Cảm nhận từ một chuyến đi




Cuối cùng mình cũng đã hoàn tất chương trình kêu gọi hỗ trợ đồng bào ở vùng lũ lụt Miền Trung và cùng với đoàn làm việc đi đến tận nơi để trao những món quà tinh thần và vật chất cho những người thiếu may mắn ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Sau khi mọi thứ đã hoàn tất, mình có một số cảm nhận về những gì đã xảy ra trong suốt hơn một tháng qua từ khi chương trình được khởi xướng cho đến khi món quà cuối cùng được trao cho các nạn nhân của thiên/nhân tai.

1) Sự chia sẻ trong hoàn cảnh thiếu thốn luôn mang rất nhiều ý nghĩa. Những đóng góp nhỏ bé của quý anh chị em lao động di dân và những bạn sinh viên Việt Nam tại Thái Lan là sự chia sẻ trong thiếu thốn chứ không phải là dư giả. Thời gian qua kinh tế Thái Lan đang ì ạch, vương quốc băng hà, người dân Thái không có tinh thần và điều kiện để tiêu sài như trước đây. Những người lao động Việt Nam tại Thái Lan, đặc biệt là những người làm việc phục vụ trong nhà hàng quán ăn vì thế cũng mất thu nhập theo. Nhưng khi được kêu gọi đóng góp, nhiều người đã hy sinh một ít tiền lương tháng để gởi về cho đồng bào Miền Trung. Một trong những người đầu tiên đóng góp là một bạn trẻ người lương, cũng là người đã trực tiếp viết bài lên trang Facebook của mình đề nghị mình thay mặt người Việt tại Thái Lan giúp đỡ đồng bào lũ lụt. Số tiền bạn ấy gởi tới là 2.000 baht, 1/5 tiền thu nhập hàng tháng của đa số những người lao động tại Thái Lan . Cũng có những người chỉ đóng góp vài trăm baht, nhưng số tiền ít không phản ảnh tấm lòng mà những người con xa xứ dành cho quê hương và đồng bào.

2) Trong khổ cực người ta vẫn có thể cười rất tươi. Đó là cảm nhận của mình khi gặp gỡ những con người đang trải qua vô vàn vất vả vì tai họa do thiên nhiên và con người gây ra. Khi tới những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề tưởng chừng ta sẽ gặp những người mặt mày u buồn, sầu não trong sự khốn cùng. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Có khách đến họ vẫn tươi cười chào đón, thăm hỏi, và cảm ơn lòng hảo tâm của những người trong đoàn cũng như hàng ngìn tấm lòng mà đoàn là đại diện cho những tấm lòng đó. Bất kể người già hay trẻ em, mỗi khi cha Hùng làm những màn ảo thuật cho họ xem thì trên khuôn mặt đều rạng rở và phấn khởi trước những động tác tuy đởn giản nhưng lạ thường của ngài. Đến với vùng lũ lụt, mình đã thấy nhiều nụ cười hơn nước mắt. Họ cười không phải vì nhận được những món quà, không phải vì được gặp gỡ đoàn từ thiện, mà cười vì đó là “vũ khí” tinh thần để chống cự lại nỗi thất vọng, sự gian nan khó nhọc, và sự kiệt quệ trong tinh thần lẫn thể xác. Khi đã mất mát quá nhiều, khi đã khóc khô nước mắt, thì cái còn lại cho những con người có tinh thần và ý chí siêu việt luôn là một nụ cười rạng rở như một thách đố đối với những thứ đang đe dọa làm suy sụp đời sống của mình.

3) Vùng lũ lụt là một vùng thật đẹp. Khi không bị nước sông dâng tràn ngập bờ, cuốn đi của cải mùa màng của người dân, khi người ta không xả lũ bất ngờ khiến người dân chỉ kịp bỏ chạy để duy trì mạng sống thì vùng này có quang cảnh thật tuyệt vời. Ở đây có thể là những nơi làm du lịch sinh thái, là những điểm nghỉ ngơi cho những ai muốn xã stress do cuộc sống và công việc, là những nơi xây dựng những trung tâm tĩnh tâm hoặc thiền viện thật lý tưởng. Và khi dòng sông không bị ô nhiễm bởi những thứ chất độc hại gây thiệt hại cho hệ thống môi sinh thì nó là nguồn mưu sinh vô cùng quan trọng cho người dân ở đây. Nhưng tiếc thay nơi đây người dân vẫn cứ nghèo, và mỗi khi có mưa bão, lũ lụt thì người ta phải làm những công tác cứu trợ để giúp đỡ những đồng bào lâm nguy. Không ai có thể làm ngơ khi nhìn thấy cảnh những cụ già phải ngồi trên trần nhà để tránh lũ, hay cảnh những con vật gia súc là nguồn kinh tế của người dân nằm chết la liệt, hay cảnh cây cối mùa màng hoàn toàn bị hư hại do bị dòng lũ cuốn đi. Tuy nhiên, người đi làm cứu trợ không thể đến đây mà không đặt câu hỏi: “Tại sao ở một vùng đất nước có cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ và tuyệt vời thế mà người dân phải luôn sống trong cảnh nghèo khó, túng thiếu đủ bề?”

4) Một người làm từ thiện phải vô cùng thận trọng trong hành đồng và cung cách của mình. Biết là người dân ở đó đang nghèo khổ, họ rất trông chờ vào những khoản tiền mà những nhà hảo tâm giúp đỡ, và họ biết ơn sự chia sẻ của những người có lòng tốt đối với họ, nhưng lời nói, thái độ, và cách thức trao tặng những món quà đó cũng là điều mà người làm từ thiện phải chú tâm để không gây tổn thương đến nhân phẩm và lòng tự trọng của người nhận quà. Và bên cạnh món quà vật chất mà người từ thiện mang đến cho họ thì còn có món quà tinh thần, là một lời động viên, một câu nói chia sẻ và thông cảm, một cử chỉ thân thiện để nối kết tình người. Mình vẫn còn nhớ những cái nắm tay thật chặt của những cụ già yếu ớt mà mình tới thăm hỏi, hay những nụ cười thật tươi trên khuôn mặt của những con người đã mất mát thật nhiều. Dù họ có nghèo khó hay yêu đuối thì đến với họ điều mỗi người làm công tác từ thiện cần phải nhắc nhở chính mình là phải luôn tôn trọng người khác và không làm hay nói bất cứ điều gì tổn thương đến nhân phẩm của họ. Một món quà thật lớn có thể trở nên vô giá trị nếu nó được trao bằng thái độ coi thường và khinh khi người khác. Ngược lại một món quà nhỏ bé có thể trở nên lớn lao khi nó gói ghém tình yêu và sự chia sẻ nhiệt thành từ người trao tặng.

5) Cho và nhận luôn đi kèm với nhau. Nó đã trở thành một quý tắc hiển nhiên trong mối tương quan giữa con người với con người. Cho thật sự, cho với một tâm tình chân thành thì chắc chắn người cho sẽ nhận lại gì đó. Ta không nên quá bất ngờ với điều này. Ai cho mà không cảm thấy mình đã nhận được bất cứ điều gì nên xem xét lại và chất vấn chính mình về cách cho của mình. Phải chăng mình đã cho một cách hời hợt, thiếu tự nguyện, hay cho không phải vì lòng bác ái mà vì một mục đích nào khác? Bản thân mình đã nhận được rất nhiều từ hoạt động từ thiện vừa qua, bắt đầu từ lúc kêu gọi đóng góp cho đến khi chính tay trao những món quà cho đồng bào vùng lũ lụt. Rất khó để mình có thể xác định cái mình đã nhận được là gì. Nhưng một điều mình tin rằng mình đã trở nên một con người tốt hơn vì những gì mình đã làm. Biết cho đi và hy sinh là một cách để cải thiện bản thân, để thăng tiến trong đức hạnh và trở nên một con người nhân văn và nhân đạo hơn. Một con người tốt luôn làm những điều không chỉ mang đến sự hửu ích cho người khác mà còn cho chính mình nữa. Một người biết tập cho, và cho một cách đúng đắn, chắc chắn sẽ nhận lại được điều gì đó cho chính mình. Vì thế đừng có sợ cho đi rồi phải gánh chịu mất mát hay thiệt thòi. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nếu hành động cho đi xuất phát từ một tấm lòng nhân ái.

Chương trình kêu gọi đóng góp đã kết thúc. Giờ đây mình trở lại với công việc hằng ngày—dạy học, soạn giáo án, chấm bài, nghiên cứu, viết lách, việc mục vụ cho anh chị em di dân tại Thái Lan—những công việc không mấy liên quan đến những gì đang xảy ra ở Miền Trung. Như bao nhiêu người khác, mình đến vùng lũ lụt, làm công tác từ thiện, rồi lại đi. Nhưng khi nghĩ lại số phận của bao nhiêu đồng bào ở đó mình cũng không thể không một chút chạnh lòng. Nhận món quà nhỏ bé xong, họ vẫn nghèo, vẫn khổ, vẫn cực, vẫn sẽ phải chống chọi với lũ trong tương lai. Khi nào, mình tự hỏi, người dân ở đó mới hết khó nhọc vì thiên tai, điêu đứng vì nhân tai? Hay việc cứu trợ sẽ còn phải diễn ra dài dài mỗi năm mùa mưa mùa lũ trở về trên dải đất Miền Trung?

Ngày 24.11.2016 (Lễ Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam)