Những Khoảnh Khắc năm 2014


Tháng 1 - Đám Cưới Đầu Năm

Mình bắt đầu năm 2014 với một đám cưới cho cặp đôi người Thái. Chú rể là người Công giáo nhưng cô dâu theo đạo Phật. Cô dâu không theo đạo của chồng. Trên 70 phần trăm người Công giáo tại Thái Lan hiện nay lấy người ngoài tôn giáo. Điều này gây nhiều thách đố cho đời sống tôn giáo trong gia đình, đặc biệt là việc giáo dục con cái. Nhiều đứa con sinh ra từ những cặp vợ chồng không cùng tôn giáo có đời sống đức tin rất lạnh nhạt vì thiếu sự hướng dẫn của cha mẹ. Đây là một thách đố lớn cho sự phát triển của giáo hội Công giáo tại Thái Lan.




Tháng 2 - Du Xuân.

Ở Việt Nam người ta có thói quen đi du xuân vào những ngày đầu năm âm lịch. Mặc dầu ở Thái Lan không có bầu khí Tết như ở Việt Nam, nhưng tâm hồn của người Việt thì cho dù ở nơi đâu cũng muốn tạo cho mình cảm giác xuân để cùng hòa nhập vào tinh thần của ngày lễ dân tộc. Vì thế mà mình và một số sinh viên đã du học tại Thái Lan đã tổ chức đi du xuân tại một điểm du lịch ở Bangkok. Nơi đó có những cảnh vật thiên nhiên và có những con thú thật dễ thương.




Tháng 3 - Hành Hương

Một dòng nữ tu tại Thái Lan đi hành hương Việt Nam. Cô Chúm là người đứng ra tổ chức chương trình cho các seour liên lạc và nhờ mình đi để giúp hướng dẫn và dâng lễ cho các seour. Thế là trong vòng bốn ngày, mình vừa làm hướng dẫn viên du lịch hành hương, vừa làm linh mục tuyên úy cho đoàn bao gồm 25 seour đi hành hương Sài Gòn, Huế, La Vang, và Vũng Tàu. Khi đến Vũng Tàu, các seour đã đi lên núi tượng Kitô Vua. Vừa đị vừa lần chuỗi đọc kinh tập thể. Có một số seour đã đi đến tận chân tượng. Có seour vì sức khỏe yếu nên chỉ đi được nửa đường. Nhưng nhiều người đã nói không ngờ mình có đủ sức để đi lên cao như vậy. Khi có lòng mến Chúa trong tâm hồn thì dường như mọi thứ đều có thể.



Tháng 4 - Lễ Lá

Năm này Lễ Lá trùng hợp với dịp Lễ hội Songkran của người Thái. Các bạn trẻ Việt Nam được nghỉ lễ nên đi tham dự lễ lá do nhóm giới trẻ Công giáo khu vực Bangbon tổ chức thật đông. Tại Thái Lan nhiều bạn trẻ Việt Nam do công ăn việc làm nên thường hay bỏ lễ. Mặc dầu có không ít bạn thích lấy chuyện mưu sinh để biện hộ cho lòng thiếu đáo đức của mình, nhưng cũng có rất nhiều bạn ao ước được tham dự các Thánh lễ, đặc biệt là lễ bằng tiếng Việt để duy trì đức tin và lòng mến Chúa.



Tháng 5 - Lễ Chúa Nhật tại Trường Đại Học Assumption

Từ ngày chuyển về Bangkok để bắt đầu chương trình học bằng tiến sĩ, mình được phấn bổ để dâng lễ tại nhà nguyện của trường đại học Assumption cùng với một số linh mục đang theo học ở đây. Có khi mình dâng lễ tiếng Thái, có khi dâng lễ tiếng Anh. Còn ngày thường thì cùng nguyện kinh và dâng lễ chung với các linh mục và tu sĩ trong nhà nguyện nhỏ trong tòa nhà mà minh lưu trú.



Tháng 6 - Tai nạn

Sự nô nức trông chờ ngày Đại Hội Giới Trẻ Việt Nam tại Thái Lan đến nhiều bao nhiêu thì nỗi buồn sầu và đau khổ lại dâng trào bấy nhiêu sau khi chiếc xe chở cha Giacobe và 14 bạn trẻ Việt Nam đến tham dự từ Bangkok gặp nạn và bốc cháy khiến mọi người trên xe trừ hai bạn trẻ tử vong một cách thảm thương. Trong những ngày đó, mình phải vừa nỗ lực hết mình để giải quyết các vấn đề liên quan đến vụ tại nạn, đồng thời cố tìm ra được thánh ý của Chúa trong biến cố đau đớn và khủng khiếp này.



Tháng 7 - 49 Ngày

Trong dịp kỷ niệm 49 ngày ra đi của cha Hanh và 12 bạn trẻ, các cha Việt Nam tổ chức một Thánh lễ đơn sơ tại tu xá dòng Đaminh để cầu nguyện cho linh hồn của những người đã ra đi trong vụ tai nạn thảm khốc đầu tháng 6. Ngoài các cha có thêm một số ít bạn trẻ cùng tới dự lễ và chung lời cầu nguyện.




Tháng 8 - Yên Lĩnh

Để "khép lại" một giai đoạn trong biến cố tai nạn vào tháng 6, mình đã thực hiện một chuyến đi gần hai tuần lễ để thăm viếng từng gia đình của các nạn nhân tại Hà Tỉnh và Nghệ An. Trong dịp đi để nhằm mục đích động viên và gặp gỡ từng gia đình, mình cũng đã có dịp viếng thăm nhiều ngôi nhà thờ tại vùng này. Nhà thờ giáo xứ Yên Lĩnh ở Nghệ An không phải là một nhà thờ rộng lớn như những ngôi nhà thờ khác, nhưng mình rất thích cái màu sơn của nó. Mình rất thích cái lem nhem của những bức tường bị phai màu hoặc sơn không được hoàn chỉnh. Ngôi nhà thờ này thực sự gợi lên cho mình cảm giác hoài cổ.



Tháng 9 - Giỗ 100 ngày

Những chiếc áo màu xanh mà các bạn trẻ đang mặc là áo làm đặc biệt cho Đại Hội Giới Trẻ 2014. Và nhiều bạn đã mặc áo này đến tham dự lễ giỗ 100 ngày của cha Giacobe và 12 bạn trẻ đã qua đời trong vụ tai nạn tháng 6 trên đường đi tham dự chương trình. Phía sau áo, bạn Thắng (người thiết kế mẫu) đã vẽ một đôi cánh để tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Nhưng nhìn thoáng thì giống cánh Thiên thần. Phải chăng mẫu thiết kế này tiên đoán số phận của cha Giacobe và các bạn trẻ trong chuyến xe định mệnh đó?




Tháng 10 - Nhóm An-tôn

Cứ mỗi Chúa Nhật mình đi dâng lễ cho các nhóm giới trẻ Công giáo khác nhau. Trong tháng này, nhóm An-tôn ở huyện Bangbuathong đang dần trở lại sinh hoạt sau khi có sự xáo trộn ảnh hưởng từ việc đảo chính trong chính quyền Thái Lan khiến nhiều bạn trẻ bỏ Thái Lan về quê. Nhưng cuối cùng, vì nhu cầu mưu sinh các bạn cũng dần dần trở lại Thái Lan để kiếm sống. Làm ăn ở Thái Lan không phải lúc nào cũng dễ dàng. Vào tháng 10, một bạn trẻ Việt Nam tên Mỹ trong khi đang bán mực khô bên lề đường thì không may bị một chiếc xe đâm vào gây tử vong tại chỗ. Thánh lễ tháng 10 của nhóm cũng là thánh lễ cầu hồn cho linh hồn của bạn ấy.




Tháng 11 - Tháng Các Đẳng Linh Hồn

Dường như từ khi bắt đầu có vụ tai nạn vào tháng 6, thì nửa năm con lại mình đều phải đương đầu với vấn đề hậu sự. Sau vụ tai nạn của bạn Mỹ vào tháng 10, thì tháng 11 có thêm hai người trẻ cũng chết một cách đột ngột. Một trong hai bạn đó là Sáng, người bị xe tông gây tử vong khi đang đi qua đường vào lúc 4 giờ sáng. Khi các bạn trẻ Việt Nam gặp nạn ở Thái Lan thì chỉ biết dựa vào nhau và vào các cha để làm thủ tục và sắp xếp đưa thi hài về quê hương cũng như lo mọi chi phí liên quan. Ai có đông anh em bạn bè hoặc đồng hương thì sẽ nhận được nhiều giúp đỡ. Người thân của bạn Sáng thuộc giáo xứ Ngô Xá, Cẩm Xuyên, Hà TĨnh đã nhận được nhiều sự hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần từ những người cùng xứ của mình.



Tháng 12 - Niềm Vui Trở Lại

Mặc dầu chỉ 2 ngày trước lễ Giáng Sinh, mình cũng phải giúp trong một vụ tai nạn của một bạn gái Việt Nam bị xe tông chết, nhưng điều này đã không làm mình mất đi niềm vui Chúa GIáng Sinh. Thánh lễ Giáng Sinh thật sốt sắng và những tấm hình lưu niệm sau lễ với các bạn trẻ là kỷ niệm đẹp của Mùa Giáng Sinh 2014. Và nó là một kết thúc xứng đáng cho một năm với thật nhiều biến cố vui buồn trong đời sống phục vụ.

"Hồng ân Thiên Chúa bao la. Muốn đời con sẽ ngợi ca ơn Ngài."

Bangkok, ngày 31.12.2014

Nhìn tới và nhìn lui


Hai ngày qua do hội dòng có cha tổng quyền cùng với cha giảm tỉnh đến Thái Lan viếng thăm nên tất cả các thành viên Dòng Ngôi Lời tại Thái Lan đều tập trung về nhà chính của cộng đoàn tại tỉnh Nong Bua Lamphu để gặp gỡ và họp hành. Những anh em từ Bangkok thì đi máy bay lên. Còn những anh em đang làm việc ở các giáo xứ thì lái xe về. Nhà chính của cộng đoàn nhộn nhịp hẳn ra. Tối thứ năm SVD Thái Lan lại được đón thêm hai thành viên mới đến phục vụ nên niềm vui lại càng được nhân lên. Với sự hiện diện của cha tổng quyền và thêm số thành viên, dường như Dòng Ngôi Lời ở Thái Lang đang chuẩn bị bước qua một giai đoạn mới, đó là giai đoạn vươn lên để tiếp tục phát triển lớn mạnh hơn. Trong tương lai, có thể Dòng không chỉ hoạt động ở GP Udon Thani mà còn ở những GP khác nữa. Sáng thứ sáu trong cuộc họp thầy Damien đã tường thuật lại câu chuyện của Dòng Ngôi Lời tại Thái Lan bắt đầu từ 15 năm về trước cho đến bây giờ. Quả thật trong những năm gần đây, hội dòng đã có những thay đổi đáng kể. Mục vụ của hội dòng ngày càng đa dạng hơn và đang trên đà phát triển. Trong tuần này, cha giám tỉnh từ Úc sang đã có hai cuộc họp cùng một ngày với ĐGM của hai giáo phận là TGP Bangkok và GP Chiangmai để trao đổi về khả năng Dòng Ngôi Lời đến cộng tác trong những nhu cầu cần thiết của giáo hội địa phương. Hy vọng rằng cuộc gặp gỡ này sẽ khởi sự một quá trình đối thoại tích cực để tiến đến việc Dòng Ngôi Lời có thể đóng góp một cách hữu hiệu vào sứ vụ truyền giáo trên đất Thái.

Bên lề những vấn đề lớn của Hội dòng trên khắp thế giới thì cũng có những chuyện nho nhỏ trong công việc và đời sống mà anh em chia sẻ với nhau. Tối hôm qua, cha Tuấn nói với mình rằng: - Cha giám tỉnh nói xe của anh em mà phía giáo phận cho xử dụng nhìn tốt, không giống như trường hợp của cha Anthony trước đây.

Mình cười nói: - Thì phải vậy chứ. Mình là người đến trước, và khi bắt đầu phải gặp khó khăn là chuyện đương nhiên.

Cha Bobba vừa mới chịu chức và được bổ nhiệm qua Thái Lan hỏi: - Vậy xe của cha tệ lắm à?

Mình kể: - Thì lúc đó giáo phận không có xe tốt để giao cho tôi nên tôi chỉ được một chiếc xe bán tải đã trải qua 15 năm xử dụng bởi khá nhiều tay lái khác nhau. Và đặc biệt là chiếc xe đó đã chạy gần 500,000 km.  Tuy với chiếc xe như vậy, nhưng tôi cũng đã chở cả mười mấy bạn giới trẻ đi sinh hoạt và tham dự hàng loạt chương trình khắp giáo phận. Có nơi chạy trên 100 km, mà phía sau thùng xe thì không có mái che. Ngồi phải phơi nắng. Có khi thì gặp mưa. Trên chiếc xe ấy, chúng tôi đã đi tham dự lễ quan thầy ở các giáo xứ khác nhau, đi giao lưu với các nhóm giới trẻ, đi dã ngoại vào những dịp lễ, và đi làm công tác từ thiện vào mỗi cuối tuần.

Một điều thú vị là xe chỉ chạy tốt ở tốc độ khoảng 80 km/h. Nếu chạy từ 90km/h trở lên là xe bắt đầu rung. Một lần nọ cha Prasong đến đón mình và các bạn trẻ lên giáo xứ của cha để dâng lễ. Ngài chạy trước, mình lái theo sau. Ngài chạy rất nhanh khiến mình không theo kịp. Vì thế ngài phải chạy chậm để chờ mình. Ngài cứ tưởng mình lái xe kém, nhưng trên thực tế thì mình không dám chạy nhanh vì nguy hiểm.

Với chiếc xe cũ rích, nhưng không vì thế mà công việc mục vụ bị ảnh hưởng. Và bọn giới trẻ cũng chẳng bao giờ than phiền hoặc mắc cở khi ngồi trên chiếc xe đó để đi tham dự các chương trình lễ, mặc dầu nhìn vào xe của các cha xứ khác thì tốt hơn của mình rất nhiều. Thấy thái độ của bọn trẻ mình cũng thấy rất cảm kích. Mặc dầu ngồi phía sau xe cả trăm cây số và còn phải giang nắng mà chúng vẫn vui vẻ để đi. Và chiếc xe đó đã mang lại nhiều niềm vui cho mình cũng như những người trẻ thân yêu.

Sau hơn hai năm gắn bó với chiếc xe Toyota cũ kỷ đó thì cuối cùng nó cũng đã hết hạn xử dụng và mình đã trả lại cho giáo phận sau khi may mắn có một nhà hảo tâm cúng cho nhà thờ một chiếc xe bán tải mới hơn và tốt hơn. Thùng xe còn có nệm ngồi và có mái nên khi ngồi sau có phần thoải mái hơn. Chiếc xe thứ hai này đã đồng hành với mình suốt thời gian còn lại ở giáo xứ cho đến khi mình trở lại Bangkok để bắt đầu một giai đoạn mới trong đời sống truyền giáo ở thành phố thủ đô.

Vạn sự khởi đầu nan. Trong cuộc gặp gỡ với thành viên dòng, cha bề trên tổng quyền đã nhắc nhở rằng, “Lễ Giáng Sinh là điển hình của một sự việc vĩ đại mà có một sự khởi đầu rất nhỏ bé.” Công việc của hội dòng và của chính mình trên đất Thái cũng thế. Những kinh nghiệm khó khăn lúc đầu đó là những thử thách và cũng là những kỷ niệm đẹp đối với mình trong đời sống phục vụ. Nó cũng là lời nhắc nhở rằng chưa hẳn có cơ sở đồ sộ, có đầy đủ tiện nghi hay tiền bạc mà có thể mang lại niềm vui và hiệu quả trong công việc. Những thứ đó nhiều khi lại là những điều cản trở. Mình cảm thấy vui khi những người anh em đến sau không gặp những khó khăn mà mình đã từng trải. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa họ sẽ không gặp những thách đố khác trong đời sống truyền giáo. Và có lẽ mỗi nhà truyền giáo sẽ có những thánh giá riêng mà họ phải gánh vác, chẳng qua là hình thức khác biệt mà thôi. Nhưng chắc chắn rằng mỗi cây thánh giá đó đều có mục đích giúp cho người vác nó trở nên cứng cáp hơn, sâu sắc hơn, kiên nhẫn hơn và khiêm nhường hơn, giúp cho nhà truyền giáo gắn bó chặt chẻ hơn với sứ vụ của Chúa và mật thiết hơn trong mối tương quan với Ngài.

Nong Bua Lamphu, ngày 20.12.2014 
 

Tâm tình mùa Giáng Sinh



 

Chỉ một tuần nữa là đến lễ Giáng Sinh. Đây là lần thứ ba mình sẽ đón Giáng Sinh tại Bangkok trong 8 cái Giáng Sinh trên đất Thái. Cũng đã nhiều năm rồi mình không được đón Giáng Sinh ở Mỹ và cũng đã gần 15 rồi mình không được vui Noel bên cạnh những người thân trong gia đình. Những ngày qua, nhiều bạn trẻ hỏi mình “Noel này cha có về quê không?”. Ý của các bạn là muốn biết mình có đi đón Noel ở Việt Nam không. Mình trả lời là không vì bận các sinh hoạt và mục vụ lễ Giáng Sinh tại Thái Lan nên không đi được.
Nếu đi mừng lễ Giáng Sinh ở Việt Nam không được thì mừng lễ Giáng Sinh ở Hoa Kỳ bên cạnh bố mẹ và các anh chị lại càng không thể vì khoảng cách cũng như quy luật của hội dòng về việc về thăm nhà không cho phép. Ba năm một lần, mình được phép về thăm gia đình, nhưng không dễ gì sắp xếp chuyến đi cho trùng với dịp lễ. Nhiều khi vì trách nhiệm và bổn phận mà phải sắp xếp những kỳ nghỉ cho trùng với thời “thấp điểm” trong năm mà mình rảnh rỗi nhất. Và thường thì những dịp lễ lại là thời điểm bận rộn của một linh mục hoặc tu sĩ. 

Sáng nay, khi ngồi ăn sáng với các tu huynh và các seour, mình hỏi thầy Simon là bề trên cộng đoàn dòng San Gabriel ở đây rằng, lần cuối cùng thầy đón lễ Giáng Sinh ở Pháp quê hương của thầy là lúc nào. Thầy Simon nhìn lên cười và nói, “Lần cuối cùng tôi đón Noel ở Pháp là năm 1941.” Mọi người trong bàn ăn đều bật cười vì ở đó đều toàn là những người tuổi trẻ hơn nhiều. Vào năm 1941 thì chưa có ai sinh ra. 

Thầy Simon kể, năm 1941 đang xảy ra chiến tranh tại Âu Châu nên mùa Noel đó cũng khá ảm đảm. Từ đó đến giờ thì đa số các mùa Giáng Sinh thầy đều đón ở trên đất Thái. Năm này cũng thế. Thầy sẽ dùng thời điểm rảnh rổi trong những ngày nghỉ lễ để chấm bài thi cuối kỳ của các sinh viên.     

Mình chỉ mới có 8 mùa Noel trên đất Thái, xa quê hương, xa gia đình. Thoạt đầu xem có vẻ lâu. Nhưng sau khi nghe thầy Simon chia sẻ, mình cảm thấy thời gian mình ở đây thật còn ít ỏi. Thầy Simon đã nhắc nhở mình rằng việc dấn thân với ơn gọi truyền giáo là phải chấp nhận “từ bỏ” cha mẹ, anh em, bạn bè, và những thứ mà mình yêu thích, cho dù đó là những điều tốt lành. 

Tốt lành lắm chứ việc quay quần bên gia đình và bạn bè trong ngày lễ. Tốt lành lắm chứ được đùa giởn với những đứa cháu và nghe chúng kể về công việc học hành của chúng. Tốt lành lắm chứ được ngồi trước cây thông mở những món quà mà người thân yêu mua tặng mình. Và tốt lành lắm chứ khi cùng gia đình đi lễ mừng Chúa giáng sinh, cùng nhau hát những bài thánh ca bất hửu ca ngợi tình yêu mà Thiên Chúa ban tặng nhân loại. Thế nhưng từ bỏ có nghĩa là chọn và làm điều cần thiết hơn. Và hy sinh là dấn thân với điều sẽ mang lại bổ ích cho người khác đồng thời đặt Chúa và nhu cầu của người khác trước nhu cầu cá nhân. 

Khi nói về tinh thần mùa Giáng Sinh, trong tiếng Anh người ta hay nhắc đến một từ ngắn gọn là “JOY”. “Joy” có nghĩa là niềm vui, niềm hoan lạc, niềm phấn khởi. Nhưng cũng có người đã phân tích rằng để có được “JOY” thì phải xem chữ này như một chữ viết tắt “J.O.Y”.  “J” là Jesus. “O” là Others (Người khác). Và “Y” là You. Như vậy, để có được “Joy” thì ta phải đặt Chúa Giê-su và người khác trước chính mình. Sự quan tâm đến người khác trước chính mình sẽ là điều mang lại niềm vui và niềm hoan lạc thật sự cho mỗi người trong mùa Giáng Sinh. Thiết nghĩ Thiên Chúa là một Đấng chất chứa niềm vui và sự hoan lạc vì không có sự hy sinh nào vĩ đại hơn việc Ngôi Hai nhập thể làm người và ở cùng nhân loại như một con người thấp hèn để cứu chuộc loài người khỏi xiềng xích tội lỗi và một tương lai đen tối. Nếu ai đó đang cảm thấy buồn sầu và thất vọng, đang đau khổ và nặng trỉu trong lòng bởi những yếu đuối và thử thách trong cuộc sống, mùa Giáng Sinh này, hãy nhìn về hang đá Bê-lem để tìm thấy sự bình yên và niềm hoan lạc chỉ tìm thấy được nơi Đấng là nguồn mạch sự bình an và niềm hoan lạc, ở nơi Thiên Chúa mang hình hài một trẻ thơ đơn sơ, bé nhỏ đang nằm trong máng cỏ khó nghèo. Ở đó là Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ở đó là niềm vui, niềm hoan lạc và niềm hy vọng cho mỗi người chúng ta. 

Bangkok, ngày 17.12.2014

Câu chuyện truyền giáo (P1) : Giấc mơ truyền giáo


Từ ngày đầu tiên bước vào nhà dòng Ngôi Lời sau khi tốt nghiệp đại học cho đến tám năm sau khi tôi được Đức Giám Mục đặt tay tấn phong để trở thành một linh mục truyền giáo thực thụ, tôi đã học hỏi được nhiều điều từ cách sống trong cộng đoàn, cách diễn giải Kinh Thánh cho đến cách cử hành các bí tích phụng vụ, v.v. Nhưng cũng có những thứ khác mà tôi chỉ thực sự cảm nhận được một khi đã dấn thân vào đời sống truyền giáo nơi mà những kiến thức và lý thuyết luôn bị thách thức bởi những tình huống thực tại khiến tôi phải không ngừng điều chỉnh lối suy nghĩ và cách thức làm việc của mình. Bài viết này không có tính chất thần học cao siêu hay là lý thuyết gì mới mẻ. Nó đơn thuần chỉ là những cảm nhận của riêng tôi, trong những ngày trong tháng cuối cùng của năm lịch, thời gian mà người ta cho dù ở trong môi trường sống và làm việc nào cũng hay bỏ ra ít nhiều thời giờ để ngẫm nghĩ và lượng giá chính mình cũng như những gì mình đã làm trong những năm tháng qua.
Khi nghĩ về đời sống truyền giáo của mình, tôi nhận ra có ba điều quan trọng không thể thiếu được vì chính qua những điều này mà công việc và căn tính nhà truyền giáo của tôi được hình thành và phát triển. Thiết nghĩ những điều tôi chia sẻ ở đây cũng không khác biệt với kinh nghiệm của các nhà truyền giáo khác về tính chất. Có gì khác biệt thì chỉ là những tình huống trong cuộc sống của từng người ở những bối cảnh và môi trường phục vụ khác nhau.

Điều quan trọng đầu tiên mà tôi muốn chia sẻ đó là lòng ao ước của một nhà truyền giáo để được phục vụ trong cánh đồng truyền giáo của Chúa. Tôi nhớ rất rõ từ khi khái niệm ơn gọi truyền giáo được khơi dậy trong thâm tâm tôi, tôi đã luôn luôn ao ước được đi tới một nơi thật xa, khác hẳn với môi trường quen thuộc trong cuộc sống thường nhật để phục vụ Chúa và tha nhân. Ở đó tôi có thể cống hiến bằng những khả năng mà Chúa đã ban cho mình cũng như những gì tôi đã học hỏi được qua việc học tập và đào tạo. Ở đó tôi có thể chia sẻ tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại bất kể giới tính, dân tộc hay địa vị xã hội . Khi bước vào nhà dòng, tôi đã luôn hướng tới ngày mà tôi sẽ được bề trên sai đi tới một vùng đất xa xôi để tôi có thể sống phiêu lưu với ơn gọi truyền giáo của mình. Và điều mà tôi ôm ấp trong lòng bấy lâu cũng đã trở nên hiện thực khi tôi nhận được bài sai đi phục vụ ở một tỉnh lẽ vùng đông bắc Thái Lan, ở trong một giáo xứ nhỏ bé kém phát triển mà gần một nửa các “giáo dân” đi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật là các bệnh nhân và trẻ em mồ côi bị nhiễm HIV đang được chăm sóc và nuôi nấng trong trung tâm của hai hội dòng Ngôi Lời và dòng Mẹ Tê-rê-xa.

Nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae là một ngôi nhà thờ nhỏ bé nhưng xinh xắn nằm trên một con đường khá rộng vừa mới được xây cất. Mặc dầu tương đối gần trung tâm của tỉnh, nhưng xung quanh nhà thờ có nhiều đồng ruộng nơi người dân trồng lúa hoặc cây mía. Ngoài ra còn có những cây bạch đàn, cây hoa sữa, những bụi chuối và những loại cây khác được trồng trong khuôn viên nhà thờ cũng như dọc con suối nhỏ chạy ngang qua đất giáo xứ làm cho khuôn viên nhà thờ nhìn rất thiên nhiên và mát mẻ.

Khi đến nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, tôi thấy rẳng ở đây nhiều giáo dân không đi lễ ngày Chúa Nhật vì họ bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa của người Phật giáo. Đối với người theo đạo Phật tại Thái Lan thì việc đi chùa không phải là điều bắt buộc, vì thế nhiều người Công giáo không có khái niệm bỏ lễ ngày Chúa Nhật là một tội trọng. Một phần người Công giáo ở đây không có thói quen đi lễ cũng vì nhà thờ chỉ mới được xây dựng sau này bởi một tu huynh dòng Ngôi Lời, còn trước đó giáo dân có muốn đi lễ cũng không có nhà thờ để đi.

Khi tôi mới đến nhận xứ thì trong cộng đoàn không có ban hành giáo, không có giáo lý viên, không có ca đoàn hoặc nhạc cụ, cũng không có ban giúp lễ hoặc nhóm sinh hoạt giới trẻ. Tôi là vị linh mục quản xứ người thứ 6 trong thời gian 6 năm từ khi nhà thờ được xây cất. Khi chứng kiến điều này phản ứng đầu tiên của tôi là buồn vì đời sống đạo trong giáo xứ thật ít ỏi và tẻ nhạt. Ngân sách của giáo xứ cũng ít ỏi không kém, chỉ vỏn vẹn 300 USD một tháng cho tất cả những chi phí và sinh hoạt của giáo xứ cũng như của vị quản xứ. Khi đó, nhà xứ chưa được xây dựng. Tôi ở trong một căn nhà nhỏ trong trung tâm trẻ mồ côi. Trong những ngày đầu tiên đó, tôi hay ngồi trước hiên nhà, nhìn các em mồ côi chạy chơi trên sân cỏ mà trong lòng tự vấn, mình có thể làm được điều gì ở nơi xứ đạo này?

Trong khi tôi băn khoăn và đặt ra những câu hỏi cho chính mình cũng là lúc tôi chợt nhớ ra rằng Chúa đã ban cho tôi chính điều mà tôi đã hằng mong ước. Ở đây, giữa những con người bị xã hội xa lánh và ruồng bỏ, giữa những con người nguội lạnh về tâm linh, và giữa muôn con người không biết gì về Thiên Chúa, tôi đã được trao phó trọng trách quan trọng là giới thiệu Tin Mừng của Chúa đến với họ. Ở đây tôi đã được ủy thác công việc làm chứng nhân cho Chúa và gieo rắc niềm vui Tin Mừng của Ngài để nước trời ngày càng được triển nở. Và như thế tôi đã bắt tay vào công việc của mình trong thái độ hăng say và bình an. Tôi đã nhận ra rằng sứ vụ của mình không phải là đi đến một nơi sung túc, đầy đủ tiện nghi và mọi thứ đều nằm trong khuôn khổ. Ngược lại, điểm khởi đầu của tôi là một căn nhà nhỏ bé giữa một cánh đồng truyền giáo rộng mênh mông để ở đó tôi có thể tha hồ phiêu lưu, có thể thử nghiệm, có thể làm tất cả những gì mà sức lực và tinh thần của tôi cộng hưởng với ân sủng Chúa có thể làm được. Giờ đây tôi không thể chỉ sống với một giấc mơ hão huyền nhưng với chính những thách đố của thực tại trong đời sống truyền giáo của mình.  

Bangkok, ngày 9.12.2014

Những mùa Noel

 
Đây đã là Mùa Vọng thứ tám của mình trên đất Thái.  Thời tiết ở Bangkok những ngày này có phần dịu xuống và làm cho người ta cảm thấy có bầu khí Noel sắp đến. Trên các đường phố và đặc biệt là các trung tâm mua sắm đều có trang hoàng Noel thật rực rở. Tuy biết rằng đó cũng chỉ là cái cách người ta làm thương mại trong thế giới toàn cầu hóa mà không liên quan gì đến đức tin hoặc ý nghĩa của ngày lễ của người Kitô giáo, nhưng trong lòng cũng cảm thấy rạo rực khi nhìn thấy những thứ quen thuộc gắn liền với ngày lễ mà đã đi sâu vào ký ức của mình từ khi còn tuổi thơ.
Nhìn lại mình đã có những cái Noel thật khác nhau, nhưng cái nào cũng là một kỷ niệm đẹp. Ký ức về Noel khi còn nhỏ ở Việt Nam là ngồi trong nhà thờ với bạn bè để cùng tập hát bài “Noel Về” dưới sự hướng dẫn của thầy Dụ. Những cái Noel đầu tiên ở Mỹ thì nhớ tới kỷ niệm cùng bố đi mua cây thông để đưa về nhà trang trí. Mấy năm đầu trong nhà có cây thông mà lá cành rất dày nằm san sát nhau. Nhưng những năm sau, mọi người trong nhà lại thích cây thông có nhành thưa hơn, xếp thành tầng vì nó dễ dàng để treo những đồ trang trí. Có một lần mình và chị gái được giao cho trách nhiệm đi chọn mua cây thông. Hai chị em đến địa điểm bán cây thông mà chọn mãi không được vì sợ cây thông mà hai chị em chọn sẽ không làm vừa ý bố mẹ và các anh chị. Đánh đo mãi mới chọn được một cây để đưa về nhà.
Từ khi đi tu thì những dịp Noel của mình không được mừng với gia đình nữa mà với các cha và các anh em trong dòng. Những dịp lễ Noel này đều tràn ngập tuyết vì nhà dòng nằm ở xứ lạnh. Đi lễ đêm 24 phải mặc vài lớp áo và quấn thêm cái khăn quàng cổ. Tuy nhiên trong nhà thờ thì luôn có máy sưởi nên vào bên trong thì thật ấm cúng.
Nhưng sau khi chịu chức, bề trên bổ nhiệm sang Úc thì ngày lễ Noel ở đó thật nóng vì tháng 12 ở miền nam cực là đang giữa mùa hè. Đi lễ Noel nhà thờ nào cũng bật máy lạnh hết cở để điều hòa không khí và tạo cho mọi người thêm cảm giác “Đêm đông lạnh lẽo Chúa Sinh ra đời.” Cũng may là mình chỉ có duy nhất một cái Noel ở Úc vì sau mùa Noel là mình được bề trên bổ nhiệm sang phục vụ tại Thái Lan.
Nhớ lại Noel đầu tiên mình đến nhận xứ tại giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae ở tỉnh Nong Bua Lamphu. Trong nhà thờ không có bất cứ một thứ trang trí gì cho Lễ Noel ngoài cái “chòi” bằng gỗ mà thầy Damien dùng hàng năm để làm hang đá Chúa Hài Đồng. Mình tự nhủ lễ Noel mà không có đèn, không có cây thông, không có những đồ trang trí vui tươi thì sẽ không vui. Mình bèn đi siêu thị Lotus để sắm đồ trang trí. Cuối cùng thì nhà thờ cũng có những thứ cần thiết để tạo bầu khí nhộn nhịp và màu sắc cho ngày lễ. Những năm sau vì có điều kiện và thêm nhân sự, đặc biệt là các bạn trẻ Việt Nam đến sinh hoạt tại nhà thờ nên những ngày lễ Noel được trang trí rực rở hơn. Và chương trình liên hoan Noel của giáo xứ cũng nhộn nhịp và phấn khởi hơn.
Noel năm ngoái và năm này thì mình ở Bangkok. Không còn làm cha xứ, trách nhiệm phần nào giảm bớt. Tuy nhiên, mình cũng sinh hoạt với các bạn trẻ, đặc biệt là tổ chức tĩnh tâm và lễ Noel cho các bạn trẻ Việt Nam tại Thái Lan. Mình thích làm như thế vì nó không chỉ giúp cho người khác có một ngày lễ có ý nghĩa mà nó cũng mang lại niềm hạnh phúc cho chính mình. Niềm hạnh phúc là khi được nghe một bản nhạc Giáng Sinh quen thuộc đã đi sâu vào tâm trí của mình và gắn liền với bao nhiêu kỷ niệm Noel đã qua. Niềm hạnh phúc là được ngắm nhìn ngôi sao Noel treo lơ lững ngoài cửa sổ phòng ngủ hoặc nhìn cây nến cháy lung linh bên cạnh cây thông trong nhà. Niềm hạnh phúc là được chia sẻ niềm vui Giáng Sinh với những người xung quanh qua những sinh hoạt, những Thánh lễ, những bài suy niệm Lời Chúa. Và niềm hạnh phúc là cảm nhận được sự bình an sâu xa bắt nguồn từ tình yêu và lòng thương xót mà Chúa đã ban cho nhân loại qua món quá vô giá là Chúa Hài Đồng Giêsu. Ngài đã nhập thể, mặc lấy thân xác hèn mọn, trở nên một con người yếu đuối, để qua sự hy sinh đó, Ngài nâng nhân loại lên để gần gũi với Chúa hơn, để phản ảnh hình ảnh của Chúa rõ nét hơn trong đời sống của họ, và ban cho họ một cơ hội để được liên kết với Chúa không chỉ trong đời này mà còn cho đến muôn đời.  Cho dù lái cái Noel hồn nhiên của tuổi thơ, cái Noel giá rét ở một xứ lạnh, cái Noel đơn sơ ở vùng quê có ít người Công giáo, hay là một cái Noel giản dị ở trên đất khách quê người, thì đó vẫn luôn luôn là ý nghĩa của ngày lễ Giáng Sinh, ngày kỷ niệm Ngôi Hai xuống thế làm người, ngày Thiên Chúa ban cho chúng ta Đấng Emmanuel, để qua Ngài, Thiên Chúa luôn luôn ở cùng chúng ta – hôm nay, ngày mai, và từng ngày trong suốt cuộc đời của chúng ta.
Bangkok, ngày 3.12.2014

Bức ảnh Lòng Thương Xót Chúa


Từ khi mình dọn về ký túc xã của trường đại học để ở trong thời gian học tập, mình đã được một giáo dân người Thái  tặng cho một bức ảnh Lòng Thương Xót Chúa đã được đóng khung. Khi tặng bức ảnh cho mình, người tặng bảo mình chọn kích cở ảnh mà mình muốn vì có ba loại khác nhau: nhỏ, vừa, và to. Suy đi nghĩ lại mình đã chọn hình cở nhỏ vì phòng của mình cũng không rộng lắm. Khi đem ảnh về, vì trong phòng không được phép đóng đinh trên tường nên mình quyết định đặt tượng trên giá sách.

Tuy nhiên, thời gian gần đây ảnh Lòng Thương Xót Chúa này đã nhiều lần trở nên một trong những thứ mà mình phải bỏ vào túi sách để mang theo phục vụ cho việc làm những bàn thờ lưu động, đặc biệt là những bàn thờ để đọc kinh cầu cho linh hồn của các bạn trẻ Việt Nam qua đời tại Thái Lan.

Khác với những giáo dân người Thái, khi họ qua đời thì được đưa đến nhà thờ để tổ chức các chương trình đọc kinh và thánh lễ cầu hồn trước khi đưa đi chôn cất. Còn đối với các bạn trẻ Việt Nam thì không có cơ hội để làm điều đó. Cho dù chết vì bị tai nạn hay là bệnh tật thì sau khi thi thể được đưa đến bệnh viện để làm những công việc cần thiết để xác định nguyên nhân tử vong, thì người thân luôn tranh thủ thời gian tối đa để di chuyển thi hài về quê hương cho việc chôn cất. Điều này có thể thực hiện được trong vòng hai ngày trước khi chiếc xe chuyên chở thi hài lăn bánh rời Thái Lan để về Việt Nam qua đường các cửa khẩu Thái Lan, Lào, và Việt Nam.

Chính vì thế mà khi mình đến cử hành những nghi thức đọc kinh hoặc làm phép xác thì mình luôn mang bức ảnh Lòng Thương Xót Chúa này theo để đặt bên cạnh quan tài hoặc ở một nơi thuận tiện cho mọi người hướng về để cầu nguyện và cảm nhận được tình yêu và lòng thương xót của Chúa ngay cả trong những lúc đau khổ nhất trong cuộc sống của con người. Cho dầu đó là một không gian trong khu vực nhà xác phía sau bệnh viện luộm thuộm và thiếu trang nghiêm với những quan tài và những chiếc xe đẩy để đặt xác người thì khi có ảnh Lòng Thương Xót Chúa ở đó, mọi thứ đều cảm thấy linh thiêng hơn. Có khi là một căn phòng được chưng đầy tượng ảnh Đức Phật và các vị sư Phật Giáo, nhưng một khi nhìn về ảnh Lòng Thương Xót Chúa, tất cả đều trở nên gần gũi và ấm cúng hơn. Những tia sáng màu trắng và màu đỏ tỏa ra từ trái tim của Chúa Giêsu dường như thu hút tâm hồn của mỗi người vào trong tình yêu bao la dạt dào của Ngài. Và như thế, cái mùi ẩm thấp của khu vực nhà xác cùng với cái sự thiếu ngăn nắp của đồ vật xung quanh đều như không còn làm cho ai bị phân tâm. Có sự hiện diện của ảnh Lòng Thương Xót Chúa, một căn phòng bề bộn cũng có thể trở nên một không gian linh thiêng, và tình thương của Ngài tràn ngập tâm hồn của người đã mất cũng như những người còn lại đang quay quần chung quanh.

Bangkok, ngày 29.11.2014

 

Chuyến cuối ngày


Cách đây vài đêm, một bạn trẻ từ Việt Nam nhắn tin cho mình chia sẻ rằng bạn từng tham gia trong nhóm cái nghiện ma túy mà mình từng giúp đỡ thời gian thực tập tại Việt Nam. Hiện nay, bạn đã bỏ được ma túy. Nhưng thời gian của bạn không còn dài nữa. Bạn nói rằng chính trong đêm ấy bạn sẽ ra đi vì căn bệnh ung thu dạ dày đã đến giai đoạn cuối. Những ngày qua, bạn đã buông thuốc và sẵn sàng để ra đi vào ngày trùng hợp với ngày sinh nhật của mình.

Bạn nói rằng bạn là người bên lương, nhưng thời gian tham gia chương trình cai nghiện bạn đã học hỏi được nhiều điều về đạo. Bạn ao ước được rửa tội trước khi bạn ra đi, nhưng không thể làm điều đó vì sợ cha mẹ buồn. Mình nói có thể nhờ ai quen biết là người Công giáo đến nhà rửa tội cho mình trong giờ phút cuối không? Bạn nói không thể vì cả nhà sẽ biết. Bạn xin mình rửa tội cho bạn qua mạng. Mình nói không thể được vì giáo hội không cho phép. Mình khuyên bạn hãy cầu nguyện và bày tỏ lòng ao ước đó với Chúa để được rửa tội bằng lửa (lòng ao ước). Bạn nói sẽ làm như thế và cảm thấy an tâm hơn sau khi nghe điều đó.

Đến gần 12h đêm, bạn chào mình để viết vài dòng tâm sự đến gia đình khi còn có chút thời giờ. Mình chúc lành cho bạn. Sau đó mình đi ngủ.

Sáng hôm sau, mình thức giậy, mở trang facebook của bạn ấy ra, nhưng trang facebook đã bị xóa. Nếu bạn ấy đã ra đi thì xin Chúa và Mẹ Maria hãy đón nhận bạn vào trong bàn tay yêu thương của Ngài. Mình đã hỏi bạn ấy muốn chọn tên thánh gì. Bạn ấy trả lời: - Con chọn thánh Micae.
 
Bangkok, ngày 26.11.2014

Nhìn lại một quãng đường (2013)



Sau những tháng được nhà dòng cho nghỉ phép để về Hoa Kỳ thăm gia đình theo định kỳ 3 năm một lần, mình trở lại Thái Lan và bắt đầu một cuộc hành trình mới tại Bangkok. Sau 5 năm làm một “ông cha xứ” ở một tỉnh lẻ thì sứ vụ cũng đã đưa mình trở lại với thành phố thủ đô náo nhiệt và tấp nập. Mình vốn là người dễ thích nghi với môi trường mới nên việc trở lại với đời sống thành thị cũng không mấy khó khăn.  Tại Bangkok, mình đã chuyển từ một cha xứ thành một sinh viên, ngày ngày lên giảng đường hoặc vùi đầu vào máy vi tính để tìm kiếm hoặc đọc những tài liệu liên quan đến đề tài nghiên cứu. Nơi mình học là trường đại học Công giáo Assumption University, một trường có tiếng tại Thái Lan. Tuy nhiên đối với kinh nghiệm từng học tại Hoa Kỳ thì chất lượng ở đây không thể nào so sánh được. Có nhiều người hỏi tại sao mình không chọn sang Úc hoặc trở lại Mỹ để học mà lại quyết định học tại Thái Lan. Nói cho cùng thì bằng cấp, cho dù là bằng tiến sĩ mà xuất phát từ Thái Lan thì không thể nào bằng một cái bằng được cấp ở Hoa Kỳ được. Mình cũng biết điều đó, nhưng mình đã chọn ở lại Thái Lan để học là vì mình nghiên cứu về Phật giáo. Mà nghiên cứu về Phật giáo thì nên ở trong môi trường Phật giáo để dễ dàng có được những kinh nghiệm mà ở nước ngoài không thể nào có được. Ở nước ngoài có thể có những giáo sư giỏi, và sách vở nghiên cứu trong thư viện thì không thiếu. Nhưng cái thiếu là cái kinh nghiệm thực tế của đời sống trong xã hội mà 95 phần trăm người dân tự xưng mình là Phật giáo.
Trở về Bangkok mình cũng trở lại với mục vụ cho các bạn trẻ Việt Nam tại đây. Mặc dầu thời gian ở vùng đông bắc Thái Lan mình vẫn có những lần xuống Bangkok để dâng lễ cho các bạn trẻ Việt Nam vào những dịp lễ lớn, nhưng những cơ hội như thế cũng không được nhiều. Vì thế một số bạn trẻ Việt Nam mới qua Thái sau này cứ tưởng mình mới đến Thái Lan, không ngờ mình đã phục vụ ở nước này được nhiều năm rồi. Kể từ khi mình rời Bangkok thì mục vụ cho các bạn lao động di dân Việt Nam có phần thăng tiến hơn với sự hiện diện của các cha dòng Đaminh, đặc biệt là cha Vũ Văn Hanh. Ngài đã đi thăm viếng nhiều nhóm bạn trẻ và dần dần giúp cho các bạn lập nhóm và có những thánh lễ hàng tháng. Là một người cởi mở, giản dị, và hòa đồng, ngài nhận được cảm tình của nhiều bạn trẻ Việt Nam. Từ năm 2013, cha Hanh cũng đã nhận chức linh hướng của Hiệp Hội Công Giáo Việt Nam tại Thái Lan, chức vụ mà trước đây mình đảm nhiệm. Nhưng vì mình ở xa Bangkok nên cũng không làm được nhiều trong vai trò này. Có cha Hanh trong vai trò linh hướng, mình đảm nhận trách nhiệm làm thư ký cho Hiệp Hội và cộng tác với ngài cũng như các linh mục  và các seour trong việc chăm sóc các con em Việt Nam đang mưu sinh trên đất khách quê người. Và như thế mục vụ cho giới trẻ Việt Nam trong thời gian này phát triển thật nhanh. Có nhiều nhóm được thành lập với những thánh lễ hàng tháng. Đến cuối năm 2013 thì có tới 11 nhóm đã được thành lập khắp TGP Bangkok và vùng lân cận.  Và đà phát triển tiếp tục sang năm 2014. Nhưng  thánh ý của Thiên Chúa thì luôn khác với suy nghĩ của con người, và những dự định của Hiệp Hội, của cha Hanh, và của chính mình cũng phải thay đổi vì cuộc sống luôn có những biến cố bất ngờ mà không ai có thể lường trước được.
 

Ký ức tháng mười


Thêm một ngày nữa là khép lại tháng 10, cái tháng có thể nói là có rất nhiều kỷ niệm trong cuộc sống của mình. Tháng 10 là tháng Mân Côi nên mọi người đều phấn khởi để đọc kinh Mân Côi tôn sùng Đức Mẹ. Lễ của các bạn trẻ Việt Nam luôn có phần dâng hoa kính Mẹ trong tháng Mân Côi làm cho thánh lễ long trọng hơn hẳn. Cách đây hai năm, cũng vào dịp tháng 10 mình tổ chức một chương trình du lịch Việt Nam cho những cô giáo và thầy giáo tại tỉnh Nong Bua Lamphu. Và trong chuyến đi đó, mình đã đưa được một tượng Đức Mẹ Mân Côi bằng đá qua Thái để đặt trên tượng đài ngay trước nhà thờ. Có tượng đài Đức Mẹ bằng đá trước nhà thờ nhìn thật đẹp. Trong suốt 5 năm làm cha xứ ở Nong Bua Lamphu, mình chẳng làm công trình xây dựng gì đáng kể. Mình không có khiếu về xây dựng và cũng không thấy có nhu cầu phải xây dựng nhiều. Vì thề mình chỉ xây được tượng đài Đức Mẹ đơn giản. Nhưng dù sao đi nữa thì đó cũng là một “công trình” thật ý nghĩa đối với mình.

Tháng 10 cũng là tháng mà mình đã từng tổ chức những chương trình họp trại cho các bạn trẻ Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2010-2013, các chương trình họp trại đều tổ chức vào tháng 10. Những chương trình đó là những kỷ niệm thật đẹp trong cuộc sống mục vụ với các bạn trẻ di dân Việt Nam tại Thái Lan. Ở đó luôn có rất nhiều tiếng cười cũng như thật nhiều nước mắt trong những giây phút chia tay. Tiếc thay năm 2014 khi chuyển qua tổ chức vào tháng 6 thì gặp biến cố tai nạn dẫn đến sự ra đi của cha Giacôbê và các bạn trẻ làm cho chương trình hội trại không thể diễn ra như mong muốn và nó sẽ luôn gắn liền với một sự việc thật đau thương trong tâm trí của cộng đoàn Việt Nam tại Thái Lan.

Nghĩ tới tháng 10 cũng là nghĩ tới những con đường đầy lá vàng rơi trong ký ức của mình. Những năm sống trong đại chủng viện Ngôi Lời ở thành phố Chicago vùng miền trung Hoa Kỳ, tháng 10 luôn rực rở màu sắc trên những đường từ nhà đến trường thần học. Những chiếc lá màu vàng màu đỏ đua nhau khoe sắc như cố gắng thể hiện chính mình một lần cuối cùng thật mãnh liệt trước khi rơi rụng xuống đất để rồi thả mình theo những làn gió mùa thu se lạnh của thành phố được mệnh danh là “Thánh phố gió”.

Cái kiếp của một chiếc lá hành trình từ một cái chồi non biến thành một chiếc lá xanh, rồi cũng phải chuyển qua vàng và rơi rụng để trở về với đất bụi cũng chẳng khác gì một kiếp người. Và nghĩ tới đây thì cũng nhắc nhở mình rằng mỗi cái sinh nhật mà mình trải qua vào tháng 10 cũng là mỗi đánh dấu một chẳng đường trong cuộc hành trình mà kết thúc đều biết trước đó. Dù sao đi nữa thì cũng phải sống hết mình. Hãy cố vươn lên như một chồi non nóng lòng để trở thành chiếc lá. Hãy lạc quan như một chiếc lá xanh không lo lắng về ngày mai mà chỉ biết tận hưởng giây phút hiện tại. Và hãy hết mình như một chiếc là vàng rực rở vì biết rằng thời gian dành cho mỗi người không phải là vô tận.  

Bangkok, ngày 30.10.2014

Tai nạn




Tối Chúa Nhật hai bạn An và Dũng mời mình đi ăn “khuya.” Lúc đó cũng đã 10h tối. Ba cha con vừa tới quán ăn và kêu thức ăn thì mình nhận được điện thoại từ một bạn trẻ trong nhóm Bangbuathong. Bạn báo tin cho biết là vừa xảy ra một vụ tai nạn. Một bạn trẻ Việt Nam đang bán mực nướng bên mép đường thì bị một chiếc xe ôtô đâm vào khiến anh ta bị thiệt mạng tại chỗ. Bạn trẻ trên điện thoại nhờ mình đến để cầu nguyện cho nạn nhân. Mình trả lời một lúc nữa sẽ đến.

Sau khi ăn xong mình cùng với An và Dũng gọi xe taxi để đi đến hiện trường xảy ra tai nạn. Mình không muốn tự lái xe vì lúc đó đã khuya, mình lại không rành đường xá nên sợ đến nơi thì quá trể. Vả lại mình cũng sợ giờ đó lái xe không an toàn vì sau một ngày với rất nhiều sinh hoạt thì mình cũng đã thấy mệt.

Khi đến hiện trường xảy ra tai nạn thì cảnh sát cũng đã làm việc xong và thi hài đã được đưa lên xe chuyên chở xác để đi đến bệnh viện Thammasat cách đó khoảng 50 km. Ở hiện trường đã có nhiều người thân và bạn bè của nạn nhân là anh Phaolô Trần Quốc Mỹ đã tập trung sau khi nhận được hung tin. Trong số những người thân có vợ của anh Mỹ cũng như anh trai là Quốc. Mọi người đều đau khổ trước cái chết thảm thương của anh Mỹ khi bị xe tông trong khi đang làm việc để kiếm tiền lo cho gia đình. Hai vợ chồng có một người con thơ mới được hai tuổi. Vợ của anh lại đang mang thai bốn tháng. Thế mà trong chỉ chốc lát, một người vợ trẻ đã trở nên góa chồng, một người con trở nên mồ côi cha, và sẽ có thêm một đứa con nữa sinh ra mà sẽ không hề được nhìn mặt người cha của mình.

Câu chuyện của gia đình anh Mỹ lại càng thảm thương hơn khi được biết anh Mỹ có một em trai cũng vừa mới qua đời vì bị xe tông tại Việt Nam cách đây chỉ hơn hai tháng. Trong khi ở nhà gia đình đang chưa kịp tổ chức lễ giỗ 100 ngày cho đứa con út thì bây giờ phải tổ chức đám tang cho thêm một người nữa. Mẹ của anh Mỹ đã kiệt quệ với cái chết của đứa con út giờ lại phải đương đầu với sự ra đi của thêm một người con trai khác. Ai nấy đều sợ bà ta sẽ không chịu đựng nổi khi nhận được hung tin này.

Nửa đêm, nhân viên chuyên chở thi hài cần phải đưa thi hài đến bệnh viện. Nhưng người thân và bạn bè của anh Mỹ muốn được cầu nguyện cho anh trước khi để anh đi tới nhà xác. Nhưng mấy chục người đứng giữa đường để cầu nguyện thì không thuận tiện. Mình kêu mọi người di chuyển về nhà thờ Công giáo cách hiện trường xảy ra tại nạn khoảng 3km. Đến nơi thì cổng nhà thờ đã khóa. Mình gõ cửa gọi bảo vệ. Một lúc sau mới có người ra mở. Mình trình bày sự việc và xin được tập trung cầu nguyện trước tượng đài Đức Mẹ trước nhà thờ. Anh bảo về đồng ý. Thế là mọi người cùng đọc kinh trước khi xe chở thi hài lên đường đến bệnh viện.

Bệnh viện Thammasat rất xa, cách Bangbuathong khoảng 50km. Nhân viên dịch vụ chở thi hài khuyên mọi ngườ nên về nhà nghỉ ngơi, rồi ngày mai lên bệnh viện làm thủ tục chứ giờ đó lên bệnh viện cũng không làm gì được. Nhân viên canh gác cũng sẽ không cho người thân vào bên trong sau giờ đóng cửa. Cho dù không muốn để anh Mỹ phải ở bệnh viện một mình, nhưng mọi người không thể làm gì được nên đành phải chấp nhận.

Hai ngày tiếp theo là dành cho việc làm thủ tục để đưa thi hài về quê hương. Vì là người nước ngoài nên phải có những giấy chứng tử từ bệnh viện, đại sứ quán Việt Nam, và của chính quyền địa phương thì thi hài mới được về tới quê nhà. Thế là các người thân và bạn bè của nạn nhân phải chạy ngược chạy xuôi để làm những thủ tục cần thiết. Ngoài ra còn phải hợp tác với cảnh sát để điều tra sự việc cũng như tìm cách để đòi bồi thường cho gia đình anh Mỹ vì sự mất mát quá lớn lao này. Tuy nhiên việc yêu cầu bồi thường thì luôn phức tạp và sẽ được giải quyết về sau. Trước mắt ưu tiên lớn nhất là đưa anh Mỹ trở về quê hương để làm lễ an táng và chôn cất.

Chiều hôm qua sau khi tất cả các thủ tục đã xong. Người thân và bạn bè của anh Mỹ đã tập trung tại bệnh viện Thammasat để tiễn đưa anh về quê hương. Mình đã làm nghi thức tẫm liệm và làm phép xác và quan tài ngay trong nhà xác. Trong một căn phòng được trang trí với nhiều tượng ảnh Đức Phật và các nhà sư nổi tiếng Phật giáo tại Thái Lan, các bạn trẻ Việt Nam đã cầm trong tay hình ảnh Lòng Thương Xót Chúa, Thánh giá, và tràng hạt Mân Côi để cầu nguyện theo nghi thức Công giáo. Tiếng kinh nguyện bằng tiếng Việt vang lên cả một khu vực của bệnh viện, những lời nguyện thiết tha cầu xin cho linh hồn của một người trẻ được Chúa gọi về một cách quá đột ngột. Sự đau xót và bàng hoàng dường như được thể hiện qua những tiếng nguyện kinh thật da diết.

Cử hành nghi thức xong, quan tài đựng thi hài của anh Mỹ được các bạn đưa lên xe. Và như thế anh Mỹ sẽ khởi hành một chuyến hồi hương trở về với gia đình, với vợ con, và cuối cùng sẽ được chôn sâu vào lòng đất mẹ. Giờ này chắc hẳn thi hài của anh đã về đến nhà ở giáo họ Tân Lâm, giáo xứ Lộc Thủy, Hà Tỉnh. Chắc hẳn bây giờ đang có rất nhiều người khóc than, thương tiếc, đau đớn và bàng hoàng trước sự ra đi của anh. Giờ đây có lẽ gia đình của anh không thể không thắc mắc Thánh Ý của Chúa trong sự việc đang xảy ra là gì? Và phải làm như thế nào để cho họ vượt qua sư đau khổ khi trong biến cố này, cha mẹ đã phải mất con, vợ phải mất chồng, và con phải mất cha? Và tương lai của đứa con trong bụng sẽ phải như thế nào khi ngày nó chào đời không có người cha ẳm bế. Và suốt cuộc đời của nó cũng sẽ không bao giờ được biết đến tình thương của người cha? Có lẽ giờ này chỉ có những câu hỏi mà không thể nào có được câu trả lời. Giờ đây chỉ có thương tiếc và đau khổ. Giờ đây chỉ biết tin cậy và phó thác. Giờ đây chỉ biết chấp nhận cho dù thật khó để hiểu được Thánh Ý của Ngài trong biến cố này là gì?
Bangkok, ngày 15.10.201

Thuyết trình về Phật giáo



Làm một linh mục thì mình cũng không xa lạ gì với việc phải nói trước nhiều người. Thời gian qua mình cũng đã có cơ hội phát biểu ở nhiều nơi. Nhưng tuần vừa rồi là lần đầu tiên mình thuyết trình với tư cách là một “nhà nghiên cứu” trong một chương trình hội thảo quốc tế về tôn giáo, văn hóa và giá trị môi trường trong vùng ASEAN. Chương trình được tổ chức dưới sự hợp tác giữa trường đại học Assumption Thái Lan và một tổ chức nước ngoài. Trong chương trình có những bài thuyết trình của các tri thức đến từ các nước trong vùng như Indonesia và Phi Luật Tân. Cách đây gần sáu tháng mình đã nhận được lời mời từ giáo sư Roman Meinhold là người chịu trách nhiệm tổ chức chương trình để có một bài tham luận liên quan đến chủ đề cuộc hội thảo. Mình đã nhận lời và xem đây như là một thách thức quan trọng trong quá trình học tập và nghiên cứu của mình. Thách đố lại lớn hơn khi đề tài của mình liên quan đến Phật giáo và đạo đức môi trường chứ không phải một đề tài liên quan đến Kitô giáo. Vì mình là một linh mục Công giáo nghiên cứu về Phật giáo nên mình phải thực hiện bài tham luận một cách nghiêm túc để tránh bị chỉ trích là thiếu hiểu biết hoặc nông cạn.

Vì mình đã có một quá trình chuẩn bị tương đối kỷ lưỡng nên bài tham luận của mình đã được đón nhận với những lời phản hồi tốt. Có người thì nói là do đề tài mang tính học thuật cao nên họ cũng không hiểu hết những gì mình trình bày. Tuy nhiên đối với nhiều người khác thì họ đánh giá bài mình tốt ở sự sâu sắc trong ý tưởng. Một vị giáo sư từ Pháp nói với mình rằng, “Rõ ràng là anh am hiểu về đề tài mà anh đã trình bày.” Mình  nghe lờ nhận xét của ông thì cảm thấy rất phấn chấn vì đối với một nhà nghiên cứu điều quan trọng nhất là sự am hiểu. Cha Jon, một linh mục người Đức đang phục vụ tại Bangkok, sau khi nghe bài tham luận của mình cũng đã có nhiều lời khen làm mình rất vui. Nhưng điều đáng mừng trên hết là trong số những người tham dự chương trình có các vị sư và những người Phật giáo, nhưng không ai phản đối những gì mình trình bày. Chỉ có một vị sư dường như chưa hiểu một phần trong bài của mình, đã đứng lên phát biểu và mình đã giải thích lại những gì mình nói để cho ngài được rõ.   

Vạn sự khởi đầu nan. Để làm một nhà nghiên cứu đòi hỏi nhiều sự đầu tư về thời giờ cũng như chất xám, và luôn nhờ vào ơn Chúa. Như mọi khi trước khi lên đứng nói trước đám đông, mình luôn cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, và sau khi làm xong việc thì mình lại cảm tạ Chúa. Lần này cũng thế. Mình đã không quên cầu xin sự phù trợ khi phải ra thuyết trình về Phật giáo. Và mình cũng đã không quên cảm tạ Chúa vì Ngài đã giúp mình làm tốt công việc mình đã đảm nhận.

Bangkok, ngày 22.9.2014