Hành Trình Về Thăm Anh Chị Em Nạn Nhân Vùng Lũ Lụt (Chặng thứ hai)



Lũ đi rồi để lại cái chi?
Chẳng còn gì ngoài nỗi xót xa
Phận người trong lũ anh em ta
Đang chờ cơm áo nghĩa tình thương yêu.

Tiếp nối hành trình yêu thương, với tâm tình: “kết nối yêu thương” để “sống cùng, sống với và sống cho mọi người”, hôm nay đoàn chúng tôi đến với bà con thuộc xã Đồng Hóa – Tuyên Hóa – Quảng Bình. Đây cũng là một trong những nơi bị thiệt hại nặng trong những cơn lũ vừa qua.

Hôm nay, đoàn chúng tôi có thêm Cha Antôn Bùi Quang Đại và một số anh chị em từ Hoa Kỳ và Thái Lan cùng đi. Mặc dù ở xa và có nhiều công việc khác, nhưng khi biết tin cha Đại và anh chi em đã rất muốn được đến để tận mắt thấy những nỗi đau của người dân nơi đây. Bà con nơi đây rất nghèo vì không có công ăn việc làm ổn định và hàng năm luôn gánh chịu hậu quả của hạn hán và lũ lụt. Vùng đất này như là một chảo lửa vào mùa hè và là rốn lũ vào mùa mưa.

Qua Cha Giuse Trần Chính Trực (quản xứ Tân Hội – Quảng Bình), đoàn chúng tôi đến gặp một số gia đình và những địa điểm bị thiệt hại nặng trong vùng. Nơi đây có dòng sông Gianh chảy qua. Đây là một dòng sông nổi tiếng. Là một dòng sông hiền hòa, thơ mộng khi bình thường nhưng nó cũng trở nên nguy hiểm, dữ dội vào mùa mưa lũ. Như những trận lũ vừa qua, mực nước của dòng sông này dâng cao tới gần 10m! những ngôi nhà gần sông bị ngập tới mái nhà. Những dòng nước lũ dữ dội khi chảy qua, nó cuốn đi tất cả những gì có thể, như thuyền, nhà cửa, đồ dùng, súc vật, thậm chí còn gây chết người… và sau khi dòng lũ đi qua thì chỉ còn lại những bãi đất hoang, hoa màu tất tưởi, nhà của tan hoang, cây cối nghiêng ngã, rác rưởi ngổn ngang… và để lại “cái nghèo bền vững” cho bà con nơi đây. Bởi vì sau những trận lũ này, phải rất lâu người dân mới ổn định để sản xuất hoa màu hoặc làm những việc khác. Nếu như không kịp vận chuyển hoặc giữ lại đồ đạc thì chỉ trong chốc lát mọi thứ đều cuốn theo dòng nước lũ. Vậy là đã nghèo nay họ lại trắng tay!

Có đến đây mới thấy được cái nghèo đói và đau khổ của người dân nơi đây. Nhiều gia đình không có đất đai, ruộng vườn, họ sống lênh đênh trên dòng sông Gianh, trên những lồng nuôi cá hoặc thuyền. Chỉ trên chiếc thuyền ấy, ngày ngày thả lưới giăng câu đánh bắt cá, ăn uống ngủ nghỉ… kiếm được ít tiền sống qua ngày, con cái không được đi học…Ôi! Không thể kể hết cái khổ của họ. Chúng tôi đi trên một chiếc thuyền để đến với những gia đình này và trao tận tay tiền quyên góp của quý ân nhân.

Đoàn chúng tôi lên bờ tiếp tục tới thăm những gia đình khác. Trong tình yêu thương, chúng tôi chia sẻ với họ những phần quà, thăm hỏi và động viên anh chị em lương dân cũng như giáo dân. Quả thật, những con người nơi đây thật rất đơn sơ, thật thà, chân quê, mến khách. Dù nghèo, vất vả và vừa trải qua bao ngổn ngang của mùa mưa lũ, nhưng họ vẫn vui và chân tình.

Lên bờ rồi lại xuống xuyền, cứ như thế chúng tôi đến được bốn địa điểm quanh dòng sông Gianh. Vì địa bàn ở đây cách trở sông nước, núi đồi nên chúng tôi phải đi bằng thuyền. Đi bằng thuyền thì rất thích thú vì được ngắm cảnh sông núi hùng vĩ và hữu tình nhưng cũng mất rất nhiều thời gian. Nhưng điều này giúp chúng tôi hiểu rằng người dận nơi đây họ vất và và phải chịu khó, chịu khổ như thế nào khi quanh năm suốt tháng lênh đênh trên sông nước và thiếu phương tiện đi lại cũng như giao thông cách trở. Như Cha Trực cho chúng tôi biết: bà con nơi đây lương cũng như giáo, không chỉ thiếu thốn, nghèo khổ về vật chất mà còn có nhiều vất vả và phức tạp trong đời sống tinh thần, hay nhiều khó khăn khác trong sinh hoạt Kitô giáo.

Hoàng hôn xuống, bóng tối bắt đầu bao trùm, lúc 18h, chúng tôi trên chiếc thuyền ấy ngược dòng sông Gianh trở về điểm xuất phát. Thả hồn theo cơn gió se lạnh, lắng nghe tiếng nước chảy, cảm nhận những âm thanh núi rừng trong cảm xúc bồng bềnh, chúng tôi thấy vui và xúc động. Vui vì được đến với anh chị em của mình, vì được phần nào làm dịu bơt nỗi đau mất mát của bà con vùng lũ này. Xúc động vì thấy và biết rằng quanh ta còn có nhiều người nghèo khổ, gian nan.

Trở về nhà thờ xứ Tân Hội, chưa kịp dùng cơm tối, chúng tôi vội vàng đi tới giáo họ Đồng Lào để hiệp dâng Thánh lễ Chúa Nhật. Cha Anthony Lê Đức, Cha John Lê Hùng, Cha Anthony Bùi Quang Đại và Cha Giuse Trần Chính Trực (quản xứ Tân Hội) đã cùng nhau hiệp dâng thánh lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho nhau, quý cha đã đến như sự hiện diện của Đức Kitô bên người nghèo khổ. Để mang đến một thông điệp rằng trong hoàn cảnh nào đi nữa Thiên Chúa luôn là Tình Yêu. Ngài là Vua của Vũ Trụ, Vua của các vua, một Vị Vua nhân từ với chúng ta.

Sau Thánh lễ Cha con chúng tôi và anh chị em giáo dân quay quần bên nhau trong nhà nguyện nhỏ nhưng mà ấm cúng hạnh phúc làm sao! Ai nấy cũng tươi cười thân thiết như đã quen biết nhau từ lâu. Cha Lê Hùng đã giúp anh chị em có thêm niềm vui bằng những trò ảo thuật. Với tài lẻ và khiếu hài hước của mình Cha đã mang lại nhiều niềm vui khác nữa cho mọi người, và Cha chia sẻ rằng: dù trong hoàn cảnh nào, dù chúng ta đang vất vả, nghèo khổ nhưng hãy vui luôn trong Chúa, hãy vui để xua tan mệt mỏi của cuộc đời.

Chia tay nhau, chúng tôi trở về dùng cơm tối lúc gần 22h. Dù vậy chúng tôi không cảm thấy đói chút nào vì đã no tình người!

Thật sự chặng thứ hai của hành trình đến với anh chị em vùng lũ lụt tại Xã Đồng Hóa-Quảng Bình là một chuỗi nghẹn ngào xúc động với nhiều cảm nghiệm sâu xa. Tạ ơn Thiên Chúa, xin chân thành tri ân những tấm lòng thơm thảo của hết thảy quí vị đã quyên góp phần mình cho anh chị em vùng lũ lụt. Nguyện xin tình yêu và bình an củaThiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Quảng Bình, ngày 19.11.2016

No comments: