với tụi em về việc luyện thi.

-Tại sao thầy giáo không nói chuyện với các em trong giờ của thầy mà nói chuyện với các em trong giờ của người khác?

- Tụi em không biết.

Hệ thống giáo dục ở Thái Lan là thế. Tiếng chuông báo giờ vào lớp dường như chẳng có ý nghĩa gì quan trọng đối với giáo viên hoặc học sinh. Việc học sinh copy bài lẫn nhau là chuyện vô cùng bình thường mà cũng chẳng có hệ quả gì cả. Còn hàng chục vấn đề khác nữa làm cho thấy tại sao giáo dục ở Thái Lan càng ngày càng đi xuống. Muốn dạy ở trong các trường học ở Thái Lan này, đặc biệt khi đến từ một hệ thống giáo dực tiên tiến như ở Mỹ thì ta phải thực sự kiên nhẫn và chịu đựng mới không nổi điên lên vì những chuyện thực sự vô lý nhưng có thật trong hệ thống giáo dục ở đất nước này.

Nong Bua Lamphu, ngày 9.11.2011

No comments: