Chuyện trong tiệm hớt tóc


 

Trước khi rời Việt Nam, mình đã tìm đến một tiệm hớt tóc trên đường Pasteur để tân trang lại đầu tóc trước khi bay qua Nhật. Mặc dù mình mới cắt tóc ở Thái Lan chưa tới 2 tuần, nhưng mình thấy ở Việt Nam cắt tóc giá rẻ, qua Nhật không biết đi cắt tóc có dễ dàng hay không, nên quyết định cắt ở Việt Nam trước khi lên đường.


Như bao nhiêu vấn đề khác trong thế giới ngày nay, mình tìm ra tiệm hớt tóc dựa theo giới thiệu của Google với những phản hồi của các khách hàng đã từng dùng dịch vụ ở đây. Mình thấy tiệm hớt tóc cũng không quá xa, cách mình ở chỉ 950 mét, có thể đi bộ được.

Khi tới nơi, cô nhân viên tiếp tân hỏi mình muốn cắt tóc giáo 90k hay giá 130k. Mình nói cắt giá 130k. Cô hỏi có yêu cầu thợ nào không? Mình nói thợ nào cũng được vì đây là lần đầu tiên mình tới tiệm. Thế là mình được giao cho một thợ hớt tóc trẻ, tầm 20 tuổi. Anh thợ hỏi mình muốn cắt kiểu gì? Mình nói cắt như cũ, rẽ mái qua một bên. Anh ta hỏi phía dưới muốn cắt sát bao nhiêu? Mình trả lời 1,5 – đừng sát quá. Thế là anh ta bắt đầu gọt đầu của mình từ dưới lên trên.

Khi đã bắt đầu cắt một vài phút, anh thợ trẻ tự giới thiệu về mình. Nói rằng anh ta theo đạo Hồi giáo. Mình cũng bất ngờ vì thường trong tiệm hớt tóc người ta không nói nhiều về các vấn đề tâm linh. Mà ở Việt Nam thì cũng không mấy khi gặp ai người Hồi giáo, hoặc tự giới thiệu mình theo đạo Hồi giáo. Mình hỏi ở Sài Gòn người Việt theo đạo Hồi giáo nhiều không thì được cho biết là cũng khá nhiều. Bạn ấy đến từ một tỉnh miền Nam, ở đó có nhiều người theo Hồi giáo.

Mình hỏi anh thợ đi hớt tóc như vậy có cầu nguyện mỗi ngày 5 đợt như luật đạo không, thì anh ấy trả lời chỉ cầu nguyện khi ở nhà, vì trong tiệm không có không gian thuận tiện cho việc tâm linh. Mặc dù đạo hồi đang trong mùa chay Ramadan, nhưng người bạn trẻ cũng không thể giữ chay khi đi làm, mà chỉ giữ chay vào ngày nghỉ. Khi ở nhà thì sẽ ăn chay, cầu nguyện ngày 5 lần và tới đền thờ Hồi giáo gần nhà ở quận 8.

Người thợ hớt tóc chia sẻ một số điều về cộng đồng người Hồi giáo tại Sài Gòn cho mình nghe. Anh ta cũng không hỏi mình theo đạo gì, mà mình cũng không nói cho anh ấy biết. Sau khi về tới nhà mình mới tự vấn sao không nói cho người thợ hớt tóc trẻ biết mình là linh mục xem bạn sẽ có những suy nghĩ hay câu hỏi gì cho mình. Anh ấy đã rất sẵn sàng tự chia sẻ với mình rằng anh ta theo đạo Hồi giáo trong khi trước đó mình không hề hỏi han gì về tín ngưỡng của anh ta. Đáng ra mình cũng phải đáp trả sự cởi mở này bằng việc tiết lộ về chính mình.

Trong mối tương quan giữa các tôn giáo hiện nay, người ta thường nói về các hình thức đối thoại liên tôn. Trong các hình thức khác nhau, hình thức đầu tiên và căn bản nhất là đối thoại trong cuộc sống hằng ngày giữa những con người trong xã hội. Mỗi ngày chúng ta có thời gian để gặp gỡ, chia sẻ, và trao đổi với những người khác tôn giáo trong những tình huống cũng như hoàn cảnh bình thường trong cuộc sống. Sự đối thoại này có thể diễn ra bất cứ nơi nào – nơi làm việc, trước sân nhà, hoặc như trong trường hợp hôm nay, trong một tiệm hớt tóc nam.

Hôm đó mình đã bỏ lỡ cơ hội để thực sự thực hiện đối thoại liên tôn bằng hình thức đối thoại trong cuộc sống thường nhật. Người thợ hớt tóc trẻ đã mở ra cho mình một cơ hội, nhưng mình đã không nắm lấy. Và đây là một điều rất đáng tiếc vì không dễ gì mà một linh mục gặp một thanh niên Hồi giáo trong một tiệm hớt tóc tại Sài Gòn. Là một người đã không ít lần viết và thuyết trình về đề tài đối thoại liên tôn trên lý thuyết, nhưng không phải lúc nào mình cũng đem ra thực hành một cách có ý thức trong bối cảnh thực tế. Đây cũng là bài học nhắc nhở mình phải ý thức và tận dụng những cơ hội, cho dù là những tình huống rất bình thường để đối thoại, ở bất cứ nơi nào, hoàn cảnh nào, và với bất cứ ai có thiện tâm thiện chí để đối thoại và chia sẻ.

Sài Gòn, ngày 4.4.2023

1 comment:

Anonymous said...

Nếu cha mặc áo cổ cồn thì anh ấy đã hỏi rồi.