Hành trình đi thăm Anh chị em nạn nhân vùng lũ lụt (chặng thứ ba)


Hôm nay là ngày thứ ba của đoàn chúng tôi đến với anh chị em nạn nhân vùng lũ lụt. Hai ngày qua chúng tôi đến với bà con lương dân và giáo dân tại Hương Khê - Hà Tĩnh và xã Đồng Hoá - Quảng Bình. Chúng tôi đã gặp gỡ, động viên và trao gửi những phần quà mà quý ân nhân đã quyên góp cho nhiều nạn nhân. Đó là hai chặng của hành trình mà quý vị đã biết qua thông tin trên Facebook.

Sáng hôm nay, chúng tôi tiếp tục hành trình kết nối yêu thương, chia sẻ nỗi đau với bà con tại các xã: Quảng Trung, Quảng Minh, Quảng Hoà thuộc tỉnh Quảng Bình. Đi về phía thị xã Ba Đồn, vẫn trên dòng sông Gianh chúng tôi đến gặp gỡ và chia sẻ những mất mát với bà con quanh dòng sông.

Đầu tiên, chúng tôi đi đến Khu vực giáo xứ Liên Hoà, xã Quảng Trung, Quảng Trạch, Quảng Bình. Cũng như hôm qua, chúng tôi phải đi thuyền mới đến được những nơi này. Nơi đây, hoàn toàn độc lập với những làng chung quanh. Không có chiếc cầu nào, đã bao đời nay luôn phải di chuyển bằng thuyền. Giao thông cách trở vì thế rất khó khăn để giao lưu buôn bán hay có thể đi lại sinh hoạt hằng ngày. Phải nói rằng người dân nơi đây đã nghèo lại càng khốn khổ. Trước đây, nghề nghiệp chính của bà con là ngư nghiệp, dòng sông Gianh như là nguồn lực kinh tế chính cho họ. Thế nhưng thảm hoạ của Formosa đã làm cho họ mất hết công ăn việc làm, những chiếc thuyền giờ vẫn neo đậu bến quê hay cá đánh bắt được không ai mua, những hải sản khác cũng chỉ đáng giá vài đồng ít ỏi. Thêm vào đó là những trận lũ hoành hành vừa qua, khiến cuộc sống của bà con lao đao trăm chiều. Thật không thể kể hết những khó nhọc, nghèo đói của họ.

Bước vào làng, ai trong chúng tôi cũng ngỡ ngàng trước cảnh tan hoang, ngổn ngang sau cơn lũ lụt. Cây cối nghiêng ngã, hàng rào xiêu vẹo, nhà cửa liêu xiêu, bùn đất nhầy nhụa...vẫn còn đó. Những đôi chân trần, đôi tay gầy guộc, khuôn mặt khắc khổ vẫn còn dấu vết của của bão lụt. Tất cả đều là bằng chứng của mùa mưa bão.

Sau khi được thầy Nhạc đồng hành đoàn chúng tôi đã đến gặp trực tiếp một số anh chị em có hoàn cảnh đặc biệt, người già neo đơn, người bệnh hiểm nghèo... cùng nói chuyện, an ủi và trao tận tay số tiền mà quý ân nhân đã gửi cho họ.

Sau khi đến thăm ông bà, anh chị em thuộc xã Quảng Trung, chúng tôi trở lại con đò thân thương trên dòng sông Gianh để về với nạn nhân lũ lụt thuộc xứ Cồn Nâm, xã Quảng Minh, Quảng Trạch. Cũng như những bà con sống quanh sông Gianh, tại đây bị cách trở vì không có cây cầu nào, dân phải đi lại bằng thuyền quanh năm. Vì thế có muôn vàn khó khăn trong đời sống hằng ngày của bà con nơi đây. Cũng là những dáng người gầy gòm ấy, những gương mặt khắc khổ hằn vết nắng mưa, đã chịu đựng bao mùa mưa bão. Dù thế khi có các Cha cùng đoàn cứu trợ đến, ai nấy cũng đều vui trong tình người, tình Chúa. Để rồi biết rằng: là con người, chúng ta không cô đơn , không lẻ loi, vì chúng ta là anh chị em một nhà, đồng hành, chia sớt với nhau khi vui cũng như lúc buồn; như lời của Cha John Lê Hùng,SVD chia sẻ. Cùng đi với đoàn chúng tôi có Cha Đại và một số chị em từ Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên họ về Miền Trung, họ chia sẻ rằng không thể nào nói nên lời vì rằng có qua nhiều anh chị em nghèo khổ đang cần đến những tấm lòng hảo tâm. Chia tay bà con nơi đây trong sự biết ơn và thương cảm, cả chúng tôi và họ vừa vui vừa buồn. Vui vì gặp gỡ nhau trong tình thân ái để chia sẻ với nhau. Buồn vì biết bao đau khổ mà trong thế kỷ hiện đại này anh chị em đang phải gồng mình gánh chịu...

Tiếp tục hành trình ấy, chúng tôi đến với người dân tại Quảng Hoà, thuộc xã Ba Đồn, Quảng Bình. Đây cũng là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề của lũ lụt. Như Cha Micae Hoàng Xuân Hường (quản Hạt Hoà Ninh) chia sẻ: Quảng Bình có 17 giáo xứ ngập trong nước. Khi nước lũ dâng cao, người dân phỉa leo lên mái nhà hoặc những nơi cao khác để không bị chết đuối. ''Trâu bò và tài sản của họ bị cuốn trôi. Cha Hường nói: chúng tôi phải mở cửa nhà thờ để cho 500 người và 100 gia súc trú ẩn.''
Giờ thì nước lũ đã rút nhưng người dân vẫn còn trong hoàn cảnh khó khăn, vì không có điện, nước sạch và thực phẩm nhu yếu. Chưa ổn định được để làm ăn...

Biết là thế, khổ đau như vậy, nhưng bà con luôn sống tinh thần vui vẻ trong đời sống đạo cũng như sinh hoạt hằng ngày của công dân.

Đoàn chúng tôi đến gặp gỡ một số ông bà, anh chị em có hoàn cảnh đặc biệt, bệnh tật, neo đơn,nhiều người mang bệnh hiểm nghèo như tâm thần, khuyết thị, tàn tật...... và trao gửi những tâm tư yêu thương, những chút quà nho nhỏ nhưng ấm đậm tình người...

Trong tình tương thân, tương ái gặp gỡ anh chị em trong vùng lũ lụt, chúng tôi muốn góp phần nào đó để cùng với anh chị em, giúp nạn nhân lũ lụt và nghèo khổ can đảm vượt qua số phận và chấp nhận thương đau trong Đức Ki tô để cùng nhau hướng tới một cuộc sống mới tươi đẹp hơn. Để rồi trong sâu thẳm trái tim chúng tôi muốn nói với các bạn rằng:

Vùng quê nghèo chịu bao tang tóc
Biết bao người khóc lóc khổ đau
Chúng ta, nào hãy cùng nhau
Chung tay chia sẻ nỗi đau đớn này!
Hỡi bạn bè trong ngoài đất nước
Xiết chặt tay đoàn kết bên nhau
Cùng chia sẻ bớt nổi đau
Điều hạnh phúc nhất có nhau lúc này
Miền Trung-khúc ruột của ta ơi
Tấm lòng cứu trợ ở khắp nơi
Chở theo đầy ắp tình thương mến
Khắc phục phần nào nỗi khổ đau
Khó khăn cố gắng vượt qua
Mưa giông, bão nỗi, ắt rồi sẽ tan.

Quảng Bình, ngày 20.11.2016

No comments: